Chim Việt Cành Nam
Trở về
Trang chủ
Tác giả
KOGÔ 
(Tiểu Đốc / Trăng thu thôn Sagano)

Nguyên tác: Komparu Zenchiku

Dịch: Nguyễn Nam Trân


Cuộc gặp gỡ giữa đêm trung thu trong thôn Sagano

Lược truyện:

Thời Heian, vào cuối thế kỷ 12, lúc gia đình quyền thần Taira no Kiyomori đang thống trị nước Nhật, có một nàng con gái trẻ trung xinh đẹp, chức danh trong hậu cung là Kogô-no-tsubone, ái thiếp của Thái thượng hoàng Takakura. Ông sớm phải nhường ngôi cho con trai mình (Antoku) nên lúc ấy hãy còn rất trẻ.Tuy được vua yêu, Kogô vẫn khiếp sợ thế lực của Taira no Kiyomori, một người hung bạo và là cha đẻ của Hoàng hậu Taira no Tokushi (Tokuko), bèn bí mật đang đêm trốn khỏi cung đình.Takakura rất đau khổ, ngày đêm than thở buồn thương và cho người đi khắp nơi để tìm nàng. Khi ông nghe phong thanh nàng hiện ẩn mình ở một nơi hẻo lánh trong thôn Sagano bên ngoài kinh đô, liền hạ lệnh bề tôi thân tín là Minamoto no Nakakuni phải kiếm nàng cho bằng được. Lúc đó nhằm ngày 15 tháng 8 âm lịch tức tiết Trung Thu.

Lúc ở trong cung, Nakakuni thường có dịp thổi tiêu (fue) để hòa với tiếng đàn cầm (koto) của Kogô. Với đôi tai sành âm luật, ông có thể phân biệt được tiếng đàn của nàng với một tiếng đàn khác. Biết rằng dưới vầng trăng đẹp của đêm trung thu và giữa chốn đồng quê yên tĩnh, thế nào nàng cũng cao hứng dạo đàn. Nakakuni bèn lên ngựa do Thiên hoàng ban tặng và về vùng Sagano. Ông đi hết mấy vòng trong thôn để lắng nghe xem có ai đàn hay không nhưng mọi nơi đều vắng lặng.

Mãi đến khi ông tiến về khu vực kề bên chùa Hôrinji (Pháp Luân Tự) thì mới nghe văng vẳng tiếng koto. Điệu nhạc ai đó đang chơi là bài Sôburen (Tưởng phu luyến = Thương nhớ chồng) mà trước kia Kogô thường dạo. Chắc hẳn giờ đây nàng đang hồi tưởng lại những ngày hạnh phúc bên Thái thượng hoàng và xót xa cho cái cảnh phải chia lìa. Nakakuni biết chắc người đang đánh đàn đó phải là Kogô bèn đập cửa hỏi thăm người trong nhà và xin gặp mặt chủ nhân.Lúc đầu Kogô từ chối nhưng ông kiên nhẫn chờ đợi và thưa qua người thị nữ rằng ông sẽ không về triều nếu không gặp được nàng. Rốt cuộc, biết ông đến đây là theo mệnh lệnh của nhà vua, nàng mới chịu ra.

Nakakuni bèn trao lại Kogô bức thư Thái Thượng Hoàng viết cho nàng. Kogô bày tỏ lòng cảm ơn vì nhà vua đã tìm mọi cách để biết được tin nàng. Thế rồi nàng thảo một bức thư hồi âm và gửi gắm nó cho Nakakuni. Khi Nakakuni dợm về, nàng đã giữ chân ông lại và mời dự một tiệc rượu nhỏ. Trong bữa tiệc, Nakakuni vui vẻ múa điệu Otoko-mai (vũ đàn ông) để cảm ơn. Sau khi tiệc tan, Nakakuni lên ngựa về cung và Kogô nhìn theo đưa tiễn.

Đặc trưng của vở tuồng:

Tuy là câu chuyện giữa một ông vua và nàng ái phi nhưng Kogô còn mang chủ đề tình yêu giữa một người nam và người nữ đang ở trong cảnh chia lìa. Nhân vật chính (Shite) Minamoto no Nakakuni đóng vai trò cầu nối giữa hai người. Đáng lẽ ông chỉ đóng vai trò hỗ trợ, nấp bên trong, nhưng đã hiện ra trước mắt khán giả dưới hình dáng của một chàng công tử, một samurai hào hoa phong nhã để giúp cho mối tình giữa Takakura và Kogô được chói sáng hẳn lên trong một bầu không khí thơ mộng và thanh tao..

Cái đáng xem trước tiên trong vở tuồng là khúc hát và điệu múa Koma no dan (Bước ngựa phi) trong đoạn Nakakuni ngồi trên lưng tuấn mã đi khắp vùng Sagano để dò dấu tích của nàng Kogô dưới một bầu trời ngập ánh trăng thu. Sau đó đến lời hát theo điệu kuse, lúc Kogô bày tỏ cho Nakakuni tình yêu của nàng đối với quân vương qua những điển xưa tích cũ trong Hán văn. Cuối cùng là điệu Otoko-mai mà Nakakuni đã trình diễn trong tiệc rượu trước khi chia tay Kogô. Ít nhất ba cảnh đó sẽ đánh mạnh vào giác quan của khán giả.

