Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]
Thư tòa soạn
Vườn Chim Việt 13 đây, mới bạn vào. Lần này ta bắt đầu bằng cửa thơ nhé ! 
Nguyễn Hồi Thủ Đố bạn một câu : nơi nào trên địa cầu có thể khiến lòng ta nức nở? 
Đã bao mùa mưa nắng, kể từ ngày cất bước ra đi,  Pari, Đông Kinh, Ca Li , Xít nây ... và nơi chốn nào nữa. Mỗi bước chân phiêu bạt lại cuộn thêm bao sợi giây vương vấn. Vũ Quyên, ngoảnh lại,  chợt thốt lên : "Đông kinh ơi !! sao bỗng lòng nhớ quá " . Nhưng ở bất cứ nơi nào trên địa cầu, tầm mắt người dù đôi khi có ngừng lại nơi nào đôi lát , hình như  cũng chỉ để mượn đà vượt lên tìm về một nơi duy nhất, nơi khởi đầu và cũng là nơi kết cấu của mọi tình cảm, nhớ, thương, mong, đợi. Hãy đón nhận tâm tình Vũ Quyên qua các giòng thơ " Cánh diều trong trời biếc ", " Đêm trên thuyền câu ", của Nguyễn Thế Tài với "Từ bầu trời bao la, em và quê hương ", " Trên những lối về : gió, mây, trăng, tuyết " . 
Ta rẽ ngang, tìm đọc thơ Federico Garcia Lorca (Đan Tâm dịch) : Préciosa và gió.

Bên vườn hoa anh đào có gì lạ ?
Nguyễn Nam Trân giới thiệu truyện "Con cá giếc" của nữ văn sĩ Mukôda Kuniko, mổ xẻ  một câu chuyện rất bình thường trong một gia đình trung lưu rất bình thường của xứ Nhật, nhưng hình như cũng có thể là một câu chuyện rất bình thường ở xứ ta. 
Đinh Văn Phước đưa đến ta tác phẩm "Sợi tơ nhện"  của Akutagawa Ryunosuke, diễn dịch một điểm cơ bản trong giáo lý nhà Phật : "Phật tại tâm" . Chỉ một niệm lành cũng có thể đưa một tên tướng cướp về miền Cực Lạc, chỉ một niệm ác cũng có thể đưa hắn về địa ngục; cái khó là sau khi có niệm lành, không nảy sinh thêm niệm ác. Hẳn ai cũng nhớ câu mở đầu kinh Pháp Cú "Tâm (ý) dẫn đầu các pháp, tâm làm chủ tạo tác ...".

Trở lại xứ ta, qua truyện "Trận đòn hòa giải" của Võ Hồng, có những người đã ra đi nhưng hình bóng bao giờ cũng vẫn còn phảng phất . Thật ra, hình bóng cũ , kỷ niệm cũ có lẽ chỉ tồn tại trong lòng người sẵn có thủy có chung. Trong các tác phẩm của Võ Hồng ta thường gặp nhiều nhân vật như thế. Còn ở ngoài đời ... ?!
Nam cao, với nhân vật bất hủ "Chí Phèo", nói lên nỗi thống khổ xưa nay của những kẻ bần cùng. Nhẫn nhục quá, bị ức hiếp quá, một ngày nào đó có thể trở nên liều mạng, chẳng còn biết gì đến thiện ác. Khi gặp duyên chợt tỉnh giấc thì đã quá muộn, tuyệt vọng thét lên : " Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất được những vết mảnh chai trên mặt này ? Tao không thể là người lương thiện nữa ..." .

