Monmartre dưới mắt
một họa sĩ Nhật
Lời người biên dịch:
Từ thời Minh Trị Duy Tân,
cùng với phong trào văn minh khai sáng, ảnh hưởng các nước
Âu Mỹ trên mọi lãnh vực của đời sống người Nhật thật
là to lớn. Nó kéo Nhật Bản ra khỏi sự khống chế của
văn hóa Trung Hoa vốn đã kéo dài từ nhiều thế kỷ. Bài
viết dưới đây chỉ tập trung vào văn học, một trọng điểm
của cuộc di thực (transplantation) văn hóa đó, qua công trình
nghiên cứu của một học giả bản xứ, giáo sư Tomita Hitoshi.
Tuy chỉ đề cập đến ảnh hưởng của văn học Pháp đối
với người Nhật đời Duy Tân, nó là một tư liệu quí giá
cho việc tìm hiểu và so sánh những hướng đi của văn học
Á châu cận đại, trong đó có Việt Nam.
Riêng về tác giả thì giáo
sư Tomita Hitoshi sinh năm 1933 tại Tôkyô, tốt ngiệp đại học
Waseda và đã xong bậc tiến sĩ. Ông từng là giáo sư Đại
học Nihon và Hội trưởng Hội nghiên cứu văn học Pháp Nhật,
giám đốc điều hành Hội nghiên cứu văn học đối chiếu
Nhật Bản và thành viên Hội nghiên cứu văn học Pháp ngữ
của Nhật Bản.
...... Tiếp xúc Pháp Nhật
Cuộc tiếp xúc giữa hai nước
Pháp Nhật đã bắt đầu từ những năm đầu tiên của thế
kỷ 17. Thàng 10 năm 1615 (năm Gen.na nguyên niên), Date Masamune,
lãnh chúa vùng Sendai, đã gửi một phái đoàn
sang Âu châu để yết kiến
Giáo hoàng Roma. Đoàn sứ giả này khi gần đến nơi đã gặp
bão, phải lên bộ và tạm trú 3 hôm ở Saint Tropez thuộc miền
Nam nước Pháp. Tài liệu nói về việc phu nhân của nhà cai
trị đất ấy đã tổ chức thù tiếp trưởng đoàn Hasekura
Tsunenaga và đoàn tùy tùng như thế nào hãy còn được lưu
trữ trong thư viện thành phố Carpentras.
Tuy nhiên phải đợi đến một
vài năm sau (1619) mới có người Pháp đầu tiên đến Nhật.
Ông ta tên là Franccois Caron, tùng sự tại Thương quán Hà Lan
ở thành phố Hirado (thuộc tỉnh Nagasaki). Lý do đưa đến
sự có mặt của Caron là việc cha mẹ ông trước đó đã
từ Pháp sang Bỉ di trú. Rốt cuộc, ông đã đến Nhật với
tư cách công dân Hà Lan.
Ngày nay người ta lại nghĩ
rằng người mang quốc tịch Pháp đến Nhật đầu tiên phải
là linh mục Guillaume Courtet. Linh mục đã từ Manila (Philippines)
đến Nhật vào tháng 6 năm 1636 với tư cách một nhà truyền
giáo Dòng Dominico (Tây Ban Nha), thế nhưng lúc đó ông lại
mang tên Tây Ban Nha là sư huynh Thomas de Santo Domingo. Khi vừa
đổ bộ, ông đã bị chính quyền đảo Ryuukyuu khám phá, và
vì thời ấy đang có luật cấm đạo nghiêm khắc, ông bị
gửi về Nagasaki, chịu nhục hình thảm khốc rồi tuẫn đạo
vào ngày 29/89/1637. Như thế, những cuộc tiếp xúc Pháp Nhật
đầu tiên đều thông qua hoạt động của đạo Ki-Tô nhưng
những sự kiện đó chỉ được chép trong tư liệu ngoại
quốc chứ về phía Nhật thì không thấy gì cả.
Sau đó, lúc Nhật Bản bước
vào thời đại bế quan tỏa cảng (sakoku), Hà Lan là nước
Âu châu duy nhất được giao thương với họ nhưng khá hạn
chế. Sách vở Hà Lan được đem vào nhưng sách tiếng Pháp
chỉ có lưa thưa và hơn nữa, chúng đều là loại sách vở
có giá trị thực dụng cao như Cinq livres de la Chiurgie (Ngoại
khoa học khái luận) của Ambroise Paré hay Le Dictionnaire Universel
(Bách khoa từ điển) của Noel Chomel. Đến thế kỷ 18 thì
người Pháp cũng lần hồi biết đến nước Nhật thông qua
tri thức Hà Lan và bắt đầu chú ý đến đảo quốc xa xôi
này.
Qua thế kỷ 19, thái độ của
Nhật Bản đối với quốc tế có thay đổi ít nhiều. Người
Nhật bắt đầu học tiếng Pháp. Dưới sự chỉ đạo của
Thương quán trưởng Hà Lan ở Nagasaki là Hendrix Doeff, nhóm
các ông thông ngôn Motoki Masashige đã thử soạn ra cuốn "Phất
Lang Sát Từ Phạm" tức sách bàn về ngữ pháp tiếng Pháp.
Một người khác không ở trong nhóm đó là Murakami Hidetoshi,
tuy chỉ tự học, đã viết được quyển Sango Binran (Tam Ngữ
Tiện Lãm) đối chiếu ngữ vựng 3 thứ tiếng Pháp, Anh và
Nhật (theo cách nói của người Nhật phải là Nhật, Anh, Hòa,
NNT).
Cũng vào thời đó, nhà thơ
Hán thi Rai San.yô (1780-1832) đã có những bài thơ ca ngợi Hoàng
đế Napoléon, chứng tỏ uy danh của Napoléon đã chấn động
cả đến Nhật Bản và đáng để ý hơn nữa là nó xuất
hiện trong những bài thơ làm bằng chữ Hán. Đó là những
tác phẩm văn chương đầu tiên của Nhật có nhắc đến nước
Pháp.
Chẳng bao lâu sau (7/1853), hạm
đội của Đề đốc Matthew Perry lại đến đòi thông thương
và Nhật đã phải ký kết những điều ước hòa hiếu, cho
phép Mỹ và sau đó là các nước Âu châu, trong đó có Pháp,
đến buôn bán. Năm 1867 (Keiô thứ 3), vào dịp Hội Chợ Triển
Lãm (Đấu Xảo) ở Paris, công tử Tokugawa Akitake đã đại
diện anh mình là Shôgun Yoshinobu đến dự và nhân dịp đó,
đặt nền tảng ngoại giao giữa hai nước. Hội Chợ này là
một cơ hội để cho người Âu Châu tìm hiểu nhiều hơn về
mỹ thuật và văn hóa Nhật Bản. Trong gian hàng Nhật có một
trà thất thu nhỏ với sự hiện diện của các nàng geisha.
Nhân dịp này, văn nhân Pháp như anh em Goncourt và nhà thơ Prosper
Mérimée đã có cơ hội bày tỏ sự mến mộ nước Nhật trong
các áng văn thơ của họ. Anh em Goncourt có ấn tượng tốt
về tranh Ukiyo-e, đặc biệt tác phẩm của Katsushika Hokusai,
Kitagawa Utamaro... trong khi nhà thơ Mérimée lại chú ý đến
giải thắt lưng obi của các geisha giống như một "cái bướu"sau
lưng như cách ông mô tả.
Khi chính quyền Tokugawa tan rã
và nhà nước Meiji được dựng lên,mối liên hệ Pháp - Nhật
có một chuyển biến tế nhị. Trước kia, Mạc Phủ và Pháp
ăn ý với nhau, Pháp đã gửi cố vấn quân sự đến Nhật,
giúp Mạc phủ xây dựng xưởng chế thép ở Yokosuka và trường
dạy tiếng Pháp ở Yokohama. Khi công tử Tokugawa Akitake đến
Paris dự Hội Chợ Quốc Tế, ông cũng muốn thừa dịp đó
cầu viện người Pháp về mặt kinh tế để chiến thắng
trong việc đối kháng với các lực lượng cần vương như
phiên Satsuma vốn được sự trợ lực của người Anh. Trên
thực chất, lúc đó Mạc phủ nắm chủ quyền ở Nhật nên
hai bên chính quyền đã lên khung nhiều kế hoạch hợp tác.
Nào ngờ Mạc phủ đại bại, nhà nước Minh Trị được dựng
lên và mọi sự đều phải thay đổi.
May mắn cho Pháp lúc đó là
tân chính quyền Nhật Bản vẫn muốn tiếp tục phát triển
nhà máy thép Yokosuka và dựng thêm nhà máy tơ sợi Tomioka nên
cần đến chuyên viên kỹ thuật của họ. Người Nhật khi
ấy tính chuyện làm ăn lâu dài với Pháp để du nhập các
kỹ thuật ưu tú của phương Tây. Việc François Covanier đổi
mới cách khai thác mỏ quặng, Henri Bregrand (phiên âm) tham gia
xây dựng hệ thống đèn khí đốt cho thành phố Yokohama...là
những ví dụ cụ thể của cuộc hợp tác mới mẻ này.
Thế nhưng một nhu cầu cấp
thiết khác của nhà nước "thực sản hưng quốc" Nhật Bản
lúc đó là một hệ thống pháp luật có tính cận đại cũng
như các định chế văn hóa Tây phương, trong đó có việc
giới thiệu văn học. Đồng thời, tình hình của thập niên
1870 thời Minh Trị đã cho phép họ có thể bước từ việc
giới thiệu sách vở có tính thực dụng sang việc giới thiệu
các tác phẩm văn học. Chẳng phải đợi lâu, việc phiên
dịch văn học từ ngôn ngữ Tây phương đã được xúc tiến
ồ ạt.
