Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]
Thư tòa soạn
(Chim Việt Vành Nam số 20 ngày 08-08-2005)
" Sau một tai nạn xe cộ ngày 24/9/00 và 9 tháng coma, Vincent Humbert, 21 tuổi, bị liệt tứ chi, mù và câm, chỉ có thể cử động ngón tay cái để truyền thông. Tháng 12/02, anh viết một lá thư cho Tổng thống Chirac, xin ông cho phép được quyền chết. Điều này bị từ chối. Ngày 24/9/03, đúng ba năm sau tai nạn, nghe lời cầu xin của anh, mẹ anh bơm vào ống dẫn dinh dưỡng dạ dầy một liều thuốc pentobarbital, nhưng anh không chết mà rơi vào tình trạng coma sâu. Hôm sau, cuốn sách anh viết được ra mắt với tựa đề " Tôi xin ông được quyền chết ", trong đó anh viết : " Chắc chắn sẽ có những người rất buồn khi được biết tôi không còn nữa. Nhưng họ lầm, tôi rất là sung sướng khi ra đi. Cái chết thật là đẹp khi được mong ước và cuối cùng tới sau bao nhiêu tháng đợi chờ ". Ngày 27/9/03, anh qua đời sau khi bác sĩ Chaussoy, cùng ê kíp điều dưỡng phòng hồi sức tại Trung tâm Nắng biển Berck, quyết định ngừng máy hô hấp và tiêm cho anh một liều chlorure de potassium. Mẹ anh và bác sĩ Chaussoy bị pháp luật truy tố về tội " dùng thuốc độc với mưu tính " và có thể bị xử án tới 5 năm tù và tù chung thân.

(...)

Vấn đề trợ tử (euthanasie) là một vấn đề nóng bỏng của thời đại vẫn được nêu lên báo chí và các phương tiện thông tin khác một cách thường xuyên. Những vụ án gần đây chung quanh cái chết của Vincent Humbert (Pháp) và Terri Schiavo (Mỹ) đã làm sôi nổi dư luận thế giới, và gây nên những phản ứng đam mê giữa hai phe ủng hộ và chống đối trợ tử, ngay cả trong giới lãnh đạo chính trị, như tổng thống G.W. Bush đã vội vã ban ra một đạo luật đặc biệt nhằm ảnh hưởng lên quyết định của Toà án Tối cao Mỹ . Và tháng tư vừa qua, Thượng Nghị viện Pháp đã thông qua một đạo luật cho phép ngừng điều trị bệnh nhân khi đã tới giai đoạn cuối đời."

Trong thời gian vừa qua, vấn đề trợ tử cũng đã được đưa ra thảo luận trên một Diễn đàn Phật giáo qua mạng lưới toàn cầu ( e-group). Cuộc trao đổi dĩ nhiên không thể đưa đến đồng thuận giữa mọi người tham luận. CVCN xin trích ra sau đây hai bài phát biểu tượng trưng cho hai hướng tư tưởng khác nhau về vấn đề này ; hai phát biểu đối lập, nhưng đều dựa lên tư tưởng nhà Phật : " Từ cái nhìn về phôi bào đến những quan điểm tái sanh, luân hồi và trợ tử theo đạo Phật " ( Lê Công Đa ) và " Đạo Phật trước vấn đề trợ tử " (Trịnh Nguyên Phước ) . Ta cũng có thể tham khảo thêm " Quan điểm Y học trong vấn đề trợ tử " của BS Phạm Hữu Trác và " Sự Sống và sự Chết trong Phật giáo " của Hòa thượng Thích Thiện Châu .

*

Vấn đề " Trợ tử " có lẽ chỉ có thể thực sự được đặt ra trong một thời đại mà văn minh kỹ thuật đã đạt được mức phát triển cực cao, với những máy móc, phương pháp điều trị tinh vi , đưa đến tình trạng khó phân định được đâu là ngưỡng cửa giữa sống và chết , khi bộ óc đã ngừng " ý thức " (?), nhưng cơ thể vẫn thoi thóp như cỏ cây. Ngày xưa, vấn đề ít được đặt ra, có lẽ vì giữ được một " người bệnh nan y " sống thêm đôi ngày đã là chuyện quá khó khăn, cần gì bàn đến đưa họ ra đi .

