Chim Việt Cành Nam
Trở về
Trang chủ
Tác giả
 
Tây ..Ban Nha.. du ký

Phần I: Dư âm sau chuyến thăm Granada. 

Khả Tri

- Phần I : Dư âm sau chuyến thăm Granada
- Phần II : Cát bụi Granada
- Phần III: Hơi bị lạc đề vì mải tìm bóng dáng Herodotus
Phần 1: Dư âm sau chuyến thăm Granada.

"Finally, from so little sleeping and so much reading, his brain dried up and he went completely out of his mind/Cuối cùng, ngủ ít mà đọc nhiều, suy nhược não bộ, anh ta đâm ra dở dở ương ương." Miguel de Cervantes Saavedra, Don Quixote
Lần đầu tiên tôi được "thăm" Tây Ban Nha - viết tắt là TBN - phải cách đây trên 40 năm. Nhưng đó thật sự là chuyến đi cưỡi ngựa xem hoa không hơn không kém. Kiến thức của tôi về đất nước mỹ miều và đầy ắp dấu ấn lịch sử này chỉ nằm gọn trong lòng bàn tay. Cái biết nửa vời thật hời hợt quanh quẩn theo màn đấu bò tót, làn điệu Flamenco với phím Tây Ban Cầm, giọng hát khắc khoải, bước nhảy rực lửa, kèm tiếng gõ song lang/castanet lóc cóc như vó ngựa. Hơn nữa, thời bấy giờ chưa có internet, du lịch chưa phổ thông đại chúng, muốn tìm hiểu rõ một đất nước không dễ chút nào. Bỏ tiền ra mua sách vở thì xót xa hầu bao, mà cũng chẳng có bao nhiêu; vào thư viện thì ít ỏi thì giờ, tốc độ đọc, hiểu, rồi ghi nhớ, chỉ bằng con rùa bò.

Đầu thập niên 1970, nhân một nhóm sinh viên Công giáo Đức chịu ảnh hưởng "Thần học giải phóng", đứng ra tổ chức du lịch giá rẻ TBN ngắn ngày, (để ủng hộ khuynh hướng dân chủ hóa đang lớn mạnh tại đây và chuẩn bị cho chương trình các thành phố kết nghĩa? Vào thời điểm nói trên, TBN vẫn còn là một trong những quốc gia bảo thủ, thậm chí độc tài nhất nhì Tây Âu), tôi, thằng sinh viên Á châu độc nhất, "cũng liều nhắm mắt đưa chân" ghi tên tham dự, sau nhiều đêm trằn trọc tính toán tiền nong. Chi phí xấp xỉ tiền lương 1 tuần lễ sinh viên làm việc các tháng hè. Kết cục: trừ đi 2 ngày đi và về, 3 ngày còn lại tôi được lướt lướt nhìn ngắm phong cảnh, tham gia sinh hoạt nghiệp đoàn, các đoàn thể sinh viên v.v. Bản thân tiếng Đức của tôi thuộc trình độ dốt nát, không hiểu hết chi tiết thuyết minh về văn hóa, lịch sử, chính trị của người hướng dẫn du lịch. Tây Ban Nha đi vào tâm khảm tôi là như thế, để lại khá nhiều dấu chấm hỏi chưa có câu trả lời, cộng thêm ký ức về những khuôn mặt rạng rỡ của người dân bản xứ, sẵn sàng hành động vì tin vào một tương lai tươi sáng. Gần 15 năm sau, xem lại cuốn sổ tay nhỏ màu hồng thường mang theo bên người mỗi khi đi xa, tôi đọc được câu ghi chú: "F.G.Lorca, thi sĩ???" Nhưng quá bận bịu và lười biếng, tôi chẳng nhúc nhích tiến thêm một bước nào cả để giải mã 3 cái dấu hỏi nêu trên (xin quý bạn đọc xem bài viết sắp tới).

