Chim Việt Cành Nam
Trở về
Trang chủ
Tác giả
EGUCHI
(Cửa Sông / Lời Kỹ Nữ)

Nguyên tác: Kannami (Zeami cải biên)

Dịch: Nguyễn Nam Trân


Nàng kỹ nữ ở Eguchi trên thuyền hoa giữa hai thị nữ

Lược truyện:

Trong thời gian tạm trú ở Kyôto, một nhóm nhà sư hành cước muốn viếng thăm vùng lân cận kinh đô nhất là hành hương ngôi chùa Shitennôji (Tứ Thiên Vương Tự, lược xưng là Tennôji) trong tỉnh Settsu (nay thuộc Ôsaka) trước khi tiếp tục về các tỉnh miền Tây. Hôm đó, họ xuống thuyền, theo dòng sông Yodo ra biển và ngừng lại ở một ngôi làng tên là Eguchi. Làng nầy xưa kia vốn là nơi có nhiều kỹ viện (lầu xanh cao cấp) và được nổi tiếng vì câu chuyện nàng Eguchi-no-kimi, một người đàn chị trong số các nàng kỹ nữ hoạt động ở đó, từng từ chối nguyện vọng của cao tăng Saigyô khi ông đến đây xin trọ qua đêm. Sau khi được một người dân trong vùng giải nghĩa về sự tích, thầy tăng vân du trong đoàn xúc động khi nhìn lại di tích nơi xưa kia nàng Eguchi-no-kimi đã sống nên mới ngâm câu thơ của tăng Saigyô [1]. "Nàng không cho ta trọ. Từ chối chi chuyện nhỏ. Con người vô tình ơi. Lánh đời được mới khó! [2]".Bất chợt lúc ấy có một người đàn bà nghe tiếng ngâm bèn bước ra trò chuyện với nhà sư và xin ngâm một bài thơ khác, tương truyền người kỹ nữ Eguchi-no-kimi đã dùng nó để đáp lại vị cao tăng nghệ sĩ, giải thích cho ông hay là nàng không hề tiếc một chỗ trọ với ông nhưng vì ông là một nhà tu hành, nàng không muốn để ông bị mang tiếng xấu với đời là có lần lui tới xóm lầu xanh.

Ngoài ra, người đàn bà vừa đến bắt chuyện cũng khuyên nhà sư vân du đừng lý đến chuyện thế gian như ông đang làm vì một khi đã xuất gia, ông phải cắt đứt mọi liên hệ thế tục. Khi nhà sư hỏi bà bà ai thì người đàn bà cho cho biết mình là hồn ma của Eguchi-no-kimi. Nói xong thì biến mất.

Nhà sư vân du bèn hỏi một người dân sở tại thêm tin tức về nàng kỹ nữ ở Eguchi ấy. Người ấy bèn kể cho ông nghe giai thoại Shôkuu Shônin (Tính Không thượng nhân) [3] một đêm đã được báo mộng rằng Eguchi-no-kimi chính là hóa thân của Đức Bồ Tát Phổ Hiền[4]. Ông ta cũng xin nhà sư vân du hãy làm một buổi lễ cầu siêu cho vong linh Eguchi-no-kimi.

Vào giữa đêm khuya, lúc nhà sư đang làm pháp sự cho Eguchi-no-kimi thì hồn ma của nàng xuất hiện trên một chiếc thuyền hoa lợp mái (yagatabune) [5], bên cạnh nàng là hồn ma của hai phụ nữ theo hầu. Sau khi cho nhà sư thấy sinh hoạt hào hoa của họ trên chiếc du thuyền lộng lẫy, Eguchi-no-kimi bèn thuyết về đạo Phật, luật nhân quả và cuộc đời vô thường rồi múa một điệu vũ. Nàng cũng giải thích thêm rằng những ai biết trút bỏ những ràng buộc của vọng tưởng trên đời đều sẽ đạt đến tâm cảnh giác ngộ. Sau đó nàng bèn hóa thành Bồ Tát Phổ Hiền. Chiếc thuyền hoa cũng biến thành con bạch tượng. Bồ Tát Phổ Hiền ngự trên con bạch tượng ấy và tất cả nương theo một vầng mây bay lên trời.

Đặc điểm:

Ngôi làng Eguchi ngày nay vẫn còn nằm trong khu Higashi Yodogawa (tức khu phía Đông con sông Yodo) thuộc thành phố Ôsaka. Từ nguyên của cái tên này là Naniwa-e no kuchi (mà Naniwa là tên cũ của Ôsaka còn E và Kuchi khi đọc ghép lại thì thành Eguchi, có nghĩa là cửa (kuchi) nơi một con sông (e) đổ ra biển). Ngôi làng vốn nằm ở chỗ hợp lưu của hai con sông Yodo và Kanzaki, nổi tiếng tự ngày xưa là tuyến giao thông huyết mạch trong vùng nên việc buôn bán rất phồn thịnh. Vào thời Heian (cuối thế kỷ thứ 8 cho đến cuối thế kỷ 12),nơi đây người qua kẻ lại tấp nập vì nó nằm trên con đường hành hương của các tín hữu muốn chiêm bái các thánh địa như Kumano (nơi có 3 ngôi đền thiêng), núi Kôya (linh trường của Mật giáo) và chùa Shitennôji (ngôi chùa cổ xây vào năm 623, một trong Ngũ đại tự thời Nara). Nhân có nhiều người thuộc tầng lớp quí tộc và phú hào từ Kyôto ghé qua Eguchi nên nhiều kỹ viện đã được mở ra ở đây và đối tượng kinh doanh của các kỹ nữ là lớp khách hàng giàu sang lịch lãm. Để xứng đáng với tầm cỡ ấy, các cô cũng phải có học vấn và am hiểu ca vũ nhạc. Trong đám họ còn có cả một số mệnh phụ phu nhân ở kinh đô vì thời cuộc khiến cửa nhà sa sút, tiền bạc hết nhẳn cũng phái đến Eguchi làm thân kỹ nữ.

Nàng Eguchi-no-kimi được xem như người đứng đầu một kỹ viện trong vùng, nói trắng ra là một Tú Bà. Có nhiều giai thoại về hành trạng của nàng. Trước tiên là chuyện nàng từ chối cao tăng Saigyô khi ông đến đó xin ngủ trọ qua đêm. Câu chuyện thứ hai liên quan đến một vị cao tăng khác, Shôku Shônin, người đã đến đây gặp bà sau khi được thần linh báo mộng cho biết bà chính là hóa thân của Bồ Tát Phổ Hiền. Khi khéo léo lồng hai giai thoại này vào vở tuồng, soạn giả Kannami đã thành công trong việc làm cho cốt truyện thêm phong phú.

