Chim Việt Cành Nam           [  Trở về  ] 
Võ Quang Yến

CÂY NHÀ LÁ VƯỜN

Cây thuốc và vị thuốc

- Tập 2 -
12 - Bắp nướng than hồng
Bắp non nay đã trổ cờ
Gặp người quen biết ngó lơ không chào.
Ca dao
Tôi chắc từ nhỏ, trẻ em ở vùng nào trong nước ta cũng đã từng chạy theo những trái bắp nướng trên than hoặc chỉ nấu trong nước. Nướng hay nấu, bắp có trạng thái đặc cứng khác nhau, mùi vị riêng biệt của một thức ăn điền dã mà chắc lớn lên mấy ai quên được. Có nơi ăn bắp non với mỡ hành. Có người nghiền thành bột làm bánh tráng, khi nướng thơm phứt. Tôi thì nhớ mãi chén chè bắp mềm ngọt mà mỗi khi học xa về, mạ tôi để dành cho một vài chén bù vào những miếng cơm độn bắp già cứng nhắc những năm 40, nhai mãi không nuốt được.... Tuy vậy, được mùa chớ phụ bắp khoai, dân ta đã từng biết đói, đâu có quên ơn thức ăn những ngày khó khăn.

Chữ bắp chỉ được thông dụng trong Nam. Ở ngoài Bắc, người ta thường dùng chữ ngô. Vậy thì bắp hay ngô ? Dược sĩ Bùi Kim Tùng giải thích : "Vào thế kỷ thứ 16, vua Lê cử ông Phùng Khắc Khoan (tức Trạng Bùng là tên nôm làng Phùng Xá) đi sứ sang Trung Quốc (1597, nhà Minh). Ông Trạng Bùng thấy dân Trung Quốc trồng một loại lương thực lạ có hạt tròn bóng như ngọc gọi là ngọc mễ. Ông Trạng Bùng bèn ra lệnh lén lút đem hạt giống về nước. Vì thế ngọc mễ được gọi là hạt ngô (nước Ngô thuộc Trung Quốc). Tới thời Ngô Quyền, người ta kiêng chữ ngô nên gọi là bắp" (BKT). Chắc là có ai trước ông Trạng Bùng đem ngô về nước vì Ngô Quyền trị vì giữa thế kỷ 10 ! Hay là muốn tránh tên một ông Ngô nào đó sau thế kỷ 16. Theo Lê Quý Đôn trong Vân đài loại ngữ thì "hồi đầu Khang Hy (1662-1762), Trần Thế Vinh, người huyện Tiên Phong (Sơn Tây, phủ Quảng Oai) sang sứ nhà Thanh, mới lấy được giống lúa ngô đem về nước ; suốt cả hạt Sơn Tây, nhờ có lúa ngô thay cho cơm gạo". Thuyết nầy dời lại ít lâu cuộc nhập tịch ngô vào Việt Nam nhưng cũng không giải thích tại sao ngô lại được gọi là bắp. Người Minh thấy cây ngô giống cây thục thử (cây kê nước Thục) hay cây "cao lương" nên gọi nó là "ngọc thục thử" vì hạt như hạt ngọc. Sách Bản thảo cương mục đã tả nó như cây Ý dĩ, có râu trắng trên cái bọng giữa cây, bọng nứt thi lòi hạt ra, chi chít sắc vàng, trắng, đen, rang lên ăn điều trung khai vị (hòa ở trong mình, làm cho muốn ăn). Lê Quý Đôn đặt tên nó là "Ngô hòa" hay "lúa Ngô". Sách Đại Nam nhất thống chí nói nó đem từ Tây Phiên (các nước Phiên ở phương Tây) đến nên có tên "Phiên mạch", cho biết Trịnh Hoài Đức trong Gia Định thành thông chí đặt tên "hoàng mạch" hay "hoàng thúc" (thúc là một loại hạt nhỏ như hạt đậu) và gọi nó "ngọc cao lương" tục danh "lúa bắp", không nói đến tên "lúa ngô". Có thể giản tiện giải thích gọi là bắp vì hình trái giống cái bắp như bắp cày, bắp chuối, bắp cải, bắp tay, bắp chân .... (5)

