Chim Việt Cành Nam
Trở về
Trang chủ
Tác giả
IKENIE 
(Đầm tế sống / Cái chết bắt thăm) 

Nguyên tác: Vô danh

Dịch: Nguyễn Nam Trân


Cảnh tế thần trong xã hội cổ đại (Trung Nam Mỹ)
Lược Truyện

Một người đàn ông nọ làm ăn thất bại phải dắt vợ con về miền Đông, những mong nương tựa vào một người bạn sống ở đó. Gia đình gồm ông ta, bà vợ với đứa con gái nhỏ, đã phải trải qua nhiều ngày đi bộ cực nhọc, rốt cuộc đến được một nơi tiếp giáp với núi Fuji. Tuy mệt lả vì chuyến đi dài, họ may mắn tìm ra được một ngôi nhà trọ để qua đêm. Thế nhưng, chủ quán căn dặn họ phải rời quán ngay lúc tờ mờ sáng vì ngày hôm sau sẽ có một buổi lễ cúng vật tế sinh cho thần mãng xà (orochi) của một cái đầm nước (ike) trong vùng. Tất cả bắt buộc phải tham dự dù là dân sở tại hay khách qua đường. Người đàn ông ấy không muốn sự nguy hiểm đến với mình và vợ con nên nhất nhất nghe theo lời khuyên của chủ quán. Lúc cả nhà đang định ra ngõ thoát thân thì chẳng ngờ bị bọn thần quan (quan chức đền Thần đạo) của ngôi đền trong vùng bắt gặp quả tang. Những kẻ đó giải họ đến đền thần và bắt họ dự vào cuộc bắt thăm. Trước tiên người cha lý sự sau chuyển qua van lơn nhưng dù lý sự hay van lơn, thảy đều vô ích. Ông có nói thế nào họ vẫn đẩy gia đình ông vào trong đám đông đang chen chúc bên bờ đầm. Đối với ba người, cuộc bắt thăm không thể tránh khỏi và rủi ro thay, đứa con gái nhỏ của ông bà đã bắt trúng cây thăm (quẻ bói, mikuji) định mệnh. Thấy cha mẹ mình đau khổ đến sững sờ, cô gái mới an ủi rằng nếu chẳng may cây thăm rơi trúng vào một trong hai người thì cô sẽ còn đau khổ gấp bội. Bọn thần quan bèn đưa cô lên một chiếc bè và đẩy ra ngoài đầm trước những cặp mắt vừa kinh hãi vừa thương xót của đám đông đang có mặt. Thế rồi lúc cái thân thể nhỏ bé của cô sắp chìm xuống nước thì tiếng cầu kinh thương cảm đã vang lên khắp nơi. Đột nhiên, một vị thần linh hiện ra và giải cứu cô bởi vì tấm lòng hiếu thảo, lo lắng cho cha mẹ đến quên cả bản thân đã khiến cho quỷ thần cũng phải cảm động.

Cây chuyện cáo đầm tế sống này đến từ một truyền thuyết dân gian của vùng Suruga (tỉnh Shizuoka) và đã trở thành xuất xứ của vở tuồng Nô độc đáo này. Tuy Ikenie thiếu chất thơ và văn từ không được bay bướm như ta mong đợi nhưng nó đã tạo được bầu không khí căng thẳng, rùng rợn - đặc tính của sân khấu Sarugaku vùng Yamato, loại tuồng đặt trọng tâm vào những tình tiết giật gân để lôi cuốn khán giả - và có lẽ điều này đã khiến cho nó về sau bị rút ra khỏi danh sách các vở tuồng được đem ra diễn. Một lý do khác là nó đã trình bày một hình ảnh không mấy tốt đẹp về các nhà lãnh đạo tôn giáo. Sự cuồng tín của Thần chủ tức người cầm đầu bọn thần quan cũng như diễn biến phi nhân của buổi lễ rút thăm đã đem đến cho người xem nỗi sợ hãi và sự bất an khi họ thấy mình phải trực diện với một thế giới quá đỗi dã man và khắc nghiệt. Không chỉ ở Nhật Bản, chủ đề cúng vật tế sinh vô tội để xoa dịu cơn thịnh nộ của thần thánh hay ma quỷ... đã bắt đầu từ một thời xa xưa. May thay là trong phần cuối của vở, bầu không khí căng thẳng đó đã được giải tỏa bằng một kết luận có hậu.

Ikenie bị coi như một phế khúc (haikyoku) nghĩa là không còn thấy đưa lên sân khấu. May là nhờ có sự tinh anh của Arthur Waley (The Noh Play of Japan), người đã trùy lùng được và dịch một phần rồi đến lượt Armen Godel (La lande des Mortifications) dịch toàn văn mà chúng ta mới có cơ hội đọc nó. Về phía tiếng Nhật thì nguyên tác thực là khó kiếm. Theo thông tin của Godel thì cái tên Ikenie chỉ được nhắc đến trong một bảng mục lục mà Kanze Nagatoshi (1488-1541) - người chắt của Zeami – soạn ra vào năm 1524. Cũng may là văn bản của vở hãy còn được Ôwara Takeki (1857-1910) – một nhà giáo nghiên cứu văn học cổ điển, sống vào thời Meiji – sao chép được trong cuốn sách nhan đề Yôkyoku Hyôshaku (Dao khúc bình thích, 1908).