Màn diễn độc đáo đáng nêu ra hơn cả nằm trong phần hai của vở khi nàng Eguchi và hai thị nữ dạo chơi trên sông trong chiếc thuyền hoa lợp mái. Cảnh này gieo cho khán giả ấn tượng xa hoa, lộng lẫy về cuộc đời của những nàng con gái buôn hương trên bến nước. Giống như một giấc mơ mỏng manh và sẽ biến mất trong giây phút, các nàng vui chơi thỏa thích cho hết một đêm trăng dọc theo vùng Eguchi giữa trời nước bao la vì đây là nơi hai nhánh sông lớn gặp nhau rồi cùng đổ ra biển.Trong khi vở tuồng mô tả cảnh hoan lạc như thế, nó cũng đã thể hiện cùng lúc sự khắt khe của cái Nghiệp (karma) tiền kiếp mà mỗi người phải gánh cũng như cái bấp bênh của một thế giới vô thường.

Tuy nàng kỹ nữ ở Eguchi làm cái nghề trần tục nhất trong cõi đời trần tục, nàng lại là hiện thân của Đức Bồ Tát Phổ Hiền, bậc thánh nhân tượng trưng cho đạo lý và sự tu hành nghiêm cẩn. Eguchi-no-kimi biểu lộ ra bên ngoài cái hào nhoáng, hưng phấn và phù ảo nhưng trong nội tâm của nàng, mỗi hành động đều ngầm chứa một tư duy sâu sắc về chân lý cuộc đời. Những điệu múa nàng diễn trên sân khấu không chỉ đẹp đẽ và thanh nhã, nó còn đưa khán giả đi vào một thế giới sâu lắng hơn.

Đoạn cuối cùng của vở Eguchi có lẽ vì có liên hệ đến bộ phận sâu xa nhất trong tư tưởng nhà Phật nên thường được dùng để tụng lên vào cái đêm thân nhân phải túc trực bên xác người quá vãng (tsuuya = thông dạ) để cầu cho vong linh được siêu thoát.

Thông tin kỹ thuật:

Trường phái: cả Ngũ lưu đều diễn.

Lớp diễn: Lớp thứ 3 (Kazura-mono: Loại tuồng "Mái tóc đẹp" khi nhân vật nữ thủ vai chính).

Soạn giả: Kannami (nhưng con ông, Zeami, đã hoàn thành)

Xuất điển: Senjuushô (Soạn Tập Sao), Jikkinshô (Thập Huấn Sao) và Kojidan (Cổ Sự Đàm) tức 3 quyển sách thuật lại những sự tích Phật giáo.

Mùa: Thu (tháng 9 âm lịch).

Địa điểm: Eguchi, ngôi làng trên cửa sông trong xứ Settsu.

Vật cần chế tạo (tsukurimono): một cái thuyền hoa (thuyền để dạo chơi trên sông, có lợp mái, yagatabune).

Phối vai:

Shite (Maejite): Người đàn bà địa phương.

Shite (Nochijite): Vong hồn nàng Eguchi-no-kimi.

Tsure: Hai người thị nữ của nàng Eguchi-no-kimi.

Waki: Nhà sư vân du.

Wakizure: Hai tăng nhân tháp tùng nhà sư.

Ai-Kyôgen: Người dân sở tại (nam).

Mặt nạ:
Shite: Wakaonna, Zô, Fukai hay Ko-omote (nói chung là cái loại mặt nạ dành cho đàn bà trẻ).

Tsure: Ko-omote

Trang phục: lược thuật):

Maejite: Đội tóc mượn Kazura, quấn kazura-obi quanh tóc,mặc karaori tức kimono đẹp mặc ở bên ngoài, tay ngắn theo kiểu kinagashi tức loại giản lược vì không kèm theo áo khoác haori ở trên và quần váy hakama ở dưới, có kimono ngắn tay làm lần lót bên trong (kitsuke / surihaku), tay cầm quạt.

Nochijite: Cũng đội kazura và quấn kazura-obi nhưng karaori thì theo kiểu tsubo-ori (trang phục rộng thùng thình của phụ nữ trung lưu thời Heian), kitsuke / surihaku, quần váy hakama với ống rộng (ôkuchi) màu đỏ, thắt koshi-obi ngang hông, giắt quạt.

Tsure: trang phục như Maejite nhưng một trong hai tsure mặc karaori lệch sang một bên vai và vác theo một cái sào.

Waki: Đội sumi-boshi tức khăn trùm đầu có góc cạnh của tăng lữ, mặc mizugoromo tức kimono loại thường chỉ dài đến đầu gối. Còn mặc thêm kimono loại kitsuke kogôshi-atsuita vải dày có in hình và áo kimono muji-noshime trơn. Quần váy hakama ôkuchi ống rộng, màu trắng. Giắt quạt và cầm tràng hạt.

Wakizure: Ăn mặc hầu như cùng kiểu với Waki, cũng có quạt và tràng hạt.

Ai-Kyôgen: Mặc kitsuke / dan noshime tức kimono của thường dân, có sọc to bản. Giắt quạt cùng một thanh đoản đao.

Cảnh : 2 cảnh.

Thời lượng cần thiết: 2 giờ đồng hồ.

Để tiện bề theo dõi xin chia văn bản dưới đây thành 8 tiểu đoạn ABCDEFGH. Những đoạn ca từ nằm giữa hai dấu hoa thị * chỉ thấy trong bản tuồng của một số lưu phái.

Văn bản tuồng với lời giải thích (in nghiêng)

  • Đoàn người hành hương đặt chân đến làng Eguchi.

  •  

     
     
     
     
     
     
     
     
     
     
     

    Trong thời gian dừng chân ở Kyôto, một nhóm nhà sư hành cước * quyết định ghé thăm Tennôji */ * đi về các tỉnh miền Tây (theo cách nói bấy giờ là các tỉnh miền Nam)* [6] nên mới nhắm hướng xứ Settsu [7](nay thuộc Ôsaka) mà đi. Bây giờ họ đã đặt chân lên ngôi làng Eguchi.

    Đoàn người (gồm nhà sư vân du và các tăng tháp tùng): Vầng trăng kia là bạn của người đã lánh đời nhưng cũng là người quen biết cũ thuở chúng ta còn vướng trong vòng tục lụy. Vầng trăng kia là bạn của người đã lánh đời nhưng cũng là người quen biết cũ thuở chúng ta còn vướng trong vòng tục lụy. Nếu thế thì biết tìm đâu ra một cõi hoàn toàn cắt đứt với thế giới vô thường.