*

Trong bối cảnh các ý niệm về tôn giáo , triết học , đạo đức và khoa học đã quyện vào nhau như thế, để lấy một thái độ sống trong thời hiện đại, những " suy nghĩ về khoa học " hẳn khó tránh được , cũng giống như suy nghĩ " về tôn giáo ", " về đạo đức " ...

Phải chăng đây là hướng tiếp cận của tác giả Hàn Thủy trong loạt bài " Thế giới quan khoa học " ?

Ý đồ của người viết là khảo sát và trình bày sự hình thành của tinh thần khoa học hiện đại. Tại sao không chỉ nói đến tinh thần khoa học hiện đại như nó đang là, mà lại đứng trên quan điểm lịch sử mà bàn về sự hình thành của nó ? Hiển nhiên một đặc điểm của khoa học là tính phi thời gian. Cái gì đúng cho ngày hôm nay thì cũng vẫn đúng ba trăm nghìn năm ( hay nói ba trăm triệu năm cũng được) trước đây : trái đất đã và vẫn tròn ; định lý Pythagore và nguyên lý Archimède đúng trước khi con người phát hiện ra chúng, và ngày nay vẫn còn hữu ích. Vậy lịch sử khoa học phải chăng chỉ có ích cho những nhà viết sử... khoa học ?
*

Lê Văn Hảo đưa ta về thăm đất nước con người , và nền văn hóa Việt Nam, qua loạt bài " Nẻo về văn hóa , văn minh Việt Nam ", với  54 dân tộc , trong đó dân tộc Kinh chỉ là một, sinh sống trên một giải đất từ Đông Bắc - Tây Bắc * Trường Sơn Bắc - Trường Sơn Nam * Tây Nguyên  tới  Thăng Long - Hà Nội  và  Bốn xứ Đông - Đoài - Nam - Bắc của đại vùng văn hóa đồng bằng Bắc bộ , Xứ Thanh - Xứ Nghệ, Huế - Thuận Hóa - Phú Xuân
" Mấy chữ "nước non ngàn dặm" làm tôi nao nức muốn ngợi ca đất nước ngàn trùng diệu vợi mà sao gần gũi tấc gang : Việt Nam ơi, tổ quốc liền một dải xuyên Việt dằng dặc Lũng Cú-Cà Mau, liền một vùng biển trời Trường Sơn-Trường Sa thăm thẳm. "
Hành trình hình thành văn hóa của dân tộc Việt cũng là hành trình hình thành của một chữ viết độc lập , của một dân tộc muốn diễn dịch qua giấy bút tiếng nói của mình, dù rằng trong lịch sử, lý do chủ quan lúc đầu của người đóng góp gầy dựng chữ viết có thể chỉ là để đáp ứng một số tính toán riêng tư, truyền Giáo hay dùng chữ viết làm phương tiện cai trị dân thuộc địa. Giáo Sư Nguyễn Phú Phong , qua tác phẩm " Việt Nam, Chữ viết, Ngôn ngữ và Xã hội " mô tả sự hình thành của chữ " nôm " và chữ " quốc ngữ " , sự cạnh tranh và những lý do đưa đến thắng thế của chữ " quốc ngữ " . Trong khi chờ đợi một bài giới thiệu kỹ lưỡng hơn về sách này , xin mời bạn xem chương 2 : " Nghiên cứu tiếng Việt trước Pháp thuộc ".

Hành trình hình thành văn hóa cũng là những chuyển biến của ngôn ngữ , với những chữ được thu tập từ tiếng nước ngoài, hội nhập vào tiếng Việt, chuyển hóa đến mức độ không còn ai biết nguồn gốc ban đầu, như tiếng " con cà con kê " , hay những tác phẩm được lưu truyền trong dân gian, không còn ai biết đích xác tác giả là ai ? đó là trường hợp tập " Gia huấn ca " mà nhiều người nghĩ là do Nguyễn Trãi soạn. Ta cùng Nguyễn Dư tìm hiểu nguồn gốc của chữ " con cà con kê " và " đi tìm tác giả Gia huấn ca " .

