Tình nghĩa sông nước

7 - Hương phong lan tỏa 
theo chiều gió

Võ Quang Yến

Hoài mộng chiều xuân một dáng hoa
Lan đài trinh trắng dưới trăng ngà
Thanh cao, tú lệ bên dòng suối
Sắc nước hương trời ngan ngát xa
Vương Thanh
Trên quả đất phong lan có mặt từ lâu, có lẽ từ thời kỳ Jura cách đây 20 triệu năm, khi lục địa nguyên thủy Pangée tan rã, các bản lục địa lìa nhau đem theo cả cây cỏ... Phong lan là thực vật quan trọng nhất hoàn cầu gồm có 35.000 loại, được nói đến từ những thời thượng cổ, trung cổ qua các hiệu lực y học và kích dục lắm khi vì dị đoan hơn thực tế. Chỉ qua thế kỷ XVIII, khi bộ môn thực vật học thành lập, các nhà chuyên môn mới bắt đầu phân loại. Nhà vạn vật học Karl von Linné (1707-1778) phân biệt phong lan với những cây cỏ khác nhưng kê toàn thể trong một chi Epidendrum. Những cây phong lan đầu tiên được các thủy thủ mang từ châu Mỹ về châu Âu để làm quà cho các bà hay để khảo cứu về mặt khoa học. Năm 1733 cây Bletta vereccundaen từ Bahama đươc nhập cảng nước Anh. Phải đợi 40 năm sau, qua 1768 mới có cuộc viễn chinh đầu tiên thu thập thảo mộc dưới quyền nhà hàng hải James Cook (1728-1779), từ đó bắt đầu nở dưới bầu trời châu Âu chiếc hoa phong lan đầu tiên Brassavola nodosa nguyên gốc Curacao. Năm 1778, trong cuộc thám hiểm châu Á hai cây Phaius grandiolius Cymbidium ensifolium được đem từ Trung Quốc về. Năm 1789, chiếc tàu Anh Le Bounty thất bại trong một cuộc nổi loạn (một cuốn phim rất hấp dẫn Nhưng người phẩn nộ trên chiếc tàu Bounty, Marlon Brando thủ vai chính Fletcher Christian) nhưng qua năm 1793, chiếc tàu Providence thành công đem về 15 mẫu phong lan trong ấy có Oncidium altissimum, Oncidium carthaginense, Lycaste baringtoniae, Epidendrum ciliare,...tất cả còn được xếp trong chi Epidendrum. Qua thế kỷ XIX, sức quyến rũ của phong lan ngày càng lớn ở châu Âu mà nhất là ở nước Anh. Những nhà thượng lưu đặt mua những cây hiếm có, từ đó giá cây càng lên cao dữ dội. Trong những năm thập niên 1830, nhà thực vật học Anh John Lindley rồi nhà thực vật học Đức Heỉnich Gustav Reichenbach bắt đầu xác định một số cây. Quan trọng là năm 1862 nhà vạn vật hoc kiêm cổ sinh vật học Charles Darwin (1809-1882) cho xuất bản cuốn sách quy chế Sự thụ thai sâu bọ những cây phong lan và những kết quả khả quan cuộc tạp giao.
Phong lan lúc còn hoang dại trong rừng là những cây mọc trên thân cây (épiphyte) hay trên mỏm đá (épilthe) trong môi trường nóng và ẩm. Đấy là hai điều kiện sinh sống của cây phong lan trong thiên nhiên cũng như ở nhà. Đi dạo trong rừng núi Trung-Nam Mỹ, hay châu Mỹ La Tinh (nghĩa là những nước nói một thứ tiếng có nguồn gốc La Tinh: Tây, Bồ, Pháp), khách bộ hành dễ bắt gặp cây phong lan. Nhưng chụp ảnh thì được, triệt để cấm hái, nhổ đem về, theo thỏa ước Genève bảo vệ các loài hoang dã, tuy có nhiều nước không tôn trọng luật lệ. Nói dễ chứ thật ra lắm khi phong lan mọc trên hóc đá cheo leo nguy hiểm, phải chịu khó và can đảm lắm mới trèo hái được. Năm 1920, trong thời kỳ xây dựng những đường giây nói ở Ðông Dương, viện Bảo tàng lịch sử thiên nhiên Musée d'histoire naturelle Paris nhận được nhiều mẫu thực vật học trong ấy có vài cây phong lan lầu đầu tiên nhập cảng châu Âu. Có chuyện một bà giáo sư ở Cămpuchia cưỡi voi đi tìm phong lan, mừng gặp một mầu hoa đỏ đẹp chưa từng thấy, nhưng chưa kịp hái thì vòi con voi chợp mất và ta mất một loại quý! Người ta còn kể chuyện một đàn kiến phả hoại một gốc Grammangis ở Madagascar, một chiếc thuyền độc mộc chở đầy phong lan suýt bi một con trăn nước đánh chìm ở Venezuela...Ở xứ lạnh, phong lan ở đất thường có các cụm hoa màu ít sặc sỡ, sống chen lẫn với các đám cỏ ven rừng, trên các bãi hoang, hay trên các triền núi bên các bụi cây thấp. Còn các loài phong lan sống ở đất vùng nhiệt đới thì đa dạng, các cụm hoa sặc sỡ, ngào ngạt hương thơm (hay hôi hám) nổi bật giữa các đám lá xanh nơi đồng cỏ. Nó cũng mọc ẩn, len lỏi dưới các bụi cây của các cánh rừng thưa ẩm ướt, thậm chí ven các đầm lầy.

