Chim Việt Cành Nam           [  Trở về  ] 
Võ Quang Yến

CÂY NHÀ LÁ VƯỜN

Cây thuốc và vị thuốc

- Tập 4 -
39 - Cây vấp gỗ cứng
 Kèn Saranai bập bùng trong mờ ảo
Hận Đồ Bàn ai hát thật say sưa
Rừng cây kraik thẩn thờ buốn khôn tả
Lá tơ vàng thương tiếc hào quang xưa.
Dorohiem Chế Liên
Tục truyền vào thế kỷ XVII, ở nước Chiêm Thành có một cô con gái không chồng mà có con, bị cha mẹ cho là hư hỏng, la mắng đuổi đi, lại thêm hàng xóm hắt hủi, phải sống lang thang, ngủ dưới gốc cây, lượm lặt lúa rơi, ngắt hái rau hoang về ăn đởđói. Đứa con trai sinh ra sống lêu lổng, lớn lên làm nghề giữ trâu. Bị chế nhạo là con hoang, chàng xấu hổ bỏ nhà sang ở làng Hamubrâu bên cạnh. Ở đây cũng bị ghanh ghét, chàng lại tức tối dọn về làng Boh Muthuh gần Phan Rang (5). Có tài bắn cung lại nhờ tướng mạo vương giả, chàng được nhà chiêm tinh học của nhà vua Mahataha để ý và tiến cử vào triều. Vua không có con trai, nuôi chàng ăn học, còn gả ngay cả công chúa con mình làm vợ và sau cùng truyền ngôi báu cho chàng (2). Một tài liệu khác kể rằng trước cảnh loạn lạc, một người Thượng gốc Churư tên Thốt được dân chúng Chăm và người Thượng bầu ra làm lãnh tụ đứng ra dẹp loạn. Loạn dẹp xong, tù trưởng Thốt được dân chúng tôn lên làm vua (7). Dù sao vua Pô Rômê (từ danh từ Rama, tức là đức vua được thánh hóa, còn gọi Pô Ramê, Pa Rame), theo thiên niên sử của người Chăm, trị vì từ 1627 đến 1651. Bài ca tụng nêu lên vẻ đẹp vô song của ông : đầu bằng vàng, vai đùi bằng đồng thanh nhẵn bóng, tay đeo nhẫn lóng lánh, chân mang dày sáng loáng như những tia chớp, mặt ông chói lọi như vàng, trong suốt như nước thuần khiết (1). Là một vị vua sáng suốt, biết tổ chức, ông chăm lo đời sống nhân dân, nên đất nước sống trong thái hòa. Ông buộc các lãnh tụ tôn giáo Bà La Môn và Bani phải sinh hoạt chung với nhau, phân chia những ngày lễ lớn như các nghi lễ về nông nghiệp cho hợp lý để các thầy tế lễ và giáo dân đạo kia có thể tới tham dự. Nhiều đập nước lớn dẫn thủy nhập điền được xây dựng tại những nơi khô cằn và triền núi để nhân dân dễ bề canh tác. Nhà vua chọn Krong La (làng Palai Bacon, xã Hòa Trinh, thị xã Phan Rang bây giờ) làm kinh đô, cạnh sông Krong Binh, tức là sông Viêu. Nơi nầy trước kia là kinh đô cũ (Virapura) của vua Satyavarman, được trồng nhiều cây kraik (ta phiên âm cây krết) tượng trưng cho uy quyền nhà vua (7).