Văn hóa cũng là lời ru của mẹ hiền qua lời ca dao mộc mạc nên thơ. Người ta nói nhiều đến ca dao miền Bắc, Miền Trung, Hòa Đa gửi đến bạn đọc " Vài cảm nghĩ về tình tự dân tộc, Miền Nam và ca dao "

Trong Văn hóa bác học khoa cử, dù với bối cảnh " trọng nam khinh nữ " , nước ta đã có một vị nữ trạng nguyên, Nguyễn Thị Chân Quỳnh cho ta biết là bà Nguyễn Thị Du, vào thời Mạc, Trịnh . Qua Triều Nguyễn, một câu hỏi lý thú cũng có thể được đặt ra, trong khoa cử , Triều đinh đã đối xử kỳ thị giữa nho sinh miền Nam và nho sinh miền Bắc ra sao ? Vấn đề này được nêu ra nhân đề tài : " Nguyễn Đình Chiểu ra Huế chuẩn bị thi Hương hay thi Hội khoa Kỷ Dậu (1849) ? "

Nguyễn Quý Đại tìm về Ngũ Đài Sơn :

Thuở xa xưa người Chiêm Thành, thờ thần linh theo tín ngưỡng của họ, ngày nay còn lưu lại di tích qua những tượng thần bằng đá, những đền tháp và hình tượng khắc trong vách đá ở Chùa Linh Ứng, trong động Huyền Không. Ngũ Hành Sơn bao gồm 5 ngọn Kim Sơn, Mộc Sơn, Thuỷ Sơn, Hoả Sơn, Thổ Sơn.,
Với Nguyễn Đắc Xuân mỗi mảnh đất của quê hương, với bề ngoài bình thường phẳng lặng như Chùa Ba Đồn ở Huế, có thể đã từng là bối cảnh của những biến cố trọng đại trong lịch sử giữ nước dựng nước :
Dọc theo đường Tam Thai về phía Đài Liệt sĩ và Nghĩa trang Thành phố, cách phía đông đàn Nam Giao chừng 200 m, có ba bãi cỏ chỉ xanh rờn bằng phẳng giống như ba cái sân bóng. Ở giữa nổi lên một ngôi chùa nhỏ mang tên Ba Đồn và nhiều lăng mộ của bá tánh (trăm họ) chen vào giữa các bãi cỏ rộng. Hàng chục thập niên qua, không biết bao nhiêu người lui tới thăm Đài Liệt sĩ, thăm mồ mã, đi viếng cảnh phía sau núi Bân, nhưng ít người để ý tìm hiểu gốc tích chùa Ba Đồn, tìm hiểu vì sao ba bãi cỏ chỉ xanh rờn ấy là vườn tược nhà ai mà không thấy có nhà cửa mồ mã hay bất cứ một loại cây bụi gì mọc lên trên ấy (?)
*

Vườn thơ Chim Việt , lần này đón tiếp một nhà thơ trẻ , chị Xích Long :

Hồn Việt  -  Đợi chờ  -  La Meije  -  Ba mươi năm đợi mãi một lời yêu  -  Mùa thương nhớ  -  Thiên thần buồn

