Tiếng Pháp và nền học chính tại Đông Dương [1]

Tác giả : E. Aymonier

Giám đốc Trường Thuộc Địa,
Thành viên của Hội Đồng quản trị Hội Pháp Văn Liên hiệp
(Directeur de l'Ecole Coloniale, 
Membre du Conseil d'Administration de l'Alliance Française)
------
Dịch và chú giải : Lại Như Bằng

***
Mục Lục
- Lời giới thiệu

- Tác giả Aymonier

- Phần I - Thông tri đọc tại Hội nghị thuộc địa quốc tế, ngày 31 tháng 7 năm 1889

- Phần II - Thông tri đọc tại Hội nghị thuộc địa quốc tế, ngày 11 tháng 12 năm 1889

- Phần III

- Phụ lục
1. Nghị định bắt buộc chỉ dùng chữ cái Pháp trong các văn kiện chính thức viết bằng tiếng An Nam ( Le Myre de Vilers - 1882).
2- Thông tư Nha Nội Vụ (Circ. D. I. ) : Phải tôn trọng quyền lựa chọn của cha mẹ trong việc cho hay không cho  con em đền trường học (25 tháng Sáu năm 1877)

*
- Bài phản bác của Emile Roucoules: 
Tiếng Pháp , Quốc-ngữ và nền Học chính tại Đông Dương - Trả lời Ông Aymonier
[ PDF : Phần I - II - III bài của Aymonier ] ----- [ PDF : bài phản bác của Roucoules ]
***
Lời giới thiệu :
 

* Chữ "quốc ngữ" hay chữ Việt viết với chữ cái la-tinh đã được các giáo sĩ truyền giáo sáng tạo ra để dùng như một công cụ truyền đạo. Vào cuối thế kỷ thứ 19, ngay từ khi bắt đầu cai trị các vùng mới chiếm đóng, nhà cầm quyền Pháp tại Việt Nam muốn dùng thứ chữ này thay thế chữ nôm, làm phương tiện giao lưu với dân bản xứ. Thời đó, mọi người đều công nhận thứ chữ này là một công cụ thuận lợi để dạy tiếng Việt cho các viên chức cai trị Pháp. Nhưng việc phổ biến chữ "quốc ngữ" cho toàn xứ , xem chữ quốc ngữ là chữ chính thức trong mọi công văn hành chính, đã không được sự đồng thuận nhất trí của giới thẩm quyền Pháp. Cuộc tranh luận xảy ra rất sôi nổi.

Sau đây là quan điểm của Aymonier , cũng là đường hướng tiêu biểu của phe chống đối chủ trương phổ biến chữ "quốc ngữ".

Bài phát biểu của Aymonier đặt ra hai vấn đề: 1. Khả năng phát triển của tiếng Việt. 2. Vì quyền lợi lâu dài của nước Pháp, nên phổ biến "chữ quốc ngữ" hay nên "Pháp hóa" người Việt ?

Aymonier là một trong những người Pháp thuộc địa, dù đứng trên lập trường bảo vệ quyền lợi của nước Pháp, tìm cách củng cố nền thống trị của người Pháp, đã dùng những từ "Phe kháng chiến quốc gia" ( Le parti de la résistance nationale), "người An Nam yêu nước" (patriotes annamites), để chỉ những người chống lại Pháp (thời đó là phong trào Cần vương),đã dự đoán ngay từ đầu thời Pháp thuộc là về lâu dài Pháp sẽ bắt buộc phải trả lại quyền tự chủ cho người Việt. Do đó, mục tiêu ông thấy cần phải đạt tới là làm sao biến người Việt thành người Pháp-Á-Đông. Nếu tất cả người Việt, nhất là giới bình dân vốn là đại đa số, nói tiếng Pháp (dù là thứ tiếng Pháp "biến thể" , thô sơ, "tiếng bồi"), suy nghĩ như Pháp, thì một khi được trả chủ quyền, vẫn sẽ gắn bó với "mẫu quốc" như với đất nước mình, mua hàng của Pháp và quyền lợi của nước Pháp tại đất Việt sẽ được bảo tồn.

Aymonier chấp nhận những người Việt chống lại Pháp là người yêu nước. Aymonier cũng tự nhận mình là người yêu nước. Nhưng ông là người Pháp, dĩ nhiên yêu nước Pháp, bảo vệ quyền lợi của nước Pháp.

Những đề nghị của Aymonier đã không thể hiện được, cuối cùng chính sách "Pháp hóa" không thành, người Việt vẫn nói tiếng Việt, lại dùng chữ "quốc ngữ" làm phương tiện trao đổi ghi nhận tư duy ở mọi cấp độ, bình dân cũng như đại học.

***

Nhưng, vấn đề chính ở đây không phải là Aymonier đúng hay sai, dù sao ngày nay chúng ta đã biết kết quả. Cái nhìn của Aymonier về vấn đề chữ quốc ngữ là cái nhìn của một nhà chính trị. Dù trong bài có bàn nhiều về ngôn ngữ nhưng rốt cục cũng chỉ để thuyết phục người nghe chấp nhận một giải pháp mà yếu tố tiên quyết cũng là yếu tố chính trị: làm sao bảo vệ quyền lợi lâu dài của đế quốc Pháp. [2]

Do đó, đứng về mặt lịch sử, khi nới rộng tầm nhìn , cuộc tranh cãi này giúp ta tìm hiểu thêm

- về lịch sử phát triển chữ quốc ngữ tại xứ ta, đã đành

- về những suy tư tính toán của người Pháp trong thời kỳ bắt đầu tìm đường củng cố nền thống trị của họ lên xứ ta, họ muốn gì, dựa lên lực lượng nào ?

Aymonier, với vị trí của mình, có thể được xem như một chứng nhân quan trọng vì những lý do sau:

- Aymonier là giám đốc Trường thuộc địa (Ecole coloniale) từ 1889 đến khi về hưu năm 1905, trường đào tạo nhân viên cai trị thuộc địa.

- Những buổi hội nghị, trong đó bài của Aymonier được đọc, quy tụ những người tham gia trực tiếp vào việc cai trị các thuộc địa của Pháp thời bấy giờ, như Le Myre de Vilers , chủ tọa tiểu ban Đông Dương của Hội nghị thuộc địa tháng 11-1889 [3]. Ta có thể nói theo ngôn ngữ ngày nay, đây là cuộc thảo luận giữa những "chuyên gia thuộc địa".

- Aymonier lại là một người am hiểu tình hình Đông Dương thời đó, ông biết nói tiếng khmer, tiếng Việt, lấy vợ Chăm , từng tham gia trực tiếp cai trị các vùng Trà Vinh, Hà Tiên, Bình Thuận. Ông đã sống diễn biến lịch sử ngày 4-7-1885 khi vua Hàm Nghi đứng lên chống Pháp và phong trào Cần vương tiếp theo đó. Là công sứ tỉnh Bình Thuận, ông đã "bình định" vùng đất này, tiêu diệt "phe kháng chiến" Việt Nam (1886), chia để trị, dùng người Việt đánh người Việt. Đây là chiến thuật thường dùng xưa nay của các thế lực ngoại bang muốn thống trị dân Việt. Rồi một ngày kia, người ngoại bang khăn gói ra đi, còn lại người Việt với nhau và những mối oan khiên ân oán tương quan tương duyên kéo dài qua nhiều thế hệ ... Là một nhà chính trị, ông ý thức được rằng người Pháp đã thắng trận đầu, nhưng về lâu dài tình thế sẽ thay đổi.

***

- Tập "Tiếng Pháp và nền Học chính tại Đông Dương", do Aymonier soạn, gồm 3 phần, dùng làm tài liệu tranh luận về chính sách giáo dục tại Đông Dương.

. Phần 1 là bài thông tri đọc tại Hội nghị thuộc địa quốc tế, ngày 31 tháng 7 năm 1889.

. Phần II là bài thông tri đọc tại Hội nghị thuộc địa quốc tế, ngày 11 tháng 12 năm 1889.

. Phần III được viết để bổ túc hai phần trên, khi ra tập tài liệu gom góp tất cả các bài , ngày 15 Tháng tư năm 1890.

- Xin đón đọc 'Tiếng Pháp, quốc ngữ và nền Học chính tại Đông Dương-Trả lời ông Aymonier" ("Le français, le quốc-ngữ et l'Enseignement public en indochine-Réponse à M.Aymonier ")[4] là bài phản bác lại Aymonier của Emile Roucoules, hiệu trưởng trường Chasseloup Laubat tại Sài Gòn vào thời đó, thuộc phe chủ chương phổ biến chữ quốc ngữ.

- Cám ơn bạn Nguyễn Dư đã đọc lại bản thảo và góp ý sửa chữa những vụng về, thiếu sót.

 

***
Về tác giả Aymonier:

Etienne François Aymonier (1844-1929), Tốt nghiệp Trường võ bị Saint Cyr tháng 10 năm 1868 với cấp bậc thiếu úy Thủy quân lục chiến (infanterie de marine), được gửi tới Sài Gòn vào tháng 10 năm 1869. Ông đã tự học , tìm hiểu văn hóa dân tộc bản xứ và được xem như là chuyên gia tại vùng đất mà người Pháp vừa mới chiếm được.

Do đó, năm 1870, ông được biệt phái sang chức vụ tham biện hậu bổ (inspecteur stagiaire des affaires indigènes) và năm 1871 được cử tới địa hạt tham biện Trà Vinh. Tại đây, ông đã gặp nhiều nhóm dân tộc gốc Khmer và nhờ vậy có dịp học tiếng nói khmer.

Năm 1872, ông được thăng chức chánh tham biện và trở thành phụ tá công sứ Pháp tại Cambodge, năm 1874, giữ chức chánh tham biện Hà Tiên, 1878, giám đốc trường tham biện hậu bổ tại Sài Gòn (collège des administrateurs stagiaires de Saigon), 1879 , đại diện chính quyền bảo hộ tại Cambodge cho đến năm 1881.

Từ năm 1882 đến 1885, ông tổ chức nhiều cuộc tham quan nghiên cứu văn minh Khmer và Chăm. Tháng 7 năm 1885, ông bắt đầu khởi hành một cuộc tham quan nghiên cứu văn minh Chăm thì xảy ra biến cố 4-7-1885, vua Hàm Nghi tấn công Pháp để dành lại chủ quyền nhưng thất bại. Tình hình bất an sau đó khiến ông phải hủy bỏ cuộc tham quan.

Năm 1886, Aymonier được cử làm công sứ tỉnh Bình Thuận, lấy vợ người Chăm. Năm 1886 ông cùng Tổng đốc Emmanuel Trần Bá Lộc [5] (Tổng đốc Lộc đặt dưới quyền ông / chức Tổng đốc do người Pháp phong) dẹp tan quân Cần vương vùng Bình Thuận - Khánh Hòa.

Năm 1889 Aymonier về hẳn Pháp và được cử làm giám đốc trường Thuộc địa (Ecole coloniale) vừa được thành lập với sự hỗ trợ tích cực của Thứ trưởng Bộ Thuộc Địa Eugène Étienne.

Năm 1905, Aymonier về hưu.

Năm 1929, qua đời.

***
Chú thích
[1] - La langue française et l'enseignement en Indo-chine, par E. Aymonier, Directeur de l'Ecole Coloniale, Membre du Conseil d'Administration de l'Alliance Française, Paris, Armand Colin et Cie Editeurs, 1- 3- 5 rue de Mézières, 1890

Xin đọc thêm : "Việt Nam, Chữ viết, Ngôn ngữ và Xã hội , Chương 3 - Tranh luận về việc áp dụng chữ quốc ngữ" của GS Nguyễn Phú Phong.

http://chimviet.free.fr/baivo/nguyenphuphong/vnchuviet/npph04_phan1ch03.htm

[2] - Trong bài thông tri đầu tiên (31-07-1889) , tác giả viết : "Nhưng liệu ta có nên đưa yếu tố ngữ văn học này vào một vấn đề thực ra chủ yếu là chính trị ? Cho dù tiếng An Nam thực sự đã trưởng thành đi nữa, vì quyền lợi cơ bản của kẻ đi chinh phục, có lẽ ta vẫn phải dứt khoát thay thế tiếng nói của kẻ bị trị bằng tiếng nói của chúng ta."

Trong bài thông tri thứ hai (11-12-1889) , tác giả viết thêm: "Chữ quốc-ngữ, dịch theo nghĩa là "chữ viết của vương quốc, chữ viết của quốc gia", sẽ xứng đáng với danh xưng và đi ngược lại quyền lợi của chúng ta, nếu nó có thể giúp kiến tạo ra tại xứ An Nam, một ngôn ngữ quốc gia hoàn chỉnh, hiện nay chưa có, ngoài tiếng Pháp. Với khả năng đó, nó sẽ là một công cụ rất nguy hiểm trong tay những người An Nam yêu nước (patriotes annamites), kẻ thù của nước Pháp. Ta có thể đoán rằng, ngay từ bây giờ, tại Nam Kỳ thuộc Pháp, những tư tưởng đó đã bắt đầu nhen nhúm nẩy mầm dù chưa rõ nét, trong tâm tư một vài người dân bản xứ ít nhiều thông thạo chữ quốc-ngữ. "

[3] - Le Myre de Vilers (1833-1918): Thống đốc Nam Kỳ từ tháng 7-7-1879 đến tháng 11-1882, Thống sứ Madagascar năm 1886, Nghị viên Nam Kỳ thuộc Pháp từ 1889 đến 1902. Ông cũng là Thống đốc dân sự đầu tiên, trực thuộc Bộ Thuộc Địa. Các Thống đốc trước đó là sĩ quan Hải quân.

Ngày 30-1-1882, thống đốc Nam kỳ Le Myre de Vilers công bố nghị định : "Kể từ ngày hôm nay, trên toàn cõi Nam Kỳ thuộc Pháp, bắt buộc chỉ dùng chữ cái Pháp trong các văn kiện chính thức viết bằng tiếng An Nam". (Bulletin Officiel de la Cochinchine Française, Année 1882, No 1, page 55)

[4] - "Le français, Le Quốc-ngữ et l'Enseignement public en Indo-chine - Réponse à M. Aymonier" , bài đăng trong Bulletin de la Société des Etudes Indo-chinoises de Saigon.Année 1890-1er Semestr, 2e Fascicule

[5] - Antoine Brebion viết về Emmanuel Trần Bá Lộc :

"... Le 1er juillet 1886, il est promu Tong-doc du Thuan-Khanh et placé sous les ordres d'Aymonier (...) pacifie en trois mois le Binh Thuan et le Khanh Hoa soulevé par les émissaires de Hué ..."

"... ngày 1 tháng 7 năm 1886, ông được thăng chức Tổng Đốc Thuận Khánh và đặt dưới quyền của Aymonier, trong ba tháng bình định xong loạn Bình Thuận và Khánh Hòa do mật viên của triều đình Huế khuấy động ..."

Theo Brébion, Trần Bá Lộc có một đội quân 1000 người do chính ông chiêu mộ, tiếp tay quân đội Pháp tàn sát không nương tay quân Cần vương chống Pháp.

Brebion viết tiếp: "... Ce furent des scènes sauvages, sur lesquelles en haut lieu on dut se taire et fermer les yeux ..." "... Cảnh tượng dẹp loạn thật là dã man tàn bạo, nhưng các cấp lãnh đạo phải kín miệng, nhắm mắt làm ngơ..."

Trích : Dictionnaire de Bio-bibliographie générale, ancienne et moderne de l'Indochine Française, Annales Tomes VIII, par Antoine Brébion / publié par Antoine Cabaton, Académie des Sciences coloniales ,1935, p 411

A. Brébion sinh ngày 27/7/1857. Sống tại Nam Kỳ từ 1884 đến 1912, là nhân viên quan thuế năm 1884, giáo viên từ năm 1885 , về hưu năm 1912 với cấp bậc Giáo sư chính ngạch hạng nhất (Professeur principal de 1ere classe).

***
Bài Dịch :
- Phần I -
(Thông tri đọc tại Hội nghị thuộc địa quốc tế, ngày 31 tháng 7 năm 1889 .)[6]

Thuộc địa Đông dương của chúng ta, đất đai rộng hơn xứ Pháp, nuôi sống gần 20 triệu dân và một ngày kia sẽ còn lên đến 30 hay 40 triệu.

Cuộc chinh phục đất đai đã hoàn tất. Chúng ta sẽ không nhắc lại những khó khăn khổ cực, những tốn kém tiền của do thiếu một cái nhìn chính xác về mục tiêu cần đạt tới, phương tiện có thể dùng. Nhưng, từ sai lầm của quá khứ, chúng ta cần phải rút ra bài học cho tương lai. Cho công cuộc tổ chức lâu dài, thật tế nhị, một chính sách vô trật tự, không kế hoạch chính xác, không chủ định, tùy tiện, sẽ tai hại hơn nhiều so với những sự việc đã xảy ra trong muời năm chiến cuộc quân sự và ngoại giao vừa qua. Cần phải biết rõ ta muốn gì, và, một khi mục tiêu đã được định, đường đi vạch rõ, phải kiên trì vững chãi tiến tới, trong cuộc chinh phục lòng người không nên để rơi trở lại vào những mò mẫm sai lầm đắt giá của thời chinh phục lấn chiếm đất đai.

Dĩ nhiên, vấn đề mở rộng thị trường buôn bán của nước Pháp, nhờ có những thuộc địa mới này, đã được nêu ra rõ ràng. Nhưng chỉ đặt vấn đề như vậy quả thật là quá non nớt. Thị hiếu và nhu cầu của 20 triệu người, nghèo đói, dốt nát, hay thấm nhuần một nền văn hoá khác hẳn nền văn hóa của chúng ta không thể chỉ qua một vài sắc lệnh mà tạo ra được Trước hết, phải từ từ triển khai những tài nguyên tiềm ẩn - vật chất và tinh thần - của xứ này. Cùng lúc, cần phải tạo ra những sợi giây văn hóa, bền chắc hơn là bạo lực, để về lâu dài gắn bó nước Pháp với các đất đai xa xôi một ngày kia được phát triển và phồn thịnh.

Cho tới nay, khía cạnh tinh thần của vấn đề tổ chức đất đai vùng Viễn Đông của chúng ta chưa bao giờ được nêu lên một cách rõ ràng cho tương lai gần hay xa, và ngay cả cho thế hệ này hay các thế hệ sau.

Tuy nhiên, những ai theo dõi sách báo viết về Đông Dương chắc sẽ dễ dàng nhận thấy rằng có một trường phái đang từ từ thành hình, dù chưa rõ nét, với xu hướng như sau: giáo dục chính trị và khoa học cho giống dân An Nam, vốn là giống dân đông đảo nhất của vùng đất này, cùng lúc vẫn để họ giữ được bản sắc riêng biệt, tinh thần, cơ cấu xã hội, tiếng nói riêng. Trong chiều hướng đó, một nước An Nam tương lai tiến bộ hơn trên đường văn minh sẽ nảy sinh, dù sẽ phát triển theo những hướng đi lai căng, không thuần nhất, khác hẳn con đường của nước Pháp; và sợi giây ràng buộc dựa trên sức mạnh sẽ càng ngày càng nới lỏng. Cách đây ba mươi năm, người Pháp còn có thể không quá ngượng ngùng nói đến một sợi giây gắn bó dựa trên tình nghĩa; nhưng ngày nay dù ai ngây thơ đến độ tưởng rằng người An Nam phải biết ơn chúng ta vì đã xâm chiếm nước họ một cách hung bạo, khi nhìn lại thực tế, nếu còn chút sáng suốt, sẽ thấy rằng tư tưởng này chỉ là ảo vọng.

Thay vì tìm cách cải tiến nửa chừng giống dân An Nam, tại sao ta không nhắm tạo ra một nước Pháp-Á-Đông, gắn bó chặt chẽ với nước Pháp-Âu-Châu bằng một sự hòa đồng tư tưởng và tình cảm, điều kiện duy nhất để nước Pháp có thể trực tiếp thừa hưởng những tiến bộ tương lai của thuộc địa ?

Tôi xin trả lời PHẢI LÀM NHƯ VẬY! Tôi sẽ cố gắng trình bày sau đây phương sách chắc chắn nhất, hữu hiệu nhất để đạt đến mục tiêu tối hậu đó. Đó là việc quảng bá tiếng Pháp tại Viễn Đông.

Theo ý tôi, thật ra, tất cả chỉ là vấn đề ngôn ngữ . Tôi không đòi hỏi bắt dân An Nam mang y phục của chúng ta, chẳng hợp với khí hậu nước họ tý nào, cũng cùng lý lẽ ấy, tôi không muốn một sớm một chiều áp đặt lên họ hệ thống luật pháp và cơ cấu hành chính của chúng ta. Hệ thống hành chính của các dân tộc này sẽ chỉ cần mang một tinh thần mới, sinh động hơn. Tổ chức gia đình của họ cũng chẳng thua tổ chức của chúng ta. Ta cũng phải triệt để tôn trọng tổ chức làng xã của họ.Và nếu, vì ngoại lệ, tôi dành ưu tiên cho tôn giáo của chúng ta như sẽ nói về sau, là vì các nhà truyền giáo chính là một công cụ tuyệt diệu trong việc truyền bá tiếng nói cũng như bảo đảm nền cai trị của chúng ta, cho ngày nay và mai sau.

Việc truyền bá tiếng nói của chúng ta cho dân Đông Dương có thể thực hiện được , chỉ vì vài lý do đơn giản nhưng quan trọng sau đây: 1. những dân tộc này trong cơ bản rất dễ bảo và có thể giáo huấn được; 2. họ không có một tiếng nói hoàn tất. Tiếng nói của họ, bị đè bẹp do thói quen lâu đời dựa trên chữ viết và văn học Trung Quốc, chỉ còn được giữ ở mức độ một thổ ngữ thô sơ.

Để chứng minh rằng giống dân An Nam này ( tôi muốn nói giới bình dân, vốn chiếm mười chín trên hai mươi phần dân số ) không mảy may cuồng tín trong tôn giáo hay chính trị, dễ uốn nắn, những kẻ đi chinh phục như chúng ta khó có thể mong gì hơn (ít ra cũng trong hiện tại, vì về lâu dài, chính sự có mặt của chúng ta sẽ chuyển hóa tất cả trong chiều hướng không lợi cho chúng ta), tôi chỉ xin kể hai sự kiện: sự nhẫn nại chịu đựng , tại Nam Kỳ thuộc Pháp, mọi thuế má nặng nề, mọi mò mẫm cai trị do kém thông tin và thiếu nhất quán của chính quyền chúng ta; và sự cải đạo dễ dàng mau chóng khắp xứ sang đạo Ca-tô.

"Họ cải đạo chỉ vì một túi gạo", những người đạo Ki-tô gốc nhận định như vậy về hầu hết những người mới vào đạo. Các nhà truyền giáo buộc phải chấp nhận rằng thế hệ đầu tiên theo đạo chẳng có bao nhiêu thành tâm. Nhưng thế hệ thứ hai sẽ khá hơn, và thế hệ thứ ba mới thực sự thuần thục. Những nhận định này, xuất phát từ kinh nghiệm lâu năm, có thể cũng sẽ là chiều hướng phát triển của nước Pháp-Á-Đông tương lai nếu được tổ chức xây dựng một cách nghiêm túc.

