Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]
Thư tòa soạn
(Chim Việt Vành Nam số 16 ngày 18-5-2004)
" Dã man  ! " , " Man rợ !" , thấy cảnh tàn bạo ta thường thốt lên như vậy.
Gần đây, cả thế giới xôn xao.  Trên báo chí, TV, mạng lưới internet, .... hình ảnh tù nhân irak bị lột trần truồng, buộc giây như buộc chó, đọa đày hơn thú vật, ... rồi vài ngày sau, trên các hệ thống truyền thông, lại diễn ra cảnh người " hồi giáo cực đoan" lạnh lùng chém đầu một người Mỹ ... 

Nhà nước Mỹ lúng túng trước dư luận. Nhưng đâu phải là lần đầu tiên có tình cảnh này, và chắc chắn sẽ không phải là lần cuối. Cũng như những cảnh tra tấn , đày đọa, đàn áp, giết người diệt chủng không phải chỉ xảy ra tại Irak hay Trung Đông vào thời điểm bây giờ, mà có lẽ đã, đang và sẽ xảy ra mọi nơi, mọi xứ, dù có được lôi ra ánh sánh hay bị bưng bít.

Điều đáng suy ngẫm là ta thấy mỗi ngày mỗi tan biến dần huyền thoại về sự thăng hoa của nền văn minh loài người theo đà tiến triển của khả năng kỹ thuật. 

Khi nói cảnh tàn bạo là " dã man " , " man rợ " ,  ý hẳn ta cho rằng thời xưa , lúc chưa được văn minh, khai hóa , con người thật là hung dữ. Thời nay , với nền văn minh kỹ thuật phát triển, lẽ ra con người phải hiền hậu hòa ái hơn. Nhưng tại sao nước " lạc hậu nhất " và nước " tiên tiến nhất " cũng đều tàn bạo như nhau ? Thế chiến thứ nhất, thế chiến thứ hai, phòng hơi độc giết Do thái, Pol Pot, Bosnie, Rwanda, hơi dộc, bom napalm, bom vi trùng, bom nguyên tử  ... kể sao cho hết ! Đấy là chưa nói, bên cạnh cái khủng khiếp của chiến tranh, còn những cái tàn bạo của đời sống hàng ngày.

Có người nói, khoa học càng phát triển, " hiểu biết " con người càng tăng cao, con người càng thăng hoa, càng giác ngộ chân lý, càng ... tiến bộ . Ôi , " hiểu biết " nào đây ? tiến về đâu ?

Trông lại mà xem !

***

Đầu tháng 7 - 2003, UNESCO công nhận Vườn Quốc Gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) di sản thiên nhiên thế giới. Đầu tháng 11 cùng năm, Tổ chức Văn hóa của LHQ lại ghi Nhã Nhạc Cung Đình triều Nguyễn (Huế) vào danh lục các kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Mời bạn cùng Lê Văn Hảo theo dõi tiến trình đi đến được công nhận là di sản văn hóa của Nhã Nhạc Cung Đình triều Nguyễn  , và ghé thăm Vườn Quốc Gia Phong Nha - Kẻ Bàng một Vùng đá vôi có tuổi địa chất già 400 triệu năm, với Hang Vòm dài 28 km .

Hình như ngày nay chẳng còn ai áy náy lo sợ kiêng cử húy kị vua quan gì nữa , có người lại bắt chước Tây chẳng cần lo húy kị gì ngay chính trong họ nhà mình. Ông nội tên Hùng, sinh con cũng đặt tên Hùng. Ấy, vì thương mến cụ mới lấy tên cụ ra đặt tên cho con đấy chứ . Con hư cứ réo tên Hùng ra mà chửi. Nguyễn Dư qua bài " Người đâu tên họ là chi ? " gợi lên tất cả những cái oái oăm , khúc mắc xoay quanh cái  tên người, với húy kị, tôn sùng, chép sử, luận sử, biệt danh, bí danh ... vinh quang nhờ tên, chết cũng chỉ vì tên.

" Bộ ảnh Peyrin " do Nguyễn Dư sưu tầm tăng thêm hơn 30 ảnh, bộ "Tuyển tập ảnh 2001 " của Hội Ảnh Nghệ Thuật Việt Nam tăng thêm 40 ảnh.

Trong mục thơ, xin giới thiệu Anna Quỳnh-Châu Trần ( qua bài thơ Ma mère ), Á Nghi ( Hoa Son Môi , Vẽ lụa trên trời , Thôi mà ), Ngô Tằng Giao ( chuyển ngữ bài Annabel Lee của Edgar Allan Poe),  Nguyễn Thế Tài ( Em có nghe chiều nay ) , Quỳnh Chi ( Tuyết trắng  - Xuân dạ lạc thành văn địch (Lý Bạch)  -  Một ngày thăm Kyoto  - Nara, trên đồi cỏ non Wakakusayama ),  Vũ Quyên ( Có một nơi   - Phòng khuya - Chiều trên biển sóng ), Vũ Tiến Lập ( Bóng thời gian  - Cổ tích ). 

Miêng giới thiệu truyện " Thiếu nữ với hoa tai trân châu " của Tracy Chevalier. Từ hoạ phẩm nổi tiếng của Johannes  Vermeer (1632-1675) vẽ năm 1665, Tracy Chevalier làm sống lại xã hội Hoà Lan vào thế kỷ 17 với quyển tiểu thuyết "Girl with a pearl earring", xuất bản năm 1999 và thành bestseller của New York Times. 