Vua Pô Rômê có ba vợ. Bà thứ nhất là hoàng hậu Bia Suthi (hay Bia Suchi (2), Bia Thanh Chik (5)) không có con, vua qua xứ Lào tìm thuốc để cho vợ có con nối dòng. Ông chẳng tìm ra thuốc nhưng trên đường lại gặp và đem từ Đắc Lắc về một bà vợ thứ hai, sắc tộc Ê đê (tức Radhé lúc trước) hay Koho (2), công chúa Bia Tan Chan (hay Bia Thăng Chăn (3), Bia Thanh Chanh (5), Bia Suncan (2)). Ông có phước với bà nầy vì không những bà đã cho ông nhiều con mà sau nầy bà là người vợ độc nhất chịu theo ông lên hỏa đàn khi ông chết và được hỏa táng (4). Năm 1629, nhân Văn Phong là một người Chăm nổi lên đánh phá các làng di dân người Việt tại Phú Yên, Sãi Vương Nguyễn Phúc Nguyên sai Nguyễn Phúc Vinh mang quân đánh dẹp và thành lập Trấn Biên Dinh, lấn sâu vào lãnh thổ Chiêm Thành tới chân núi Thạch Bi (đèo Cả). Sau thất bại nầy, Pô Rômê làm hòa và xin cưới con gái thứ ba của Sãi Vương là công chúa Ngọc Khoa (8) trở thành Bia Út, tước hiệu hoàng hậu Akaran (7). Ba bà vợ không hòa thuận với nhau và lắm khi nhà vua phải rời cung điện để tránh nghe nhũng cãi vả ồn ào hằng ngày (1). Có thuyết cho rằng công chúa Ngọc Khoa giả làm gái đi buôn qua Chiêm Thành. Vua nguyên là người hiếu sắc, nghe tin có người đẹp, liền cho triệu vào, say mê sắc chim sa cá lặn của nàng liền cưới làm vợ thứ ba (5). Bà nầy đặc biệt là đẹp nhất trong hàng cung phi mỹ nữ, được vua sủng ái vô cùng, duy phải cái tật hay làm nũng. Muốn được độc quyền tình yêu của nhà vua, thỉnh thoảng bà giả vờ đau, rên xiết, lăn lóc (8). Vua sai bốn ngự y giỏi lại hội chẩn, nghe tâu bà không có bệnh gì thì ra lệnh chém đầu cả bốn ông.

Theo giả thuyết cho bà bà là thám tử của chúa Nguyễn thì bà đã tìm hiểu cây kraik bảo vệ xứ sở là quan trọng đến bực nào và đòi vua chặt đốn cho được cây ấy. Sau một thời gian lưỡng lự, không chịu nghe lời khuyên ngăn của đình thần, của các nhà chiêm tinh, vua sai một trăm binh sỉ cầm rìu ra chặt cây nhưng chặt đến đâu thì vết thương hàn gắn ngay lại đến dấy. Tức giận, vua giật rìu dồn dập bửa vào cây thì máu phun ra và nghe cả tiếng rên. Vua la lớn :" Cây kraik, tại sao mày làm hoàng hậu ta đau khổ ? Làm sao ta để mầy sống được ? " Đúng vào sau câu hỏi ấy, cây quỵ sức sụp đổ, máu tràn lai láng trên đất (1). Cây bảo hộ bị đốn, như hết còn được phù hộ, năm 1651, trước một trận giáp chiến với quân Việt, trong khi quân sĩ và tướng tá chạy lên trốn ở đất người Thượng (4), chỉ một mình vua Pô Rômê ở lại kháng cự, bị bắt và hành hình. Cô con gái Pô Mum đem xác cha về hỏa táng và như đã nói, chỉ có Bia Tan Chan nhảy vào đống lửa hy sinh theo chồng, còn Bia Suthi thì lượm được một chiếc răng để thờ (1). Ngày nay Pô Rômê và bà hoàng hậu Bia Tan Chan được thờ trong một cái tháp xây trên một ngọn đồi cằn cỗi tại thôn Hậu sanh tức Palai Thươn, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Ngưòi lớn tuổi ở đây bảo đúng ra tháp Pô Rômê không phải xây ra cho ông vua nầy mà nguyên là tháp của vua cha vợ .... Còn bà hoàng hậu Bia Suthi thì được thờ trong một ngôi miếu nhỏ cạnh tháp. Chỉ còn thiếu bà hoàng hậu Bia Út, có thể đã được cho về nước lấy cớ thăm mẹ đau trước khi quân Việt tấn công Champa (5). Hàng năm, vào ngày lễ Katê, người Chăm lại đây cúng tế như ở tháp Pô Klaung Garai cạnh Phan Rang (3).