Thông tin kỹ thuật:

Cảnh: 2.

Cảnh 1: Quán trọ (yadoya) trong ngôi làng Shitakata thuộc vùng Suruga (trung bộ Shizuoka).

Cảnh 2: Đầm nước nơi tế thần mãng xà.

Mùa: không ấn định.

Phối vai:

Maejite: Người cha, khách đi đường.

Shitezure: Người mẹ, vợ ông ta.

Kokata (vai con): Con gái của họ.

Waki: Thần chủ (Đại thần quan) của ngôi đền Thần đạo (Miya).

Tomo: Người hầu cận thần chủ.

Kyôgen: Chủ quán

Nochijite: Thần hậu duệ nữ thần Thái Dương (Hi no miko no kami)

Mặt nạ:

Shitezure và Nochijite phải mang mặt nạ.

Xin theo Armen Godel chia tuồng làm 2 phần: A (Cảnh chung quanh nhà trọ) và B (Cảnh bờ đầm).

Văn bản tuồng với lời giải thích (in nghiêng)

A) Phần đầu: Cảnh chung quanh nhà trọ ở ngôi làng Shitakata:

Gia đình 3 người đi đường gồm chồng, vợ và đứa con gái, bước vào sân khấu.

Người cha: Từ nơi xa xôi, khoác manh áo đi đường. Từ nơi xa xôi khoác manh áo đi đường, chúng ta đã nhanh chân đến được một vùng tiếp giáp với miền Đông.

(Nanori = xưng danh) Như tôi đây là cư dân chốn kinh thành (miyako = Kyôto). Ôi, không biết vận hạn thế nào mà công chuyện làm ăn ngày càng thua lỗ khiến cho cuộc sống của tôi quá đỗi khó khăn. Tôi không còn cách nào lưu lại kinh đô được nữa. May là tôi có quen biết một người ở miền Đông, anh ấy có thể giúp đỡ. Vì thế mà cả nhà, tôi với vợ và đứa con gái nhỏ, cả ba người đang hối hả đi về hướng đó.

(Michiyukibun = đoạn tả cảnh đi đường) Từ kinh đô, chúng tôi lên đường lúc gà vừa gáy sáng, chúng tôi lên đường lúc gà vừa gáy sáng. Vâng, con đường về miền Đông này tôi vẫn thường đi. Tới ải Ôsaka, trời nổi gió mạnh như bão (qua mấy rặng tùng) ở Matsumoto, sau đó chúng tôi đã qua bến Yabase (chiếc cầu hình mũi tên) để đi mãi về miền Ômi (sông gần). Chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình đến được Mino mà không biết bao giờ mới đặt chân lên đất Owari (nơi chấm dứt), đến được Mino mà không biết bao giờ mới đặt chân lên đất Owari (nơi chấm dứt). "Chiếc áo đẹp ta mặc quen trên người" [1] là câu thơ đã được (nhà thơ đời xưa) làm ra ở Mikawa (ba con sông) nơi có yatsuhashi (tám cây cầu) giăng như chân nhện (kumode)" [2]này đây . Ôi! Sao mà đầu óc ta nghĩ ngợi loanh quanh như thế nhỉ, chuyện tương lai hãy còn xa, tận xứ Tôtômi (sông xa) [3] cơ mà. Bây giờ chớ nên ngừng lại, mình phải đi cho đến Yoshiwara (cánh đồng hạnh phúc) trong xứ Suruga, nơi chúng ta sẽ tìm ra chỗ trọ, cho đến Yoshiwara, nơi chúng ta sẽ tìm ra chỗ trọ.

(Quay sang nói với chủ quán): Chúng tôi là khách lỡ độ đường. Ông có thể cho ngủ trọ một đêm không?

Chủ quán: Ông muốn trọ ư? Thế thì vào đây! (Ông ta bước vài bước rồi quay lại nhìn họ.) Nghe nói ông là khách đi đường, thế chẳng hay nhà ta định đi về đâu vậy?

Người cha: Chúng tôi từ kinh đô và đang đi tìm một người quen sống ở miền Đông.

