Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]            [ Trangchủ ]
ĐẠI VIỆT SỬ THI
Hồ Ðắc Duy
QUYỂN 27
ĐỒNG KHÁNH HOÀNG ĐẾ (1885- 1888)
 
Ở kinh đô , Thọ Xuân nhiếp chính
Nguyễn Hữu Độ thân tín bên tay
Sau, mời Ưng Ky lên thay
Tân vương hội kiến định ngày tấn phong (19/9/1885)
 
Hiệu Đồng Khánh, Chánh Mông hoàng tử
Là anh vua Kiến Phúc, Hàm Nghi
Thực quyền do Tướng Courcy
Toàn quyền, Khâm sứ chỉ huy xứ này
 
Viện ngân sách từ nay trong nước
Kể từ đây phụ thuộc người ta
Quỹ lương, bổng lộc phải qua
Lệnh bên Khâm sứ chi ra để dùng
 
Vua Đồng Khánh hết lòng với Pháp
Nguyễn Hữu Độ cùng các tay chân
Triều đình việc nước lần lần
Rơi vào tay lũ gian thần theo Tây
 
Về tài chánh chẳng ai biết đuợc
Vì chính quyền lệ thuộc vào Tây
Thuế thu thương chính hằng ngày
Ngân sách, kế toán trong tay tụi này
 
Trấn Bình Đài cắt đứt cho Pháp
Nấu súng đồng ra sáp đem đi
Mấy vùng đất Quảng lại chia
Làm khu nhượng địa giao về cho Tây 
 
Cờ bảo hộ tung bay khắp chốn
Treo cả nơi công cộng vui chơi
Hội hè Tây đến lả lơi
Với đầm mặc váy cả cười vui chung
 
Nền văn hóa không cùng quan điểm
Việc khắc xung đã diễn nhiều nơi
Khen chê bút chiến mấy bài
Triều đình lụn bại, đất đai mất dần
 
Còn dân chúng đa phần thán oán
Theo Cần Vương thanh toán kẻ thù
Quảng Nam Chánh Sứ Văn Dư
Lê Ninh Hà Tĩnh diệt trừ Việt gian
 
Đất Quảng Bình Cần Vương phò đế
Nguyễn Phạm Tuân thanh thế muôn phần
Văn Mao đánh phủ Thọ Xuân
Thân hào : Bình Định, Nguyễn Loan : Tam Kỳ
 
Cờ phò vua , Bắc kì nở rộ
Các cựu trào nhân đó nổi lên
Đốc Thu, Đốc Sửng : Hưng Yên
Bắc Giang : Bá Phước, Thái Nguyên xưng hùng
 
Nguyễn Thiện Thuật trấn vùng duyên hải
Miền Hải Dương biên ải một phương
Bắc Ninh Đồng Quế đường đường
Ngày đêm tập kích đối phương kinh hoàng
 
Chuyện Nam triều gian nan như thế
Dân thần kinh ở Huế gọi đùa
"Một nhà sinh được ba vua
Vua còn, vua mất, vua thua chạy dài"
 
Ở trên ngai , Hàm Nghi hoàng đế
Là một vì trẻ tuổi khôn ngoan
Đau lòng nước mất nhà tan
Tỗ quốc quằn quại vô vàn đau thương
 
Vua Hàm Nghi linh hồn kháng chiến
Người đã đi vào tận trái tim
Của muôn người Việt đang tìm
Một người lảnh đạo đứng lên diệt thù 
 
Từ Sơn Phòng chiếu thư gởi tới
Hịch Cần Vương kể tội giặc Tây
Bôn ba góc biển chân mây
Cơm không kịp bửa, áo đầy bụi pha
 
Nguyễn Định Trình trốn ra đầu thú
Pháp sai đem thơ dụ đầu hàng 
Mời Trương Quang Ngọc xuống đồn
Lập ra kế hoạch liệu đường bắt vua
 
Lúc nửa đêm khi vừa mới ngủ
Ngọc lẻn vào được chỗ ngự miên
Đâm Tôn Thất Thiệp chết liền
Bắt vua , sai lính võng khiên giải về
 
