Chim Việt Cành Nam
Trở về
Trang chủ
Tác giả
SOTOBA KOMACHI 
(Komachi tháp cúng dường)

Nguyên tác: Kannami Mototsugu
Dịch: Nguyễn Nam Trân


Vai Komachi trên sân khấu Nô

Lược truyện:

Ba bốn nhà sư từ núi Kôya[1] tiến gần tới cánh đồng Abeno trong xứ Settsu (có bản cho địa điểm đó là Toba ở Yamashiro) trên con đường đi Kyôto [2]. Chợt họ thấy một bà lão giống như kẻ ăn mày đang ngồi trên một khúc cây đổ xuống từ cái tháp cúng dường (stupa) [3] mục nát. Bà này là Ono-no-Komachi, ngày xưa nổi tiếng như trang giai nhân tuyệt thế [4] từng làm điêu đứng bao trái tim đàn ông. Nhà sư trưởng đoàn bảo bà rằng thái độ đặt mông (shiri) lên cái tháp như thế là khinh thường Đức Phật và bắt đầu thuyết giáo để khuyên bà rời nơi đó đi chỗ khác. Thế nhưng bà ta đã trả lời bằng những lời lẽ sâu sắc khiến cho nhà sư đuối lý. Biết bà không phải hạng tầm thường, nhà sư đã đổi thái độ và cuối cùng đối xử với bà một cách kính cẩn.

Có vẻ tự tin về tài nghệ, tiếp đó bà đã ngâm cho nhà sư nghe một bài thơ do mình sáng tác và nhà sư càng thêm khâm phục. Nhà sư hỏi tên mãi, cuối cùng bà mới cho biết mình là Ono-no-Komachi. Bà nhắc lại thời son trẻ thanh xuân kiều diễm và than thở cho cảnh ngộ già nua xấu xí bây giờ. Đang nói thì thoắt cái, bà bỗng dưng rơi vào trạng thái điên loạn, vì lúc ấy, hồn ma của tướng Fukakusa-no-Shôshô (còn gọi là Shi.i no Shôshô)[5] – người từng yêu bà tha thiết - đang ám ảnh tâm trí bà. Ngày xưa, lúc ông đến tỏ tình, bà đã đặt điều kiện là ông phải đến thăm bà liên tục 100 đêm, nếu đạt được "kỷ lục" đó thì may ra bà mới chấp nhận tình yêu của ông. Shôshô đã bền bỉ đến thăm bà 99 đêm liên tiếp nhưng trước đêm thứ 100 thì ông lăn ra chết. Vì không làm xong lời giao ước và không thỏa mãn với kết quả nên vong hồn ông mới đeo đuổi và làm khổ bà lúc bà về già. Trong trạng thái của người bị ma ám, Komachi đã diễn lại cảnh Shôshô mỗi đêm ghé đến thăm mình. Rồi khi lấy lại được bình tĩnh, bà bèn nhắn nhủ người đời phải chuyên cần tụng kinh niệm Phật để được siêu thoát, còn phần bà thì cho biết mình đã quyết tâm tìm về giác ngộ.

Đặc trưng của vở tuồng:

Đây là một trong 5 vở tuồng thể loại (Rôjo-mono) mà Rôjo có nghĩa là bà già (lão nữ), một dạng thức của Cuồng (lớp thứ 4). Bốn tuồng khác là Sekidera Komachi, Higaki, Obasute, Oumu Komachi[6]. Cũng như các vở nói trên, Sotoba Komachi rất khó diễn vì các diễn viên bắt buộc bộc lộ được đặc tính già nua trong mọi tình huống. Họ phải nhấn mạnh làm sao để khán giả hiểu rằng tuổi già là một giai đoạn tất yếu của cuộc đời mà nếu sống lâu, không ai là không trải nghiệm. Cốt truyện của chúng giúp khán giả thấy được triết lý của cuộc sống và dẫn họ đến niềm tin tôn giáo.

Khác với những vở Rôjo (lão nữ) kia vốn thâm trầm, diễn biến chậm chạp, Sotoba Komachi rất linh hoạt vì có nhiều động tác, khiến cho người xem thích thú hơn, nhất là lớp khán giả mới tiếp xúc với Nô lần đầu.

Tuồng có nhiều đoạn khởi sắc, chẳng hạn cuộc đối thoại giữa nhà sư và Komachi xảy ra trong phần đầu. Bị nhà sư trách móc về thái độ trịch thượng dám đặt mông (shiri) lên tháp cúng dường, Komachi đã trả đũa ngay là lòng từ bi của Đức Phật vốn bao la vô hạn chứ không nhỏ bé hẹp hòi như lòng của ông ta. Khán giả sẽ thấy ở đây, cùng với tuổi tác, lối suy nghĩ của Komachi đã trở nên sâu sắc. Tiếp đó, vở tuồng làm nổi bật sự tương phản giữa một Komachi thời trẻ tươi tắn, xinh đẹp như tiên nga và một Komachi về già, héo úa, rầu rĩ và cay đắng. Cuối cùng, khán giả còn được chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng cực độ khi vai chính đột nhiên trở thành điên loạn vì bị hồn ma ám ảnh. Đó là hậu quả của lối cư xử tàn nhẫn mà bà đã gây ra đối với nạn nhân, ông tướng đa tình Fukakusa. Thế nhưng thay vì chỉ trình bày nỗi thống khổ của Komachi, đoạn này cũng đưa ra những chi tiết chứng minh rằng bà từng biết thế nào là niềm vui của một phụ nữ được yêu, đủ để cho bà giờ đây phải tiếc nuối mối tình say đắm của ông. Cảnh Komachi nhập vào vị thế của Shôshô để biểu lộ tình yêu của họ trong quá khứ cũng đã được dàn dựng một cách dễ gây xúc động.