Ở thời điểm 1879 (Meiji 11)
việc Oda Jun.ichirô xuất bản Karyuu Shunwa (Hoa Liễu Xuân Thoại),
bản dịch những chuyện lạ ở Âu châu (Âu châu kỳ sự),
được coi là cột mốc đáng ghi nhớ trong văn học sử Nhật
Bản bởi vì cùng năm ấy đã có Le Tour du monde en quatre-vingts
jours của Jules Verne được Kawashima Tadanosuke dịch thành Hachijuu
nikkan sekai isshuu (Bát thập nhật gian thế giới nhất chu).
Đây có thể nói là bản dịch một tác phẩm văn học Pháp
đầu tiên sang tiếng Nhật.
Lúc ấy cũng là thời kỳ mà
Saionji Kinmochi (1849-1940) một nhà quí tộc có du học ở Pháp
– với sự hợp tác của bà Judith Gauthier – đã xuất bản
Seirei-shuu Tinh Linh Tập (Poèmes de la libellule,1885) tại Paris.
Ông đã tuyển chọn thơ waka trong Kokin waka-shuu (Cổ Kim Hòa
Ca Tập, 905? 914?) cũng như từ những tập khác để dịch ra
tiếng Pháp và sau đó bà Gauthier chuyển ra thể thơ. Có thể
xem - trong một chiều ngược lại – tập thơ này là tác phẩm
văn học Nhật Bản đầu tiên được chuyển ngữ sang Pháp
văn.

Yano Ryuukei tìm cảm
hứng từ tác phẩm của Jules Verne
Quyển sách của chúng tôi (Tomita
Hitoshi) bàn về ảnh hưởng của tác phẩm dịch thuật từ
tiếng Pháp đến các tác phẩm do người Nhật sáng tác. Chẳng
hạn chúng tôi sẽ tìm hiểu bản dịch "Bát thập gian thế
giới nhất chu" của Kawashima (dịch Jules Verne) về sau đã ảnh
hưởng đến Ukishiro Monogatari (Phù thành vật ngữ, Truyện
cái thành nổi) của Yano Ryuukei như thế nào, "Hai vạn dặm
dưới đáy biển" (Vingt mille lieues sous les mers) cũng của Jules
Verne đã liên hệ đến Kaitei Gunkan (Hải để quân hạm, Chiến
hạm dưới đáy biển), sáng tác của Oshikawa Shunrô (1876-1914),
đến mức độ nào. Cùng lúc, chúng tôi sẽ khảo sát liên
hệ giữa tác phẩm của Jean-Jacques Rousseau với tư tưởng
của Nakae Chômin và Shimazaki Tôson, ảnh hưởng của Emile Zola
đến Ozaki Kôyô, của Alphonse Daudet đến Tokuda Shuusei, của
Guy de Maupassant đến Sanyutei Enchô, của Prosper Mérimée đến
bộ ba Mori Ôgai, Izumi Kyôka và Akutagawa Ryuunosuke. Chúng tôi
sẽ bình luận cái nhìn về người Nhật, nhất là về phụ
nữ Nhật của nhà văn Pháp Piere Loti qua các nhật ký hành
trình hải dương và tác phẩm khác của ông. Một trong những
mục tiêu khảo sát khác là các sáng tác của Fortuné du Boisgobey,
của hai cha con Alexandre Dumas và Victor Hugo. Chúng tôi muốn xem
những cuốn tiểu thuyết này đã đóng vai trò thế nào trong
sự nghiệp của các dịch giả Nhật Bản như Morita Shikan,
Kuroiwa Reikô, Nagata Shuutô khi họ đưa chúng đến với đông
đảo độc giả tiếng Nhật. Ngoài tiểu thuyết, chúng tôi
sẽ không quên bàn về hai lãnh vực kịch nghệ và thi ca để
giúp bạn đọc có một cái nhìn toàn thể về ảnh hưởng
của văn học cận đại Pháp đối với văn học Nhật.
Văn học Pháp và thời Minh
Trị
Một
Việc dịch thuật văn học
Tây phương đã bắt đầu có từ cuối thời Ashikaga (tức
Muromachi, 1392-1573) với những tác phẩm liên quan đến Ki-Tô
Giáo lúc đó mới được truyền vào. Nếu nói về tác phẩm
có tính văn học, phải kể đến Aesopos Fabulas (Truyện ngụ
ngôn Aesop) với nhan đề Isoppu Monogatari ("Y Tăng Bảo Vật Ngữ).
Y Tăng Bảo chẳng qua là phiên âm của Aesop theo âm Hán Hòa.
Đến đời Edo thì việc dịch
đã bắt đầu với cuốn Kaitai Shinsho (Giải Thể Tân Thư) [1],
bởi vì việc phiên dịch các tác phẩm thực dụng như y học,
quân sự, công nghệ rất thịnh hành. Lúc ấy, tác phẩm dịch
về văn học hãy còn rất hiếm. Cùng lắm là cuốn sử thi
Odyssey của Homeros dưới cái tên "Bách Hợp Nhược đại thần
vật ngữ" ra đời vào cuối thời Ashikaga. Nội dung của nó
đã được đưa vào các hình thức như truyện giải buồn,
ca từ các vũ khúc gọi là Kôwakamai, bản tuồng sân khấu
người nộm Jôruri, các hình thức tiểu thuyết thông tục
đương thời như Hachimonjiya-bon, Tokuhon, Kusazôshi. Nhà văn Tsubouchi
Shôyô trong số báo Waseda Bungaku tháng 1 năm Meiji 39 (1906) đã
có một bài viết về nguồn gốc của bản "Bách Hợp Nhược
đại thần vật ngữ" mà theo ông "Bách Hợp Nhược đại thần"
kia chẳng qua là chàng Ulysses (Yurishi-zu) trong tác phẩm của
Homeros còn tác phẩm là một phóng tác (hon.an) thô sơ của
truyện gốc.
Về văn dịch nói chung thì
ngoài cuốn "Công nghiệp của các thánh tông đồ (santos)" ra
đời năm 1550 (Tenbun 19), còn có "Truyện ngụ ngôn của Aesop"
ấn bản Amakusa [2]
(1593). Để lôi cuốn độc giả, những người xuất bản còn
dịch thêm một bộ phận "Truyện Heike" (vì rất lý thú, NNT)
của Nhật Bản và in chung với nó. Trong phần giới thiệu,
họ còn nói rõ rằng đây là bản phiên dịch từ tiếng La
Tinh một quyển sách của tác giả cổ Hy Lạp. Từ Hán "phiên
dịch" (hon.yaku) như thế đã được người Nhật sử dụng
kể từ thời ấy.
Sau người "Nam Man" (tức Tây
và Bồ), đến lượt người Hà Lan đến Nhật. Hà Lan là một
quốc gia phương Tây duy nhất được họ đón nhận giữa thời
phong tỏa các cửa biển ( tỏa quốc = sakoku). Dĩ nhiên dịch
thuật được dùng vào việc giới thiệu các sách vở thực
dụng (y học, binh học (quân sự), thiên văn học, số học,
vật lý, hóa học thế nhưng trong quyển sách nhan đề "Hậu
Mộng Lược Ký" (1823), Nakajima Kôku đã thu thập và giữ lại
được một số bản dịch Nhật ngữ các bài thơ tiếng Đức
do một nhà thơ tên Mathias Claudius viết ra vào năm 1770.
Đến cuối đời Edo thì có
được 2 bản dịch Robinson Crusoe (Robinson Crusoe phiêu lưu ký)
của Daniel Defoe. Bản đầu ra đời vào năm 1851, hai năm trước
khi hạm đội Perry đến Nhật, với nhan đề là "Phiêu lưu
ký sự", do một người sống bằng nghề dịch thuật là Kuroda
Kikuro dịch (nhưng ông này tưởng lầm sách là thiên tự truyện
của một nhân vật có thực tên là Robinson Crusoe). Bản thứ
hai được phát hành vào năm Ansei thứ 4 (1857) là công trình
dịch thuật của Yokoyama Yusei, với nhan đề "Lỗ Mẫn Tốn [3]
du hành ký lược". Về nội dung, tuy ngắn hơn bản dịch của
Kuroda nhưng bản dịch này ít lầm lẫn (Yokoyama biết nó là
tiểu thuyết chứ không nhầm lẫn như Kuroda) và được làng
văn giới thiệu với độc giả một cách trang trọng hơn ông
kia nhiều.
Thời Edo còn có những tác
phẩm khác "Dương Nha Nhi kỳ ngục" và "Hòa Lan mỹ chính lục"
của Kanda Kôhei là tiểu thuyết tiếng Hà Lan (không rõ nguyên
tác) được dịch ra. Đến năm Meiji thứ 10 (1877) khi cuộc
nội loạn ở vùng Tây Nam (với vị đại thần bất mãn Saigô
Takamori) đã được bình định, cuộc sống dễ thở ra và
văn hóa mở mang hơn thì hoạt động phiên dịch văn học cũng
trở nên phát đạt.