Nhưng đó là chuyện xưa. Thời kỳ ấy, du khách Nhật Bản bắt đầu xuất hiện từng đoàn, phái nam đeo máy ảnh Minolta, Pentax, Yashica v.v. lung tung chụp cảnh, ít chụp người, phái nữ đi sau trầm trồ khen ngợi; khác nhiều so với thời nay, đi đâu cũng thấy phụ nữ Trung Quốc? dùng điện thoại thông minh, chu môi, xòe 2 ngón tay, xoạt chân, chụp selfie/tự sướng. Chuyến đi TBN lần này - chúng tôi mua tour du lịch trọn gói của một công ty người gốc Việt - có khá nhiều lợi điểm hơn so với 40 năm trước. Thứ nhất: bản thân tôi có điều kiện chuẩn bị một số hiểu biết cần thiết tối thiểu? Thứ hai: máy ảnh thời nay tha hồ chụp chụp, quay quay, về nhà xem không cần thì xóa, khỏi xót xa sợ tốn tiền mua phim rửa phim như trước. Thứ ba: hướng dẫn viên du lịch không chỉ đủ kiến thức sâu rộng, mà còn ăn nói tiếng Việt dí dỏm, mạch lạc, đâu vào đó. Thứ tư: đi du lịch chung với bạn bè, người gốc Việt khác, trước lạ sau quen, lợi nhiều hơn hại, hàn huyên vui vẻ, dễ giúp đỡ nhau đủ mọi điều.

Chuyến du hành khởi đi đúng ngày lành tháng tốt vào cuối tháng 9, kéo dài 2 tuần sang đầu tháng 10, riêng lộ trình tại Tây Ban Nha bao gồm: Barcelona – Zaragoza – Fuendetodos & Cariñena – Madrid – Toledo – Córdoba – Granada – Sevilla. Mỗi khách sạn thường chỉ ngủ tối đa 2 đêm nên chúng tôi kháo nhau, chúng ta là gánh cải lương đi lưu diễn thập loại chúng sinh: thầy đờn, thầy tuồng, đào thương, đào lẳng, kép mùi, kép độc v.v. Thời tiết quá lý tưởng, không một trận mưa, ban ngày mát mẻ, ban đêm ấm áp, ai sung sức suốt 24 tiếng lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm cũng chẳng sao. Người bản xứ đại đa số rất hiếu khách, vồn vã, tay bắt mặt mừng. Tuy nhiên cẩn tắc vô áy náy, chúng ta nên cẩn thận giấy tờ tùy thân, tiền bạc. Con sâu làm rầu nồi canh, ở đâu cũng có bọn cà chớn cà cháo tìm cách lợi dụng sơ hở của khách du lịch.

Chuyện ẩm thực trên nguyên tắc khỏi phải lo, ăn sáng buffet tại khách sạn, cơm trưa cơm tối hoặc do văn phòng du lịch đài thọ, hoặc tự biên tự diễn. Thức ăn TBN tương đối hợp khẩu vị người Việt, không gây khó khăn đường tiêu hóa? nên ít phải nhận viện trợ từ công ty mì gói. Món thập cẩm Paella thì chắc chúng ta đa số ai cũng đã nếm qua. Cơm nghệ vàng chiên (ảnh hưởng văn hóa người Moor Hồi giáo, họ trồng được lúa gạo ở miền Nam TBN từ thế kỷ X), trộn hải sản vừa thơm ngon vừa chắc bụng. Hợp tiêu chuẩn "ngon rẻ lẹ bổ" thì đã có Tortilla, trứng omelette theo sắc thái bản địa được bán khắp mọi hang cùng ngõ hẻm. Tapas là món khai vị đa dạng, quốc hồn quốc túy, bao giờ cũng xuất hiện trên bàn ăn. Có điều người TBN, cũng giống người Việt Nam ta, ăn uống theo giờ giấc cao su: 2 giờ mới ăn trưa, 10 gìờ đêm mới ăn tối là chuyện thường tình. Khách lữ hành di chuyển giữa và trong các thành phố chủ yếu dùng xe bus, các đoạn đường ngắn thì dùng xe "lô ca chân" cho dãn gân cốt.