Vở tuồng không chỉ là một bài giảng về triết lý nhà Phật mà còn là câu chuyện tình hấp dẫn. Khán cả sẽ thích thú khi theo dõi diễn biến của nó tuy đề tài "tuổi già" hơi nặng nề vì làm mọi người phải băn khoăn.

Thông tin kỹ thuật của vở tuồng:

Lưu phái: Năm trường phái chính (ngũ lưu) đều diễn nó nhưng có khi tuồng mang tên là Sotowa Komachi (như phái Kanze) hay Sotowa Gomachi (như phái Kita).

Lớp: Lớp 4 (Cuồng), Rôjomono (Loại lão nữ)

Tác giả: Kan.ami (còn đọc là Kannami) Mototsugu (1333-1384).

Đề tài: đến từ sách Tamatsukuri Komachi-shi Sôshuisho (Truyện đời chìm nổi của nàng Komachi) vv...

Mùa: không ấn định là mùa nào.

Cảnh (màn): 1.Vùng Abeno trong xứ Settsu (gần Kobe) hay Toba trong xứ Yamashiro (phía Nam Kyôto).

Phối vai:

Shite: Ono-no-Komachi.
Waki: nhà sư núi Kôya.
Wakizure (Waki-tsure): tăng tháp tùng (2 người)

Mặt nạ:

Shite (Ono-no-Komachi): Uba, Rôjo tức hai loại mặt nạ bà già.

Trang phục (lược thuật):

Shite: Đội tóc giả Uba-katsura dành cho bà già có buộc giải Kazura-obi ngang đầu. Áo mizugoromo tức kimono loại thông thường và chỉ ngắn đến đầu gối. Mặc thêm ironashi-nuihaku tức kimono thêu với nền nhã có dát những mẩu vàng và bạc. Quấn thắt lưng koshi-maki và koshi-obi ngang hông. Cầm nón bằng cói (kaburigasa) để che mưa, tay kia chống gậy.

Waki: đội mũ sumi-boshi có góc cạnh của tăng lữ, áo mizugoromo tức kimono bình thường thêm muji-noshime tức áo khoác ngắn tay không màu mè. Cầm chuỗi hạt và quạt.

Wakizure: Ăn mặc và cầm chuỗi hạt, quạt giống như Waki.

Cảnh: 1. Cảnh duy nhất.

Thời lượng: khoảng 1h50.

Để dễ bề theo dõi, xin mạn phép chia vở tuồng thành 5 tiểu đoạn ABCDE.

Chú ý là phần đối thoại nằm giữa dấu hoa thị* chỉ thấy trong ca từ của một số lưu phái.

Sotoba 5 tầng bằng đá ngày nay được giản dị hóa thành thẻ gỗ

Văn bản tuồng với lời giải thích (in nghiêng)
 

  • Một toán nhà sư từ núi Kôya đang đi về hướng Kyôto:

  •  

     
     
     

    Nhạc Shidai để giáo đầu. Một toán nhỏ vài ba nhà ẩn tu sống trên núi Kôya lên đường đi về hướng Kyôto. Lúc đó, họ sắp đến vùng Abeno trong xứ Settsu (có bản cho là Toba trong xứ Yamashiro).

    Tăng Kôya: Núi tuy không sâu, núi tuy không sâu [7] nhưng chốn trú ẩn ấy đã ngăn cách chúng ta với cuộc đời ô trọc. Hơn thế nữa, lòng quyết tâm lánh bỏ thế gian của chúng ta lại rất thâm sâu.

    Tăng Kôya: (Nanori= Xưng danh) Ta là một tăng nhân núi Kôya và hiện đang trên đường lên kinh đô.

    Đức Thích Ca Mâu Ni nay đã đi xa trong khi Đức Di Lặc của tương lai hãy còn chưa tới.

    Tăng Kôya và các tăng tháp tùng: Chẳng lẽ đang ở trong một thời kỳ mộng ảo chuyển tiếp giữa hai vị Phật trước (Tiền Phật) và Phật sau (Hậu Phật) mà chúng ta cứ tưởng là một cuộc đời có thực hay sao [8]? Thật hạnh phúc vì hiếm khi được sinh ra làm người và có cơ duyên gặp gỡ để nghe lời giáo huấn quí báu của Như Lai [9]. Đó là cách duy nhất để chúng ta tìm về giác ngộ. Vậy bây giờ trong lớp áo chùng đen của một kẻ tu hành, hãy bươn bả tiến về phía trước.

    Thế rồi một khi đã biết rõ mặt mũi thực sự của mình trước khi cha mẹ sinh ta (bản lai chân hiện mục, ngã vô ngã)...

    Các tăng tháp tùng: ...Một khi ngươi đã biết mặt mũi thực sự của mình trước khi cha mẹ sinh ra thì sẽ không còn cha mẹ nào ở đó để mà thương yêu và lo lắng cho ngươi. Nếu đã không có cha mẹ để lo toan thì cũng sẽ không có con cái để biết ơn. Và ngươi sẽ thấy rằng một nghìn dặm đường không phải là xa, ngươi có thể ngủ trong núi hay chịu được cảnh màn trời chiếu đất. Cuộc đời trôi nổi không bến đậu (vô trụ xứ) như vậy mới là nơi ở cố định (trụ xứ) Bản lai, vô trụ xứ mới đúng là trụ xứ. ( = Hình ảnh lúc chưa sinh mới là hình ảnh thực của ngươi).