Chủ quán: Xa xôi vất vả quá nhỉ! Thế nhưng tôi phải nói riêng với ông một chuyện. Ngày mai, tất cả những ai trọ qua đêm ở đây đều phải tham gia vào cuộc giũ quẻ ở ngôi đền chọn người tế sống cho vị Thần của một cái đầm thiêng trên núi Fuji. Gia đình của ông cũng không có quyền thoái thác. Xui cho ông thật! Vì cơ sự như thế, tôi khuyên ông sáng mai hãy rời cái quán này từ lúc tờ mờ đất. Ông phải giữ kín điều tôi vừa tiết lộ cho ông đấy nhé! Nhớ trốn cho nhanh, càng sớm càng tốt!

Người cha: Ôi, mừng thay! Chúng tôi sẽ trốn khỏi đây càng nhanh càng tốt! (Chủ quán ra khỏi nơi đó trong khi những người đi đường tránh qua một bên. Sau đó, Thần chủ bước vào sân khấu).

Thần chủ: Này, nhà ngươi!

Hầu cận: Thưa thầy, có con đây!

Thần chủ: Đêm qua, 3 khách bộ hành đã trọ qua đêm trong cái quán này. Ta nghe nói chúng hối hả ra đi từ hừng sáng. Mau theo bắt chúng lại cho ta!

Hầu cận: Xin tuân lệnh! (Hầu cận đuổi kịp đoàn người). Này, mấy người kia. Dừng lại đó và đợi ta nào!

Người cha: Ông gọi bọn tôi?

Hầu cận: Chứ ai vào đây nữa!

Người cha: Tại sao ông bắt chúng tôi dừng lại nhỉ? Xin cho biết lý do.

Hầu cận: Phải rồi, phải rồi, nếu các ngươi không biết thì ta cũng thông cảm. Số là ở xứ này, mỗi năm đều có tổ chức lễ tế thần ở cái đầm thiêng trên núi Fuji. Nói cách khác thì hôm nay là ngày tế thần đấy và các ngươi phải đến dự lễ.

Người cha: Theo chỗ tôi hiểu thì việc thờ phụng hay cúng kiến các vị thần phải được tổ chức trong nội bộ của địa phương. Và như thế, chỉ có cư dân ở đây mới có bổn phận đối với thần thánh của họ. Nay nếu các ông muốn ép khách qua đường là những người còn chưa biết đi về đâu phải đến tham dự thì đúng là làm cái chuyện khó có ai chấp nhận.

Hầu cận: Sai rồi, sai rồi. Ông đã lầm to khi lý luận như thế.

(Thần chủ can thiệp vào cuộc đối thoại).

Thần chủ: Này, ông kia nghe tôi bảo! Ông vẫn chưa hiểu đầu đuôi chi cả. Hãy lắng tai đây. Từ xưa, những người khách đi đường ngủ lại quán Yoshiwara đêm trước khi hành lễ đều phải có mặt để cúng tế vị thần của cái đầm, bất kể họ là người từ đâu đến. Vậy ông hãy quày lại cho nhanh! Một khi buỗi lễ chấm dứt, các ông các bà vẫn có thể yên tâm lên đường.

Người cha: Nếu tôi hiểu những gì thầy nói và giống như điều tôi vừa phát biểu thì cuộc tế lễ chỉ liên quan đến vùng này và những con người sinh đẻ ở đây. Nếu quí vị ép uổng khách bộ hành cũng phải tham gia thì thú thật, tôi thấy nó không ổn.

Thần chủ: Nhưng mà từ xưa luật lệ ở đây đã được ấn định như vậy đó!

Người cha: Nhìn vào thực tế, cứ cho là thầy có lý đi. Nhưng tôi cúi đầu van lạy thầy, không phải thầy là người chấp hành luật lệ mà là người đang ở trong vị trí lãnh đạo. Xin thầy hãy khoan dung với chúng tôi!

Thần chủ: Thế thì ông muốn trở thành người đầu tiên cả gan làm chuyện trái luật à?

Người cha: Xin lỗi thầy. Tôi không hề có ý đó. Trong tình trạng hiện tại của tôi, phải van lơn như thế còn làm tôi xấu hổ. Tuy nhiên, cho phép tôi trình bày một cách thực thà. Tôi là người sinh sống ở kinh đô. Ôi, không biết định mệnh xui khiến thế nào mà gia đình tôi xuất thân làm ăn ngày càng lụn bại khiến tôi lâm vào bước đường cùng. Cuộc đời và sự nghiệp của tôi tưởng không còn phương cứu vãn nhưng may còn có một người quen sống ở miền Đông muốn giúp tôi. Vì lẽ đó tôi mới đem cả gia đình tìm đến đất này. Tôi hoàn toàn hiểu những lời thầy dạy nhưng tôi xin van thầy hãy cho phép gia đình tôi rời khỏi nơi đây!

Thần chủ: " Thật tình mà nói, thật tình mà nói, ông có lý do chính đáng để than van cho số phận đấy. Tuy nhiên từ thiên niên vạn đại đã có bao nhiêu cảnh cha mẹ phải dứt tình với con cái, con cái bị cắt đứt khỏi vòng tay cha mẹ, vợ chồng chịu cảnh chia lìa, những trường hợp đó đếm sao cho xiết. Thôi, ông hãy quên đi mấy chuyện đó rồi tập trung nhớ lại việc mình đã làm trong tiền kiếp và vui lòng đến dự buổi lễ cho tôi nhờ".

