Chim Việt Cành Nam
Trở về
Trang chủ
Tác giả
DÔJÔJI
(Đạo Thành Tự) 

Nguyên tác: Kanze Kojirô Nobumitsu
Dịch : Nguyễn Nam Trân


Quỷ nữ nhấc quả chuông chùa

Lược truyện:

Vào một ngày xuân đẹp,chúng tăng của Dôjôji (Đạo Thành Tự), một ngôi chùa cổ thuộc tiểu quốc Kii (tỉnh Wakayama và Mie bây giờ), đang chuẩn bị nghi thức Phật giáo để treo một quả chuông lớn vừa mới được đúc lại xong. Vị hòa thượng trụ trì – vì một duyên cớ đặc biệt – đã ra lệnh cho người làm không để bất cứ người đàn bà nào lai vãng nơi hành lễ. Thế nhưng một shirabyôshi (con hát dạng nam trang) đã xin người lao công trong chùa (nôriki) cho phép nàng ta vào múa một điệu vũ cúng dường. Ông này xiêu lòng và nàng đã tiến được tới bên quả chuông.

Với những bước nhanh nhẹn đặc biệt của vũ khúc ấy, nàng đến bên cạnh quả chuông đang treo, hạ được nó xuống và chui vào nấp bên trong. Quả chuông khi rơi ụp đã gây một tiếng động dữ dội làm mọi người khiếp vía.

Nghe báo tin chẳng lành, hòa thượng trụ trì bèn trách mắng người lao công đã không tuân lệnh cấm và nhân đó, kể lại với chúng tăng môt câu chuyện hãi hùng từng xảy ra trong chùa. Số là ngày xưa có nàng con gái của trang chủ trang viên Manago cho rằng mình đã bị một người đàn ông, nguyên là du tăng sống trên núi (yamabushi) mỗi năm thường ghé qua nhà, đem lòng phản bội. Nàng mới hóa thành một con mãng xà (hay rồng biết phun lửa) đuổi theo anh ta. Tuy người đàn ông đã chạy thoát và đến được Dôjôji, nấp vào trong quả chuông chùa nhưng vẫn bị cô gái khám phá và dấy lên một cơn lửa hận, quấn lấy quả chuông thiêu anh cho đến chết.

Chúng tăng lúc đó mới hiểu rằng người con gái đó – đang trở lại dưới dạng con hát nam trang - vẫn còn chưa dứt bỏ lòng thù hận với du tăng. Họ bèn ra sức cầu kinh niệm chú và cuối cùng nhờ sức thần thông của lòng tin Mật giáo đã kéo được quả chuông lên cao. Thế nhưng người con hát trong chuông lại hóa thành mãng xà và ra ngoài đọ sức với chúng tăng. Sau đó, tuy con rắn kia đã thành công đốt cháy quả chuông, nhưng cùng lúc, nó bị chính ngọn lửa ấy thiêu đốt, phải nhảy ùm xuống tận đáy con sông Hidaka-gawa trước khi mất dạng.

Điểm cần lưu ý khi thưởng thức:

Dôjôji được xem như vở tuồng Nô tiêu biểu vì phối hợp được một cách quân bình ca từ, âm nhạc và diễn xuất.

Một trong những đặc điểm của nó là lớp Ranbyôshi (Loạn phách tử), một đoạn diễn dài 15 phút, rất căng và khó khăn bởi nó đòi hỏi hai diễn viên (nghĩa là Shite và tay đánh trống con đứng đối diện) phải hết sức ăn ý với nhau mới có thể diễn cho hay. Ngoài ra âm nhạc của vở rất độc đáo và hoa lệ, chỉ riêng khía cạnh này thôi cũng đã đủ tạo nên giá trị của nó.

Một đỉnh cao của tuồng là lúc Shite nhảy lên cao để bám vào hai bên vè chuông. Shite có thể bị thương tích khi làm động tác này. Tùy theo vật liệu làm chuông nhẹ hay nặng, nếu động tác không ăn khớp, người ấy có thể rơi xuống chết nữa.

Do đó Kane-koken, kẻ phụ trách giữ giây chuông trong thiết kế sân khấu Dôjôji, là nhân vật quan trọng thứ hai sau Shite vốn phải có thể lực và dày kinh nghiệm diễn xuất.

Shite tự thay mặt nạ đễ diễn lớp sau (nochiba) ở ngay trong chuông. Có thể nói Dôjôji là vở Nô duy nhất mà Shite đổi y trang không có sự trợ giúp của người Koken. Khi ở trong chuông, Shite còn phải phụ trách những hiệu ứng sân khấu như lay rung chuông và đánh chập chõa (não bạt, nyôhachi) cho hợp với tiếng hát của Jiuta (ban hợp xướng).