Hai
Năm Meiji 11 (1878), quyển "Tám
mươi ngày vòng quanh thế giới" (Le Tour du monde en quatre-vingts
jours) của Jules Verne là quyển tiểu thuyết Pháp đầu tiên
được dịch từ nguyên tác (tuy có chỗ dịch giả đã phải
tham khảo bản dịch sang tiếng Anh nhan đề Around the world in
80 days ra đời trước đó). Người dịch nó sang tiếng Nhật
là Kawashima Tadanosuke. Đây là một việc làm rất có ý nghĩa
vì nó đánh dấu một bước ngoặt trong ngành dịch thuật
bản xứ. Tuy các tác phẩm của Jules Verne phản ánh chủ nghĩa
thực dân của những quốc gia tân hưng nhưng chúng là những
quyển sách quan trọng dưới nhãn quan của người Nhật và
đã được họ dịch rất nhiều vào thời ấy. Ví dụ De la
terre à la lune (Gessekai ryokô, Cuộc du hành trên cung trăng) do
Inoue Tsutomu dịch (Meiji 13), Vingt mille lieues sous les mers (Hai
vạn dặm dưới đáy bể) do Suzuki Umetarô (Meiji 13), Le Géant
d’acier (Thế giới thép) do Morita Shikan (Meiji 20) nhưng những
quyển này đều được dịch từ bản dịch tiếng Anh chứ
không phải từ nguyên tác tiếng Pháp.
Cũng vào năm Meiji 11 tuy có
thông tin là Nagasawa Masayoshi đã dịch "Truyện kể Fénelon"
tức Les Aventures de Télémaque nhưng nó được phát hành hay
không khi không ai rõ. Năm sau (Meiji 12) mới thấy ấn bản "Những
cuộc phiêu lưu của Télémaque" và lời chú là trứ tác
của Phật quốc đạo sĩ (Tu sĩ người Pháp) Bế Nhĩ Luận
(Fénelon) nhan đề "Âu châu tiểu thuyết Triết Liệt
phúc họa đàm". Dịch giả của nó là Miyajiima Haruki, một
người thông thạo cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp. Cách dịch
của ông là kiểu dịch bám sát chữ (trục tự, trục ngữ
dịch) nhưng đã biết nhuận sắc thành câu 7/5/5/7 như thơ
(hay văn biền ngẫu, NNT) của Nhật. Tuy mục đích là rao giảng
tư tưởng chính trị nhưng dịch giả cũng không coi thường
tính cách mua vui của nội dung.
Ý hướng dịch để chuyển
tải nội dung chính trị đã thấy trong các dịch phẩm liên
quan đến cuộc cách mạng Pháp 1789 như loại tiểu thuyết
lịch sử của Alexandre Dumas Père. Miyazaki Muryuu dịch "Khúc
ca chiến thắng của tự do" (Meiji 15), "Bách Hoa Viên chủ nhân"(Meiji
15), "Tây Dương huyết triều tiểu bạo phong" (Meiji 15). Quyển
thứ nhất dịch ý phân nửa đầu của một tác phẩm nhắc
đến việc phá nhà ngục Bastille, quyển thứ hai sao dịch "Hồi
ký một người thầy thuốc". Điều cần chú ý là trong khi
dịch, ông đã mạnh tay biến các tác phẩm ấy thành công
cụ vận động dân quyền bằng cách gửi gắm tư tưởng của
mình vào đó qua những lời lẽ hùng hồn đanh thép. Đó là
đặc trưng của tác phong dịch thuật kiểu cổ động đương
thời. Dù sao, vào năm Meiji 16 (1883),với bản dịch "Những
cuộc phiêu lưu của Télémaque" (Fénelon) nhan đề "Thiết
liệt kỳ đàm", một dịch giả khác là Izawa Shinsaburô
đã tỏ ra phản tỉnh trước khuynh hướng dịch như văn cổ
động đó và chủ trương rằng, trong khi phiên dịch, việc
trung thành với nguyên tác là một điều quan trọng.
Cùng năm ấy, tác phẩm L’Esthétique
(Mỹ học) của Eugène Véron đã được dịch ra thành "Duy thị
Mỹ học" (Mỹ học của ông Eugène) và được Bộ Giáo Dục
chọn in. Người dịch nó là Nakae Tokusuke (tên cúng cơm của
Chômin) và Nomura Taikô. Nhân vì Véron bàn về Mỹ học và dẫn
chứng bằng văn học Pháp nên khi đọc nó, người muốn học
Mỹ học lại tự động có thêm kiến thức về văn học Pháp.
Cùng lúc, việc dịch thuật lại có cái đẹp của nó vì đã
đóng góp cho cuộc vận động khai sáng (khải mông chủ nghĩa
mỹ học). Bản dịch Mỹ học này đã được Bộ Giáo Dục
Nhật chọn đăng trong Hiện đại khoa học tùng thư và nằm
trong bộ phận "thực chứng mỹ học" đối kháng với phần
"quan niệm luận mỹ học" có tính cách hàn lâm. Hình như dịch
giả Chômin - một nhà vận động dân quyền – trong thời
gian sống ở Pháp, đã quen biết Véron, một học giả và nhà
báo theo khuynh hướng chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa khoa học.
Sự bột phát của phong trào
vận động dân quyền thời Meiji đã đẻ ra loại tiểu thuyết
gọi là "tiểu thuyết chính trị". Khuynh hướng này cũng phản
ánh trong việc chọn lựa sách để dịch. Năm Meiji 17, tờ
Jiyuu Shimbun (Tự Do Tân Văn) đã đăng tải liên tục Shura no
Chimata (Lối rẽ địa ngục) của Sakazaki Shiran dịch Quatre-vingt-treize
(Năm 93) của Victor Hugo, tác phẩm nói về cuộc Cách mạng
Pháp. Quyển sau cũng là một trong số những cuốn tiểu thuyết
chính trị đã được Itagaki Taisuke [4]
đem về sau một chuyến xuất dương sang Pháp. Đây là cuốn
sách dịch đầu tiên giới thiệu Victor Hugo. Về mặt hình
thức thì nó đã được dịch theo lối trực (ngữ) dịch (chikugoyaku)
tuy cũng có chút tu sức nhưng không phải là lối dịch phóng
túng chỉ giữ lấy đại ý và bỏ qua tiểu tiết (gọi là
gôketsuyaku = hào kiệt dịch) đang phổ biến vào thòi đó.
So với Senketsu no hana (Hoa bằng máu tươi) mà Sakazaki dịch
từ "Hồi ký một người thầy thuốc" của Dumas được phát
hành cùng năm thì bản dịch (Bách Hoa Viên chủ nhân) của
Miyazaki Muryuu rõ ràng có màu sắc chính trị vì nhấn mạnh
đến thảm trạng do bạo lực cách mạng gây ra. Vì lý do đó,
bản dịch của Miyazaki Muyuu có thể coi như là một sáng tác
chứ không phải dịch phẩm. Nó không chỉ lấy đại ý mà
còn là cải biên (cải biến bổ bút), hầu như sửa đổi
và giải thích cả nguyên tác một cách sỗ sàng.
Trong năm Meiji 17 (1884) này còn
có một sự kiện đáng chú ý khác là việc xuất bản tác
phẩm dịch thuật của Inoue Tsutomu (1850-1928). Đó là các bản
dịch tác phẩm của Jules Verne như Jiyuu no Soya (Mũi tên của
tự do) và Kaitei Kikô (Chuyến du hành dưới đáy bể). (Quyển
đầu có thể xem như tiểu thuyết chính trị). Đồng thời
cũng có cuốn tiểu thuyết tình cảm La Dame aux camélias (Trà
Hoa Nữ, 1848) của Alexandre Dumas Fils nhan đề Tsubaki no Omokage
(Bóng hoa trà) do một ký giả bút hiệu Sôjuuko Shujin trực
dịch từ nguyên tác và đă ra mắt trên nhật báo Kanyuu Nippô.
Chỉ tiếc là truyện chỉ được đăng nửa chừng rồi bị
bỏ ngang. Dịch giả đã viết trong bài tựa là cuốn sách
này "có mục đích khuyến thiện trừng ác, khuyên răn lớp
người trẻ về đường sắc dục". Năm sau thời đã có thêm
Tasogare Nikki (Nhật ký lúc về chiều), một tác phẩm cũng
liên quan đến La Dame aux camélias.
Năm Meiji 18 (1885), một tác
giả Tomita Hitoshi đã dịch Quatre-vingt-treize của Dumas thành
Shimoyo no tsuki (Sương dạ nguyệt, Trăng đêm sương) dưới
dạng tiểu thuyết chính trị. Như đã nói sơ qua ở trên,
La Dame aux camélias đã được Tenkô Dôjin và Shôshô Koji phóng
tác (hon.an) sang tiếng Nhật dưới nhan đề Tasogare Nikki (Nhật
ký lúc về chiều). Mặt khác, hai ông Futaaitei Kajitsu và Tantantei
Josui đã hiệp lực phóng tác "Bảy đại tội" (Les sept péchés
capitaux) của Eugène Sue [5]
thành Hito nanakuse (Bảy tật xấu của người đời). Tuy bảy
thứ tật xấu đó là keo kiệt, ngạo mạn, ganh tỵ, tham lam,
biếng nhác và cáu giận nhưng bản ý của Sue là muốn viết
một tiểu thuyết xã hội (và đã đi trước Hugo trong thể
loại này) chứ không phải tiểu thuyết giáo dục như các
dịch giả muốn trình bày. Dù sao, họ chỉ dịch xong phần
nói về tính keo kiệt mà thôi.
Năm Meiji 19 (1886), văn học
phiên dịch tăng nhanh cấp kỳ, một phần nhờ ở ý thức
thời đại và những cuộc vận động văn học cũng như ảnh
hưởng của phong trào Âu hóa đang đến hồi toàn thịnh. Mặt
khác, nhờ hướng ra thế giới, Nhật Bản đã có thêm cơ
hội tiếp xúc với văn học nước ngoài. Chẳng hạn phong
trào Âu hóa thúc đẩy phụ nữ góp mặt vào giới xã giao
đã tạo nguồn cảm hứng cho Tsubouchi Shôyô - dưới bút hiệu
Harunoya Oboro - dịch truyện ký về một Madame Laurent sống vào
thời Cách mệnh Pháp thành "Thái tây nữ trượng phu Lãng Lan [6]
phu nhân truyện". Thế nhưng vào thời điểm này, ngoài tác
phẩm tiếng Pháp còn thấy có khuynh hướng dịch tác phẩm
tiếng Đức nữa.