Một số nhà bình luận đặt trọng tâm vào một "mối tình thứ hai" lồng bên trong "mối tình thứ nhất" giữa Takakura và người thiếp yêu. Họ cho rằng nó có thể nẩy nở giữa cặp tai trài gái sắc Nakakuni-Kogô. Họ đã biết nhau từ hồi ở trong cung và từng hòa tấu bằng hai nhạc cụ sở trường của mình. Hai người đều có tình yêu chung là âm nhạc và hiểu về nhau đến mức độ Nakakuni có thể phân biệt được âm sắc tiếng đàn của Kogô bên cạnh tiếng đàn của nhiều người khác. Ngoài một thị nữ, chỉ có hai người diễn trên sân khấu (Thái thượng hoàng Takakura là một bóng ma không hề xuất hiện trong màn nào cả). Hai chi tiết khác cũng đáng lưu ý là Kogô đã tỏ ra bấn loạn khi biết Nakakuni đến tìm mình và trong buổi tiệc chia tay, ông đã múa điệu vũ con trai (Otoko-mai) và theo định nghĩa, đó là một điệu vũ hùng tráng của người samurai.

Tuy nhiên phần đông các nhà nghiên cứu lại phản bác, cho rằng không hề có một "mối tình thứ hai" nào ngoài mối tình giữa nhà vua và nàng ái thiếp. Họ viện dẫn sách vở về tuổi tác của Nakakuni, cho rằng vào thời điểm đó ông đã là một ông già. Họ còn cho rằng trên sân khấu, Nakatani đã đóng vai trò của Takakura, người vắng mặt, chứ ông chỉ là một người đưa thư và rất nghiêm chỉnh trong việc hoàn thành sứ mệnh nhà vua giao phó. Họ bảo nếu trong vở tuồng có nhiều đoạn Nakakuni và Kogô tỏ ra quá thân mật trong tình cảm và hành động thì cũng chỉ vì Nakakuni quá thành công khi nhập vai Takakura và xin đừng hiểu lầm về quan hệ giữa hai người.

Sau khi nghe cả hai lối giải thích, người dịch thiết tưởng mỗi khán giả cũng như mỗi diễn viên đều có quyền cảm nhận về kịch bản một cách khác nhau, nhất là khán giả, những người không bị bắt phải đóng vai trò của một nhà phê bình. Phải chăng đây cũng là một đặc sắc khác mà vở Kogô sẽ đem tới cho chúng ta, nhất là khi khán giả thử đặt mình vào vị trí của Nakakuni để tự hỏi lòng về tình cảm cá nhân khi đứng trước người đẹp!

Thông tin kỹ thuật về vở tuồng:

Trường phái: Ngũ lưu (5 trường phái chính) đều diễn vở này.

Lớp 4: Cuồng. Cuồng ở đây không hẵn là điên nhưng có lẽ vì mất kiểm soát tình cảm. Bằng không thì phải thuộc lớp 3 (Nữ).

Tác giả: Komparu Zenchiku.

Mùa : Thu (tháng 8 âm lịch, tiết Trung Thu).

Phối vai:

Shite: Minamoto no Nakakuni, bầy tôi tâm phúc của Thiên hoàng.

Tsure: Nàng Kogô.

Tsure: Thị nữ

Waki: Đặc sứ của Thiên hoàng (Sắc sứ).

Ai-Kyôgen: Bà chủ trọ của Kyogô.

Mặt nạ:

Tsure (Kogô): Ko-omote (mặt nạ đàn bà nhỏ nhắn, mảnh mai).

Tsure: cũng mang Ko-omote.

Trang phục (lược thuật):

Shite:

Trong phần đầu (lúc ở tư dinh): Đội mũ cao Okina-eboshi dành cho người lớn tuổi, mang thắt lưng dây quấn kiểu Kanze-yori, áo kimono kiểu kariginu, bên trên và phía dưới mặc hitatare của con nhà võ, áo kimono kitsuke / atsuita vải dày, quần váy hakama với ống rộng (ôguchi), có mang thêm thắt lưng koshi-obi và đeo một thanh kiếm nhỏ.

Trong phần sau (thôn Sagano): Cũng đội Okina-eboshi và mang thắt lưng quấn kiểu Kanze-yori nhưng mặc Chôken lịch sự, dài và có ống tay áo rộng (để múa cho đẹp) cùng với kariginu, kitsuki / atsuita, hakama giống màn trước. Có đeo kiếm, giắt quạt, tay cầm roi ngựa..

Tsure (Kogô): Đội tóc mượn kazura và quấn kazura-obi quanh tóc. Mặc karaori (áo ngắn tay bên ngoài kimono) và kitsuke / atsuita vải dày, cầm quạt.

