Chim Việt Cành Nam            [ Trở Về ]          [ Trang chủ ]        [ Tác giả ]

Mười giấc chiêm bao 

Nguyên tác : Yume Juu Ya của Natsumei Soseki 
Người dịch : Quỳnh Chi

 
Thứ 1
Thứ 2
Thứ 3
Thứ 4
Thứ 5
Thứ 6
Thứ 7
Thứ 8
Thứ 9
Thứ 10

- Giấc chiêm bao thứ tám -
Tôi vừa bước qua ngưỡng cửa hiệu hớt tóc thì có ba bốn người khoác áo trắng đồng thanh cất tiếng chào "Xin mời quý khách".
 

Tôi đứng giữa hiệu nhìn quanh thì thấy đó là một căn phòng hình vuông. Cửa sổ mở ra trên hai bức tường, còn hai bức tường còn lại có treo gương. Tôi đếm được có tất cả sáu tấm gương.

Tôi đến ngồi xuống trước một tấm gương ấy. Liền thấydưới mông mềm như bông. Đó là một chiếc ghế ngồi rất êm ái. Khuôn mặt của chính mình soi trong gương trông thật đường bệ. Sau khuôn mặt của mình còn thấy có cửa sổ, rồi một bên là chấn song ngăn chỗ bàn tính tiền. Bên trong chấn song ấy không thấy có ai ngồi cả. Trong gương nhìn thấy rõ cả bán thân từ lưng trở lên, của những người qua đường.

Shotaro dắt một cô gái đi qua. Shotaro đội một chiếc mũ cói chẳng biết đã mua từ bao giờ. Cũng không biết hắn đã có bạn gái từ bao giờ. Hơi khó hiểu đấy. Cả hai đều có vẻ hiu hiu tự đắc. Tôi còn đang định nhìn cho rõ mặt cô gái, thì cô đã đi qua mất.

Người bán đậu phụ vừa thổi kèn rao hàng vừa đi qua. Người ấy áp sát chiếc kèn vào miệng, phùng mang thổi, hai má phình ra thật to như thể bị ong đốt. Vì người ấy cứ phùng má mà đi qua, khiến tôi thắc thỏm lo dùm cho họ. Cứ như thể bị ong đốt suốt đời !

Lại có cô ả đào đi tới. Mặt cô còn chưa trát phấn. Búi tóc kiểu Shimada bị trễ xuống gáy như thể không nằm yên ngay ngắn trên đầu được. Mặt cô trông còn ngái ngủ, và nhợt nhạt, đờ đẫn nhìn đến tội nghiệp. Cứ thế mà cô cúi đầu chào, miệng lẩm bẩm như thể đang nói một câu chào nào đó, nhưng mãi không thấy bóng người được cô chào hiện ra trong gương.

Bấy giờ gã đàn ông to lớn khoác áo trắng tiến đến phía sau lưng tôi, tay cầm lược và kéo, bắt đầu ngắm nghía mái tóc tôi. Tôi vuốt chòm râu thưa của mình hỏi:

-Thế nào ? Râu ria thế này mà tỉa, liệu trông có được không ?

Gã đàn ông khoác áo trắng vẫn chẳng nói chẳng rằng, dùng chiếc lược màu hổ phách mà hắn đang cầm trong tay gõ nhẹ lên đầu tôi.

-Chà ! Đầu tóc tôi thế này, liệu cắt có ra hồn gì không ?

Tôi hỏi gã áo trắng. Gã chẳng buồn đáp, mà bắt đầu bấm kéo kêu lách tách.

Tôi đưa mắt nhìn theo không bỏ sót bất cứ cái cái bóng nào lướt qua trong gương, nhưng hễ mỗi lần tiếng kéo vang lên là những sợi tóc đen lao tới đến phát khiếp, khiến tôi phải nhắm nghiền mắt lại. Thế rồi gã áo trắng bảo:

-Thầy đã xem hiệu bán cá vàng ở ngoài mặt đường cái chưa?

Tôi bảo chưa xem. Từ ấy trở đi gã áo trắng im bặt, chỉ mải miết khua kéo mà thôi. Thế rồi đột nhiên có tiếng kêu hoảng hốt thật to:

-Nguy hiểm !