Tiệm ăn quảng cáo cho món quốc hồn quốc túy Tapas

Đại khái chuyến đi là như vậy. Nhưng nội dung chính bài viết này (phần I) nhấn mạnh đến dư âm sau chuyến du lịch, và chủ yếu tập trung quanh Granada thuộc Andalucía miền cực nam TBN, nơi mang đậm dấu ấn nền văn hóa Hồi giáo. Viếng thăm thành phố Granada bao lâu thì đủ? Tùy quỹ thời gian, nhưng theo thiển ý, cần ít nhất 2 ngày. 1 ngày dành riêng cho cổ thành Alhambra (sẽ bàn trong các bài viết sắp tới), 1 ngày dành riêng cho Granada.

Đất nước TBN với diện tích đất đai, chu vi biên giới cụ thể như hiện nay - cũng giống Việt Nam ta và nhiều quốc gia khác trên thế giới - thật ra mới tồn tại chừng vài trăm năm. Vào thế kỷ XV, thực thể TBN chưa xuất hiện, vùng đất này bao gồm nhiều vương quốc tương đối độc lập, phe Công giáo: Castile, Navarre, Aragon, Majorca, phe Hồi giáo: Granada. Hiện nay lãnh thổ TBN rộng trên 500K cây số vuông, dân số chỉ gần 47 triệu, so với Việt Nam 330K cây số vuông, mà dân số gấp đôi, áp mức 100 triệu. Đế chế La Mã, rồi các tiểu vương quốc bộ tộc gốc Đức cổ như Vandals, Visigoths v.v. cai trị phần đất này cho đến đầu thế kỷ VIII. Năm 711 đạo quân người Moor (Berber/du mục Bắc Phi, Hồi giáo Ả rập) với các cuộc tiến công thần tốc, vượt eo biển Gibraltar, như vết dầu loang xâm chiếm miền Nam bán đảo Iberia từ tay chủng tộc người Visigoths, ngoại trừ phần đất đai phía cực Bắc còn thuộc những vương quốc theo Ki-tô giáo.

Trong khi "đêm dài Trung cổ?" phủ bóng Châu Âu, gần 8 thế kỷ dưới quyền kiểm soát của Hồi giáo, văn hóa, nghệ thuật, âm nhạc, thương mại, khoa học, y học vùng đất này đạt được những bước phát triển rực rỡ, mà Granada là một minh chứng. Ở đây 3 tôn giáo Do Thái, Thiên Chúa và Hồi giáo, sống chung "tương đối" hòa đồng. Dĩ nhiên chúng ta không nên so sánh điều kiện sống thời Trung cổ với tự do tín ngưỡng hiện đại. Tín đồ Do Thái, Ki-Tô, nếu chịu đóng thuế thân, không bị đàn áp ngặt nghèo. Ngược lại sau thời kỳ Reconquista, người Do Thái, người Moor bị đối xử tàn tệ. Nhưng đó sẽ là đề tài trong các bài viết sắp tới.

Tranh chấp nội bộ giữa nhiều phe phái chính trị Hồi giáo, khiến các thế lực này ngày càng suy yếu, đồng thời tạo điều kiện cho các vương quốc Ki-Tô giáo dần dần lật ngược thế cờ. 1492 được xem là năm bản lề, khi đoàn quân Reconquista/tái chinh phục/tái chiếm dưới sự lãnh đạo của Vua Ferdinand và Hoàng Hậu Isabella, tiến vào Granada, thành trì cuối cùng của lực lượng Hồi giáo ở Âu châu. Chiến thắng Granada là niềm vinh dự chung cho lực lượng Công giáo. Từ đây Âu châu sạch bóng Hồi giáo. Ngay cả tại Anh, vương triều chẳng thân thiện gì với TBN, khi nghe tin, người ta hát thánh thi "Te Deum" (Lạy Thiên Chúa, chúng con xin ca ngợi hát mừng, tuyên xưng Ngài là Ðức Chúa).