    Sư vân du: *Tôi là một nhà sư đang trên đường hành hương qua các tỉnh. Tôi chưa hề có may mắn được thăm ngôi chùa Tennôji. Vì thế lần này tôi mới quyết tâm đến đấy.* / * Tôi là một nhà tu sống ở Kyôto và chưa từng biết các tỉnh miền Tây. Cho nên tôi quyết định đi thăm những nơi ấy!*

    Đoàn người: (Michiyuki bun: Văn đi đường) Chúng tôi rời Kyôto vào lúc nửa đêm, khởi hành giữa đêm khuya và lên một chiếc thuyền xuôi dòng Yodo. Khi xuống đến vùng hạ lưu sông, chúng tôi đã thấy những chòm lau bạc của vùng Udono [8]mơ hồ hiện ra. Trong sương khói mông lung phủ lên rừng tùng, chúng tôi đã đặt chân lên được bờ sông nơi có những ngọn sóng như làn khói đang bủa nhẹ vào bờ. Chúng tôi đã đến được làng Eguchi.
     
     

  • Người dân làng chỉ cho đoàn những di tích ở Eguchi.

  •  

     
     
     
     
     
     
     
     
     
     
     

    Nhà sư vân du hỏi thăm một người dân (vai Ai-Kyôgen) cư ngụ ở Eguchi và hỏi thăm về sự tích Phu nhân Eguchi (Eguchi-no-kimi), người xưa kia đứng đầu một kỹ viện ở Eguchi. Người dân sở tại (tokoro no hito) này mới chỉ chọ biết ở đằng xa kia có dấu tích cũ của nàng.
     

  • Nhà sư vân du bàn cãi với người đàn bà địa phương về bài thơ của Saigyô.

  •  

     
     
     
     
     
     
     
     
     
     
     

    Nhà sư nhìn di tích đổ nát mà dân làng bảo rằng có liên hệ tới Phu nhân Eguchi, vừa hồi tưởng đến giai thoại liên quan đến người kỹ nữ đó và cao tăng Saigyô. Khi ông ngâm bài thơ của cao tăng thì chợt có một người đàn bà sinh sống trong làng tiến tới bên ông và bắt chuyện. Bà ấy trình bày cho nhà sư vân du nghe chủ tâm của Phu nhân Eguchi là chỉ từ chối ông một chỗ trọ vì trong lòng, bà kính trọng một người đã xuống tóc qui y.

    Nhà sư vân du: Ồ, đây là di tích có liên hệ với Phu nhân Eguchi đấy ư? * Tội nghiệp thay! * Bà đã qua đời và chôn vùi dưới lòng đất nhưng danh tiếng của bà vẫn còn sống mãi trong truyện xưa tích cũ [9]. Giờ đây, khi nhìn di tích đổ nát này, * ta không khỏi chạnh lòng thương cảm *.

    Ta nhớ ngày xưa khi cao tăng Saigyô muốn xin một nơi ngủ trọ nhưng đã bị Phu nhân Eguchi thẳng tay từ chối. Vì vậy ngài mới làm bài thơ ý nói: "Chối bỏ cuộc đời mới là chuyện khó chứ từ chối không cho một nhà sư ở trọ chỉ là chuyện dễ dàng đối với một người đàn bà lòng chai đá như bà [10]". Có lẽ ngài đã làm bài thơ ấy ngay chỗ này chăng? *Ôi, tôi thấy thương cho ngài! * / * Ôi, thật là một câu chuyện thú vị! *

    Người đàn bà địa phương:* Xin lỗi sư thầy đang đứng đằng kia ạ. Chẳng hiểu khi ngâm bài thơ vừa rồi, thầy có ngụ ý gì không? *

    Nhà sư vân du: Coi kìa! Nơi đây đâu thấy nhà cửa mà lại có người

    xuất hiện hỏi ta ngâm thơ với ý gì! * Sao bà lại hỏi tôi một câu lạ lùng như thế hở? Tôi thấy lạ quá!*

    Người đàn bà địa phương: Tôi quên chuyện cũ này từ bao nhiêu năm rồi nhưng nay nghe thầy ngâm thơ, quá khứ sống lại trong tôi như việc vừa mới xảy ra. Ngài Saigyô có làm câu thơ nhắn nhủ: "Thế giới này vô thường như giọt sương đọng trên lá cỏ. Việc vứt bỏ cuộc đời bèo bọt này để xuất gia là một chuyện hết sức khó khăn mới thực hiện được. Cớ sao bà lại lãnh đạm đến mức không cho tôi được trọ qua đêm". Nghe câu thơ ấy, tôi xiết bao hỗ thẹn. Tôi nào có ý định không cho ngài trọ dù chỉ một đêm đâu. Cho nên hôm nay tôi mới hiện ra đây để giải thích về thái độ từ khước đó.

    Nhà sư vân du: * Khi ngâm câu thơ của ngài Saigyô, bần tăng không có ý gì đặc biệt, chỉ vì nó có liên quan đến di tích ở đây thôi / Chẳng qua đến trước cái di tích có liên quan đến bài thơ của tăng Saigyô, tôi mới buột miệng ngâm thôi * Bà vừa có ý muốn bào chữa cho người ấy, bảo rằng nàng ta không có ý định từ chối việc nhà tu kia ở trọ. Vậy bà có thể cho bần tăng biết bà là ai không ạ?

    Người đàn bà địa phương: Thầy nói thế nghĩa là sao? Tôi xấu hổ vì đã gây nên sự hiểu lầm là tôi từ khước ông ta.* Thực ra, tôi đã trả lời ông ấy bằng một bài thơ giải thích lý do dẫn đến thái độ từ chối cho ở trọ của tôi.Tôi lấy làm ngạc nhiên khi không nghe thầy ngâm bài thơ tôi đáp!

    Nhà sư vân du: * À, bây giờ tôi mới nhớ ra.* Có phải bài thơ bắt đầu với câu: "Tôi nghe thầy lánh đời"[11]hay không nhỉ?

    Người đàn bà địa phương: Tôi chỉ có ý xin thầy ta đừng chấp chi vào một chỗ trọ vì cuộc đời này chỉ là cõi tạm của tất cả chúng ta. Tôi nào có ý định không cho thầy ấy trọ đâu! Tôi chỉ khuyên một cách đơn giản là người đi tu không nên bám víu vào thế gian, từ đó suy ra là việc cho thầy ấy ngủ trọ trong một ngôi nhà đầy đàn bà con gái càng không đúng đạo lý. Chẳng phải thế sao?

    Nhà sư vân du: Đúng vậy! Lời bà nói thật hợp với đạo lý. Ngài Saigyô là người đã vứt bỏ cuộc đời, cõi tạm của tất cả chúng ta.

    Người đàn bà địa phương: Chỗ của chúng tôi nổi tiếng là nơi hành lạc, có nhiều điều bí ẩn không muốn lọt vào mắt người ngoài. "Xin đừng để lòng của người ....

    Nhà sư vân du:...lưu lại cái quán trọ này". Nàng ấy đã viết trong bài thơ như thế.