Mới bạn tiếp tục thả bước qua các giòng thơ

. Quỳnh Chi : Tình cát - Sau mưa

. Thu Nguyệt : Đà Lạt khô - Thời gian nơi xa - Dấu chân ba - Trái bằng lăng

. Trần Thế Phong : Nguyệt cầm

. Vũ Quyên : Qua cầu Golden Gate - Tình nhớ - Hoa sứ ơi

. Vũ Tiến Lập : Mê ảnh - Ốc đảo - Ý thu

*

Mời bạn dạo bước qua vườn văn - ký , mở đầu bằng truyện dịch của DTTM : Ảo thuật ( Akutagawa Ryunosuke )
Tôi đắc thắng hô to, tay chìa lá bài vừa rút ra trước mặt đối thủ mặt mày đang xanh mét. Tức thì lạ lùng thay, ông già trong lá bài như thể có hồn, ngửng cái đầu có đội vưong miện lên, thoắt một cái đã từ trong lá bài bước ra, tay vẫn cầm gươm nghiêm chỉnh như trong hình, nhếch mép mỉm cười đến rợn người
Đinh văn Phước giới thiệu Yokomitsu Rìchi (1898-1947) nhà văn Nhật Bản thuộc trường phái Tân Cảm Giác qua truyện ngắn: Mùa xuân đi xe thổ mộ
Người vợ đón lấy bó hoa từ tay chồng, ôm bó hoa sát vào ngực rồi áp khuôn mặt xanh xao vào bó hoa tươi sáng
. Nguyễn Nam Trân giới thiệu hai tác phẩm hai nhà văn : Hẹn mùa hoa cúc - ( Ueda Akinari ) - Người cắt lau (Tanizaki Jun. ichirô )

Hẹn mùa hoa cúc - ( Ueda Akinari ) :

Tên tuổi Ueda Akinari gắn liền với văn xuôi Nhật Bản cận đại. Ảnh hưởng của ông rất sâu đậm đối với Kyokutei Bakin (1767-1848), tiểu thuyết gia số một thời Edo và những thế hệ đi sau (3). Phần ông thì chịu ảnh hưởng của các tiểu thuyết gia đời Minh như La Quán Trung , Phùng Mộng Long ... Riêng Hẹn Mùa Hoa Cúc đã mượn đề tài truyện " Phạm Cự Khanh Kê Thực Sinh Tử Giao " sưu tập trong tiểu thuyết bạch thoại Trung Quốc của họ Phùng, Cổ Kim Tiểu Thuyết, quyển thứ 16. Akinari thích viết truyện quái đản vì nó là loại văn phổ biến nhất trong quần chúng đương thời nhưng có thể một phần do bản chất thần bí của chính ông. Suốt đời, ông hay viếng đền thần chồn Inari vì tin thần đã cứu mạng lúc mình lâm bạo bệnh.
Người cắt lau (Tanizaki Jun. ichirô ) :
Nhân vật người cắt lau không phải là vai chính. Ông ta chỉ dòm trộm quá khứ qua lỗ khoá và khoác lác với đời sau. Nhưng tại sao ông ta lại đội lốt người cắt lau ? Phải chăng ông là hậu thân của người đàn ông lưu lạc trong truyện dân gian, cắt lau bán độ nhật, sau được đoàn tụ với vợ mình trong tác phẩm cổ điển Yamato Monogatari (do tác giả vô danh thu góp, ra đời khoảng thế kỷ thứ 10) ? Hay là một hình tượng dân dã cùng một loại với ông tiều, nhà sư tu trên núi, người múc nước triều làm muối ... thấy trong waka giúp cho bài thơ có một bối cảnh nhiều phong vị ? Hoặc chỉ là hồn ma trong tuồng Nô kể cho thầy tăng vân du sự tích trong vùng thầy ta đang đi qua? Người cắt lau đó cũng có thể là Tanizaki-lữ-khách, tưởng gặp một hồn ma nhưng rốt cuộc gặp chính bóng của mình.
. Phạm Vũ Thịnh đưa đến bạn đọc : Nhật ký ngày gió lớn ( Murakami Haruki)
Tôi lại thở dài. Rồi trở lại chuyện viết nhật ký. Có lẽ viết nhanh cho xong quách đi thì tốt hơn.
"Thứ Bảy, sư đoàn cơ giới của Hitler xâm nhập Ba Lan. Phi cơ oanh tạc sà xuống vòm trời Warsaw ... " Không, không phải thế. Hitler xâm nhập Ba Lan là ngày 1 tháng 9 năm 1939 chứ, có phải chuyện ngày hôm qua đâu. Mời bạn thưởng thức một sáng tác mới của Quỳnh Chi : Nắp keng 
" Mỗi khi buồn thì có cách ni hay lắm, cứ vừa ngước mắt nhìn lên vừa đi nghe.
Làm như vậy thì cho dù mắt có ngấn lệ chăng nữa , ..lệ cũng sẽ không tràn ra khỏi lòng mắt và sẽ không rơi xuống ..."