Tôi mở bừng mắt ra, nhìn thấy bánh xe đạp ở phía dưới ống tay áo của gã áo trắng. Tôi vừa nhìn thấy cái càng xe của chiếc xe kéo thì đúng lúc đó gã áo trắng dùng hai tay kẹp lấy đầu tôi mà xoay sang một bên. Tôi không còn trông thấy chiếc xe đạp và chiếc càng của xe kéo nữa. Lát sau gã áo trắng vòng sang bên cạnh tôi, bắt đầu hớt tóc chỗ tai tôi. Những sợi tóc không còn bay trước mặt tôi nữa, bấy giờ tôi mới yên tâm mở mắt ra. Bây giờ bỗng nghe có tiếng rao ở gần:

-Bánh dầy hạt dẻ đây ! Bánh dầy đây ! Bánh dầy đây !

Có tiếng chầy giã nhỏ cố tình chạm vào thành cối để vừa đánh nhịp vừa giã gạo nếp. Tôi chỉ được thấy hàng bánh dầy hạt dẻ lúc còn bé, nên cũng muốn xem thử cho biết cảnh giã bánh dầy. Nhưng hàng bán bánh dầy hạt dẻ không hề hiện ra trong gương, mà chỉ nghe thấy tiếng giã bánh dầy.

Tôi cố giương mắt ra nhìn như soi vào gương. Bây giờ mới thấy phía sau chấn song ở chỗ bàn tính tiền có một người con gái đã đến ngồi ở đấy từ lúc nào. Đó là một cô gái cao lớn nước da hơi tối, lông mày kẻ đậm, tóc búi kiểu lá ngân hạnh xoay ngược. Cô khoác chiếc áo ngắn tay chần cổ sa tanh đen, ngồi chống một đầu gối trên chiếu mà đếm từng tờ giấy bạc hình như là tờ 10 yên. Người con gái với hàng mi dài rậm che trên đôi mắt, mím đôi môi mỏng dính, chăm chú nhìn xuống đếm từng tờ giấy bạc. Cô ta đếm mới nhanh làm sao. Nhưng cô đếm mãi hầu như không bao giờ ngừng số tiền giấy ấy. Số tiền giấy trên đùi cô ta độ chừng một trăm tờ, một trăm tờ giấy bạc ấy đếm đi đếm lại vẫn là một trăm.

Tôi còn đang thừ người ra, hết nhìn vào mặt người con gái đếm tiền lại nhìn sang những tờ bạc 10 yên, thì bỗng có tiếng ồm ồm của gã áo trắng bên tai:

-Nào, bây giờ đi gội đầu !

Đúng lúc sắp đứng lên, tôi quay lại nhìn chỗ bàn tính tiền. Thế nhưng sau chấn song chẳng còn thấy người con gái hay tờ bạc 10 yên nữa.

Tôi trả tiền rồi bước ra khỏi hiệu. Ở phía bên tay trái cửa ra vào của hiệu hớt tóc, có xếp năm cái chậu hình bầu dục, trong chậu có nhiều cá vàng, con thì có đốm, con thì gầy, con thì béo. Người bán ngồi sau những chậu cá. Người ấy cứ ngồi yên chống cằm nhìn đăm đăm vào những chậu cá xếp trước mặt mình, hầu như chẳng để ý đến cảnh qua lại ồn ào. Tôi đứng chôn chân nhìn người bán cá một lúc. Nhưng trong lúc tôi nhìn người bán cá, người ấy chẳng hề nhúc nhích cử động gì cả.

- Giấc chiêm bao thứ chín -
Thế sự bắt đầu có chiều xao xác, như thể chỉ chực xảy ra chuyện đao binh đến nơi. Bầy ngựa không thắng yên cương từ trong khói lửa chạy về bất kể ngày đêm, khua vó chạy lồng lên quanh các tòa dinh thự, khiến bọn giữ ngựa cũng phải bất kể ngày đêm xúm xít lại cùng nhau lo đuổi bắt. Thế nhưng trong nhà thì yên lặng như tờ.

Ở nhà có người mẹ trẻ với đứa con vừa lên ba. Cha đã đi đâu mất rồi. Cha đã đi đâu ấy lúc nửa đêm vào một tối không trăng. Từ trong nhà cha đã xỏ chân vào đôi dép rơm, đầu bịt khăn đen, rồi đi ra khỏi nhà bằng cổng sau. Trong bóng tối, ánh lửa từ chiếc lồng đèn mẹ cầm trên tay lúc ấy chiếu một vệt sáng dài hắt lên cây cổ thụ trước hàng cây trồng làm hàng rào.