Trước đây hơn một thế kỷ, cây kraik lạ thường kia đã được một tác giả (1) địnhdanh là cây vấp Mesua ferrea Linn. thuộc họ Bứa (PHH) hay Măng cụt (ĐTL) Guttiferae (PHH) hay Clusiaceae (ĐTL). Mọc nhiều ở vùng Assam, Myanmar, Hymalaya, nó mang một số tên khác nhau : nahar, nahor, nagkassar, nagkesar, negkesar, nagkeshara, nagkeshor, nageshwar (Ấn Độ), bunga lawang (Nhật Bản), Pháp gọi nó bois d’anis, bois de fer, Anh Mỹ ironwood hay Indian rose chesnut. Là một đại mộc cao 10-20m, tàn rậm, nhánh nhỏ, cây có phiến lá tròn dài thon, chót nhọn, không lông, hoa cô độc, thơm, cánh hoa trắng, tiểu nhụy nhiều, bao phấn vàng, chỉ dính nhau ở đáy. Nó đặc biệt được tả là một cây có gỗ rất cứng trong số các cây vấp Mesua khác : vấp Clemens tức M. clemensorum, vấp sét M. ferruginea, vấp nhiều hoa M. floribunda, vấp trái to M. macrocarpa (PHH). Gần đây, theo một học giả khác (8) thì kraik là cây căm xe (tên Cao Mên kram kraham) Xylia dolabriformis Benth. Hay Mimosa xylocarpa Roxb., thuộc họ phụ Trinh nữ Mimosoideae, họ Đậu Fabaceae hay Leguminosae. Còn được gọi irul, pyinkado, mang tên X. xylocarpa (Roxb.) Taubert hay X. kerrii Craib. et Hutch, nó cũng là một cây đại mộc cao đến 25m, lá xoan hay bầu dục, không lông mặt trên, mặt dưới có lông thưa hay dày, trái cứng nâu đỏ, hột bầu dục, dẹp, dài. Gỗ nó đo đỏ cũng đuợc miêu tả là rất cứng (PHH). Chỉ so sánh về độ cứng của gỗ, cả hai cây nầy đều có khả năng là cây kraik. Còn nên xem xét thêm về mặt tính chất hóa học, dược học, duợc liệu và ứng dụng của chúng vì một cây linh thiêng như kraik ắt phải có ít nhiều dấu ấn gì đặc biệt.

Thật ra, cây X. dolabriformis hay X. xylocarpa (hai tên thường được dùng trong các bản báo cáo khoa học) tương đối ít được biết ngoài một số tài liệu học hỏi về tính chất gỗ cây để dùng nó làm giấy, đặc biệt về lignin, ảnh hưởng của nhựa lên sức chịu đựng của gỗ. Về thành phần hóa học, đã được tìm ra những ketomanoyl oxid, oxomanoyl oxid, sandara copimaradin -on, -ol, -diol trong gỗ, dolabri proanthocyanidin trong vỏ cây. Hột cây chứa đựng protein (albumin và globulin) gồm có nhiều amin acid cốt yếu trừ cystin và methionin, một số acid mỡ không bảo hòa mà nhiều nhất là linoleic acid. So sánh hai thành phần của protein, albumin gồm có nhiều isoleucin, cystin, methionin, tryptophan, threonin và ít leucin, lysin, phenylalanin, tyrosin, valin hơn globulin. Còn có những chất không dinh dưỡng là phenol tự do, tannin, phytic acid, hydrogen cyanid, trypsin. Dầu ép từ hột cây chứa đựng nhiều oleic, linoleic, behenic, lignoceric acid và chút ít palmitic, stearic, cerotic acid cùng phytosterol. Về mặt dược liệu, tính chất độc nhất được biết là sự ức chế kết dính tiểu cầu máu do serotonin gây ra của hydroxy pipecolic acid chiết xuất từ lá cây (15).