Nhân vì Dôjôji nói về việc treo chuông cho nhà chùa nên quả chuông đóng vai trò không nhỏ trong vở tuồng. Đầu tuồng có cảnh Kane-koken ra treo chuông, ở giữa vở tuồng có cảnh Shite lẻn vào núp bên trong chuông và cuối tuồng lại có cảnh đưa nó lên lầu chuông trở lại. Thông thường thì khi xem Nô, người ta xem theo chiều ngang nhưng với Dôjôji, khán giả còn phải để ý đến cả chiều thẳng đứng của sân khấu nữa.
 

Loại: Thuộc loại 4 (Cuồng) hay 5 (Quỷ nữ) của Nô (Nô cố chấp = shuunen mono)

Soạn giả: Không rõ, tuy nhiên có thuyết cho rằng đã bắt đầu với vở Kanemaki (Quấn chuông) của Kanze Nobumitsu (Quan Thế Tín Quang, 1450-1516).

Nguồn: Truyện chép trong sách Nihon Hôke Genki (Nhật Bản Pháp Hoa Nghiệm Ký) và Dôjôji E-kotoba (Đạo Thành Tự Hội Từ) vv...

Mùa: Xuân (tháng 3 âm lịch)

Cảnh: Có hai cảnh (màn). Cảnh trước (Maeba): khung cảnh là khu vực nghiêm cấm trong khuôn viên chùa Dôjôji vùng Kii từ lúc trời chạng vạng cho đến đêm cái hôm cử hành lễ treo chuông.

Cảnh sau (Nochiba) Nửa đêm, cùng ngày, cùng chỗ.

Vật phải thiết kế (Tsukurimono): Quả chuông.

Phối vai:

Maejite (Shite lớp trước) : Shirabyôshi (con hát dạng nam trang)
Nochijite (Shite lớp sau): Mãng xà (hay rồng lửa, hóa thân của người đàn bà)
Waki: Hòa thượng trụ trì Dôjôji.
Waki-tsure (hay Wakizure): Tăng nhân tùy tùng hòa thượng trụ trì.
Ai kyôgen: lao công giúp việc trong chùa (nôriki)

Mặt nạ và y trang:

Mặt nạ:

Maejite: Omi-onna, Waka-onna, Fukai, Shiro-shakuni (dành cho đàn bà trung niên xấu xí hay điên cuồng)
Nochijite: Han.nya, Shinja (dành cho nữ quỷ, đầu có sừng, nét mặt thống khổ)

Y trang: ( lược thuật):

Maejite: Mang naga-zakura (tóc giả dài hơn người bình thường), karaori (áo phụ nữ diêm dúa), oni-ogi (quạt dành cho vai quỷ). Đầu đội maeori-eboshi (nón cao đỉnh nhọn và bẻ quặp về đằng trước).
Nochijite: Lúc đó đã gỡ karaori đẹp đẽ mang trong lớp trước và đem quấn quanh lưng. Cầm một cây gậy loại dùng để đánh mhau.
Waki: Kindan-sumi bôshi (đội mão dát vàng), mặc áo tử y (kimono màu tím và dài đến gối) của cao tăng, mang quạt và xâu chuỗi bồ đề.
Waki-tsure: sumibôshi (đội nón nhà sư có góc cạnh) mặc áo mizugoromo (áo thường) màu nâu, cũng mang quạt và xâu chuỗi bồ đề.
Ai: đội nôriki-zukin (khăn bịt đầu của dân lao động), mặc áo yore-mizugoromo (áo thường dân lam lũ) đi xà cạp bằng vải bố, có mang quạt.

Thời lượng trình diễn: ước chừng 2 h.

Để dễ theo dõi, xin phân chia tuồng ra làm 8 tiểu đoạn ABCDEFGH.

Văn bản tuồng với lời thuyết minh

A. Hòa thượng trụ trì chùa Dôjôji bước ra nói chuyện với người giúp việc nhà chùa:

Vài người phụ trách kỹ thuật phía Ai-kyôgen đem vật thiết kế là quả chuông từ sau bức màn đến đặt ở giữa sân khấu. Họ mắc sợi thừng vào cái ròng rọc trên trần. Sau đó chuyên viên về chuông (Kane-koken) phía Shite kéo dây để nâng quả chuông lên cao.
Hòa thượng trụ trì Dôjôji vai Waki bước vào sân khấu, theo sau là tăng nhân tùy tùng (vai Wakizure) và một người lao công giúp việc
(tera-otoko) (vai Ai-kyôgen). Hòa thương cấm gã đàn ông giúp việc cho bất cứ phụ nữ nào vào khuôn viên hành lễ.
Có tiếng tiêu xưng danh (nanori-bue) đơn độc nổi lên.