Tôi đã nói rằng tiếng An Nam còn ở mức độ một thổ ngữ thô sơ. Vấn đề được nêu ra quá quan trọng, tôi xin phép đi sâu vào một số điểm chi tiết, nhưng sẽ cố gắng trình bày ngắn gọn.

Chúng ta biết rằng xứ An Nam, trước đây chịu sự đô hộ lâu đời của Trung Quốc, nay vẫn còn hoàn toàn lệ thuộc về mặt tinh thần (và sự thống trị của chúng ta sẽ không được bảo đảm nếu chúng ta không thay đổi được tình trạng đó). Văn học hoàn toàn là văn học Trung Quốc, với một cách đọc phát âm riêng biệt. Nền văn học bình dân sơ khai bị rẻ rúng vì bị xem là ngây ngô. Tiếng Trung Quốc tại đây đóng vai trò tương đương với chữ la-tinh bên Âu châu, thời Trung cổ , trước khi các ngôn ngữ tân tiến địa phương được tạo thành; nhưng tình trạng này còn đặc biệt nghiêm trọng hơn vì tiếng Trung Quốc và tiếng An Nam là những tiếng nhiều thanh điệu (varia-tono), đơn âm tiết (monosyllabique), khép kín trong thứ chữ viết tượng hình (écriture idéographique).

Tiếng An Nam có sáu thanh, nghĩa là một từ, như từ ma chẳng hạn, sẽ biến thành sáu từ khác nhau khi thay đổi thanh điệu: không âm hay âm tự nhiên, bổng, xuống trầm, trầm, lên bổng, rồi lên bổng và trở xuống trầm.

Sáu cách đọc từ ma này, trong thuật ngữ chuyên môn, gọi là sáu âm tiết (phonétique). Ta có thể thấy rõ vai trò của những âm tiết này trong tiếng Pháp, dù rằng chỉ trong những trường hợp ngoại lệ, không phải là quy luật như trong tiếng Trung Quốc và tiếng An Nam. Nếu ta xem ba chữ cái hợp lại sin là một âm tiết (phonétique), tùy cách viết, ta có năm từ đồng âm (homophone), nhưng khác nghĩa: sain, saint, sein, seing, ceint.

Trong tiếng An Nam có vài trăm trường hợp âm tiết tương tự như trường hợp âm tiết sin và một con số rất lớn những từ đồng âm; những từ này có thể được diễn nghĩa rõ ràng bằng các chữ tượng hình (idéographique), nhưng khi được ghi bằng phương pháp Âu châu, chỉ ghi được các âm ngữ, sẽ không phân biệt được nghĩa các từ. Ngôn ngữ thông tục quá nghèo nàn, chỉ diễn tả được các ý thông thường, muốn trở thành một ngôn ngữ văn học, sẽ phải qua một cuộc chuyển hóa quá lâu dài, quá khó khăn và quá bấp bênh, cho nên đơn giản nhất chắc là phải khiến dân tộc dùng ngôn ngữ đó chấp nhận một ngôn ngữ ngoại quốc, có khả năng tiếp cận nghệ thuật, khoa học, triết học Âu Tây, và diễn tả rõ ràng những sắc thái tinh tế của tư tưởng.

Những học giả nào còn đặt hoài vọng cho tương lai của tiếng An Nam, chỉ có thể trông cậy vào một sự phát triển mơ hồ, theo những quy luật hoàn toàn tưởng tượng.

Đứng trên phương diện ngôn ngữ học, quan sát một cuộc chuyển hóa như vậy có thể rất lý thú ... cho cháu chắt chút chít của chúng ta, và nếu thực sự chuyện đó có xảy ra , tôi cũng sẵn sàng thiếp đi trong năm sáu thế kỷ , để khi tỉnh dậy, nghiên cứu xem sự gặp gỡ giữa tiếng nói thô sơ đó với nền văn minh và chữ viết Âu Tây đưa đến thành quả nào.

Nhưng liệu ta có nên đưa yếu tố ngữ văn học (philologie) này vào một vấn đề thực ra chủ yếu là chính trị ? Cho dù tiếng An Nam thực sự đã trưởng thành đi nữa, vì quyền lợi cơ bản của kẻ đi chinh phục, có lẽ ta vẫn phải dứt khoát thay thế tiếng nói của kẻ bị trị bằng tiếng nói của chúng ta.

Cuộc đấu tranh sống còn giữa các quốc gia, rất gay gắt vào thời nay, thường mang hình thức một cuộc đấu tranh về ngôn ngữ.

Do những sai lầm của quá khứ, vị trí tiếng nói của chúng ta trên thế giới ngày nay thật quá yếu kém , tiếng nói dịu hiền của nước Pháp thân yêu, ngôn ngữ trong sáng và du dương của Pascal, của Bossuet, của Racine, của Mirabeau, của Victor Hugo! Dân tộc nào thực sự nói tiếng Pháp sẽ là dân Pháp, cộng đồng ngôn ngữ sẽ dẫn đến cộng đồng thị hiếu, tư tưởng và tình cảm. Dù ở xa ta đến đâu đi nữa, các dân tộc này sẽ là những khách hàng buôn bán trung thành nhất của chúng ta. Chỉ có sự bắt rễ sâu đậm của tiếng nói của chúng ta tại Đông Dương mới đền bù được những phí tổn, những hy sinh quá nặng về người về tiền của dành cho cuộc chinh phục xa xôi này, và tôi xin thêm, nó sẽ đền bù gấp trăm lần.

Theo ý tôi, gác sang bên cái nhìn hiếu kỳ của khoa học ngữ văn về một khả năng phát triển mơ hồ của tiếng An Nam, chúng ta phải công nhận rằng lợi ích quốc gia hàng đầu là truyền bá tiếng Pháp cho 20 triệu đứa con nuôi của chúng ta tại Viễn Đông.

Dù tin tưởng chắc chắn vào tương lai của nước Pháp-Á-Đông, tôi cũng phải công nhận là thành quả thu lượm được cho đến ngày hôm nay thật quá kém, và có lẽ tình trạng sẽ không thể khá hơn , nếu ta không tìm ra nguyên nhân của sai lầm và phương thức để sửa đổi.

Nam Kỳ thuộc Pháp, do chúng ta cai trị từ ba mươi năm nay, tốn 2 triệu Francs hàng năm cho nền Học chính, và kết quả là chỉ đào tạo được những lớp người lỡ thời có bằng cấp mà không chức vụ (déclassé) hay những kẻ cầu-thành-công-chức (aspirant-fonctionnaire), đa số , vừa dốt vừa kiêu, kết hợp trong mình mọi tật xấu của người Pháp cùng mọi thói hư của người An Nam. Ở các tầng lớp bình dân, ta không thấy mảy may dấu vết thành quả nào của công cuộc truyền bá tiếng Pháp.

Một trong những sai lầm của chính sách đã được áp dụng là tin rằng chữ quốc-ngữ, hay chữ viết la-tinh dùng để ghi lại tiếng An Nam thông tục (annamite vulgaire), do các nhà truyền giáo tạo ra với một mục tiêu giáo dục rất giới hạn, đủ sức để làm cơ sở cho nền Học chính . Người ta không biết hay quên rằng chữ viết này ghi lại một tiếng nói, và tiếng nói đó lại quá nghèo nàn. Người ta không nghĩ rằng chữ viết này chỉ có thể được xem như một phương tiện đơn giản, dễ dùng, nhưng khả năng quá giới hạn.

Kẻ bị trị quá ngoan ngoãn và người thống trị quá dốt đã đưa đến, từ non mười năm nay, sắc lệnh ấn định rằng sổ thuế (registe d'impôt) phải được viết bằng thứ chữ này. Như vậy là ban sắc lệnh tạo rối loạn lẫn lộn ngữ nghĩa cho các công văn vì có rất nhiều từ đồng âm ngữ. Các làng xã Nam Kỳ, không cách nào ra khỏi những ngõ ngách ngoắt ngoéo của văn ngữ hành chính, đã phải thuê rất đắt những người trung gian, những kẻ không tài năng nào khác ngoài gan làm liều. Năm 1885, có người thú thật với tôi đã kiếm được 30 000 francs trong hai năm để khai sổ thuế cho các làng xã. Nếu nắm vững được thứ tiếng nói sáu âm này có lẽ người đó sẽ thấy công việc khai báo thực sự khó khăn hơn nhiều. Góc màn hé mở cho thấy người nông dân Nam Kỳ phải chịu không biết bao phí tổn phi lý, bao nhục nhằn: Con số những kẻ trung gian này, Pháp hay An Nam, phải kể đến hàng mấy trăm.

Sai lầm thứ hai là tạo ra ý tưởng rằng hiểu biết tiếng Pháp, dù sơ sài, là phương tiện để đương nhiên trở thành công chức, vốn là mục tiêu chính, có thể nói là duy nhất, của những người trẻ tìm học dăm ba chữ của tiếng nói này. Sai lầm này, phần lớn, xuất phát từ một sai lầm trước đó, là đặt cơ sở của nền Học chính quốc dân trên chữ viết phiên âm tiếng An nam bằng chữ cái Âu châu, khiến cho tiếng Pháp đương nhiên trở thành một ngoại ngữ chỉ những kẻ có nhiều tham vọng mới phải tìm học. Những người này, rời ngưỡng cửa gia đình ra xã hội với tâm trạng đó, đông đảo hơn thập bội so với chức vụ cần bổ nhiệm, và từ đó đám người lỡ thời (déclassé) mỗi ngày mỗi thêm đông.

Nền giáo dục Trung Quốc trước thời chinh phục rất phổ quát, tổ chức vững chắc, cơ sở rộng rãi, chỉ đưa vào các chức vụ quan trọng một thành phần ưu tú ít ỏi và không tạo ra lớp người lỡ thời. Tại sao ta không thể xây dựng nền giáo dục Pháp ngữ trên những cơ sở tương tự và mở hướng cho những người học tiếng nói của chúng ta, không phải chỉ nhắm đến quan chức nhà nước, mà còn nên tìm vào lĩnh vực bao la của tri thức, lĩnh vực mà dân An nam cũng sẽ mê say như mọi người một khi hé thấy ?

Chúng tôi sẽ giải đáp câu hỏi này trong phần sau bằng cách phác họa nhũng phương tiện và phương thức giáo dục cần thực hiện.

Sai lầm thứ ba, sai lầm nặng nhất, là tại Đông Dương chúng ta đã bỏ qua những đường hướng chủ đạo của truyền thống chính trị nước Pháp, của thời Quốc Hội Lập Hiến ( La Convention) [7] cũng như thời Louis XIV [8], chúng ta không đếm xỉa gì đến lời nói của Gambetta[9] khi ông tuyên bố cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa giáo quyền không phải là một món hàng xuất khẩu.

Các đô đốc, có chức vụ toàn quyền thuở sơ thời [10], - và chúng ta luôn luôn phải lấy họ làm gương mẫu khi cần tìm những biện pháp vừa khôn ngoan, vừa trung thực vừa đậm tình yêu nước - trao truyền nhau một truyền thống chính trị cao tay (haute politique), đã trao cho giáo phận (évêché) duy nhất của Nam Kỳ thuộc Pháp một số tiền tài trợ lên đến 160 000 francs mỗi năm.

Số tiền tài trợ thình lình bị cắt đứt khi các đô đốc trao quyền lại.

Cùng thời, chính sách thế tục hóa (laïciser)[11] khiến chúng ta đã phải thay thế tất cà các tu sĩ bằng những giáo viên tuyển từ Pháp qua, lương bổng tốn kém hơn thập bội. Phần lớn nhất của ngân sách dồi dào dành cho tổ chức Học chính Nam Kỳ thuộc Pháp bị thâm thủng một cách gần như vô ích.

Do bản tính cũng như do tinh thần trách nhiệm , tôi không mảy may có ý ,trực tiếp hay gián tiếp, ám chỉ gì đến hệ thống hiện có tại Pháp. Dù sao, tại đó, điều kiện hoàn toàn khác , ta ở xứ ta, giữa ta với ta. Nhưng ở nơi đất lạ, nhất là tại những nơi vừa chinh phục, chưa được đồng hóa, khước từ sự đóng góp của một thành phần công dân nào đó sẵn sàng phục vụ mục đích chung vì tổ quốc , là một lỗi lớn.

Nhân đây, ta nên giải quyết ngắn gọn qua vài câu vấn đề đối với các hội truyền giáo.

Chỉ cần họ có mặt tại chỗ, các nhà truyền giáo và các người theo đạo Ki-tô đã giúp cho cuộc chinh phục đất đai và giữ gìn những mảnh đất xa xôi đó trở nên bội phần dễ dãi. Phe kháng chiến quốc gia ( Le parti de la résistance nationale), sáng suốt hơn đa số người Pháp, đã thấy rõ điều này. Trong vòng vài năm, ta có thề nói gần như chỉ trong vòng vài tháng, 50 000 người theo đạo Ki-tô nam nữ đủ lứa tuổi đã bị tàn sát, trả giá cho những vụng về trong công cuộc chinh phục.

Những kẻ dốt nát, những người không mảy may khả năng suy xét, không tinh thần phê phán, không đủ sức thấy được quy luật gắn bó nguyên nhân với sự kiện lịch sử, đã cố gắng tìm đủ mọi thứ duyên do cho các cuộc tàn sát khủng khiếp này. Lý do thực duy nhất và có thể tạm gọi là đáng trọng của những cuộc tàn sát man rợ này bắt nguồn từ nhu cầu bảo vệ tổ quốc của xứ An Nam.

Trong vai trò nạn nhân này, các nhà truyền giáo và những người Ki-tô giáo lại được chúng ta đền bù bằng những chính sách bất công đau đớn. Chúng ta xin lỗi triều đình Huế vì đã được những người này trợ giúp. Chúng ta ruồng bỏ họ , gây thiệt hại cho ảnh hưởng và uy tín của chúng ta. Vì thực ra chính sách hữu hiệu nhất đối với người phương Đông là phải áp dụng triệt để phương châm : cứng rắn với kẻ thù, khoan hòa với người thân.

Đó là quá khứ.

Cho tương lai, nên biết rằng nước Pháp sẽ không thể xây dựng gì vững chắc và lâu bền nếu không được sự trợ giúp của những người này, những kẻ đã bao lần bị thí thân. Ngoại trừ tính chuyện rời bỏ Đông Dương, giải pháp mà đố chính phủ nào dám nghĩ tới, điều trước tiên cần làm là mỗi năm tại Pháp ta phải chiêu mộ thêm từ năm chục đến một trăm giáo sĩ truyền giáo. Xưa nay, những tu sĩ này, sau mọi tai họa khủng khiếp nhất, đều nhẫn nại bắt tay lại vào việc với một đức tính kiên trì và nhất quán mà tôi hết sức cầu mong tìm thấy nơi giới cầm quyền của nước ta ; nếu ta thật sự muốn, những giáo sĩ này, với vai trò dẫn dắt tinh thần cho mọi người, nam, nữ, và trẻ em, sẽ là những kẻ trợ giúp hữu hiệu cho công cuộc thật to lớn và yêu nước của chúng ta: áp đặt tiếng nói nước ta lên các dân tộc Đông Dương.

Tôi không đòi hỏi đến mức phải tài trợ việc hành đạo của họ, khác với các quan toàn quyến đô đốc xưa. Không. Tôi sẽ chỉ cho các nhà truyền giáo Ca-tô Pháp, nhưng trên một cơ sở rộng rãi hơn , những loại trợ cấp mà người Anh dành cho các nhà truyển giáo của họ, tại Ấn Độ, để lo việc Học chính.

Họ hoàn toàn tùy thuộc ta; và nếu họ được đối đãi trân trọng, với lương bổng cao, làm gì mà ta không thể đòi họ hết lòng hết sức đóng góp vào việc quảng bá tiếng nói của xứ ta ?

Tại Đông Dương, nếu tôi không lầm, chúng ta có chín giáo phận (évêché) và từ 500 000 tới 600 000 giáo dân. Thực ra, ba trong những giáo phận đó trực thuộc giòng Dominicain Tây Ban Nha. Vai trò của các giáo sĩ ngoại quốc này có tính trung lập, nếu không nói là đối kháng với vai trò của các giáo sĩ truyền giáo người Pháp, thường thường là những người rất yêu nước. Vấn đề các giáo sĩ Tây Ban Nha tại Bắc Kỳ, cho đến nay chưa được giải quyết, ngay cả chưa được nêu ra, điều này cho thấy rõ tính cách vá víu, lơ là, thiếu định hướng rõ rệt của chính sách thuộc địa.

Tôi đề nghị cho tất cả chín giáo phận kể trên, mỗi giáo phận một số tiền tài trợ hàng năm là 100 000 francs, với điều kiện là trong ngắn hạn phải đủ khả năng mở lớp học tiếng Pháp cho một nghìn học trò. Cứ mỗi học trò được tăng thêm so với con số ban đầu, ta hứa sẽ tài trợ thêm 100 francs, sau khi kiểm thực.

Với một số tiền trợ cấp một triệu, chúng ta sẽ có gần như ngay lập tức cho toàn cõi Đông Dương 10 000 người trẻ học tiếng Pháp. Chẳng bao lâu, với 20 000 học trò, chúng ta chỉ tốn 2 triệu đồng, tức là số tiền hiện đang được chi cho chỉ một xứ Nam Kỳ với kết quả chẳng là bao.

Chính quyền vẫn có thể, về phía mình xây dựng và bảo quản trường công cho học trò nam, ta sẽ trở lại vấn đề này sau. Nhưng đối với nữ sinh, dù sao cũng cần được dạy dỗ, nếu muốn đạt được mục tiêu vì tổ quốc của chúng ta, công việc sẽ quá tế nhị. Về điểm này, thế kẹt của chính quyền sẽ được giải tỏa nhờ những nữ tu , với đời sống xuất gia, có thể chăm lo hàng ngàn đứa trẻ.

Hãy để cho các hội truyền giáo tự chọn phương hướng và phương tiện, cũng như tổ chức nhân sự của họ, nam hay nữ tu, và chúng ta chỉ phải lo công việc tương đối dễ là kiểm tra kết quả gặt hái được rồi tùy theo đó quy định số tiền trợ cấp.

Nếu số học sinh của các hội truyền giáo tăng quá đông khiến tiền trợ cấp trở thành quá nặng cho ngân sách nhà nước, ta chỉ cần làm cho giáo trình học, vốn được dùng làm cơ sở cho việc cấp tiền tài trợ, khó hơn lên.

Vậy là xong, những điểm chính đã được giải quyết, lực đẩy đầu tiên được phát động, và nền Học chính quốc dân được dựng thành.

Các trường công, do chính quyền trực tiếp quản trị, sẽ có số học sinh tương đương với số học sinh của các trường được trợ cấp. Phí tổn điều hành tất nhiên có cao hơn, nhưng ta cũng đừng quên rằng trong ngành giáo dục, yếu tố ganh đua là ích lợi, cần thiết, tạo khởi sắc, và cạnh đó còn có những lý do tối quan trọng khiến cho không thể để các trường Pháp tại Đông Dương hoàn toàn chỉ là các trường của các hội truyền giáo.

Với hai loại trường Pháp này, những trường được trợ cấp và những trường được quản trị trực tiếp, cùng với nhiều trường chuyên nghiệp (écoles professionnelles), nền móng cơ sở của việc truyền bá ngôn ngữ, chuyển hóa tinh thần và tư duy cho toàn xứ được xây dựng. Những thành phần ưu tú nhất của các trường này sẽ có thể qua tu học bồi dưỡng thêm trong các trường kỹ thuật tại Pháp.

Một vấn đề rất quan trọng là việc lựa chọn và phổ biến rộng rãi những sách cơ bản, phù hợp với điều kiện bản địa, để truyền bá những khái niệm luân lý, những kiến thức thực tiễn hữu ích cho những con dân mới của chúng ta. Những kiến thức cơ bản này sẽ đắp nền vững chắc cho việc học tiếng Pháp. Biết tiếng Pháp sẽ là điều kiện bắt buộc để vào các trường chuyên nghiệp, vào các ngạch công chức, cũng như vào một số ngành nghề vốn rất được dân bản xứ ưa chuộng.

Hiện nay, các lang y ( médecins[12], nhan nhản ở Nam Kỳ, tùy hứng truyền nhau những phương thức chữa bệnh dựa trên thói quen kinh nghiệm nhiều khi rất ngây thơ non nớt. Nếu tôi nhớ không sai, thuế môn bài họ đóng thay mọi bằng cấp chứng chỉ. Trong giai đoạn chuyển tiếp, phải chăng ta nên lập ra những trường y khoa bản xứ trong đó những kiến thức sơ đẳng của y khoa Pháp được giảng dạy , và, nếu có thể, những phương thức chữa bệnh bản xứ được nghiên cứu có phương pháp , những người theo học phải đủ thông thạo tiếng Pháp? Sau đó, ra quyết định rằng những lang y mới này cũng có thể gọi là viên chức y khoa bản xứ (officiers de santé indigène) , có thể được cấp bằng, sẽ dần dà thay thế các thầy thuốc cổ truyền ( anciens maîtres en médecine[13].

Trong thực tế và khi thực hiện chương trình, thế nào cũng sẽ có rất nhiều phương tiện thích hợp xuất hiện có thể giúp ta tiến mau tiến chắc tới mục đích nếu ta biết nắm đúng cơ hội. Thí dụ như, về sau nữa, ta có thể, trên nguyên tắc, chỉ chấp nhận cho trở thành công dân Pháp những người An Nam biết nói tiếng Pháp.

Về phía ta, ta cũng phải quen dần với tư tưởng vừa chính đáng vừa khôn ngoan: ngang trình độ học thức đưa đến ngang quyền lực chính trị. Ngày kia, khi toàn thể dân Đông Dương nói tiếng Pháp, ta có thể không ngại ngùng cho họ quyền tự trị; Những sợi giây gắn bó tinh thần sẽ thay thế một cách hữu hiệu hơn sức mạnh áp lực vật chất.

Trước khi bước qua vấn đề khác, ta cũng nên nói lên một ước vọng. Vì nhu cầu đấu tranh cho quyền lợi tổ quốc , ta nên giảm thiểu những quy tắc hình thức khắt khe cùng những ngoại lệ trong chính tả chữ Pháp, vốn có nhiều trường hợp kỳ quái và không hợp lý, làm tăng khó khăn cho việc học tập tiếp thu.

Sau cùng, có nên phải lo sợ đề phòng Đông Dương bị dẫn đến hiểm họa giáo quyền không? Có cần phải nhắc lại cái ngớ ngẩn của việc ghép chung những chữ Đông Dương với hiểm họa giáo quyền, vừa sau khi 50 000 người theo đạo Ki-tô bị tàn sát, trong một xứ mà họ chỉ được 500 000 người trên 20 triệu dân? Việc truyền bá tiếng Pháp, cũng sẽ được chính quyền cùng lúc trực tiếp tổ chức, không lẽ không tiến nhanh hơn sự bành trướng của tôn giáo ? Ngay cả trong những điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà truyền giáo, ít nhất một nửa số dân vẫn sẽ còn là người ngoại đạo. Và nếu, trong vài thế hệ nữa, hai ba chục triệu dân Đông Dương nói tiếng Pháp, tư tưởng tôn giáo của họ chắc cũng sẽ rất hời hợt.