    Người đàn bà địa phương: Cũng vì lòng nàng cảm mến và tôn kính kẻ xuống tóc đi tu.

    Nhà sư vân du: Thế mà nàng đã bị xem là kẻ lãnh đạm không cho ông ở trọ...

    Người đàn bà địa phương:...trong bài thơ ông viết về nàng.

    Hợp xướng: Tôi không cho ông ấy ở trọ để ông khỏi luyến tiếc một chỗ giả ngụ, để ông ấy khỏi bám víu vào cuộc đời nầy nữa. Cớ sao ông ấy lại xem tôi như một kẻ không có lòng nhân? Tuy sự việc đã xảy ra từ lâu và tôi không có cách quay lại với quá khứ, nhưng xin thầy đây chớ để đầu óc mình bị ám ảnh vì câu chuyện phù phiếm đó vì chính thầy cũng đã vứt bỏ cuộc đời.
     

  • Người đàn bà thổ lộ mình là hồn ma của Eguchi-no-kimi rồi biến mất.

  •  

     
     
     
     
     
     
     
     
     
     
     

    Chẳng bao lâu, chiều đã xuống và người đàn bà chỉ còn là một cái bóng mờ. Khi nhà sư vân du hỏi danh tánh, nàng cho biết mình là hồn ma của Phu nhân Eguchi. Nàng tan loãng vào trong không khí, chỉ có tiếng nói là vọng lại.

    Hợp xướng: Khi nghe chuyện bà kể về cuộc thế đầy ưu tư (ukiyo) này thì mặt trời sắp lặn. Hình dáng của bà nhạt nhòa như cái bóng mờ. Dám hỏi bà là ai vậy?

    Người đàn bà địa phương: Trên bờ này nơi con sông uốn khúc, thầy sẽ thấy một dáng người đang đứng lảng đảng trong bóng chiều. Thầy sẽ hiểu đó là hình dáng của người kỹ nữ ở Eguchi, cho dù tôi phải hổ thẹn mà nói lên điều ấy.

    Hợp xướng: Thôi, còn gì để nghi ngờ nữa. Bà là một hồn ma, có phải không?

    Người đàn bà địa phương:Trong cõi đời tạm này, tôi ngụ trong cái quán...[12]

    Hợp xướng:... từ nơi đó bà có thể nhìn thấy những cành mai đâm chồi, cũng như khi ấy bên ngoài, hoa kia chợt hiện ra trong đầu tôi.

    Người đàn bà địa phương: Đều là chuyện không ai biết trước.

    Hợp xướng: Có phải bà đã đến để xem di tích nầy không? Chắc cuộc gặp gỡ này vốn do cái duyên tiền kiếp giữa tôi với bà. Như người ta vẫn nói, núp mưa chung dưới một bóng cây hay uống chung ngụm nước trên dòng đều đến từ cái duyên kiếp trước [13].Vâng, tôi là vong hồn của người kỹ nữ ở Eguchi đây, thầy ạ! Nhà sư chỉ nghe mỗi giọng nói vì bóng hình nàng đã bảng lảng vào không khí. Nhà sư chỉ nghe mỗi giọng nói vì bóng hình nàng đã bảng lảng vào không khí.

    (Đến đây là Nakairi, chỗ nghỉ giữa hai màn)
     

  • Nhà sư hỏi thăm người dân sở tại về sự tích bà Eguchi-no-kimi.

  •  

     
     
     
     
     
     
     
     
     
     
     

    Người dân sở tại (tokoro no hito, vai Ai-Kyôgen) khi nãy (đã thấy ở đầu vở) lại bước vào sân khấu. Ông ta trả lời câu hỏi của nhà sư vân du và bắt đầu kể lại sự tích của Phu nhân Eguchi.

    Số là ngày xưa có một vị tăng tên là Shôkuu (Tính Không) là người ao ước được gặp Bồ Tát Phổ Hiền (Fugen Bosatsu). Trong mộng, Shôkuu được lời thần thác (oracle) hãy đến gặp nàng kỹ nữ ở Eguchi. Khi ông đến nơi thì nàng đang đi ngao du trên thuyền. Khi Shôkuu nhắm mắt lại thì ông thấy có Bồ Tát Phổ Hiền và mười nữ quỷ La Sát. Mở mắt ra, ông chỉ thấy có Phu nhân Eguchi và đám người theo hầu (Bế mục tức kiến, khai mục tức thất). Do đó, ông hiểu rằng Phu nhân Eguchi là hóa thân của Bồ Tát Phổ Hiền, đã xuống cõi trần để cứu vớt chúng sinh. Người dân sở tại sau khi kể xong câu chuyện, đã nhờ thầy tăng vân du làm một pháp sự cho Phu nhân rồi xin kiếu ra về.
     

  • Vong hồn Eguchi-no-kimi hiện ra và dạo thuyền trên sông.

  •  

     
     
     
     
     
     
     
     
     
     
     

    Trong đêm khuya, giữa khi nhà sư vân du làm pháp sự cho Phu nhân Eguchi thì ông nhận ra có một chiếc thuyền hoa lộng lẫy với mái lợp trôi trên dòng sông dưới ánh trăng. Phu nhân Eguchi đang ở trên thuyền, chung quanh bà là một số kỹ nữ khác.Phu nhân cho nhà sư thấy mình đang vui chơi thoải mái như thế nào.

    Nhà sư vân du: Mới đây thôi, vong linh của Phu nhân đã hiện ra với giả tướng để trò chuyện với tôi. Tôi sẽ cử hành một buổi lễ cầu siêu mong cho linh hồn nàng sớm siêu thăng nơi Phật quốc.

    Tất cả các sư: Khi thầy chưa nói dứt lời thì kỳ lạ làm sao...

    Mấy nhà sư tháp tùng: Khi thầy chưa nói dứt lời thì kỳ lạ làm sao...

    Tất cả các sư: Trên mặt sông và dưới ánh trăng thanh, tôi có thể thấy rõ hình ảnh những nàng kỹ nữ đang đàn hát trong chiếc thuyền hoa. Lạ lùng thay, tôi nhìn thấy cả ánh trăng đang chiếu trên người họ. Lạ lùng thay!

    *Hợp xướng / Phu nhân Eguchi cùng 2 trong số các thị nữ:* Hãy đỗ chiếc thuyền hoa lại cho ước mơ chăn gối một đêm của chúng ta được thỏa nguyền.