Cây Mesua ferrea được các nhà khảo cứu chú trọng đến nhiều hơn. Phần cây được học hỏi nhiều nhất là hột cây và dầu ép ra. Hột cây chứa đựng nhiều acid mỡ : myristic, palmitic, stearic, linoleic, arachidic, mammeisin, những coumarin là ferruol (cũng được tìm ra trong vỏ cây), mammeigin, mesuarin, mesuol có vị đắng. Đem hột cây ép thì có được một loại dầu nhớt vàng nâu có mùi khó chịu, chứa đựng nhiều acid mỡ đã thấy trong hột : palmitic, steraric, arachidic, oleic, linoleic, bên cạnh hexa decanoic, octa decanoic, octa decatrienoic acid, stearin. Mùi dầu có thể do các chất carbonyl như acetaldehyd, hexaldehyd, glyoxal mà lại. Dầu hột cây giàu acid mỡ có thể là một nguồn kỷ nghệ dầu, đem nhiệt phân thành dầu thắp. Thành phần của dầu hột còn là các amin acid : cystin, arginin, serin, citrullin, hydroprolin, prolin, alanin, methionin, phenylalanin, isoleucin, leucin. Cũng có thể chiết dầu từ những bộ phận khác của cây : dầu lá cây non giàu copaen và caryophyllen, dầu hoa cây giàu copaen và germacren, dầu vỏ cây giàu bisabolen và selinen. Ngoài ra, những mesua xanthon, những hydroxy, dihydroxy, methyl xanthon, euxanthon, cùng sitosterol đã được tìm ra trong gỗ cây, những mesua bixanthon, betulenic acid, epicatechin, pyrano jacareubin, những mesuferrol, flavonoid epicatechin, trong vỏ cây, một flavanon glycosid là mesuein trong lá cây, amyrin, mesuaferrol, những biflavonon mesuaferron, mesuanic acid trong nhị hoa, những triterpenoid, tanin, samonin và các chất đường trong hoa và nhị hoa. Nhị hoa được xem là thành phần môn thuốc cổ truyền Ấn Độ negkesar (19).

Về mặt dược liệu, cây Mesua ferrea cống hiến những chất mansuol, mensuon có tính chất kháng sinh, hữu hiệu nhất chống Staphylococcus aureus : nồng độ tối thiểu ức chế của mensuon là vào khoảng 30 g/cc tương dương với penicillin khoảng 0,30 g/cc còn mensuol thì quanh 1% so với penicillin (11). Những xa nthon như mensuaxanthon, jacareubin, calophyllin, dehydro cyclocyanidin đề có tác dụng làm suy nhược hệ thần kinh trung ương, có tính chất kháng viêm khi thử trên chuột, không có một tác dụng dược lý nào lên hệ thống tim mạch khi thử lên ếch và chó (16). Tinh dầu hột cây có tính chất chống hen suyển (13), khử vi khuẩn Pseudomonas solanacearum rất hữu hiệu (12). Được khảo sát về tính chất ngừa thai, dưỡng thai (14), hoa cây đem trộn với nhiều cây khác như hột tiểu hồi Foeniculum vulgare, hột kha tử Terminalia chebula, củ nga truật Curcuma zedoaria trong một liều thuốc cổ truyền Ấn Độ có khả năng ức chế 60% sự kết thai từ đấy tăng gia tỷ lệ hư thai với liều lượng 500 ml/kg trên chuột (17). Cây cũng được dùng trong cuộc chữa chứng khó tiêu và những bệnh ở thận (23). Một phần chiết của cây có tính chất ức chế tác dụng của pancreatic lipase ở tụy (25), của glucotransferase nên được cho vào thức ăn hay thuốc đánh răng chống viêm khớp răng (28), chống những vi khuẩn Gram âm, Gram dương và kỵ khí Trichophyton mentagrophytes, Candida albicans (22) nên được dùng trong một liều thuốc chống trứng cá (21), trong mỹ phẩm bảo vệ da (20) kích thích tóc mọc (26). Tinh dầu hoa cây rất thơm, nhờ những chất aldehyd, được dùng để ướp hương xà phòng (10). Hoa búp là một thuốc thiên nhiên nhuộm vàng (9). Dầu trong thuốc mỹ phẩm Krameris được chiết xuất từ hoa búp (1 kg) với hexan (4 lần 2 lít) đun sôi rồi đem tẩy màu với than và cho cô lại (14,5 g) (27) . Trong kỹ nghệ, dầu hột cây đã được dùng làm nhựa, vec ni, nhựa polyester và được xem là vật liệu rẻ tiền để tổng hợp dầu biodiesel (24).