Hiện nay, Đông Dương chưa quân bình được ngân sách, còn nhận viện trợ của mẫu quốc; đây cũng là một trong những lý do chính của nguồn dư luận chống lại việc xâm chiếm chinh phục. Vậy tìm đâu ra tiền cho công cuộc tổ chức giáo dục quốc dân mà chúng ta đề nghị.

Theo ý tôi, ta có thể tìm ra tiền ngay tại Đông Dương, một khi ta thực sự muốn đơn giản hóa tất cả guồng máy nhà nước, sắp xếp lại và tiết kiệm chi tiêu, lùng kiếm tận cùng mọi phí phạm. Số lượng công chức tại những thuộc địa của chúng ta nhiều gấp hai, gấp ba lần số lượng cần thiết.

Nhiều người thành thực nghĩ rằng công dụng tốt nhất của những thuộc địa mới chiếm được là để giải tỏa phần nào đòi hỏi của những người đang muốn tiến thân và được quá nhiều ô dù thế lực che chở bao bọc trong nền dân chủ còn chưa được vững chắc của chúng ta.

Với nguyên tắc thường được áp dụng đó, Đông Dương tràn ngập những hạng người lỡ thời, những cặn bã của các cơ quan hành chính mẫu quốc. Không có một quan chức cai trị nào ( những người này nhiều đếm không xuể, kể từ năm 1879 , thời khởi đầu của đại nạn này [14]) mà không lôi theo đuôi cả một chuỗi những kẻ cầu cạnh chức quyền, lấy đòi hỏi tham vọng cá nhân làm lợi thế, thay cho khả năng hiểu biết nhân tâm địa lý đất đai cai trị.

Trong thực tế, có thể nói rằng ngày nay, mọi người đều xem như là thuộc địa được tạo ra để phục vụ giới công chức thay vì ngược lại.

Đây là mệnh đề cần phải đảo ngược hoàn toàn. Trước hết, trong vòng một hai năm, phải ngừng việc tuyển nhận công chức, vốn dễ tạo dịp cho tệ đoan thiên vị. Sau đó, phái sang Đông Dương một thành phần nhân sự rất giới hạn, nhưng được lựa chọn và chuẩn bị kỹ, theo những khóa tu tập chuyên môn cao để gạn lọc những phần tử yếu kém. Sau hết, phải cho các viên chức cai trị tại Đông Dương có đủ quyền lực để vĩnh viễn thanh lọc, một cách kín đáo nhưng cương quyết, những kẻ không đủ khả năng hay không xứng đáng, làm sao cho những thế lực ô dù bao che không đưa trở lại thuộc địa những phần tử đã bị loại trừ vì những lý do nghiêm trọng và chính đáng.

Cũng phải cho những viên chức cai trị này có thẩm quyền sắp đặt và dùng người trong thuộc địa tùy theo khả năng. Không biết bao nhiêu tài nguyên trí tuệ và tinh thần bị phân tán hay tiêu hủy, bị kẹt ở những chức vụ phụ thuộc thấp kém, trong một xứ mà khí hậu mau chóng làm hao mòn, trong khi đó những chức vụ quan trọng lại được giao cho những kẻ mới tới, tài cán chẳng có gì, chỉ nhờ thế ô dù bao che!

Lính Pháp, rất tốn kém cho ngân sách Đông Dương, còn quá đông. Với một tổ chức hợp lý hơn, 5 hay 6000 lính gốc Âu thừa đủ để tổ chức và huấn luyện lính bản xứ. Về mặt này, xứ Pháp-Á-Đông vẫn còn một nguồn tài nguyên vô tận về trí tuệ và tinh thần.

Với 6000 người này, cộng thêm 15000 hay 20000 lính bản xứ được huấn luyện thuần thục, được lưu giữ lâu dài tại ngũ bằng cách khuyến khích và tạo dễ dãi cho việc tái nhập ngũ, chúng ta có một quân đội chính quy từ 20000 tới 25000 lính, một con số thấp hơn nhiều so với con số hiện có.

Con số này chắc sẽ đủ, vì cái thiếu sót hiện nay là việc tổ chức, đằng sau 25000 quân chính quy này, từ 30000 đến 40000 quân trừ bị, có thể được trưng dụng khi cần, toàn bộ hay một phần, và đây là phương sách chủ chốt cho công cuộc bình định rốt ráo, cũng như cho an ninh của nền thống trị của nước Pháp. Thêm vài biện pháp cụ thể thích đáng nữa là trong vòng hai năm chúng ta sẽ có một lực lượng quân trừ bị trung thành, rất ít tốn kém cho ngân sách, khác hẳn đám đầu trộm đuôi cướp hay lũ giặc mà chúng ta đã đào tạo từ nhiều năm qua tại Bắc Kỳ.

Nếu những nguyên tắc mà tôi đề nghị, với những biện pháp tương ứng, được áp dụng một cách cương quyết và nhất quán, ngay lập tức ngân sách Đông Dương sẽ trở thành thặng dư , và từ đó :

1° chúng ta không cần xin một xu từ mẫu quốc;

2° có thể phát triển một cách khôn ngoan hệ thống công chánh: những gì xảy ra tại Đông dương từ mười năm qua buộc ta phải nhấn mạnh ở chữ khôn ngoan;

3° xây dựng nền Học chính trên những cơ sở được định rõ nhằm tạo thành nước Pháp-Á-Đông;

4° dần dần tạo ra một binh chủng hải quân Pháp An Nam thực thụ, với một hạm đội gồm chiến hạm, thay thế những tàu tuần giang gần như vô dụng ngày nay và sẽ càng vô dụng trong tương lai. Biện pháp sáng tạo này làm gia tăng một cách rõ rệt và cụ thể thế lực của nước Pháp tại Viễn Đông.

Những suy nghĩ nghiền ngẫm bao lâu nay, cùng kinh nghiệm mười sáu năm sống giữa các dân tộc Đông Dương, đã cho tôi lòng tin tuyệt đối rằng các dự án đó có thể thực hiện được, với điều kiện phải dứt khoát để mục đích dẫn dắt phương tiện , để quyền lợi quốc gia lên trên quyền lợi cá nhân. Nội trong vòng ba năm, vị trí của chúng ta sẽ rất vững chắc tại Đông Dương, và nội trong vòng ba thế hệ nước-Pháp-mới sẽ phát triển một cách tự nhiên tại Á Đông.

Tóm lại, do mối liên hệ mật thiết giữa ngôn ngữ, phương tiện giao lưu tư tưởng, và những nhu cầu vật chất đơn sơ nhất, cuộc chiến ngày nay giữa các quốc gia là một cuộc chiến về ngôn ngữ cũng gần tương đương với cuộc chiến vì quyền lợi vật chất. Mật độ sinh sản của nước Pháp, quá thấp, và chỉ được bù đắp phần nào bằng khả năng đồng hóa, buộc ta phải thâu nhận những đứa con nuôi do cuộc viễn chinh đưa tới. Cuộc thâu nhận này sẽ diễn ra, phần nào đó, qua một số phương tiện đáng được khuyến khích, không nên ngăn cản, như luật lệ, phong tục và đạo giáo của chúng ta.

Nếu chúng ta nhìn về quả địa cầu được thu nhỏ lại do tiến triển khoa học, do giao thông thuận tiện, chúng ta vui mừng nhận thấy sự trì trệ tai hại trong công cuộc bành trướng nước Pháp, do những sai lầm của những người cầm quyền xứ ta trong thế kỷ 18, do các cuộc cách mạng cũng như những mâu thuẫn tranh chấp trong thế kỷ này, đang được thay thế bằng ánh dương đầy hứa hẹn của công cuộc bảo tồn thiên tài của chúng ta, bảo tồn ngôn ngữ , bảo tồn tác phẩm các tác giả lớn, của quá khứ cũng như của tương lai. Chiến thắng hạ thành Alger, năm 1830, củng cố vững chắc vị trí chúng ta tại Bắc Phi. Tại Nam Mỹ, chúng ta sẽ phải kết giao với các dân thuộc hệ văn minh la-tinh và khôn khéo khiến họ học tiếng nói của ta. Để đạt mục đích này, có lẽ ta sẽ phải chấp nhận nhiều nhượng bộ. Vị thế của chúng ta không nơi nào tốt đẹp hơn là tại Bắc Mỹ, nơi mà con dân chúng ta tại Gia Nã Đại, bị chúng ta bỏ rơi một cách đê hèn cách đây 130 năm, đã quy tụ lại dưới sự dẫn dắt của một tổ chức giáo sĩ yêu nước anh hùng, tôn thờ gìn giữ tiếng nói của mình, xem như ngọn đuốc thiêng tượng trưng cho linh hồn cha ông của họ. Do mật độ sinh sản cực cao, dân số họ đã nhân lên gấp bốn mươi lần, từ 60000 ngày nay thành 2 500 000. Sống quy tụ và vững chãi trên con đường tiến bộ, nội trong thế kỷ này, cả Bắc Mỹ sẽ phải tôn trọng tiếng nói của họ [15].

Còn lại Á Đông , nơi mà cuộc chinh phục một phần đất Đông Dương đã cho ta những thuộc dân tuy số lượng ít hơn, nhưng dễ đồng hóa hơn là đám dân của một đế quốc rộng lớn và phồn thịnh mà Dupleix từng mơ ước và cố gắng hình thành[16]. Từ những hy sinh đã qua ta phải xây dựng nên một nước Pháp-Á-Đông. Công cuộc thật to lớn nhưng có thể thực hiện được, và những thành quả sẽ cho chúng ta một vị trí vững chắc tại một nơi thật xa nước ta, tận cùng bên kia thế giới. Muốn như vậy, chỉ cần làm sao cho tư tưởng tối cao vì tổ quốc giúp ta đặt mục tiêu muốn đạt lên trên những quyền lợi cá nhân thấp hèn, những ganh đua, những thành kiến tai hại hay nhất thời.

Như vậy, chúng ta sẽ đóng góp cho tương lai sán lạn mà thế hệ ta cần phải phác họa trước. Thế giới sẽ không phải chỉ thuộc văn hóa slave [17] hay văn hóa anglo-saxon[18], và, trong cuộc hòa âm giao hưởng của thời đại sắp tới, tiếng nói của nước Pháp sẽ tiếp tục rền vang để tuyên dương các tư tưởng công lý, tự do, bình đẳng và thân ái như đã từng được long trọng tuyên bố từ một thế kỷ qua.

***
Chú thích
[6] - Hội nghị thuộc địa quốc tế được tổ chức tại Paris

[7] - Từ "La Convention" được dùng để chỉ Quốc Hội Lập Hiến cai trị nước Pháp từ 21-9-1792 đến 26-10-1795, đã soạn thảo bản hiến pháp đầu tiên cho nền Cộng Hòa Thứ Nhất của Pháp.

Trong thời này, Louis XVI bị truất phế (10-8-1792) và xử tử (21-1-1793).

[8] - Louis XIV (1638-1715), còn được mệnh danh là "Vua - Mặt trời" (Roi Soleil), lên ngôi ngày 16-5-1643 nhưng chỉ thực sự nắm quyền từ năm 1661. Sau khi Hồng Y Mazarin, vốn là tể tướng (Ministre principal) từ thời Louis XIII, từ trần, Louis XIV trực tiếp trị vì , không dùng tể tướng nữa. Louis XIV là một vị vua độc đoán (monarque absolu), nắm mọi quyền hành trong tay. Dưới triều Louis XIV, nước Pháp là một nước giàu mạnh, văn hóa Pháp tỏa khắp Âu châu, với các nhân vật như Molière, Racine, Boileau, Lully, Le Brun, Le Nôtre, La Fontaine, Blaise Pascal, Madame de Sévigné, La Bruyèe, Saint Simon ...

[9] - Gambetta (1838-1882), nhà lãnh đạo của Liên Hiệp Cộng Hòa (Union républicaine) thời Cộng hòa Thứ ba của Pháp (3e république), là người chống đối quyết liệt chủ nghĩa giáo quyền (le cléricalisme).

Theo các đảng phái cộng hòa Pháp thời đó, xu hướng giáo quyền chủ trương đưa tôn giáo chi phối đường hướng trị nước, đưa các tổ chức giáo hội, cụ thể là các giáo đoàn trực thuộc Giáo hội nhà thờ La Mã, ảnh hưởng vào nội bộ chính trị nước Pháp.

Trên diễn đàn Quốc Hội năm 1876, Gambetta từng tuyên bố : "Chủ nghĩa giáo quyền chính là kẻ thù của chúng ta !" (Le cléricalisme, voilà l'ennemi !" ).

Trong nội vụ nước Pháp, Gambetta dứt khoát không chấp nhận để giáo quyền ảnh hưởng lên thế quyền, tách biệt tôn giáo và chính trị. Tuy nhiên, về mặt ngoại giao, ông lại muốn giữ mối quan hệ tốt với Giáo hội La Mã. Trong tinh thần đó, có nguồn dư luận cho rằng ông đã từng tuyên bố : "Cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa giáo quyền không phải là món hàng xuất khẩu".

Ở đây, Aymonier dẫn chứng lời của Gambetta để nói rằng, người ta có thể chống chủ nghĩa giáo quyền tại Pháp, nhưng tại thuộc địa , phải có một đường lối chính trị khác, phải kết hợp với các giáo sĩ để cai trị.

[10] - Le Myre de Vilers là toàn quyền dân sự đầu tiên tại Nam Kỳ, trước đó tất cả các toàn quyền đều là sĩ quan hải quân.

[11] - Nguyên tắc thế tục hóa chính quyền (laïcité) thành hình với cuộc Cách mạng Pháp năm 1789, khi Chế độ Quân chủ Cũ (Ancien Régime) bị lật đổ và các đặc quyền đặc lợi của nhà thờ và tu sĩ bị bãi bỏ, quyền tự do tư tưởng được ghi chép trong bản Tuyên ngôn Nhân quyền (Déclaration des droits de l'homme). Các Giáo đoàn (congrégation religieuse) phải khai báo và phải được giấy phép của nhà nước. Trong thế kỷ thứ 19, các cơ cấu chính trị hành chính dần dần được cải tổ trong chiếu hướng xóa bỏ mọi liên hệ hữu cơ đã có từ thời trước giữa nhà nước và Nhà Thờ La Mã (qua trung gian các Giáo đoàn và tu sĩ). Chính thể Cộng Hòa Thứ Ba (3e République) tổ chức một nền Học chính thế tục (laïc), phi tôn giáo , bắt buộc (Luật Jules Ferry - 28 mars 1882).

[12] - viết nghiêng trong nguyên tác: médecins

[13] - viết nghiêng trong nguyên tác: anciens maîtres en médecine

[14] - Không biết tác giả kể ra năm 1879 với ý gì ? nhắm ai ?

- Chúng ta biết Le Myre de Vilers lãnh chức Thống đốc Nam Kỳ ngày 7-7-1879 , và là người thi hành nghị định, được ký ngày 4-6-1878 từ trước khi ông tới , theo đó "... trên toàn cõi Nam Kỳ thuộc Pháp, bắt buộc chỉ dùng chữ cái Pháp trong các văn kiện chính thức viết bằng tiếng An Nam". E.Aymonier là người phê bình gắt gao chính sách này. Le Myre de Vilers lại có mặt trong hội nghị.

- Về Học chính, tại Pháp, vào ngày 15 tháng 3 năm 1879, Jules Ferry trình Quốc hội một đạo luật nhằm loại bỏ vai trò và ảnh hưởng của các giáo sĩ , chủ yếu nhắm vào các giáo sĩ giòng Tên (Jésuite), ra khỏi tổ chức Học chính. Các nghị định những năm sau 1880, 1882... khiến giáo dục tiểu học trở nên phi tôn giáo, miễn phí, bắt buộc, cho các trẻ em từ 6 tới 13 tuổi. Trong các trường công, các giáo viên sẽ giảng dạy luân lý và nghĩa vụ công dân cho học trò. Giáo dục về tôn giáo sẽ không được giảng dạy tại trường công.

Mặt khác, Jules Ferry đẩy mạnh chính sách bành trướng thuộc địa ( Tunisie, Madagascar, Congo, xâm chiếm Bắc Kỳ... ). Cuộc xâm chiếm Bắc Kỳ gây nhiều tổn thất về người, tiền của cho Pháp.

[15] - Xứ Gia Nã Đại ngày xưa là đất của các bộ tộc da đỏ. Bắt đầu từ thế kỷ thứ 16, Pháp và Anh chia nhau đất đai rồi cho di dân tới. Vùng đất do Pháp chiếm đóng được gọi là Nouvelle France, nước "Tân Pháp". Lúc đầu người Pháp chỉ ở lại tạm trong thời gian cần thiết để câu cá và săn bắn mua bán da thú rồi trở về Pháp. Bắt đầu từ năm 1603 mới có người ở hẳn lại sinh sống. Từ đó người Pháp di cư tới mỗi ngày mỗi đông, nhiều thành phố được thành lập. Vào thời vua Louis XIV , việc di dân tới Tân Pháp được đặc biệt chú ý.

Ngay từ đầu, việc cạnh tranh giữa Anh và Pháp đã rất gay gắt. Chiến tranh giữa hai nhóm di dân Anh và Pháp thường trực xảy ra, với sự liên kết của các thổ dân da đỏ, theo phe này hay phe kia.

Sau trận chiến chinh phục tại Bắc Mỹ (la guerre de la Conquête) (1754-1763), song song với trận chiến 7 năm (1756-1763) tại Âu Châu, hầu hết đất đai của Tân Pháp, chủ yếu là vùng Québec ngày nay, rơi vào tay đế quốc Anh.

Ngày nay, xứ Québec (thuộc Gia Nã Đại) có 8 triệu dân, ngôn ngữ chính thức là tiếng Pháp, dân chúng 79 % nói tiếng Pháp , 8 % nói tiếng Anh (ngoài ra là các dân tộc dùng ngôn ngữ các thổ dân cũ).

[16] - Joseph-François Dupleix, sanh ngày 1/1/1697, là toàn quyền Pháp tại Ấn Độ (1742-1754). Ông có tham vọng tạo dựng một vùng đất đai rộng lớn cho đế quốc Pháp tại Ấn Độ, tranh giành ảnh hưởng với đế quốc Anh, và có phần thành công. Năm 1754, ông bị triệu về Pháp. Toàn thể công trình của ông sớm chiều bị sụp đổ.

[17] - Slave (Xla-vơ) : Nhóm dân tộc tổ tiên của của dân tộc Nga,Ba Lan,Tiệp ...

[18] - Anglo-Saxon: Nhóm dân tộc tổ tiên của dân tộc Anh.

***
- Phần II -
(Thông tri đọc tại Hội nghị thuộc địa quốc tế, ngày 11 tháng 12 năm 1889.)

Nên lấy tiếng An Nam viết bằng chữ quốc-ngữ làm cơ sở của nền Học chính Đông Dương hay là, thay vào đó, ta phải tìm cách dạy tiếng nước ta cho thuộc dân mới của chúng ta?

Câu hỏi , rất quan trọng cho tương lai của công trình nước Pháp đang xây dựng tại Viễn Đông, đã được nêu ra trong nhật thứ của hai hội nghị quốc tế tổ chức vào mùa hè vừa qua tại Paris. Nó đã được thảo luận vào cuối tháng bẩy trong phân ban Một của Hội nghị thuộc địa quốc tế. Buổi họp này không đưa ra nghị quyết, tuy nhiên ý hướng của đa số các thành viên người Pháp đã khá rõ. Khi nói vậy, tôi muốn viện dẫn lời phát biểu của các ông Raoul và Gauthiot, cũng như của nhiều người khác. Ít ngày sau, cuộc thảo luận tương tự , nhưng dài thì giờ hơn, về đề tài này , được tiếp tục trong một buổi hội thảo của Hội Pháp văn liên hiệp. Sau hai kỳ thảo luận, mọi thành viên tham dự , kể cả những người ủng hộ chữ quốc-ngữ, đã nhất trí thông qua nghị quyết nói rằng việc dạy trực tiếp tiếng Pháp cần được khuyến khích và hỗ trợ tại Đông Dương. Như vậy có nghĩa là giải pháp quốc-ngữ đương nhiên bị bãi bỏ dù không nói ra. Nếu câu chữ trong văn bản được đưa ra biểu quyết và chấp nhận không nêu ra rõ ràng điều này là vì tôi, người được giao cho viết dự thảo biểu quyết, đã yêu câu người ngồi cạnh, cũng là người phản bác ý kiến tôi, tham gia soạn thảo. Vị này đã hoan hỉ nhận lời.

Tôi làm vậy vì lịch sự, nhưng cũng để thể hiện trên văn bản, sự nhất trí vừa đạt được trên nguyên tắc, và nhờ vậy mọi việc đã trôi chảy tốt đẹp.

Từ đó, tôi có thể xem rằng vấn đề đã được giải quyết dứt khoát, và nghĩ rằng trong tương lai, chỉ còn phải bàn tới phương cách thể hiện nguyên tắc đã thông qua.

Việc phổ biến tiếng nói xứ ta, được mọi nơi xem như hệ quả cần thiết và bắt buộc cho mọi công cuộc chinh phục thuộc địa, là một trong những chân lý hiển nhiên, nói theo một thành ngữ bất hủ: chỉ người mù mới không thấy !

Lẽ ra phải như vậy, nhưng trên thực tế lại không như vậy. Chỉ ít lâu sau, cuộc tranh luận nổ ra trên báo chí khiến tôi lại phải tiếp tục đấu tranh, dù rõ ràng những cải tổ đã đề nghị là những cải tổ có ích nhất, thiết thực nhất cho quyền lợi tối cao của tổ quốc.

Ủy ban tổ chức hội nghị này, vì muốn đáp ứng yêu cầu tối quan trọng là việc quảng bá tiếng Pháp, đã đưa đề tài vào nhật thứ thảo luận của mọi tiểu ban chuyên lo về các thuộc địa đang chinh phục. Nhưng ta có thể nói rằng trong bối cảnh hiện tại, và cũng vì những lỗi lầm liên tiếp đã phạm phải, không nơi nào vấn đề này lại được đặt ra một cách nghiêm trọng , bất lợi và lâu dài cho ta như tại Đông Dương, nó ảnh hưởng nặng lên chính sách thuộc địa của chúng ta.

Sau bao năm sinh sống tại đất nước xa xôi này, tôi đã thấy rõ rằng một trong những sai lầm lớn nhất đã kể trên là bỏ ra 30 hay 40 triệu francs để cố gắng quảng bá một thứ chữ không thể nào và cũng sẽ không bao giờ là gạch nối giữa kẻ chinh phục và dân bị trị. Biết như vậy, tôi tự nhủ có trách nhiệm phải nói to lên ý nghĩ của mình, nương theo phương châm oai dũng xưa kia của tổ tiên ta : "việc phải làm cứ làm, sau đó ra sao không cần biết !" (fais ce que dois, advienne que pourra !).

Giờ ta thử vắn tắt tìm hiểu kẻ địch do người Pháp đã tạo ra cho chính mình, bỏ công của ra nuôi dưỡng nó, tôi muốn nói chữ quốc-ngữ , với cái tên gọi cũng quái dị như chính bản thân của nó, cái tên mà chúng ta sẽ còn quá nhiều dịp phải nhắc tới.