Dù sao có thể hiểu bắp là từ Trung Quốc mà qua nước ta. Nhưng chưa biết bắp từ đâu được đem sang Trung Quốc. Rất có thể những người Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha mang nó từ Nam Mỹ trước về Âu châu, sau qua Phi châu, Á châu. Ngày nay người ta biết bắp là từ một giống mọc hoang được đem về trồng và ghép lai từ hàng ngàn năm nay. Nó là thứ ngũ cốc được chọn lựa, thí nghiệm, thay đổi tính di truyền nhiều nhất. Sở dĩ nguồn gốc của nó được bàn cãi xôn xao vì một đằng đó là một dịp cho các nhà di truyền học và thảo mộc học khảo cứu sự hiện hình hiếm có của một giống cây mới, đằng kia tìm hiểu cách trồng trọt và chọn giống là học hỏi sự phát triển của một dân tộc. Đề tài nầy tất nhiên huy động nhiều giới khảo cứu viên đủ ngành. Từ cuối thế kỷ 19, nhà thảo mộc Thụy Sĩ Alphonse de Candolle đã làm bản kê khai những vùng nguyên gốc cây được trồng. Đầu thế kỷ 20, một nhà thảo mộc khác, Nicolai Ivanovitch Vavilov, người Nga, chạy tìm khắp thế giới những cây có ích trồng được. Chính ông đã hiểu nguồn gốc một cây là nơi có nhiều cây ấy nhất và xác định bắp phải bắt nguồn từ miền Trung Mỹ. Sau Vavilov, nhiều nhà thảo mộc Hoa Kỳ lưu tâm đến đề tài nầy và đưa giả thuyết bắp là từ giống hoang teosinte (từ tiếng Azteque teocentli) tức Euclania mexicana, một cây rơm mọc ở Mexico, Guatemala, Honduras mà lại (1). Vào giữa thế kỷ 20, nhà di truyền học George Beadle, cộng tác với R.A. Emerson ở Viện Đại học Cornell, cho giao hợp teosinte với bắp và đạt được nhiều giống lai có khả năng sinh sản. Cũng vào thời ấy, Paul Mangelsdorf, ở Viện Đại học Chapel Hill (North Carolina), cho bắp quá khác teosinte để có thể từ teosinte mà ra (2). Theo ông, bắp phải bắt nguồn từ một giống hoang có hình thái giống bắp hơn còn teosinte thì chỉ có thể là một cây lai giữa bắp và một giống sơ khai gọi là Tropsacum. Lẽ tất nhiên Beadle không đồng ý. Cuộc tranh luận bắt đầu từ đây.

Không bào chữa ngay giả thuyết teosinte, Beadle bỏ công khảo cứu những quan hệ cơ bản giữa DNA và những protein mà kết quả đưa ông đến giải Nobel sinh lý và y học năm 1958. Trong lúc ấy, cộng tác với nhà khảo cổ học Richard McNeish, Mangelsdorf chạy tìm những bằng chứng cho khẳng định của mình. McNeish quan tâm đến nguồn gốc canh nông ở châu Mỹ và cuộc thăm dò đã đưa ông đi lục soát những hang động, những hầm trú ẩn trong hóc đá. Năm 1963, khám phá đặc sắc nhất của ông tại Coxcatlan và San Marcos ở hai thung lũng Tehuacan và Oaxaca là khoảng 100 mảnh bông bắp để lại từ năm 5600 trước Công nguyên. Cạnh đấy, cũng ở miền Nam Mexico, thung lũng Balsas thì lại cống hiến những mẫu hoang teosinte. Theo họ, rõ ràng bắp ngày xưa tuy nhỏ hơn bắp ngày nay, cả hai giống nhau về mặt hình thái : trục (rachi) cứng mang nhiều hàng hột, mày (glume) bao hột thì tương đối mềm ; trái lại, trục teosinte mềm dẻo, chỉ mang hai hàng hột, còn mày cứng giữ kỹ hột. Bên phần Beadle, vẫn luôn trung thành với giả thuyết của mình, năm 1970, cộng tác với những nhà sinh vật học, khảo cổ học và dân bản xứ ở Mexico, ông mở chiến dịch "Săn tìm đột biến teosinte" và thu lượm được 70 kg hột, không chứng minh được gì, nhưng đem gieo và hợp giống những hột nầy với nhau, ông phát minh ra chỉ có 5 gen thiết lập khác biệt hình thái giữa teosinte và bắp.