Phát biểu xong ông và mọi người bèn đẩy mấy cha con về phía cái đầm.

Người mẹ và cô con gái: "Chúng ta sẽ ra sao đây!". Bà mẹ và cô con gái gào khóc và nấp vào bên trong đôi tay của người cha.

Người cha: Người cha cũng há hốc, vì quá sửng sốt nên nghẹn lời.

Thần chủ: Thần chủ bảo: "Thôi mà, các người muốn đứng chết dí ở đó hay sao?" rồi bắt cả ba phải rời nhau ra.

Hầu cận: Ông thầy đã đẩy họ ra đằng trước. Coi cách họ đi đứng kìa!

Thần chủ: Nếu phải đem so sánh với vật gì khác...

Hợp xướng: ..thì thấy họ giống như những tội nhân ở chốn suối vàng (hoàng tuyền) bị hành hạ và trừng phạt trong thời kỳ Trung Hữu [4]khi hãy còn chưa được đầu thai, lòng lo lắng như giọt sương sắp tan biến. Than ôi! Bằng những bước chân của con cừu bị dắt tới lò mỗ thịt, họ đi sát bên nhau và mắt nhòa những lệ. Giờ họ đã đến được cái đầm thiêng trên núi Fuji, họ đã đến được cái đầm thiêng trên núi Fuji.

Thần chủ: Một khi đã đến được bờ đầm, thần chủ đi hàng đầu và các thần quan trong đền nối bước theo sau. Những cô đồng (miko) và vũ công múa nhạc thần (Kagura) [5] ngồi thành vòng tròn quanh đầm nước thiêng. (Thần chủ ngồi lên một cái ghế hình viên trụ).

Hợp xướng: "Chỉ có một que có đánh dấu chỉ định người được chọn làm vật tế sống. Nếu định mệnh chọn tôi thì mình phải tính sao đây?". Hàng trăm người đều nghĩ chung một kiểu!

Thần chủ: Họ tựa vào nhau và nắm tay nhau.

Hợp xướng: Mặt không còn sắc máu.

Thần chủ: Gan như tiêu tán.

Hợp xướng: Chuyện biết được ai là nạn nhân hãy còn chưa rõ như đang chôn dấu dưới lớp tuyết trắng dày [6]. Chắp lấy hai tay, mọi người dốc lòng cầu khẩn thần linh của dòng họ mình rằng: "Xin cứu lấy tôi!"

Thần chủ: Nhưng chẳng bao lâu thần chủ đã đứng lên, chẳng bao lâu thần chủ đã đứng lên. Ông ta mở nắp một cái rương đầy những quẻ bói rồi cho mỗi người rút lấy một que và xem trên que đó có đánh số hay không.

Hợp xướng: Rồi đám đông đang tụ tập kia đều lui về chỗ cũ của mình và trong rương còn mỗi một que chưa ai bắt. Khi người tham dự không thấy con số 1 ghi trên que của mình, họ như vỡ òa vì sung sướng. Thế nhưng trong bọn có một người mà sự bất hạnh của luật nhân quả đã giáng lên. Đó là cô gái nhỏ, con của hai người lữ khách. Cô bé ngã lăn ra, mặt úp xuông đất. Ôi chao ôi, nước mắt cô tuôn ra ràn rụa.

(Thần chủ nói với người hầu cận)

Thần chủ: Có phải lữ khách là một nhóm 3 người không? Thế sao họ chỉ trả lại ta có hai que. Hãy đi tới gặp họ và đòi lại cái quẻ bói còn thiếu!

Hầu cận: Xin tuân lệnh thầy. (Ông ta đi đến bên lữ khách). Này lữ khách, hãy nghe ta nói. Bọn ông tất cả 3 người cớ sao chỉ trả về hai quẻ bói. Hãy trình cho ta cái que còn thiếu vì ngài Thần chủ đang đòi!

Người cha: Hả? Chúng tôi đã trả lại hết rồi mà!

Hầu cận: Có thấy đâu nào! Cái que của con bé còn chưa hoàn lại. (Ông bèn lục soát đứa bé gái và tìm được quẻ bói bị thiếu) À, nó đây rồi! Và quẻ bói này có đánh số 1.

Người mẹ: Than ôi! Đúng là quẻ bói còn sót lại có đánh số 1. Buồn quá đi thôi! Chúng ta đã từ giã kinh đô để sống đời phiêu bạt. Nếu chúng ta có đi đến miền Đông xa xăm và đầy bất trắc này cũng chỉ vì muốn cho con mình mai mốt có được một tương lai chắc chắn. Ba mẹ đã tin tưởng như vậy nên mới cùng con làm cuộc hành trình gian khổ này. Giờ đây nếu họ đoạt sinh mạng của con thì mẹ đây đâu còn biết sống để làm gì. Ôi, sao mà tôi bất hạnh thế này!