    (Có tiếng thông báo rằng giờ đây đoàn người đã đến địa điểm họ sẽ gặp được Ono-no-Komachi).

  • Komachi xuất hiện:

  •  

     
     
     

    Ono-no-Komachi xuất hiện. Lúc đó, nàng đã trở thành một bà cụ già trăm tuổi. Nàng tỏ ra tiếc nuối thời thanh xuân lúc mình hãy còn là một mỹ nhân tuyệt thế và than thở cho dáng dấp già nua tiều tụy ngày nay.

    Komachi: Đời ta lênh đênh như bèo (ukigusa) [10] giạt mấy dòng.Ta giống như cánh bèo trôi trên mặt nước, biết về phương nao. Ta đã già đi một cách thảm hại và, ngày nay không ai còn để mắt tới ta.

    Ôi, thảm thương thay! Xưa kia khi ta còn trẻ, ta kiêu căng về sắc đẹp có một không hai của mình. Đầu cài trâm phỉ thúy với mái tóc xanh màu lông chim trả [11] buông lơi như cành liễu mềm trước ngọn gió xuân.Tiếng nói nghe như oanh hót, còn yêu kiều hơn những cành hoa itohagi gầy guộc đang nhuốm sương thu và sắp sửa tàn [12].Thế nhưng nay thì ngay cả mấy mụ đàn bà dân dã cũng dám buông lời khinh miệt và sỉ nhục ta vì cái dáng dấp già nua lam lũ. Ta nào có muốn nhưng kể khi từ đó, bao tháng năm đã chồng chất lên đời người, thoắt cái, ta trở thành bà cụ một trăm!

    Ta không thích chốn kinh đô vì ở đấy người ta hay nhòm ngó. Họ có thể xì xào với nhau "Không khéo mụ già luân lạc (nare no hate) kia là cái cô Komachi xinh đẹp ngày nào!".Ta chỉ còn biết bối rối dấu mặt vào bóng tối mỗi khi chiều xuống.

    Ta đã rời khỏi kinh đô cùng với vầng trăng, ta đã rời khỏi kinh đô cùng với vầng trăng. Ngay cả những người lính canh gác hoàng cung cũng để mặc lão bà xác xơ gầy yếu (yatsureta) như ta ra đi. Chính ra ta nếu muốn đi cũng không cần phải lén lút. "Gò chôn những người yêu nhau (Koizuka)" [13]và "ngọn núi thu"[14] giờ đã khuất sau cây cối. Mà này, người đang khua mái chèo trên mặt sông Katsuragawa dưới ánh trăng kia là ai đấy nhỉ?[15].

  • Komachi tranh luận với nhà sư:

  •  

     
     
     

    Thấy Komachi ngồi trên một khúc gỗ mục, nhà sư cảnh cáo bà hãy đi kiếm chỗ khác vì có cử chỉ như thế đối với cái tháp cúng dường là vô lễ. Komachi trả lời ngay rằng thân thể con người tự nó đã là một cái tháp cúng dường. Do đó, hành động mà nhà sư lên án là trái phép kia đã cho phép bà được kết nối với Pháp thân của Đức Phật và khiến cho bà cũng có khả năng trở thành một vị Phật. Nhà sư thấy bà ứng đối lanh lợi như thế mới bắt đầu nể nang.

    Komachi: Mệt quá đi thôi. Thử ngồi nghỉ chân trên khúc gỗ mục này một chút xem sao.

    Tăng Kôya: Ôi chao, mặt trời sắp tắt. Chúng mình nhanh chân lên nào! Chết chửa, có một mụ ăn mày (Komachi) đang ngồi trên cái tháp cúng dường kìa!. Ta phải đến dạy cho mụ một bài học và bắt phải đi chỗ khác.

    Này bà ăn mày! Khúc gỗ bà đang ngồi lên trên là một cái tháp cúng dường đấy nhé! Bề gì cũng nó cũng tượng trưng cho thân thể thiêng liêng của Đức Phật, có phải không nào? Đứng lên ngay, rồi đi kiếm chỗ khác mà ngồi nghỉ!

    Komachi: Thầy bảo vật này là thân thể thiêng liêng của Đức Phật à? Cớ sao tôi không thấy ai đánh dấu hay viết chữ để ghi chép về điều ấy trên khúc gỗ đó cả. Đối với tôi, nó chỉ là một khúc gỗ mục.

    Tăng Kôya: "Cho dù chỉ là một khúc gỗ mục trong núi sâu, ta cũng có thể hình dung được khi ra hoa, nó sẽ là một cây anh đào" [16]. Nếu là một khúc cây tạc theo hình ảnh pháp thân Đức Phật (Phật thể) thì càng không có lý do gì để nhầm lẫn nữa[17]. Nhất định phải có một dấu hiệu nào nằm đâu đó chứ!

    Komachi: Dầu tôi chỉ là một người đàn bà thân phận thấp hèn chẳng khác chi một cây gỗ bị chôn vùi (umoregi)[18]không ai đoái tới nhưng cái tâm của tôi vẫn là một đóa hoa đẹp đẽ và trong sạch. Sự có mặt của tôi sẽ là vật cúng dường cho ngọn tháp này. Nhân đây, xin cho tôi biết tại sao thầy lại bảo cái tháp này là thân thể của Đức Phật?