Tiếng An Nam, là một thứ tiếng nhiều thanh điệu và đơn âm  (monosyllabique), được 20 triệu người nói. Nhưng từ cổ xưa họ lại dùng chữ viết của Trung Quốc.

Họ còn có đến hai loại chữ viết tượng hình (écriture idéographique), tuy vậy chúng ta cũng không cần bàn sâu về chuyện này.

Chữ quốc-ngữ là loại chữ viết thứ ba, do các nhà truyền giáo tạo ra, ghi lại các âm của tiếng nói bằng các chữ cái Âu châu, diễn tả thanh âm trầm bổng bằng các dấu đặc biệt.

Không ai chối cãi cái khó khăn không thể vượt qua của việc cải biến thứ thổ ngữ thô sơ, bị bóp nghẹt sau 15 hay 20 thế kỷ quen dùng chữ viết của Thiên Triều (Céleste Empire); do đó, tôi sẽ rất vắn tắt trên khía cạnh kỹ thuật của vấn đề.

Để diễn tả những ý thông thường với một số ngôn từ ít ỏi, tiếng An Nam dùng sáu thanh điệu (ton) khiến cho số lượng các đơn âm tiết (son monosyllabique) được nhân lên sáu lần . Phương thức này giúp tạo ra một từ vựng gồm vài trăm chữ với nhiều âm điệu cho ngôn ngữ thông tục. Người Âu châu có xu hướng lầm lẫn đảo lộn những âm điệu trầm bổng tế nhị này, tuy nhiên nếu cố gắng, biết khéo léo bố trí và dựa lên một chữ viết rắc rối nhiều dấu, họ có thể khắc phục được những khó khăn đó.

Nhưng, một khi đưa thứ ngôn ngữ này vào địa hạt văn chương hay khoa học, vốn liếng quá nghèo nàn của ngôn ngữ thông tục không còn đáp ứng được nữa, và những đơn âm tiết này sẽ gặp nhiều hạn chế giống như âm sin của tiếng Pháp. Các dạng sain, sein, seing, saint, ceint,[19] cộng thêm trong một số trường hợp dạng cinq, diễn tả sáu nghĩa khác nhau, dù tai ta chỉ nghe được âm sin. Như vậy, mỗi đơn âm tiết An Nam mang nặng, trong ngôn ngữ văn chương hay khoa học, sáu, tám hay mười nghĩa khác nhau ( và có thể lên đến ba mươi hay bốn mươi nếu ta lẫn lộn các thanh điệu trầm bổng). Trong loại chữ viết tượng hình (écriture idéographique), khi mỗi chữ tượng hình (hiéroglyphe) diễn tả một nghĩa khác nhau, không sao lẫn lộn được; nhưng với chữ quốc-ngữ, vốn chỉ có thể diễn tả được các âm , làm sao phân biệt được các nghĩa khác nhau của cùng một âm ?

Thật ra, tiếng An Nam, qua bao thế kỷ dựa trên chữ tượng hình, đã gắn bó chặt chẽ với chữ nho, nghĩa là thứ chữ viết dùng để diễn tả tiếng nói của người Tàu hay tiếng quan thoại, cũng như đất An Nam đã gắn chặt với Thiên Triều. Vì muốn giải-hán-hóa (déchinoiser) nền Học chính, nói theo lối nói của những người phản bác ý kiến tôi, để An-nam-hóa (annamitiser) nó, chúng ta đã muốn lấy một thân người, xẻ bỏ thịt và xương ; để rồi chỉ còn giữ trong tay da và quần áo. Biết làm trò trống gì đây với cái thứ hình nộm mang tên quốc-ngữ này ? Cố dựa lên nó để làm cơ sở cho nền Học chính, ta chỉ đưa dân tộc bị trị vào một ngõ bí, sĩ phu bản xứ đã thấy rõ điểu này. Khó mà diễn tả được mức độ khinh thị sâu sắc và có suy xét của sĩ phu bản xứ đối với thứ chữ quốc-ngữ mà chúng ta khăng khăng trình bày như phương tiện tuyệt hảo để chấn hưng nòi giống họ.

Có người sẽ phản bác rằng các nhà truyền giáo, những kẻ đã sáng chế ra chữ quốc-ngữ, từ bao thế kỷ nay đã dùng nó để truyền giáo. Đúng vậy [20], nhưng cũng phải thêm rằng phương tiện rất thô sơ này quả thật là tuyệt vời cho những ai chỉ muốn quảng bá một số ý thông tục, thuộc lãnh vực luân lý hay đạo giáo. Nó không cho phép bàn đến những vấn đề sâu sắc hơn, thuộc lãnh vực văn chương hay khoa học, vốn không phải là mục tiêu của các nhà truyền giáo, nhưng lại là trọng tâm cho những ai có tham vọng muốn gầy dựng và hướng dẫn nền Học chính của cà một quốc gia. Với những người này, rõ ràng đây là một trận thách đấu giữa tiếng Pháp và tiếng Tàu. Qua bao thế kỷ, từ khi các nhà truyền giáo gài đặt chữ quốc-ngữ vào xứ An Nam, ngoài họ và vài người theo đạo Ki-tô, chưa một ai dùng thứ chữ này. Chưa bao giờ tầng lớp trí thức có mảy may ý nghĩ tiếp thu nó. Nghe đề nghị trên, hẳn họ sẽ mỉm cười tội nghiệp cho người nào có tư tưởng đó. Cho đến một ngày kia người Pháp, kẻ chinh phục, đem áp đặt thứ chữ đó cho họ, và những người An Nam dễ bảo đành phải chịu phục tùng, cũng như họ sẽ chịu khuất phục nếu thay vào đó bằng tiếng Pháp được áp đặt. Dù sao, họ vẫn thấy việc giảng dạy chính thức chữ quốc-ngữ không đáp ứng đủ nhu cầu của họ, và do đó vẫn giữ lại nhiều trường tư dạy chữ nho, nói tóm lại chữ quốc-ngữ đã không thể giải-hán-hóa (déchinoiser).

Thật vậy, đừng quên là về các vấn đề này, chúng ta đã có ba mươi năm kinh nghiệm tại Nam Kỳ (basse Cochinchine), vốn là xứ thuôc địa Pháp, chứ không phải bảo hộ, với quy chế cai trị trực tiếp. Tại đây, việc giảng dạy chữ quốc-ngữ đã trở thành chính thức, và được thi hành một cách triệt để , với những hy sinh tài chính nặng nề không như ở Bắc Kỳ sau này; vậy mà kết quả thu lượm được thật là thảm hại, nếu không nói là chỉ để cung phụng số liệu thống kê cho những người đầu óc hời hợt phiến diện ?

Từ hơn hai mươi năm qua, tôi đã từng nghe nhiều người giàu kinh nghiệm, tỉ như ông Luro nay đã quá cố, than tiếc về sự ra đời của chữ quốc-ngữ, là một thứ cũi sắt chúng ta muốn dùng để giam hãm tri thức của dân An Nam. Ông Landes[21], một người tài năng, có uy tín trong giới An-Nam-học xưa và nay, lại còn viết rằng sáng chế ra chữ viết này quả thật là điều thật đáng tiếc, vì có lẽ nó sẽ ngăn chận không cho dân An Nam tạo ra một thứ chữ viết thích hợp hơn với tiếng nói của họ. Tôi kể ra điều trên đây một cách giản lược, theo ký ức, ai muốn rõ hơn có thể tìm thấy lý lẽ chính xác của quan điểm này trong tập san Excursions et Reconnaissances , phần mở đầu truyện Pruniers refleuris (Nhị độ mai)[22], nếu tôi không lầm.

Vốn không có tính cố chấp, tôi sẵn sàng công nhận rằng chữ quốc-ngữ là phương tiện đơn giản, dễ học, người bản xứ có thể tiếp thu được nội trong vòng vài tháng. Nhưng tiền nào của đó : công dụng của nó rất giới hạn. Tôi nghĩ không nên cho nó một tầm quan trọng vượt quá mức thực thụ của nó, và ta không thể lấy nó làm cơ sở cho nền Học chính của cả một dân tộc.

Có người sẽ bảo: "Chúng ta công nhận rằng tiếng An Nam rất nghèo nàn, vậy những từ Pháp nào không thể dịch được sang tiếng An Nam có thể được du nhập vào y nguyên, qua trung gian chữ quốc-ngữ ".

Chao ôi ! Quí vị thử tưởng tượng một thứ tiếng không phải là tiếng Pháp, mà các từ ngữ Pháp được du nhập sau đó lại có thể trở thành đa số ! Làm vậy ta sẽ chỉ gặp một trở ngại duy nhất, nhưng quả thật là cơ bản. Phương cách lai căng què cụt này sẽ làm biến dạng những từ, gốc Pháp, được du nhập. Nó là một con đường vòng vèo, dài dặc khổ cực, có khi đưa đến ngõ bí, vì nó đòi hỏi tiếng nói được du nhập phải chịu một sự biến đổi triệt để, với kết quả mơ hồ dựa trên nhiều ức đoán. Một lần nữa, kinh nghiệm của xứ Nam Kỳ lại cho chúng ta nhiềuthídụ về các từ được du nhập, khá thông dụng trong giới theo đạo Ki-tô nhưng rất hiếm khi được những người theo đạo Phật dùng. Thí dụ như : lang-sa = français; an-lê =anglais; gîep = juif; giê-du = Jésus; xa-lup = chaloupe; mat-lô = matelot; giên-dam = gendarme. Chúng ta thấy ở đây cách phát âm và đặc tính đơn âm tiết của tiếng nói này đã nhào nặn như thế nào các từ, chia cắt chúng thành những đơn âm tiết sẵn có. Xin lưu ý rằng trên đây tôi đã loại bỏ đi các dấu trọng âm (accent) của chữ quốc-ngữ mà những người sắp chữ in không có sẵn trong tay. Tóm lại, không thể nào tạo ra một thứ tiếng An Nam ít nhiều Pháp hóa.

Đó là về phần ghi chép chữ; về phần dịch nghĩa, những người phản bác tôi phải công nhận rằng cụm từ "Académie tonkinoise" chẳng thua kém gì cụm từ quốc-ngữ tương đương : Bac-ki-han-lam-vien.

Đến đây, tôi không khỏi nhận thấy mình vừa viết ra năm từ đơn âm tiết, mỗi từ tự nó có không biết bao nhiêu là nghĩa khác nhau, cũng như các từ lang-sa, mat-lô, được dùng để nhái lại các từ bằng tiếng Pháp kể trên.

Sau khi xét khía cạnh kỹ thuật của vấn đề, tôi xin kết luận và nhắc lại rằng không thể nào đặt cơ sở nền Học chính của cả một dân tộc lên trên chữ quốc-ngữ.

Và đây cũng chính là một cái may lớn cho chúng ta, những kẻ đi chinh phục. Chữ quốc-ngữ được các nhà truyền giáo thời trước sáng tạo ra. Họ thuộc nhiều quốc tịch khác nhau, và không nhắm ủng hộ bất kỳ một quốc gia Âu châu nào, bất kỳ một tổ quốc nào trên trần thế. Chữ quốc-ngữ, dịch theo nghĩa là "chữ viết của vương quốc, chữ viết của quốc gia", sẽ xứng đáng với danh xưng và đi ngược lại quyền lợi của chúng ta, nếu nó có thể giúp kiến tạo ra tại xứ An Nam, một ngôn ngữ quốc gia hoàn chỉnh, hiện nay chưa có, ngoài tiếng Pháp. Với khả năng đó, nó sẽ là một công cụ rất nguy hiểm trong tay những người An Nam yêu nước (patriotes annamites), kẻ thù của nước Pháp. Ta có thể đoán rằng, ngay từ bây giờ, tại Nam Kỳ thuộc Pháp, những tư tưởng đó đã bắt đầu nhen nhúm nẩy mầm, tuy chưa rõ nét, trong tâm tư một vài người dân bản xứ ít nhiều thông thạo chữ quốc-ngữ. Thứ chữ viết này có tham vọng đại diện, đào tạo và kiện toàn một ngôn ngữ, được một số người Pháp ủng hộ mặcdù nó còn đầy dẫy những thiếu sót. Do thời thế đưa đẩy, nó đã có mặt tại chỗ. Khi chúng ta tới xứ này, các giáo sĩ truyền giáo, những người trung gian đầu tiên của chúng ta với dân bản xứ, dùng nó như một công cụ ; rồi sau đó, mọi người cứ thế mà hùa theo như đàn cừu. Với tính sa đà bồng bột thiếu suy xét của chúng ta, không biết tiếng Pháp có thể chống chọi nổi một ngôn ngữ đẹp tươi, hoàn chỉnh hơn, thay vì cái thổ ngữ thô sơ này, vốn thường chịu ảnh hưởng thống trị ngoại lai từ bao thế kỷ qua.

Tính thiếu nhất quán trong đường lối chính trị của ngưới Pháp quả thật đáng nể. Họ đã bỏ công khổ cực đấu tranh để quảng bá tiếng nói họ, củng cố ảnh hưởng hay áp đặt nền thống trị của họ tại Algérie, Tunisie, Levant (Trung Đông), Madagascar. Tại Nam Kỳ, cũng như tại Bắc Kỳ, nơi họ có chủ quyền, có thể nói là tuyệt đối, với kẻ địch duy nhất - nhưng cũng phải công nhận là dũng mãnh nhất - là những sai lầm của chính mình, họ đã cho nẩy ra vấn đề quốc-ngữ.

Trong cuộc đấu mà lẽ ra chỉ có hai đấu thủ , anh Tàu và anh Pháp, một đại diện cho ảnh hưởng tinh thần của quá khứ, một cho nền thống trị chính trị của tương lai (nhưng cũng cần phải ghép thêm nền thống trị tinh thần nếu không muốn bị đưa đến thảm bại), trong cuộc đấu đó, người Pháp lại bỏ công bỏ của lôi vào và nuôi dưỡng thêm một đấu thủ thứ ba là anh An Nam. Xem việc tiếng Pháp bị người ta quyết liệt đánh bật rễ khỏi vùng Alsace-Lorraine[23] không lẽ không khiến người Pháp thấm thía tầm quan trọng của ngôn ngữ ? "Học đường là nền tảng của xã hội !", người Tàu đã tuyên bố như vậy từ tận xứ Tân Cương xa xôi, và tại đó họ đã áp đặt tiếng nói và chữ viết của họ. Đừng nên quên điều đó ! Chúng ta sẽ có dịp trở lại chuyện này.

Có người sẽ hỏi, làm sao một dân tộc có thể đột nhiên từ bỏ tiếng nói của mình. Tìm đâu ra 50 triệu để tổ chức 20 000 trường Pháp, và liệu ta có thể cho kèm 15 triệu người An Nam, mỗi người một lính cảnh sát (sen đầm, gendarme) , để điệu họ tới trường ?

Cầu trời tránh cho chúng ta khỏi cái bệnh phóng đại và ví von. nhưng có lẽ với cái bệnh này thì đến trời cũng đành bó tay ! Trước hết, xin gạt chuyện lính cảnh sát sang một bên. Không một người nào, thông hiểu tình hình Đông Dương, có thể khẳng định được rằng người An Nam sẽ không gửi con em họ tới trường Pháp, ngày mà họ được chúng ta mời và tạo đủ điều kiện thuận lợi cho họ. Những người đã sống tại Nam Kỳ lâu năm, chắc còn nhớ chuyện xưa kia người dân quê An Nam từng rất ghét tiêm chủng, vào thời mới khởi động , vì cho rằng đó là một phương cách ma đạo để truyền nhiễm tư tưởng Pháp cho con em họ; nhưng chắc không một ai trong những người dân quê này từ chối hậu quả, ta cứ gọi là tiêm chủng , của tiếng Pháp. Giữa họ với nhau, ai biết nói tiếng Pháp được tôn trọng hơn mọi người khác. Người chỉ biết chữ quốc-ngữ không được lợi thế này! Những người căm ghét kẻ chinh phục nhất, những người yêu nước nhất hiện chỉ xem việc học chữ Pháp như phương tiện để tiến lên bằng chúng ta và sau đó đuổi chúng ta đi. Chúng ta có thể khai thác tình cảm này không ngại ngùng, miễn là việc giảng dạy được tổ chức nhắm đến quảng đại quần chúng cũng như nhắm đến từng cá nhân đặc biệt.

Còn chuyện 50 triệu ! Tôi xin phép lưu ý rằng tôi chỉ nhắm đến Nam Kỳ thuộc Pháp, với ngân sách 2 triệu dành cho giáo dục mà chủ yếu là cho chữ quốc-ngữ. Nói vậy, tôi không ngần ngại thưa thêm là cho toàn cõi Đông Dương, nguồn tài trợ cần thiết cho nền Học chính sẽ không thiếu ngày mà nước Pháp có được những nhà lãnh đạo quyết tâm đặt quyền lợi tối cao của tổ quốc lên trên quyền lợi nhỏ nhoi của cá nhân, của phe đảng. Ngày đó, Đông Dương sẽ không cần nhận một xu viện trợ.

Sau cùng, có ai đó đã nói tới chuyện phép lạ thánh thần khiến người dân An Nam đột nhiên từ bỏ tiếng nói của họ? Tôi đã thưa rõ, và tôi cũng xin nhắc lại rằng công cuộc thật lớn lao, tức là việc bắt rễ tiếng nói của chúng ta vào Đông Dương, vốn là ý nghĩa duy nhất của cuộc chinh phục, là phương cách duy nhất đưa đến kết quả to lớn, sẽ phải mất ba thế hệ, có thể hơn, có thể kém, tùy theo mức độ khôn khéo của người đi chinh phục. - Về điểm sau cùng này tôi phải công nhận là tôi có phần bi quan - Ba thế hệ, một thế kỷ, lâu thật. Nhưng chính sách thuộc địa phải nhắm tới là một quá trình hình thành trong nhiều thế kỷ, cho nhiều thế kỷ, nếu không thì cũng chỉ là trò bịp bợm.

Dù sao, ngay từ thế hệ đầu tiên, thành quả của chính sách này chắc sẽ rất đáng kể.

Thật đáng buồn, và chẳng đẹp đẽ gì cho những ai chỉ biết phê bình, đả phá, mà không có khả năng xây dựng tái tạo! Vì vậy, dĩ nhiên tôi phải đề nghị những kế hoạch hành động, theo ý tôi là hợp lý, với những phương pháp khả thi có hiệu quả ! Mục tiêu đã được định rõ, phương tiện sẽ do viên chức cai trị lựa chọn, tùy nơi tùy điều kiện. Đừng bao giờ quên rằng giá trị của dụng cụ thùy thuộc hoàn toàn vào tài năng của người thợ vận dụng chúng, những kế hoạch hữu hiệu nhất là những kế hoạch được thi hành đúng đắn.

Tôi dứt khoát không thể chấp nhận để áp dụng lại cho tương lai phương cách giảng dạy tiếng Pháp tại Nam Kỳ từ ba mươi năm qua. Vào thời đầu chiến tranh chinh phục, phương cách này cần thiết vì chúng ta cần thông ngôn, nhưng nay đã đến lúc phải thay đổi, hay đúng hơn, phải xây dựng thêm , bên cạnh đó, một phương thức giảng dạy khác. Chúng ta hao tốn ngân sách để dạy cho vài trăm dân bản xứ một thứ tiếng Pháp nghiêm túc, giáo khoa, với tất cả những khúc mắc khó tiếp thu, nhất là đối với những dân tộc mà ngôn ngữ vốn không có phân ngôi trong động từ. Cạnh đó, chúng ta để cho quần chúng học tiếng An Nam bằng chữ quốc-ngữ. (Ngay cả tại Sài gòn, vốn cùng với các vùng lân cận, lẽ ra phải được xem như là hợp thành một thành phố lớn của nước Pháp, chữ quốc-ngữ tràn lan khắp nơi; không có một trường tiểu học nào dạy bằng tiếng Pháp cho người bản xứ tại Sài gòn !). Kết cục là tiếng nói của chúng ta bị xem là một thứ ngoại ngữ, chỉ để dành cho những kẻ nhiều tham vọng, những công chức tương lai hay những kẻ lỡ thời (déclassé) tương lai; với những người này, học tiếng Pháp chỉ là để cầu mong tài lợi. Tình trạng này có xu hướng tạo ra, giữa chúng ta , những người thống trị, và quần chúng bị trị, một đẳng cấp tối ư độc hại, đẳng cấp của những kẻ ngụy-sĩ-phu, với kiến thức mù mờ, học mà không thấm, tham vọng cao, dễ hờn giận, những chính trị gia tương lai, cũng tương tự như các thầy ký babous [24] vốn là tệ hại lớn cho nước Ấn Độ do nền thống trị Anh đào tạo ra.

Tại xứ Đông Dương , dân chúng vốn thuận thảo dễ uốn nắn, đã được rèn luyện qua bao thế kỷ , trong bối cảnh một xã hội trọng tôn ti trật tự, theo một lề lối vận dụng tâm trí chậm chạp nặng nề , tức là lề lối để học chữ Tàu, với nhiều kiến thức nhảm nhí, ít hiểu biết vững chắc. Tại đây sách báo sẽ phải nhắm hai mục tiêu: vừa phổ biến những kiến thức có ích lợi và trong sáng, vừa là phương tiện chủ chốt để quảng bá tiếng nói của chúng ta. Dân ta sẽ không thể nhập cư đủ đông đảo để có thể phổ biến tiếng nói của chúng ta như tại xứ Algérie; tuy nhiên, qua sách báo việc quảng bá có thể sẽ bội phần nhanh chóng hữu hiệu hơn như tại Bắc Phi. Dân An Nam cần sách. Chúng ta thay sách Tàu bằng sách Pháp, tất cả chỉ có vậy thôi.

Như vậy, chúng ta phải trao tận tay con dân Á châu của chúng ta những sách báo dễ đọc, có ích lợi, và ngay lập tức đem lại cho họ những kiến thức có giá trị hơn hẳn vốn liếng kiến thức cũ xưa. Tuy nhiên, chúng ta không thể gia tăng số giáo viên Pháp: họ là những công chức rất tốn kém cho công quỹ, nhiều khi làm việc dưới khả năng, vì thế đã có nhiều lời chê trách tại Nam Kỳ về vấn đề này.

Để giải quyết khó khăn này, tôi nghĩ ta phải dùng một mẹo đặc biệt: tạo ra một phương pháp dạy tiếng Pháp rút gọn, đơn giản hóa . Có người nói tướng Faidherbe[25] trước đây đã có ý tổ chức như vậy với những thiếu niên da đen xứ Sénégal. Tôi không rõ chuyện này, nhưng tôi sẽ lấy làm vinh dự được tình cờ nhất trí với một trong những nhà thực dân lớn, người Pháp, của thế kỷ này, đã bao gồm các đức tính thông minh, cương quyết, sáng suốt, nhất quán trước sau, và yêu nước; đến đây tôi cũng nhớ rằng tại xứ Tunisie có người đề nghị tổ chức những trường khai-thông-ngôn-ngữ[26] .