    Hợp xướng: Hãy đỗ chiếc thuyền hoa lại cho ước mơ chăn gối một đêm của chúng ta được thỏa nguyền. Trong khi sống những tháng ngày như vậy, tôi nào có ngờ rằng cõi thế gian này chỉ là nơi tạm bợ, có khác nào một giấc mộng đâu!. Ngay tấm thân tôi cũng mong manh bèo bọt nữa là. Ngày xưa trên đầm Matsuragata, công nương Sayô[14]đã nhỏ những giọt lệ buồn thương để đưa tiễn chồng mình sang bên nhà Đường, còn người con gái trên cầu Uji [15]cũngtừng mòn mỏi đợi người yêu khi những cuộc hẹn hò của họ trở thành thưa thớt. Tuy tôi chỉ là thân kỹ nữ, nhưng cảnh ngộ của tôi nào có khác họ đâu. Buồn lắm thay...

    * Phu nhân Eguchi và những người theo hầu / Phu nhân Eguchi *: ...nhưng không biết làm sao!

    Hợp xướng: Tôi không biết phải làm sao vì cũng như hoa, như tuyết, như mây, như sóng, tôi trôi nổi và mong manh như bọt nước[16]. Nhưng dù sao, tôi vẫn muốn có những tháng ngày vui thú.

    Nhà sư vân du: Lạ chưa kìa. Trên mặt nước của dòng sông lấp lánh ánh trăng, những nàng kỹ nữ đang cất vang lời hát và tôi thấy chiếc thuyền hoa với bao người áo xống đẹp đẽ và sặc sỡ. Không biết thuyền này của ai đấy nhỉ?

    Phu nhân Eguchi: Người bảo gì cơ? Muốn biết chiếc thuyền này là của ai ư? Xin phép thưa rằng đây là con thuyền của một người xưa kia được biết đến dưới cái tên Eguchi-no-kimi, kẻ hay dạo thuyền và vui chơi vào những đêm trăng tỏ.

    Nhà sư vân du: Trời đất ơi! Hóa ra bà là Phu nhân Eguchi đấy sao? Người ấy đã sống vào một thời xưa lắm cơ mà!

    Phu nhân Eguchi: Ông bảo tôi là người đã sống vào một thời xưa lắm à? Nhưng ông đang nhìn thấy người đó đấy vì trăng đêm nay nào khác trăng xưa!

    Các kỹ nữ theo hầu: Và giờ đây chúng ta đang cho ông xem hình dáng của những người mà ông bảo đã thuộc về quá khứ.

    Phu nhân Eguchi: Cứ mặc thầy ấy nói!

    Các kỹ nữ theo hầu: Chúng mình chẳng cần phải trả lời mà cũng chẳng thèm nghe...

    Phu nhân Eguchi: ...chi cho mệt.

    Phu nhân Eguchi và kỹ nữ theo hầu: Mùa thu nước chảy xiết nên chiếc thuyền chúng ta đi nhanh.

    Phu nhân Eguchi: Dưới ánh trăng tỏ ngời, trên thuyền này, chúng ta hãy chống sào và ca hát [17].

    Hợp xướng: Hãy hát nữa và hát thêm lên. Hãy nhớ về quá khứ đáng yêu và cùng hát lên nào. Tuy chúng ta còn tiếc nuối cái quá khứ thời bọn kỹ nữ chúng ta còn dạo chơi trên những chiếc thuyền hoa nhưng giờ đây xin hãy vui chơi bằng cách hát một bài ca nói về kiếp sống đầy ưu tư phải trải qua trên trần thế.
     
     

  • Eguchi-no-kimi thuyết giảng vài nguyên tắc Phật giáo và múa một vũ khúc.

  •  

     
     
     
     
     
     
     
     
     
     
     

    Phu nhân Eguchi giải thích một cách giản dị vài nguyên lý chính yếu của Phật giáo như chuyển sinh (luân hồi), lý nhân quả, nghiệp báo và tư tưởng chư hành vô thường.Sau đó nàng múa một điệu vũ.

    Hợp xướng: Trước tiên, vì có thập nhị nhân duyên [18] nên chúng sinh sẽ sinh ra và sinh mãi không ngừng trong vòng lục đạo [19], giống như nằm trên cái bánh xe đang mải miết lăn quanh khu vườn.

    * Phu nhân Eguchi / Hợp xướng *: Như một con chim chuyền hết cành nay sang cành nọ...

    Hợp xướng: Kiếp trước của chúng ta hãy còn có kiếp trước của nó nữa...

    * Phu nhân Eguchi / Hợp xướng *: ...và cho dù chúng ta có lội ngược dòng để tìm về quá khứ, vẫn không thể biết vòng luân hồi bắt đầu tự chỗ nào.

    Hợp xướng: Rồi khi cuộc đời của chúng ta (hiện thế) chấm hết, chúng ta sẽ thác sinh vào một cuộc đời mới (lai thế) và mãi mãi tiếp tục như thế, không bao giờ dứt kiếp luân hồi.

    Phu nhân Eguchi: Ngay cả khi chúng ta có được phần thưởng tốt lành (thiện quả) để mang lấy hình dạng con người (nhân gian giới) hay thác sinh vào cõi trời cao (thiên thượng giới).

    Hợp xướng: ...chúng ta vẫn có thể đánh mất đạo lý và đi vào những lối mê lầm. Lúc đó chúng ta không thể nào gieo hạt giống lành (thiện nhân) để giải thoát khỏi phiền não.

    Phu nhân Eguchi: Hoặc giả chúng ta có thể vì một cái nghiệp xấu (ác nghiệp) mà rơi vào cõi tam đồ [20] (tức 3 khổ giới) hay gặp phải bát nạn [21] (tức 8 cảnh ngộ khó khăn), khiến cho chúng ta xa rời Chánh Pháp.

    Hợp xướng: Trong những hoàn cảnh đó, chúng ta chỉ còn có nước chịu đựng thống khổ và vô phương tìm thấy Bồ Đề.

    Phu nhân Eguchi: Nhưng may thay, tuy có khó khăn nhưng nay chúng ta được thác sinh vào cõi con người...

    Hợp xướng: Có điều là phải mang thân xác một người phụ nữ vốn nặng nhiều oan trái và tệ hơn nữa là hành nghề bán phấn buôn hương. Khi nghĩ rằng đó là quả báo vì ác nghiệp đến từ tiền kiếp, lòng tôi không khỏi xót xa.

    Vào mùa xuân, hoa (anh đào) hồng thắm. Mỗi buổi sáng, tôi nhìn thấy trên những mỏm núi xa, hoa hiện ra như tấm gấm hồng. Nhưng khi chiều xuống, hoa đã rụng và bay lả tả. Vào mùa thu, khi lá trên cây đổi màu, khu rừng chiều nhuộm vàng, lỗ chỗ như những mảng màu ghép lại, tôi thấy sao mà đẹp.Thế nhưng những chiếc lá ấy sẽ héo úa vì không chịu nỗi sương giá ban mai. Với người khách đã để cho tiếng gió qua rừng tùng và ánh trăng thanh xuyên lùm bụi dắt họ tới đây, tôi đã trao đổi những lời nỉ non tâm sự, Nhưng một khi ra về, khách không còn quay lại nữa. Nam nữ dù có ấp yêu nhau trong chốn màn loan trướng phụng, đến một lúc nào rồi cũng phải chia tay. Cây cỏ, loài không có con tim (vô tình) và con người, giống có tình cảm (hữu tình), cả hai đều không thể thoát khỏi lẽ vô thường. Vẫn biết là như thế nhưng đôi khi tôi đã...

