Tình nghĩa sông nước

Tiếng đàn tranh 
thánh thót như mưa rơi 

Võ Quang Yến

Ðàn tranh lệ đúc nghìn xưa
Tay ai khơi mạch bây giờ lệ tuôn.
Trụ Vũ
Phương Oanh 
Ngọc Dung
Vân Anh
Nguyệt Ánh
Định cư trên đất Pháp hơn một nửa thế kỷ, lần đầu tiên tôi cảm thấy gần đất nước hơn bao giờ hết: đấy là hôm dự lễ hành trình 40 năm Phượng ca của giáo sư nhạc sĩ Phương Oanh ở Nhạc viện Antony hôm 17.02.2009, với đủ mặt cánh phượng các trường Antony, Orsay, Lognes, Sevran, Taverny, Paris, Giáo Xứ, Bruxelles, Oslo,...(Phương Oanh, Ngọc Dung, Vân Anh, Nguyệt Ánh,...) Trên sân khấu, mấy chục cây đàn tranh đồng loạt hòa tấu trong tay những nữ công lộng lẫy khăn áo vàng tôn nữ đưa khán giả về lại đất nước mền yêu sau nhiều năm xa cách. Cùng với tiếng đàn tranh thánh thót, tiếng đàn bầu não nùng, tiếng đàn nhị réo rắt, tiếng đàn đáy tế nhị, tiếng đàn nguyệt trầm lắng,...những cây đàn Việt Nam nhắc nhở một nền văn hóa bền vững mấy ngàn năm văn hiến. Trong các nhạc khí, có lẽ các loại đàn dây nhẹ nhàng hợp nhất với thị hiểu của người Việt. Có nhiều thứ đàn dây. Cây đàn quen thuộc, ở đâu cũng thấy mặt, có thể từ thế kỷ XI, là cây đàn kìm hay đàn nguyệt, gọi như vậy vì hộp vang âm có hình mặt trăng. Hai dây đàn làm bằng lụa có thể so theo nhiều cách khác nhau, thường theo quãng bốn, chỉ nghe theo tai, nhiều khi trong lúc đàn."Trong tác phẩm Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du, Thúy-Kiều không chỉ là một trang giai nhân quốc sắc, với tấm nhan sắc tươi thắm, kiều mị, đến nỗi hoa phải ghen, liễu phải hờn, mà nàng còn là một con người thông minh, tài hoa với một ngón đàn tuyệt diệu nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương". Một loại đàn tương tự đàn nguyệt nhưng cần đàn ngắn hơn, giọng đàn từ đấy cũng gọn hơn là đàn đoản. Đàn bầu là cây đàn đặc biệt Việt Nam chỉ có môt dây, nghệ sĩ tay mặt dùng que tre đánh đàn, tay trái thao tác âm thanh qua một ống tre nối liền với hộp đàn. Trước khi trở thành chiếc đàn quý phái ngày nay, trong rất lâu nó là dụng cụ ăn làm của người nghèo. Hình ảnh ông cụ mù xách đàn hát dạo, có đứa trẻ dần đường nay còn lẩn vẩn trong đầu óc nhiều người. Sách xưa đánh dấu đàn bầu từ năm 1770. Cũng còn có những loại đàn dây khác, ít thông dụng hơn. Đàn đáy không biết xuất hiện năm nào nhưng những điêu khắc ở đình Lỗ Hạnh, đình Hoàng Xá, đền Tam Lang (thế kỷ XVI-XVIII) cho đàn phổ biến vào thời nhà Mạc. Có tên gốc lúc đầu là đàn không đáy "vô đề cầm" vì không có đáy "hậu đàn", đàn cũng có thể lấy gốc từ chữ dây đeo (chữ Hán là đái) nên đàn đái đọc chệnh ra thành đàn đáy. Đàn đáy và trống con thường được dùng để đệm ca trù. Một loại đàn tuy dễ chơi ít được dùng, hộp đàn hình trái lê cắt theo chiều dài, đầu chạm hình dơi, mười phíếm, phiếm cuối cùng chỉ ngắn bằng nửa những phiếm khác. Mang tên tỳ bà phiên âm chữ pipa, đàn gảy với một ngón tay mặt hay một miếng sừng thú, nhập vào nước ta khoảng thời Trần, Nói chung nhiều đàn có nguyên quán Á châu, nhập cảng Việt Nam qua trung gian Trung Quốc, nhưng sau một thời gian được Việt hóa thành một dụng cụ đặc sắc. Tỳ bà nghe dạo canh khuya, Dường như tiên nhạc gần kề bên tai. Tỳ Bà Hành miêu tả tâm trạng quan Tư Mã Giang Châu họ Bạch trong đêm nghe người ca nữ đã luống tuổi ở bến Tầm Dương, đánh đàn tỳ bà và kể chuyện đời chìm nổi của mình.