Ði viếng các chùa Huế, nếu ngửng đầu nhìn lên, khách không khỏi lạ thấy những bụi phong lan treo lơ lửng hay sống trên vỏ thân các cây gỗ khác. Lối sống kí sinh là một nét độc đáo của phong lan. Thân rễ dài hay ngắn, mập hay mảnh, cây chụm lại thành bụi dày, cũng có thể bò xa. Hệ rễ khí sinh cốt yếu cho cuộc sống thực hiện một số nhiệm vụ: lấy nước, lấy muối khoáng trên vỏ cây gỗ, bám chặt thân vào thân cây gỗ để khỏi bị gió cuốn đi, bảo vệ phong lan để nó mọc vươn ra chỗ có nắng giữa chốn rừng rậm u tối. Quan trọng như vậy, hệ rễ phụ thuộc hình dáng chung của cả cơ thể cây. Có cây phong lan nhỏ bé, khó khăn lắm mới nhận ra được, sống trong kẽ nứt của vỏ cây hay đầu mút các cành cao. Để hấp thu chất dinh dưỡng, rễ cây có bên ngoài một mô xốp ẩm dày chứa đầy không khí, có khi cả nước chảy trên vỏ cây hay lơ lửng trong không trong hơi nước hay sương sớm. Hệ rễ của nhiều loại thu gọm mùn vỏ cây, đan bện thành búi chằng chịt làm nguồn dự trữ chất dinh dưỡng. Trong những cây bò dài, rể có thể buông thỏng cuống tận đất và hoạt động như rễ các cây khác. Có những loại phong lan thân, lá kém phát triển, hệ rễ dày đặc và kiêm nhiệm luôn cả công tác quang học. Cũng còn có những loại phong lan dạng búi nhỏ, vòi hút ngắn, chỉ có thể hấp thu các chất dinh dưỡng từ đám thực vật xung quanh, thông qua hoạt động của nấm, đến vài chục mét, có khả năng leo bò rất cao, cũng có những phong lan sống ẩn trong lòng đất như Rhizanthella igardneri, Cryptanthemis slater, thân nhỏ, không rễ, không lá. hoạt động được nhờ sự trợ giúp của nấm và gố mục của các loài cây thân gỗ khác. Nấm là cầu nối giữa hai thành viên thực vật bậc cao. Nó liên kết với các gốc mục để lấy gluxít, muối khoáng, rồi sợi nấm xâm nhập qua lông trên thân của phong lan và chuyển các chất đó vào nuôi cơ thể phong lan.