Cô con gái: Thôi ba mẹ ơi, đừng than thở nữa. Bởi vì nếu ba hay mẹ rút phải quẻ này thì không biết thân con sẽ ra sao! Nhưng bây giờ con phải quyết tâm rời bỏ mẹ cha. Ôi, thật là đáng tiếc.

Người cha: Thật tình, thật tình, cha thấy tất cả đạo đức làm người đã nằm cả bên trong câu nói của con. Lòng hiếu kính đọng lại chỉ trong một câu thôi: "Nếu một trong hai người là cha mẹ của tôi bắt trúng quẻ này thì tấm thân đứa con gái như tôi sẽ ra sao?" (Ông quay lại nói với người mẹ đang khóc) Hãy tiến lên, hãy ra đằng trước mặt những kẻ đó, dù họ sang hay hèn, và hãy nén lấy nước mắt! Anh và em là cha mẹ của con, nỗi khổ của chúng ta có khác gì nhau. Dù ngay lúc đầu, khi phải rút quẻ bói, anh đã linh cảm rằng tai họa sẽ giáng xuống một trong ba đứa chúng mình. Thế nhưng giờ đây anh không làm sao khóc được.

Người mẹ: Em cũng từng suy nghĩ giống anh, nhưng hoàn cảnh đã xảy ra ngoài sức chịu đựng của em. Đó là một hiện thực nên em không thể phản ứng cách khác.

Người cha: Và tới phiên người cha. Cho đến nay ông chưa hề phơi bày sự yếu đuối và đã đoan chắc là lòng mình không lay chuyển.Thế nhưng nay ông đã cảm thấy sự ràng buộc của tình phụ tử nên để cho nước mắt tuôn trào.

Người mẹ: "Đây là sự thực hay chỉ là một giấc mơ thôi?" Người mẹ buồn bã ghì lấy con.

Người cha: Và người cha siết chặt cả hai.

Người cha và người mẹ: "Trên thực tế, cái duyên của cha mẹ với con cái chỉ kéo dài nội trong một kiếp [7]. Này con gái ơi! Hãy nhìn mặt cha mẹ cho thật kỹ vì chúng ta gặp con lần này là lần cuối". Nhưng đôi mắt của họ đã tối sầm lại và mỗi lúc mỗi nhòa thêm vì lệ.

Hợp xướng: Trên núi Fuji khói tỏa. "Ôi, nỗi khổ của ta còn cao hơn cả núi. Bây giờ tôi mới hiểu về mình vì biệt ly đúng là buồn thảm. "Trên cành cây ủ rủ, hỏi có hoa nào nở được!" Phải rồi, hỏi có hoa nào nở được! "Hãy cho tôi thấy dáng vẻ bên ngoài của nó, tôi sẽ biết bên trong lòng nó thế nào!"[8]. Tấm lòng của người viết nên những lời thơ đó đã thấm vào da thịt của ta".....

Đám đông bất luận kẻ sang người hèn khi nhìn thấy nỗi khổ của người cha và người mẹ đều cảm thấy đồng tình. Do đó họ đã gào khóc trong bóng chiều và đưa ống tay lên để lau nước mắt rồi cùng cất cao giọng: "Ôi buồn làm sao cảnh tượng những cành cây ủ rủ và đẫm lệ, ôi buồn làm sao quang cảnh những cành cây ủ rủ và đẫm lệ".

(Đến đây là Nakairi, chỗ nghỉ giữa hai màn)

Có sự thay đổi về Shite. Maejite (người cha) nhường chỗ cho Nochijite (Hi no miko no kami, vị thần hậu duệ Nữ Thần Thái Dương).

Phần sau: Cảnh tượng bên bờ đầm:

Thần chủ: Giờ chấp hành đã điểm. Thần chủ và các thần quan trong đền, không chừa một ai, nối đuôi nhau đi vòng quanh bờ đầm.

Hợp xướng: Thế rồi người ta đã đặt nàng trinh nữ hứa dâng cho thần bên trên năm tấm chiếu dày bằng rơm vào trong một chiếc bè trang trí bằng những chùm giấy thiêng thắt lại với nhau[9]

Thần chủ: Và Thần chủ tay cầm cái gậy trang trí một chùm giấy cuộn tròn, xướng lên lời chúc từ (norito) khai lễ: "Kính cẩn cúi lạy thần linh và xin khấn nguyện ngài. Hôm nay tại làng Shitataka thuộc địa hạt Fuji trong tỉnh Sun (Sunshuu =Tuấn châu) [10] nước Đại Nhật Bản, chúng con xin dâng lên Thần mãng xà của Đầm thiêng một nàng trinh nữ trẻ trung làm vật tế sinh".