40 năm Phượng Ca 2009

Một trong những chiếc đàn tiêu biểu đất Việt là đàn tranh, phát xuất từ đàn cổ tranh Guzheng còn gọi đàn thập lục 16 dây. Hộp cộng hưởng làm bằng gỗ, chính xác là gỗ cây phượng, từ 13 dây triều đại nhà Đường tăng từ 12, 13, 18, 23, đến 25 dây. Dần dần để âm phát tốt hơn, thân gỗ và số lượng dây được thay đổi. Tôi có thẩy trong tay cố Gs Trần Văn Khê một cây đàn thân ngô đồng 16 dây, âm phát ấm hơn. Tương trryền một ông cụ gặp khó khăn khi chia đàn cho hai đứa con, lấy búa chặt đàn theo chiều dọc : một nửa cây 13 dây còn thấy ở miền bắc Trung Quốc và Nhật Bản, nửa kia 12 dây ở Mông Cổ và Hàn Quốc. Một thuyết khác cho ông Mộng Điệp sáng chế ra thế kỷ III trước Công nguyên một cây đàn bằng gỗ ngô dồng, giống cây đàn Việt Nam nhưng to hơn, dài 1,5m, 13 dây theo truyền thống Bắc Kinh, 16 dây theo truyền thụ lối Quảng Đông. Ở Đài Loan, phương pháp làm đàn được kỹ nghệ hóa, tăng lượng mà giảm phẩm, đàn sơn trên bất cứ gồ gì, kể cả ván ép, dây cước (dây đồng) hay dây thép, lẽ tẩt nhiên yếu về âm thanh. Qua các thế kỷ VII, VIII, người Việt bản địa hóa theo phong cách đặc thù trong thủ pháp ; ngón đàn, tay nhấn nhá, trong thang âm điệu thức, biến nó thành một loại nhạc mang tính dân tộc, phù hợp với quan điểm thẩm mỹ của người nước ta, và nói chung ngôn ngữ âm nhạc Việt. Được thế, một phần cũng nhờ cấu tạo cây đàn. Hình hộp dài 110-120cm, đàn tranh có khung hình thang, đầu lớn 12-30cm có lỗ và con chắn để mắc dây, đầu nhỏ 15-20cm gắn khóa lên dây. Giá đàn làm bằng gỗ tùng trắng, thành đàn, đáy đàn, thùng đàn bằng gỗ lim đỏ, gỗ lim già, gỗ lim vàng hoặc tử đàn. Mặt đàn và đáy đàn cũng ảnh hưởng nhiều lên âm thanh nên phái chọn gỗ tốt. Ngựa đàn, còn gọi con nhạn, nằm ở khoảng giữa để gác dây và có thể di chuyển để điều chỉnh âm thanh. Nghệ nhân mang ba móng gảy bằng kim loại hay sừng vào ba ngón cai, chỉ và giữa tay mặt. Âm sắc đàn tranh trong trẻo, tinh khiết, không có tạp âm, không có tiếng ồn, thích hợp với các điệu nhạc vui tươi, duyên dáng, đáp ứng những tính năng trầm hùng, khỏe mạnh. Âm sắc đàn tranh đồng thời cũng thánh thót như nước chảy mây trôi. Nghệ nhân có thể dùng tiếng đàn để khơi dậy những dòng cảm xúc trong lòng người nghe. "Âm đàn trầm lắng uyển chuyển như mưa bụi trên lá chuối, lặng im thì nghe văn vẳn bên ai, khiến người nghe từ từ chìm đắm trong giai điệu tiếng đàn, khi thì ưu tư trầm mặc, lúc lại đầy cảm xúc bi thương". Không phải tình cờ mà Bạch Cư Dị viết Đàn tranh trong đêm, Tô Thức soạn thảo Đàn tranh ở chùa Cam Lộ. Nghe đàn tranh không chỉ là thưởng thức nghệ thuật mà còn là một cách cảm nhận tài năng, cảm xúc và những dòng tâm tư được người chơi gởi gắm qua tiếng nhạc nữa.