Trụ trì (xưng danh): Như ta đây là sư trụ trì chùa Dôjôji ở đất Ký châu (Kishuu, tiểu quốc Kii). Vì một duyên do đặc biệt, chùa này đã không treo chuông trong một thời gian dài. Dù sao đã có một quả chuông vừa mới đúc lại xong. Nhân hôm nay là ngày lành tháng tốt (cát nhật), chúng ta muốn cử hành một pháp hội để cúng dường quả chuông.
Trụ trì: (Mondo, đối đáp) Này, chú giúp việc kia ơi!
Lao công: Bạch thày, có con đây.
Trụ trì: Thế chứ quả chuông đã được treo lên chưa?
Lao công: Bạch thày, chuông đã được đưa lên lầu chuông rồi ạ!
Trụ trì: Hôm nay, kể từ bây giờ, chúng ta sẽ tụng kinh cho quả chuông mới. Vì có một duyên do đặc biệt, ta sẽ không cho phép bất cứ người đàn bà nào bén mảng đến đây. Chú nhớ cho kỹ lời ta dặn nhé.
Lao công: Bạch thày, con xin vâng.

B. Con hát Shirabyôshi xuất hiện:

Con hát Shirabyôshi (Bạch phách tử, vai Maejite) [1] bước vào sân khấu. Nàng đang ở trên đường, hối hả đến chùa cho kịp giờ hành lễ.

Có khúc hát narai no shidai báo tin nhân vật đã xuất hiện nhưng nhạc này không cần bắt cùng nhịp với động tác của người ấy. Dù sao cũng là một khúc nhạc cần phải xử lý trân trọng.

Shirabyôshi: Cho đến hôm nay, ta đã phá giới răn nhà Phật làm nên bao tội lỗi nhưng nếu dự được hội này, tội lỗi ấy sẽ tiêu đi. Vậy hãy nhanh chân cho kịp giờ hành lễ nhỉ.
(Xưng danh) Ta là một con hát Shirabyôshi sống ở một nơi ngoài tiểu quốc Kii, nghe nói Dôjôji làm pháp hội cúng dường chuông mới nên muốn đến thăm.
Shirabyôshi: (Michiyuki-bun, văn đi đường) Mảnh trăng tàn trên bầu trời ban ngày đang dần khuất và ngọn triều cũng đã dâng đầy, ta vừa qua khỏi cánh đồng Komatsubara trong màn sương mù dậy lên từ phía biển. Lòng đang giục giã ta đi nhanh cho chóng đến ngôi chùa Dôjôji ở Hidaka (hay Hitaka) trước khi trời tối [2]. Này, giờ đây ta đã đến nơi.
Shirabyôshi: Nhờ nhanh chân, ta đến được chùa Dôjôji trong xứ Hidaka, vậy mau mau vào dự lễ treo chuông.

C. Shirabyôshi trao đổi với người lao công nhà chùa:

Shirabyôshi khẩn nguyện được dự lễ treo chuông nhưng vì có lệnh cấm của sư trụ trì nên lao công phải giải thích cho nàng là hiện giờ chùa không cho phụ nữ nào bén mảng. Cuối cùng ông ta cũng đành để nàng vào khi nghe hứa hẹn rằng nàng sẽ đền ơn chùa bằng một điệu vũ cúng dường. Xong, nàng bắt đầu múa.

Shirabyôshi: Em là một con hát Shirabyôshi sống quanh quẩn gần vùng này. Em muốn ông gia ơn để em được cúng dường một điệu vũ. Xin ông làm phước cho em vào dự lễ với.

(Lao công bèn hỏi ý kiến cấp trên là nhà sư tùy tùng vị hòa thượng trụ trì xem thử mình có thể cho cô ấy và trong khu vực cấm không. Tuy gặp sự ngăn cản của nhà sư này, lao công đã cho phép cô ta vào trong chùa một cánh kín đáo.)

Shirabyôshi: Ôi! Thích quá đi thôi. Em múa đấy nhé!

Monogi-ashirai: âm nhạc tấu lên trong lúc nhân vật (vai Shite) sửa soạn trang phục ngay giữa sân khấu (Monogi). Shirabyôshi tức vai Shite đến ngồi ở chỗ các chuyên viên kỹ thuật (gọi là Kokenza), đâu lưng lại khán giả và lấy mũ cao eboshi đội lên đầu. Ashirai được chơi với ba nhạc cụ gồm ống tiêu kiểu Nhật (fue), trống nhỏ (kotsuzumi, đặt trên vai) và trống nhỡ (ôtsuzumi, đặt ở đầu gối). Shite đứng lên và đi về phía cầu treo (hashigakari) tức con đường bên hông nối liền sân khấu với buồng trò.