Lúc này Y đang đi trong hiệu tạp hoá, giữa những giá để các loại nước uống, rượu vang, các chai gia vị v.v.nói chung là các loại chai lọ. Không thấy ai thì thôi, hễ có khách hàng khác đi lại thì Y vội ngước mắt nhìn lên trần nhà..và giả bộ có bụi bặm chi rơi trúng mắt, đưa tay dụi dụi ..

Cũng tại vì cái nắp ..cái nắp keng ...

Tháng 7 , tháng 8 cũng là mùa Vu Lan, Báo hiếu, mùa tưởng niệm đến công ơn Cha mẹ, thầy cô dạy dỗ thủa còn thơ,
. Tâm Thanh : Nén hương nhớ mẹ
Mẹ tôi sinh trưởng ở một vùng quê nghèo trong một gia đình trung nông. Ông ngoại tôi làm hương trưởng lo việc làng. Khi mẹ lên tám thì bà ngoại tôi mất, đó là bất hạnh đầu tiên mà mẹ tôi phải hứng chịu, bởi tuy được mẹ kế thương yêu nhưng mất tình mẫu tử là mất một thứ tình thiêng liêng quý giá nhất trên đời khó có gì bù đắp được, hơn nữa lại ở tuổi ấu thơ. Là chị cả của một đàn em trai, gia đình không lấy gì làm khá giả, mẹ phải phụ giúp mẹ kế lo toan mọi công việc nhà từ sáng tinh mơ đến lúc chiều tối, nào là thái rau băm bèo nấu cám cho lợn, nào là dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ, chăm sóc các em...khi mẹ kế ra đồng cày cấy. Mẹ chịu thiệt thòi nhiều để các cậu của tôi được học hành tử tế.
. Dương Hà : Phấn trắng bảng đen và lòng biết ơn
...tôi muốn cám ơn ba mẹ sinh thành dưỡng nuôi, cám ơn các cô thầy dạy dỗ bảo ban, cám ơn quê cha đất mẹ cho tôi những tình tự văn hóa Việt Nam và cũng như cám ơn phấn trắng bảng đen cho tôi những dòng cảm nghĩ trong bài viết này.
. Vương Thư Sinh nói về : Quan niệm bổ trong Đông y

Mời bạn ghé thăm tác già Đỗ Đức Thu (1909-1979) trong mục các tác giả tiền chiến, và đón chờ các bài khác, các tranh ảnh khác , sẽ từ từ được đưa lên CVCN trong những ngày tháng tới ...

***
Những bài mới :
. Trịnh Xuân Thuận     :  Science et Bouddhisme : A la croisée des chemins
. Trịnh Nguyên Phước :   Đạo Phật và Khoa học
. Phan Tấn Hùng         :  Gặp gỡ giữa khoa học và Phật giáo
***
Chim Việt Cành Nam (*)
-------------------
(*)1 - Chim Việt Cành Nam, lấy từ chuyện Chim Trĩ , do vua Việt ở phương Nam tân cống cho vua nhà Chu (Chu Thành Vương). Chim chọn cành phía Nam để làm ổ . "Việt điểu sào nam chi" (Sào là làm tổ chim)  , ý nói nhớ quê hương phía Nam. 
2 - Ngựa Hồ hí gió Bấc , là chuyện ngựa của rợ Hồ (Mông Cổ) dâng cho vua Hán Vũ Đế , khi gió Bấc thổi, thì hí lên "Hồ mã tê bắc phong", ý nói nhớ quê, phương bắc.

Trở Về  ]