Phong lan, danh từ quốc tế Orchidaceae chỉ định một gia đình những cây monocotyledon nghĩa là một nhóm cây phát triển một dòng (monophyletic) gồm có, trong số những cây có hoa (angiosperme), những thực vật mà mầm (plantule) tiêu biểu chỉ có một phôi (cotyledon) tiến triển thành tiền lá (eophyle) Có thể kể trong các monocotyledon những cây họ Phong lan Orchidaceae có hoa phát triển nhờ đến phấn, họ Cău dừa Arecaceae, họ Chuối (loại Musa), họ Lúa Gramineceae, họ Bấc Juncaceae. Phong lan là một đại gia đình nhiều vẻ nhất gồm có hơn 25 ngàn chi, phân ra làm 850 loài. Chúng đều là những cây dạ thảo có dạng cỏ khác nhau, tự dưỡng hay dị dưỡng trên nấm, lá nhỏ, sống lâu, dạng thân rễ hay dạng củ, trên đất từ ôn hòa đến nhiệt đới. Cuộc sống cộng sinh với một loại nấm nhỏ giúp cây sống không có chút dự trữ trong hột cũng như không có rễ con cạnh rễ lớn, trong vùng nhiệt đới. Các phân loại sinh loài xếp chúng vào loại Asparagales. Danh từ Orchidaceae phát xuất từ tiếng La Tinh orchis bắt gốc trong tiếng Hy Lạp orkhidion có nghĩa hòn dái, giống như hai củ trong các phong lan vùng nhiệt đới. Tác giả các tên nầy là Theophraste (vài trăm năm trước TC). Những họ phong lan có thể có mặt trên mặt đất khoảng 75-86 triệu năm. Hột có thể bé tí teo 1-5 mm (Bulbophyllum minutissimum) ở châu Úc, nặng không quá 1-2g nhưng cũng có phong lan lớn như Grammatophyllum speciosum, hột nặng hơn một tấn và thân cây cao đến 3m. Các hoa nầy, tùy tác giả, với số loài thay đổi từ 25.000 đến 30.000, thể hiện những gia đình trong số lớn nhất các thực vật có hoa, chiếm mọi môi trường trừ sông ngòi và sa mạc.

Nhiều phong lan trong giống Ophrys giữ độc quyền môt loài sâu để thụ phấn cho hoa của mình, thường là ruồi, ong như ong vò vẽ nhờ phát hương thơm hay giả hình thái. Nhiều cây phong lan cũng như sâu bọ thụ phấn miền nhiệt đới bị dọa mất tích hay đã mất tích vì nạn phá rừng, cũng vì những người săn hoa đem bán. tuy ngày càng ít hơn nhờ tiến triển trong kỹ thuật gây giống. Một cây như phong lan bướm Phalaenopsis nhìn trong vườn hoa đẹp bao nhiêu, khi trình bày hằng chục cây trong nhà hàng, hay hằng trăm hằng ngàn cây trong nhà kính ở Thái Lan hoa hết còn quý như bị mất ít nhiều hương sắc, vẻ đẹp bị tan hòa. Tuy nhiên, ở nhiều nước như Thái Lan, Tân Gia Ba, các nhà chức trách kiếm cách tăng gia phong lan trong môi trường thiên nhiên hay bán thiên nhiên, chẳng hạn trên cây các đường sá. Trong ba thề kỷ, 226 loại phong lan đã được tìm ra, nay chỉ còn 178 và 5 được sử dung nhiều. Cây Grammatophyllum speciosum được thử nghiệm đầu tiên đem lại kết quả khá khả quan: 10-95% thành công trong 8 năm đầu. Ngoài cây nầy bốn cây nữa thuộc các loại Cymbidium, Bulbophyllum cũng được thử. Tuy nhiên, nhiều phong lan quý như cây Phragmipedium kovachi vẫn tiếp tục bị cắt hái trong môi trường thiên nhiên. Hiện nay Phalaenopsis là loại phong lan được nuôi trồng nhiều nhất và cũng là phổ biến làm cây cảnh nhiều nhất ở châu Âu. Phong lan không chỉ là cây trồng để xem hoa đẹp: giống Vanilla cống hiến chất vani trong ngành ẩm thực, đặc biệt kem vani, ít biết hơn rượu rhum Faham (Jumellea fragrans)và cả trong ngành mỹ phẩm như nước hoa Jicky (Guerlain) hay Coco (Channael). Ở vùng Maroc rượu salep có quê gốc Thổ Nhĩ Kỳ. Ở nước nầy, 36 loài thuộc 10 chi đã mất tích !