Tsure: cũng ăn mặc gần giống như Kogô nhưng không sang trọng bằng (không có karaori)

Waki: đội hora-eboshi tức mũ của viên chức nhà nước, mặc kariginu, kitsuke / atsuita vải dày, awase-kariginu, quấn obi, giắt quạt, tay cầm lá thư.

Ai-kyôgen: quấn binan-kazura với hai giải dây thả xuống hai bên mặt,, áo haku-no-osode tức kimono tay cộc có trang trí và quấn onna-obi tức giây thắt lưng dành cho đàn bà.

Cảnh: 2.

Cảnh 1: Tư dinh của Minamoto no Nakakuni ở Kyôto.

Cảnh 2: Thôn Sagano cũng ở Kyôto, (vào thời điểm đó là một cánh đồng thanh vắng).

Thời lượng: Cần khoảng 1h20.

Để tiện theo dõi, xin chia vở tuồng ra làm 5 tiểu đoạn ABCDE. Những đoạn trong dấu hoa thị * chỉ có trong ca từ của vài lưu phái.

Văn bản tuồng với lời giải thích (in nghiêng):

A) Nhận lệnh Thiên hoàng từ đặc sứ, Nakakuni đến thôn Sagano tìm chỗ ẩn náu của Kogô:
Khi ái thiếp biến mất khỏi cung điện, Thái thượng hoàng Takakura ngày đêm thương nhớ và đau xót nên đã gửi một viên đặc sứ tới gặp bầy tôi tín cẩn là Minamoto no Nakakuni (Nguyên, Trọng Quốc) để ra lệnh cho ông đi tìm nàng vì nghe nói nàng đang ẩn náu ở một nơi có lẽ là Sagano, một vùng quê ngoại thành. Nakakuni bèn cưỡi con ngựa hay vừa được nhà vua ban cho và gấp rút đi về vùng đó.

Đặc sứ:

Như tôi đây là một đình thần hầu hạ Thái thượng hoàng Takakura. Trong hậu cung có một người thiếp mà ngài rất sủng ái, đó là Phu nhân Kogô (Kogô-no-tsubone).Tuy nhiên, một buổi tối kia, Phu nhân Kogô đã bỏ đi mất dạng. Có lẽ vì bà e sợ quyền lực của quan Thái chính đại thần Taira no Kiyomori tức là thân phụ của Đức Hoàng hậu hay chăng? Từ khi Phu nhân mai danh ẩn tích, Thái thượng hoàng hết sức nhớ nhung, ngày đêm thở than không dứt. Ban ngày, ngài tự giam mình trong ngự tẩm, còn như đêm đến, ngài lại ra ngoài Nam Viện để tỏ nỗi cô đơn với vầng trăng trên bầu trời. Nhân vì ngài nghe phong thanh rằng Phu nhân đang náu mình nơi thôn Sagano mới bảo tôi đến truyền lệnh cho quan Phó ngự sử (Danjô Daihitsu)[1]Nakakuni đi tìm tông tích của Phu nhân. * Tuân theo thánh chỉ, tôi đang nhanh chân tới dinh quan Phó ngự sử, tôi đang trên đường đến tư dinh Nakakuni để trao chiếu chỉ* .

Này, Nakakuni có đấy không? Trong nhà có người tên Nakakuni không vậy?

Nakakuni: *Thưa, có tôi đây. Chẳng hay vị nào hỏi tôi đấy ạ?*

Đặc sứ: Tôi là đặc sứ mang chiếu chỉ đến cho ông.

*Về hành tung của Phu nhân Kogô, Thái thượng hoàng có nghe rằng bà đang nương náu ở Sagano.Tôi đến đây để truyền chiếu chỉ bảo ông phải nhanh chân đến đó, gặp bà và trao bức thư của ngài. Tôi đến đây để bảo ông hãy nhanh chân lên đường đi Sagano*.

Nakakuni: Tôi xin cúi đầu bái mệnh.Thế ông có biết phu nhân đang ở nhà ai trong vùng Sagano không?

Đặc sứ: Tôi chỉ biết bà đang sống trong một ngôi nhà có cửa mở được một cánh (kataorido) thôi [2].

Nakakuni: Đúng thật. Ở những vùng quê như Sagano đôi khi có những ngôi nhà với cánh cửa làm theo kiểu đó.* Bây giờ sắp đến ngày 15 tháng 8, vừa vặn rằm TrungThu*. Thế nào bà cũng sẽ dạo một khúc đàn koto vào buổi tối hôm ấy. Tôi còn nhớ rất rõ giai điệu tiếng đàn của bà. Ông hãy về tâu lên Thái Thượng Hoàng xin ngài cứ yên tâm.

Đặc sứ: Khi tôi chuyển lời của ông đến Thái Thượng Hoàng, ngài tỏ ra hết sức hài lòng và ban cho ông một con tuấn mã từ tàu ngựa của hoàng gia.

Nakakuni: Tôi xin bái lãnh tuấn mã ngài ban và nhận mệnh.