Ashirai: Shite đứng nhìn quả chuông từ phía cầu treo. Sau khi monogi-ashirai đã chấm dứt, bất chợt trống đại (taiko) nổi lên với nhịp điệu ashirai dồn dập. Shite lại bước nhanh vào sân khấu theo nhịp trống.

Shirabyôshi: Em xin mượn tạm cái mũ eboshi màu đen của ông thần quan [3] đang ngôi đằng kia nhé!

Nói chưa dứt lời, nàng đã dậm chân bắt nhịp.

Chung quanh ta khắp nơi chỉ có mấy rặng anh đào với bóng tùng xanh. Cảnh sắc mùa xuân đẹp tràn trề như thế mà rồi cũng phải ngả về chiều. Văng vẳng bên tai là hồi chuông thu không cuối ngày [4]

D. Điệu múa của Shirabyôshi:

Shirabyôshi bắt đầu diễn khúc loạn vũ (ranbyôshi = loạn phách tử) với nhịp điệu dồn dập.

Ranbyôshi: Vũ khúc này chỉ đi với nhạc cụ duy nhất là trống con (kotsuzumi).Tiếng hô (kakegoe) của diễn viên lẫn vào trong tiếng trống đập như cả hai cùng bị giam hãm chung một cái lồng, tạo nên không khí bức bách. Chúng cứ lập đi lập lại như thế và nhanh lên dần, hòa cùng với tiếng dậm chân (sử dụng động tác của đầu ngón chân và gót) mỗi lúc một mạnh.

Shirabyôshi: Ngài Tachibana no Michinari[5] đã phụng mệnh sắc chiếu của Thiên hoàng để xây nên ngôi chùa Dôjôji này (Dôjô còn đọc theo âm Nhật là là Michinari, NTT) lần đầu tiên.
Hợp xướng (Jiuta): Ở ngôi chùa giữa núi rừng.

Kyuu no mai (Cấp vũ): Đến đây Shirabyôshi múa một điệu vũ theo nhịp điệu nhanh và đệm bằng ống tiêu (fue), trống con (kotsuzumi) và trống nhỡ (ôtsuzumi).

Shirabyôshi: Vào một buổi chiều xuân ....
Hợp xướng: Chuông chùa đã gióng lên để báo chiều về. Hoa anh đào lặng lẽ rơi lả tả. Hoa rụng, hoa rụng...và tan tác.[6]

E.Shirabyôshi nhảy lên và lọt được vào trong chuông:

Bằng điệu múa với những bước thật nhanh, Shirabyôshi tiến gần quả chuông và nhận ra là người lao công đang chợp mắt. Lợi dụng tình thế, nàng nhảy lên, kéo được quả chuông xuống và lọt vào bên trong.

Shirabyôshi: Khi ta đang múa thì tiếng chuông chùa...
Hợp xướng: Ngân nga khắp nơi.Trăng đã lặn về Tây và có tiếng chim kêu. Sương phủ trắng trời giống như đang có tuyết.Từ ngôi chùa Hidaka (Nhật Cao Tự, để chỉ Dôjôji) có thể nhìn thấy ánh lửa làng chài nằm trên cửa sông Hidaka (Hidakagawa) [7]. Ánh lửa buồn bã ấy như ru người ta vào trong cõi mộng! [8]. Shirabyôshi thấy mọi người trong chùa đều buồn ngủ cả, cho là cơ hội tốt, bèn giả cách tiếp tục múa và thử đến bên cạnh chuông để rung. Nhân nàng nhớ lại mối hận lòng với quả chuông nên mới với hai tay chụp lấy vè chuông rồi nhảy phóc lên để cho quả chuông úp lấy người mình, sau đó không còn thấy bóng dáng nàng đâu nữa.

(Đến đây là Nakairi: chỗ nghỉ giữa hai màn)

F. Hòa thượng trụ trì nghe báo cáo sự cố, bèn thuật chuyện xưa:

Lao công và những người khác nghe tiếng quả chuông gây ra khi ụp xuống đều giật mình tỉnh giấc, chạy đến báo cáo sự tình cho hòa thượng trụ trì. Nhà sư trụ trì (vai Waki) bèn trách mắng lao công đã trái lời mình và bắt đầu hé lộ cho mọi người lý do tại sao ông quyết liệt ngăn cấm phụ nữ đến gần quả chuông trong thời gian hành lễ.