Ðứng về mặt hệ thống, nhiều chuyên gia, chứ không phải tất cả, tin là họ phong lan Orchidaceae phát triển theo sáu dòng xem như là sáu gia đình khác nhau. Theo kiến thức ngày nay, họ Orchidaceae gồm có năm : gia đình-phụ : - Apostasioideae (2 chi, 17 loại) nguyên thủy, hoa 6 cánh bao hoa và 3 nhị ; - Vanilloideae (15 chi, 248 loại) ; - Cypripedioideae (5 chi, 158 loại) ; - Orchidoideae (221 chi, 4914 loại) ; - Epidendroideae (578 chi, 21268 loại). Bản kê phát sinh loài chỉ công nhận một gia đình Orchidaceae gồm có sáu gia đình-phụ : - Apostasioideae (2 chi, 20 loại) nguồn gốc Tây Nam Á hay chấu Úc) ; - Codonorchidoideae chỉ gồm có một chi Codonorchis ;- Cypripedioideae (4 chi, khoảng 100 loại, ở  châu Âu chỉ có chi Cypripedium ; -Epidendroideae ; -Orchidoideae (hàng vạn giống) ; -Vanilloideae (đặc biệt loại Vanilla). Phân loại hằng ngàn hoa phong lan không dễ nhất là cho người không chuyên môn. Tối thiểu là nên biết vài loại thông thường.

-Phong lan bướm Phalaenopsis có hoa đẹp và dễ trồng nhất, hay nói đúng dễ bảo quản nhất : mua về để đấy, chỉ thỉnh thoảng, mỗi tuần một lần, tưới chút ít là đủ. Hoa bán thường đã trình này những nụ nở và một số nụ chưa nở để người chợi hoa có thì giờ trông ngóng, chờ đợi. Lá dài như cánh bướm, không thích nắng chang chang, một không gian ẩm nóng, nhưng cũng cần một ít mặt trời và bóng tối.

-Phong lan cát lệ Cattleya quê gốc các rừng nhiệt đới châu Mỹ là loại được mến chuộng nhất ở nước Anh, chi cần một môi trường hơi ẩm nóng như trong một nhà kính. Trong những giờ có mặt trời, một độ ẩm 60-70% là đủ. Trái lại cây rất thích ánh sáng mặt trời nhưng không chịu đựng được những tia sáng chói lọi, vậy nên tránh mặt trời giữa trưa và đầu chiều.

- Phong lan quế Vanda là một cây ngoài trời nên thường được thấy trong rổ treo trên cây. Cây ít thích nước nên không nên tưới nhiều. Nếu đặt trên mỏm đá hay sỏi sạn thì phải cao hơn mặt đất 2/3 để cho thoáng khí. Trái với những cây khác, phong lan quê cần tẩm bổ. Ngoài những loại phân bón, có những thức ăn, nước bổ, những phân chuồng, phân đặc thương mãi.

- Phong lan hài Paphiopedilum là một trong những cây phong lan dễ trồng nhất, thích nhiều ánh sáng mặt trời nhưng không dưới các tia gay gắt, trong một môi trường quá nóng hay quá ẩm như trong một nhà hiên veranda. Rễ cây luôn cần phải phải ẩm ướt cây mới phát triển tốt. Như nhiều loại hoa quỳnh, đặc biêt cây chỉ cống hiến mỗi năm một cái hoa.

-Phong lan vũ nữ Miltonia có hoa thơm ngào ngạt là loại cây sống trong ánh sáng tối thiểu, không trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời. Cây cần được tưới nước nhiều, một hay hai lần mỗi tuần. Ðể xem sức khỏe của cây trồng đúng chỗ không, lá cây cần mát rượi khi vuốt. Cây cũng cần phân bón để tiếp tục có hoa đẹp.