Tuy người Chăm lúc trước chẳng biết những tính chất dược liệu nầy của cây kraik ngày nay được khoa học chứng minh, rất có thể họ đã dùng các bộ phận của cây trong các liều lượng như đã thấy trong nền y khoa cổ truyền Ấn Độ. Nếu thật vậy thì rất dễ hiểu kraik được xem như là cây bảo hộ xứ sở, tương đương với cây neem Azadirachta indica (6a) đã được người Ấn Độ tôn vinh là "nhà dược phẩm" trong làng. Bây giờ còn cần phải xác định kraik là cây nào và kiếm cách khai thác những tính chất dược liệu của nó trước khi người ngoại quốc lại dành ghi văn bằng sáng chế như đã thấy với cây neem Ấn Độ và nhiều cây khác trên thế giới (6b).

Nghiên cứu và Phát triển 1(54) (2006) 53-7
khoahoc.net 05.2007


Tham khảo

1- Antoine Cabaton, Nouvelles recherches, Hymne à Pô Ramé, Ernest Leroux Ed. (1901) Paris 112-4

2- Marcel Ner, Rapport. V- Trésors, traditions et vestiges chams. Traditions cham en pays kil, BEFEO (1930) 572-3

3- Trần Kỳ Phương, A la recherche d’une civilisation éteinte, nxb Thế giới (1993) Hà Nội 76-83

4- Bernard Bourotte, Histoire des Montagnards du Sud-Indochinois. Chute de la pricipauté des Che Ma, BSI (1) XXX (1995) 40

5- Ngô Văn Doanh, Tháp cổ Chămpa. Sự thật và huyền thoại, nxb Văn hóa-Thông tin (1994) Hà Nội 187-96

6- Võ Quang Yến a) Thuốc trị bá chứng từ cây sầu đâu, Thông tin khoa học và Công nghệ Huế (3) (1996) 3-34 ; b) Thuốc men thức ăn và văn bằng, Thông tin khoa học và Công nghệ Huế (3) 33 (2001) 37-42

7- Nguyễn Văn Huy, Tìm hiểu cộng đồng người Chăm tại Việt Nam. 7- Cố gắng tồn tại trong khó khăn, Thông Luận 174 (2003) 16-20

8- Hương Giang Thái Văn Kiểm, Trên đường Nam tiến theo dấu hai bà Ngọc Vạn và Ngọc Khoa, Nhớ Huế, Westminster, California 15 (2004) 75-86

9- C.D. Mell, Interesting sources of natural dyestuffs, Textiles Colorist 53 (1931) 30-2, 100-3, 187-90, 268-70

10- N.C. Deb, Chemical examination of the stearin from the seeds of Mesua ferrea Linn. (Nag-Keshor). I- Ind. Soap J. 8 (1941) 15-7

11- D.P. Chakraborty, M. Purkayastha, P.K.B. Bose, Antibiotic properties of some constituents of Mesua ferrea, Proc. Nat. Onst. Sci. India 25B (1959) 8-11