Từ đó cha đi biền biệt không về. Ngày ngày mẹ hỏi đứa con lên ba "Cha đâu ?". Đứa con chẳng nói chẳng rằng. Được ít lâu sau nó mới biết trả lời rằng "Đằng kia". Mẹ hỏi "Khi nào cha về ?", đứa con cũng chỉ biết cười đáp "Đằng kia". Tức thì mẹ cũng cười theo. Thế rồi mẹ ra sức dậy con không biết bao nhiêu lần câu "Cha về bây giờ." Nhưng đứa con chỉ nhớ được mỗi chữ "Bây giờ". Đôi khi mẹ hỏi "Cha ở đâu?", nó cũng đáp "Bây giờ".

Đêm đến, tứ bề vắng lặng, mẹ buộc lại đai lưng obi, cài thanh đoản kiếm cất trong vỏ làm bằng da cá nhám vào giữa mấy vòng đai lưng, rồi địu con lên lưng bằng một sợi vải chằng làm địu, rón rén chui qua chiếc cổng nhỏ mà ra khỏi nhà. Khi nào mẹ cũng đi dép rơm. Có khi đứa con nghe tiếng dép rơm này mà ngủ thiếp đi trên lưng mẹ.

Mẹ đi về hướng tây, dọc theo những bức tường bao quanh các dinh thự nhà quyền quý, xuống hết cái dốc thoai thoải thì có một cây ngân hạnh. Đến chỗ có cây ngân hạnh này rồi rẽ phải, và ở tận cuối con đường ấy có một cái cổng đền bằng đá. Một bên đường là đồng ruộng, bên kia toàn là những bụi cỏ lá trúc, đi hết đoạn đường ấy là đến cổng đền. Chui qua cổng đền thì phải qua một khu vườn âm u toàn những cây tuyết tùng. Tiếp đó là lối đi lát đá dài khoảng 20 gian (1) tiếp nối với những bậc đá leo lên tòa điện thờ cổ .

Một dợi dây treo chuông buông lủng lẳng ở phía trên thùng phước sương bằng gỗ trải nắng mưa đã bạc mầu xám xịt. Ban ngày thấy cạnh quả chuông có treo bức hoành phi có viết chữ Đền Hachimangu (Bát Phiên Cung). Chữ Bát này có hai nét được viết kiểu cách như hai con chim bồ câu đang quay lại với nhau. Ngoài ra còn nhiều bức hoành phi khác. Phần lớn khi trong nhà có người bắn cung tên trúng được vào hồng tâm thì người ta ghi tên người đã bắn cung tên lên hồng tâm, rồi đem cúng vào đền. Thỉnh thoảng có người còn cúng cả thanh đại đao.

Mỗi khi mẹ chui qua cổng đền, trên ngọn cây tuyết tùng có tiếng cú kêu. Rồi có tiếng lẹp xẹp của đôi dép rơm mỏng dính. Tiếng dép ấy ngừng lại trước điện thờ. Trước hết là mẹ rung chuông, rồi mẹ quỳ ngay xuống, vỗ tay cho kêu lên tiếng rồi chắp tay lại khấn vái. Thường thường đến lúc ấy cú không còn kêu nữa. Thế là mẹ khấn vái hết sức thành khẩn cầu xin cho cha được bình yên vô sự. Mẹ nghĩ rằng chồng mình là võ sĩ nên đến cầu khấn ở đền Hachiman thờ thần cung tên, thì không đời nào lại không linh nghiệm, và cứ tâm tâm niệm niệm như thế.

Đứa con thường hay thức dậy khi nghe tiếng chuông này. Nhìn quanh thấy tối đen, nó bỗng khóc thét lên trên lưng mẹ. Lúc ấy mẹ vừa lâm râm khấn vái, vừa lắc lư cả người để dỗ con. Tức thì có khi con cũng nín ngay, có khi lại khóc thét lên ngằn ngặt. Dù thế nào thì mẹ cũng không dễ gì được đứng yên một chỗ.

Khấn vái hồi lâu cầu xin cho chồng được bình yên vô sự xong rồi, mẹ bèn tháo sợi dây địu con cho lỏng bớt, làm như thể sắp đặt con xuống, mà xoay đứa con từ sau lưng ra trước ngực mình, hai tay bế con mà leo các bậc đá lên đến điện thờ, rồi thế nào cũng vừa áp má mình vào má con mà bảo "Con ngoan lắm, hãy ở đây đợi mẹ một lát". Đoạn mẹ tháo sợi dây địu con ra, buộc một đầu dây vào mình con, còn đầu kia buộc vào lan can điện thờ. Sau đó mẹ leo xuống các bậc trước điện thờ để vừa chạy đi chạy lại cho đủ một trăm lượt trên lối đi lát đá dài hai chục gian (1) trước điện thờ mà vừa cầu khấn.