Granada không chỉ trưởng thành theo dòng lịch sử, đứa bé sơ sinh ngày nào còn lớn dần lên nhờ bầu vú huyền thoại. Với truyền thuyết mang hơi hướm Do Thái giáo hay Ki-Tô giáo, Grana một cô con gái đáng yêu của gia đình ông bà Noah, thoát cơn đại hồng thủy, trôi dạt đến vùng này tìm kế sinh nhai, giúp dân lành trồng trọt, từ đó vùng đất mới có tên là Granada. Tuy nhiên Kinh Thánh/Sáng Thế Ký đoạn (7:13): "Lại cũng trong một ngày đó, Nô-ê với vợ, ba con trai: Sem, Cham và Gia-phết, cùng ba dâu mình đồng vào tàu." mô tả cảnh gia đình ông bà Noah lên tàu chạy nước lụt bao gồm 8 người, chỉ có 3 nàng dâu, không nhắc đến bất kỳ cô con gái ruột nào cả. Chắc ông bà Nô-ê mặc dù đã trên 500 tuổi (theo Sáng Thế Ký đoạn (5:32)) sau khi thoát cơn lụt lội, lại tiếp tục sinh thêm mấy cô con gái? Huyền thoại mang phong cách văn minh Hy La thì khẳng định, vùng đất này được khai hoang bởi nàng Granata, ái nữ của Hercules. Cái đặc biệt ở đây: vai trò tiên phong và quyết định của phụ nữ. Sử gia thì lập luận rằng cộng đồng người Do Thái, hay các chủng tộc người bản địa cổ đã định cư trên phần đất này ít nhất 2500 năm. Đơn giản hơn, nhìn vào Huy hiệu thành phố/coat of arms ta thấy hình quả lựu, mọc nhiều trên phần đất này, tiếng TBN là granada. Cũng có thể Granada thoát thai từ Karnattah, tiếng của người Moor xưa, nghĩa là "ngọn đồi của những kẻ xa lạ". Tuỳ bạn đọc tin vào Sáng Thế Ký, truyền thuyết dân gian TBN, hay vết tích khảo cổ, lịch sử; muốn tận hưởng không khi "Nghìn lẻ một đêm", cứ đến Granada là đủ, khỏi cần bay sang tận xứ Ba Tư.

Nếu có điều kiện chúng ta nên ghé Granada vào dịp lễ truyền thống từ thế kỷ XVII Fiesta de las Cruces/Lễ Hội Thánh Gía, diễn ra ngày 3 tháng 5. Thành phố trải rộng trên 3 sườn đồi, bỗng trở nên lộng lẫy xa hoa, với vô số thánh giá kết bằng hoa cẩm chướng đỏ rực dựng khắp nơi. Dưới chân thánh gía trưng bày tiểu phẩm mỹ nghệ, đồ gốm, đồng v.v. Nam phụ lão ấu thi đua đóng bộ. Dạo phố lượn lờ hay đang cầm chừng làm việc, phụ nữ hoa cài mái tóc, súng sính trong bộ cánh Flamenco rực rỡ nhưng ui chao ơi quá diễm kiều! Lâu lâu nghe thiên hạ la ó hò reo mới biết có đoàn kỵ mã, mũ mãng chỉnh tề, áo trắng quần đen đang thả cương cho ngựa lóc cóc băng ngang thành phố.
 

Cửa vào một căn nhà kín cổng cao tường ở Granada, khác hẳn kiểu nhà Carmen.
Căn nhà hoa kiểu Carmen.