Trong thập niên 80, John Doebley ở Viện Đại học Minnesota, khảo cứu những biến thể trong bộ gen viên lục (chloroplaste) của teosinte và bắp cùng những biến dị của hai giống, xác nhận những kết luận của Beadle : quần thể teosinte mọc trong thung lũng Balsas không khác gì bắp xứ Mexico. Ông còn chứng minh teosinte đem trồng đã cho hột vượt qua được đấu (cupule) gắn nó vào trục và ra thoát khỏi mày cứng cấm tù nó. Năm 1989, cộng tác với Austin Long ở Viện Đại học Arizona, Bruce Benz ở Viện Đại học Wesleyan (Texas), ông bỏ công tìm kiếm những bằng chứng cho cuộc thuần dưỡng teosinte về mặt khảo cổ học : họ chỉ tìm ra được những mẫu bắp xưa 3500 năm trước Công nguyên, nghĩa là 2000 năm sau những mẫu của McNeish và nghi hoặc cách định ngày của ông nầy. Nhưng đầu năm 2001, Dolores Piperno, ở Viện Smithsonian, và Kent Flannery, ở Viện Đại học Michigan, xác định được 3 mẫu bắp trong một hang động ở Guila Naquitz, thung lũng Oaxaca, sống 4250 năm trước Công nguyên. Có thể xem đây là những mẫu xưa nhất tìm được ở Nam Mỹ (6). Cuộc tranh cãi kéo dài rất lâu, hiện chưa ngã ngũ rõ ràng tuy giả thuyết teosinte có phần thắng thế. Beadle vượt ra khỏi những bằng chứng khoa học, còn cống hiến những luận chứng về ngôn ngữ, tập quán : teocentli có nghĩa là "bông bắp của thượng đế" chứng minh người Azteque thấy có liên quan giữa teosinte và bắp. Đằng khác, ở nhiều nơi trong nước Mexico, teosinte được gọi là madre de maiz nghĩa là "mẹ của bắp", nói lên ký ức văn hóa của ngưới dân bản xứ.

Ngoài phẩm chất dinh dưỡng, bắp sấy khô dễ chuyên chở và tích trữ lâu ngày. Nhờ nó mà những dân tộc Asteque, Maya, Inca,.... lập nên được sự nghiệp to lớn vào những thế kỷ XIV, XV trước khi người Tây Ban Nha bước chân lên đất Nam Mỹ. Những kim tự tháp của người Maya ở Yucatan, những bức tường khổng lồ của dân Inca ở thành Cuzco,.... đang còn đó để chứng minh bắp thịt cứng rắn của những người ăn bắp. Trong danh sách triều cống dâng cho vị vua Azteque cuối cùng Montezuma, thấy có quy định số bắp hằng năm 20 tỉnh trong vương quốc phải nộp là 300.000 thưng. Thổ dân có thể nhập cảng bắp từ miền Nam Mexico rồi cho thích nghi vào thủy thổ những vùng ôn đới, nhiệt đới ở Nam Mỹ. Vẫn biết những phương pháp chọn lựa, ghép lai hiện đại ngày nay đã tạo ra những loại bắp với năng suất vô cùng cao, thích hợp với đủ loại khí hậu, chống chỏi được nhiều bệnh tật cũng như sâu bọ, cuộc sáng tạo những mẫu bắp trồng với những kỹ thuật thô sơ của thổ dân châu Mỹ trước đây quả là một thành công xuất chúng của con người trong công cuộc thích ứng đời sống với thiên nhiên. Chọn cây hoang đem về trồng rồi cải tạo cho nó đem lại nhiều năng suất chứng minh lương tri con người : từ cuộc sống săn-hái qua canh nông có tổ chức là một bước lớn của nhân loại, m†i nơi trên hoàn cầu.