Trụ trì: (đối đáp) Đây là một cảnh tượng không thể nào chấp nhận. Ta vì lo sợ nguy cơ ấy nên đã dặn đi dặn lại chú em kia chớ để cho phụ nữ vào nơi hành lễ.Thế mà chuyện chẳng lành rốt cuộc vẫn xảy ra!
Trụ trì: Mọi người hãy đến gần đây nghe ta nói! Các ngươi có biết vì lý do nào ta bảo các ngươi đừng cho phụ nữ đến gần quả chuông không?
Sư tùy tùng: Bạch thày, không.
Trụ trì: Thế thì hãy nghe ta giải thích đây.
Sư tùy tùng: Dám xin thày kể cho nghe!
Trụ trì: (Katari = kể lể) Ngày xưa, trong vùng này, có một vị chủ nhân trang viên ở Manago. Ông sinh được một cô con gái. Trang viên của ông được chỉ định làm nơi dừng chân cho một du tăng vùng Ôshuu (Áo châu) [9] khi ông ta đi hành hương ở thánh địa Kumano [10] nên mỗi năm gia đình trang chủ vẫn tiếp đón người khách ấy. Vì quá cưng yêu con gái, một hôm trang chủ mới nói đùa với cô rằng: "Anh du tăng kia là ông chồng tương lai của con đó!". Người con gái tính hồn nhiên nên khi lớn lên, cứ tin lời nói đùa của cha là thật.
Nhiều năm sau, khi du tăng ghé nhà trang chủ ở Manago, đợi đến khi cả nhà đi ngủ hết, cô con gái [11] mới tìm đến tận phòng của ông ta và bảo:" Sao chàng cứ bắt em chịu cảnh cô quạnh như thế này? Mau mau rước em về làm vợ đi chứ?". Nghe đòi hỏi đột ngột ấy, du tăng lấy làm kinh hãi [12]. Ông bèn dỗ dành cô cho yên rồi giữa đêm khuya, cuốn gói rời nhà trọ và chạy một mạch đến chùa Dôjôji. Ông hết lời van vỉ nhà chùa cho mình một chỗ trốn nhưng chư tăng không tìm ra nơi nào thỏa đáng. Cuối cùng họ mới tháo gỡ cái chuông chùa từ trên lầu chuông, đặt xuống đất và cho du tăng vào trốn trong đó..
Phía cô gái thì đã quyết tâm không để du tăng trốn thoát nên ráo riết đuổi theo ông. Lúc đó mực nước sông Hidaka dâng cao, cô không thể lội qua. Cô chạy xuôi chạy ngược trên bờ sông một đỗi cho đến khi lòng quyết tâm đeo đuổi người tình đã giúp cô hóa thân thành con mãng xà để có thể lội qua sông như bỡn. Cô tìm tới được Dôjôji sau khi đã lùng sục mọi nơi. Thấy có một cái chuông úp trên mặt đất, cô sinh nghi, bèn lấy hàm răng mãng xà của mình cắn lấy đỉnh chuông, quấn người thành bảy vòng quanh thân chuông và phun lửa đốt nó. Cuối cùng, khi cô dùng cái đuôi rắn của mình đập mạnh vào, quả chuông liền chảy tan và không ai thấy du tăng kia đâu nữa. Thật là một câu chuyện hãi hùng.
Sư tùy tùng: Bạch thày, chúng đệ tử không biết nói gì hơn trước một câu chuyện rùng rợn như thế!
Trụ trì: Chắc là oán thù của người đàn bà kia hãy còn dai dẳng, cô mới tìm đến đây để phá cả quả chuông mới này. Chúng ta nên dùng tất cả công phu tu luyện cho những tình huống như bây giờ. Vậy hãy cùng nhau ra sức tụng kinh và kéo quả chuông lên lầu chuông lần nữa.
Sư tùy tùng: Thầy dạy chí phải. Chúng ta tụng niệm đi nào!

G. Chư tăng hiệp lực cầu đảo:

Hòa thượng trụ trì cùng chư tăng bắt đầu tụng kinh niệm Phật. Khi mọi người nhất tâm bất loạn lần lượt hô tên Bất Động Minh Vương (Acala) rồi đến Ngũ Đại Minh Vương để cầu khẩn thì quả chuông bắt đầu động đậy. Không một ai đụng đến mà tự nhiên nó phát ra tiếng kêu rồi rung lên bần bật, cuối cùng chạy ngược lên hướng lầu chuông. Thế rồi nàng con gái trong xác rắn (mãng xà) hiện ra, nằm cuộn trên mặt đất bên dưới quả chuông.
Notto (biến âm của Norito tức Chúc từ): Trong khi hòa thượng trụ trì
(vai Waki) và sư tùy tùng (vai Wakizure) lần xâu chuỗi bồ đề thi tiếng trống con (kotsuzumi) nổi lên một điệu Notto, sau đó nó được tăng cường với trống nhỡ (ôtsuzumi). Chúng được dùng làm khúc nhạc giáo đầu để tạo nên bầu không khí đầy ma lực của cuộc cầu đảo tiếp sau. Waki và tất cả cùng cất giọng.