Như vậy, tôi đề nghị tạm thời loại bỏ khỏi tiếng Pháp những chính tả ngoại lệ, những khúc mắc văn phạm, đa phần những chữ đồng nghĩa , hầu hết những quy tắc phân ngôi (ngoại trừ vài trường hợp của ngôi thứ ba số ít, và những động từ không ngôi), và ta chỉ còn lại một thứ ngôn ngữ tóm-gọn, gọi là bồi (nègre) cũng được, với dáng dấp cấu trúc của những câu tục ngữ, những châm ngôn, nhưng nó đủ dùng để diễn tả những ý niệm cụ thể. Amour chẳng hạn, trùng nghĩa với aimer , do đó phải bị loại bỏ; parler có thể dùng thay thế parole[27].

Ta soạn vài quyển sách đơn giản, từng bước đi lên, từ dễ đến khó, tức là phương pháp Ollendorf, dùng một từ vựng rút gọn tối đa, theo sát ngôn ngữ của dân bản xứ, có thể xem là nói tiếng An Nam với từ ngữ Pháp, nhưng vẫn còn là tiếng Pháp, với cú pháp trực tiếp và lô-gích cho cả hai thứ tiếng. Soạn loại sách này đòi hỏi nhiều tài năng, gần như là thiên tài vì phải đơn giản hóa tột cùng. Trong những loại sách này, ta phiên dịch thật duyên dáng các châm ngôn, tục ngữ phổ biến của dân An Nam, tất cả những gì tóm thâu đời sống tinh thần hiện tại của quần chúng. Ta thêm vào đó những khái niệm hữu ích, những kiến thức thông dụng của ta. Ta phổ biến thật rộng rãi những sách này.

Trường tại thủ phủ các địa hạt (xin nhắc lại là tôi đang bàn về Nam Kỳ thuộc Pháp, tuy nhiên ta vẫn có thể từ đó suy ra các quy tắc hành xử cho cả Đông Dương) phải vừa là trường trung học tại đó tiếng Pháp mà ta gọi là giáo khoa (le français classique) được giảng dạy, vừa là trường sư phạm đào tạo không giới hạn số lượng, cho làng xã, giáo viên bản xứ dạy tiếng Pháp tóm gọn (le français réduit). Tôi tạm dùng từ này vì hiện thời chưa có tên nào khác cho thứ tiếng Pháp này , nhưng ta cũng có thể chọn bất cứ tên nào cũng được.

Ta vẫn giữ nguyên tắc giáo dục bắt buộc, tuy nhiên tiến trình thực hiện sẽ do nhà nước quyết định, nên tôn trọng tối đa tập quán tự quản, tuyệt hay, của làng xã An Nam. Ta giữ quyền thanh tra và kiểm điểm kết quả, để cho làng xã tự do lựa chọn phương tiện thi hành.

Tuyệt đối tránh xây dựng trường ốc cao cấp, mái tranh vách đất của dân bản xứ là vừa đủ. Khuyến khích làng xã gửi thật nhiều con em ưu tú tới các trường sư phạm. Chính những người này sẽ trở về làm giáo viên cho làng xã, và dứt khoát không nên có một tham vọng quan chức nào khác. Là con em của làng xã, họ sẽ do làng xã tuyển chọn, trả lương, và cách chức nếu cần. Lý tưởng là những giáo viên làng xã này , rất đông đảo, sẽ không tốn kém lương bổng hơn các thầy dạy chữ nho , ngày nay vẫn còn thấy tại nhiều xóm nhỏ, vì trường chính thức dạy chữ quốc-ngữ không đủ sức thay thế họ.

Người thống trị cũng như kẻ bị trị sẽ phài từ từ thấm nhuần tư tưởng là , do chính sách chinh phục , trẻ con An Nam sẽ bắt buộc phải học thứ tiếng tóm-gọn, đơn giản hóa của chúng ta, được tổ chức với học phí rẻ. Ở trình độ đó, thứ ngôn ngữ này sẽ có ích cho chúng hơn là như trước đây để chúng nhắm cao hơn, học khó hơn. Nó cũng có một cái hay khác là bắc cầu liên hệ trực tiếp giữa người thống trị và kẻ bị trị, và xóa bỏ đẳng cấp thầy ký babous chớm nảy sinh.

Cái nghĩa vụ gần như là không tốn kém gì, hay rất ít, tùy thời tùy chốn được từ từ thi hành, chắc chắn là ngàn lần ít khắc nghiệt cho người nông dân An Nam hơn một thứ nghĩa vụ khác họ vẫn thường gánh chịu hàng ngày là thuế má. Chính cái nghĩa vụ này mới thật là khắc nghiệt. Như mọi nơi, trẻ con vốn thừa thì giờ rảnh rỗi.

Còn về phản ứng của nòi giống này khi đem áp dụng nguyên tắc áp đặt trong một vấn đề mà họ sẽ thấy rõ ích lợi trong thời gian rất ngắn, tôi xin nhắc lại chuyện thời ban đầu của công cuộc chinh phục, nếu không có thông tư của đô đốc Bonnard, hầu hết làng xã vùng Sài Gòn đã xôn xao bàn việc ồ ạt theo đạo Ca-tô, đạo mà họ mới vừa bài bác kỳ thị ngày hôm trước, vì họ cho rằng thay chính thể mới phải cải đạo theo tôn giáo của chính thể mới.

Việc giảng dạy tiếng Pháp cần được tổ chức sắp xếp tầng lớp như học chữ nho trước đây. Tại cơ sở, các làng xã, ta dạy tiếng Pháp tóm-gọn ; cao hơn, tại trường học của thủ phủ các địa hạt ta dạy tiếng Pháp giáo khoa, cao hơn nữa ta có các trường chuyên nghiệp và các trường trung học tương đương với các trường hiện có tại Sài Gòn , chỉ thu nhận một thành phần ưu tú ít ỏi. Hiện nay, ta đã tạm có hai tầng trên, nhưng tại cơ sở thì hoàn toàn thiếu sót; chỉ có trường tổng dạy chữ quốc-ngữ , và chính sách giảng dạy tiếng Pháp không nhắm đến quảng đại quần chúng.

Theo ý tôi, các cá nhân, dù xuất sắc đến đâu, cũng không có ích lợi thật sự nào khác ngoài việc đóng vai trò làm mẫu mực để lôi cuốn quần chúng.

Việc quảng bá thứ tiếng Pháp tóm-gọn này là một công trình tế nhị nhất, đòi hỏi nơi ta mọi cố gắng, mọi chú tâm. Phải quảng bá nó trong giới phụ nữ, và mở ra các trường sư phạm cho họ. Đây là một cuộc cách mạng mang lại nhiều lợi ích, với tầm mức ảnh hưởng lâu dài không thể lường được. Tôi chợt nhớ đến lời của một trong những quan chức cao cấp bản xứ của ta vừa mới qua Pháp gần đây. Tháng chín , tôi gặp tại Royat [28], quan phủ Phương từ Chợ Lớn qua. Ông ta nói "Phụ nữ chúng tôi mê say bài bạc. Họ không như phụ nữ Pháp biết tìm giải trí thanh cao trong thú đọc sách ! ".

Với dân tộc quen đọc sách , cần đọc sách này, thứ tiếng Pháp thô sơ sẽ được truyền bá đi khắp nơi , chẳng tốn kém bao nhiêu. Song song, ở mức độ cao hơn, tiếng Pháp giáo khoa sẽ từ từ tỏa rạng, rồi những trường học mới được xây dựng để dạy viết, dạy nói. Được như vậy, tức là giai đoạn khó khăn nhất đã qua, nền Học chính đã vững chắc và tiếp tục thăng hoa dễ dàng, cũng như trong mọi vùng của nước Pháp , với biết bao nhiêu là thổ ngữ của từng vùng còn phổ biến . Những thuộc dân Á Đông, trên đà hội nhập cộng đồng công dân của chúng ta, sẽ không phải chỉ được đọc sách soạn riêng cho họ, mà còn có thể tìm về tận nguồn tâm hồn Pháp, khoa học Pháp, trí tuệ Pháp.

Từ vài nghìn tiểu thuyết có giá trị của thế kỷ thứ 19, nên tránh loại tiểu thuyết phân tích rắc rối của cuối thế kỷ này, ta lựa vài trăm sách đáng chú ý, lới văn nhẹ nhàng, tư tưởng thanh thoát, đem xuất bản dưới dạng phổ thông, đặc biệt, rẻ tiền, và phổ biến thật rộng rãi cho những người-Pháp-mới của xứ Viễn Đông; chắc chắn , hồ hởi thích thú, họ sẽ tìm đọc say sưa. Đây cũng là một phương tiện đồng hóa hữu hiệu, song song với tất cả các loại sách khoa học mà ta đem đến cho họ.

Khi họ biết cười với Paul de Kock[29], khi họ say mê với tiểu thuyết của Alexandre Dumas Cha[30], đầu óc họ là đầu óc Pháp, cái hay đẹp của họ là cái hay đẹp Pháp, và một khi phát triển giàu mạnh lên, họ sẽ tiêu dùng hàng hóa Pháp, trước tiên là sách báo. Họ sẽ là người Pháp, ngang hàng với chúng ta, và chúng ta sẽ không thể và không nên từ chối chuyển lại cho họ phần chủ quyền cần thiết cho sự phát triển của họ.

Những dự phóng này có lẽ cũng sẽ không xa lắm như mới thoạt tính đâu. Sau ba mươi năm phát triển rộng rãi giáo dục tại Ấn Độ, tiểu thuyết và sách báo Anh đã bán được rất nhiều tại đó. Tại đế quốc rộng lớn bao la này, hiện nay không một thôn xóm nào mà không có một vài người hiểu được tiếng Anh. Thành quả này đã gặt hái được trong những điều kiện khó khăn khủng khiếp, dân tại đây theo đạo Hồi hay đạo Bà La Môn dị ứng với Tây phương gấp muôn ngàn lần đám dân An Nam dễ bảo của chúng ta.

Chắc chắn tại Nam Kỳ, thành quả sẽ phong phú và tốt đẹp hơn nhiều, nếu, ngay từ bây giờ, chúng ta nhắm đào tạo, chuyển hóa quần chúng, ngăn chận đẳng cấp thầy ký babous chớm nảy sinh, bằng phương pháp tiếng tóm-gọn, đơn giản, ít tốn kém do tôi đề nghị.

Đúng vậy ! Cái nước Pháp-Á-Đông mới mẻ này, với một giống dân sinh đẻ nhiều, sẽ phát triển lớn ra, nhân lên thập bội, tràn sang các xứ lân cận chậm tiến hơn, hay guồng máy cai trị kém cỏi hơn; nó sẽ truyền đi tiếng nói của nước Pháp thân thương nếu ta biết dạy cho họ.

Để kiểm soát hữu hiệu hơn, đồng hóa nhanh chóng hơn cái giống dân sinh sản nhiều và dễ uốn nắn này, những người đi chinh phục may mắn như chúng ta còn được một lực lượng tinh thần hùng mạnh, sẵn sàng hỗ trợ, mà cho đến ngày hôm nay chúng ta không biết tận dụng hay còn ruồng bỏ một cách vô ý thức.

Khi bàn đến vấn đề tôn giáo, chúng ta cần phải bỏ qua những thành kiến phe phái có thể gây chia rẽ tại Pháp, để chỉ chú tâm đến quyền lợi của nước ta tại Đông Dương. Riêng về phần tôi, tôi rất thoáng đối với vấn đề giáo điều đạo giáo, nhưng tôi cũng dứt khoát tin rằng không một nhà lãnh đạo quốc gia chân chính nào, khi bàn về chinh phục, xâm chiếm thuộc địa, có thể coi thường sức mạnh ràng buộc tinh thần do đạo giáo tạo ra, vì ý nghĩa gốc của đạo giáo là ràng buộc. Một người Pháp, ở mức độ cá nhân có thể ít theo đạo Ca-tô, nhưng trên phương diện danh nghĩa, vẫn được xem là ngưởi theo đạo Ca-tô. Nói chung, nước Pháp là một nước Ca-tô lớn, và không ai có thể chối cãi là một người dân bản xứ theo đạo Ki-tô gần chúng ta hơn là đối với đồng bào ngoại đạo của họ.

Với thành kiến thời thượng, nhắc lại vài sự thật cơ bản cũng cần đôi phần can đảm vì sẽ không tránh khỏi bị những kẻ hời hợt hay ngoan cố gán cho nhãn hiệu chủ trương giáo quyền. Thật ra, tại Đông Dương, nhãn hiệu này quả thật là vô nghĩa vì người theo đạo Ki-tô chỉ là một thiểu số rất nhỏ. Hơn ai hết, tôi rất ghét ách thống trị của giới giáo sĩ, nhưng tại những vùng đất mới của chúng ta, còn rất lâu nữa mới có thể nói tới chuyện này. Hiện nay, vấn đề đặt ra là phải có chính sách nào đối với những nhân tố đắc lực nhất, ý thức hay không ý thức, vô tình hay cố ý , tiếp tay vào công trình đang thực hiện của nước Pháp.

Những giáo sĩ truyền giáo, rải ra trên khắp vùng đất nước, điều khiển 600 000 người theo đạo Ki-tô. Do đó, những người này, dù muốn dù không, bị phe kháng chiến xếp hạng như là người Pháp thực thụ. Từ lúc khởi đầu chiến tranh chinh phục, 100 000 dân bản xứ theo đạo Ki-tô đã bị tàn sát vì quan niệm quy ghép này, dù đúng hay sai, nhưng theo ý tôi là đúng, chính vì nó đã thực sự xảy ra. Nhiều ngàn người bị tàn sát trong thời gian xâm chiếm đất Nam Nam Kỳ, vào những năm 1859 và sau đó. Nhiều ngàn người nữa bị giết sau những sự kiện ở Bắc Kỳ năm 1873. Và sau sự cố ở Huế năm 1885, gần 50 000 người theo đạo Ki-tô, không phân biệt già trẻ nam nữ, bị tàn sát.

Thay vì làm khó dễ việc tuyển mộ giáo sĩ truyền giáo tại Pháp , chuyện không thể tưởng tượng được trong bối cảnh chinh phục Đông Dương , nhưng đáng tiếc là đã xảy ra thực sự , quí vị hãy nhân số tuyển mộ lên gấp đôi, gửi qua vài trăm giáo sĩ, tài trợ họ rộng rãi với điều kiện họ dạy cho nam nữ xứ này tiếng Pháp cùng lúc với đạo giáo! Hàng ngàn hàng vạn trẻ em sẽ tức khắc học tiếng nói của ta.

Quí vị có thể cung cấp cho các nhà truyền giáo hàng năm tới 2 triệu tiền tài trợ cho việc này, và không bao giờ tiền bỏ ra có thể đầu tư đúng chỗ hơn. "Chỉ có giáo dục mới buộc chặt muôn đời" có người nói vậy và tôi thấy rất chí lý. Những nhà truyền giáo là những kẻ tung giây trói buộc tuyệt vời. Có tiền bạc, họ sẽ giúp quí vị, hữu hiệu và mau chóng, thực hiện công cuộc bình định và thống trị trong hiện tại, đồng hóa trong tương lai. Phe kháng chiến An Nam (Le parti annamite de la résistance nationale) , sáng suốt hơn đa số người Pháp, đã thấy rõ điều này.

Tình trạng hiện tại cũng tương tự như lúc sơ khởi của Nhà Thờ. Một bên , là một nền văn minh cổ trong đó thế tục và tâm linh hòa quyện với nhau, nhà vua cũng là tăng thống của quốc gia, và một bên là những kẻ khai sáng ngoại lai , bị coi như những tên cách mạng nguy hiểm nhất và bị tàn sát cũng vì tội đó. Quí vị, những người đi chinh phục, quí vị muốn làm gì tại xứ này, nếu không phải là khơi lên một cuộc cách mạng to lớn nhất, sâu sắc nhất, cuộc cách mạng mà Jules César[31] đã thực hiện tại các xứ Gaules[32]? Quí vị nên nhận diện cho rõ những tùy viên của quí vị, họ chỉ cần có thêm phương tiện và tiền bạc là trong vài năm nhân lên bội phần số người trung thành với nước Pháp. Quí vị cứ tin đi, chỉ cần tiếng Pháp được phổ biến rộng rãi, tiến triển song song với việc truyền đạo của họ, là nạn giáo quyền sẽ được giải tỏa, nếu quả thật có nguy cơ đó tại xứ này, điều mà chúng ta còn lâu, rất lâu mới phải lo !

Một khi mà những biện pháp tôi đề nghị được hoàn toàn áp dụng, ngân sách Học chính cho cả xứ Đông Dương sẽ chỉ cần 5 hay 6 triệu, gồm 2 triệu tài trợ các cơ sở truyền giáo để dạy tiếng Pháp và nhiều lắm là 4 triệu cho các trường sư phạm tại thủ phủ địa hạt và các trường cao đẳng. Đông Dương có thể gánh chịu được chi phí này. Chỉ một lần khởi động thật quyết liệt trên toàn cõi rộng lớn của đế quốc, hàng ngàn hàng vạn trẻ con sẽ cố gắng tập nói tiếng Pháp.

Giữa những người chủ trương quảng bá tiếng nói của nước ta và những kẻ đắm say chữ quốc-ngữ, quí vị thấy ai là người xứng đáng tiếp nhận câu châm ngôn tuyệt đẹp của hoàng đế Trung Quốc Khang Hi : "Pháp luật áp đặt một thời, giáo dục buộc chặt muôn đời".

Trên đây là những câu trả lời của tôi cho tất cả những lời phản bác, phê bình đã đăng trên báo chí sau hai hội nghị trong nhật thứ có bàn về vấn đề này.

Câu trả lời quá dài để có thể đăng báo, tôi đã phải tóm gọn lại thành một bài ngắn đưa đăng báo le Temps ngày 17 tháng 10. Ngay sau đó, có một bài phản bác nhưng không có bài trả lời từ phía tôi vì lời kết thuộc quyền của biên tập viên tờ báo.

Tôi rất tiếc phải có nhận định nghiêm khắc sau đây về bài phản bác, trong đó tóm lại tôi thấy chỉ có ba điểm:

1 - Một phương cách thảo luận, theo ý tôi, sai lạc.

2 - Một mâu thuẫn rõ rệt ngay trên cách đặt vấn đề thảo luận.

3 - Một hiểu biết sai lạc về phương cách và những nguyên tắc chung cho công cuộc khai thác thuộc địa.

Phương cách thảo luận, theo ý tôi, sai lạc vì không lý gì đến khái niệm dự phóng tương lai, nhấn mạnh vào những điểm mà tôi chỉ kể như thành quả phát triển của giai đoạn sau, từ đó phóng đại quá mức tầm quan trọng thật của nó, và khiến cho tôi bị xem như là một loại người hoang tưởng. Nói thật đi, có đúng là tôi muốn làm một thứ trưng cầu dân ý quái đản với câu hỏi đặt cho người dân quê An Nam " Các người có muốn khiến mọi trao đổi ngôn từ sẽ hoàn toàn chỉ bằng tiếng Pháp nội trong vòng ba thế hệ nữa không ?". Trên đời, đã có ai từng làm như vậy chưa ? Lịch sử thế giới được tạo thành bởi những chuyển biến xã hội, có thể nói là cách mạng nữa. Nhưng với những phương cách ấu trĩ ở trên mà người ta muốn gán cho tôi, chắc chắn sẽ không thề nào tạo ra một chuyển biến nhỏ nhoi nào cả.

Nếu chính trị, chính quyền, chính phủ không phải là những chữ vô nghĩa thì các phương tiện hành động, phương tiện thuyết phục của chúng ta quả thật là dồi dào và hữu hiệu để khơi mào, lôi cuốn dẫn dắt những thuộc dân mới của chúng ta vào con đường học hỏi tiếng Pháp. Họ không phải là dân man rợ. Thấm nhuần nền văn hóa Trung Quốc lâu đời, họ cần sách, họ quen đọc sách viết bằng tiếng nước ngoài, và do đó, chúng ta phải thu phục họ qua sách báo viết bằng tiếng nước ta.

Nào ai muốn triệt bỏ lập tức , hay ngay cả từ từ, tiếng An Nam đâu ? Mà nếu có muốn, liệu chúng ta có đủ sức làm nổi không ? Chúng ta đâu phải là người điên từ nhà thương trốn ra[33] rồi huênh hoang tự xưng có phép thần thông biến hóa ? Thật ra, vấn đề là , trong chương trình giáo dục chính thức, làm sao thay thế tiếng Tàu, đang được truyền dạy cho đến tận cùng thôn xóm hẻo lánh, bằng tiếng Pháp, ngôn ngữ của những kẻ chinh phục, với mục tiêu là khiến ngôn ngữ này mỗi ngày mỗi lan tỏa ra rộng rãi. Tiếng An Nam sẽ tiếp tục tồn tại trong điều kiện hiện thời, kết quả của quá trình hai mươi thế kỷ học hỏi vận dụng chữ Tàu, nghĩa là tồn tại như một thổ ngữ. Ta đã hé thấy nó sẽ mau chóng tàn lụi đi. Thanh điệu của tiếng nói đã mất đi nét sắc sảo chính xác khi vào đến Nam Kỳ thuộc Pháp. Về lâu dài, trong tương lai xa, có lẽ nó sẽ héo tắt đi và chỉ còn vương vãi lại vài từ trong thứ tiếng Pháp tương lai của xứ này, cũng giống như tiếng nói của dân guaranis[34] đã để lại nhiều từ trong tiếng Bồ Đào Nha được dùng tại xứ Ba Tây (Brésil). Chuyện này cũng không hại gì, điều cốt yếu là , sau này, cơ sở của tiếng nói phải là tiếng Pháp.

Ta có nên nhìn lại trường hợp của các dân tộc đã truyền ngôn ngữ mình cho dân tộc khác ? để thấy đó là diễn biến lịch sử trong quá khứ, trong hiện tại và cũng sẽ là của tương lai.

Xưa kia, người La Mã đã chuyển hóa các dân tộc sinh sống tại miền Bắc Ý, tại đất nước Gaule rộng lớn, tại bán đảo Tây Ban Nha - Bồ Đào Nha, thành những người nói tiếng la-tinh. Gần đây hơn, người Tây Ba Nha đã truyền tiếng nói của mình cho dân xứ Pérou, dân xứ Mễ Tây Cơ. Ngày nay, người Nga và người Anh cũng làm vậy tại mọi vùng họ du nhập.

Và chắc chắn là trong vài thế kỷ tới, trên thế giới sẽ chỉ còn năm hay sáu ngôn ngữ cạnh tranh nhau, và bóp nghẹt mọi thứ tiếng khác.

Và ta phải hiểu sao về lời phản bác sau đây : "Sau mười hai thế kỷ bị Tàu đô hộ, dân bản xứ vẫn nói tiếng An Nam chứ không nói tiếng Tàu."