Đến năm Meiji 20 (1887) phong
trào phiên dịch văn học càng thịnh. Về sách Pháp thì có
quyển "Danh sĩ tao nạn / Chính giới chi bạo phong" do Inoue Tsutomu
dịch từ "Truyện một tội ác" (Histoire d’un crime), sáng tác
của Victor Hugo kể lại tình tiết cuộc đảo chánh đã đưa
Napoléon III lên ngôi hoàng đế vào năm 1851. Ngoài ra còn có
"Phật Mạn Nhị học sĩ chi đàm" (Truyện của học sĩ Pháp
tên Mạn Nhị) do Morita Shikan dịch từ Les Cinq cents millions
de la Bégum của Verne. Morita Shikan còn có nhiều tác phẩm khác
nữa như "Đốc sứ giả" dịch Thám tử Hubert (Hubert) của
Hugo (Meiji 22), Kuraudo (Claude Gueux, Meiji 23), "Đại phản khôi"
(Thủ lãnh phản loạn) của Verne (Meiji 23), "Hoài cựu" từ
Hugo (Meiji 25), "Thập ngũ thiếu niên" (từ Deux ans en vacances)
của Verne (Meiji 29), "Sáu tiếng đồng hồ trước giờ tử
hình" (Le dernier jour d’un condamné) của Hugo (Meiji 29). Chúng
là những tác phẩm có sắc thái khác nhau và đã đem lại
cho Shikan cái danh tiếng ông vua dịch thuật. Tuy không dịch
thẳng từ nguyên tác mà phải thông qua bản dịch tiếng Anh
(trùng dịch) nhưng ông đã dịch kỹ lưỡng, tôn trọng đến
cả chi tiết. Với những cống hiến đó, Shikan có thể được
coi như người đã đánh dấu một thời đại trong lịch sử
văn học dịch Nhật Bản.
Nhân bàn về giai doạn này,
chúng ta không thể bỏ qua tên tuổi Kuroiwa Ruikô (1862-1920),
người đã ra công dịch nhiều tác phẩm của (Fortuné de) Boisgobey.
Chỉ riêng với Boisgobey thôi, ông đã dịch "Phạm tội dưới
đáy biển" (Meiji 22, 1889), "Chiếc nhẫn" (Meiji 22), "Phạm tội
trong kịch trường" (Meiji 22), Chàng tuổi trẻ xinh trai" (Meiji
23), "Bàn tay người đẹp" (Meiji 23), Kẻ giả mạo (Meiji 23),
"Quyết tâm" (Meiji 23), "Địa ngục sống" (Meiji 23), "Kết quả
một cuộc quyết đấu" (Meiji 24), "Mặt nạ sắt" (Meiji 26)
vv...nghĩa là xấp xỉ một chục cuốn.
Kết cuộc, Nhật Bản, như
một quốc gia trên đường phát triển để trở thành nhà
nước cận đại, đã được đánh thức bởi tư tưởng "khoa
học vạn năng" của Jules Verne. Cùng lúc, tuy người Nhật đồng
cảm và hoan nghênh viễn tượng đất nước họ sẽ trở thành
một quốc gia tư bản chủ nghĩa nhưng trên thực tế họ chưa
có đủ tri thức và tư tưởng khoa học xứng tầm tinh thần
mà các tiểu thuyết khoa học đã hun đúc cho. Hơn thế, trong
thập niên đầu tiên của thời Minh Trị (1868-78), các tác
phẩm phiên dịch phần lớn đều nhắm việc cổ xúy cho tư
tưởng tự do dân quyền nghĩa là đậm đà màu màu sắc chính
trị mà mục đích chính là vận động cho việc thành lập
một cơ quan lập pháp (Quốc hội).
Bước qua thập niên thứ hai
(1878-88), màu sắc khai sáng (khải mông, keimô) trong văn học
đã trở thành nhòa nhạt, khuynh hướng "văn học phải được
tiếp thu như văn học" càng ngày càng bộc lộ rõ nét. Ta thấy
được xu thế đó qua việc giới thiệu những tác phẩm văn
học Pháp như "Trà Hoa Nữ" (La Dame aux camélias) của Alexandre
Dumas Fils và "Những người cùng khổ" (Les Misérables) của Victor
Hugo. Nhờ đó mà kiến thức về văn học Pháp, trong một chừng
mực nào đó đã được phổ biến trong giới độc giả.
Văn học Pháp còn được giới
thiệu qua những bài viết trong các tạp chí chuyên văn đương
thời như Kokumin no Tomo (Quốc dân chi hữu), Teikoku Bungaku (Đế
quốc văn học),, Waseda Bungaku (Waseda văn học), Nihon Hyôron
(Nhật Bản bình luận) ...dưới những nhan đề như "Bảy ngôi
sao sáng của văn học Pháp", " Các trào lưu của văn học Pháp",
"Nghiên cứu văn học Pháp". Trong các tạp chí chuyên môn về
văn học Pháp như Shirayuri (Hoa huệ, Meiji 29) và Shinobugusa (Cỏ
nhớ nhung, Meiji 31) đều đăng nhiều bài nghiên cứu trong lãnh
vực này. Ngoài ra còn phải kể đến cuốn Futsu Bungakushi (Độc
Phật Văn Học Sử) (Meiji 25) của Shibue Tamotsu giới thiệu
những bước tiến của văn học của hai nước Đức (Độc)
và Pháp (Phật). Có lẽ đây là cuốn văn học sử đầu tiên
về nước Pháp viết bằng tiếng Nhật.
Ba
Cơn sốt dịch Jules Verne đã
tạo cơ hội để những tác phẩm như của Yano Ryuukei (Truyện
cái thành nổi [7],
Meiji 23), Oshikawa Shunrô (Chiến hạm dưới đáy bể, Meiji 33)
có dịp ra đời. Verne đã tạo ra một thế giới mộng tưởng
lồng khung trong bầu trời, mặt bể và những chuyến đi, gián
tiếp hô hào dân chúng đồng thời đáp ứng tinh thần quốc
gia chủ nghĩa trong đầu những nhà văn đầu đời Minh Trị
vốn chịu ảnh hưởng hoàn cảnh chính trị xã hội thời
ấy.
Mặt khác, trong khi tác phẩm
của Verne có công dụng kích thích để các dịch giả loại
tiểu thuyết có tính mạo hiểm và tưởng tượng đua nhau
xuất bản thì những bản dịch Les Misérables, Notre Dame de Paris...của
Victor Hugo, Deux Merles de M. Saint Mars (Mặt nạ sắt trong tiếng
Nhật) của Fortuné de Boisgobey, Le Comte de Monte-Christo của Dumas
Père, La Dame aux camélias của Dumas Fils đã làm say mê quần
chúng độc giả. Những cuốn tiểu thuyết này về sau còn
đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển bộ môn
văn học đại chúng dưới thời Taishô (1912-26). Trong phong
trào tranh đấu đòi dân quyền, Contrat Social (Xã hội khế
ước luận) của Jean-Jacques Rousseau đã được Nakae Chômin
giới thiệu cho đồng bào mình qua dịch phẩm Minyaku Yakukai
(Dân Ước Dịch Giải) (Meiji 15, 1882). Đây là cơ hội đầu
tiên để họ biết về J.J. Rousseau như một nhà tư tưởng
chính trị xã hội. Đến khi Shimazaki Tôson viết cuốn Hakai
(Phá giới = Giải cấm) thì J.J Rousseau lại được biết thêm
dưới bộ mặt khác là tác giả văn chương của Confessions
(Tự bạch).

Nakae Chômin đã dịch
Contrat Social của J-J Rousseau
Thế nhưng phải nói là trong
số những cây bút người Pháp đã để lại ảnh hưởng đáng
kể trên văn học Nhật Bản, không ai qua khỏi các nhà văn
chủ nghĩa hiện thực (realism), chủ nghĩa tự nhiên (naturalism)
người Pháp như Emile Zola, Alphonse Daudet và Guy de Maupassant.
Tên tuổi của Emile Zola được
giới thiệu rất sớm bởi Nakae Chômin trong dịch phẩm "Duy
thị Mỹ học" (Meiji 16) nhưng độc giả chỉ biết một cách
cụ thể về ông vào thập niên thứ hai của thời Meiji (1878-88)
nhờ ảnh hưởng ông để lại trong các tác phẩm của Ozaki
Kôyô. Các tiểu phẩm như Koi no yamagatsu (Kẻ săn lùng tình
yêu), Ukizôsu (Ông từ lưu lạc) đã lấy cảm hứng từ "Lỗi
lầm của tu viện trưởng Mouret" (La Faute de l’Abbé Mouret),
trong khi ấy, Tonari no onna (Cô hàng xóm), Mukitamago (Quả trứng
bóc vỏ) cũng đều phóng tác theo các tiểu thuyết khác của
Zola. Còn như nhà văn Yamada Bimyô, người cùng Kôyô đứng
trong hàng ngũ của văn đoàn Ken. yuusha (Nghiễn hữu xã = Bạn
bút nghiên) thì hình ảnh của nhân vật chính trong Ichigo-hime
(Tiểu thư quả dâu, Meiji 22) làm cho ta nhớ được ngay đến
nàng Nana trong tiểu thuyết cùng tên (1880) của nhà văn Pháp
ra đời trước đó không lâu.