Ði ngược trở lên, trở lên nữa... Đó, Nguyễn Dư đó, vẫn luôn luôn có mặt  với những bài khảo luận về tranh dân gian. Qua tựa đề "Bớ ... Thằng giặc Tề " những tưởng sẽ được xem tuồng cải  lương hay hát bội ; không đâu, lần này khủng khiếp lắm, bàn về chuyện ma quỷ báo ân báo oán, "Thần nanh đỏ mỏ, "Thần trùng", những kẻ yếu bóng vía xin bỏ qua đừng đọc. 
Bỏ truyện ma đi để mà nghe Băng Sơn bàn về "Cơm nắm". Những bạn trẻ thời nay chắc ít ai có dịp thưởng thức món này. Ngày nay đã có "bánh mì thịt", "bánh mì bưu điện", "bánh tây ba tê, xúc xích"... Nhưng những bạn ngoài năm mươi hẳn còn nhớ "cơm nắm muối vừng" , ở miền nam gọi là "cơm vắt" ... Thôi quên đi, đừng nghĩ tới nữa ... !!!

Ơ kìa, phía bên kia có triển lãm ảnh của Hội Ảnh Nghệ Thuật Việt Nam. Bên cạnh những ảnh đã trình làng lần trước, còn có thêm 30 ảnh mới, và một bài thơ nhắc lại kỷ niệm chụp ảnh của Kim Xuyên tại Thác Liên Khàng Đà Lạt
Bộ ảnh Peyrin có thêm 25 ảnh, bổ túc phần đời sống của người Pháp tại xứ ta vào những năm 20-30.

Qua mục luận bàn văn học , Giáo sư Thanh Lãng tiếp tục "Phê bình văn học thế hệ 1932", lần này đặc biệt nói về các trận bút chiến mà giáo sư gọi là "Những Vụ Án  Văn Học 1932", ( Vụ Án Báo Chí, Vụ Án Cũ và Mới, Vụ Án Phan Khôi-Trần Trọng Kim, Vụ Án Quốc Học ...)
Huỳnh Ái Tông kể lại tiến trình hình thành văn học quốc ngữ tại miền Nam qua bài Các công trình văn học quốc ngữ miền Nam.
Với bài "Từ  Chùa Đàn của Nguyễn Tuân đến Mê Thảo của Việt Linh" , Đặng Tiến vẽ lại nguồn ngách tình tự tác phẩm Chùa Đàn, với tất cả những oan trái uẩn khúc của nó, cũng như nêu lên cái sáng tạo và lựa chọn  của Việt Linh khi chuyển truyện từ ngôn ngữ chữ viết qua ngôn ngữ điện ảnh.
"Nguyễn Đình Thi và tiếng chim Từ Quy" nói lên tâm tình và sự nghiệp của tác giả tập Vỡ Bờ, bài hát Người Hà Nội.

Muốn biết Tổ tiên ta sinh sống như thế nào, xin đọc bài "Nếp phong tục thuần phác cổ xưa " của Lê Văn Hảo .

Thuở nhỏ chúng ta đã được học nhiều, nghe nhiều về sự tích Tháp rùa, Hồ gươm . Sự thực ra sao, mời bạn cùng Nguyễn Dư  lần mò tìm giềng mối câu chuyện Hồ Hoàn Kiếm.
Dưới khía cạnh chuyên môn hơn, Nguyễn Thành Long nói về hệ thống đường xá tại Việt Nam ( Le réseau routier vietnamien).
Và Nguyễn Tường Bách tiếp tục kể lại cuộc du hành của mình nơi Phật Quốc qua tác phẩm Mùi Hương Trầm.

Cuối cùng, Lê Văn Hảo điểm một số sách mới ra qua bài "Những thành tựu đáng khen của một nhà xuất bản địa phương"
 

Chim Việt Cành Nam (*)
-------------------
(*)1 - Chim Việt cành Nam, lấy từ chuyện Chim Trĩ , do vua Việt ở phương Nam tân cống cho vua nhà Chu (Chu Thành Vương). Chim chọn cành phía Nam để làm ổ . "Việt điểu sào nam chi" (Sào là làm tổ chim)  , ý nói nhớ quê hương phía Nam. 
2 - Ngựa Hồ hí gió Bấc , là chuyện ngựa của rợ Hồ (Mông Cổ) dâng cho vua Hán Vũ Đế , khi gió Bấc thổi, thì hí lên "Hồ mã tê bắc phong", ý nói nhớ quê, phương bắc.

Trở Về  ]