Xin nhắc lại là tiếng quan thoại hay tiếng nói chính thức của nước Tàu là một thứ tiếng tượng hình ! Chủ yếu, đó là một thứ tiếng dùng để viết hơn là một thứ tiếng để nói, một thứ tiếng cho văn chương, nó chính là văn chương, nó là triết học. Thứ tiếng quan thoại , thường được viết ra nhiều hơn là nói, vẫn không xóa bỏ, ngay cả bên Tàu, không biết bao nhiêu là thứ ngôn ngữ địa phương, những thứ tiếng mà nó không thèm lo tới, mà nó còn xem khinh nữa và giữ ở mức độ của thổ ngữ. Tỷ như tại các vùng Trung Quốc sát biên giới Bắc Kỳ , dân chúng nói tiếng Quảng Đông. Tại xứ An Nam, người ta nói tiếng An Nam, chẳng qua cũng chỉ là một trong các thứ thổ ngữ Tàu mà thôi. Những ngôn ngữ địa phương không hề ngăn cản , tại bất cứ vùng nào, tác động đồng hóa của tiếng quan thoại, là một thứ tiếng có khả năng uốn nắn vào khuôn phép đời sống tinh thần của cả một dân tộc hơn các thứ ngôn ngữ khác, vì nó vốn dồi dào hơn, sâu sắc hơn. Ai đã từng nghiên cứu qua các xứ này, dù không cần sâu sắc lắm, cũng biết rằng về mặt tinh thần, xứ An Nam vốn thuộc Thiên Triều. Ở đây, những người ủng hộ giải pháp quốc-ngữ đã tự mâu thuẫn với chính mình vì họ trông vào chữ quốc-ngữ đề giải-hán-hóa (déchinoiser) Bắc Kỳ. Đây là lời lẽ của chính họ được phát biểu trong báo LeTemps ngày 2 tháng 10. Riêng tôi, tôi chủ trương rằng việc giải-hán-hóa chỉ có thể thực hiện được bằng tiếng Pháp.

Loại phản bác cuối cùng được dùng là nguyên tắc từng bước tiến triển. Với các thủ đoạn tranh luận cũ, họ làm như chính sách Pháp hóa này sẽ được thi hành ngay lập tức và một cách thô bạo. Rồi họ hô hoán lên " Làm sao có thể mưu toan xâm phạm lương tâm nhân loại đến như thế mà không sợ hậu quả tương lai ? chính sách sẽ được thực hiện ra sao ? Có phải cấm đoán các trường bản xứ ? Phải chăng trong mỗi làng xã sẽ phải dựng lên đồn bót để giam giữ các cha mẹ không gửi con đến trường học chữ Pháp? Bất cứ một chính phủ nào lao mình vào công cuộc phiêu lưu mạo hiểm này sẽ gặp sự đối kháng từ mọi phía, không sao thoát khỏi !".

Trả lời những lập luận cường điệu này chẳng có gì khó khăn.

Thật ra, những trường thực sự được xem là trường bản xứ, xưa nay chỉ là trường dạy chữ nho. Người Pháp đã áp đặt chữ quốc-ngữ, tôi xin nhắc lại : đãáp đặt. Nhưng thứ chữ quốc-ngữ này đã không triệt bỏ, và cũng không thể nào triệt bỏ các trường học chữ nho, vốn là các trường tư hoàn toàn tự do, và tôi cũng mong là chúng sẽ tiếp tục như thế để đến một ngày kia, sẽ bị dân gian từ bỏ , khi họ đủ tin tưởng chấp nhận nền giáo dục khác mà ta đem đến cho họ. Điều mà chúng ta mong muốn là chương trình Học chính thức, do nhà nước tài trợ , khuyến khích, áp đặt, phải bằng tiếng Pháp chứ không bằng tiếng quốc-ngữ.

Một lần nữa, xin gạt qua một bên người lính cảnh sát (sen-đầm) hay đồn bót. Phản bác kiểu này đi từ nguyên lý không thể chấp nhận là không có phương sách nào có thể thực hiện qua biện pháp chính quyền, qua biện pháp chính trị, tất cả chỉ là kết quả của ngẫu nhiên hay áp đặt thô bạo.

Vì nếu quả thật vậy, ta không còn lý do để tổ chức hội nghị bàn về các vấn đề thuộc địa của chúng ta ! Những lập luận trên không thể nào chấp nhận được, dưới con mắt những người vốn biết rằng sơ đẳng của nghệ thuật cai trị là vạch ra rõ ràng mục tiêu, rồi tìm cách thực hiện bằng những phương sách, phương tiện khác nhau, thật phong phú, thật hữu hiệu.

Tôi không thể nào tưởng trượng nổi làm sao mà những người phản bác tôi lại không biết hoặc quên rằng nhà nước Pháp đã áp đặt nguyên tắc cưỡng bách giáo dục lên những dân tộc còn ngang ngạnh bướng bỉnh hơn gấp bội dân An Nam ngoan ngoãn dễ bảo của chúng ta, và quan toàn quyền tại Algérie có thể ký nghị định bất thường cho phép lựa chọn những thôn xóm để áp dụng chính sách cưỡng bách giáo dục năm 1883.

Chúng ta không đòi hỏi gì hơn tại Đông Dương.

Tại Algérie, Tunisie, tiếng Ả Rập, ngôn ngữ của đạo giáo, có thể xem tương đương với chữ nho, tức là ngôn ngữ viết và văn chương của An Nam, và những thổ ngữ kabyles[35] của đa số các bộ lạc tại Bắc Phi có thể xem như tiếng An Nam, thật ra thổ ngữ kabyles còn phong phú hơn tiếng An Nam rất nhiều. Vậy mà đã có ai nghĩ đến việc đặt cơ sở Học chính của dân Kabyles trên ngôn ngữ của họ, dù được viết bằng chữ cái la-tinh hay không ? Ngay việc đưa cái ý tạo ra một thứ quốc-ngữ kabyle cũng sẽ bị mọi người phản đối và xem là phản quốc. Vậy mà từ 30 năm qua, tại Nam Kỳ, chúng ta đã chi tiêu 30 triệu cho công cuộc mang tính phản quốc này.

Tại Tunisie, một xứ nên xem như mẫu mực cho các thuộc địa của chúng ta, phải chăng toàn bộ nền Học chính đã được tổ chức trong chiều hướng truyền bá tiếng Pháp cho dân bản xứ? Tiếng Ả Rập chỉ được dạy phụ thêm. Cũng vậy, chúng ta chỉ nên cho dạy chữ nho ở cấp độ các trường cao đẳng tại Đông Dương.

Chỉ có thể dành một phần ngân sách rất nhỏ cho nền Học chính bản xứ, hai nước Algérie và Tunisie đã khôn ngoan dùng hầu như toàn bộ nguồn tài trợ này vào việc quảng bá tiếng nói của dân ta. Ta phải làm in hệt như vậy tại Đông Dương, nơi đó nguồn tài trợ dồi dào hơn, nhưng công cuộc phải thực hiện cũng rộng lớn hơn.

Không lẽ những cái gì tốt đẹp cho dân hồi giáo Phi châu lại là một thứ xúc phạm tán tận lương tâm cho những người dân An Nam mềm dẻo ?

Tôi có thể dùng lối lập luận này để phản bác ngược lại chính tác giả của chúng:

Nếu nói đến xúc phạm lương tâm các dân tộc, thì cái xúc phạm tàn tệ nhất mà tôi được biết, cái xúc phạm đã dẫn dắt đến mọi tình huống, chính là cuộc chinh phục. Cuộc chinh phục này tôi đã theo sát diễn biến tại Đông Dương, dù nó chưa bao giờ là chủ trương của tôi (Theo ý tôi, nước Pháp chỉ nên dồn sức lực vào Phi châu), nhưng tình huống hiện tại buộc chúng ta phải gìn giữ vị trí đã chiếm được. Vâng, cuộc chinh phục với đàn áp đẫm máu, với hỗn loạn kèm theo khi người lãnh đạo bất tài, nhà nước của ta, chính quyền của ta, thuế má ta thu góp, công lý ta phân xử, sự tiếp xúc với ta, sự hiện diện của ta, tất cả đều là xúc phạm đến lương tâm người bị chinh phục.

Ta là người từ xứ ngoài đến và ta là chủ. Ta gửi nhân viên cai trị tới, những người không biết nói tiếng dân sở tại; ta áp đặt những chính sách có thể đúng hay sai, tất cả có lẽ đều là xúc phạm đến lương tâm các dân tộc này. Áp đặt tiêm chủng là xúc phạm. Một xúc phạm khác, đối với tôi rất đáng chê trách, là áp đặt chữ quốc-ngữ trong mọi giấy tờ hành chính, một quyết định đưa đến nhiều căm phẫn và hỗn loạn.

Nếu chúng ta không từ từ truyền tiếng nói của ta cho dân bị trị, một cách liên tục và đều đặn, ta sẽ luôn luôn chỉ là người ngoài, là người chủ thô bạo, là người mà trong thâm tâm họ luôn luôn tìm cách đuổi đi, là những người xâm lăng, những kẻ thù. Đông Dương sẽ chỉ là hòn sắt buộc vào chân nước Pháp với một sợi giây xích dài 3000 dặm. Sợi xích sắt, do thiên nhiên, do quỹ đạo quả đất ngăn cản, không thể ngắn lại, nhưng hòn sắt có thể mỗi ngày mỗi nặng hơn. Cái chữ quốc-ngữ kia , cầm giữ ta ở vị trí là người ngoài, càng ngày càng tiếp thêm sức nặng cho hòn sắt, theo đà tiến triển của tri thức dân sở tại.

Mà nào phải chỉ tại Đông Dương ta mới chà đạp lương tâm người dân? Nói cho cùng lý, nếu ngại ngùng như vậy, thì ta nên rời bỏ Viễn Đông, rời bỏ Tunisie, rời bỏ Algérie ! Mặc cho bốn năm nước đang chia nhau thế giới, không chút đắn đo e ngại như ta, càng ngày càng phát triển lớn hơn. Trong vài ba thế kỷ nữa, hai ba trăm triệu người sẽ nói tiếng Bồ Đào Nha, ba bốn trăm triệu nói tiếng Nga, bốn năm trăm triệu nói tiếng Anh. Còn ta, ta sẽ co ro trong cái xứ Pháp Âu châu, nhỏ bé chỉ bằng ba phần tư nước Gaule thủa trước, rồi chẳng bao lâu nữa, số sinh sản sẽ không đắp đủ số tử vong. Ta cứ tiếp tục cho xã hội và chính trị xoay quanh cái nguyên tắc ngầm không nói ra, nguyên tắc làm nản lòng người, làm tiêu hủy, đã chi phối hầu hết các luật lệ từ một thế kỷ nay, đó là nguyên tắc : trước hết phải lo cho hạnh phúc của cá nhân hơn là cho sức mạnh của nòi giống. Những chuyện lớn chuyện bé thường ngày đã chiếm mọi quan tâm của chính khách xứ ta và thay thế mọi định hướng lâu dài cho tương lai. Hãy hưởng thụ càng ngày càng nhiều hơn và ta sẽ mỗi ngày mỗi hèn kém đi.

Ta sẽ hèn kém đến mức mà những nước lớn, những nước với vài trăm triệu dân, có lẽ sẽ tạm chịu nhìn nhận sự hiện diện chúng ta, nhưng chắc chắn sẽ coi thường chúng ta. Họ cũng chẳng cần phải mưu toan xúc phạm đến lương tâm những con cháu khốn khổ của chúng ta. Cái nước Pháp với ba bốn chục triệu dân, sẽ chỉ là một nước chư hầu bé nhỏ bị lôi cuốn vào quĩ đạo ảnh hưởng của những nước khổng lồ đang chia nhau thế giới. Hào quang của văn hóa, nghệ thuật, văn chương hay khoa học do tổ tiên ta để lại sẽ tắt dần . Tính sáng tạo của người Pháp, tiếng Pháp, sẽ bị tràn ngập, bị len lỏi thấm sâu vào bởi những từ ngữ, tư tưởng của hàng ngàn trí óc cao siêu hơn , dùng những ngôn ngữ khác hơn, và tiếng Pháp sẽ mỗi ngày mỗi biến dạng. Thay vì dùng tiếng Pháp đang tàn lụi, ta có thể dùng một ngôn ngữ chết khác để kết luận: finis Galliae (Nước Gaule [36] đã chết).

Cũng như nước Hy Lạp cổ xưa, ta sẽ có một thỏa mãn là đã để lại dấu tích mình trong lịch sử nhân loại. Nhưng để làm gì ? Vào thế kỷ 18 tiếng Pháp đã từng là ngôn ngữ chung của giới thượng lưu văn hóa tại Âu châu. Điều này đã đem lại lợi ích nào đáng kể khi tai họa đã gieo xuống tổ quốc ta ? Phải công nhận rằng nếu những nhà văn hào lớn đã dương cao ngọn cờ ngôn ngữ của chúng ta, người nông dân nghèo khó , với phát biểu đơn giản, khó khăn, đã truyền đạt ngôn ngữ từ đời này qua đời khác, có thể nói, bằng cách cắm sâu nó vào lòng đất. Ta có thể trông mong vào 2 triệu nông dân Gia Nã Đại, luôn luôn xem mình là người Pháp, dù trên đền đài của họ là cờ Anh tung bay. Nhưng ta có nên bỏ qua 20 triệu nông dân An Nam, với một lợi điểm là đã 20 thế kỷ qua, họ quen chấp nhận, thụ động, nền thống trị của văn hóa ngoại lai. Xin nhắc lại là với họ, cuộc chiến sẽ xảy ra giữa tiếng Pháp và tiếng Tàu. Nếu những người cầm quyến cai trị của chúng ta đủ khôn khéo để giúp đỡ khuyến khích những bước đầu tiên, và sẽ không cần phí tổn nào khác sau này, tôi tin chắc vào thành quả sẽ đạt được trong tương lai. Khi những thuộc dân mới của chúng ta hé thấy rằng tình anh em thực thụ giữa ta và họ sẽ nảy sinh khi họ tiếp thu tiếng nói của chúng ta, họ sẽ vui mừng hăng hái đón nhận nó.

Thưa quý vị, chúng ta đang tham dự Hội nghị thuộc địa quốc gia, quy tụ những người yêu nước, quyết tâm duy trì trên trái đất này phần ảnh hưởng của thiên tài sáng tạo của nước Pháp cùng với tiếng Pháp. Với quý vị, chắc không cần nhắc tới cơn ác mộng finis Galliae (Nước Gaule đã chết) có thể sẽ đe dọa chúng ta nay mai, nếu chúng ta không biết nắm lấy cơ hội khi mà những người chủ tương lai của thế giới đang chia nhau những mảnh đất cuối cùng còn trống. Quý vị đều thấy rõ mưu tính của nước Anh , ngay lúc này, tại Nam Phi châu , do đó bằng mọi giá nước Pháp phải giữ cho được miền Bắc Phi.

Với uy tín tối cao của quý vị, xin quý vị lấy quyết định là việc dùng tiếng nói quốc gia của chúng ta, trong chừng mực có thể được, phải được thực thi trên mọi nẻo đường chinh phục. Đây là mục tiêu dứt khoát phải đạt tới, tại Đông Dương cũng như tại Bắc Phi. Các phương tiện thực thi sẽ do các viên chức cai trị (administrateur), các chính quyền, các chính khách lựa chọn.

Kêu gọi lòng yêu nước của quý vị, tôi xin đưa ra hai nghị quyết:

1. Nền Học chính của Nam Kỳ thuộc Pháp sẽ được đặt cơ sở trên cố gắng tối đa phát triển việc học chữ Pháp; những nguồn tài trợ của thuộc địa chủ yếu sẽ được dùng để phổ biến tiếng nói này;

2. Trong khắp Đông Dương thuộc Pháp, nhà nước sẽ cho nghiên cứu những phương cách để khuyến khích học tiếng Pháp và tạo điều kiện cho việc theo học của dân bản xứ được dễ dàng, ít tốn kém."

***
Chú thích

[19] - Các từ Pháp này, viết khác nhau, nghĩa khác nhau, nhưng đọc lên nghe giống âm "xanh" của Việt Nam.

[20] - (Chú thích của chính Aymonier, trong bài:)Thật ra cũng chỉ đúng trong chừng mực nào đó mà thôi. Chữ quoc-ngu được dùng để viết sách dành cho trẻ con bản xứ theo đạo Ki-tô; chứ không được dùng trong việc truyền giáo thật sự. Thời đó, với những người không theo đạo Ki-tô, không một ai biết chữ quoc-ngu và việc truyền bá chính thức thứ chữ này không giúp ích gì cho các giáo sĩ truyền giáo tại Nam Kỳ.

[21] - Antony Landes, (1850 - 1893), (LANDES Charles-Célestin-Antony) : Giám đốc trường thông ngôn Sài Gòn, Tham biện, Công sứ Bắc Kỳ hạng nhất

[22] - Truyện Nhị độ mai bản quốc ngữ và bản dịch sang tiếng Pháp Les pruniers refleuris của Landes được đăng trong tập san Excursions et Reconnaissances (làm nhiều kỳ , năm 1884).

Toản truyện cũng được đóng thành một tập in riêng , với phần mở đầu " Notes sur la langue et la littérature annamites" (Ghi chép về ngôn ngữ và văn học An Nam" ) . Tựa truyện: Les pruniers refleuris: Poème Tonquinois, transcrit par Phàn Đức Hóa, lettré de la municipalité de Cholon, traduit et accompagnés de notes par A.Landes , administrateur des affaires indigènes, Saigon, Imprimerie du Gouvernement, 1884

[23] - Alsace-Lorraine: (tiếng Đức : Elsaß-Lothringen) Vùng đất do Đức tiếp thu được của Pháp sau trận chiến Pháp-Đức năm 1870, đến năm 1918, sau thế chiến thứ 1, thì được trả lại Pháp. Dân gốc Đức và gốc Pháp sống lẫn lộn, nói tiếng Đức hay tiếng Pháp tùy làng xã. Các chính Phủ Pháp và Đức, mỗi khi giành được đất là tìm cách áp đặt tiếng nói của dân mình lên dân sở tại.

Năm 1900, Alsace-Lorraine thuộc Đức, 86 % dân nói tiếng Đức, 12 % nói tiếng Pháp (số còn lại nói những thứ tiếng Âu châu khác như Ý, Ba Lan).

[24] - Ở đây, chỉ những người Ấn Độ theo tây học thời nước này còn thuộc Anh

[25] - Louis Faidherbe (1818-1889), sĩ quan trong quân đội Pháp,Toàn quyền xứ Sénégal (1854-1861 và 1863-1865)

[26] - Tạm dịch chữ "Ecoles de dégrossissement". Tác giả không nói rõ hơn nội dung phương pháp giáo dục của các trường kiểu này.

[27] - Amour (Tình yêu/danh từ) , trùng nghĩa với aimer (yêu/động từ ), do đó phải bị loại bỏ;

parler( nói/động từ ) có thể dùng thay thế parole ( lời nói/ danh từ )

[28] - Một tỉnh nhỏ gần Clermont Ferrand, thuộc vùng Auvergne, Pháp. Ngày nay dân số khoảng 4500..

[29] - Paul de Kock (1793-1871), tiểu thuyết gia Pháp

[30] - Alexandre Dumas père/cha (1802-1870) tác giả của các truyện "Les trois mousquetaires/Ba người ngự lâm pháo thủ", "Le Comte de Monte-Cristo/Bá tước de Monte-Cristo..."

Alexandre Dumas fils/con , 1824-1895, con của Alexandre Dumas Père, tác giả của truyện "La dame aux camélias/Trà hoa nữ" ...

[31] - Jules César (12-7-100 trước CN / 15-3-44 trước CN) lãnh tụ quân sự và chính trị của La Mã , đã chinh phục xứ Gaule

[32] - Gaule (tiếng Pháp) Gallia (tiếng La Mã) : Từ được người La Mã dùng để chỉ vùng đất bao gồm Pháp, Bắc Ý, Bỉ, Tây Thụy Sĩ, v.v... , thời xưa là nơi sinh sống của các bộ tộc Celtes và Aquitaines. Vùng đất này được người La Mã chia thành nhiều vùng nhỏ hơn, do đó cũng có tiếng gọi "các xứ Gaules" (Les Gaules). Người Pháp xem người Gaulois (người xứ Gaules) là tổ tiên của họ.

[33] - "échappé de Charenton": Asile de Charenton , ngày xưa, là bệnh viện tâm thần nổi tiếng ở Charenton, tại tỉnh Saint Maurice, vùng Val de Marne, ngoại ô Paris. Ngày nay bệnh viện này biến thành bệnh viện đa khoa Esquirol.

[34] - Guarani: bộ tộc thổ dân cũ vùng Amazone, Nam Mỹ (tại các nước : Ba Tây, Argentine, Paraguay)

[35] - Kabyle: người thuộc hệ tộc Berbère, sống tại vùng Kabylie, xứ Algérie.

[36] - Galliae (tiếng latin) = Gaule (tiếng Pháp) là tên người La Mã dùng để gọi vùng đất đai sinh sống của dân tộc Gaulois và Aquitain gồm nước Pháp hiện nay, Nước Bỉ, nước Luxembourg, miền Bắc Ý, một phần đất Hòa Lan và đất Đức. Người Pháp xem người Gaulois là tổ tiên của họ. "finis Galliae" có thể hiểu là "nước Pháp đã chết ". Năm 1870, khi người Pháp thất trận trước người Đức, một tờ báo anh đã đăng tít lớn "finis Galliae".

***
- Phần III -

Vì các bạn của tôi và những người đồng chí hướng tại Đông Dương, và cũng để tránh cho ý kiến của tôi khỏi bị bóp méo qua các cuộc tranh luận hay các bài tường thuật rất giản lược, tôi đã gom góp các bài được công bố tại hai Hội nghị thuộc địa tại Paris thành một tập, có thêm vài nhận xét bổ túc.

Hai nghị quyết trên đây đã được tiểu ban 6, hay tiểu ban Đông Dương của Hội nghị thuộc địa quốc gia, do ông Le Myre de Vilers[37] chủ tọa, nhất trí thông qua với sự hoan nghênh nồng nhiệt vào ngày 11 tháng 12 năm 1889. Tháng 2 năm 1890, tại buổi họp toàn cử tọa, các nghị quyết trên đã được hội nghị phê chuẩn, không một ý kiến phản bác. Thực ra, dưới sứ ép nặng nề của thời cuộc mà thế hệ chúng ta đang chứng kiến, mối lo nghĩ, mãnh liệt và đậm tình yêu nước, về việc làm sao quảng bá tiếng Pháp, đã bắt đầu thấm sâu vào tâm trí toàn dân. Tại hội nghị này, những nghị quyết tương tự đã được dứt khoát thông qua cho tất cả các thuộc địa và các nước bảo hộ của chúng ta.

Vậy mà, do quan niệm sai lầm về vai trò của nước Pháp tại Đông Dương, những thuộc địa của chúng ta tại Viễn Đông, nơi duy nhất có một nền giáo dục chính thức, được chúng ta, những kẻ đi chinh phục, tài trợ và ủng hộ, lại không được đặt cơ sở tuyệt đối vào tiếng nói của dân ta. Sự tương phản với tình thế tại một nước như Tunisie chẳng hạn thật quá rõ. Lý do khiến công trình của chúng ta được thành công rực rỡ tại Tunisie, một nước mớiđược ta tiếp thu và bảo hộ, là vì nha học chính Tunisie, có lẽ được kích thích bởi những ganh đua với nước ngoài, đã dựa vào những nguyên tắc trái ngược hẳn với những tư tưởng ngự trị tại Đông Dương cho đến ngày hôm nay. Trong điều kiện đó, đương nhiên là Hội nghị thuộc địa phải biểu dương lòng mãn nguyện đối với ông Machuel và những người cộng sự, khuyến khích các vị này hãy kiên trì tiến tới trên con đường tràn đầy hứa hẹn. Thành quả này càng đáng khen vì dân Tunisie là người Hồi giáo, vốn cứng đầu hơn những người An Nam duy lý của chúng ta rất nhiều.