Lũ giặc Pháp hả hê ra mặt 
Điện về Tây báo bắt được vua
Giải ngài về tới kinh đô
Rồi tên Khâm sứ đưa thư trình bày
 
Vua Hàm Nghi thẳng tay từ chối
Chúng bèn cho đày ải đưa sang
Alger đất lạ ngút ngàn
Để người ở đó biệt giam bên ngoài
 
Đường lưu đày hận thù vong quốc
Trời Alger đang bước vào xuân
Đức ngài cảm thấy bâng khuâng
Ngậm ngùi vận , thần dân đang cần
 
Nhân được tin quốc vương bị bắt 
Cả toàn dân sôi sục hờn căm
Hận thù lủ quái đang tâm
Bán vua cho giặc tìm đường tiến thân
 
Paul Bert được đưa sang thay thế
Với chiêu bài dụ để dân ta
Tự mình điều khiển quốc gia
Mà nền bảo hộ chỉ là giúp cho
 
Nền văn hóa tự do trao đổi
Cùng dân Nam lập mối ân tình
Với nhau chung sống hòa bình 
Xây nền dân chủ giả hình giao thương
 
Lập Liên Bang Đông Dương thuộc Pháp
Việt, Miên, Lào hợp tác với nhau
Pháp quốc chủ thể đứng đầu
Lãnh phần đại diện bang giao nước ngoài
 
Lừa thiên hạ chiêu bài bảo hộ
Pháp ra tay tráo trở dần dần
Thu quyền Kinh Lược Đại Thần
Dùng tiền quyến rũ các quan Nam triều
 
Các sĩ phu vâng theo chiếu dụ
Phò Cần Vương đánh lũ Tây dương
Tôn Thất Đạm một tấm gương
Vị thân báo quốc danh thơm bấy giờ
 
Phan Đình Phùng quan đô Ngự Sử
Vì đưa ra chứng cứ rõ ràng
Vạch ngay thâm ý Thuyết , Tường
Mưu toan phế lập lúc bàn giao ngôi
 
Thuyết và Tường bèn sai bỏ ngục
Phan đình Phùng ngay lúc giữa triều
Trước mặt tất cả bao nhiêu
Đình thần khiếp vía , tuân theo Thuyết Tường
 
Ở Vũ Quang sau khi phóng thích (1893)
Ông mỡ đầu chiến dịch đánh Tây
Cần Vương phò tá đưa ngay
Hội quân kích tướng cho người tuyển binh
 
Việc đầu tiên bắt ngay Quang Ngọc
Chém bêu đầu ở trước nhân dân
Tế cờ trong buổi ra quân
Chiếm ngay cứ địa Hương Sơn mấy vùng
 
Ông Cao Thắng thành công chế súng
Dựa theo Tây chế đúng năm trăm
Điểu thương loại cỡ bảy lăm
Làm cho giặc Pháp kinh tâm phục thầm
Cuộc kháng chiến mười năm gian khổ
Nhưng nghĩa quân vẫn tỏ điềm nhiên
Đánh Tây thất bát đảo điên
Làm cho Bảo Hộ ngày đêm nhức đầu
 
Hoàng Cao Khải mưu sâu chước quỷ
Dùng tình xưa lấy lý khuyên can
Xin mau quy thuận thực dân
Tiền tài phú quý vinh thân suốt đời
 
Quan ngự sử trả lời son sắt
" Trước vì dân, vì nước, vì nhà
Bảo toàn thể diện quốc gia
Chí tôi đã quyết khó mà đổi thay"
 
Sống kham khổ chẳng may bệnh lỵ
Phan Đình Phùng ngã quị nửa chừng (12/1895)
Đau thay cho vị anh hùng
Một lòng yêu nước tận trung với đời
 
Kể từ ngày vua tôi bị bắt
Cho đến khi Lê Trực đầu hàng
Là lúc chủ lực Cần Vương
Bắt đầu tan rã chẳng còn như xưa
 