    Phu nhân Eguchi: ...đi yêu một chàng trai vì dung mạo (sắc) và quyến luyến người ấy không rời.

    Hợp xướng: Có khi bắt đầu bằng tình yêu đối với tiếng nói (thanh) của chàng nhưng càng ngày, tôi càng lậm sâu hơn. Sau đó, ý nghĩ và ngôn ngữ của tôi vì gợi ra những ác nghiệp nên trở thành dối trá. Thực vậy, người ta lầm lạc vì bị lục trần (sáu thứ bụi bặm: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) che lấp và phạm tội bằng lục căn (sáu lối vào: nhãn, nhĩ, tỵ, thiệt, thân, ý). Lý do là tâm hồn chúng ta đã bị mê hoặc vì những gì mình được nghe và được thấy. Có phải lạ không?

    Jo-no-mai: Lúc này là màn diễn jo-no-mai của Phu nhân Eguchi, một điệu múa hết sức chậm, được đệm bằng tiếng nhạc của ống tiêu (fue), trống con (kozutsumi) và trống nhỡ (ôzutsumi).
     

  • Eguchi-no-kimi hóa thành Bồ Tát Phổ Hiền và bay về cõi Tây Phương.

  • Sau khi đã giải thích rằng sự vứt bỏ mọi chấp trước là con đường duy nhất để đi đến giác ngộ, Phu nhân Eguchi mới từ giã các nhà sư và hóa thân thành Bồ Tát Phổ Hiền. Chiếc thuyền hoa Phu nhân đang ngồi bên trong cũng biết thành con bạch tượng mà Bồ Tát vẫn cưỡi. Bồ Tát bèn ngồi lên bạch tượng và bay về hướng Tây, nơi có cõi Tịnh độ của Đức Phật A Di Đà.


    Bồ tát Phổ Hiền hóa thân thành Eguchi-no-kimi

    Phu nhân Eguchi: * Lạ không kìa? * Tất cả thực tướng ở đời đã lộ cả ra như một đại dương mênh mông thanh tĩnh không bị ngọn gió của ngũ trần lục dục thổi tới. Sinh vật nào sống với cảnh địa này sẽ không còn bị phiền não chi phối.

    Hợp xướng: Cái gọi là chân như sẽ tùy theo cơ duyên của từng người mà hiện ra trên những lớp sóng của mê lầm. Không có ngày nào mà sóng kia không dậy. Cuộc đời không có lấy một ngày tĩnh lặng.

    Phu nhân Eguchi: Con tâm của chúng ta luôn luôn bị ngọn sóng của mê lầm làm cho dao động bởi vì chúng ta đã lưu cái tâm của mình ở giữa cuộc đời giả tạo này và không ngừng bám víu vào nó.

    Hợp xướng: Nếu chúng ta không bám víu thì cõi đời đầy lo lắng này (ưu thế = ukiyo) sẽ khó lòng làm khổ chúng ta.

    Phu nhân Eguchi: Nếu chúng ta không yêu đương...

    Hợp xướng: ..thì chúng ta khỏi phải chờ ai những lúc đêm về.

    Phu nhân Eguchi: Chúng ta sẽ hết thở than vì ly biệt.

    Hợp xướng: Hoa anh đào (mùa xuân) cũng như lá hồng (mùa thu), tuyết cũng như trăng – những gì từng làm cho lòng chúng ta rung động – rốt cuộc sẽ không còn giá trị.

    Phu nhân Eguchi: Nhớ đấy nhé, cuộc đời giả tạo này chỉ là quán trọ mà thôi!.

    Hợp xướng: Nhớ đấy nhé, cuộc đời giả tạo này chỉ là nơi chúng ta tạm trú lúc qua đường. Tôi xin khuyên các bạn chớ bám víu làm chi một gian nhà trọ... Nhưng xin chào tất cả, đã đến giờ tôi phải chia tay!

    Vừa nói xong câu, nàng kỹ nữ ở Eguchi đã biến thành Bồ Tát Phổ Hiền, còn con thuyền nàng đang đi cũng hóa thành con bạch tượng. Thế rồi, Bồ Tát cưỡi bạch tượng nương theo một vầng mây trắng và bay về hướng Tây. Ai cũng nghĩ đó là một điềm lành! Đúng vậy, thật là một điềm lành!

    Phần Chú Thích;