Đến thập niên thứ 3 của
thời Meiji (1888-1898) việc phiên dịch và giới thiệu tác phẩm
của Zola càng ngày càng gia tăng. Ta có thể thấy hình bóng
của một chủ nghĩa Zola (Zolaism) rõ nét trong tác phẩm của
các nhà văn như Kosugi Tengai hay Nagai Kafuu.

Kosugi Tengai từng
gắn bó lâu năm với phong cách Emile Zola
Trong bài tựa của tác phẩm
Hebiichigo (Quả dâu dại, Meiji 32), Tengai đã cho biết khi đọc
văn Zola, ông rất ngạc nhiên vì bút lực của nhà văn trong
khi miêu tả sự vật. "Nó đã làm cho những mẫu mực lý tưởng
(về cách hành văn) tôi nuôi dưỡng trong đầu sụp đổ cả.
Tôi cảm thấy như có một cuộc cách mạng đang dấy lên bên
trong". Trong lời dẫn nhập cho Hatsusugata (Bộ quần áo đầu
năm, Meji 33), Tengai lại chủ trương phải giữ một thái độ
khách quan và một lối viết tả thực.
Hatsusugata của Tengai chịu ảnh
hưởng của Zola trong Nana đên nổi nhân vật nữ trong đó,
O-Toshi, khi nói lời mào đầu trước khi thử diễn điệu hát
cổ điển Kiyomotobushi đã bắt chước cảnh Nana xuất hiện
trên sân khấu nhà hát. Xưa kia O-Toshi từng được bao nhiêu
nhân viên ngân hàng, ký giả, tay cho vay lấy lãi bao lấy chung
quanh vv...Nay nàng đã rơi xuống hàng gái làng chơi nhưng vẫn
tiếp tục ôm ấp trong lòng mối tình trong trắng đối với
người bạn đẹp trai quen nhau từ thời thơ ấu. Rõ ràng Tengai
đã mượn chi tiết này từ Nana của Zola. Khi muốn nhấn mạnh
đến ảnh hưởng mạnh mẽ của hoàn cảnh lên trên vận mạng
con người, Tengai đã chứng tỏ rằng ông đã học lối dàn
dựng câu truyện theo phong cách Zola. Có điều là Tengai đã
không miêu tả O-Toshi với hình tượng của một Nana phóng
túng, táo bạo. Nhân vật của ông chỉ là một phụ nữ thụ
động và tiêu cực.
Hatsusugata được Tengai phối
hợp với 2 tác phẩm đến sau của ông là Koi to koi (Tình yêu
và tình yêu, Meiji 33) và Nise-murasaki (Hoa tím giả, Meiji 37)
để trở thành một chuỗi tác phẩm nói về cùng một nhân
vật. Đây cũng là một sự mô phỏng Zola (như bộ sách nói
về mỗi gia đình họ Rougon Macquart của văn hào Pháp).
Tác phẩm để đời của Tengai
có lẽ là Hayari Uta (Khúc hát lưu hành, Meiji 35). Trong lời
tựa ông đã viết đại ý: "Thiên nhiên là thiên nhiên. Nó
không thiện, không ác, không đẹp, không xấu. Chỉ vì người
ta đưa ra một nhân vật, một đất nước, một thời đại
nào đó, bảo đấy là một góc của thiên nhiên rồi tự ý
gán cho nó cái tính chất thiện ác xấu đẹp mà thôi. Cho
nên khi đọc tác phẩm của nhà văn, nếu độc giả cảm được
một cách rõ ràng những gì thiên nhiên bộc lộ ra là đã
quá đủ".
Vẫn biết nhà văn phải trình
bày một cõi tự nhiên như nó là và bỏ qua một bên các khái
niệm đẹp, xấu, đúng, sai nhưng vấn đề quan trọng là cõi
tự nhiên mà nhà văn ấy trình bày có là một cõi tự nhiên
chân thực hay không. Tengai đã cho ta thấy rằng sự hiểu biết
của ông về Zolaism chưa được đầy đủ khi ông chỉ mô
phỏng một phần nào quan điểm của Zola như việc đem quan
điểm của nhà văn người Pháp về sự quan trọng của di
truyền và hoàn cảnh đến tâm lý nhân vật đặt vào tác
phẩm Hayariuta nói trên hay vào truyện dài nhan đề Kobushi (Nắm
tay / Hoa tân di ?, Meiji 39). Trong phần đầu, cách mô tả gia
thế của nhân vật chính – Shinjô Masao –phảng phất lối
trình bày về gia đình Rougon Macquart trong tiểu thuyết của
Zola. Những hành động kỳ lạ của nhân vật Masao được
Tengai giải thích là bắt nguồn từ một người mẹ có máu
dâm đãng cũng như từ bản tính nghiện rượu của anh ta.
Chủ trương thiên tính dâm đãng di truyền từ người mẹ
và hoàn cảnh nghiện ngập của cá nhân đã tác hại đến
nhân vật thấy ở đây có lẽ đến từ L’Assommoir (Quán
cóc), tên một cuốn truyện của Zola. Cùng lúc, Chôjaboshi (Ngôi
sao nhà giàu, Meiji 42-43) của ông chắc đã lấy cảm hứng
từ L’Argent (Tiền bạc, 1891), còn như truyện dài Yami wo iku
hito (Người đi trong bóng tối, Meiji 44) cũng phải bắt nguồn
từ La Bête Humaine (Con thú người, 1890) của văn hào Pháp.
Thế nhưng trong lúc sử dụng
những kiến thức về di truyền và về hoàn cảnh hãy còn
hời hợt và thiếu thực chứng của mình để giải thích
hành động dị thường của các nhân vật, Tengai đã gieo rắc
sự ngờ vực trong lòng độc giả vì ông tỏ ra thiếu tự
nhiên trong khi triển khai cốt truyện.
Tiếp nối Tengai, phải kể
đến một nhà văn quan trọng khác, Nagai Kafuu. Ông đã có nhiều
cống hiến trong việc di thực văn học Pháp vào văn học Nhật,
nhất là đưa vào đó phong cách Duy Zola (Zolaism). Ông đã sao
dịch Nana của Zola thành "Cô đào hát Nana" (Meiji 36) và phóng
tác La Bête Humaine (Con Thú Người) thành "Tình yêu và lưỡi
kiếm" (Meiji 36) rồi cho đăng nhiều kỳ trên nhật báo Ôsaka
Mainichi. Trước đó (Meiji 35), trong tác phẩm Yashin (Tham vọng)
của Tengai, ta đã thấy ảnh hưởng đến từ Zola qua Au jardin
de bonheur (Khu vườn hạnh phúc (của quí bà), 1883).
Trong Yami no sakebi (Tiếng gào
trong đêm tối, Meiji 35), một tác phẩm đem đến tiếng tăm
cho nhà văn, Kafuu cũng mô tả những cái ác trong xã hội theo
phong cách Zola. Trong văn chương Kafuu, người ta thấy ông thường
dùng những chữ yami (bóng tối) hay ankoku (hắc ám), từ ngữ
tương đương đã được Zola thường xuyên trong các cuốn
tiểu thuyết xã hội bằng tiếng Pháp.
Với Jigoku no hana (Hoa Địa
Ngục, Meiji 35), Kafuu đã thẳng thắn đề cập đến lập trường
Duy Zola của mình. Ông cho là con người có một phần thú tính
đến từ bản năng động vật và chịu ảnh hưởng của di
truyền nhưng lại thường bị người chung quanh cáo buộc là
đã cố tình làm nên những "tội ác đen tối". Vậy thì muốn
tạo ra hình ảnh một con người lý tưởng, trước hết phải
nghiên cứu về cái "đen tối" (hắc ám) ấy. Phải mô tả
không che đậy về những cảnh tượng hắc ám như qua những
hành vi chất chứa dục tình, quyền lực và bạo hành. Tuy
vậy, hình như Kafuu vẫn chưa thỏa mãn về những điều ông
viết vì ông nhận ra rằng ngòi bút của mình hãy còn bị
ràng buộc khi muốn mô tả những quang cảnh có tính "địa
ngục" ấy.
Sonoko, nhân vật chính của
tác phẩm Hoa Địa Ngục là hiện thân của Pauline trong La joie
de vivre (Niềm vui cuộc sống, 1884), một người đàn bà gian
dâm và biết dùng nhiều thủ đoạn bất chính để làm giàu.
Thế nhưng cách miêu tả và triển khai cốt truyện của Kafuu
trong đó vẫn có cái gì thiếu tự nhiên và giả tạo, điều
mà chính tác giả cũng phải nhìn nhận. Nó chỉ là một cuốn
tiểu thuyết mô phỏng Zola không hơn không kém.
Kafuu còn viết Shinnin Chiji (Ông
thị trưởng mới bổ nhiệm, Meiji 35), câu chuyện một viên
chức vì chỉ nghĩ đến tham vọng cá nhân đã trở thành thân
bại danh liệt. Như thế, nó đã trình bày một bề mặt tối
tăm của con người. Nhiều cảnh trong truyện này mang máng
với những gì Zola từng mô tả trong La Curée (Bữa đánh chén,
1872).
Kafuu đã dùng bối cảnh là
những xóm lầu xanh để trình bày những mảng tối của xã
hội Nhật Bản. Yume no Onna (Người đàn bà trong mộng, Meiji
36) của ông cũng chịu ảnh hưởng của Nana và L’Assommoir
(Quán cóc). Nhân vật chính, O-Nami, là phiên bản Nhật của
nàng Gervaise, trong khi O-Kinu – em gái của O-Tane – mang hình
ảnh của một Nana thời thiếu nữ. Truyện mô tả cuộc đời
của người con gái, vì hoàn cảnh xô đẩy, đã rơi xuống
hố sa đọa. Chủ đề "nửa đời hương phấn" này về sau
cũng đước các cây bút trường phái tự nhiên (naturalism)
của Nhật như Tokuda Shusei, Tayama Katai khai thác. Có thể Kafuu
khác với Shuusei hay Katai ở chỗ ông sử dụng nhiều chất
liệu tưởng tượng trong khi hai nhà văn kia thường dựa lên
chất liệu có thực. Nhưng dù sao cũng phải công nhận là
ảnh hưởng của của Zola đối với những tác phẩm thời
trẻ của Kafuu rất quan trọng.