Một góc phố cổ Albaicín

Dạo quanh Granada, đặc biệt khu phố cổ Albaicín, được UNESCO xếp vào danh sách di sản văn hoá thế giới, tâm hồn khách lữ hành lắng đọng khi băng ngang các ngôi nhà xây cất theo phong cách Carmen truyền thống. Nhà trên lưng chừng đồi, mái ngói thâm nâu, tường cao màu đá vôi trắng, như muốn che chắn mọi cặp mắt tò mò xoi mói nhìn vào vườn tược riêng tư. Có nguồn gốc từ tiếng Ả rập, Carmen nghĩa nguyên thủy là chùm, nhánh nho leo. Vì thế hoa leo đủ màu: tím vàng cam đỏ, thuộc chi Bougainvillea/hoa giấy thường bám đầy, phủ kín tường phía trong phía ngoài căn nhà kiểu Carmen. Dĩ nhiên cây lựu - biểu tượng Granada - cũng không được thiếu, đến mùa sai trái, cùng chanh, cam, lê, mơ, táo v.v. tỏa mùi thơm ngút ngàn. Đó là chưa kể nhiều căn nhà có hồ nước với các vòi phun diễm lệ, khi cần thiết được biến thành hồ bơi riêng. Tuy nhiên Carmen không chỉ quanh quẩn với nội dung kiến trúc, thảo mộc; Carmen là một phong cách sống hòa hợp với thiên nhiên, con người, thông qua mảnh vườn, xuất hiện từ vài trăm năm trước, vẫn còn tồn tại đến ngày nay.
 

Toàn khu phố cổ Albaicín, nhìn từ thành Alcazaba/Alhambra.
Một góc thành Alcazaba nhìn từ Albaicín

Đứng từ lâu đài Alcazaba, quần thể Alhambra, phóng tầm mắt nhìn xuống Albaicín, chẳng khác gì đang mơ thấy thiên đường hạ giới. Ngược lại, từ những căn nhà Carmen trong khu Albaicín, ngó lên Alhambra, khi hoàng hôn buông xuống, trước mắt là bồng lai tiên cảnh. Có thể vì vậy, khắp phố cổ Albaicín, nhiều quán rượu, tiệm ăn, khách sạn tự gán cho mình thêm cái mác Carmen, thí dụ: Carmen de Aben Humeya, Carmen del Cobertizo v.v. Khách khứa vào đây ăn uống, nhậu nhẹt, ngủ nghê, cứ tưởng mình đang theo gót Lưu Nguyễn nhập Thiên Thai. Tuy nhập Thiên Thai nhưng nên cẩn thận: lạc trong đám đông dễ bị móc túi khi tối trời, và bước chân âm thầm cũng "đạp mìn" dễ như chơi.

Cư dân phố cổ Albaicín đa số là hậu duệ người Moor còn bám trụ sau khi lực lượng Công giáo chiếm Granada năm 1492. Một số ngay từ đầu bỏ xứ quay về Phi châu. Với thời gian, những ai ở lại, bị ép buộc phải bỏ đạo Hồi, theo đạo Ki-Tô. Tín đồ Do Thái giáo trước đó cũng chung số phận. Tuy nhiên sau nhiều cuộc tranh chấp khốc liệt, khá nhiều người Công giáo gốc Moor lại bị đàn áp, thậm chí đuổi khỏi Granada. Trong giai đoạn lịch sử đen tối này, Toà Án Dị Giáo TBN đóng một vai trò khá quyết định. Nửa thiên niên kỷ sau, bao nhiêu nước chảy qua cầu, may mắn thay những vết nhơ nói trên đã chìm sâu trong quá khứ.