Giặc bèn đưa những tên phản quốc
Bọn Việt gian tàn độc theo Tây
Nguyễn Tuân, Cao Khải thẳng tay
Tha hồ sinh sát tù đày nghĩa quân
 
Sau khi diệt nghĩa quân Bãi Sậy
Giặc được đà đánh đuổi Xuân Ôn
Bùi Điền, Xuân Thưởng, Nguyễn Phương
Phạm Bành, Công Tráng bị dồn thế thua
 
Viên toàn quyền Bihourd sang thế
Chỉ mấy tháng lại để Constant
Richard nhiếp chính việc quan
Tạm thời hành xử chức năng toàn quyền
 
Bọn thực dân đã nhìn thấy trước
Cái tiềm năng của nước Việt Nam
Đất đai màu mỡ vô vàn
Rừng vàng biễn bạc công nhân dể tìm
 
Chúng dự trù với nền công nghiệp 
Sẽ khai thác liên tiếp nhiều năm
Tài nguyên , nhân lực trong dân
Sẽ là yếu tố dể dàng thành công
 
Vỉ than đá vùng Đông Bắc Bộ
Từ Hòn Gai , Trà Cổ , Quảng Ninh
Trải dài mấy tỉnh chung quanh
Đến vùng Yên Tử thành hình cánh cung
 
Hoàng Liên Sơn núi rừng trùng điệp
Có mỏ A Pa Tít - Cam Đường
Rừng chè ở miệt Suối Giàng
Vô cùng hấp dẫn , Mận vàng SaPa
 
Rừng Trường Sơn chưa qua khai phá
Vùng Cam Ranh bãi cát bạt ngàn
Quế, hồi Quảng Ngãi, Quảng Nam
Thú rừng tê giác, hổ vằn Á Châu
 
Theo miền Đông vào sâu Nam bộ
Đất bazan nhiều chỗ phì nhiêu
Khoanh vùng đất đỏ còn nhiều
Các cây công nghiệp tưới tiêu dễ trồng
 
Ở miền Tây đồng bằng bát ngát
Những cánh đồng lúa bạt chân mây
Lớn theo con nước từng ngày
Cá tôm lúc nhúc cả bầy trong bưng
 
Lũ thực dân nóng lòng muốn chiếm
Mộ dân phu đem đến khẩn hoang
Làm thêm hải cảng thông thương
Xây cầu, đắp lộ, lập đường hỏa xa
 
Cảng Hải Phòng rồi qua Đà Nẵng
Chất đầy hàng vào thẳng miền Nam
Viễn dương những chuyến lên đàng
Tài nguyên gom lấy bán sang nước ngoài
 
Tụi thực dân trổ tài bóc lột
Mộ phu rồi đẩy tuốt đi xa
Cắt dây liên lạc quê nhà
Dễ bề chế ngự dân ta vâng lời
 
Chúng đánh đập giam cầm tra khảo
Đối với người không chịu tuân theo
Tiền công rẻ mạt như bèo 
Phu phen cơ cực lắm điều gian nan
 
Ở Bắc Kỳ làm đường thiên lý
Cầu Hàm Rồng vài thép vắt ngang
Đúc cầu Bình Lợi trong Nam
Trường Tiền ở Huế đã làm mấy năm
 
Ở Bình Dương, Đồng Xoài, Sông Bé
Mộ dân đen vào để khai hoang
Đồn điền trăm mầu bạt ngàn
Cao su Nam Mỹ đem sang vùng này
 
Đặt đường ray từ Nam ra Bắc
Vốn đầu tư khai thác tư nhân
Công thương kỹ nghệ lần lần
Tài nguyên thu vét chia phần cho nhau
 
Nền kinh tế bắt đầu phát triển
Một hạng người xuất hiện trong dân
Bỏ nghề lao động tay chân
Học làm thư ký thông ngôn cho người
 
Chữ quốc ngữ nhiều nơi theo học
Thay Hán văn khó nhọc hơn nhiều
Cần năm bảy tháng học theo
Đọc ngay, viết được những điều phổ thông
 