Mori Ôgai đã dịch
Alphonse Daudet từ tiếng Đức
Cùng với Emile Zola, một văn
hào Pháp khác là Alphonse Daudet đã thành đối tượng của
một cuộc di thực văn học vào đất Nhật.
Hồi Mori Ôgai du học bên Đức,
ông đã biết đến Alphonse Daudet qua các dịch phẩm từ tiếng
Pháp sang tiếng Đức nên chi khi hồi hương, ông bèn dịch
từ Đức ngữ và giới thiệu Le Cabecilla (tức Der Pel prediger
tức Sensô), Un teneur de livres (tức Aus der Kanselei des Todes tức
Mikuzu) và L’Empereur Aveugle (tức Môtei no kyoku) cho đồng bào
mình. (Tiếng Việt theo thứ tự : Thủ lĩnh, Người giữ sổ
sách, Hoàng đế mù).
Tokuda Shuusei đã giới thiệu
Le Petit Chose (1868) của Daudet bằng tác phẩm phóng tác nhan
đề Kyômanji (Đứa trẻ ngạo mạn, Meiji 35). Đó là một tác
phẩm mà người Nhật rất yêu chuộng vì thấy nó nói lên
một tình cảm gần gũi với tình huynh đệ trong thế giới
Á Đông. Tayama Katai đã thử dịch Sapho của Daudet cũng như
mô phỏng Trente ans de Paris (Ba mươi năm của Paris) để viết
Tôkyô no sanjuunen (Ba mươi năm của Tôkyô). Nói về dịch thuật
không thôi thì phải kể tên Baba Kôchô, người được biết
đến như kẻ có công dịch nhiều tác phẩm của Daudet.
Lắm nhà nghiên cứu đã chú
ý đến sự quan tâm không nhỏ của Natsume Soseki đối với
tác phẩm của Daudet, chẳng hạn khi Soseki đọc Sapho, ông đã
đặt bút khen ngợi thiên khiếu thẩm mỹ ( artistic sense) đặc
dị của người Pháp nói chung, và sau đó, đánh giá Daudet
như một văn hào.
Trong cao trào ngưỡng mộ trường
phái tự nhiên của Pháp, nhiều tác giả Nhật Bản đã học
tập Guy de Maupasant. Chẳng hạn như Kafuu, buổi đầu ông chịu
ảnh hưởng của Zola nhưng sau đã tiến dần về phía Maupassant.
"Amerika Monogatari" (Truyện bên Mỹ, Meiji 41), tác phẩm 21 chương
ông viết thời du học Hoa Kỳ, đã nhiều lần tỏ ra chúng
có liên hệ với các đoản thiên của văn hào Pháp. Giữa
Bokujô no michi (Đường trong trại chăn nuôi) của ông và Fou
(Người điên) của Maupassant, giữa Yoi Bijin (Người đẹp say
rượu) và Les soeurs Rondoli (Chị em Rondoli) giữa Nagakami (Tóc
dài) và La Moustache (Râu mép), giữa Yoru no Onna (Người con gái
về đêm) và Maison Tellier (Quán Tellier) vốn là những cặp
truyện đối xứng. Có cả một chương nhan đề "Vái tượng
Maupassant". Nó đã nói lên được lòng cảm phục sâu sắc
của ông đối với nhà văn tiền bối.

Maupassant và Nagai
Kafuu, người ngưỡng mộ ông
Kafuu tâm sự là vì muốn đọc
Maupassant trong nguyên tác mà ông mới tìm học tiếng Pháp.
Ông tìm cách tiếp cận Maupassant bằng cách mô phỏng văn phong
của người viết đoản thiên bậc thầy này. Vì thế, ông
đã vay mượn cốt truyện của Maupassant để viết trong thời
gian vừa từ bỏ ông thầy cũ (Zola) để tiến về phía ông
thày mới ấy. Amerika Monogatari là chứng cớ của quá trình
đó. Ichigatsu tsuitachi (Mồng một tháng giêng) vay mượn Garccon,
un bock (Cậu bồi, cho cốc nữa) cũng như Akuyuu (Người bạn
xấu) vốn mượn ý L’ami Patience (Ông bạn thân Patience), cả
hai đều là tác phẩm của Maupassant.
Mặt khác, trong tập bút ký
Furansu Monogatari (Truyện bên Pháp) ghi lại thời gian hơn một
năm ông sống trên đất Pháp (Meiji 41 trở đi), ông đã dành
12 chương để nói về hai nhà thơ phái tượng trưng là Baudelaire
và Verlaine nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy là ông đã
lạnh nhạt với Zola và Maupassant. Cuốn bút ký này về mặt
nội dung thì có hơi kém so với tập bút ký ông viết bên
Mỹ.
Tayama Katai cũng là nhà văn
tiếp thu ảnh hưởng Maupassant và đưa nó vào tác phẩm của
mình. Ông từng dịch (Hai người lính, Meiji 31) của Maupassant
để giới thiệu nhà văn với độc giả Nhật Bản.. Ông xem
Maupassant như người đã trực diện với cuộc sống, nắm
bắt được thực thể và biết trình bày một cách mạnh dạn.
Kobayashi Ichirô trong một công trình nghiên cứu về Tayama Katai
đã thiết lập được mối liên hệ giữa các tác phẩm của
Katai và Maupassant. Trước tiên là giữa Rônô (Lão nông, Meiji
34)) của Katai và Le Père Amable (Ông lão Amable, 1886) của Maupassant,
rồi tiếp đến là giữa Sonchô (Ông trưởng thôn, Meiji 34)
và La Petite Roque (Cô con gái của ông Roque,1885), giữa Shigêmon
no saigo (Cái chết của Shigêmon) với La mère sauvage (Người
mẹ hoang dại, 1884) và La garde (Bà canh núi, 1884), giữa Shinchiku
no ie (Nhà mới cất, Meiji 35) và Une partie de campagne (Một buổi
chơi ngoài đồng,1881), giữa Umeya no ume (Quả mơ của nhà bán
mơ, Meiji 35) và Mademoiselle Perle (Cô Perle, 1886), giữa Rôshishaku
(Vị tử tước già, Meiji 35) và Un soir (Một buổi tối, 1889),
giữa Ô-danna, Ko-danna (Ông lớn, ông nhỏ, Meiji 36) và Houtot
père et fils (Cha con ông Houtot, 1889), giữa Nabari Shôjo (Cô gái
vùng Nabari (Meiji 38) và Le Pardon (Tha thứ, 1882), giữa Hakuchô
(Thiên nga, Meiji 39) và Monsieur Parent (Ông Parent,1886) vv...
Nhà văn Shimazaki Tôson, một
người bạn của Tayama Katai, cũng là người ngưỡng mộ Maupassant.
Các tác phẩm có tính chất hiện thực của ông viết hồi
ở Komoro (tỉnh Nagano) từ năm Meiji 32 (1899) cho đến Meiji 38
(1905) như Kyuushujin (Người chủ cũ), Rôjo (Cô gái già), Oyaji
(ông già), Warazôri (Dép cỏ) đều có dấu ấn của văn hào
Pháp. Đó là chưa kể việc Maupassant đã ảnh hưởng lên những
nhà văn khác đương thời như Kunikida Doppo. Điều này đã
được chứng minh với hai tác phẩm của Doppo: Unmei ronsha (Kẻ
chủ trương có số mạng) hay Shôjiki mono (Kẻ ngay thẳng).
Tuy không thuộc lãnh vực tiểu
thuyết nhưng nhà kể truyện tếu Rakugo là San. Yuutei Enchô
(1839-1900) khi soạn những câu chuyện về nhân tình thế thái
trong thế giới Tây phương làm thành những mẩu Rakugo tân
tiến để trình diễn, cũng đã tham khảo Maupassant.
Thời các truyện dịch về
Maupassant còn chưa ra đời, ông đã phóng tác Un Parricide (Một
chuyện giết cha,1884) ra Meijin Chôji (Cao thủ Chôji) và cho đăng
trong nhật báo Chuô Shimbun. Có thể coi đây là tác phẩm đầu
tiên viết theo tác phong Maupassant được thấy ở Nhật.
Katai và Kafuu không bị bó buộc
mãi với Zola, Daudet và Maupassant. Họ còn quan tâm đến nhiều
người khác như Pierre Loti. Trong Saika Yokô (Tây hoa dư hương
= Làn hương sót của những đóa hoa Tây phương), Katai đã
bày tỏ sự trân trọng trước tính chủ quan, óc tưởng tượng
phong phú, tinh thần tự do, sự dạn dĩ trong cách trình bày
của Loti qua Pêcheur d’Islande (Ngư ông trên Băng Đảo) và
ông xem đây là sự khác nhau giữa Loti và Maupassant, Daudet,
một sự khác nhau khiến ông phải đặt vấn đề suy nghĩ.