    Các tăng tháp tùng: Khi xửa khi xưa, ngài Kim Cương Tát Thóa (Vajrasattva) xuất hiện bằng giả tướng ở cõi đời này, ngài đã tạo ra một bảo tháp để cụ thể hóa những lời thệ nguyện (Tam Ma Da Hạnh) của Đức Đại Nhật Như Lai (Mahavairocana). [19]

    Komachi: Thế thì hình thức cụ thể của các Hạnh ấy là gì?

    Tăng Kôya: (Năm thứ) Địa, Thủy, Hỏa, Phong, Không (tức Khí)[20]

    Komachi: Thân thể con người cũng được làm bằng 5 yếu tố đó mà!. Vậy đâu là cái khác nhau giữa nó và cái tháp.

    Tăng Kôya: Phải rồi, về hình thức thì chúng ta giống y như nó, chỉ khác nhau ở cái tâm và công đức.

    Komachi: Chứ công đức của một cái tháp nằm ở chỗ nào vậy thầy?

    Tăng Kôya: (Ở chỗ) chỉ cần đưa mắt nhìn cái tháp một lần thôi là (con người) sẽ vĩnh viễn không bị trói buộc bởi Tam ác đạo ( = Địa ngục đạo, Ngạ quỷ đạo và Súc sinh đạo).

    Komachi: Nhưng nếu (con người) có tấm lòng hướng về giác ngộ (Bồ đề tâm) dù chỉ trong chớp mắt thì cũng có được công đức nhiều như một lần nhìn thấy bảo tháp chứ thầy!

    Tăng Kôya: Nếu bà có Bồ đề tâm thì sao chưa chịu lìa bỏ cõi phù thế để xuất gia hở bà?

    Komachi: Tôi chỉ lìa bỏ cõi phù thế trong Tâm chứ không lìa bỏ nó bằng dáng vẻ bên ngoài.

    Tăng Kôya: Có lẽ vì không có cái Tâm bồ đề cho nên bà không nhận thức được cái tháp là pháp thân Đức Phật chăng?

    Komachi: Sở dĩ tôi đến bên tháp này bởi vì tôi biết nó là thân thể Đức Phật.

    Tăng Kôya: Thế thì tại sao thay vì đến làm lễ trước mặt tháp, bà lại đặt mông lên?

    Komachi: Tôi thấy việc ngồi lên đó đâu đã thành vấn đề. Nó đã đổ xuống và nằm lăn dưới đất kia mà!

    Tăng Kôya: Nhưng dù sao đó cũng không phải là cách hay (thuận duyên) để kết nối với Đức Phật.

    Komachi: Có những kẻ tạo Phật duyên bằng việc ác (ác sự khế cơ) (nghịch duyên) mà vẫn được ngài cứu thì sao?

    Tăng Kôya: Những hành động gian ác (ác sự) của Đề Bà Đạt Đa (Devadatta)...[21]

    Komachi: Đã được Đức Quan Thế Âm từ bi tha thứ..

    Tăng Kôya: Cái ngu muội của Chu Lê Bàn Đặc (Cuuda-Pantak)[22]

    Komachi: Đã trở thành sự thông sáng nơi Bồ Tát Văn Thù (Manjusri Bodhisattva)

    Tăng Kôya: Cái gọi là Ác...

    Komachi: Cũng là Thiện

    Tăng Kôya: Còn như Phiền não (= Dục vọng)...

    Komachi: Chính thị Bồ đề (= Giác ngộ) [23]

    Tăng Kôya: Bản chất của Bồ Đề

    Komachi: Vốn chẳng phải là cây (bản vô thụ).

    Tăng Kôya; Còn như mảnh gương sáng (minh kính)

    Komachi: Thời không có cái giá nào để đặt lên cả (diệc phi đài)

    Hợp xướng: Thực vậy, nếu như ai đó không mang theo một cái gì (bản lai vô nhất vật) thì làm sao phân biệt kẻ ấy là Phật hay chúng sinh được nhỉ! [24].

  • Komachi tiết lộ danh tánh mình và kể chuyện xưa:

  •  

     
     
     

    Để trả lời câu hỏi của ông tăng Kôya, bà già nêu danh tính của mình là Ono-no-Komachi và than thở cho vóc dáng thảm hại, tủi hổ trước mặt người ta vì mình không còn xinh đẹp như xưa mà chỉ còn là một bà già xấu xí. Đột nhiên, bà nổi cơn điên trước mặt nhà sư.

    Tăng Kôya: Bà kia ơi! Có thể nào cho tôi biết tên không?

    Komachi: Thực tình tôi rất ngại phải xưng danh tánh, nhưng thôi, tôi sẽ thưa nó với thầy!

    *Komachi: Xin thầy hãy chép nó vào trong cuốn sổ đề tên những thí chủ cần được cầu siêu (kakochô, tenkibo) để mai kia thầy còn làm pháp sự sau khi tôi chết.*

    Tăng Kôya: Vâng. Tôi xin hứa sẽ ghi tên bà vào danh sách ấy. Nhưng trước đó, hãy cho tôi biết tên bà!

    Komachi: Người đàn bà tàn tạ đang đứng trước mặt thầy đây là Ono-no-Komachi, con gái của Ono-no-Yoshizane, quan cai trị một địa phương vùng Dewa (trên miền Bắc).