Puerta de las Granadas/Gate of the Pomegranates
Một điểm đến tuy không hoành tráng, nhưng phản ánh chiều hướng lịch sử Granada là Cửa Trái Lựu "Puerta de las Granadas". Khi lực lượng Thiên Chúa giáo chiếm giữ hoàn toàn Andalucía, một số các đền thờ, di tích của người Hồi giáo dần dần hoặc bị phá hủy, hoặc được sửa sang, trùng tu lại cho đúng phong cách mới. Tại Granada ít nhất 20 địa điểm xưa là nơi thờ phượng của người Moor bị đập bỏ. Puerta de las Granadas cũng là một thí dụ điển hình, tuy không hẳn đã mang nội dung tâm linh. Dưới thời kỳ Hồi giáo, còn tồn tại chiếc cổng Bib-Albuxar, tiếng Ả rập nghĩa là "Cửa Đón Tin Mừng". Trong thời kỳ Phục Hưng, năm 1536 nó bị phá hủy, và chiếc cửa mới ra đời. Chúng ta còn thấy một phần di tích tường cánh cửa cũ ở bên phải tấm hình. Cửa tam quan mới gồm 3 lối đi, vòm giữa dành riêng cho kỵ binh, xe ngựa, 2 vòm hai bên cho khách bộ hành. Nằm trên đầu vòm là quốc huy, tượng trưng cho hòa bình, thịnh vượng, cùng 3 trái lựu biểu tượng cho Granada. Vượt cửa tam quan chúng ta sẽ băng qua một cánh rừng nhỏ để tiến vào cổ thành Alhambra.

Khải Hoàn Môn tôn vinh Đại Đế Constantine

Cửa tam quan, phải chăng cũng là kiến trúc đặc trưng chùa chiền Phật giáo tại Á châu nói chung, Việt Nam nói riêng? Thật tình hiện nay tôi không đủ khả năng, kiến thức để bàn về vấn đề nêu trên. Mong được các bậc học vấn uyên thâm chỉ giáo. Chỉ biết rằng giai đoạn hưng thịnh của Đế Chế La Mã, người ta xây cất khá nhiều khải hoàn môn theo kiến trúc tam quan để tôn vinh lãnh tụ, chiến công. Các thí dụ điển hình: Khải Hoàn Môn Constantine ở La Mã xây năm 312. Khải Hoàn Môn Trajan tại Timgad/Algeria, thế kỷ II-III. Khải Hoàn Môn Hadrian, tại Gerasa/Jordan, 129-130. Để khỏi sa đà, tôi xin được trở lại đề tài này trong các bài viết sắp tới.

2 điểm đến quan trọng khác áp sát bên nhau, mà chúng ta không thể bỏ qua là: 1/ Nhà Nguyện Hoàng Gia Granada (Capilla Real de Granada/The Royal Chapel of Granada) địa chỉ: Plaza de la Lonja, 18001 Granada; trang nhà để tham khảo (tiếng Anh): http://capillarealgranada.com/en/

2/ Nhà Thờ Chính Tòa Granada (Catedral de Granada/Granada Cathedral) địa chỉ: Calle Gran Vía de Colón, 5, 18001, Granada; trang nhà để tham khảo (tiếng TBN): https://catedraldegranada.com/
 

Nguồn: Wikipedia Granada Cathedral
https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons
/0/01/Spain_Andalusia_Granada_
BW_2015-10-25_13-20-43.jpg
Wikipedia The Royal Chapel of Granada
https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/
a/a7/Royal_Chapel_of_Granada_%28Spain
%29.jpg

Tuy tổng dân số chỉ gần 240 K nhưng Granada lại có trường đại học với 80 K sinh viên, trong đó hơn 10 K đến từ ngoại quốc. Hằng năm thành phố chào đón trên 2.5 triệu khách du lịch. Chẳng có gì lạ, cứ ra đầu ngõ là đụng tiệm ăn đặc sản, dân tộc. Tiện lợi cho khách viếng thăm là địa hình địa thế. Lấy quảng trường Plaza Nueva làm trung tâm điểm - đi lạc đường thì tìm cách quay về đây - trong chu vi đi bộ chừng 20 phút, chúng ta có thể gõ cửa mọi điểm đến quan trọng ở Granada.