Lúc bấy giờ, Pháp văn là chữ
Hái ra tiền quyến rũ người ta
Làm thông, làm ký, buột boa
Làm thuê cho Pháp hái ra bạc vàng
 
Lấy thực dụng chủ trương xâm lược
Đem văn minh các nước phương Tây
Âm thầm du nhập vào đây
Bằng nhiều thủ thuật qua tay cáo già
 
Vì văn hóa cũng là vũ khí
Thuyết phục người bởi ý canh tân
Đề cao chủ nghĩa cá nhân
Làm cho một số xa dần Nho gia
 
Nghĩa quân thần xem ra thay đổi
Nhân sinh quan cũng đổi lung lay
Văn minh kỹ thuật đổi thay
Chạy theo vật chất sa tay vào tròng
 
Thực dân hóa ngay trong giáo dục
Thay đổi dần giáo dục gái trai
Giảm lần công việc chân tay
Máy móc ứng dụng để thay sức người
 
Trên vũ đài hô hào dân chủ
Dùng chiến tranh để giữ hòa bình
Lập thành quân đội viễn chinh
Thực chất xâm lược biến hình mà thôi
 
Dùng chiêu bài lừa ta bằng cách
Đưa ra nhiều chính sách canh tân
Thực ra xâm lấn dần dần
Tóm thu của cải mang lần ra đi
 
Trong bối cảnh tứ bề rối rắm
Dân ba kỳ ta thán nhiều hơn
Phất cờ tụ nghĩa Văn Thân
Xích xiềng nô lệ vẫn đang nặng nề
Q 1: Thời đại Hồng Bàng
Q 2: Thời đại Bắc thuộc (227-540)
Q 3: Ngô Quyền (938-944) Q 4: Lý Thái Tổ (1010-1028)
Q 5: Lý Nhân Tông (1072-1127) Q 6: Trần Thái Tông (1226-1258)
Q 7: Trần Nhân Tông (1278-1293)
Q 8: Trần Anh Tông (1293-1394)
Q 9:  D N Lễ - Trần Thiếu Đế (1369-1400) Q 10: Hồ Quí Ly - Giản Định Đế (1400-1409)
Q 11: Lê Thái Tổ (1423-1433) Q 12: Lê Thái Tông (1433-1442) - Thánh Tông (1460-1497
Q 13: Lê Hiến Tông (1497)/Mạc Phúc Nguyên (1546) .Quyển 14: Lê Trung Tông (1548) đến Nguyễn Phúc Nguyên (1613)
Quyển 15: Lê Thần Tông (1619-1643) đến Lê Dụ Tông (1705-1728) Quyển 16: Trịnh Cương (1709) đến Nguyễn Phúc Thuần (1765-1777)
Quyển 17: Trung Ương hoàng đế (1778 – 1793) Quyển 18: Quang Trung hoàng đế (1788-1792)
Quyển 19: Cảnh Thịnh hoàng đế (1792-1802) Quyển 20: Gia Long hoàng đế (1802-1820)
Quyển 21: Minh Mạng hoàng đế (1820-1841) Quyển 22: Thiệu Trị hoàng đế (1841-1847) đến Tự Đức (1847-1885)
Quyển 23: Pháp chiếm Gia Định (1859) và chiếm luôn ba tỉnh miền Tây Quyển 24: Các cuộc kháng chiến của nghĩa quân miền Nam
Quyển 25: Pháp chiếm Hà Nội (1882) đến Hòa ước Giáp Thân (1884) Quyển 26: Pháp lập Liên bang Đông dương – các phong trào bình Tây sát Tả
Quyển 27: Đồng Khánh (1885...) – các phong trào sĩ phu yêu nước Quyển 28: Vua Thành Thái (1889-1907) và Duy Tân (1907-1916)
Quyển 29: Trần Cao Vân (VN QPH) – các phong trào kháng chiến toàn quốc  Quyển 30: Khải Định (1916-25) Bảo Đại (1925-45) – anh hùng Nguyễn Thái Học