    Tăng Kôya và các tăng tháp tùng: Thương cho Komachi. Ngày xưa còn trẻ, bà là một thiếu nữ diễm kiều. Mặt mày tươi sáng và đẹp đẽ như hoa. Đôi mày xanh thắm cong cong như mảnh trăng liềm, mặt dồi phấn làm làn da trắng muốt.

    Hợp xướng (Jiutai): Những tấm áo kimono dệt bằng the hay lụa nhẹ của nàng Komachi thướt tha bao lần trong dinh thự nguy nga...

    *Komachi: Vẻ tươi đẹp không ai sánh kịp*

    * Hợp xướng: Những người đàn ông ở xa thì nén nỗi nhớ nhung, mấy ông ở gần đành chất chứa buồn bã trong lòng vì mối tình vô vọng*.

    *Komachi: (Họ) chẳng khác nào những con sóng xanh đánh mãi vào bãi biển xanh...*

    *Hợp xướng: Hay những đám mây rực rỡ quyện lấy đỉnh núi lam.

    *Komachi: Nàng ấy là người muốn tránh những tia nắng mặt trời.*

    *Hợp xướng: Nhưng lại trở thành một đóa phù dung (= sen) nổi trên ngọn sóng lấp lánh dưới nắng mai.*

    Komachi: Những khi nàng làm thơ...

    Hợp xướng: Hay lúc cầm chén rượu chuốc cho ai, phong cách đều nhẹ nhàng như đang dấu giải Ngân Hà bên trong tay áo. (Thế nhưng) dáng dấp thanh tao ấy đã biến đổi dần theo thời gian. Không biết tự lúc nào, mái tóc xanh đã bạc màu như đám cỏ trong sương giá, chòm tóc mai trẻ trung hai bên thái dương đã rủ xuống tai như dòng mực chảy trên lớp da nhăn. Đôi mày rậm nay không còn gợi nhớ được cái dáng cong cong xinh xắn của ngọn núi mùa xuân phía chân trời. Mái tóc của nàng nếu 100 thì nay đã bạc đến 99 mất rồi [25]. Ôi, cảnh tượng ấy sao mà khủng khiếp! Komachi tôi đâu ngờ có ngày thảm hại và hổ thẹn đến nỗi không dám để vầng trăng chiếu lên bóng của mình.

    Bà mang gì bên trong cái bị đang đeo trên cổ?

    Komachi: Bởi tôi sợ ngày mai không có cái ăn mà chết đói nên đã dự trữ trong đó một ít hạt dẻ và đậu khô để làm thức ăn.

    Hợp xướng: Thế còn trong cái bọc đeo trên lưng?

    Komachi: Mớ quần áo bẩn dính đầy đất cát và dầu mỡ.

    Hợp xướng: Cái giỏ tre xách trên tay có gì không đấy?

    Komachi: Vài củ dong (kuwai)[26]mà thôi.

    Hợp xướng: (Ngay) chiếc áo rơm đi mưa tơi tả.mặc trên người....

    Komachi: Cái nón lát rách nắm trên tay...

    Hợp xướng: Cũng không đủ để tôi dấu mặt.

    Komachi: Và dĩ nhiên không thể nào trú mưa trốn tuyết.

    Hợp xướng: Áo cũng không có ống tay để lau khô nước mắt. Tôi thành ra kẻ không cửa không nhà và phải đi ăn mày để kiếm miếng cơm. Khi thấy thiên hạ chẳng đoái hoài tới mình, tôi bỗng nổi xung lên và trở nên điên loạn. Ngay cả giọng nói của tôi cũng thay đổi, thành ra quái dị, khó nghe.

  • Komachi diễn lại mối tình của mình với tướng Fukakusa.

  •  

     
     
     

    Komachi trở nên điên loạn vì bị hồn ma của ông tướng Fukakusa no Shôshô ám ảnh. Ông Shôshô ngày xưa say đắm bà và khi đến tỏ tình thì bà trả lời rằng sẽ đáp lại tình ông nếu ông chịu khó đến thăm bà liên tục 100 đêm và mỗi lần qua nhà đều phải đánh dấu trên chỗ nàng gác càng xe bò (ngưu xa)[27]. Kịp khi xong được 99 đêm thì ông lăn ra chết nghĩa là chết ngay trước cái đêm thứ 100. Trong phân đoạn tiếp theo của vở tuồng, Komachi hiện ra trong hình dạng của ông tướng, đầu đội mão eboshi giống như ông, tái diễn khung cảnh ông đến thăm nàng đêm này qua đêm khác (bách dạ thông). Sau khi trình bày nỗi khổ và lòng oán hận thay ông, bà cho biết mình sẽ qui y Phật pháp để tìm sự giác ngộ.

    Komachi: Này, nhà sư. Có gì cho ta không nào?

    Tăng Kôya: Sao thế bà?

    Komachi: Nào, mình đi thăm Komachi nhé!

    Tăng Kôya: Bà là bà Komachi mà. Sao bà nói gì nhảm thế?

    Komachi: Nghe đây, ông! Công nương Ono-no-Kamachi là người rất lão luyện trong tình trường. Bà nhận được bao nhiêu là thư tình từ ông này ông nọ. Thơ đến ào ạt như những trận mưa tháng năm không bao giờ tạnh. Phải chi bà có lòng tốt – cho dù nói dối cũng được – mà trả lời cho họ một lần. Thế nhưng bà chẳng chịu làm..