    [1] - Saigyô (Tây Hành / Tây Hạnh, 1118-1190): danh tăng Nhật Bản xuất thân samurai trong đội quân cấm vệ, sống vào cuối thời Heian và đầu thời Kamakura. Một thi nhân, nghệ sĩ và nhà văn hóa lớn rất được yêu mến, cuộc đời dược tô điểm bằng nhiều giai thoại.
    [2] - Thơ Saigyô, có chép trong Shin Kokin-shuu (Tân Cổ Kim Tập, 1201-05) và Sanka-shuu (Sơn Gia Tập, ?). Xem thêm chú 10.
    [3] - Shôkuu (Tính Không, 917?-1007): một cao tăng thời Heian, xuất thân quí tộc Tachibana. Theo truyền thuyết, ông đã khai sơn chùa Viên Giáo (En gyôji) trên núi Shoshasan (Thư Tả Sơn) nay thuộc thị trấn Himeji tỉnh Hyôgo.
    [4] - Bồ Tát Phổ Hiền (Fugen Bosatsu) tiếng Phạn là Samantabhadra, cùng với Văn Thù (Monju Bosatsu) là hai vị bồ tát thân cận của Đức Phật. Đặc điểm là một bồ tát rất thông sáng và hay cưỡi trên lưng một con bạch tượng. Theo Kinh Pháp Hoa thì ngài là người đặc biệt chủ trương phụ nữ cũng có thể thành Phật.Do đó rất được phụ nữ Nhật Bản yêu kính. Có mười nữ la-sát theo hầu.
    [5] - Yagatabune: thuyền để đi chơi và yến tiệc, có lợp mái bên trên để che mưa gió. Tạm dịch thuyền hoa, thuyền tình vì là nơi du nữ tiếp khách làng chơi.
    [6] - Ngày xưa, Nhật Bản không có địa thế như hiện tại nên họ gọi hướng Bắc bây giờ là hướng Đông và hướng Nam là hướng Tây (đều để so sánh với Kyôto)
    [7] - Settsu có hải cảng đi vào biển nội địa để xuống vùng Kyuushuu.
    [8] - Udono trong xứ Settsu là một nơi nổi tiếng về hoa lau, có giống lau dùng làm nhạc khí để thổi.
    [9] - Chôn vùi như thanh gỗ mục dưới lòng đất nhưng tiếng tăm còn mãi. Ý câu thơ của Bạch Cư Dị trong Hòa Hán Lãng Vịnh Tập "Mai cốt bất mai danh".
    [10] - Trong Shin Kokinshuu (Tân Cổ Kim Tập), phần thơ lữ hành, có đăng bài thơ với giai thoại Saigyô khi thăm chùa Tennôji vì gặp mưa mới xin người kỹ nữ ở Eguchi cho mình trọ qua đêm thì bị nàng từ chối. Ông mới làm thơ trách móc nàng hẹp lượng.Thơ rằng: Yo no naka wo / Itou made koso / taka kerame / kari no yadori ni / kokoro tomu na to / omou bakari zo. Ý nói "Lánh đời mới là chuyện khó chứ từ chối không cho ngủ trọ là chuyện dễ. Người ơi, cớ sao lòng cô lại lạnh nhạt đến thế". Thơ có chép cả trong Sankashuu (Sơn gia tập) của Saigyô.
    [11] - Đây là mấy chữ đầu trong bài thơ trả lời (henka) của người kỹ nữ. Thơ rằng:"Yo wo itou / Hito to shi kikeba / kari no yado ni / kokoro tomu na to / omou bakari zo ?" Ý nói: Tôi nghe người ta bảo thầy là người lánh đời tức đã từ bỏ một ngôi nhà trọ lớn, sao nay lại còn bận tâm vì một ngôi nhà trọ nhỏ?
    [12] - Quán trọ (Yado) vừa ám chỉ kỹ viện, vừa chỉ nhà trọ cũng như cuộc đời tạm bợ.
    [13] - Một thành ngữ thông dụng trong văn bản tuồng Nô nói về cái duyên tiền kiếp.Nối tiếp với ý trước về cành mai nhìn từ cửa nhà trọ.
    [14] - Sayô: tên một nàng công nương sống trên đảo Kyuushuu, có lần đứng trên núi vẫy tay áo tiễn chồng đi xa chỉ sau một đêm ân ái. Thơ chép trong Man.yôshuu, hình bóng về những cuộc tình duyên ngắn ngủi của kỹ nữ.
    [15] - Người con gái ở cầu Uji, ý một bài thơ trong Kokinshuu (Cổ Kim Tập) nói về người con gái phải trải áo ngủ một mình suốt đêm vì người yêu của nàng không đến, ám chỉ sự cô đơn của kỹ nữ.
    [16] - Một chuỗi liên tục ác hình ảnh biểu lộ kiếp sống không có ngày mai của các kỹ nữ (mây, sóng, bọt nước, trôi nổi vv...)
    [17] - Trạo ca: khúc ca vừa chèo vừa hát, một kỹ năng đặc biệt của kỹ nữ , thường trổ tài khi đi chơi trên sông (kawa-asobi). Trạo là cái sào, mái chèo.
    [18] - Nhân quả trong tam thế (tiền thế, hiện thế và lai thế) của con người được quyết định bằng 12 thứ nhân duyên: (1) vô minh (sự ngu tối), (2) hành (sức mạnh do dục vọng dẫn dắt biến thành hành động), (3) thức (ý thức đến từ sự phân biệt, kỳ thị), (4) danh sắc (yêu tố tinh thần và vật chất), (5) lục xứ (sáu giác quan), (6) xúc (sự đụng chạm với ngoại vật), (7) thụ (cảm giác nhận được từ sự đụng chạm với ngoại vật), (8) ái (ước vọng có được khoái lạc), (9) thủ (thiên hướng gắn bó với một vật gì), (10) hữu (ham muốn được tồn tại), (11) sinh (sinh ra), (12) lão tử (sự suy sụp và hủy diệt của thể xác).
    [19] - Lục đạo: Sáu chỗ mà con người phải thác sinh tùy theo hành động xấu hay tốt của mình lúc sinh tiền.Tức là (1) địa ngục đạo, (2) ngạ quỷ đạo, (3) súc sinh đạo, (4) tu la đạo, (5) nhân gian đạo, (6) thiên đạo.
    [20] - Tam Đồ (Sanzu), chữ có 2 nghĩa: (1) địa ngục để trừng trị người ác. Có hỏa đồ, đao đồ và huyết đồ. (2) con sông mà sau khi chết, ai cũng phải vượt qua,
    [21] - Bát nạn tức 8 hoạn nạn. Viêt Nam có câu: "Phật còn lâm tám nạn. Người sao khỏi ba tai".

    Lạm bàn của người dịch:

    Phối hợp hình ảnh một nàng kỹ nữ với Bồ Tát Phổ Hiền thực là một hành vi táo bạo nhưng việc ấy đã xảy ra vào thời soạn giả Kannami (1333-1384) nghĩa là giữa thế kỷ thứ 14 và vốn xuất phát từ lòng tin của giới bình dân. Theo họ tưởng tượng thì khi Đức Phật A Di Đà đến tiếp dẫn mọi người về cõi Tịnh Độ, Bồ Tát Phổ Hiền sẽ có mặt trong số 25 tùy giả và ngài sẽ tiếp đón phụ nữ, cả những tín hữu xuất thân kỹ nữ.

    Dịch giả xin trích một đoạn văn đầy hứng thú của văn hào Tanizaki Jun.ichirô (1886-1965) nói về quang cảnh vùng cửa sông Eguchi trong tác phẩm Ashikari (Người cắt lau, 1932) với hy vọng là nó sẽ đưa người đọc hòa mình một cách tự nhiên vào bầu không khí của vở tuồng:

    "Tôi đưa nguyên nậm rượu Masamune đem theo lên miệng tu, vừa uống vừa chếnh choáng cao giọng : Tầm Dương giang đầu dạ tống khách, Phong diệp địch hoa thu sắt sắt. Trong khi đang ngâm mấy vần thơ ấy tôi bất chợt nhớ ra ngày xưa những nơi lau lách đìu hiu thế nầy đã xảy ra những tình huống tương tự từng thấy trong Tỳ Bà Hành của Bạch Lạc Thiên. Không ít những nàng kỹ nữ đã lai vãng quanh vùng trên những con thuyền nhỏ len lỏi giữa mấy khóm lau nhất là ở những thôn làng như Eguchi và Kanzaki phía hạ lưu. Hồi thời vương triều, có văn nhân Ôe no Masahira  đã viết thiên thuật sự " Quang Cảnh Gái Làng Chơi " (Yuujo wo miru no Jo) để nói đến hoạt động nhộn nhịp của các chị em và không khí trăng hoa suốt một dãi sông này:

    " Vùng Kayô (Hà Dương, chỉ Yamazaki) nằm giữa địa giới ba xứ Yamashiro, Kawachi và Settsu, là một cửa biển trọng yếu trong thiên hạ, khách bốn phương đông tây nam bắc khi đi lại đều phải ghé qua. Những kẻ buôn hương bán phấn ở dưới vòm trời này, không kể già trẻ đều dắt nhau đến đây. Xóm ăn chơi đối mặt hai bên bờ, họ cột thuyền trước cửa nhà, chèo kéo khách giữa dòng sông. Những cô trẻ làm xao xuyến lòng các ông bằng son phấn và tiếng cười giọng hát, các cô luống tuổi thì nấp dưới bóng dù, ra hiệu cho hay mình đang trống bằng cách chống ngọn sào. Ôi thôi, màn thúy buồng hồng, cho dù không theo lễ giáo con nhà nhưng một cuộc vui vầy trong thuyền trên sóng không đáng để đời hay sao ! Mỗi lần đi ngang qua đây và nhìn quang cảnh nầy, ta không sao nén được tiếng thở dài ".

    "Qua nhiều thế hệ, con cháu Masahira có người tên Ôe no Masafusa  lại viết "  Bút ký về gái làng chơi " (Yuujoki), trong đó ông tả kể lại cuộc sinh hoạt diễm tình và sống động ven bờ sông này :

    " Bờ nam bờ bắc không biết bao nhiêu là xóm làng. Một phân nhánh con sông chảy vào xứ Kawachi. Trong vùng gọi là Eguchi có hai trang trại, một cái tên là Miharagi thuộc về Sở Dược Thảo, một cái tên là Oniwa thuộc về Sở Bảo Trì. Khi sông vào xứ Settsu, lại chảy qua các vùng Kanzaki và Kanishima. Nhà cửa nơi đây cứ mọc san sát, không còn một chỗ lọt. Gái làng chơi tụ lại thành nhóm, chèo những chiếc thuyền con cập vào thuyền buôn lớn và rủ rê khách chung chăn gối. Tiếng hát của họ vọng đến mây trời, âm nhạc hòa theo gió nước trên dòng. Thấy nói người qua lại không ai còn nhớ về nhà và thuyền câu, thuyền buôn cứ liên tiếp mắc vào nhau lấp cả dòng sông, hết còn thấy được mặt nước. Chốn này quả là địa điểm hành lạc số một trong thiên hạ ".

    "Bấy giờ tôi vừa thử đi tìm trong đáy ký ức mơ hồ của mình một số đoạn văn mà tôi góp nhặt và đem ra được, vừa ngắm mặt sông vắng vẻ, chỉ có làn nước trôi buồn bã dưới vầng trăng vằng vặc. Ai trong chúng ta không có chút lòng hoài cổ. Nhưng sắp đến cái tuổi năm mươi dễ xúc cảm thì nỗi buồn bâng khuâng lúc thu về mà hồi son trẻ tôi chẳng đoái hoài gì, lại đè nặng không sao tưởng tượng. Một ngọn lá sắn lay động trước ngọn gió thôi cũng đủ làm lòng tôi dậy lên niềm cảm xúc khôn nguôi. Huống chi trong buổi chiều như hôm nay, lại ngồi bó gối ở nơi như chốn nầy, làm sao tôi không cảm thấy cái mong manh bèo bọt của những mưu đồ do con người mà nay không còn vết tích, cũng như làm sao không luyến tiếc về thời đại hoa lệ đã tan biến vào quá khứ. Trong tập " Bút ký về gái làng chơi " có ghi lại tên tuổi nổi như cồn của các nàng kỹ nữ thưở ấy : Kannon (Quan Âm), Nyo.i (Như Ý), Kôro (Hương Lô), Kuujaku (Khổng Tước). Ngoài ra còn truyền lại danh tiếng những Kokannnon (Tiểu Quan Âm), Yakushi (Dược Sư), Yuya (Hùng Dã), Naruto (Minh Độ). Những nàng con gái chọn cuộc đời sóng nước ấy bây giờ đã về đâu ? Nếu các nàng chọn biệt hiệu có hơi hướm Phật giáo như thế bởi vì, cứ theo lời người ta, các nàng đinh ninh chuyện bán dâm là một sở hành của bồ tát. Hình dáng những người con gái tự cho mình là hoá thân của đức Phổ Hiền và có lúc đã được các vị cao tăng cúi lạy kia có còn bao giờ xuất hiện trở lại trên dòng nước để rồi tan biến đi như những bọt sóng hợp tan?

    Tăng Saigyô viết :

    "Khi dạo quanh những vùng kỹ nữ sống như Eguchi hay Katsuramoto, ta thấy nhà cửa của họ chen chúc nhau hai bên bờ nam bắc của dòng sông. Tội nghiệp thay, họ phải kiếm ăn bằng cái nghề chiều theo ý khách ! Rồi họ sẽ ra sao khi rời bỏ cuộc sống vô nghĩa này để sinh về kiếp sau ? Hay nghiệp chướng từ những đời trước lại bắt họ tiếp tục cái đời buôn hương bán phấn ? Để sống cho được một kiếp người chỉ thoáng như giọt sương, họ đã làm cái nghề mà Đức Phật nghiêm cấm. Nào chỉ có mang tội vào một thân mình, họ còn đáng trách vì đã làm cho tan nát bao nhiêu cuộc đời khác. Thế nhưng cũng đã có bao nhiêu kỹ nữ được siêu sinh về cõi tịnh độ vì tuy làm hại đời của khách trên bến, cũng có những kẻ thực sự có lòng tốt ".

    Có lẽ như thế thì các nàng kỹ nữ, như Saigyô từng nghĩ, đã thác sinh về đất Phật và giờ đây, với một nụ cười thương cảm, đang ngắm nhìn sự sa đọa của thế nhân, cái điều duy nhất không hề thay đổi trên cõi dương trần.


    Quang cảnh Đức Phổ Hiền khai ngộ tăng Saigyô

    Dịch xong ngày 15/05/2020


    Thư mục tham khảo:

    1. Eguchi (Cửa Sông), bản song ngữ Anh - Nhật do The Noh.com ( version 1.1) đăng trên mạng, 01/03/2020. Bản kim văn và ngoại văn tham chiếu.
    2. Eguchi (Cửa Sông) trong Yôkyoku-shuu (Dao Khúc Tập), quyển thượng, Itô Masayoshi hiệu chú, Shinchôsha xuất bản, Tôkyô, 1983. Bản cổ văn với chú thích.