Trên thế giới ngày nay, với số lượng sản xuất hằng năm khoảng 600 triệu tấn, trị giá trên 50 tỷ USD/Euro, bắp là tài nguyên canh nông sắp hạng nhì sau lúa mì. Trực tiếp hay gián tiếp nuôi 15-20% nhân loại, nó được trồng trong 70 nước, chiếm hơn 120 triệu ha, từ những nơi cao độ thấp như quanh biển Caspienne đến những vùng đồi núi vượt quá 4.000m trong dãy núi Andes, từ những nơi bán-khô (lượng mưa dưới 400mm) như Trung Mỹ đến những vùng ẩm ướt (lượng mưa trên 2.000mm) như Đông Nam Á. Sau cách thức thô sơ chọn lựa bông bắp theo những chỉ tiêu hình thái hay sinh vật học, dễ thực hiện nhưng ít có hiệu quả, ngày nay nhiều phương pháp tối tân hơn đã được sử dụng. Chẳng hạn phương pháp "bông gieo theo hàng" (épi à la ligne) dựa lên kết quả cây bắp thế hệ sau, sau hơn một thế kỷ thực nghiệm đã làm tăng dầu trong bắp từ 4,5 lên 16,6%, protein từ 10,9 lên 26,6%. Tiếp sau là các cuộc chọn lựa "quặc ngược lũy tích" (récurrente cumulative) nhắm đạt một giống lai ưu thế (heterosis), những phương pháp "tạp giao đỉnh ngọn" (top-cross), "tạp giao thuận nghịch" (croisement diallèle) cho giao phối nhiều mẫu hòng cải thiện với những tính chất hay ho ở các mẫu khác, đưa đến những loại bắp dễ thích nghi với khí hậu hay biết chống lại được bệnh tật như chứng làm khô lá (minthosporiose).... Sau 20 thế hệ, nhiều phối hợp đã cho đạt đến 15.000 bắp lai đơn, đôi hay ba tùy theo đã dùng hai, ba hay bốn giống. Trong tương lai dần dần những cuộc hợp lai đều được thực nghiệm trong phòng thí nghiệm. Muốn đạt được một mẫu có có đủ điều kiện đem ra trồng, phải thử nghiệm khoảng 10.000 cuộc hợp lai. Có điều là ngày nay, người ta không chỉ bằng lòng với một cuộc chọn lọc hay hợp lai. Để hạ bớt số thực nghiệm, nhiều phương hướng mới đang được khảo sát : sớm dò giống lai ưu thế để hướng dẫn các mẫu, nuôi trồng viên lục nhiều loài để cho hợp với nhau như táo với lê hay cà chua với khoai...., lai giống khác loài như với bắp khác xứ hay teosinte với bắp, phát sinh đột biến với hoá chất hay tia gamma,.... và vận động di truyền (4) .

Trong mục đích chống sâu bọ, tăng năng suất, người ta thực hiện những cuộc chuyển đổi di truyền. Loại bắp Novartis chẳng hạn mang thêm trong cây một gen lấy từ vi khuẩn Bacillus thuringiensis, có khả năng sản sinh một độc tố. Độc tố nầy là một chất sát trùng sinh hóa học, có khả năng tiêu diệt bướm ống (pyrale) thuộc một loại sâu cánh phấn (lepidoptere) mà ấu trùng ăn hại bắp. Lợi ích loại bắp nầy là tự nó chống lại sâu bọ, không cần dùng thuốc trừ sâu hóa học. Mới xem thì thấy phương pháp thần hiệu nầy thật là sạch sẽ đối với môi trường sinh thái. Trong thực tế, cây có gen mới nầy có thể ghép lai với những loại cỏ hoang dại cùng loại và cho phát sinh những cỏ hoang biết chống lại sâu bọ. Điển hình là trường hợp cây cải dầu (colza) mang gen khử trùng, nó bất thường ghép lai với cỏ hoang như củ cải dại (ravenelle), truyền cho cỏ nầy tính chất khử trùng và cỏ mặc sức mọc, lấn áp cả cải dầu ! Vẫn biết bắp không ghép lai với bất cứ một loại cây nào khác mà chọn những cây có bộ gen gần giống nó. Đây là lời cảnh cáo cho hội đồng ban giấy phép vì hiện có bốn mẫu ngoài Novartis đang chờ đợi được khai thác. Ngày nay ở Pháp, cây cải dầu mang gen chưa được ban giấy phép cũng như cây củ cải đường mang gen vì thấy nó phối hợp với một loại củ cải đường hoang gọi là củ cải đường biển. Câu hỏi là liệu những dữ kiện khoa học, kỹ thuật có vượt trội lên trên những lợi tức kinh tế không ?