Dây hồng áo tía ánh trăng soi
Mình đàn mình hiểu bóng lẻ loi
Dây dừng ngón lặng âm thanh dứt
Vạn trùng ly biệt chẳng nên lời

Dạ tranh (Bản dịch Lê Nam Phong)


Trần Văn Khê (1921-2015)

Nsưt Hải Phượng, ái nữ Ngưt Thúy Hoan, sau những chuyến xuất dương qua Pháp (1993), qua Úc (2005), được mời sang Mỹ ba lần, một lần cùng nsưt Trần Vương Thạch, biểu diễn ở trường Đại học Denton miền bắc bang Texas một lần trong chương trình "Việt Nam sắc hương xưa" tại Hý viện Shorecrest. Từ hồi 5 tuổi cô đă học đàn vởi mẹ. Lớn lên, cô vào học ở nhạc viện, đại học rồi cao học (2003), nghĩa là suốt tuổi thơ và thời niên thiếu đời cô gắn liền với cây đàn tranh. "Quan trọng nhất đối vởi cô là luôn còn sống được với nghề, luôn còn có những khán giả lắng nghe thực sự chân thành. Chỉ cần một khán giả còn lắng nghe là mình còn duy trì được nhiệt huyết đam mê ". Cô bộc bạch tâm sự chơi nhạc ở nhà hàng cũng quan trọng không kém gì biểu diễn ở nhà hát vì ở đây khán giả còn ở lại bắt tay, chia sẻ cảm xúc với nghệ sĩ, từ đó cảm nhận rất gần tình cảm của họ, việc đánh giá quân bình các hoạt động nghệ thuật, tôn trọng những điều chuẩn mực mà không bị ràng buộc vào sự cứng nhắc quy tắc. Luôn tìm được sự tích cực trong quan hệ công việc, phải chăng đó là những phẩm chất của Hải Phượng? Cô cũng nói chuyện say mê về gia đình của mình. Cô cảm động đọc những bài thơ bố cô làm tặng mẹ cô "Mười sáu dây tình lên tiếng khóc, Dập dìu ánh nhạc tóc tơ bay". Trong ngôi nhà nhỏ cạnh chùa Pháp vân, cô cháu gái xinh xắn cũng cầm đàn (đồ chơi) im lặng nghe cô giáo, dấu hiệu "con nhà tông": mẹ một cây đàn thì con cũng phải có một cây đàn. Có những buổi tối, bố, mẹ và con với bà ngoại ngồi trò chuyện về âm nhạc, về bảo tàng, về văn hóa nghệ thuật, về những bài thơ của người đã đi xa. Không gian đó làm cô cảm thấy hạnh phúc vô cùng và càng thêm trân trọng những điều mình đang có. Tình yêu đến với cô từ... sở thích truyện trinh thám. "Tụi mình gặp nhau tại Liên hoan Thanh niên tiên tiến Đông Nam bộ lần thứ nhất. Lúc đó anh ấy là công an, mình và Quỳnh Hoa, Từ Hoàng Thông đề nghị anh kể chuyện săn bắt cướp". Hỏi cô trong một cuộc phỏng vấn về một kỷ niệm thật đặc biệt trong những chuyến lưu diễn, cô cười và ánh mắt còn bộc lộ niềm xúc động: "Ðó là lần mình biểu diễn ở Paris với thầy Trần Văn Khê năm 2003, khi biểu diễn xong, có một bác khán giả, cũng là một nghệ sĩ chơi đàn tranh và là bạn của thầy, đến nói chuyện, giọng Nam bộ rặt. Bác nói: Ở đây mà có mấy cây quạt thì tui đã thảy lên cho cổ rồi. Câu nói đó làm Phượng thực sự xúc động. Khi mình ra về, gia đình bác ấy cứ đứng nhìn theo mãi. Ánh mắt của họ làm mình thêm vững tin vào con đường đã chọn. Mình sẽ vẫn luôn có những khán giả như thế nếu luôn nỗ lực, tự nghiêm khắc với chính mình". Tôi gặp Hải Phượng ở Paris hồi cô được thầy Trần Văn Khê hướng dẫn. Nhìn lại mấy chiêc ảnh năm xưa tôi bùi ngùi thấy ngày tháng quá mau qua, nay kẻ ở người mất. Cô còn hương sắc trẻ trung một phụ nữ Việt Nam duyên dáng (gái một con trông mòn con mắt) nhưng những nét già dặn che mất vẻ ngây thơ một thời đôi mươi má hồng môi thắm! Chỉ thiếu chăng làn khói lam chiều gợi thương nhớ mông lung, mái tóc đen dài xỏa bay trong gió nhắc nhở chiếc xuồng ba lá lướt sóng kênh lạch Cửu Long lúc chiều tà.