12- A. Kar, S.R. Jain, Antibacterial activity of some Indian indigenous aromatic plants, Flav. Ind. 2 (2) (1971) 111-3

13- M.B. Bhide, P.Y. Naik, R.S. Joshi, Studies on the antiasthmatic activity of Mesua ferrea, Bull. Haffkine Inst.5 (1) (1977) 27-30

14- P.K. Meherji, T.A. Chetye, S.R. Munshi, R.A. Vaidya, D.S. Antarkar, S. Koppikar, P.K.Devi, Sreening of Mesua ferrea (Nagkesar) for estrogenic and progestational activity in human and experimental models, Ind. J. Exp. Biol. 16 (8) (1978) 932-3

15- L. Mester, L. Szabados, M. Mester, N. Yadav, Identification of carbon-13 spectroscopy of trans-hydroxypipecolic acid, a new inhibitor of platelet aggregation induced by seretonin in the leaves of Xylia xylocarpa, Planta Medica 35 (4) (1979) 339-41

16- C. Gopalakrishnan, D. Shankaranarayanan, S.K. Nazimudeen, S. Viswanathan, L. Kameswaran, Antiinflammatory and CNS depressant activities of xanthones from Calophyllum inophyllum and Mesua ferrea, Ind. J. Pharm. 12 (3) (1980) 181-91

17- C. Seshadri, S.R. Pillai, Antifertility activity of a compound ayurvedic preparation, J. Sci. Res. Plants & Med. 2 (1-2) (1981) 1-3

18- D. Konwer, S.E. Taylor, B.E. Gordon, J.W. Otvos, M. Calvin, Liquid fuels from Mesua ferrea L. seeds oil, J. Am. Oil Chem. Soc.66 (2) (1989) 223-6

19- R. Banerji, A.R. Chowdhury, Mesua ferrea : chemical constituents and biological activity, Ind. J. Forestry15 (3) (1993) 207-11

20- K. Kose, T. Ikeda, K. Kondo, S. Uehara, Mesua for skin cosmetics, Jpn. Kokai Tokkyo Koho JP 10265361 (1988) 8 tr.

21- E. Bombardelli, A. Cristoni, P. Morazzoni, R. Seghizzi, Pharmaceutical and cosmetic antiacne formulations containing plant extracts (Krameria triandra or Mesua ferrea), PCT Int. Appl. WO 9817293 (1988) 14 tr.

22- E. Bombardelli, P. Morazzoni, Pharmaceutical and cosmetic formulations with antimicrobial activity, PCT Int. Appl. WO 9817294 (1988) 13 tr.

23- T.J. Dennis, K. Akshaya Kumar, Constituents of Mesua ferrea, Fitoterapia 69 (4) (1988) 291-304

24- B.K. De, D.K. Bhattacharya, Biodiesel from minor vegetable oils karanja oil and nahor oil, Fett Lipid 101 (10) (1999) 404-6

25- N. Gowéadia, T.N. Vasudevan, Studies on effect of some medicinal plants on pancreatic lipase using spectrophotometric method, Asian J. Chem. 12 (3) (2000) 847-52

26- O. Nakaguchi, M. Katsada, M. Matsuyama, T. Hashigaki, T. Sakano, K. Onishi, Y. Yamaguchi, Y. Okamoto, Plant active ingredient or extract for hair restoration, Jpn. Kokai Tokkyo Koho JP 2001031528 (2001) 10 tr

27- Indena S.P.A. Italy, Pharmaceutical and cosmmetic formulations with antimicrobial activity, Cont-in-part of U.S. Ser. N0 254 .038 (2001) 5 tr

28- K. Oshima, T. Mitsunaga, Glucosyltransferase inhibitor containing specified plant extracts, Jpn. Kokai Tokkyo Koho JP 2002187843 (2002) 9 tr

 

[ trang trước ]  /    [ trang sau ]