Theo Katai thì Loti đứng độc lập bên ngoài dòng chảy của
văn đàn đương thời và đã tỏ ra hoàn toàn tự do phóng
khoáng, lối văn lữ hành giàu tưởng tượng và trong sáng
của ông rất đáng cho những nhà văn Nhật viết Michiyuki-bun
(Văn tả cảnh đi đường cổ điển) phải học hỏi. Còn
Kafuu thì trong bài báo nhan đề "Pierre Loti và khung cảnh Nhật
Bản" đăng trên tạp chí Mita Bungaku số tháng 5 năm Meiji 44
đã cho biết trong tác phẩm Reishô (Cười nhạt) ra đời trước
đó hai năm, mình đã xây dựng nhân vật Tokui Shônosuke theo
cách sáng tạo nhân vật của Loti. Phải chăng Bokutô Kitan (Mặc
đông kỳ đàm, Truyện lạ bờ Đông), một giai tác của Kafuu
đã nhận ảnh hưởng từ La troisième jeunesse de Madame Prune
(Tuổi xuân thứ ba của bà Prune) trong đó Loti mô tả mối
tình đẹp như thơ giữa ông và một người con gái bản xứ.
Kafuu là một nhà văn cận đại
Nhật hiểu rõ về thế giới phương Tây. Ngoài Zola, Daudet,
Maupassant, Loti, ông còn đánh giá cao Henri de Régnier [8]
nữa.
Đến đầu thời Taishô (1912-26),
tác phẩm của Régnier đã được đọc nhiều. Mori Ôgai đã
cho truyện "Phục thù" vào trong sưu tập Shokoku Monogatari (Truyện
các nước, Taishô 4, 1919) của mình và nó đã ảnh hưởng
đến Yabu no naka (Bốn bề bờ bụi) của Akutagawa Ryuunosuke.

Akutagawa đã mô phỏng
thành công Henri de Régnier?
Tuy Ôgai chỉ sử dụng các
sách đã dịch sang tiếng Đức nhưng ông đọc nhiều tiểu
thuyết của Prosper Mérimée và nhận được từ đó không ít
gợi ý về phương pháp viết tiểu thuyết lịch sử. Một
đặc điểm khác của văn chương Mérimée là tính kỳ quái
kinh dị cho nên nó đã ảnh hưởng - ở một phương diện
nào đó – đến những cây bút Nhật Bản như Izumi Kyôka và
Akutagawa Ryuunosuke. Riêng trường hợp Akutagawa, ông còn được
học hỏi rất nhiều từ Anatole France. Những bản dịch từ
Thais (Vũ nữ Thais) và Balthazar chẳng hạn đã ảnh hưởng
sâu sắc đến Akutagawa. Còn như Aru shuju no kotoba (Phát ngôn
của một người nông nổi), tác phẩm mà nhà văn này sử
dụng lối diễn tả bằng hình thức cách ngôn (aphorisme), ta
thấy nó đã khởi hứng từ Maximes (Châm ngôn, 1665) của La
Rochefoucauld và Le Jardin d’Épicure (Khu vườn của Epicuros, 1895),
một tác phẩm Pháp khác của thế kỷ 19. Ảnh hưởng của
Pháp còn đi ra ngoài lãnh vực của nội dung tiểu thuyết.
Chẳng hạn trường hợp của Tayama Katai thì ngoài Daudet, Maupassant
vv..ông đã học hỏi từ hai anh em Jules và Edmond Goncourt lối
hành văn gọi là Hyômen Byôsha (bình diện miêu tả = chỉ viết
về những điều nổi lên trên bề mặt) như văn phong của
trường phái tả thực.
Tuy vậy, phải nói là các nhà
văn Nhật Bản không chỉ nhận ảnh hưởng từ văn học Pháp.
Khi viết Hakai (Giải cấm), Shimazaki Tôson đã nhận cùng lúc
ảnh hưởng từ nhà văn Pháp Jean-Jacques Rousseau và nhà văn
Nga Fedor M. Dostoevskii. Những ảnh hưởng "phức hợp" này quả
tình quá rắc rối để có thể phân tích dễ dàng. Nhất là
có những tác giả, tuy được dịch ra và được quần chúng
thích đọc nhưng chưa ảnh hưởng ngay tới các nhà văn. Chẳng
hạn trường hợp Honoré de Balzac mà nhà nghiên cứu Terada Tôru
đã viết về điều đó với đại ý như sau:
"Tuy Honoré de Balzac cũng được
người Nhật thích nhưng ông không qui tụ một sự quan tâm
đồng loạt như trường hợp những Stendhal, Tolstoy, Dostoievskii,
Flaubert, Tchekhov...Người ta chỉ nhắc đến ông một cách tình
cờ thành thử tuy là một tác giả được đọc nhưng ông
không ảnh hưởng rõ ràng đến việc sáng tác của các nhà
văn".
Việc Balzac không ảnh hưởng
nhiều đến văn học Nhật có lẽ vì văn chương ông không
thích hợp với "phong thổ" văn học của Nhật. Terada giải
thích tiếp:
"Balzac coi mỗi con người là
mô hình tiêu biểu cho một quan niệm, ông đã tạo ra cả 3.000
thứ như vậy và tin rằng nếu góp nó lại, ông có thể miêu
tả tính chất của một thời đại. Thế rồi trong khi miêu
tả, ông đã định sẵn những mối tương quan nhân quả cho
từng mô hình một. Còn như người Nhật thì phong thổ văn
học của họ là chủ nghĩa tự nhiên, tự nhiên theo kiểu
truyền thống xưa giờ nên lối viết của Balzac không thể
nào thích hợp với họ được. Dĩ nhiên ngoài Balzac ra, hãy
còn có nhiều nhà văn khác cũng có cùng khuynh hướng như ông.
Bốn
Cuối cùng thử nói đôi chút
về việc di thực thi ca và kịch nghệ của Pháp.
Lần đầu tiên thơ Tây phương
được di thực vào văn học Nhật là qua tác phẩm nổi tiếng
Shintaishi-shô (Tân thể thi sao, Mấy bài thơ mới, Meiji 15, 1882) [9].
Trong cuốn này có bản dịch "Thơ xuân của Charles d’Orléans".
Đây là bản "trùng dịch" (dịch đè lên) vì người tên Yatabe
Ryôkichi đã dịch lại bản dịch tiếng Anh (1830) của nhà
thơ Mỹ Henry W. Longfellow những bài thơ của Charles d’Orléans,
một thi sĩ Pháp thời trung cổ. Đây là bản Nhật dịch đầu
tiên để giới thiệu thơ tiếng Pháp.
Rốt cuộc thì từ cuối thời
Meiji sang đầu đời Taishô, đã có thêm 3 tập dịch thơ khác:
(1) Kaichôon (Hải triều âm. Tiếng sóng biển, Meiji 38) của
Ueda Bin, (2) Sankoshuu (San hô tập, Taishô 2) của Nagai Kafuu và
(3) Gekka no ichigun (Nguyệt hạ nhất quần, Một đàn dưới
trăng, Taishô 14) của Horiguchi Daigaku. Nhờ có chúng mà từ
đó, thơ tiếng Pháp mới được dịch sang Nhật ngữ một
cách chỉn chu.
Tập Kaichôon (1905) đã giới
thiệu 57 bài của 29 nhà thơ, trong số đó có 12 người là
Pháp và 2 người là Bỉ. Leconte de Lisle, José-Maria de Heredia,
Sully Prudhomme, Charles Baudelaire, Victor Hugo, Franccois Coppée, Stéphane
Mallarmé, Verlaine, Henri de Régnier, Albert Samain, Jean Moréas (phiên
âm), Théodore Aubaner, Emile Verharen, George Rodenbach (phiên âm)
là những nhà thơ được dịch. Phần lớn là các nhà thơ
của phái Thi Sơn (Parnasse) hoặc phái Tượng Trưng (Symbolism).
Điều đáng chú ý nhất có
lẽ là tính chất tượng trưng của những bài thơ dịch đăng
trong Kaichôon. Về hình thức, các dịch giả đã thử sử dụng
những hình thức thơ, khổ thơ định hình phù hợp với người
Nhật, chẳng hạn khổ 5 âm tiết, khổ 5/ 7. khổ 22 hay 24 âm
tiết.(Chẳng hạn mấy câu đầu của bài Feuilles Mortes (Lá
rụng) của Verlaine được dịch theo khổ 5 âm tiết thành Aki
no hi no / Violon no / Tameiki no / Mi ni shimite / Hitaburu ni / Urakanashi
/ v...đã gợi lên được cái không khi u buồn và da diết của
mùa thu). Chủ biên Ueda Bin đã có dụng ý giới thiệu tập
thơ dịch này để giúp thi đàn Nhật Bản tiếp cận với
thơ mới các nước.
Mặt khác, Nagai Kafuu đã dùng
Sankoshuu để trau giồi tình cảm và thi ngữ của chính mình.
Tập thơ gồm 37 bài và toàn là thơ Pháp cận đại, trong đó,
3 nhà thơ Baudelaire, Henri de Régnier và Verlaine, mỗi người
đã có đến 7 bài.

Horiguchi Daigaku (1892-1981)
đã đem thơ Cocteau đến với người Nhật
Trong Gekka no ichigun, Horiguchi
đã chọn dịch 340 bài của 67 nhà thơ, từ các nhà thơ tượng
trưng đến các nhà thơ khuynh hướng Esprit Nouveau (Tinh thần
Mới), Ông "không có mục đích đặc biệt và cho biết chỉ
dịch để thỏa mãn niềm vui được chuyển ngữ một bài
thơ sang tiếng nước mình" và "lựa chọn các bài dịch theo
cách đánh giá về thơ theo tiêu chuẩn cá nhân". Việc chỉ
chọn các nhà thơ mình thích cho thấy Daigaku có lối làm việc
khác với Bin và Kafuu. Ông bắt đầu với Cocteau, Radiguet, Apollinaire,
sau đến các nhà thơ phái Vị lai (Futurisme), phái Đa đa (Dadaisme),
Siêu thực (Surréalisme). Việc ông làm hết sức có ích đối
với các thế hệ thi nhân Nhật Bản đến sau, đặc biệt
bản thân Daigaku là người thấu hiểu ngôn ngữ nước mình
cũng như tiếng ngoại quốc ngay trong văn mạch của nguyên
tác và biết sử dụng kiến thức ấy vào dịch thuật một
cách trôi chảy. Nó đem đến cho việc dịch thơ một hương
vị mới. Ngày nay, nếu so sánh thì có thể xem thi tập Kaichôon
tương đương với thi ca cổ kính hoa lệ của thời vương
triều, đẹp thì đẹp nhưng cổ lổ, không gần gũi với độc
giả bằng Sankoshuu và Gekka no ichigun. Dù sao nó vẫn là vật
kỷ niệm đáng nhớ của việc dịch thơ dưới thời Minh Trị.

