Người
Huế nào mà không nghe nói đến "Tôi đi học" của Thanh Tịnh,
một nhà văn, nhà thơ có tiếng từ thuở tiền chiến. Nhưng
tuy học ở Huế từ hồi bảy tuổi, tôi quá trẻ để có
dịp gặp ông. Xấp xỉ tuổi ông anh cả của tôi, sau bằng
Thành chung, ông đi dạy thì tôi đang còn ở tiểu học. Khi
tôi lên trung học, vào lúc bắt đầu biết cảm phục những
câu văn của ông trong các báo Phong Hóa, Ngày nay, Thanh Nghị,...
cùng những tập truyện ngắn Quê Mẹ, Ngậm ngãi tìm trầm
thì xảy ra cuộc đảo chính Nhật. Vào tuổi thanh niên năng
động, yêu nước, ông dấn thân vào cách mạng và ra đi biền
biệt trong những ngày kháng chiến. Vài năm sau đó tôi cũng
ly hương cho đến sau này trên đất Pháp tôi mới có dịp
đọc lại những trang sách hấp dẫn của ông, mê man với
Hận
chiến trường,...

Các làng quanh Huế
trong các truyện ngắn của ông mang những tên rất gợi: Viễn
Trình, Đồng Yên, Hiền Lương, Vĩnh Trị,... Nhưng có một
tên được ông đặc biệt luôn nhắc tới vì thắm đậm hương
vị đồng quê là làng Mỹ Lý, một làng tuồng như chỉ có
trong trí tưởng tượng của tác giả. Để đối chiếu với
Mỹ Lý của Thanh Tịnh, tôi xin đưa ra làng ngoại của tôi,
có thật chứ không phải đặt bày: làng Mỹ Cang, rất nhỏ
đến nổi thường được gọi là thôn Mỹ hay Làng Hói. Nép
mình trên bờ sông Ô Lâu, bốn mươi cây số phía bắc thành
phố
Huế, ở một khúc sông hằng năm bị lở lần nên sau mấy
chục năm tha hương, khi tôi về thăm làng cũ thì con đường
trước nhà cụ, mạ tôi không còn nữa. Cái nhà xinh xắn hai
ông bà bỏ công suốt đời dành dụm xây cất cũng nhường
chỗ cho một vạt sắn gầy guộc không hồn. Làng nhỏ, có
đình nhưng không có chùa, không có trường học, chỉ có một
ngôi chợ sớm được dời ra ở giao điểm các làng Phú Xuân,
Phước Tích, Mỹ Xuyên, Mỹ Cang, cũng trên bờ sông Ô Lâu.
Làng Hói là một làng quê có đặc điểm không có đồng ruộng
phì nhiêu, nhưng lại có tiếng vì là làng của cụ Hồ Oai.
Vị nầy là Quyền Chưởng vệ Long Võ quân có thành tích bảo
vệ vua Tự Đức trong loạn Chày vôi của anh em Đoàn Hữu
Trưng. Ông ngoại tôi là cháu đích tôn cụ Hồ Oai.

Cụ, mạ và chị tôi
không có khả năng hướng dẫn tôi học hành, từ bảy tuổi
tôi phải theo các anh tôi vào Huế học, nhưng mỗi kỳ nghỉ
lễ Phục sinh, Giáng sinh hay nghỉ hè, chúng tôi lại về đây
sáng học ôn, chiều thỏa thích vui chơi. Nhà có vườn trái
đủ thứ, mặc sức hái ăn. Trước nhà có sông mát mặc sức
bơi tắm. Cạnh đình làng có sân rộng, chiều chiều mặc
sức chơi bóng với những thanh niên trong làng. Trên truông
Phò Trạch gần làng, sim nhuộm tím đồi, nắng vàng êm dịu,
chim chóc không thiếu, mặc sức chạy bắn với những chiếc
ná cao su. Kỷ niệm êm đềm thích thú nhất là những đêm
hè, trời nóng, chúng tôi đánh trần nằm ngủ trên sân trước
nhà. Chuyện trò náo nức, lắm đêm không ngủ được. Thế
rồi không biết từ đâu lại, một giọng hò mái nhì trữ
tình vang dội trong không trung, đến gần rồi lại lan xa. Lúc
đầu chúng tôi chỉ biết nằm nghe, dần dần cố ý trông
chờ. Chúng tôi âm thầm chia sẻ nỗi buồn nồng nàn của
cô lái đò cô đơn. Nhưng cô chỉ thỉnh thoảng chèo ngang
trước nhà vài đêm một lần. Rồi một hôm, hết còn giọng
hò mang lại lời thổn thức của cô lái đò. Chúng tôi trằn
trọc thao thức chờ đợi, có khi tưởng như nghe tiếng sóng
vỗ rì rào vào mạn thuyền, tiếng mái chèo xào xạc khua mặt
nước, nhưng giọng hò thì tuyệt không. Thế rồi, hết hè,
chúng tôi đành lòng trở vô Huế, tạm quên cô lái đò đã
vô tình cống hiến chúng tôi những đêm hè rạo rực dưới
vòm trời sao mơn man của buổi tựu trường, những kỷ niệm
đi bẫy chim giữa cánh đồng lúa...

Hơn một nửa thế
kỷ sau, định cư trên đất Pháp tuyết rét, mỗi lần đi
dạo dọc con sông Seine đài các chảy ngang thành Paris phồn
hoa, trong đầu óc tôi luôn văng vẳng câu văn "Tôi đi học"
và điệu hò tha thiết những đêm hè trên sông Ô Lâu thôn
dã của một thời xa xưa...
 |
Cuối
hè qua thu 2011 |
Sông
Hương, "Tôi đi học", Diendan Forum diendan.org 2011
|