Con xin được phép ngước nhìn ngài, ôi vị thần linh thiêng. Xin nài cho biết chúng con phải làm gì? Xin cho đôi mắt như hai đóa hoa sen xanh của ngài chiếu ánh sáng nhân từ, xin cho tám lỗ tai tôn quí như tai nai đực (saoshika) của ngài nghe rõ lời khấn nguyện của chúng con. Xin ngài vui lòng nhận cho của lễ này!"

Hợp xướng: Khi mà vị Kakuô (Giác vương) Nyôrai (Như Lai) tức bậc giác ngộ ở bản địa (honji) ra khỏi đô thành Jakuchô (Tịch Quang) [11]nơi đầy ánh sáng thanh tĩnh....

Thần chủ: ... là để mang lấy hình hài cụ thể (zuishaki) trong một phút giây nào đó[12]...Chúng sinh đang đắm chìm trong cõi mê lầm và không ngừng gây thêm tội lỗi, nếu muốn được cứu vớt chỉ còn cách là dâng vật tế sinh.

Hợp xướng: Thần linh ơi, chúng con xin đội ơn ngài. Tuy nhiên, chỉ có ngài mới có thể ngưng việc tế sinh ở cái đầm này cũng như nhấc đi được nỗi lo lắng của dân chúng trong vùng. Ô kìa, hãy nhìn xuống mặt đầm, hãy nhìn xuống mặt đầm. Đã có những ngọn sóng nhỏ lăn tăn dậy lên rồi nước bắt đầu sôi sục và gió thổi đến dữ dội. Trong khi đó chiếc bè màu đỏ vì trét chu sa đang lìa khỏi bờ và càng lúc càng bơi ra xa. Người cha và người mẹ nhìn theo bóng chiếc bè vừa gào lên "Con ơi, con!" trong khi đó đứa con gái tiếc nuối nhìn về phía họ và đưa tay ra vẫy chẳng khác nào cánh tay của Công nương Saho de Matsura[13] (vẫy gọi người yêu) khiến tất cả người có mặt phải rưng rưng nước mắt và sụp xuống lạy. (Lúc này vị thần Hi no miko no kami chợt hiện ra).

Thần Hi no Kami: Như ta đây tên goi Hi no miko no kami, sứ giả của thần núi Fuji.Ta là một trong nhiều hậu duệ của Nữ Thần Thái Dương. Lần này, đứa con gái của hai người lữ khách đã rút phải cái quẻ chỉ định kẻ làm vật tế sinh và cha mẹ nó đang khổ đau cùng cực. Đến nỗi đám đông đang đứng ven bờ đầm cũng mong sao kể từ ngay hôm nay, việc cúng người làm vật tế sinh ở nơi đây phải được chấm dứt để vùng đất này tìm lại sự bình an. Đó chính là...

Hợp xướng: ..."Đó là lời thần thác và ta truyền lại cho các ngươi hôm nay, đó là lời thần thác và ta truyền lại cho các ngươi hôm nay". Vừa lúc đó, mây đang che phủ bầu trời bỗng tan đi, tiếng gió cũng im hơi. Những ngọn sóng bạc không còn tụ lại nữa và mặt đầm giờ đã lặng yên.

Thần Hi no Kami: Xưa kia trong vùng Izumo, đã từng xảy ra câu chuyện tương tự. Trên thượng nguồn sông Hi (Hi no kawa), có cái đầm nơi một con mãng xà đang náu mình. Người ta thường đem người sống làm vật tế sinh. Một hôm đến phiên Công chúa Kushinada vốn là người con gái từ vùng đồng ruộng. Nhưng vị thần Susano-wo-no-Mikoto [14]đã can thiệp và ngài không để cho quái vật thoát thân. Ngài tuốt kiếm và chỉ bằng một nhát, chặt phăng đầu của con mãng xà tám thân (Yamata no Orochi) hung ác. Kể từ đó, không còn có gì xảy ra ở cái đầm ấy nữa.

Giống như câu truyện kể trên, con quái vật từng ám ảnh cuộc sống vùng đất này bấy lâu đã bị Thần núi Fuji (Fuji Gongen) trừng trị, và như thế, từ hôm nay, cái đầm tế sinh này sẽ hết hoạt động. Đó là lời thần thác cho ta để báo cho các ngươi hay. Hãy đẩy mái chèo đưa cái bè kia về nơi xuất phát và trả đứa con gái lại cho cha mẹ thân yêu của nó".

Sau khi nói xong những lời đó, thần Hi no Miko vừa chiếu ánh sáng lấp lánh khi vượt qua những chòm mây trắng để bay vút lên trời cao về phía đỉnh Fuji. Thần đi xuyên qua những lớp tuyết và xé màn sương mù, thần đi xuyên qua những lớp tuyết và xé màn sương mù, rồi bay lên mãi cho đến khi về tới cung điện của mình.


