Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]
Thư tòa soạn
Sau trận nóng khắc nghiệt trong mùa hè 2003 vừa qua, tại Pháp, 15000 người già đã qua đời vì thiếu người săn sóc trông nom, hàng 100 người chết không họ hàng thân thích nhận xác, tại Ý, con số có ít hơn nhưng cũng lên đến 8000 người.

Cả nước Pháp xôn xao. Dân biểu đổ lỗi cho chính phủ, chính phủ đổ lỗi cho bác sĩ, bác sĩ đổ lỗi cho ... nhưng tất cả mọi người bỗng ý thức rằng "thân phận già " trong xã hội ngày nay quả thực là cô đơn, mong manh. Nhưng chỉ ý thức vậy thôi, hay đúng hơn chỉ "tuyên bố ý thức" vậy thôi, phải tuyên bố vì dù sao " lá phiếu già" cũng còn là "lá phiếu". Ngọn gió mạnh xì-căng-đan thổi tới, hàng lau "ý thức" cong rạp xuống lào xào rên xiết, để rồi sau đó vươn dậy như chẳng có gì xảy ra. Tại Pháp, tại Đức, các đạo luật mới lại nối tiếp nhau ra đời, đẩy lùi tuổi hưu trí, giảm lương hưu trí và các hãng xưởng tiếp tục lăm le cho về vườn những ai có tội dám bước qua ngưỡng cửa 50 !

Trong các xã hội "man rợ " nghèo đói thời tiền sử, người già không chạy theo kịp bộ lạc bị bỏ rơi lại sau cho chết. Hình như cũng có nơi cho người già leo lên cây rồi mọi người xúm lại rung cây. Người nào bám chặt được thân cây, không rụng xuống mới được sống. Người nào hết sức ... thì ô hô !

Trong xã hội tiêu thụ giàu có ngày nay có lẽ hình thức có thay đổi, nhưng con người vẫn là con người, còn sức bám thì sống !

Buồn quá bạn nhỉ ! Thôi, để giải sầu mời bạn vào vườn Chim Việt chơi, có chút hồi tưởng , có chút vấn vương, có đau khổ, nhưng cũng có cái vui, có cảnh đẹp.

Đời là khổ, nhưng ta cứ tìm cái vui trong cái khổ .

Cửa vườn Chim Việt 14 đã rộng mở.

Lê Văn Hảo dẫn đầu đón chào bạn với một bài điểm sách : Đồng Khánh Địa Dư Chí, một tập đại thành địa lý học Việt Nam cuối Thế Kỷ XIX . Đây là công trình lớn cuối cùng của Quốc sử quán hoàn thành vào đời Đồng Khánh (1886 - 1887) đã được Đông dương Thư khố (Toyo Bunko) của Nhật Bản xuất bản ở Tokyo vào tháng 7 - 1945 dưới nhan đề Đồng Khánh ngự lãm địa dư chí đồ. Ngày nay, năm 2003, công trình này được dịch ra và xuất bản với tựa đề Đồng Khánh Địa Dư Chí , 3 tập, gồm bản nguyên văn chữ Hán - Nôm và các bản dịch Việt, Anh, Pháp, 2500 trang, khổ 32 X 25 cm và hơn 300 bản đồ.

Cùng một tác giả, bạn có thể xem tác phẩm " Hùng Vương dựng nước ". Lần này không có thêm chương mới, nhưng các chương cũ có tăng thêm hình ảnh, và Chim Việt đang chuẩn bị đưa thêm một số trang hoàn toàn gồm hình ảnh về trống đồng, thạp cổ, ... Xin kiên nhẫn chờ vài tuần nữa.

Mời bạn cùng Nguyễn Dư lần theo bước thăng trầm của lịch sử cái răng cái tóc dân ta, " Cái răng cái tóc, một góc con người " , khi phải đấu tranh để được cạo trọc như thời Trần, khi phải trỗi dậy để giữ tóc dài, răng đen như lời tuyên bố của Nguyễn Huệ:

Đánh cho để dài tóc
Đánh cho để đen răng
Đánh cho nó chích luân bất phản
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn
Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ
(Lịch sử Việt Nam, sđd, tr. 353)

Tủi hổ thay Lê Chiêu Thống đã phải gọt tóc , kết sam theo người Thanh.

Sơn Nam qua bài " Thực chất và biến dạng của các món ăn Nam bộ  ", tả lại truyền thống ăn uống của người dân miền Nam. Ông bà tổ tiên ta, ngày xưa rời đất Bắc vào Nam khẩn hoang, đem theo phong tục cổ truyền, nhưng cũng đã phải hòa mình thích hợp với vùng đất đồng lầy của rùa rắn dơi chuột.

Phí Văn Chung đưa ta ngược lên thăm núi đồi miền Bắc, cùng các sắc dân, qua tập ảnh vùng Chapa .

Bộ ảnh của Hội Ảnh Nghệ Thuật Việt Nam , Tuyển tập ảnh 2001  , giàu thêm hơn 30 tác phẩm,  Bộ Ảnh Peyrin :VN 1920-1930  của Nguyễn Dư tăng thêm 25 ảnh.

Ta bước vào vườn thơ. Xa quê, nhớ quê, làm sao tìm lại được những bóng hình vương vấn ? Bám vào hình ảnh trên " mạng lưới trời " ? bám vào dư ảnh của giấc mơ ? hay đuổi theo âm vọng của ký ức ? Xin mời đọc Vũ Quyên : Hà Nội ơi Có phải em về giữa chiêm bao , Nguyễn Thế Tài : 11 chữ, ảnh hình xưa / có phải em về , Nguyễn Hồi Thủ : Những vì sao trong giòng Ngân Hà , Tân Văn : Vu Lan . Ngô Tằng Giao dịch thơ của  Francis Carco : Vĩnh biệt  Pierre Ronsard : Khi nàng tuổi hạc

Nhân Mùa Hội Thơ  do Hội Val De Marne tổ chức , có mời hai nhà thơ Vi Thùy Linh và Thanh Thảo từ Việt Nam qua, Huỳnh Mạnh Tiên viết vội đôi hàng.