Bắp hay ngô còn được gọi má khẩu lý (Thái), hờ bo (Ba Na), mang tên khoa học Zea mays L., thuộc họ Lúa Poaceae hay Gramineae. Anh, Pháp thường gọi nó là mais từ danh từ xưa maiz, người Mỹ có tên corn. Nó là một cây trồng khắp nơi, chỉ sống một năm, cao 1-2 m, lá mọc so le, hình dải, dài, hoa đơn tính cùng gốc : hoa đực nhỏ, mọc thành bông ở ngọn, hoa cái mọc sít nhau, được nhiều lá bắc to bao, vòi nhụy dài, quả dĩnh, hạt nhiều, xếp thành hàng. Mùa hoa quả nằm vào tháng 4-6, hoặc tùy thuộc vào mùa gieo trồng trong năm (VDL). Ở Việt Nam ta, bắp là một cây lương thực trồng rất phổ biến, nhiều nhất ở miền núi. Hột bắp nếu không nướng, nấu để ăn, thì dùng để nấu rượu, làm tương, thân lá tươi làm thức ăn cho súc vật (LTĐ). Có nhiều loại bắp, thường được xếp theo hạng bắp tè (trắng, mềm), bắp nhỏ (ít tinh bột, ăn cả lõi như rau), bắp nếp (dẻo hạt), bắp vàng (hạt cứng nhưng sản lượng cao nên dùng cho gia súc). Hột bắp nấu lâu thì bung ra nên gọi là bắp bung. Bắp bung, xôi nếp, hành phi, bột đậu xanh hấp hợp nhau lại thành xôi lúa là một thức ăn bình dân, thông dụng mà thơm ngon, hấp dẫn lại thêm bổ sức vì chứa đựng nhiều glucid và protein. Nung hột bắp trong hộp kín lên nhiệt độ cao rồi mở nắp lanh khiến áp suất thay đổi đột ngột, nó vừa bung vừa nổ nên gọi là bắp nổ, còn có tên bỏng bắp tức popcorn của người Mỹ (BKT).

Hột bắp chứa flagellat, abscisin, (%) protein (7-12) cùng lysin (1,8-4,45) và tryptophan (0,4-1,0). Phần chính protein-polysaccharid trong vỏ hột là hydroxyprolin và những amin acid : serin, threonin. Lá và hột bắp nẩy mầm chứa indol butyric acid nội sinh ở dạng tự do hay ester. Octenol là chất được tìm ra trước nhất trong số những chất dễ bốc hơi của bắp dự trữ. Phấn hoa chứa những flavonoid như isohamnetin, quercetin và quercetin-3-glycosid, một trong những flavonol có nhiều nhất trong các tổ chức cây cỏ. Phần chiết đầu nhụy chứa đựng mazenic acid (2-2,5%) bên cạnh hai phytosterol là sitosterol và stigmasterol dưới dạng acetat. Đầu nhụy và vòi nhụy đem chiết rượu thì có được 2,05-2,97% flavonoid, dưới dạng glycosid, hai sapogenin là sitosterol, oleanic acid và chất đường trong phần saponin là rhamnose. Thân bắp ủ chứa (g/kg) cellulose (193-238), lignin (8-29), protein và amin acid : lysin, arginin, leucin, proilin, glutamic acid. Đường trong hemicellulose nhiều nhất là (g/g) xylose bên cạnh arabinose (0,17), galactose (0,06) và mannose (0,01). Cám bắp chứa đựng (%) nhiều phenolic acid (4), gồm có phần lớn ferulic và diferulic acid, heteroxylan (50) bên cạnh cellulose (20). Dầu hột bắp chứa tocopherol, sitosterol và propyl gallat. Trong mầm bắp thì chỉ có tocopherol. Carotenoid trong bắp là zeaxanthin, thành phần điểm vàng ở võng mạc, có nhiệm vụ che chở chống những gốc tự do của oxy phát xuất từ ánh sáng. Phần chiết ether dầu hỏa phát hiện provitamin A. Khoáng chất, kim loại trong bắp là Na, K, Mg, Ca, Fe, P, S và Cl.