Những lời phê bình của tôi, xin nhắc lại, vượt lên trên mọi yếu tố cá nhân và chỉ nhắm vào một hệ thống đã được tạo dựng lên một cách gần như vô thức, cách đây gần ba mươi năm và vẫn còn tiếp tục phát triển tại Nam Kỳ. Ngày nay, hệ thống này có nguy cơ tràn ra khắp cả xứ Đông Dương nếu chúng ta không kịp thời thức tỉnh và ngăn chận. Ở các mức độ khác nhau, mỗi người trong chúng ta đều có phần trách nhiệm về tình trạng này. Chính tôi cũng có phần trách nhiệm. Lời biện hộ duy nhất là chúng ta phải chịu bó tay khi thời cơ chưa tới. Hội Pháp văn liên hiệp, hiệp hội quốc gia nhằm truyền bá tiếng Pháp cho thuộc địa và các xứ ngoại quốc, mà một trong những thành viên sáng lập là ông Paul Bert, nay đã qua đời, chỉ được thành lập từ năm 1883. Sự thành công mỗi ngày một to lớn của hiệp hội cho ta thấy nó đã đáp ứng được lòng mong đợi hiện nay của nước Pháp. Nếu toàn thể chúng ta trước đây chẳng đếm xỉa gì đến quyền lợi của đất nước , còn ít nhiều bị mê hoặc bởi chữ quốc-ngữ, thì bây giờ chính là lúc phải từ bỏ sai lầm đó để trở về con đường chính nghĩa. Phương châm khôn ngoan của nhân loại đã từng nói "Lang thang vô định là chuyện thường tình của con người, cố bám vào một con đường là mưu toan của ma quỷ" ("Errer est humain, persévérer est diabolique").

Dù không muốn kéo dài một cuộc tranh luận sẽ có giải đáp trong tương lai rất gần , tôi cũng vẫn phải nhắc lại đây những lập luận chính của những người chủ trương đặt cơ sở giáo dục trên chữ quốc-ngữ, mà tôi đã được biết sau phát biểu ngày 11 tháng 12 năm 1889 của tôi. Ngay cả về chuyện này tôi cũng có đôi phần lúng túng vì tôi chưa thực sự gặp được một lời phản bác trực tiếp, rõ rệt, mà chỉ toàn là những lập luận tránh né, nhiều khi đầy mâu thuẫn.

Thí dụ như chuyện đem ra kể lể lịch sử nền giáo dục chính thức từ ngàn xưa của Trung quốc và của An Nam. Phải chăng đó là một lối lập luận ? Những chuyện này chẳng dính dáng gì đến vấn đề cần giải quyết, vì mọi người đều đã đồng ý là phải thay thế nền giáo dục cũ đó tại các thuộc địa của ta. Có người muốn thay bằng chữ Pháp, người khác muốn thay bằng chữ quốc-ngữ. Có người lại chủ trương bắt chước lối giáo dục của người Trung quốc qua châm ngôn. Cũng được đi ! Nhưng những châm ngôn đó vẫn có thể dịch ra tiếng Pháp, hay tiếng An Nam, ghi lại bằng chữ quốc-ngữ. Bất cứ một nền giáo dục nào cũng không nhất thiết phải bị gò ép vào một ngôn ngữ nhất định.

Có người lại nói, "Phải chăng quí vị muốn giết chữ quốc-ngữ ? nhưng đừng quên chữ quốc-ngữ là một giai đoạn không thể bỏ qua trong công cuộc quảng bá tiếng Pháp".

Trong lời phản bác này cần phân biệt hai ý: 1. giết chữ quốc-ngữ, 2. giá trị của nó như là giai đoạn.

Tôi không mảy may nghĩ tới chuyện giết chữ quốc-ngữ vì tôi tin chắc rằng không thề nào giết được thứ chữ này, cũng như không thể giết được tiếng An Nam thông tục mà thứ chữ này ghi chép với ít nhiều thành quả. Dù ta có làm gì đi nữa, thì tiếng nói và chữ viết này sẽ còn sống lâu; và nếu một ngày kia, trong một tương lai xa, vì uy thế và vinh danh của nước Pháp, chúng có thực sự chết đi thì chúng cũng vẫn mãi mãi lưu lại dấu vết một thời tồn tại của chúng. Hàng ngày, cũng như Jourdain[38] làm văn xuôi, ta vẫn thường viết chữ quốc-ngữ qua các thư từ gửi đi trong đó đầy dẫy những tên của dân bản xứ. Ngay cả tôi cũng đang viết thứ chữ này khi nhắc tới chính tên của nó. Có một điều, tuy bề ngoài có vẻ mâu thuẫn nhưng rất gần với thực tế, là chính sự truyền bá tiếng Pháp tại Đông-Dương sẽ khiến cho chữ quốc-ngữ được trở nên phổ quát, dù chỉ đứng ở vị trí phụ thuộc theo đúng giá trị thực của nó. Xin nhắc lại một lần nữa, vì không có tiền để vất qua cửa sổ, và cũng không thể phung phí ngân sách tài trợ của nhà nước, tôi chỉ mong mỏi một điều là ta không đặt cơ sở nền học chính vào thứ chữ quốc-ngữ này, không cho nó một tầm quan trọng quá mức để đi ngược lại quyền lợi của nước Pháp.

Còn về chuyện giá trị đích thực hay chỉ là giá trị của một giai đoạn của chữ quốc-ngữ trong việc quảng bá tiếng Pháp thì ta phải nghĩ sao?

Tự nó, chữ quốc-ngữ có một lợi thế không thể chối cãi, nó giúp người Âu Châu học tiếng An Nam dễ dàng hơn. Về điểm này, có lẽ hầu hết chúng ta đều nhất trí. Hơn ai hết, tôi dứt khoát đòi hỏi bất cứ một công chức người Pháp nào có liên lạc trực tiếp với dân bản địa đều phải biết tiếng nói của họ. Nhưng điều đó không phải là đề tài bàn cãi ở đây. Chúng ta không bàn luận về vấn đề của người Âu Châu và chỉ bàn luậnvề nền học chính của dân bản xứ. Những người này thông thạo tiếng nói của họ ngay từ thời ấu thơ, và chẳng cần chúng ta phải bỏ tiền của ra dạy họ tiếng nói đó.

Phải chăng biết chữ quốc-ngữ là cần thiết, là có ích lợi cho những người bản xứ muốn học tiếng Pháp? Về vấn đề này, ta phải rất thận trọng, và còn rất nhiều điều để bàn. Thí dụ như chuyện có rất nhiều người Trung Quốc trẻ đã từng học một thứ tiếng Âu Châu, ngay tại Trung Quốc hay tại hải ngoại. Vậy mà chúng ta chưa hề nghe nói đến một thứ chữ quốc-ngữ Trung Quốc nào. Nhưng thôi ! Để khỏi dài dòng, chúng ta cứ xem như chuyện lợi ích được nêu ra đó là có thực đi. Như vậy thì lối học này, tóm lại chỉ là chuyện tiếp thu hai mươi hai chữ cái.

Đây chỉ là chuyện của đôi ba ngày. Một khi những kiến thức cơ bản này , những kiến thức chưa chắc gì có ích lợi, được tiếp thu, ta phải khiến dân bản xứ chuyển thẳng sang học chữ Pháp, nếu thực sự đó là mục đích cuối cùng của chúng ta. Ta không nên rơi vào cái sai lầm tệ hại cực đoan là chỉ vì chữ quốc-ngữ mà phải xây dựng lên cả một tổ chức tốn kém, phát hành cả một khối lượng in ấn to lớn. Tóm lại, không nên rơi vào tình trạng đáng buồn hiện nay tại Nam Kỳ là tiếng An Nam viết bằng quốc-ngữ , do thiếu cân nhắc suy tính, đã trở thành ngôn ngữ chính thức cho công văn hành chính, hộ tịch, thuế vụ, v.v... Đây là một biện pháp thiếu tầm nhìn chính trị sâu sắc, ép buộc thuộc dân của chúng ta tự tạo dựng nên một ngôn ngữ quốc gia, với hậu quả rõ ràng nhất là đưa họ rời xa tiếng Pháp.

Tại các xứ bảo hộ Trung Kỳ và Bắc Kỳ, nếu ta đòi hỏi triều đình Huế sửa đổi thể chế thi cử chính thức để buộc các nhà nho phải biết chữ quốc-ngữ, ta sẽ tự hạ thấp dưới mắt những kẻ ta bảo hộ vì làm như vậy ta bắt họ phải học một thứ kiến thức vụn vặt không giá trị mà chính họ đã luôn luôn xem thường và trong thâm tâm cũng vẫn tiếp tục xem thường. Đi theo con đường này là không biết rút tỉa ra một bài học nào hết từ kinh nghiệm truyền bá chính thức chữ quốc-ngữ tại Nam Kỳ.

Ta nên đòi hỏi triều đình Huế buộc sĩ tử các khoa thi, ngoài chữ nho, phải biết thêm chữ Pháp, và ta nên tạo dựng thêm trường trại cho mục tiêu này. Như vậy, ta khiến cho tổ chức tinh vi của nền học chính triều đình An Nam tham gia vào công cuộc tối cần là truyền bá tiếng Pháp.

Vấn đề do nhữngngười phản bác tôi nêu ra và tôi xin trả lời sau đây ít ra cũng đã ghi nhận được một bước tiến đáng kể sau những cuộc thảo luận vừa qua. Có lẽ không còn ai chống lại ý kiến là mục đích cuối cùng của mọi chính sách phải là quảng bá tiếng nói nước ta. Người ta còn có vẻ như mong đợi thành quả đó nữa, dù chỉ với lối nói ít nhiều có tính đầu môi chót lưỡi. Chắc chẳng ai còn nhắc tới cái thuyết quái dị theo đó hai mươi hai chữ cái có thể là sợi giây nối liền hai quốc gia, dù rằng trong thực tế, nếu hầu hết các chữ cái này có giá trị quy ước giống nhau trong cả hai thứ tiếng, khi phát âm thì lại không in hệt. Thí dụ: ta phải dùng từ tio[39] để phát âm chữ cho (chien); ia để phát âm chữ da (oui); choeu để phát âm chữ so (peur); sié để phát âm chữ xe (voiture).[40]

Tôi chỉ có thể ghi lại những cách phát-âm-đại-khái nhưng như vậy cũng đủ cho ta có một ý niệm về vấn đề.

Lại còn một lập luận khác, không ai có thể ngờ tới, là phải tôn trọng tôn giáo của dân An Nam và như vậy cùng lúc dạy chữ quốc-ngữ cho người theo đạo Ca-tô, dạy chu-nom cho người theo đạo Phật, và chu-nhu[41] cho người theo đạo Khổng. Với các bạn sinh sống tại Đông Dương, tôi xin trả lời rằng ta nên giữ cuộc thảo luận cho nghiêm chỉnh. Với những người khác, những người có dịp được đọc những hàng này, tôi xin giải thích thêm là ba thứ chữ đó, chẳng thể đồng hóa với bất cứ một tôn giáo nào, và cùng tồn tại song song tại Đông Dương. Dưới thời cai trị của nhà nước An Nam, chữ Tàu là chữ duy nhất được chính thức giảng dạy. Nhà nước Pháp chẳng cần lo lắng gì tới việc truyền dạy ba thứ chữ đó cũng như chẳng cần lo ngăn chặn chúng. Dù chúng ta có làm gì đi nữa thì chúng cũng sẽ tiếp tục tôn tại lâu dài ngoài hệ thống giáo dục chính thức. Những vấn đề tôn giáo và ngôn ngữ vốn vẫn được tách biệt và phải luôn luôn giữ tách biệt. Chúng ta chỉ nên xem như có những phương tiện khác nhau, cần lựa dùng để đạt được mục đích cuối cùng là quảng bá tư tưởng Pháp, vốn không thể tách rời khỏi tiếng Pháp.

Lời phản bác cuối cùng tôi gặp phải là đột nhiên triệt bỏ gấp rút chữ quốc-ngữ sẽ làm trốc rễ ảnh hưởng của các nhà truyền giáo.

Tôi đã nói ở trên là không có vấn đề triệt bỏ chữ quốc-ngữ, dù là gấp rút hay ngay cả về lâu dài. Chừng nào tiếng An Nam còn thì thứ chữ viết này cũng sẽ còn. Nó lại còn được truyền bá cùng với sự truyền bá tiếng nói và chữ viết của chúng ta. Tôi chỉ chống lại việc phải tốn kém bạc triệu để tổ chức một nền học chính đặt cơ sở trên chữ quốc-ngữ này. Các nhà truyền giáo muốn dùng thứ chữ này như thời trước chinh phục hay thời sau này, thế nào cũng được.

Đến đây, ta thấy có người đột nhiên lại quay ra lo lắng cho các hội truyền giáo một cách quái lạ. Về điểm này, tôi chỉ mong có được ý kiến của các đương sự , tức là của chính các nhà truyền giáo. Họ sẽ cho biết giải pháp nào có lợi cho họ, một bên là việc truyền bá chính thức hiện nay của chữ viết này, một hiện trạng chẳng đem lại lợi ích gì cho quyền lợi của họ tại Nam Kỳ thuộc Pháp, dù họ có thể tự hào đã du nhập nó, một bên là triệt hạ, không phải chữ quốc-ngữ, mà tổ chức chính thức tốn kém để truyền dạy nó. Khi ta tài trợ họ để dạy tiếng Pháp cho trẻ em theo đạo Ki-tô, không có gì ngăn cản họ dùng thứ chữ này trong việc giảng dạy giáo lý. Ở đây, người ta lập lờ đánh lận các vấn đề hoàn toàn khác nhau: Người ta khởi đi từ giả thuyết hoàn toàn sai lạc là tôi muốn ngăn chận không cho nói và viết tiếng An Nam. Tôi trông đợi câu trả lời của chính các nhà truyền giáo chứ không cần biết ý kiến của các thày cãi đột nhiên nhập phe với họ. Các nhà truyền giáo vốn được tiếng là biết phân định rõ quyền lợi của họ ở đâu. Ta chẳng nên bảo hoàng hơn vua. Về tầm mức quan trọng của công cuộc họ đang thực hiện, không một ai có thể chối cãi.

Lịch sử dân An Nam cho ta thấy trong quá khứ, tinh thần nòi giống của họ rất mạnh mẽ. Khi gặp sự đô hộ của ta, hay chỉ cần giáp mặt với những tư tưởng mới của ta, chắc chắn tinh thần nòi giống của họ sẽ chuyển biến thành lòng ái quốc theo nghĩa mà chúng ta hiểu bên Âu Châu. Hiện nay, nếu không có các nhà truyền giáo và 600000 người theo đạo Ki-tô, những người được xem như là một yếu tố cắt đứt tính đồng nhất của nòi giống, thì công cuộc của chúng ta sẽ vạn lần khó hơn. Chúng ta phải tính chuyện lâu dài, phòng những nguy cơ tương lai, bằng cách dựa vào những hội truyền giáo này và việc truyền bá tiếng Pháp.

Đến đây, tôi nghĩ là đã trả lời tất cả những lời phản bác thu lượm được trên báo chí hoặc trong kỷ yếu các hội nghị. Tôi đã ghi chép lại rõ ràng để giúp độc giả có thể có một cái nhìn có suy xét và xem chúng có thể đánh đổ nổi hay không hai nghị quyết của tiểu ban Đông Dương đã được Đại hội toàn cử tọa Hội nghị thuộc địa thông qua.

Tùy theo điều kiện của mỗi phần đất khác nhau tại Đông Dương, những nghị quyết này phân biệt rõ rệt những xứ bảo hộ. Tại Bắc Kỳ chỉ cần định nguyên tắc, vạch rõ mục tiêu tương lai. Tại thuộc địa được cai trị trực tiếp, đã có một ngân sách quan trọng dành cho tổ chức học chính và phần lớn đã bị lạm dụng.

Ta cần lưu ý là Bắc Kỳ có thể xem như tiến triển tốt hơn Nam Kỳ thuộc Pháp. Bắc Kỳlà xứ mới chiếm được nhưng hầu như thoát khỏi ảnh hưởng xấu của chữ quốc-ngữ được truyền bá rộng rãi và được dùng chính thức làm cơ sở học chính. Nhờ vậy, tại đây tiếng Pháp tương đối được phổ biến hơn tại Nam Kỳ. Phải chăng điều này có xu hướng xác định những điều tôi nói ở trên: Tiền triệu bỏ ra cho chữ quốc-ngữ chỉ có một kết quả rõ rệt : khiến dân bản xứ không học, không dùng tiếng Pháp ?

Nhiều viên chức tại Bắc Kỳ đã rút kinh nghiệm của Nam Kỳ, có vẻ như quyết định tìm mọi cách để ngăn chận không cho chữ quốc-ngữ phát triển trên vùng đất sông Hồng theo định luật cá nhỏ quốc ngữ ngày mỗi lớn (petit quoc ngu ne devienne grand).

Các Ủy ban của Hội Pháp văn liên hiệp (Alliance française) tại Bắc Kỳcó vẻ tích cực hơn và rất đáng được khen ngợi.

Ở xa, chúng ta ít thấy hoạt động của các Ủy ban tại Nam Kỳ mặc dù tôi vẫn biết rằng Nam Kỳ có rất nhiều người xuất sắc. Đôi khi ta tự hỏi phải chăng 30 triệu bỏ ra trong ba mươi năm, để chính thức tổ chức và truyền bá chữ quốc-ngữ, đã ảnh hưởng lên chính người Pháp, ru ngủ họ, làm họ mất hết khả năng nhạy cảm thời thế. Phải chăng họ bị hàng loạt sách xuất bản ào ạt bằng chữ quoc-ngữ quyến rũ. Sách nào trông cũng dễ thương với những râu ria, dấu nét kỳ quái, đọc lên nghe âm điệu du dương, dù những sách đó nhắm uốn nắn tư tưởng thuộc dân của chúng ta bằng cách kể lại lịch sử An Nam hay lịch sử Trung quốc? Chính tại đây, hơn là tại Bắc Kỳ, mà ta không còn có thể phí thêm một giờ, tốn thêm một xu. vào những chi tiêu vô ích hay có hại nữa.

Tôi không thể dông dài thêm về đề tài tế nhị này nữa. Tốt hơn hết, ta nên trở lại vấn đề với một cái nhìn bao quát hơn, và mời các bạn của chúng ta tại Nam Kỳ thuộc Pháp suy ngẫm về nhận định thật chính xác của một nhà địa lý nổi tiếng cũng là một người yêu nước nồng nàn. Ông ta lên án gắt gao cuộc chinh phục Đông Dương , và tiên đoán ta sẽ chỉ gặt hái được những hậu quả khốc hại nếu không truyền bá được tiếng nói của ta tại đây.

Xin mời các bạn nghe lời ông Onésime Reclus[42], và xin các bạn Nam Kỳ thuôc Pháp đừng quên rằng những tư tưởng tương tự đang từ từ trở thành phổ biến tại Pháp.

Chúng ta đọc trong Nos Colonies (Những thuộc địa của chúng ta), bản in 1889:

"Sài Gòn ngự trị trên Nam Kỳ, là thuộc địa duy nhất (cùng với Pondichéry) đem lại lợi nhuận cho ta nhiều hơn là chi phí, đây là nói về mặt tiền bạc. Nhưng không nên đánh giá một đất đai hải ngoại qua khả năng của nó làm tăng hay giảm công quỹ của nhà nước. Mẫu quốc được thoát ra khỏi cơn tê liệt. Thuộc địa không còn là sa mạc, đất đai hoang dã biến thành làng mạc. Hãng xưởng thức tỉnh và giao tiếp kết hợp. Tàu bè dọc ngang bốn biển. TIẾNG NÓI CỦA TỔ QUỐC TA XÂM NHẬP CÁC NHÀ VÀ NHỮNG KIỆT TÁC CỦA TA ĐƯỢC TÔN VINH THỜ PHƯỢNG. Đó chính là những lý do khiến ta phải ra đi xây đắp tổ quốc khắp năm châu. (trang 487).

" Chiếm một nước rộng lớn có con sông nổi tiếng, có bờ biển dài 700 hay 800 dặm, có 15 hay 20 triệu người, tất cả những thứ đó chẳng có nghĩa lý gì NẾU TA KHÔNG CHUYỂN HÓA ĐƯỢC DÂN TỘC ĐÓ THÀNH GIỐNG TA QUA TINH THẦN, TÂM HỒN VÀ TIẾNG NÓI. " (Trang 489)

"Đã không muốn buông thả thì phải làm gì cho hay cho đẹp? ...

" ÁP ĐẶT, HAY TỐT HƠN, TIÊM NHIỄM TIẾNG NÓI CỦA CHÚNG TA".

Cả một đời sống tại Đông Dương, tôi chỉ có thể lên án chữ buông thả. Nhưng tôi xin nói thêm với tất cả các bạn, nếu may mắn chuyện buông thả không phải đặt ra, vấn đề còn lại vẫn là làm sao chiếm được nhiều hay ít cảm tình, được nhiều hay ít người ưa thích. Về mặt này Đông Dương quả thật rất yếu kém. Vì công cuộc chung, vì lý tưởng thiết thân của chúng ta và trên hết là vì Tổ Quốc, chúng ta phải ngừng ngay lập tức, không nên tiếp tục bước tới trên con đường đang dẫn đến ngõ bí. Tôi không khỏi thấy chua chát khi nghĩ tới thành quả lẽ ra Nam Kỳ thuộc Pháp phải có, nếu trong suốt ba mươi năm qua người ta không lãng phí 30 triệu cho chữ quốc-ngữ , (một chính sách chỉ dẫn đến một trong hai khả năng: hoặc vô ích nếu không đạt kết quả nào, hoặc có hại nếu có đôi chút kết quả). Tiền đó, nếu được dùng một cách sáng suốt hơn trong việc quảng bá tiếng nói của nước ta thì 100 000 , 200 000 người An Nam đã trọ trẹ được tiếng Pháp. Nói được ít hay nhiều, điều đó không quan trọng, quan trọng là họ đã bước vào con đường tiến bộ. Ngay từ bây giờ, sách báo của chúng ta đã tràn vào xứ họ, rồi sau sách là hàng hóa. Thuế xuất nhập khẩu hàng hoá ngày nay còn rất nặng. Ngày nào bên này thấy thuế không cần thiết nữa, hay bên kia bớt mối lo vì thuế thì hàng hoá của ta sẽ được Nam Kỳ và tiếp tới là toàn thể Đông Dương ưa chuộng nhiều hơn là tại chính nước Pháp. Hai dân tộc sẽ được nối chặt bằng một sợi giây chắc nhất. Đó là sợi giây của ngôn ngữ.

Thực vậy, dù ta không thể tiên đoán được trong tương lai , trong vài thế kỷ nữa, chuyện gì sẽ xảy ra, những nguyên tắc, những tư tưởng, những tình cảm nào sẽ gắn bó, phân chia, hay làm đảo lộn nhân loại nhưng ngay bây giờ ta có thể thấy rõ sự kiện nổi bật là hiện tượng cộng đồng ngôn ngữ. Lời nói đang trên đà thay thế tôn giáo, vốn cách đây chẳng bao lâu, đã xúi dục con người chém giết lẫn nhau. Ngôn ngữ chung tạo thành những quốc tịch thực thụ. Về mặt thương mại cũng như về mặt trí thức, nó gắn bó các dân tộc dù cách trở nghìn trùng.