Trực chỉ hướng Tây Nam, trước mắt chúng ta là Nhà Nguyện Hoàng Gia Granada (viết tắt là NNHGG), khởi công xây cất năm 1505, hoàn thành 1517, theo phong cách kiến trúc Gothic. Nữ hoàng Isabella quyết định xây lăng mộ chôn cất cho hoàng gia trong tương lai tại Granada vì các lý do: 1) Với chiến thắng năm 1492 tại mặt trận Granada, Công giáo La Mã đè bẹp Hồi giáo ở Âu châu, 2) Cuộc hôn nhân giữa bà ta thủ lĩnh vương quốc Castile với Ferdinand vương quốc Aragon, là khởi điểm cho tiến trình thống nhất toàn bộ TBN dưới ảnh hưởng Công giáo, hãnh diện sánh vai cùng các vương triều hùng mạnh khác trong thời kỳ ấy: như Bồ Đào Nha, Anh, Pháp, Áo/Habsburg v.v. 3) Cũng tại Granada năm 1492, nữ hoàng Isabella đồng ý cung cấp phương tiện cho Christopher Columbus vượt biển khơi, vô tình tìm ra Mỹ châu, với nguồn tài nguyên hầu như vô tận, tạo điều kiện cho TBN trở nên vương quốc hùng mạnh.

Về mặt kiến trúc, tuy không đồ sộ và quy mô như Nhà Thờ Chính Tòa Granada (viết tắt là NTCTG), lăng mộ hoàng gia về mặt lịch sử quan trọng hơn nhiều: vừa là lăng tẩm hoàng gia vĩ đại nhất TBN, vừa là nơi chôn cất nữ hoàng Isabella cùng vị hôn phu Ferdinand. Thật ra nữ hoàng Isabella đã băng hà trước khi NNHGG xây cất xong, nên thi thể được tạm chôn ở Alhambra, về sau này mới được cải táng, bốc về NNHGG. Lăng mộ cũng là nơi yên nghĩ cuối cùng của Philip I (con rể của Isabella, còn được gọi là "Philip bảnh trai", vì ông ta lúc sinh thời mắt xanh tóc vàng. Nhưng tôi nhìn hình vẽ chân dung ông ta thì cảm nhận ngược lại), cùng hôn thê Joanna I (con gái của Isabella, còn bị gọi là "Joanna khùng", vì bà ta mắc chứng điên loạn. Có một vài cá nhân theo "thuyết âm mưu" thì nghi ngờ bà là nạn nhân của những thế lực tranh dành quyền bính trong vương triều). Nhưng tôi xin được trở lại đề tài nói trên trong phần II.


Nguồn: La Rendición de Granada/The Surrender of Granada https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/3/31/
La_Rendici%C3%B3n_de_Granada_-_Pradilla.jpg

Rất nhiều họa phẩm được trưng bày trong NNHGG, nhưng bức tranh gây ấn tượng với bản thân tôi là tác phẩm (dù chỉ là bản sao) "La Rendición de Granada/The Surrender of Granada", được họa sĩ Francisco Pradilla Ortiz hoàn tất năm 1882. Nội dung mô tả cảnh tượng Muhammad XII, thủ lĩnh vương quốc Hồi giáo Granada đầu hàng, sau 8 tháng trời bị bao vây, phải giao chìa khóa mở cửa thành cho lực lượng Công giáo thắng trận, Ferdinand và Isabella tiến vào. Phía bên trái, ngựa và người đều một màu đen, tượng trưng cho cái ác, xấu xa, cùng đoàn tùy tùng lôi thôi, lếch thếch, như muốn co rúm lại, chỉ chiếm một phần diện tích nhỏ bức tranh. Ngược hẳn lại, từ bên phải, phe thắng trận chiếm hơn phân nửa bức tranh, hiên ngang ngẩng cao đầu, do vua Ferdinand trên con hồng mã thống lĩnh. Nếu ta vẽ 2 gạch chéo tưởng tượng: 1 từ góc trái phía trên xuống góc phải phía dưới, 1 từ góc trái phía dưới lên góc phải phía trên, giao điểm nằm ngay vị trí trung tâm: vua Ferdinand. Hoàng hậu Isabella cầm cương con bạch mã, người độc nhất đội vương miện, đi sau nhà vua chỉ vài bước. Tháp tùng đoàn quân chiến thắng còn có Hồng y giáo chủ Francisco Cisneros, và hình như cả Christopher Colombus. Xa xa ở cuối đường chân trời, cổ thành Alhambra xuất hiện mờ mờ nhân ảnh.