Đứa con bị buộc vào lan can điện thờ chỉ biết quanh quẩn trên hành lang quanh điện thờ, trong phạm vi chiều dài của sợi dây. Ấy là những lúc mẹ được thảnh thơi, nhưng hễ con cứ tỉ tê khóc mãi thì mẹ lại thắc thỏm không yên. Mẹ sẽ vừa khấn vừa chạy tới chạy lui thật nhanh, nhanh đến nỗi hơi thở cứ đứt quãng. Có khi bất đắc dĩ mẹ phải bỏ dở nửa chừng để leo lên điện thờ mà dỗ con, sau đó lại leo xuống, lại vừa chạy vừa cầu khấn trở lại cho đủ một trăm lượt..

Nhưng người chồng, mà mẹ đã khắc khoải lo âu bao đêm không ngủ và cấu khẩn cho được bình an vô sự , đã bị bọn võ sĩ lang thang không chủ soái giết chết từ lâu lắm rồi.

Trong mơ tôi đã được mẹ kể cho nghe câu chuyện buồn này.

(1) Một gian = khoảng 1,8182 m

- Giấc chiêm bao thứ mười -
Ken đến báo tin cho biết Shotaro bị đàn bà bắt đi mất, đến tối hôm thứ bảy mới thất thểu trở về, bỗng nóng sốt, phải nằm bẹp dí một chỗ.

Shotaro là một anh chàng đẹp trai nhất trong xóm, rất mực hiền lành chân chỉ hạt bột. Anh chàng chỉ có độc một cái thú là đội mũ cói, chiều chiều ra ngồi trước quán bán trái cây mà ngắm các bà các cô qua lại. Anh chàng mải mê ngắm nghía mãi không chán. Ngoài cái thú ấy ra thì chẳng thích gì cho lắm.

Khi không có mấy ai đi qua, Shotaro không ngắm người qua lại nữa, mà quay sang ngắm trái cây. Trái cây cũng có nhiều loại. Nào đào, táo, quả tì bà, rồi chuối, được xếp thật đẹp trong những chiếc giỏ bầy thành hai dẫy, để khách hàng tới mua có sẵn mà đem đi. Shotaro ngắm các giỏ này rồi khen đẹp. Lại còn nói nếu hỏi làm nghề gì thì chỉ thích mở hiệu bán trái cây. Nói thì nói thế, nhưng Shotaro lại chỉ thích đội mũ cói mà đi cà lơ phất phơ. Lại có khi thích ngắm nghía bình phẩm các loại trái cây, như quả bưởi thì khen quả này màu đẹp nhỉ. Thế nhưng, cho đến nay Shotaro chưa bao giờ chịu bỏ đồng nào ra để mua trái cây. Tất nhiên là không có chuyện ăn không trả tiền. Shotaro chỉ toàn khen về màu sắc.

Một buổi chiều nọ, có một người đàn bà bất ngờ dừng chân trước quán. Cô ta có vẻ là người quyền quý ăn mặc sang trọng. Shotaro rất thích màu áo của cô. Hơn nữa Shotaro còn hết sức ngưỡng mộ vẻ mặt của cô gái. Shotaro bèn giở chiếc mũ cói quý hóa của chàng ra mà trịnh trọng cúi chào cô. Đúng lúc ấy, cô ta trỏ chiếc giỏ xếp trái cây to nhất bảo "Cho tôi cái này". Shotaro lấy chiếc giỏ ấy đưa cho cô ta ngay tức khắc. Cô liền khẽ thử nhấc giỏ lên ngắm nghía rồi nói rằng giỏ nặng quá.

Shotaro vốn ở không chẳng làm việc gì, lại rất dễ tính, nên đã đáp "Vậy thì để tôi đem đến tận nhà cho cô", và rồi cùng người đàn bà ra khỏi hiệu bán trái cây. Sau đó chẳng thấy Shotaro trở về nữa.

Dù cho đó là Shotaro chăng nữa, có ai mà đủng đỉnh rong chơi lâu đến thế cơ chứ ! Họ hàng thân thích và bè bạn nhớn nhác bảo nhau chắc là có chuyện gì đấy rồi chứ chẳng phải chơi đâu, thì được bảy ngày sau, vào buổi tối, thấy Shotaro thất thểu quay về. Mọi người kéo đến xúm đông xúm đỏ mà hỏi "Shotaro, mày đi đâu thế ?", Shotaro trả lời rằng mình đã leo xe điện đi lên núi.