Truyện " Người chuyên môn cười " của Heinrich Boll  , qua bản dịch của Ngô Tằng Giao, kể lại tâm trạng của một người vì nghề nghiệp " có thể cười đủ các kiểu khác nhau, (...) nhưng không có được một nụ cười nào cho riêng cá nhân mình ". 

Bạn đã thưởng thức thơ Quỳnh Chi , xin tiếp nhận lời nhắn nhủ nhẹ nhàng qua " Truyện người onmyoji ", khi nghệ thuật bị giam hãm đóng khung làm sao có sáng tác ?

Đinh Văn Phước giới thiệu truyện "Tu tiên" của Akutagawa Ryunosuke. Người tưởng là khôn đã chắc gì khôn, kẻ coi là dại chắc gì là dại ? Phải chăng lòng tín thành có thể đưa người đến bến bờ không ai tưởng tượng nổi ?

Nhuận Pháp qua truyện hồi ký " Bán con vào chùa " tả lại một phong tục của xứ ta, ngày nay vẫn chưa vào quá vãng dù hình thức có thể có thay đổi. Cha mẹ, vì sợ con bị ma quỷ ám hại, đem bán vào chùa để giải nạn cho con.

Qua truyện ngắn "Màu áo nâu sồng" của Võ Hồng, ta trân trọng rón rén đi vào thế giới " gà trống tần tảo nuôi con " của một thầy giáo nghèo xứ Nha Trang.

Bs Nguyễn Lưu Viên, " Ông già kể chuyện ngày xưa ", tiếp tục nhắc lại "Vài kỷ niệm của một cựu sinh viên trường thuốc Hà Nội "

Nhân lần giỗ  thứ 78 của nhà cách mạng tỉnh Quảng Nam, Nguyễn Quý Đại hồi tưởng lại  "Phan Chu Trinh và cuộc đời cách mạng ".

Mời bạn tìm hiểu việc cưới hỏi của các công chúa triều Nguyễn qua bài " Tấm vải bọc điều " của Nguyễn Văn Lục.

Nguyễn tường Bách tiếp tục theo bước chân Phật, rời " Trung Quốc, Xứ sở của Bố Tát " , để bước vào Xứ Tây Tạng huyền bí.

Xin trân trọng giới thiệu tác phẩm "Sóng Từ Trường" của Thụy Khuê : " Ðây là những bài viết đánh dấu những gặp gỡ của một cá nhân với một tác phẩm. "Tác phẩm" có thể là một bức tranh, một bài hát, một truyện ngắn, một cuốn phim, một truyện dài, một bài thơ... mà cũng có thể là một người. Những gặp gỡ ấy dàn trải và mở rộng trong không gian và thời gian, không phân biệt giới tuyến trong, ngoài, không phân cách kẻ trước, người sau, và cũng không phân chia địa hạt và hình thức biểu lộ nghệ thuật. Chúng ghi lại những xúc động, những cảm nhận, những suy tư... của một người trong khoảnh khắc ngắn ngủi hay lâu dài "sống chung" với một "tác phẩm". (Tựa, Sóng Từ Trường, Thụy Khuê). 

Hòa Thượng Thích Chơn Thiện, Giám Đốc Học Viện Phật Giáo tại Huế, tiếp tục "Bàn Về Tư Tưởng Phật Học trong Tiểu Thuyết Võ Hiệp Kim Dung ". Sau " Hiệp Khách Hành " , trong số này Hòa Thượng Chơn Thiện bàn tới bộ "Thiên Long Bát Bộ " ( hay  " Lục Mạch Thàn Kiếm "). Ngay tựa đề "Thiên Long Bát Bộ " tự nó cũng đã phát xuất từ kinh điển nhà Phật rồi.

Lê Văn Hảo tìm về nghệ thuật và tín ngưỡng của người dân Việt thời Hùng Vương dựng nước.

Và sau cùng, Trận chiến "Thơ cũ - Thơ mới " đã đến hồi kết thúc. Giáo sư Thanh Lãng kết luận : " Cuộc tranh luận thơ mới thơ cũ như vậy là đã đi hẳn vào lịch sử. Qua cuộc tranh luận kéo dài có hằng mười năm, chẳng những làng thơ mới hăng say thảo luận mà ngay đến làng thơ cũ cũng bỏ cái thói quen dè dặt, thẳng thắn bày tỏ và bênh vực lập trường. Chẳng những thi ca mà cả nền văn học Việt Nam, nhờ vậy, đã tiến rất mạnh mẽ " 

Chưa hết đâu, đôi khi sẽ có thêm sáng tác mới được đưa thêm vào . Bên cạnh những bài này , có  chữ " mới " soay tròn báo hiệu.

Chim Việt Cành Nam (*)
-------------------
(*)1 - Chim Việt Cành Nam, lấy từ chuyện Chim Trĩ , do vua Việt ở phương Nam tân cống cho vua nhà Chu (Chu Thành Vương). Chim chọn cành phía Nam để làm ổ . "Việt điểu sào nam chi" (Sào là làm tổ chim)  , ý nói nhớ quê hương phía Nam. 
2 - Ngựa Hồ hí gió Bấc , là chuyện ngựa của rợ Hồ (Mông Cổ) dâng cho vua Hán Vũ Đế , khi gió Bấc thổi, thì hí lên "Hồ mã tê bắc phong", ý nói nhớ quê, phương bắc.

Trở Về  ]

.