Trụ trì: Dù nước sông Hidaka phải chảy ngược dòng, trơ lòng sông khô hạn, dù tất cả cát hai bên bờ (masago) có mất hết đi, pháp lực của chúng ta sẽ không bao giờ cạn kiệt.
Sư tùy tùng: Hãy cùng nhau cất cao một giọng!
Trụ trì: Hàng Tam Thế Minh Vương ở phương Đông. [13]
Sư tùy tùng: Quân Trà Lợi Dạ Xoa Minh Vương ở phương Nam [14].
Trụ trì: Đại Uy Đức Minh Vương ở phương Tây [15].
Sư tùy tùng: Kim Cương Dạ Xoa Minh Vương ở phương Bắc [16].
Trụ trì: Đại Nhật Đại Thánh Bất Động Minh Vương ở Trung ương [17].
Sư tùy tùng: Chuông kia chuyển hay không chuyển hả? Này xem uy lực của Bất Động Minh Vương nào!
Đọc thần chú: Namakusamandabasarada, Sendamakaroshana, Sowayauntaratakanman! (Thính ngã thuyết giả đắc đại tri huệ. Tri ngã thân giả tức thân thành Phật = Nghe được lời Ta thì sẽ có trí tuệ Bát Nhã, Biết được thân Ta tức khắc thành Phật) [18]
Chúng ta đang cầu xin cho nàng con gái dù ở trong thân xác mãng xà cũng có thể tức khắc thành Phật
Trụ trì: Sao nàng chưa vứt bỏ hận lòng? Kìa, hãy nhìn quả chuông.
Hợp xướng: Chuông kia đã bắt đầu chuyển động. Hãy niệm chú thêm vào và kéo quả chuông lên!
Hãy đọc kệ Đà La Ni từ bi cứu khổ cứu nạn của Bồ Tát Thiên Thủ Quan Âm [19] và của Bất Động Minh Vương. Hãy làm dấy lên ngọn khói đen [20] từ ánh lửa [21] của Bất Động Minh Vương. Hãy tập trung tụng niệm.
Họ càng tụng niệm thì chuông càng kêu vang dù không ai đánh và càng lắc lư thêm. Cuối cùng chuông được kéo ngược về phía lầu chuông nhờ sức mạnh thần bí của chư tăng. Này, nhìn vào trong mà xem: mãng xà đã xuất hiện.

H. Cuộc giao đấu giữa nữ quỷ và chư tăng:

Nữ quỷ xuất hiện từ quả chuông, rượt đuổi và tấn công chư tăng. Bọn họ bèn khấn Ngũ Đại Long Vương [22] để khuất phục nữ quỷ đang mang xác rắn (xà thể). Cuộc chiến trở nên dữ dội.
Nhạc khấn nguyện nổi lên.
Inori: Nhạc khấn nguyện vốn được trình tấu bằng ống tiêu, trống con, trống nhỡ và trống đại tức 4 nhạc khí của hayashi (nhạc tuồng Nô). Đặc điểm của nó là nhanh và sống động. Lúc đó, trống đại (taiko) đánh theo điệu gọi là Inoriji.

Hợp xướng: Xin kính cẩn cầu Thanh Long Thanh Tĩnh ở phương Đông, xin kính cẩn cầu Bạch Đế Bạch Long ở phương Tây, xin kính cẩn cầu Hoàng Long Hoàng Đế ở Trung ương, Chúng con kính cẩn cầu các vị Long Vương hằng hà sa số trong nhất đại tam thiên đại thiên thế giới rũ lòng thương mà nghe lời khấn nguyện. Xin các ngài chớ cho mảng xà này có chỗ để dung thân.

Các vị hành giả cùng nhau khấn khứa như thế, nữ quỷ bèn bị hàng phục và rốt cuộc nằm lăn ra đất. Tuy nhiên, nó đã đứng dậy được ngay rồi phà hơi thở lên trên quả chuông. Hơi thở đó làm bùng lên một đám cháy và lửa kia đã thiêu đốt luôn chính nó. Nữ quỷ cuối cùng không chịu đựng nổi sự thống khổ trong giờ hấp hối nên đã nhảy ùm, lặn xuống tận đáy sông Hidaka. Chúng tăng coi như đạt thành sở nguyện nên kéo nhau trở về tăng phòng.


Mảng xà phun lửa

Phần Chú Thích:

[1] - Bạch phách tử: con hát dạng nam trang, mặc y phục màu trắng (bạch) hát theo nhịp (phách).

[2] - Không khí lãng mạn có lẽ lấy hứng từ hai chủ đề của Tiêu tương bát cảnh là Viễn tự vãn chung, Động Đình thu nguyệt.Ngoài ra Hidaka là tên đất nơi có ngôi chùa nhưng cũng có nghĩa thứ hai là "mặt trời lên cao" (hidaka). Một cách chơi chữ. Đạo Thành Tự còn được gọi là Nhật Cao Tự.