Thần Susano-wo-no-Mikoto giết mãng xà 8 thân

Vương phi Tachibana-hime làm vật hy sinh cho thần biển

Phần chú thích:

[1] - Ý thơ của vương tử Ariwara no Narihira, có chép trong Ise Monogatari (Truyện Ise). Ông vịnh đóa hoa xương bồ gặp trên đường nhân khi cùng với mấy người bạn đi về miền Đông và đến được vùng Mikawa (nay gần Nagoya, tỉnh Aichi). Vì giống xương bồ (ayame, iris) đó có tên là Kakitsuhata nên 5 câu thơ lần lượt bắt đầu bằng 5 âm tiết Ka-Ki-Tsu-Ha-Ta. Về nội dung thì nó bày tỏ tấm lòng của chàng thương nhớ người yêu ở kinh đô (xem hình ảnh người yêu đang ở miền xa như tấm áo đẹp mình đã mặc quen trên người suốt cuộc lữ hành).
[2] - Những địa danh như Mikaiwa, Yatsuhashi, Kumode...đã xuất hiện trong Ise Monogatari (Truyện Ise) cũng như trong một bài thơ tình do tác giả vô danh sáng tác và được chép ở Zoku-Kokin shuu (Tục Cổ Kim Tập) và đã trở thành hình ảnh ước lệ của loại văn đi đường..
[3] - Đoạn này, tác giả dùng nhiều lần thủ pháp chơi chữ: các địa danh như Matsumoto, Ôwari, Ômi, Tôtômi vv...đều được dùng với nghĩa đen và nghĩa bóng.
[4] - Trung Hữu (Chuu-u) hay Trung Ấm (Chuu-in) trong tín ngưỡng Phật giáo là khoảng thời gian 49 ngày sau khi chết, lúc kẻ quá cố còn chưa được đi đầu thai.
[5] - Đề tài của các vũ khúc Kagura (Thần nhạc) này được trực tiếp lấy ra từ bộ cổ sử Kojiki (Cổ Sự Ký).
[6] - Thành ngữ đời xưa chủ trương rằng liên hệ cha mẹ với con cái chỉ giới hạn trong một kiếp, trong khi giữa vợ chồng là 2 kiếp và giữa thầy trò, chủ tớ là 3 kiếp (kiếp trước, kiếp hiện tại và kiếp sau). Không hiểu vì lý do gì!
[7] - Ý một câu thơ của Thái thượng hoàng Go-Shirakawa chép trong Truyện Heike." Hãy cho ta xem thịt (mi) một trái cây, ta sẽ biết trong ruột nó thế nào".
[8] - Có lẽ là lớp tuyết trùm lên dỉnh núi Fuji nơi thần núi ngự trị?
[9] - Gọi một cách tôn kính là Gohei (ngự tệ) vốn làm bằng những chùm giấy trắng hay giấy màu (kim ngân, ngũ sắc) và được buộc vào một cành tre, dùng với tính cách bùa chú trong Thần đạo. Cách trang trí này thay đổi tùy theo vai trò vị thần đối tượng của sự cầu xin..
[10] - "Tuấn" là "ngựa hay. Tuấn châu" là tên văn vẻ của vùng Suruga (Tuấn Hà)..
[11] - Đoạn này thể hiện khuynh hướng kết hợp Thần Phật của Thần đạo (Thần Phật đồng thể thuyết) khi xem những vị thần bản địa (honji =Nhật Bản) là hóa thân của chư Phật và chư Bồ Tát vì muốn cứu đời nên phải hóa thân cho thích hợp (suijaku) với hoàn cảnh của Nhật Bản (Thuyết bản địa thùy tích = Honji Suijaku)..
[12] - Có lẽ Thần chủ muốn xem núi Fuji nơi có thần mãng xà này là hóa thân của Phật Như Lai, đã hiện ra với hình dáng cụ thể để mọi người có thể thấy được?.Trong Thần đạo, một hòn núi linh thiêng tự nó có thể là một vị thần.
[13] - Thời cổ đại, có nàng Saho sống ở Matsura vùng Hizen trên đảo Kyuushuu đã có một đêm ân ái tuyệt vời với người yêu là chàng Otomo no Sadehiko, một chiến binh trên đường sang đánh Triều Tiên. Sáng hôm sau nàng lên đỉnh núi Kagamiyama (Kính sơn) vẫy tay áo để tiễn chàng đi. Chuyện về nàng có ghi lại trong 2 bài thơ của Man. yôshuu (Vạn Diệp Tập, bài 874 và 875).
[14] - Tương truyền ông là người em trai ngỗ nghịch nhưng dũng mãnh của Nữ Thần Thái Dương Amaterasu. Câu chuyện này đã được ghi lại trong chương 9, quyển thượng của Kojiki (Cổ Sự Ký).