Hợp xướng (Jiutai):Nakakuni bèn leo ngay lên mình ngựa và rong ruổi giữa đêm thu, leo ngay lên mình ngựa và rong ruổi giữa đêm thu. Ngựa ơi, mi là con tuấn mã lông vàng như ánh trăng (nguyệt mao), hãy ra sức chạy đi con nhé. Lòng nôn nả như thế, (chẳng mấy chốc) tôi đã đến được Sagano, lòng nôn nả như thế, (chăng mấy chốc) tôi đã đến được Sagano.

(Đến đây là Nakairi, chỗ nghỉ giữa hai màn)

B) Kogô bắt đầu dạo đàn:

Kogô đã sống một thời gian ở Sagano bên cạnh một người thị nữ. Nhân bà chủ ngôi nhà nàng ở trọ gợi ý, nàng bắt đầu đem đàn koto ra dạo để tự an ủi vì nàng đang thương nhớ chồng mình.

*(Bà chủ ngôi nhà trọ của Kogô ở Sagano nghe danh nàng là một người đánh đàn koto tuyệt hay nên đã xin nàng đàn cho mình nghe một khúc để thưởng trăng nhân dịp rằm tháng tám)*

Kogô: Đúng như người ta nói, dù núp mưa chung dưới một tàng cây hay uống chung ngụm nước mát trong cùng dòng suối, tất cả đều đến từ cái duyên tiền kiếp [3]. Tôi đã sống quen trong ngôi nhà này nên cùng với thời gian, tôi trở nên thân thiết với những người đàn bà tuy thân phận thấp hèn nhưng tôi có thể trông cậy được vì họ đã che chở cho tôi suốt thời gian lánh nạn này [4]. Tình cảm của tôi với họ nếu có chăng thì cũng chỉ là thường tình. Thế nhưng đối với quân vương (ôkimi) thì dù thời gian có trôi qua bao nhiêu đi nữa, tôi vẫn không sao quên được tấm lòng từ ái của ngài.

Hợp xướng: Thế thì nàng hãy dạo đàn lên để an ủi trái tim cô đơn của mình đang buồn nhớ mối tình phong kín.

Tôi muốn lòng mình được an ủi dẫu là trong phút chốc, tôi muốn lòng lòng mình được an ủi dẫu là trong phút chốc cho nên mới dạo đàn. Nhưng khi đánh lên thì âm thanh của nó nghe thật là thảm thiết, chẳng khác nào gió thu gào thét. Tiếng côn trùng sao cũng nghe như ai than trách. Có phải những âm thanh ấy là lời oán hờn vọng lên vào mùa thu, mùa của hững hờ và của chán ngán như người ta vẫn bảo, cũng là mùa của những mối sầu đời vì tình duyên cay đắng. Những cánh hoa nữ lang (patrinia) lả ngọn kia có phải đang tủi hờn cho số phận và cũng như chúng, tôi đang sống trôi nổi, đau khổ vì tình yêu trong một cõi phù thế lắm tân toan. Nhưng thôi, xin hãy giữ kín tâm sự ấy hộ tôi vì tôi rất tủi hổ cho tấm thân tàn tạ của mình.

C) Nakakuni ruổi ngựa đi tìm Kogô trong đêm thu, chợt nghe tiếng đàn cầm:

Khi Nakakuni ruổi ngựa đi khắp vùng Sagano, ông nghe có tiếng đàn koto vọng đến từ đâu đó. Cẩn thận theo dõi tiếng đàn ấy, ông nhận ra giai điệu bản Sôburen (Thương nhớ chồng)[5].

Nakakuni: Ôi, thú vị thật. Vầng trăng rằm sao mà đẹp thế. Nhớ xưa có người đã viết ra câu thơ: "Người bạn thương nhớ của tôi ơi! Nay ở cách đây những hơn hai nghìn dặm, đêm nay bạn đang thưởng thức ánh trăng rằm tươi tắn này như thế nào?" (Đường thi: Tam ngũ dạ trung tân nguyệt sắc. Nhị thiên lý ngoại cố nhân tâm, Bạch Cư Dị, Ký hữu) [6]. Nay đã nhận được mệnh lệnh tôn kính của thiên hoàng thì dù phải đi xa ngoài hai nghìn dặm, tôi cũng không sờn! Lòng của tôi đang rộn rã và con ngựa này cũng đang hăng hái ruổi rong. Ngựa ơi, dù sao chúng ta cũng nên cẩn thận khi đi đường vì trời đã tối.

Đây là vùng Sagano, từng được nhắc đến trong bài thơ nổi tiếng: "Nai cái kêu trong núi. Chiều thu buồn làm sao!" (thơ Waka) [7]

Đến đây là cảnh trình diễn vũ khúc Koma no dan (Bước ngựa phi)

Hợp xướng: Bầu trời thu trên thôn Sagano trong vắt và lòng tôi cũng trong vắt như bầu trời.Tôi đang ra roi thúc ngựa đi nhanh dưới ánh trăng thu để tìm cánh cửa chỉ có thể mở được một bên (kataorido).

Nakakuni: ...nhưng sao tôi không thấy gì trong vùng này ngoài những ngôi nhà tồi tàn và dựng lên tạm bợ.