Nguyễn Nam Trân giới thiệu tác phẩm " Nước Dòng Sông Cái  " của Akutagawa Ryunosuke. " Nước Dòng Sông Cái có nhiều chi tiết khiến người ta nghĩ nó là thiên tự truyện nhưng thật ra cái duyên dáng của đoản văn hàm chứa trong sự mơ hồ bàng bạc của những chi tiết ấy. Cái mơ hồ bàng bạc ở đây ta từng tìm được trong Tôi Đi Học của Thanh Tịnh,Phấn Thông Vàng  của Xuân Diệu hay Chơi Giữa Mùa Trăng của Hàn Mặc Tử, đọc thuở thiếu thời. "

Cái mơ hồ bàng bạc đó, ta cũng thấy trong "  Bỏ Trường Mà Đi  " của Chế Lan Viên được Trúc Huy dịch sang tiếng Pháp " École de mon âme, demain je serai séparé de toi ! ", tiếng Anh " School of my heart, tomorrow I will be separated from you ! ". Những bản dịch dựa theo nguyên bản tiếng Việt trích từ tập Vàng Sao , in năm 1942. Bản tiếng Việt chúng tôi đăng nơi đây do cô Tuyết Mai gởi tặng, Chế Lan Viên có sửa đổi và thêm ít đoạn mới. Do đó, giữa bản chữ Việt được đăng và các bản chữ Anh, Pháp có đôi chút khác biệt.

Đinh Văn Phước giới thiệu một tác phẩm khác của Akutagawa Ryunosuke, " Chiếc Xe Goòng  ", được sáng tác vào năm 1922, mô tả ký ức của một đứa bé mới lên tám.

Cũng trong không gian của ký ức , Võ Hồng với tác phẩm " Nửa chữ cũng Thầy  " nhớ lại những ngày tháng ấu thơ trên ghế nhà trường, bác sĩ Nguyễn Lưu Viên gợi lại lúc sơ thời của ngành Tây Y tại xứ ta qua bài " Vài kỷ niệm của một cựu sinh viên trường thuốc Hà Nội ".

Rời thế giới của mộng mơ, của hồi tưởng, ta gặp những kẻ khốn cùng như Lão Hạc  của Nam Cao, chịu chết để giữ vốn cho con ngày nào đó sẽ rời kiếp phu đồn điền cao xu trở về, như Nhà Mẹ Lê của Thạch Lam, người đàn bà góa bụa tần tảo tuyệt vọng nuôi đàn con thơ dại,  hay những kẻ dở sống dở chết trong các trại tù qua tác phẩm " Trong Đêm Khuya  " của Varlam Shalamov được Ngô Tằng Giao chuyển ngữ.

Cuộc sống thường nhật trong một chung cư tại xứ ta ngày nay tuần tự diễn ra qua trích đoạn " Mèo đến " của Trần Văn Tuấn.

Sang trang Văn học, cuộc tranh luận của thế hệ 1932 đã bước vào giai đoạn quyết liệt với  các bài " Vụ Án Thơ Cũ Thơ Mới   " , "  Mặt Trận Bênh Thơ Mới  "  của Giáo sư Thanh Lãng (Phê bình văn học thế hệ 1932 )

Huỳnh Ái Tông tiếp tục xem lại "Các công trình văn học quốc ngữ miền Nam "  , đi vào tiết 4 - Truyện Tàu, tiết 5 - Tiểu thuyết. 

Trên đường theo dấu chân Phật, Nguyễn Tường Bách đã rời Ấn Độ đặt chân tới Trung Quốc Xứ sở của Bồ Tát  (Mùi Hương Trầm)

Để kết thúc, mời bạn tìm gặp các tác giả quốc ngữ đầu tiên của xứ ta Trương Vĩnh Ký (1837-1898)  ,   Huỳnh Tịnh Của (1834-1907)  ,  Trương Minh Ký (1855-1900) và nữ sĩ  Nguyễn Thị Manh Manh (1914-?) một trong những phụ nữ đầu tiên đứng ra tranh đấu cho nữ quyền cũng như mở đường cho lối thơ mới.

Chưa,chưa kết thúc ! Gần giữa tháng 12, bạn Nguyễn Quý Đại bỗng đem tặng vườn Chim Việt một đóa hoa  Mùa Vọng và Giáng Sinh . Khi nhận được hoa, thường lệ để lần sau mới trưng, nhưng đang mùa Noel , bài viết về Noel mà đem cất đi chờ sang Tết thì vô duyên quá, vậy thế xin thêm ...
 

Chim Việt Cành Nam (*)
-------------------
(*)1 - Chim Việt cành Nam, lấy từ chuyện Chim Trĩ , do vua Việt ở phương Nam tân cống cho vua nhà Chu (Chu Thành Vương). Chim chọn cành phía Nam để làm ổ . "Việt điểu sào nam chi" (Sào là làm tổ chim)  , ý nói nhớ quê hương phía Nam. 
2 - Ngựa Hồ hí gió Bấc , là chuyện ngựa của rợ Hồ (Mông Cổ) dâng cho vua Hán Vũ Đế , khi gió Bấc thổi, thì hí lên "Hồ mã tê bắc phong", ý nói nhớ quê, phương bắc.

Trở Về  ]

.