Nghe kể thì chắc là chuyến xe điện ấy của Shotaro đã đi xa lắm. Theo lời của Shotaro, họ đã xuống xe ở một chỗ đồng không mông quạnh, rộng ơi là rộng, nhìn quanh chỉ thấy cỏ mọc xanh rì. Shotaro cùng với người đàn bà bước đi trên cỏ, thì bất ngờ đã đến miệng một vực sâu trên vách đá. Bấy giờ người đàn bà bảo Shotaro hãy nhẩy xuống vực. Nhìn xuống vực, chỉ thấy vách đá lởm chởm mà chẳng thấy đáy vực đâu cả. Shotaro lại giở chiếc mũ cói ra lắc đầu từ chối hai ba lần. Người đàn bà mới bảo hắn rằng "Không có gan nhảy xuống vực thì sẽ bị lũ lợn đến liếm đấy. Có chịu được không?" Trần đời Shotaro ghét nhất là lợn với gã kể truyện tên Kumo emon, nhưng mạng mình vẫn quý hơn cả, nên Shotaro nhất quyết không nhẩy xuống vực. Đúng lúc ấy có một con lợn vừa kêu khụt khịt vừa xông tới. Shotaro không biết làm sao, đành lấy chiếc gậy làm bằng gỗ cau mà phang vào chóp mũi lợn. Lợn vừa kêu khụt khịt vừa ngã lộn đầu rơi xuống vực. Shotaro mới thở phào nhẹ nhõm được một cái, thì lại có một con lợn khác có cái mũi thật to xông tới đâm bổ vào Shotaro. Bất đắc dĩ Shotaro lại phải vung gậy lên. Con lợn ấy lại vừa kêu khụt khịt vừa ngã lăn quay, lộn đầu rơi xuống vực. Thế rồi lại có một con lợn khác hiện ra. Lúc ấy Shotaro chợt để ý đưa mắt nhìn về phía xa xa, thì thấy từ đằng xa, ở cuối cánh đồng cỏ rộng mênh mông xa tắp, có đến hàng vạn con không sao đếm xuể những lợn là lợn, của một bầy đàn xếp thành hàng thẳng tắp, nhắm vào Shotaro đang đứng trên miệng vực sâu này mà vừa kêu khụt khịt vừa phóng tới. Shotaro táng đởm kinh tâm, nhưng không còn cách nào hơn, cứ gậy gỗ cau mà phang thật cẩn thận lên chóp mũi từng con lợn đang tiến lại gần. Lạ một điều là gậy chỉ mới chạm vào mũi lợn là con nào con nấy ngã lăn quay ra và rơi tõm xuống đáy vực. Dòm xuống vực thấy bầy lợn đang rơi chúc đầu xuống thành một hàng dọc, theo nhau rơi xuống cái vực sâu hút chẳng thấy đáy ở đâu cả. Shotaro nghĩ đến số lợn mà mình đã đánh rơi xuống vực, thì cũng thấy kinh hãi về việc làm của chính mình. Thế nhưng bầy lợn cứ theo nhau mà xông tới không ngừng, như một đám mây đen có chân, mũi thì khụt khịt kêu vang không ngớt, đang hùng hục hăm hở đạp cỏ mà xông tới.

Shotaro đã cố đem hết cả dũng khí ra liên tục phang gậy vào mũi bầy lợn suốt bảy ngày sáu đêm. Nhưng rồi Shotaro cũng kiệt sức dần, cánh tay mềm nhũn như miếng thạch nấu bằng khoai kôn-nhắc, cuối cùng cũng đã bị lợn liếm, và rồi bị rơi tõm xuống vực sâu.

Ken kể chuyện của Shotaro đến đây thì bảo "Vì vậy nhìn đàn bà cho lắm vào cũng không phải là hay ho gì đâu". Tôi cũng nghĩ hắn nói đúng lắm. Thế nhưng Ken lại bảo muốn có cái mũ cói của Shotaro.

Shotaro sẽ không qua khỏi được. Và có lẽ là cái mũ cói sẽ về tay Ken.

Nguyên tác : Yume Juu Ya của Natsumei Soseki (25/7 - 5/8/1908)

Người dịch: Quỳnh Chi (30/11/2008)



[ Trang trước ]