Hợp xướng: Chắc chỉ nội quanh đây thôi. Nghĩ như thế, tôi bèn ruổi ngựa đi tìm hết chỗ này đến chỗ nọ, lắng tai nghe, nhưng không nơi đâu vẳng lại tiếng koto. Đêm hôm nay, có lẽ vì vầng trăng mời mọc, Phu nhân có thể đã ra bên ngoài chăng? Bèn lần về khu vực chùa Pháp Luân (Hôrinji) nơi tôi nghĩ rằng mình có thể nghe được tiếng đàn koto của bà. Ô kìa, phải chăng ấy là tiếng koto hay, không đâu, chỉ là một cơn giông đang băng qua đỉnh núi hay là trận gió thổi xuyên cánh rừng tùng? Hoặc giả nó đúng là tiếng đàn koto của vị phu nhân mà tôi đang tìm kiếm. Lắng tai nghe thử, tôi đã nhận ra giai điệu Soburen (Tưởng phu luyến), khúc ca của người đàn bà để tỏ lòng thương nhớ chồng thắm thiết. Ôi, tôi mừng quá đỗi!

Điệu vũ Koma no dan chấm dứt ở đây.

D) Nakakuni gặp được Kogô:

Nakakuni sau khi nhận ra tiếng đàn koto của Kogô bèn đến ngôi nhà ấy để hỏi thăm. Khi một thị nữ ra mở cổng, ông bèn đi thẳng vào trong sân, cho biết mình đến đây theo mệnh lệnh của Thái thượng hoàng và xin gặp Kogô.Thế nhưng Kogô trả lời rằng nàng không phải là người ông trông đợi và từ chối không cho ông vào bên trong nhà. Nakakuni bảo mình sẽ cương quyết đợi dù phải ngủ cạnh hàng rào hay dưới mái hiên suốt đêm cho đến khi nàng chấp thuận. Thị nữ thấy tội nghiệp ông bèn ra sức thuyết phục chủ và cuối cùng Kogô đã mời Nakakuni vào. Ông trao cho nàng lá thư của Thái thượng hoàng Takakura.

Nakakuni: Tôi chắc chắn đây là tiếng đàn của Phu nhân Kogô. *Để đi hỏi thăm người ta xem sao!*

*Xin chào các người ạ. Trước hết, có thể nào mở cửa cho tôi vào bên trong hay không*

Kogô: Ai đấy nhỉ?Ta nghe như có tiếng người ngoài cổng. Thử lắng tai xem!

Thị nữ: Vâng, em biết. Nhưng trước tiên, em sẽ ra nghe xem vị khách đó nói gì cái đã. Em sẽ đẩy cửa mở qua một bên.

Nakakuni: Tôi không cho cánh cửa này đóng lại đâu. *Tôi sẽ giữ lấy nó và mở toang để có thể vào trong sân.*

Nakakuni tôi đến đây như sứ giả theo chiếu chỉ của Thái thượng hoàng. Xin thông báo điều này cho Phu nhân Kogô!

Kogô: Ông khách nói cái gì lạ thế. Ai đời sứ giả nào của nhà vua lại đem chiếu chỉ tìm đến chỗ ở quê mùa của đám thường dân thô lậu. Chắc ông lầm tôi với ai rồi.

Nakakuni: Cho dù lệnh bà có muốn dấu diếm thế nào nhưng nỗi buồn kia đã tuôn ra cùng với nước mắt. Với tiếng đàn koto, làm sao bà có thể dấu kín được tình cảm.

Kogô: Tôi thật thẹn cho mình, bởi vì đôi khi ở trong cung, vào những buổi hòa nhạc, thì Nakakuni...

Nakakuni: ...đã được goi đến để thổi tiêu.

Kogô: Ánh trăng hôm nay cũng là vầng trăng tôi từng ngắm ở trong cung.

Kogô / Nakakuni: Một người bạn thân ngày xưa đang tìm đến thăm tôi, và nếu tôi ra để gặp thì giai điệu tôi đã hòa chung với người ấy sẽ...

Hợp xướng: Tôi đến đây theo mệnh lệnh của Thái thượng hoàng để trao tận tay phu nhân bức thư này. Có cớ gì bà lại tránh tôi như thế? Nếu bà không muốn tiếp, tôi sẽ gối đầu lên bụi cây ngoài bờ rào, lấy tay áo thay chăn và nằm ngắm trăng cho hết đêm nay.

Nơi đây có phải là thôn Sagano, nơi đây có phải là thôn Sagano từng được nhắc trong một áng thơ xưa: "Trong rừng núi Saga / Bước quân vương đã vắng / Nhưng bên vùng săn bắn / Trên lối mòn muôn thuở / Dấu cũ vẫn còn y" (thơ Waka) [8]. Tôi đã theo con đường cũ để đến đây bởi vì đối với Thái Thượng Hoàng, cho dù mối giao tình có đứt đoạn tạm thời nhưng ngài vẫn mong sao nối lại và gìn giữ nó mãi mãi. Sự có mặt của tôi hôm nay là bằng chứng tấm lòng tha thiết của nhà vua đối với lệnh bà. Tôi biết bà là người thấu hiểu tình cảm ân cần của ngài hơn ai hết. Lệnh bà không cần phải lên tiếng. Chỉ xin bà dạo cho nghe một khúc koto bởi vì tiếng đàn sẽ nói thay lời.