Nhân vật của Sardou
và Dumas Fils cũng từng lên sân khấu Tôkyô
Việc du nhập các bản kịch
Pháp vào đất Nhật qua phiên dịch và phóng tác đã bắt đầu
từ những năm đầu của thập niên 1880 tuy lúc đó chúng chưa
được đưa lên sân khấu. Đến năm Meiji 24 (1891) mới thấy
Fukuchi Ouchi (1841-1906) [10]
cho trình diễn Mai aogi urami no yaiba "Vũ phiến hận chi nhận"
(Lá quạt múa, lưỡi dao thù) ở Kabukiza. Vở này chỉ là phóng
tác La Tosca (1887) [11]
của kịch tác gia người Pháp Victorien Sardou (1831-1908). Fukuchi
có cơ hội sang Âu Mỹ tất cả 4 lần, trên thực tế đã
được xem kịch ở bên đó. Có thể nói phóng tác của La
Tosca là công trình di thực bản tuồng của Tây phương đầu
tiên ở Nhật. Qua năm Meiji 30 (1897) thì Les Misérables (1862)
của Victor Hugo cũng đã được phóng tác thành kịch bản nhan
đề Aware Ukiyo (Cuộc thế bi thương).
Năm Meiji 25 (1892), nhà văn Ozaki
Kôyô cho in kịch bản Natsu kosode (Hạ tiểu tụ, Áo mát mùa
hè). Kỳ thực đây là một phóng tác từ L’Avare (Người
keo bẩn, 1668) kịch bản nổi tiếng của Molière (1622-73). Theo
nhà nghiên cứu Saitô Hironobu, hình như Kôyô đã sử dụng
bản dịch tiếng Anh của vở này do một người tên Charles
Heron Wall (phiên âm) đăng trong 3 tập văn dịch sáng tác của
Molière ra đời vào giai đoạn 1883-87.
Việc Kôyô cắt bỏ màn thứ
5 trong đó có cuộc đối đầu giữa cha con Anselme cho thấy
ông không hẳn trung thành với nguyên tác. Tuy vậy, ông vẫn
giữ lại đầy đủ các nhân vật chủ yếu của vở tuồng
và chỉ muốn đơn giản hóa một kết cuộc mà ông cho là
quá rắc rối. Phóng tác của ông trông giống như bản thu
gọn của nguyên tác, lời đối thoại cũng theo cùng một khuynh
hướng nhưng trong vở tuồng phóng tác của ông, không tìm
đâu ra chất hài của nguyên tác và nhiều khi ta còn nhận
ra vài chỗ ngộ nhận buồn cười.
Cũng vào cuối năm 1892, Kôyô
đã cho đăng Koi no yamai (Bệnh tương tư) trên mặt báo Yomiuri.
Vở này phỏng theo Le médecin malgré lui (Bác sĩ bất đắc dĩ,
1666), một kịch bản khác của Molière. Trong phóng tác của
mình, Kôyô đã sửa đổi cốt truyện chút đỉnh, cùng lúc,
mô phỏng kiểu đối thoại chải chuốt của Molière bằng
phương thức của mình.
Dù sao, cả trong Natsu kosode
và Koi no yamai, Kôyô đều không làm toát ra được tính hài
hước và phúng thích trong lối miêu tả nhân vật, cũng như
không bộc lộ được tinh thần phê phán vốn có trong nguyên
tác. Thay vào đó, độc giả chỉ thấy trong các phóng tác
ấy màu sắc Kyôgen (Cuồng ngôn) [12]
kiểu Nhật từng xuất hiện nhiều lần trên các sân khấu
Edo.
Năm Meiji 29 (1896), Nagata Shuutô
đã phóng tác kịch bản La Dame aux camélias (Trà Hoa Nữ, văn:
1848, kịch: 1852) của Dumas Fils thành Shirayuri (Hoa huệ trắng).
Năm sau (1897), vở Tám mươi ngày vòng quanh thế giới (Le Tour
du Monde en quatre-vingts jours) phỏng theo Jules Verne đã được
trình diễn ở rạp Mizakiza. Năm 1898, đến lượt "Đãi tắc
cam lồ" (Hạnh phúc rồi sẽ đến) của Takeshi Hyôzô được
trình diễn ở Kabukiza. Vở kịch này vốn đến từ Le Comte
de Monte-Christo (Bá tước Monte-Christo) của Dumas Père. Riêng
về công việc dịch các kịch bản thì đã có công trình của
Nagata Shuutô dịch Pour la Couronne (Vì vương miện / vì hoàng
gia) của Franccois Coppée thành ra "Ôkan" (Vương miện, Meiji 32),
Iida Kikan dịch Le Cid của Corneille thành "Aiai no ki" (Định mệnh
thương tâm) và đăng nhiều kỳ trên nhật báo Yomiuri.
Tuy vậy, vào thời Minh Trị,
nói đến việc dịch Molière là phải nói đến Kusano Saiji.
Kusano đã lần lượt đăng các bản dịch của mình lên tạp
chí Myôjô (Ngôi Sao). Tất cả là 15 vở và sau này đã được
qui tụ trong quyển thứ 3 của tác phẩm 3 quyển có tên là
"Molière Toàn Tập" (Morieru Zenshuu (Meiji 41). Tuy dịch phẩm của
Kusano có nhiều màu sắc phóng tác nhưng phải nói là ông đã
có thiện chí đem Molière đến với độc giả và khán giả
Nhật Bản.
Vào đời Taishô có thêm Tsubouchi
Shikô, tuy ông cũng dịch Molière từ bản "trùng dịch" tiếng
Anh nhưng ngôn từ đã có phần chính xác và hiện đại hơn.
Sáu vở kịch đã được dịch và đăng trong tập 1 của một
toàn tập về Molière ra đời vào năm Taishô thứ 9 (1920). Còn
như việc dịch thẳng từ nguyên tác tiếng Pháp thì phải
đợi đến năm Shôwa thứ 9 (1934) với bộ Molière Toàn Tập
gồm 3 quyển gồm 33 thiên do Yoshie Takaki (Kyôshô) chủ biên
và Chuô Kôron xuất bản [13].
Dịch
xong ngày 26/07/2020
Thư mục tham khảo:
1. Nguyên tác bài biên
khảo trên đây là phần mở đầu của quyển Furansu shôsetsu
inyuukô (Khảo về cuộc di thực của tiểu thuyết Pháp) do
Tôkyô Shoseki xuất bản năm 1981, ấn bản lần thứ 3 năm 1989
của tác giả Tomita Hiroshi (1933-nay).
2. Hình ảnh vay mượn từ Internet.
_______________
[1]
- Nguyên tác Đức ngữ Anatomische Tabellen đã được dịch ra
tiếng Hà Lan thành Ontleekundige Tefelen (1734) là sách nói về
Cơ Thể Học (Anatomy)
[2]
- Amakusa là một vùng đảo nằm ở Kumamoto, có cơ sở ấn
loát của các nhà truyền giáo đạo Ki-tô với kỹ thuật và
máy móc in du nhập từ phương Tây kể từ thế kỷ 16.
[3]
- Lỗ Mẫn Tốn đọc theo âm của Nhật thành Ro-bin-son
[4]
- Itagaki Taisuke (1837-1919), chính trị gia, một khuôn mặt lớn
của phong trào tự do dân quyền, Sau sẽ thành công trong việc
lập nội các dân quyền với Ôkuma Shigenobu.
[5]
- Tên thật là Marie-Joseph Sue (1804-1857), quân y của Hải quân,
một nhà văn có tinh thần xã hội.Người cùng thời với Vctor
Hugo (1802-1885).
[6]
- Lãng Lan đọc theo âm Nhật thành Lô (Rô) -ran như Laurent.
[7]
- Ý nói chiến hạm.
[8]
- Henri de Régnier (1864-1936) nhà thơ và tiểu thuyết gia.
[9]
- Tập thơ do ba ông Toyama Seiichi, Yatabe Ryôkichi và InoueTetsujirô
soạn năm 1882 gồm 14 bài thơ dịch từ tiếng Anh và tiếng
Pháp, kèm thêm 5 bài thớ sáng tác.
[10]
- Bút hiệu của Fukuchi Gen.ichi rô, một nhà báo, soạn giả
kịch nghệ và chính trị gia, người có một cuộc đời hoạt
động rất phong phú..
[11]
- Vở kịch nói về bi kịch tình yêu giữa họa sĩ Cavaladocchi
và nàng ca nữ La Tosca.Cũng đã được cải biên thành ca vũ
kịch ba màn với âm nhạc của Puccini và trình diễn ở Roma
lần đầu vào năm 1900.
[12]
- Có thể hiểu là lời lẽ bông lơn không sâu sắc? (NNT)
[13]
- Các chương sau nói về từng tác giả Pháp một sẽ được
dịch tiếp nếu có cơ hội.
|