Tuy nhiên nội dung bức tranh có thể chứa đựng vài chi tiết không hoàn toàn đúng sự thật. 1/ Muhammad XII, thủ lĩnh vương quốc Hồi giáo Granada đã giao chìa khóa trong thành cổ Alhambra, sau đó 2 bên ký kết thỏa ước đầu hàng, chứ không phải ở ngoài trời. 2/ Họa sĩ Francisco Pradilla là người cùng quê quán với hoàng hậu Isabella, có thể vì vậy trong thâm tâm ông hâm mộ bà ta hơn vua Ferdinand, đã mượn bố cục (ánh sáng, màu, người độc nhất đội vương miện, bà và con bạch mã chiếm vị trí và diện tích khá "hào phóng") biến vị nữ hoàng nói trên thành nhân vật nổi bật nhất. Như vậy để chúng ta hiểu rằng, chớ vội cả tin vào tất cả các thông điệp được chuyển tải trong nhiều tác phẩm nghệ thuật.

Vua Carlos V năm 1521 quyết định xây thêm Catedral de Granada/NTCTG vì ông ta cảm thấy

Capilla Real de Granada/NGHGG quá nhỏ bé, không còn đáp ứng sự vĩ đại của vương triều. 3 kiến trúc sư tai to mặt lớn đương thời như Enrique Egas, Diego de Siloé, Alonso Cano, và điêu khắc gia Juan de Mena lần lượt tham gia. Kết quả sự hợp tác của 4 thiên tài, là một công trình kiến trúc độc đáo, nhưng mãi đến gần 200 năm sau (1704) mới hoàn thành. Khởi công là dự tính xây nhà thờ theo phong cách Gothic, với thời gian lại sử dụng nhiều yếu tố của thời kỳ Phục hưng, và cuối cùng phần trang trí đa số mượn hình thức nghệ thuật Baroque. NTCTG là thánh đường đầu tiên xây theo phong cách thời kỳ Phục hưng và lớn thứ 2 TBN sau thánh đường Sevilla. Nó mọc lên ép sát nách Nhà Nguyện Hoàng Gia. Một đền thờ Hồi giáo đã bị đập tan hoang để nhường chỗ, mặc dù cách đấy chừng 500 thước có đất trống.

Cửa chính (xem hình phía trên) dẫn vào giáo đường mang sắc thái "cửa tam quan" theo khuôn mẫu Khải Hoàn Môn Constantine ở La Mã. Nhìn từ bên ngoài, du khách khó mà hình dung được sự vĩ đại cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của NTCTG, vì nó chìm lẫn trong quá nhiều công trình xây cất chung quanh. Vượt cửa tam quan tiến vào, lịch sử TBN từng bước xuất hiện, qua phù điêu, pho tượng, tranh vẽ, khắc gỗ, hoa văn v.v. chờ chúng ta khám phá. Trước khi chấm dứt phần I của bài viết Tây Ban Nha du ký, quý bạn đọc cho phép tôi được nhắc đến vị thánh Gioan Tông đồ tiếng TBN là Santiago Matamoros. Ông này là thánh bổn mạng của TBN, cho nên xuất hiện hầu như khắp nơi, đặc biệt trong các nhà thờ. Nhưng đó sẽ là đề tài trong các bài viết sắp tới.

Tài liệu tham khảo:Spain/Rick Steves 2017

Khả Tri