Nữ tỳ: Ông Nakakuni cương quyết đợi cho đến khi được gặp cô. Vai áo đã đẫm sương nhưng ông vẫn chờ bên dưới bờ rào. Em rất tội cho ông vì ông đến đây theo lệnh của Đức Hoàng Thượng. Sao cô cứ khăng khăng không muốn tiếp và cũng không mời ông ấy vào trong nhà cho?

Kogô: Dĩ nhiên ta cũng nghĩ như em là phải mời ông ấy vào nhà. Thế nhưng ông ấy đến bất chợt khiến ta hết sức ngạc nhiên...và đâm ra bối rối.Ta không biết phải xử sự thế nào đây, nhưng thôi...em hãy mời ông ấy vào cho!

Nữ tỳ: Thế thì *xin mời ngài Nakakuni* vào đi cho ạ!

Nakakuni: * Vâng, dĩ nhiên là thế vì tôi đã vâng theo chiếu chỉ mà lặn lội đến tìm lệnh bà. Tôi xin tuyên đọc lời ngài phán nhé!+

Số là sau khi lệnh bà mai danh ẩn tích như bây giờ, hoàng thượng vóc dáng hao gầy và không ngớt lời than thở. Ngài đã hạ lệnh cho tôi với bất cứ giá nào cũng phải tìm ra chỗ ở của bà. Ngài lại gửi qua tôi một bức thư quí giá mà tôi đang mang tới đây. Nếu có thể được, xin lệnh bà hồi âm ngay cho. Tôi xin đem về cung trình lên ngài.

E) Nakakuni hoàn thành nhiệm vụ, cáo từ để về triều.

Kogô bày tỏ lòng cảm tạ của nàng đối với Thái Thượng Hoàng bằng cách dẫn những truyện xưa tích cũ trong cổ văn Trung Quốc nói về tình yêu của các bậc quân vương. Nàng cũng nhờ Nakakuni đem về cho nhà vua một lá thư hồi âm. Chưa muốn chia tay với Nakakuni, nàng giữ chân ông lại dự một tiệc rượu nhỏ và lúc đó, ông đã bày tỏ sự biết ơn bằng một điệu vũ. Sau khi múa xong, lòng sung sướng vì có cơ hội đưa tin lành của Kogô về cho nhà vua, ông từ giã nàng và lên ngựa ra roi về cung. Kogô nhìn theo đưa tiễn.

Kogô: Từ xưa đến giờ, tôi đã nhận biết bao nhiêu ơn huệ từ Thái Thượng Hoàng và không biết phải cảm tạ hồng ân của ngài bao nhiêu mới đủ. Đối với một kẻ thấp hèn như tôi mà ngài còn lo lắng đến mức gửi thư thăm thì tình cảm của ngài quả sâu xa biết chừng nào!

Hợp xướng: Tình yêu thương chúa thượng ban cho tôi từ xưa vẫn không hề thay đổi. Cho dù tôi đã từ giã hoàng cung để đến đây sống ẩn dật trong cuộc đời bèo bọt này, ngài đã theo dõi từng bước chân của tôi cho nên tôi không thể ngăn được dòng lệ biết ơn đang trào ra trên má.

Tôi rất cảm ơn cuộc viếng thăm của ông hôm nay. Giờ đây, tôi rất vui vì đã sống được trọn vẹn cả những tháng ngày cay đắng.

Kogô: Tuy một kẻ thấp hèn như tôi không thể nào so sánh được với những người trong tích xưa chuyện cũ nhưng...

Hợp xướng .:..đã có chứng cớ tự ngày xưa về tình chung thủy giữa vợ chồng. Thời Hán có Vũ Đế vì quá đau buồn trước cái chết của Lý phu nhân nên đã đốt Phản Hồn Hương trong cung Cam Tuyền, mong nàng trở về từ bên kia cõi chết. Và trong ngọn khói bay lên, ngài đã mơ hồ nhận ra hình bóng của phu nhân...

Kogô / Nakakuni: Theo truyền thuyết đó thì nàng tuy có hiện ra những chỉ trong thoáng chốc.

Hợp xướng: Muốn cho khỏi nếm những khổ đau thì chỉ có cách là ngay từ đầu, đừng thề thốt với nhau làm chi!

Những câu thì thầm bên gối của Đường Huyền Tông với Dương Quí Phi trong cung Ly Sơn vì ai đó lắm lời để lọt ra cho công chúng biết. Sau khi Dương Quí Phi vứt bỏ tấm thân ngà ngọc, Hoàng đế Huyền Tông không ngớt âu sầu, để dòng lệ ướt đầm tay áo. Dù thế, ngài vẫn chưa có thể quên nàng nên đã nhờ phương sĩ gọi hồn về từ cung điện núi Bồng Lai trên tiên giới. Những tình cảm của họ, giờ đây tôi mới thấy sao mà thấm thía.