[3] - Vì chùa này một ngôi chùa cổ thờ hỗn hợp Thần Phật nên mới có bóng thần quan.Nàng này là yêu quái nên bỡn cả Thần Phật.

[4] - Đoạn này mượn chữ trong lời tựa của Truyện Heike (Kỳ viên tinh xá chung thanh, chư hành vô thường chi hưởng, sa la song thụ vv....) để nhấn mạnh về lẽ vô thường.

[5] - Tachibana no Michinari (Quất, Đạo Thành), đại thần đã phụng mệnh thiên hoàng Mommu (Văn Vũ, trị vì 697-707) về địa phương để xây chùa Dôjôji (Đạo Thành Tự).Do đó chùa mới lấy tên ông dù nó còn một tên khác nữa là Nhật Cao Tự. Có bản chép tên ông là Ki no Michinari (Ki như trong Kii, tên đất).

[6] - Ý thơ Lý Kiểu chép trong Tam Thể Thi do Chu Bật sưu tập: Trường Lạc chung thanh hoa dĩ tận.(Trường Lạc là tên một cái cung đời Hán).

[7] - Lại chơi chữ Hidaka.

[8] - Ý thơ Trương Kế trong Phong Kiều Dạ Bạc (Đường Thi Tuyển): Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên. Giang phong ngư hỏa đối sầu miên. Giang phong (rặng cây phong bên bờ sông) đã được đổi thành Giang thôn (làng trên sông) qua cách dụng điển của một nhà thơ đời sau.

[9] - Áo châu là tên chữ để chỉ vùng Mutsu (Áo Lục) nay nằm ở miền Đông Bắc (Fukushima, Miyagi, Akita, Aomori, Iwate vv..)

[10] - Kumano (Hùng Dã) là nơi có 3 đền thần đạo nổi tiếng, nằm ở ngay tỉnh Wakayama và Mie, không xa trang viên Manago của bố cô gái.

[11] - Các sách khác như Pháp Hoa Linh Nghiệm Ký hay Đạo Thành Tự Duyên Khởi khi kể chuyện này không nói là con gái nhưng cho là một bà góa hay vợ của ông chủ trang viên. Có lẽ dàn dựng như thế mới hợp lý hơn vì môt cô gái ngây thơ khó lòng có thái độ "stalker", "sexual harassment" như thế. Có lẽ "con gái" là một sáng tác của tuồng chứ không đến từ sách vở..

[12] - Du tăng (yamabushi) thường giữ thanh tĩnh, khác với các nhà tu Nhật Bản có khuynh hướng lấy vợ.

[13] - Trailokyavijaya (Gôzanse-myoô)

[14] - Kundali (Gundari-yasha-myoô).

[15] - Yamantaka (Dai-itoku myoô)

[16] - Vajrayasha (Kongô yasha myoô)

[17] - Acala (Dai nichi Daishô Fudoô myoô)

[18] - Phần cuối các lời thệ nguyện của Minh vương (Tứ cá điều thệ nguyện)

[19] - Dôjôji được biết như linh trường của tín ngưỡng Thiên Thủ Quan Âm.

[20] - Như khói Goma trên Hộ ma đàn của Mật giáo.

[21] - Ngọn lửa Ca Lâu La Viêm của Bất Động.

[22] - Để trị được rắn hay rồng tất phải nhờ đến các Long Vương.

  
Lạm bàn của người dịch:

Bên bờ sông Hidaka ở đất Kii có ngôi chùa Dôjôji nổi tiếng tự thời xưa. Vì một cớ sự đặc biệt nên nhà chùa không được phép đúc chuông. Lần đó, họ phá lệ đúc một quả chuông mới nên cả chùa xôn xao làm lễ cúng dường (khánh thành). Có điều lạ là không hiểu sao hòa thượng trụ trì lại nghiêm cấm sự có mặt của phụ nữ.

Cuối ngày xuân đẹp đã thấy thấp thoáng nhiều thiện nam tín nữ viếng chùa trong đó có một cô gái đến từ xa. Cô lẫn vào đám người đến dự, định vào bên trong thì bị ông lao công chận lại. Nhưng theo bà Shirasu Masako (tư liệu tham chiếu), có lẽ vì ông lý luận là một con hát shirabyôshi như cô không phải là một người đàn bà bình thường (vừa là cô đồng (miko), vừa là du nữ (asobime), mang kiếm lại mặc nam trang, tức người thuộc một qui chế khác, qui chế nghệ sĩ trình diễn có thể làm vui lòng người dự khán) nên đã cho vào sau khi cô hứa sẽ làm quà cho nhà chùa một điệu vũ.