Về phương Nam lắng nghe cung đàn
Thổn thức vọng dưới trăng mơ màng
Rồi theo sông Cửu Long nhớ nhung dâng tràn.
Chợt thương con sáo bay xa bầy
Sương khói buồn ở lại lòng ta
      Vũ Đức Sao Biển (Điệu Buồn Phương Nam)

Hải Phượng 2015

Sau nhiều lần biểu diễn ở trung tâm nghệ thuật Kennedy Center tại Wahington DC sau nhiều thời gian mời mọc, kiểm soát vất vả, nghệ sĩ Vân Ânh Vannessa Võ được mời trình bày vào hôm 11 và 12 tháng 3 nhạc đàn tranh ở Tòa Bạch Ốc Cô sinh ra năn 1975 và sống lên tại Hà Nội nên chỉ có tiếng vang xa xăm về cuộc chiến, sau nầy qua định cư ở Mỹ mới được nghe những câu chuyện bạn bè chia sẻ là họ đã phải đau khổ như thế nào, trả giá gì để ra khỏi được Việt Nam. Qua Mỹ, tiếp xúc với đồng bào, cô mới nhân định được ảnh hưởng của sự đau khổ và sức hủy diệt của cuộc chiến tranh tới cuộc sống con người. Rồi sau đó những lần lưu diễn ở Mỹ, có những người cựu chiến binh Mỹ đã đến cảm ơn và nói chuyện về một cái nhìn toàn diện là cuộc chiến tranh khi xảy ra không để lại cho ai một cái gì vui tươi sung sướng.. Bên chiến thắng đạt được hạnh phúc nhưng cũng chịu đựng đau khổ, bên nào cũng có sự mất mát của nó. Sự hủy diệt của chiến tranh thật là quá lớn. Thậm chí nó còn tạo ra điều, đối với cô là kinh hoàng nhất, là sự căm ghét giữa con người với nhau. Cái ghét đó trở thành sự hận thù trong con người ta, nó không chỉ dừng lại sau khi cuộc chiến kết thúc mà còn tiếp tục đi đến thế hệ trẻ hơn, con cái của những gia đình đã phải trả giá chiến tranh. Chính vì thế mà cô cũng vui vì điều cuối cùng cô muốn chia sẻ là sức mạnh của con người, niềm hy vọng này không chỉ dừng lại trong cộng đồng Việt mà còn lan ra những cộng đồng khác, Chúng ta hãy đứng lên và tiếp tục đi và tìm được sức mạnh để biến mình trở thành người mạnh mẽ hơn. Ns Vân Ánh độc tấu đàn tranh nhạc phẩm Sakura (Hoa anh đào) do nhà giáo Bích Vượng chuyển soạn tại tư gia gs Trần Văn Khê đêm giới thiệu 31.10.2010. Không phải là những sợi dây đàn koto dày bản như thường lệ mà người Nhật hay trình tấu, chỉ với tiếng đàn Việt mang âm sắc thanh, mỏng, cao vút, người nghệ sĩ cũng có thể đem lại không khí Phù Tang với những cánh hoa chuyển soạn tại tư gia. Giải Grammy của Mỹ được biết đến là giải thưởng danh giá nhất trong ngành công nghiệp thu âm.Vào tháng 9 năm 2014, cô được mời trở thành thành viên của hội đồng vòng loại giải Grammy bao gồm 15 nghệ sĩ có chuyên môn về lĩnh vực âm nhạc thế giới và đã hoạt động trong lĩnh vực này nhiều năm. "The Odyssey From Vietnam to America chủ yếu ca ngợi tinh thần sức mạnh của con người nhưng niềm cảm hứng là câu chuyện từ chuyến vượt biển của những người Việt Nam, làm sao họ có thể tìm được sức mạnh để vượt qua khó khăn, cô nghĩ là khó nhất trong cuộc đời người ta". Cô nghĩ âm nhạc truyền thống Việt Nam do cô đem tới cho những khán giả ở Mỹ có thể phần nào hàn gắn vết thương mà người thân của những binh sĩ Mỹ tử trận trong cuộc chiến đã phải chịu đựng. Cùng lúc,với số tiền 40.000 đôla được tổ chức Asian American for Community Involvements trao tặng, ns Vân Ánh cho biết dự án From Vietnam to America, một tác phẩm được viết để ca ngợi sức mạnh tinh thần của người Việt, được trình diễn vào cuối năm 2015 ở San Francisco. Thật ra 20 năm trước, cô đã đoạt giải Nhất cuộc thi Tài năng trẻ đàn tranh toàn quốc và giải nhất độc tấu nhạc dân tộc hiện đại - tiền đề cho sự phát triển dòng nhạc world music mà cô đang theo đuổi. Năm 2003, cô sáng tác âm nhạc cho bộ phim được đề cử giải Oscar Daughter From Danang, năm 2009 cô đoạt giải Emmy Awards với soundtrack phim Bolinao 52 và gần đây nhất, bộ phim tài liệu A Village Called Versailles với phần âm nhạc do cô đồng sáng tác đã đoạt giải thưởng Khán giả trong Liên hoan phim New Orleans. Năm 2013, CD Three Moutain Pass của cô đạt Top 10 những CD hay nhất thể loại world music tại Hoa Kỳ và Top 50 những CD hay nhất của tất cả các thể loại âm nhạc tại Mỹ. Cô đã sáng tác rất nhiều tác phẩm mang âm hưởng hiện đại trên những cây đàn truyền thống từ đó cô được coi là người thổi một sức sống hiện đại mới với những nhạc cụ dân tộc. Ý cô là chơi nhạc nhưng cũng không chơi nhạc pop hay giao hưởng mà cô chọn nhạc dân tộc. Người phương Tây gọi đó là nhạc cổ điển truyền thống.