Kogô: Vì đã đi tìm nhau, cho dù người yêu đang ở bên trời!

Hợp xướng: ...chứng tỏ được một tình yêu không chi sánh được. Cho dù cay đắng xót xa trong cảnh sinh ly tử biệt nhưng tình yêu của ngài đối với quí phi họ Dương càng thêm bỏng cháy khiến rốt cuộc ông thành ra loạn trí. Đem so với trường hợp của ông thì ta còn may mắn hơn nhiều vì ta còn được sống trong cùng một thế giới với Thái Thượng Hoàng. Ta hãy còn hy vọng gặp ngài. Nay ngài đã mở rộng vòng tay ra ngoài kinh đô Kyôto mà nghĩ đến ta thì ta xin coi việc nhận chiếu chỉ từ tay sứ giả hôm nay như một ân huệ tuyệt vời. Ta sẽ thành thực trả lời câu hỏi của ngài về nơi ta đang ẩn náu.

Nakakuni / Hợp xướng: Đến đây thì giờ chia tay đã điểm. Nakakuni nhận từ tay Kogô một lá thư hồi âm và đứng lên sau khi nói lời từ giã.

Kogô: Ông đã đến đây thăm tôi vào một đêm trăng rằm trong cuộc đời vô thường này, nơi chúng ta sống như trong ngôi nhà trọ. Khi nghĩ rằng, ông là vị đặc sứ cuối cùng mà hoàng thượng gửi đến thăm tôi, tôi không đành lòng chia tay ông...

*Hợp xướng / Nakakuni*: Nước mắt của các người rồi sẽ khô đi thôi. Như Ngưu Lang Chức Nữ mỗi một năm mới gặp một lần vào cái đêm Thất Tịch, hai người sẽ khó lòng còn gặp lại nhau.

Kogô: Nhưng dù sao, tôi vẫn còn có duyên gặp lại ông chứ nhỉ?

Hợp xướng / Nakakuni: Mai sau, vào một dịp nào đó.

Hợp xướng: Thế thì tôi phải nhanh nhanh đến đón lệnh bà! Dù nói vậy nhưng lòng còn bịn rịn...

Nakakuni: Hãy bày ra tiệc rượu, ta uống đi rồi hòa nhạc với nhau.

Hợp xướng: Dưới vầng trăng tỏ đêm nay, tiếng nhạc cũng ngân lên trong vắt.

Nakakuni: Có bài hát nhan đề: "Vào một đêm trăng đẹp" (Tsukiyo yoshi) mà lời ca như sau: "Đêm trăng này thật đẹp / Nhưng nếu tôi nói ra / Người ấy sẽ nghĩ rằng / Tôi muốn chàng đến thăm / Và nếu chàng hỏi tôi / Thời làm sao từ chối!) [9].

(Đây là lúc Nakakuni bắt đầu múa Otoko-mai). Điệu múa này được đệm bằng ống tiêu (fue), trống con (kozutsumi) và trống nhỡ (ôzutsumi). Điệu múa hùng tráng, nam nhi như để chúc mừng.

Nakakuni: Tiếng tiêu của tôi hòa cùng tiếng bão thu trút lá (kogarashi).

Hợp xướng: Không có lời nào có thể cầm chân người có tiếng tiêu quyện được vào trong luồng gió mạnh.

Không một lời nào, không một lời nào.

Nakakuni: Không một lời nào có thể bày tỏ hết nỗi buồn thương trong lòng Hoàng thượng nếu ta nhìn thấy được lòng ngài.

Hợp xướng: Ngay một kẻ thân phận thấp hèn như tôi đây cũng chìm đắm trong suy nghĩ mông lung và không có lòng nào đứng lên để múa. Nhưng dù sao, may mắn gặp được lệnh bà đây trước khi trở về cung, tôi không thể nào dấu được niềm vui sướng trong lòng. Nói xong, Nakakuni chắp hai ống tay áo làm cử chỉ chào chia tay Kogô và giục con tuấn mã, người và ngựa cùng rộn rã đi về hướng Kyôto. Kogô nhìn theo đưa tiễn.


Nakakuni và Kogô trong một lớp diễn

Phần chú thích:

[1] - Nguyên văn "Đàn chính đại bật" tức là nhân vật đứng vào hàng thứ hai trong Ngự sử đài, cơ quan chuyên lo can gián nhà vua hay đàn hặc các quan..
[2] - Kataori-do là loại cửa đơn, chỉ mở ra được một bên, khác với moro-orido có thể mở cả hai bên tả hữu.Cửa kata-orido có vẻ kém bề thế.
[3] - Tư tưởng nhà Phật "Nhất ẩm nhất trác giai do tiền định". Cung Oán Ngâm Khúc của Nguyễn Gia Thiều cũng có câu: "Vẻ chi ăn uống sự thường. Cũng còn tiền định khá thương lọ là".
[4] - Đúng rồi. Họ không phải như những kẻ tuy cao sang mà lại mưu toan hãm hại tôi!.
[5] - Một điệu trong Nhã nhạc (Gagaku) cung đình
[6] - Thơ Bạch Cư Dị có chép lại trong Hòa Hán Lãng Vịnh Tập.
[7] - Thơ Waka: "Mejika naku / kono samazato no / saganareba / kanashi karikeru / aki no yuugure" (Vẳng tiếng nai cái kêu / Nhưng bên trong làng núi / Với cảnh chiều thu rơi / Lòng đã đủ buồn rồi /. Làng núi (yamazato = sơn lý ) ám chỉ thôn Sagano.
[8] - Thơ Waka: "Saga no yama / Miyuki taenishi / Serigawa ya / Chi yo no furumichi / seki wa ari keri". Serigawa là tên sông phía nam kinh thành nhưng cũng là tên một ly cung của Thiên hoàng cất ở đấy.
[9] - Nguyên văn: "Tsukiyo yoshi / Yo yoshi to hito ni / tsuge yaraba / kite fu ni ni tải / matazu shi mo narazu". Một đêm trăng thật đẹp nhưng nếu ta nói lên câu đó thì chàng sẽ tưởng ta muốn chàng đến thăm. Và nếu chàng ngỏ ý đến thăm thì chắc ta phải đợi chàng thôi (nghĩa là sẽ không chối từ nổi).


Mùa thu ở Arashiyama trong vùng Sagano

Lạm bàn của người dịch:

Người dịch biết đến Kogô từ khi đọc một truyện ngắn của văn hào Tanizaki nhan đề Người Cắt Lau (Ashikari) và bắt đầu yêu bầu không khí nửa mộng nửa thực của vở Nô này qua hình bóng của Kogô, một người đẹp tài hoa và bạc mệnh.

Kogô (Tiểu Đốc) chỉ là một chức danh trong cung chứ không phải là tên của nàng. Tên con gái của Kogô không được sử sách nào truyền lại, chỉ biết nàng dòng dõi quí tộc Fujiwara, ông nội và cha đều làm quan cao, và nổi tiếng dung nghi xinh đẹp. Nghe nói sau khi hạ sanh cho Thái thượng hoàng được một công chúa (may là sinh con gái) thì nàng bị bắt phải đi tu và sau đó chết trong chùa lúc hãy còn trẻ dù không rõ năm nào. Chính Thiên hoàng Takakura cũng yểu mệnh, tuy ở ngôi 12 năm (1168-1180) vì làm vua sớm nhưng có lẽ do mang lắm nỗi buồn phiền, đã băng hà lúc mới 20 tuổi (1161-1181) tức chỉ 1 năm sau khi trở thành Thái thượng hoàng

Takakura làm vua nhưng không có chi vui. Đời chính trị của ông đã bị cái bóng lớn của Taira Kiyomori đè lên cho dù ông cũng có máu Taira trong người vì mẹ ông là bà Taira no Shigeko, vai chị vợ của Kiyomori. Chính ông được lên ngôi vì cha ông, Pháp hoàng (vua đã đi tu) Go- Shirakawa, xung đột với Kiyomori và bị ông này giam lỏng trong điện Toba. Từ ngày đó, đương kim thiên hoàng chỉ biết vui chơi với các thú văn nghệ như thi ca âm nhạc để quên đi cái kiếp làm vua không có thực quyền.

Hai trong nhiều người vợ đều lớn tuổi hơn ông và điều đó khá dễ hiểu trong xã hội cung đình vì các vị vua lấy vợ rất sớm và lấy người lớn tuổi hơn để được dẫn dắt về đường tình ái. Hoàng hậu Tokushi (1156-1213) lớn hơn ông 5 tuổi và ái thiếp Kogô (1157- ?) cũng hơn ông 4 tuổi. Bà Tokushi dù có muốn tỏ ra hiền đức đi nữa thì cũng phải bảo vệ ngôi vị hoàng hậu và cùng lúc, triệt để phục vụ tham vọng chính trị của cha anh. Có lẽ Kogô mới là người không những xinh đẹp, dịu dàng, giỏi âm nhạc nghệ thuật mà còn đáng tin cậy để làm bạn tâm sự với nhà vua, chứ không như Hoàng hậu Tokushi đáng gờm. Thế rồi năm 1180, việc phải đến đã đến, Takakura bị ép phải nhường ngôi cho Thiên hoàng Antoku (1178-85), người con trai sinh ra giữa ông và Hoàng hậu Tokushi, lúc đó mới 2 tuổi. Dĩ nhiên là cậu bé này dễ bảo và có dòng máu Taira đậm hơn ông một bậc. Năm năm sau, tân quân Antoku đã được bà ngoại (góa phụ của Kiyomori) bế và dỗ dành là "ở dưới đáy biển cũng có cung điện lâu đài" rồi hai bà cháu cùng nhảy xuống trầm mình dưới sóng nước ở eo biển Dan no Ura khi tập đoàn Taira hoàn toàn bị tiêu diệt.

Tôkyô ngày 9/5/2020
Thư mục tham khảo:

Kogô (Tiểu Đốc), The Noh.com, version 1.0, bản song ngữ Anh-Nhật lên mạng ngày 30/1/2019. Bản kim văn và ngoại văn.