    Bây giờ nghe nói bà ấy đã 100 tuổi. Ôi, tôi nhớ người ấy quá! Sao mà tôi nhớ nàng đến thế!.

    Tăng Kôya: Bà bảo là đang nhớ ai vậy? Ma nào đã nhập vào bà?

    Komachi: Nhiều người ái mộ Komachi, có đúng không nào? Yêu bà sâu đậm nhất có lẽ là ông Fukakusa no Shôshô, vị tướng hàng tứ phẩm.

    Hợp xướng: Lòng oán hận của ông ấy đã chất đầy và nay đang đổ ập lên người bà. Chúng ta hãy đến nơi bà đậu chiếc xe bò (ngưu xa). Bây giờ là mấy giờ rồi nhỉ? Chắc mặt trời sắp lặn. Ánh trăng sẽ là người bạn đưa đường. Cho dù lính tuần tra (sekimori) có đặt vọng gác trên đường ta đi thăm nàng, cũng không thể làm ta chùn bước. Nào, chúng ta đi thôi!

    Đến đây có cảnh Monogi tức là thay đổi y trang ngay trên sân khấu.Komachi đội lên đầu cái mũ (cao) eboshi và hóa trang thành ông tướng Shôshô.

    *Hợp xướng: Cho dù lính tuần tra có đặt vọng gác trên đường ta đi thăm nàng, ta cũng không chùn bước. Nào, chúng ta đi thôi!

    *Diễn Iroe tức là những động tác nói lên tâm trạng điên loạn.*

    Komachi: Hãy cuộn cái quần váy hakama này lên!

    Hợp xướng: Hãy cuộn cái quần váy màu trắng của ông ấy lên, hãy bẻ quặp đỉnh nón eboshi xuống để nó thành nón eboshi kiểu kazaori

    (kiểu bị gió gập lại), hãy đưa ống tay áo khoác kariginu lên cao mà che lấy mặt, cho phép ông bí mật đến nhà nàng. Có nhiều hôm ông đi, có ánh trăng sáng chiếu lên trên người, những hôm khác trời lại tối đen như mực. Bao đêm rồi, dù mưa hay gió, dù đêm thu lá rụng hay đêm đông với tuyết phủ đầy...

    Komachi: Vào những đêm giá lạnh, nước đông thành đá bên hiên nhà đang nhỏ xuống, ông vẫn vội vã bước đi...

    Hợp xướng: ...Đi tới, đi lui. Đi lui, đi tới. Lập đi lập lại như thế từ đêm thứ nhất, thứ hai, thứ ba, thứ tư...rồi thứ bảy, thứ tám, thứ chín, thứ mười. Tôi đã đến nhà nàng mỗi đêm, bỏ cả việc dự buổi yến (quan trọng) Toyoakari no sechie [28]. Dù không được gặp Komachi, tôi vẫn có thể ghé qua nhà nàng mỗi đêm và rất đúng giờ. Đợi đến khi gà bắt đầu gáy sáng, tôi mới vạch số ngày đã đến lên chỗ nàng gác càng xe bò. Tôi cần phải làm như thế cho đủ 100 đêm và nay tôi đã xong được 99.

    Komachi: Chết nỗi, sao mà tôi chóng mặt thế này!

    Hợp xướng: Lồng ngực tôi nhói đau. Tôi đã chết trong sầu khổ trước khi đến đấy trọn 100 đêm cho đủ số. Lòng oán hận khiến cho Fukakusa no Shôshô cứ ám theo nàng và làm cho nàng trở nên điên loạn như thế đấy.

    Với những gì đã chứng kiến được, tôi chỉ thấy việc tu niệm để đời sau thành Phật là điều duy nhất con người cần phải làm. Phải gom góp tích tụ những công đức nhỏ bé như nhặt từng hạt cát để có ngày dựng lên được một ngôi tháp. Thờ phượng Đức Phật một cách chân thành là cách thức giữ gìn da thịt của kim thân ngài được thanh khiết. Vừa cúng hoa cho ngài nhưng cùng lúc phải tìm về con đường giác ngộ, tìm về con đường giác ngộ.

    (Kết thúc vở)

    Phần chú thích:

    [1] - Tức Cao Dã Sơn, ngọn núi cao khoảng một nghìn mét, có một mặt bằng rất rộng, nơi được coi là thánh địa của Mật giáo. Năm 816, tăng Kuukai (Không Hải) phái Chân Ngôn Mật Giáo đã đến đây lập chùa.
    [2] - Có một bản cổ cho là "đi từ Kyôto về núi Kôya". Cách nói "Đi từ Kôya đến Kyôto” hay “Đi từ Kyôto trở về Kôya" mỗi bên đều có một ý nghĩa tượng trưng quan trọng vì Kyôto là nơi đô hội trong khi núi Kôya là chỗ kín đạo dành cho người ẩn tu.
    [3] - Stupa (tốt đô ba) trong tiếng Phạn thuở ban đầu có nghĩa là một gò đất thiêng để chôn tro cốt của Phật. Về sau nó có nghĩa là tháp đánh dấu các nơi Phật giáo được truyền đến. Những ngôi tháp này được coi như là tháp cúng dường, tượng trưng cho sự hiện diện của Đức Phật và trở thành đối tượng để tôn thờ. Ngoài ra, Stupa trong văn hóa dân gian là bia mộ bằng đá 5 tầng hay thẻ gỗ đề pháp danh người chết, thường được thấy trong nghĩa địa Nhật Bản. Khúc gỗ từ cái tháp Komachi ngồi lên trên có lẽ là tháp đánh dấu một chặng đường của người hành hương (route marker) chẳng khác nào cột trụ làm mốc cây số.
    [4] - Ono-no-Komachi, nhân vật có thể có thực nhưng truyện ký không rõ. Được xem như một trong Lục Ca Tiên Rokkasen) tức 6 nhà thơ tiêu biểu của thơ Waka đầu thời Heian (794-1192). Nổi tiếng là một trong 3 mỹ nhân tuyệt thế của Nhật Bản bên cạnh nàng O-ichi, em gái tướng Oda Nobunaga và một hoa khôi kỹ viện thời Edo (dĩ nhiên có nhiều thuyết khác nhau).
    [5] - Chức thiếu tướng ngự lâm quân (có thể nhờ tập ấm) hàng tứ phẩm. Fukakusa là tên một vùng ngoại ô Kyôto, có lẽ gia đình ông có phủ đệ nơi đây.
    [6] - Sekidera Komachi (Komachi ở chùa Sekidera), Higaki (Hàng rào cây trắc bá), Obasute (Núi vứt đàn bà), Oumu Komachi (Komachi chim két).. Như vậy, trong 5 vở nói về các bà già thảm hại thì kể cả Sotoba Komachi này, đã có 3 vở Komachi đóng vai chính.
    [7] - Lời nói khiêm nhường vì tiền đề là núi phải sâu (thâm sơn) thì mới thiêng (linh sơn).
    [8] - Có câu: Sinh Phật tiền Phật hậu chi trung gian, vô xuất ly giải thoát chi nhân duyên (chép trong Ngu Mê Phát Tâm Tập) có nghĩa là trong giai đoạn trung gian (trên 56 ức năm) giữa sự xuất hiện của hai vị Phật ấy, con người không có cơ hội giải thoát.
    [9] - Ví phận mình trôi nổi như cánh bèo (ukigusa). Ý này đến từ một bài thơ của chính Ono-no-Komachi trong Kokinshuu (Cổ Kim Tập) phần Tạp hạ.
    [10] - Lời sách Lục đạo giảng thức: Hà huống nhân thân nan thụ, Phật pháp nan ngộ. Ý nói huống hồ cơ hội làm người rất hiếm và dịp may học đạo Phật lại rất khó có.
    [11] - Nguyên văn là kawasemi nhưng không có nghĩa là ve mà là tên chim, một loại chim bói cá (kingfisher). Có thể dịch là chim trả.
    [12] - Ảnh hưởng của truyền thống "Xuân thu tranh ưu luận" có từ thời Vạn Diệp, người Nhật thường so sánh mùa xuân và mùa thu, xem mùa nào đẹp hơn. Nếu không thì ở đây có hơi khó hiểu khi tác giả so sánh tiếng chim oanh với hoa itohagi là 2 thứ không dính dáng gì nhau..
    [13] - Có lẽ là ngôi mộ của nàng Kesa Gozen (Cà Sa ngự tiền) bị người yêu là chàng samurai Endô Morito vô ý giết lầm. Chàng hối hận, bỏ đi tu, trở thành cao tăng Mongaku (1139?-1203?), còn nàng thì được chôn trong khuôn viên chùa Luyến Trủng Tự (Koizukadera). Về sự tích nàng Kesa, xin xem truyện Kesa to Morito của Akutagawa Ryuunosuke do Tôn Thất Phương dịch (Lòng đã trót yêu) trên trang mạng ERCT.
    [14] - Có lẽ là Aki no yama (Thu sơn), tên một cái núi nhân tạo (giả sơn) đắp lên trong khuôn viên ly cung Toba (Seinan) chứ không phải núi thật.
    [15] - Lời thơ nói về cảnh trên sông Katsuragawa (Quế giang), một gối thơ (utamakura) của địa phương, chép trong Liên châu hợp bích tập.
    [16] - Thơ Minamoto no Yorimasa trong Shikashuu (Từ hoa tập) và Truyện Heike.
    [17] - Tháp (stupa) thường có 5 tầng và giống như hình người.
    [18] - Umoregi (thanh gỗ chôn vùi) gỗ chôn lâu năm giống như người bị đời bỏ bê, lâm vào bước đường cùng. Ý thơ bà Izumi Shikibu thời Heian nhưng nay trở thành thông dụng (như trong văn Higuchi Ichiyo)..
    [19] - Theo lý thuyết của Chân Ngôn Mật giáo. Kôya là ngôi chùa của giáo phái này.
    [20] - Ngũ đại nguyên khí: năm nguyên tố lớn của thiên nhiên trong triết lý nhà Phật.
    [21] - Là một người đã phạm tội trọng (tội Ngũ nghịch) bị sa địa ngục, nhưng sau tu thành Phật.
    [22] - Một đệ tử của Phật nổi tiếng ngô nghê ngốc nghếch mà sau bỗng đại ngộ.
    [23] - Dựa trên những thành cú có vào thời trung cổ: "Thiện ác bất nhị. Tà chính nhất như Phiền não tức bồ đề. Sinh tử tức Niết Bàn tâm đắc".
    [24] - Xuất phát từ bài kệ nổi tiếng của Lục Tổ Huệ Năng trong Lục Tổ Pháp Bảo Đàn Kinh: "Bồ đề bản vô thụ. Minh kính diệc phi đài. Bản lai vô nhất vật. Hà xứ nhạ trần ai".
    [25] - Chơi chữ: Chữ bách (100) nếu bỏ một nét thì thành 99 và cũng thành chữ bạch (trắng), đồng thời làm liên tưởng đến điều kiện Komachi đặt ra để thử thách sự kiên trì của Shôshô..
    [26] - Một loại thực vật với củ hình cầu trồng nơi ruộng nước.Tiếng Anh là arrowhead.
    [27] - Ngày xưa đi xe bò mới là đẳng cấp vì nhàn nhã, ung dung, được dành cho vương hầu, phi tần và quí tộc. Võ tướng mới đi ngựa và không được xem là thanh lịch bằng (xem Đồ Nhiên Thảo)
    [28] - Yến tiệc chính thức của nhà nước diễn ra trong triều đình ngay hôm sau ngày Shinshôsai (Niinamesai, Harvest Festival) tức lễ mừng lúa mới do Thiên Hoàng tổ chức để cúng kiến, cảm ơn chư thần.