Ở nước ta các nhà chuyên môn đã kết hợp cách trồng cổ truyền và kỹ thật mới để có đươc hiệu quả trong ngành sản xuất sản xuất phong lan :

-Phong lan quế Vanda teres, thân dài, hình trụ đốt dài màu xanh, bén rễ, mà xanh. Lá hình trụ, màu lục sẫm. Cụm hoa nằm ngang, trên thân. Cánh hoa màu hồng tím nhạt, 5 hoa. Cánh môi có thủy ở giữa, hình tam giác chẻ sáu ở ngọn, cựa hình nón rộng, dẹt.

-Phong lan da báo Vandopsi gigantea, thân mọc thỏng xuống. Lá hình dài, màu xanh lục, cong, ngọn chia ra 2 thùy không đều. Cụm hoa ở kẽ lá, thỏng xuống, 6-12 hoa, thơm, lâu tàn, màu vàng kim đốm nâu.

-Phong lan đuôi cáo nhiều hoa Aerides multiflora, thân dài, mọc khỏe, hóa gỗ ở gốc, nhiều rễ khí sinh. Lá dài, rộng, chia ra 2 thùy không đều ở ngọn, dày, làu lục nhạt có đóm nâu. Cụm hoa hình chùy thỏng xuống, nhiều hoa thơm màu trắng có 2-3 đốm tím.

-Phong lan hạc đính Phaius wachi, sống ở đất. Lá rộng, dài, có cuống, bẹ mọc tư gốc. Cụm hoa chùm, hoa to ngoài nhạt, trong đỏ nâu. Thường mọc ở thung lũng đá vôi ẩm ướt có nắng, ra hoa tháng tư, năm.

-Phong lan hoàng thảo vảy rồng Dendobium aggregatum, gốc mọc bò. Lá dài, rộng, có cuống rộng. Cụm hoa là chum rộng, hoa tua như bờm ngựa, màu vàng nhạt giữ màu da cam, cánh môi rộng. Bám trên cây gỗ ven rừng hay chân núi, trong rừng, ra hoa tháng ba, tư.

-Phong lan tai trâu Rhynchostylis gigantea. Rề dày, thân dài. Lá dẹt, dài, màu lục sẩm, sọc dọc màu nhạt. 2 cụm hoa ở kẻ lá thành chùm trụ dày đặc, thỏng xuống. Hoa nhiều, thơm, lâu dài. Cánh hoa màu hồng sẫm, có đốm. Mọc nhiều ở miền Trung và miền Nam Việt Nam.

Chiếm chỗ trong đời sống ngang hàng với những đỏa hoa tuyên đẹp, màu sắc rực rỡ, hương thơm ngào ngạt, đài các như các tôn nữ, lả lơi như các cô gái Thần Kinh, hoa phong lan từ rừng rậm cây ngàn nhập về đồng bằng yên tĩnh được trọng vọng như những quý phi tôn vinh nữ hoàng sắc đẹp cũng chẳng quá đáng.
 
Thành Xô Vu Lan 2018
Tài liệu và ảnh internet.

cánh hoa pétales (P), lá đài sépales (S), cánh môi labelle (L).

Đọc thêm :

-Trung Kiên, Sự tích hoa phong lan, sự ra đời của hoa phong lan, Chamlan.com 23.07.2018

- Dương Xuân Trinh, Người trồng lan, vuonhoalan.net

- An Dương, Kỹ thuật trồng và chăm sóc lan Trầm tím nở đúng dịp Tết rực rỡ đón Xuân, baomoi.com 17.10.2017

- Xuân Hoàng, Người sở hữu 3.000 giò lan tuyệt đẹp ở Quỳ Hợp, soha.vn, 28.06.2016

-Thành Hiệp, Người trồng lan bạch trinh biển đầu tiên, lãi 500 triệu đồng/năm, hoinongnhan.org.vn 01.08.2017

Đã đăng trên  Chim Việt Cành Nam 77 25.01.2019
******

  [ trang trước ]  /    [ trang sau]