Vân Ánh 2017

Phụ lục

Trận tiền

Tôi mơ hồ nhớ một tiếng kêu
Từ giàn hoa lý khoảng ngang đầu
Từ phía sông Tiền sang sông Hậu
Từ điệu đàn tranh đến khúc đàn bầu
Từ buổi Huyền Trân xa đất Mẹ
Sang Chiêm Thành với nỗi ngậm ngùi riêng
Lòng tôi đâu ở cùng hai Châu Ô và Rí
Mà hiểu được Huyền Trân giữa trận tiền

Giang Hữu Tuyên

Vườn Xô những ngày nắng mới 2018
Đọc thêm

-Võ Quang Yến, Hành trình 40 năm Phượng Ca, Chim Việt Cành Nam, 24.08.2008

- Võ Quang Yến, Từ Schumann qua Pbượng Ca, Diễn Đàn 28.11.2011

-Đỗ Văn, Tiếng đàn tranh Hải Phượng, Báo ảnh Việt Nam, 16.01.2015 -Thanh Hiệp, Tiếng đàn tranh làm vỡ òa cảm xúc kiều bào ở Seattle – Mỹ, Báo Mới, 20.03.2017

-Huỳnh Ngọc Chênh, Dập dìu ánh nhạc tóc tơ bay, Báo Thanh Niên, 02.11.2005

-Ngọc Minh, Nghệ sĩ đàn tranh, Dù ở đâu cũng tạo ra sụ khác biệt, Thể thao văn hóa. 22.09.2014

-Hồng Hoa, Nghệ sĩ đàn tranh Võ Vân Ánh viết tác phẩm ca ngợi sức mạnh tinh thần người Việt, VOA tiếng Việt 31.12.2014

-Pi Uy, Nghệ sĩ đàn tranh Vân Ánh về Việt Nam lập quỹ âm nhạc, Dân Trí, 01.04.2013

 Chim Việt Cành Nam 72 15.10.2018

 


  [ trang trước ]  /    [ trang sau]