Nhờ tính chất ức chế protease, bắp cũng như đậu, gạo, có khả năng ngăn chận ung thư vú, da, ruột kết ở thú vật và một cuộc khảo cứu dịch tể học cho thấy thức ăn gồm nhiều loại ngũ cốc nầy giảm hạ ung thư vú, tiền liệt, ruột kết con người (9). Phần chiết hột bắp với ethanol có tính chất chống vi khuẩn, kháng cự Staphylococcus aureus(10). Người Tàu ngâm hột bắp (cũng như gạo, đậu, lúa miến, khoai lang,....) trong nước cây (táo, đào, thơm,....) và cho lên men để chế rượu bổ và thơm (16) hay giấm (14). Họ cũng dùng vòi nhụy cho trộn với bột bầu bí, dâu tằm, sinh địa, kỷ tử, cám mì, đại mạch, sơn dược, cỏ ngọt cùng nhiều loại ngũ cốc.... để làm thuốc giảm đuờng trong máu (12). Để chữa chứng viêm gan B và C, người Nga đề nghị một hỗn hợp nhiều cây thuốc chứa lectin : đầu nhụy bắp, lá hoa xôn, lá liễu rủ, lá hương phong, lá bạc hà, hoa xu xi, bạc hà mèo (17). Ở Nam Mỹ, vòi nhụy và đầu nhụy bắp, thường được gọi "pelos de choclo" hay "barba de choclo", được đem sắc uống làm thuốc thông tiểu tiện và chữa áp suất trước kinh nguyệt (13). Bên Iran, rau bắp được trộn với nhiều cây khác để uống thải sỏi thận (18). Bột bắp được cho trộn với đào gai, gừng khô, vỏ cam khô, kỷ tử thành thuốc cho vào thức ăn bổ sức (15). Từ lâu, hột bắp cũng như gạo, khoai, đã được dùng làm giấy vấn thuốc (7). Người ta cũng lấy dầu bắp chứa đựng chất diệt khuẩn để dùng trong mỹ phẩm xà phòng cạo râu (8).

Trong Đông y, râu bắp và ruột cây bắp vị ngọt, tính bình, có tác dụng lợi tiểu, tiêu thủng, thông mật, cầm máu. Chữa huyết áp cao : uống nước luộc bắp hằng ngày, mỗi ngày 2-3 lần, mỗi lần vài bát, uống liền 2-3 tháng. Chữa đái đường : uống mỗi ngày 20-30g bột mầm bắp khô trong nước sắc đọt khoai lang đỏ hay hằng ngày ăn chè bắp sữa nấu với củ mài, đồng thời ăn rau lang đỏ nấu canh. Chữa phù thũng, viêm thận cấp, đái đỏ hay viêm gan tắc mật, đái vàng và da vàng : 40g râu bắp, hay 150g ruột cây bắp sắc uống (VDL). Mầm bắp sấy khô, tán bột, chứa đựng nhiều enzym tiêu hóa, được dùng để trị các bệnh chậm tiêu, đầy bụng, đi tiêu phân sống (BKT). Ngoài sitosterol, stigmasterol, saponin, K (0,028g và 0,532g/20g), vitamin C, râu bắp chứa tới 1600 đơn vị sinh lý vitamin K nên có thể phối hợp nó với sinh tố nầy để làm thuốc cầm máu. Để chữa những bệnh về tim, đau thận, tê thấp, sỏi thận, viêm túi mật, viêm gan với hiện tượng trở ngại bài tiết mật, có thể dùng bắp dưới hình thức thuốc pha hoặc nấu sôi, hay chế thành cao lỏng, mỗi ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 30-40 giọt trước bửa ăn (ĐTL). Không phải tình cờ mà Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã có đo lường protein và amin acid 16 loại bắp để xác định giá trị sinh vật học của chúng (11).