    Lạm bàn của người dịch:

    Ono-no-Komachi có bài thơ Waka được chọn đăng vào Hyakunin Isshu (bài số 9). Xin ghi lại nơi đây vì nó có liên quan đến nỗi buồn của tác giả trước sự phai tàn của nhan sắc:

    Mưa xuân dài, luống trông,
    Anh đào nhạt sắc hồng.
    Dung nhan mình sớm úa,
    Vì hay buồn mông lung.

    (Nguyên văn: Hana no iro wa / Utsuri ni kerina / Itazura ni / Wa ga mi yo ni furu /)

    Bài thơ nói lên được thái độ của tác giả về lẽ vô thường của cuộc đời: tiền tài, sắc đẹp, quyền lực, học vấn...tất cả đều không có gì bền vững, giống như kiếp ngắn ngủi của giống hoa anh đào. Chính ra trong bài thơ không có chữ mưa (ame) nhưng có chữ furu đa nghĩa (già, cũ, rung, rơi, rụng) và ai cũng biết là vào thời điểm hoa anh đào nở thường có mưa to gió lớn đến ngay.

    Ono-no-komachi cho các chàng trai đeo đuổi nhiều năm và không đáp lại tình yêu của ai. Có thuyết cho là mỹ nhân / tài nữ này treo giá ngọc vì đợi ngày mình được vời làm hoàng hậu. Thế nhưng, chuyện này hơi khó xảy ra vì nàng chỉ là con một ông quan địa phương nên hãy còn thiếu điều kiện quan trọng là gia thế. Nghe nói về già nàng phải lấy một anh thợ săn và có con với ông ta. Đến đây thì trước sự thất bại của con người nổi tiếng kiêu kỳ, bọn đàn ông mới xúm nhau để nói xấu thêm vào hay ít nhất cầu mong cha nàng phải đau khổ nhiều hơn nữa. Họ dựng lên những thuyết là nàng xấu xí nhăn nheo, nghèo túng đến mức phải đi ăn mày.

    Tuy nhiên, khi đọc vở Nô này, có lẽ cái đánh mạnh vào tâm lý chúng ta hơn cả là một thái độ khác của Komachi, tức quan điểm của nàng về Đạo pháp, chưa thấy ai khai thác trước đây. Có thể chỉ là một sự thác ngụ hiện ra dưới ngòi bút của nhà biên kịch Kanmami (cha của Zeami) nhưng đặc điểm của Komachi nơi đây là thái độ "tại dã" không chấp nhất hình thức, khác hẳn lối suy nghĩ của tăng nhân Kôya, một nhà lý luận bảo thủ đứng trên lập trường hình thức chủ nghĩa của phái Chân Ngôn.

    Nói tóm lại, thái độ của Komachi trên đây là thái độ của một Thiền gia. Bà đã xem việc mình ngồi trên cái tháp cúng dường không phải là điều phạm thượng nhưng ngược lại, đó là bằng cớ của niềm tin vào sự tôn nghiêm của con người cũng như khả năng hòa hợp cái Phật tính nhỏ bé của mình với Phật tính lớn lao của vũ trụ. Chỉ có Thiền mới dám có thái độ táo bạo, chê Lương Vũ Đế là vô công đức (như Đạt Ma), chẻ tượng Phật làm củi chụm để sưởi đêm đông (như Đan Hà Thiên Nhiên) hay mê mải vùi khoai lang và chùi nước mũi mà không tiếp sứ giả của triều đình (như Lãng Tàn) hay giữa mùa hè lại cởi áo đưa bụng phơi kinh (như Nhất Hưu).

    Khi chưa có cơ hội đọc Sotoba Komachi, người dịch có lần ngạc nhiên khi thấy nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước Nhật đánh giá cao vở Nô này, nhưng nay sau khi đi chung với nó một thôi đường mới thấy mình cũng muốn được chia sẻ phần nào tình cảm ưu ái mà các vị đó đã dành cho tác phẩm.

    Tôkyô ngày 30 tháng 4 năm 2020
    Thư mục tham khảo:

    1. Sotoba Komachi, The Noh.com, version 2.0, bản song ngữ Anh-Nhật lên mạng ngày 21/1/2019. Bản kim văn và ngoại văn tham chiếu.

    2. Sotoba Komachi (từ trang 252) trong Yôkyoku-shuu (Dao Khúc Tập), quyển trung, do Itô Masayoshi hiệu chú, Nhà xuất bản Shinchô, Tôkyô, 1986. Bản cổ văn Nhật ngữ với chú thích.