Sự cố cô gái kéo cho chuông đổ ập gây hoảng loạn trong chùa, hòa thượng trụ trì phải vén màn bí mật bằng cách kể cho những người có mặt câu chuyện hãi hùng xảy ra giữa một du tăng và người con gái ở Manago. Cũng theo bà Shirasu Masako, cái khổ của du tăng bị ép duyên là ông phải sống chay tịnh, không được quyền lấy vợ. Thế nhưng nàng con gái cứ đinh ninh rằng ông muốn trốn tránh mình. Rốt cuộc du tăng phải trốn khỏi nhà cô giữa đêm hôm để tị nạn dưới quả chuông chùa. Còn cô gái khi đuổi theo đã trở thành điên dại và sự cố chấp trong tình yêu đủ mạnh để biến cô thành một con đại xà (daija) vượt được mọi rào cản. Người yêu đi trốn nay là kẻ thù mà quả chuông chàng trốn trong đó cũng là kẻ thù. Cô phải tiêu diệt cả hai.

Ấn tượng đầu tiên là vở tuồng này nằm trong những vở gọi là "duyên khởi" (enki) để giải thích lý do thành lập các đền chùa danh giá bằng cách gắn cho nó một sự tích thiêng liêng. Thứ hai là tuồng có liên quan đến một "linh thú", ở đây là mãng xà hay rồng. Cổ tích Nhật Bản từng nói đến việc thần núi Miwa đến gặp và ăn nằm với một nàng con gái đẹp nhà dân, đời Edo có truyện con rắn đa tình (Jasei no in) của Ueda Akinari (trong Ugetsu Monogatari). Bên Trung Quốc từ xưa đã có những truyện cá hóa rồng hay truyện Thanh Xà Bạch Xà, còn Việt nam có truyền thuyết rồng bay trên thành Đại La, thuồng luồng (giao long) hồ Ba Bể (phục thù) và thuồng luồng đầm Niết (tạ ơn thầy học). Tất cả đều nằm trong hệ thống này.

Đặc điểm thứ ba của tuồng là ca tụng sự kiến hiệu của nghi thức Mật giáo (như đã thấy trong vở Aoi no Ue). Nó giống như một văn bản tuyên truyền cho Mật giáo, giáo phái với nghi thức và ngôn từ bí mật (thần chú) rất thịnh hành vào thời Heian, đã được triều đình tận tình nâng đỡ trong quan hệ hai bên cùng có lợi. Tuy với sự hổ trợ của Thần Phật, tăng chúng đã chiến thắng và nữ quỷ tự diệt vì nghiệp hỏa nhưng phải nói là hiếm thấy một vở tuồng Nô nào như Dôjôji, trong đó nhân vật chính thà bị hủy diệt chứ không chịu đổi hướng để tuân theo Phật pháp.

Cuối cùng, trong tuồng này, ta lại thấy một phán đoán sai lầm nhưng có tính lịch sử: người phụ nữ ở đây bị đánh giá thấp, còn bị kết án là đầu mối của sự quyến rũ và đeo bám (stalking) dù thực tế thường chứng minh ngược lại. Thành kiến này đã từng được lập đi lập lại không biết bao lần (Đát Kỷ, Điêu Thuyền, Dương Quí Phi, Bà Chúa Chè, Marie Antoinette...) kể cả trong Sáng Thế Ký của Thánh Kinh Cựu Ước với câu chuyện giữa Eva, con rắn, quả táo và Adam.

Về hình thức thì ca từ của tuồng tuy có dựa trên các thủ pháp luyến láy, chơi chữ của thơ Waka (như Hidaka vừa là tên chùa, vừa chỉ mặt trời, vừa chỉ lửa), từ hoa của Trung Quốc (thơ Đường) và Nhật Bản (Truyện Heike) nhưng tất cả đều nhẹ nhàng chứ không quá ép uổng.

Tôkyô ngày 13/4/2020


Tư liệu tham khảo:

1) Dôjôji (Đạo Thành Tự), bản song ngữ Anh-Nhật của The Noh.com trên mạng Internet, bản 2.0 ngày 8/2/2014.

2) Dôjôji (Đạo Thành Tự) trong Yôkyoku Hyakuban (Dao khúc bách ban) hay Một trăm vở Nô. Nguyên tác cổ văn với chú thích.

3) Dôjôji (Đạo Thành Tự) trong Yôkyokushuu (Dao khúc tập 3 quyển), quyển trung, nguyên tác cổ văn với chú thích, Shinchôsha, Tôkyô xuất bản, 1986.

4) Shirasu Masako, Dôjôji trong Nô no Monogatari (Tuồng tích của Nô), Kôdansha Bungei Bunko, Tôkyô, xuất bản, 2007.