Lạm bàn của người dịch:

Ikenie được viết bằng chữ Hán với hai tự dạng khác nhau nhờ ở khả năng hoán chuyển thấy trong văn tự Nhật Bản. Khi viết là sinh chí 生贄 thìì nó có nghĩa là lễ vật (chí贄) bằng con vật tế sinh (sinh生 / 牲) còn khi viết bằng trì chí 池贄 có nghĩa là lễ vật cúng cho Hà Bá hay thần sống dưới nước bởi vì trì 池 là cái ao hay đầm nước.

Việc tế sinh đã có từ lâu đời trong lịch sử nhân loại. Sách Lê Vi Ký của Kinh Thánh Cựu Ước có thuật chuyện dân Do Thái đã dùng dê (yagi) tế thần, lấy máu nó để chuộc tội. Chúa Jesus Christ cũng ví việc chết thay cho tội lỗi loài người của mình như chiên (cừu) con bị đem ra dùng vào việc tế sinh.

Các nền văn minh cổ đại như ở Mexico hay Hy Lạp đều có việc tế sinh này. Ở Trung Quốc có truyện quan Thái thú Tây Môn Báo thời Chiến Quốc đã bài trừ hủ tục Hà Bà lấy vợ ở đất Nghiệp bằng cách liệng bọn đồng cốt và hương đảng tham ô và hại dân xuống đáy sông. Quốc gia Nam Mỹ như Peru có ghi lai một cuộc tế sinh 140 trẻ con vào khoảng năm 1400. Quốc gia Á châu như Nepal thì tục lệ tế sinh rất phổ biến trong Ấn giao đến nỗi nhà nước phải đợi đến năm 2015 mới ra được luật cấm tuy đến năm 2019, tục lệ đó (bằng súc vật như trâu bò) hãy còn tồn tại.

Ở Nhật Bản, sách Nihon Shoki (Nhật Bản Thư Kỷ) có chép việc tế sống bằng bò ngựa vào năm 642. Các cuộc khai quật khảo cổ trên đất Nhật cũng cho thấy vào thế kỷ thứ 6 và 7 đã có nhiều cuộc tế lễ (chẳng hạn để cầu mưa và tránh dịch lệ) bằng cách hy sinh bò, ngựa. Nó được chứng minh bằng con số xương bò và ngựa đào được. Hai giống thú này là những súc vật quí trong nông nghiệp nên việc dùng chúng để giảm bớt cơn thịnh nô của chư thần là việc chẳng đặng đừng.

Sách Kojiki (Cổ Sự Ký), quyển thượng, có kể lại việc thần Susano-wo no Mikoto đã giết con mãng xà tám thân (Yamata no Orochi) để cứu nàng con gái đẹp Kushinada-hime bị bắt làm vật tế sinh và sau đó, thần đã cưới nàng làm vợ. Nó có nhiều điểm tương tự truyền thuyết Thạch Sanh chém chằng cứu công chúa. Ngoài ra ở quyển trung của Kojiki cũng có truyện người vợ của Hoàng tử Yamato Takeru (Nhật Bản Vũ Tôn) là nàng Tachibana-hime đã nhảy xuống biển Uraga làm vật hy sinh để hải thần ngưng gây sóng gió nhằm nhận chìm chiếc thuyền mà vợ chồng họ đang đi.

Kể từ đó, việc cúng thần bằng tế thịt sống hay thịt chín đã lan truyền trên khắp nước Nhật và được ghi chép trong ký sự của nhiều địa phương. Ngoài ra vào thời xa xưa, tục lệ cột người gọi là hitobashira (nhân trụ) thường là tử tù vào chân cầu để làm vật tế cầu cũng thấy ở Nhật. Tuy không cùng bản chất với ikenie nhưng có chung hình thức.

May thay, câu chuyện giết mãng xà cứu người đẹp của Susano-wo- no-Mikoto trong thần thoại và sự can thiệp của thần Hi no miko ở đoạn kết của vở tuồng này đã đánh dấu cố gắng của xã hội Nhật Bản cổ đại nhằm bài trừ một hủ tục do mê tín đã tồn tại suốt thời tiền sử.

Tôkyô ngày 6 tháng 5 năm 2020

Thư Mục Tham khảo:

  1. Ikenie (Vật tế sinh / Cái chết bắt thăm), Ôwada Tateki, Yôkyoku Hyôshaku, (Bình luận và chú thích Dao Khúc), 1908, Hakubundô , Tôkyô xuất bản. (Từ trang mạng Thư Viện Quốc Hội Nhật Bản).. Nguyên tác cổ văn.
  2. Ikenie (Vật tế sinh / Cái chết bắt thăm) trong La landes des mortifications. Vingt-cinq pièces de Nô (Cõi thống khổ. Hai mươi lăm vở tuồng Nô). Do Armen Godel và Koichi Kano dịch sang Pháp văn. Gallimard, Paris 1994. Bản ngoại văn tham chiếu.