Bắp không chỉ là cây lương thực ở nước ta mà còn lẫn lộn với chuyện thần linh. Ai mà không biết sự tích cây nêu ngày Tết. Thuở ma quỷ chiếm toàn mặt đất, dân chúng chạy cầu cứu đức Phật. Ngài khuyên dân chúng thương lượng với ma quỷ đổi một gánh bắp lấy một mảnh đất to bằng một bóng áo. Thấy đòi hỏi không có gì lớn lao, ma quỷ đồng ý. Phật liền bảo gài một cái áo trên đầu một cây tre rồi vận thần thông cho tre vươn lên trên trời cao. Bóng áo đổ xuống chiếm toàn mặt đất. Từ đấy ma quỷ hết còn làm chủ trên mặt đất. Và cũng từ đấy, mỗi khi Tết đến, dân chúng dựng cây nêu để cho ma quỷ khỏi về. Qua phần văn nghệ, trong câu hò giả gạo ở Huế, bắp cũng là đề tài để phe nữ thử tài phái nam : Trong trăm thứ bắp có bắp chi là bắp không rang ? Và câu trả lời cũng láu lỉnh không kém : Trong trăm thứ bắp, lắp bắp mồm, lắp bắp miệng là bắp không rang.... Nhưng đối với người Huế hay, nói chung, những người yêu Huế, hoa bắp là một trong những hình ảnh Huế mà chàng thi sĩ đa tình Hàn Mặc Tử đã gợi lên trong bài thơ Đây thôn Vỹ Dạ bất hủ từ thuở tiền chiến :

Gió theo lối gió, mây đường mây,
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay....

Nghiên cứu và Phát triển 3(46)2004, 
khoahoc.net 06.01.2005
Tham khảo

1- H.G. Wilkes, Teosinte : the closest relative of maize, The Bussey Institution Of Harvard University (1967)

2-P.C. Mangelsdorf, Corn, its origin, evolution and improvement, Press of Harvard University (1974)

3-G. Beadle, L'origine du maïs, Pour la Science (3) (1980) 59-71

4-J.P. Gay, Le mais, La Recherche 18 (1987) 459-66

5- TÓ Am NguyÍn Toåi, Cây lúa b¡p hay lúa ngô, Thông tin Khoa h†c và Công nghŒ 22(4) (1998) 162-6

6- Bruce Benz, La domestication du mais, La Recherche 348 (12) (2001) 25-29

7- O.P. Kohre, Cigaret paper, DE 598550 19340613 (1934)

6- Standard Branchs,Inc., Antiseptics, GB 423354 19350122 (1935)

9- W. Troll, R. Wer, Protease inhibitors : possible anticarcinogens inedible seeds, Prostate4(4) (1983) 345-9

10- C. Perez, C. Anesini, Antibacterial activity of alimentary plants against Staphylococcus aureus growth, J. Chin. Med. 22(2) (1994) 169-74

11- Khoi Bui Huy, M. Hidvegi, R. Lasztity, A. Salgo, L. Sarkadi, Biological nutritive value of protein of Vietnamese maize varieties, Per. Polyt. Chem. Eng. 38 (3-4) (1994) 209-17

12- Y. Zhu, L. Zhou, Hypoglycemic granules, Faming Zhuanli Shenqing Gongkai Shuomingshu CN 1154857 A 19970723 (1997) 12tr.

13- A. Sosa, R. de Ruiz, E.L. Rosa, M.del.R. Fusco, S.O. Ruiz, Flavonoids and saponins from styles and stigmas of Zea mays L. (Gramineae), Acta Farm. Bonaerense16(4) (1997) 215-8

14- X. Li, Preparation of fruit vinegar, Faming Zhuanli Shenqing Gongkai Shuomingshu CN 1180743 A 19980506 (1998) 9tr.

15- K. Tang, Preparation of health food, Faming Zhuanli Shenqing Gongkai Shuomingshu CN 1180495 A 19980506 (1998) 3tr.

16- F. Sun, Fruit-grain wine, Faming Zhuanli Shenqing Gongkai Shuomingshu CN 1267717 A 20000927 (2000) 3tr.

17- A.A. Korsun, E.V. Korsun, E.N. Yagovdik-Telezhnaya, Agent for treatment of viral hepatitis B and C and method of treatment, RUXXE7 RU 2185185 Cl 20020720 (2002)

18- M. Al-Ali, S. Wahbi, H. Twaij, A. Al-Badr, Tribulus terrestris : preliminary study of its diuretic and contractile effects and comparison with Zea mays, J. Ethnophar. 85(2-3) (2003) 257-60 

 

[ trang trước ]  /    [ trang sau ]