Trên đây, tôi đã kể chuyện Onésime Reclus.

Nếu chúng ta đọc tập sách về Bắc Mỹ do người anh của ông ta, vốn còn nổi tiếng hơn ông ta nữa, tên là Élisée[43] xuất bản, chúng ta thấy nước Mỹ, dù chia tay với nước Anh trong bạo lực, vẫn phục vụ và sẽ tiếp tục phục vụ cho sự vinh danh và phồn thịnh của nước Anh. Chính những loại sách này đã đóng góp nhiều cho việc nảy sinh những tư tưởng mới, nhưng hình như đồng bào của chúng ta sống tại Nam Kỳ, qua sự thụ động của mình, tỏ ra không hay biết gì đến chuyện đó.

Để chứng minh những điều mình nói, tôi xin lấy lại chuyện xứ Gia Nã Đại làm thí dụ. Tôi thích nhắc tới xứ này, vì tôi đang theo xát cuộc đấu tranh gay gắt tại đây. Cuộc đấu tranh bề ngoài có vẻ hoà bình nhưng có lẽ sẽ quyết liệt nhất cho tương lai nòi giống ta, tiếng nói của ta.

Những người Gia Nã Đại nói tiếng Pháp, lập nghiệp tại xứ này từ trước, đã rộng mở cánh tay đón tiếp những người Ái Nhĩ Lan theo đạo Ca-tô, nói tiếng Anh. Những người này, dưới sự lãnh đạo của tu sĩ, đã trở thành những kẻ thù quyết liệt nhất của anh em cùng nòi giống với chúng ta, vốn cũng cùng mang giòng máu Celtes như họ. Người Ái Nhĩ Lan đã bỏ mất tiếng nói của mình để tiếp thu tiếng nói của kẻ chinh phục, có lẽ lại còn muốn xóa bỏ luôn cả cái kỷ niệm đau buồn đó bằng cách tới lượt mình đi áp đặt nó cho kỳ được lên các nòi giống khác. Với tâm trạng đó , sợi giây ràng buộc của tôn giáo bị cắt đứt, nỗi căm thù kẻ xâm lăng bị lãng quên, dẫu hằng ngày nỗi căm thù đó vẫn có nhiều dịp có thể được khơi dậy từ cảnh tượng khốn cùng và những đấu tranh đòi hỏi của xứ Erin xanh[44]

Trước khi chấm dứt, tôi xin thêm vài lời về hai điểm mới nói thoáng qua trong bản báo cáo của tôi tại buổi hội thảo cuối cùng.

"Những cá nhân, dù xuất sắc, không có công trạng thực sự nào khác hơn là khả năng giúp khơi động phong trào quần chúng", tôi đã tuyên bố như vậy.

Về điểm này, lịch sử để lại đầy dẫy những bài học không thể chối cãi. Sau khi Guillaume le Bâtard [45] chiếm được xứ Anh, các tướng cai trị vốn là người gốc vùng Normandie hay Poitou , tiếng Pháp được dùng làm ngôn ngữ chính thức trong nhiều thế kỷ. Nó được dùng trong kiện tụng, thảo các án lệnh. Nhưng nó chỉ là ngôn ngữ của giới quí tộc, thượng lưu. Về lâu dài, làn sóng thổ ngữ dân gian đã tràn ngập cuốn trôi ngôn ngữ đó, rồi trở thành nền tảng, thành nguồn sáng tạo anglo-saxon cho ngôn ngữ hiện đại của dân trên đảo, dù trong đó vẫn còn vô số từ tiếng Pháp du nhập qua bao năm thống trị. Tại hai bên bờ biển Manches, các dân tộc tiếp tục xa cách nhau vì ngôn ngữ nhiều hơn là vì biển sâu. Rồi sau đó là năm trăm năm chiến tranh.

Ngay cạnh Nam Kỳ , dân tộc Căm Pu Chia đã xâm chiếm đất đai và thống trị dân tộc Xiêm qua nhiều thế kỷ. Nhưng họ đã không biết áp đặt tiếng nói của họ cho quần chúng Xiêm, chỉ đem đến cho dân tộc này một tầng lớp quí tộc, quan lại cai trị, cơ cấu hành chính, tôn giáo và văn minh. Sợi giây ràng buộc dần dần nới ra, kẻ chiến bại từ từ tách xa. Trong nhiều thế hệ giới quí tộc Xiêm sống như ngưòi Khmer, nói tiếng Khmer. Rồi ngôn ngữ bình dân dần dần tràn ngập, nuốt chửng ngôn ngữ giới lãnh đạo. Tuy vẫn còn giữ lại nhiều từ Khmer, đặc biệt những từ liên quan đến nhà nước, đến chánh quyền, nhưng nền tảng của tiếng nói là tiếng Thái . Dù cùng tôn giáo, cùng văn minh, hai dân tộc tạo ra hai quốc gia tách biệt, và đến ngày nay vẫn còn chém giết nhau không nương tay.

Ngược lại, dân An Nam đã dựa lên tổ chức hành chính kiểu Trung quốc đểđồng hóa người Chăm hay người Cam Pu Chia là những kẻ bại trận. Người An Nam đã để lại cho ta những mẫu mực nên nương theo.

Như vậy, điều quan trọng là không nên chỉ dạy tiếng nói cho giới thượng lưu, cho tầng lớp cai trị mà phải nhắm tiếp thu được con cái giới bình dân, gái cũng như trai. Nên nhắm đến từng nhóm người, từng thôn, xóm, chỗ này, chỗ kia. Trước tiên là chung quanh những trung tâm sinh hoạt chính của người Âu, hay trong làng xã theo đạo Ca-tô, hay bất cứ nơi nào có người sẵn sàng đón nhận. Tôi xin gọi phương sách này là cho tiếng nói bắt rễ vào đất [46] . Ai không khỏi phẫn nộ với tình trạng hiện tại ? Xin lấy một thí dụ, tại Sài Gòn hay ngoại ô chung quanh không có lấy một trường tiểu học chương trình Pháp cho dân bản xứ, trong khi trường chữ quốc-ngữ thì đầy dẫy !

Người bình dân có cần một gánh từ ngữ đồ sộ hay không ? Có người kể tôi nghe câu chuyện một tác giả nổi tiếng nói rằng từ vựng của một người nông dân Anh, vế phương diện trí thức vốn không thua bất cứ một nông dân của bất cứ một vùng đất nào, không nhiều quá ba trăm từ. Dù không bám chặt vào từng câu chữ, nhận định này cũng rất có ý nghĩa và đem đến cho ta nhiều hy vọng.

Ngay cả với một gánh từ ngữ nhỏ, cái biết của người bình dân có cần phải thật đúng đắn, sâu sắc không? Chắc chắn là không. Cái hoàn hảo lúc đầu không cần thiết, tự nó nó sẽ đến sau. Như vậy, để cho những bước đầu thật dễ dãi, tôi đề nghị tổ chức một cách có hệ thống giảng dạy cái mà tôi gọi là tiếng tóm-gọn (sabir)[47], là tiếng bồi (parler nègre), với động từ không chia thì. Cái tiện lợi quan trọng của thứ tiếng nói này là nó có thể được truyền bá mọi nơi, ít tốn kém, trong khoảng thời gian ngắn bằng cách dùng nó thay thế chữ quốc-ngữ trong các trường tiểu học hiện có, việc mà còn lâu ta mới làm được với tiếng Pháp đúng chuẩn. Tiếng tóm-gọn là phương tiện chuyển tiếp bắt buộc cho tất cả các nước có dân bản xứ học tiếng Pháp. Nó là một phương tiện tuyệt vời. Điều này đã được chứng minh hàng ngày ở xứ Algérie, không phải trong mấy trăm trường Pháp-Ả Rập nghèo nàn, tại một xứ mà ngân sách dành cho giáo dục dân bản xứ xem như không đáng kể, mà lại là tại những nơiđược Élisée Reclus gọi là đại học đường của phố và chợ. Guồng máy học đường này tự điều hành một cách thường trực, lấy những người bản xứ không học thức, cho họ hay con em họ dăm ba khái niệm rồi dẫn dắt từ từ cho đến khi họ nói được tiếng Pháp thật đúng đắn.

Tại Nam Kỳ, bước đầu tiên là khiến cho dân bản xứ chuyển từ lối nói theo đơn âm tiết của họ sang lối nói theo đa âm tiết của chúng ta. Mục tiêu nhắm tới là tạo ra một cơ sở làm nền móng cho tiếng nói tương lai. Nếu cần, ta có thể dùng thêm nhiều từ tiếng An Nam, cũng giống như nhiều người bản xứ có học thường pha lẫn tiếng An Nam và tiếng Pháp trong thư từ trao đổi của họ. Ở đây, những đề nghị của tôi hoàn toàn khác biệt với một giải pháp đáng chú ý của ông Forestier, đã trình bày trong hội đồng địa hạt, hình như là tại Gò Công. Nhận thấy tiếng An Nam quá nghèo, quá thiếu nghĩa, ông ta đề nghị làm cho nó giàu hơn bằng cách du nhập những từ tiếng Pháp. Theo ý tôi giải pháp này sẽ đưa vào ngõ bí.

Tôi đã giải thích lý do ở trên, khi liệt kê các chữ đơn âm tiết , dùng để An Nam hóa các từ tiếng Pháp: mat, lô, xa, lup v.v... Giả dụ như chuyện này có thể làm được thì tự nó vẫn là một lỗi lầm quan trọng. Những từ được du nhập này không thể là sợi giây gắn bó hai dân tộc. Xin xem lại những gì tôi vừa nói về tiềng Anh và tiếng Xiêm. Số lượng từ Pháp được tiếng Anh tiếp thu cũng như số lượng từ Khmer xâm nhập tiếng Xiêm nhiều hơn rất nhiều những từ ta có thể cung cấp cho dân An Nam trong một hay hai thế kỷ. Nếu cần lựa chọn một tiếng tóm-gọn tại sao không lấy thứ tiếng cấu tạo từ tiếng Pháp ?

Vậy, chúng ta phải nhắm quảng bá cho quần chúng bản xứ thứ tiếng căn bản lấy từ tiếng nói của chúng ta. Chúng ta chấp nhận cho trộn lẫn nhiều từ của tiếng nói bản xứ không có tương đương thật đúng trong tiếng nói của chúng ta. Về chuyện này, tôi xin nhắc lại là tôi không thấy gì đáng ngại. Trong chúng ta, ai mà chẳng đã có dịp nghe những người Pháp đi săn kể chuyện của mình với rất nhiều từ bản xứ ? Ta có thể nói thêm là mọi người Âu tại Nam Kỳ thường dùng trong câu chuyện của mình nhiều từ An Nam mà không ngờ tới.[48]

Muốn tạo ra thứ tiếng tóm-gọn thì thông thường phải xét ba yếu tố: chính tả, văn phạm và từ vựng. Chỉ có chính tả là đòi hỏi người soạn thảo phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng. Nó phải tuyệt đối nhất quán. Theo ý tôi, ta phải đi từ nguyên tắc như sau: cố gắng làm cho đơn giản và đồng nhất chính tả chữ Pháp, nhưng cũng không quên rằng ta chỉ nhắm làm một công việc tạm thời để chuẩn bị cho việc học tiếng Pháp đúng chuẩn sau này. Ta nên tránh không rơi vào xu hướng cực đoan của các trường phái ngữ-âm (phonétiste), chủ trương xóa bỏ ngay tại Pháp mọi quy luật chính tả hiện hành, thay thế bằng cách viết chữ theo đúng âm nghe. Nhưng cách phát âm tự nó lại là một yếu tố dễ chuyển biến, thay đổi và nhiều khi sai lệch.

Thí dụ, ta có thể dùng chữ c có móc ( c cédille) cho mỗi từ có âm điệu êm dịu, ngay cả với chữ e và chữ i. Cái dấu móc này, không thay đổi mặt chữ bao nhiêu, có thể dễ dàng được xóa bỏ với những ai muốn sau này học tiếng Pháp một cách đúng chuẩn hoàn thiện hơn. Chữ ville phải được viết là vile, dành chữ kép ll cho những từ với âm điệu nhẹ kéo dài (prononciation mouillée) của từ fille chẳng hạn. Comment, femme, có thể được viết là commant, fame. Tại Pháp, không thiếu gì người bình dân viết theo kiểu đó, và nhiều văn sĩ lớn của những thế hệ đã qua cũng không để tâm lắm về vấn đề này. Chính tả chỉ thực sự trở nên quan trọng vào thời nay. Nhưng, vì tiếng tóm-gọn này chỉ là một thứ tiếng chuyển tiếp, ta phải giữ cho đúng chính tả những nguyên âm đôi ai, oi, ou để viết cho đúng những từ vrai, soif, voir, jour.

Tóm lại, ta chỉ sửa những ngoại lệ quá rõ nét của chính tả so với phát âm.

Về văn phạm, ta phải bỏ quy luật về thì (temps), điệu (mode), giữ các động từ không chia, với ngôi thứ ba số ít cho các từ ngữ: il peut, il faut, v.v... Có lẽ ta phải giữ lại một quy luật chia thì tối thiểu chỉ gồm thì hiện tại cho những động từ theo quy tắc (l'indicatif présent des verbes réguliers), nó làm cho câu chữ tăng phần chính xác. Nhưng vượt quá mức độ tối thiểu này sẽ gặp nhiều bất tiện. Những hy sinh tôi đề nghị quả thật khá lớn, nhưng chúng ta đang đứng trước một khó khăn thật quan trọng. Một quy luật chia thì sơ khai, có thể ghi lại trong phần phụ lục của các sách được phổ biến, sẽ giúp cho trẻ con An Nam quen với con quái vật mới lạ chia thì này.

Tóm lại, những câu như : moi aller promener demain, có thể dịch từng chữ câu An Nam: toi di choi dén mai. Người Pháp nghe chắc hiểu; và mọi người thổ dân các xứ đều bập bẹ như vậy. Với rất ít thay đổi, tiếng tóm-gọn có thể biến ngay thành tiếng Pháp đúng chuẩn với những câu như sau : le soleil est très chaud; mieux vaut tenir que courir.

Vấn đề từ vựng không quan trọng nếu quy luật chính tả đặc biệt đã được định cho các sách bằng tiếng tóm-gọn dự định soạn.Tùy thể loại và tùy độ dày của sách, số lượng từ có thể thay đổi ít nhiều từ bốn trăm, sáu trăm tới tám trăm, một nghìn là tối đa. Từ vựng các từ thông dụng này không được dồi dào và bao quát quá, như vậy để tránh lấn sang địa hạt của việc học tiếng Pháp đúng chuẩn tức là mục đích tối hậu của chúng ta.

Nhân đây, tôi xin thêm quan niệm của tôi về tổ chức học chính tại Nam Kỳ. Các trường địa hạt phải được tổ chức thật quy củ với hiệu trưởng là người Pháp, giáo sư người Pháp luôn luôn sát cánh nhau và giáo sư hay phụ đạo bản xứ. Các trường này trực thuộc Giám đốc nha học chính, và tham biện địa hạt (administrateur) có thể thanh tra bất kỳ thời biểu nào về những vấn đề nằm ngoài phạm vi kỹ thuật ngành nghề.

Các trường này dạy tiếng Pháp đúng chuẩn. Thêm vào đó, có thể nói một cách tự động, với những phương pháp đơn giản và chặt chẽ, chúng đào tạo các giáo sư tiếng tóm-gọn. Dứt khoát, phải đòi hỏi một sự đồng nhất tuyệt đối.

Xin mở ngoặc nói thêm rằng từ nay ta không cần phải e ngại lựa chọn các tiểu thuyết hay, vui nhộn, để phát phần thưởng nữa ! Dĩ nhiên tôi không chọn những tác giả thật sự phóng đãng. Nhưng tôi sẽ chọn cả những tác giả đã từng bị các nhà đạo đức cực đoan điểm mặt vì thực ra lối viếtcủa họ chẳng có gì là tai hại. Vài tiếngtục có gì là quan trọng ? Ai mà chả biết rằng lỗ tai của người An Nam vốn chẳng cần tế nhị.

Tác động đồng hóa của tiểu thuyết có thể rất mạnh mẽ.

Sở học chính chỉ có trách nhiệm lo dạy tiếng Pháp đúng chuẩn và đào tạo các giáo viên dạy tiếng tóm-gọn gửi về các thôn xã. Các trường thôn xã do các giáo viên này điều hành và dạy tiếng tóm-gọn phải tuyệt đối đặt dưới sự giám sát chặt chẽ duy nhất của tham biện địa hạt . Tại Nam Kỳ, đây là phương thức duy nhất để đạt hiệu quả tốt mỗi khi có việc gì liên hệ trực tiếp đến dân bản xứ. Với sách báo đơn giản và rẻ, với các giáo viên đông đảo nhưng lương bổng thấp, những viên chức cai trị khôn khéo, thì việc học và dùng hàng ngày thứ tiếng Pháp thô sơ này từ từ sẽ trở thành thời thượng, thành một phong trào.

Về sau này, ta có thể dùng tiếng Pháp đúng chuẩn để bóp nghẹt dễ dàng thứ tiếng nói tóm-gọn này. Ai muốn có một mức độ học thức khá sẽ bắt buộc phải học tiếng Pháp đúng chuẩn.

Vấn đề rất tế nhị. Tôi đã thật lòng trình bày những gì tôi nghĩ. Thoạt nghe những suy nghĩ này có vẻ lạ, quá táo bạo. Chúng đảo lộn mọi thói quen, phá bỏ nhiều tiên kiến. Do đó, tôi không có tham vọng tìm cách áp đặt chúng. Tôi hy vọng mọi người cùng đồng ý với tôi là chúng đáng được suy xét, đáng được thảo luận và nếu cần, được sửa đổi, bổ túc. Khi mọi người cùng chung sức, con đường tìm được sẽ là con đường tốt đẹp nhất. Điều chủ yếu là ta chấp nhận một giải pháp, và hành động với một tinh thần nhất quán. Công cuộc này tương đối dễ thực hiện tại Nam Kỳ thuộc Pháp, đất vốn hẹp, phương tiện vật chất dồi dào, quy tụ 2 triệu người. Nam Kỳ có nhiều trung tâm đô thị quan trọng có người Pháp sinh sống từ lâu. Từ Nam Kỳ, các phương pháp giáo dục và việc quảng bá tiếng Pháp tự nhiên sẽ được truyền sang các thuộc địa khác.

Tôi thiết tha kêu gọi những người Pháp sống tại các tỉnh lị tại Nam Kỳ (basse Cochinchine) nên gặp nhau, nghe nhau, thảo luận về những vấn đề trên. Họ cũng nên mời những người dân bản xứ có trình độ cao tham gia các buổi họp, các buổi hội thảo có chủ đề bàn về việc quảng bá tiếng nói của ta. Nói tóm lại, họ phải tạo ra những Ủy ban địa phương của Hội Pháp văn liên hiệp. Công cuộc to lớn này, tôi mong một ngày kia, sẽ liên kết mọi người yêu nước đó đây trên khắp địa cầu.

Rồi, qua hình thức cá nhân hay tập thể, liên lạc với ông Tổng Thư Ký của Hội Pháp văn liên hiệp tại số 27,rue Saint-Guillaume, Paris !

Paris, ngày 15 Tháng tư năm 1890.
 
 

***

Tác giả : Etienne François Aymonier,
Phần I : 31-07-1889
Phần II : 11-12-1889
Phần III : 15-04-1890

Lại Như Bằng dịch, 01-02-2015
chỉnh sửa đôi ba chữ 30/12/2019 

***
Chú thích

[37] - Le Myre de Vilers (1833-1918): Thống đốc Nam Kỳ từ tháng 7-7-1879 đến tháng 11-1882, Thống sứ Madagascar năm 1886, Nghị viên Nam Kỳ thuộc Pháp từ 1889 đến 1902

[38] - Jourdain là một nhân vật trong kịch "Le Bourgeois gentilhomme" (Nhà hào phú-quý tộc/ hay Trọc phú học làm sang) của Molière. Jourdain là một trọc phú, có tiền nhưng dốt, lại muốn làm sang, học đòi đủ thứ, học đánh kiếm, học nhạc, học nhảy, may quẩn áo đúng điệu ...

Ông ta được thày dạy Triết dạy ông ta rằng hàng ngày ông ta vẫn nói "văn xuôi" (prose) mà không biết... từ kịch bản này, người Pháp có từ ngữ "Faire de la prose sans le savoir " / làm một việc thông thạo mà không biết mình đang làm.

[39] - tio, ia, choeu, sié : ở đây được phát âm theo tiếng Pháp

[40] - chien=con chó , oui=dạ , peur=sợ , voiture=xe.

[41] - chu-nhu = chữ Nho

[42] - Onésime Reclus: (1837-1916), nhà địa lý Pháp, cộng tác viên tập san Tour du monde (Vòng quanh thế giới). Là người sáng chế ra chữ "francophonie" (Cộng đồng Pháp ngữ).

Ông định nghĩa chữ "francophone" : "tất cả những người đã hay có chiều hướng tham gia vào cộng đồng nói tiếng Pháp".("tous ceux qui sont ou semblent être destinés à rester ou à devenir participants de notre langue").

Ông dùng tiêu chuẩn ngôn ngữ để sắp xếp các dân tộc, thay vì tiêu chuẩn chủng tộc, kinh tế.

[43] - Elisée Reclus: (1830-1905), nhà địa lý người Pháp, nổi tiếng vào thế kỷ 19, xu hướng chính trị Vô Chính Phủ (anarchiste), thành viên Đệ Nhất Quốc Tế,

[44] - Erin vert: Erin xanh, từ dùng để chỉ nước Ái Nhĩ Lan.

Xứ Ái Nhĩ Lan : Ireland (tiếng Anh) , Éire (tiếng Ái Nhĩ Lan)

Người Ái Nhĩ Lan thuộc chủng tộc Celte, cũng giống như người Gaulois, tổ tiên của người Pháp.

Ireland trước đây là một nước độc lập. Đến năm 1494 bị lệ thuộc hoàn toàn vào nước Anh, Năm 1541, vua Henri VIII nước Anh tự xưng cùng lúc là vua xứ Ái Nhĩ Lan. Đất đai của một số bộ tộc Ái Nhĩ Lan bị tịch thu, giao lại cho người Anh khai khẩn.

Năm 1641 người Ái Nhĩ Lan nổi dậy dành độc lập, nhưng bị thất bại và bị tàn sát khủng khiếp. Đất đai lại bị tịch thu thêm vào giao lại cho dân Anh canh tác.

Người Ái Nhĩ Lan đa số theo đạo Ca-tô. Năm 1695, vua Anh Guillaume III , theo đạo Tin Lành Anh, ra một loạt đạo luật kỳ thị Ca-tô.

Năm 1798 người Ái Nhĩ Lan lại nổi dậy lần nữa, và bị đàn áp hung bạo.

Từ năm 1846 đến 1848, nạn đói hoành hành thúc đẩy người Ái Nhĩ Lan ào ạt di cư sang Bắc Mỹ (nhiều triệu người).

Năm 1921, Anh trao trả độc lập cho nước Ái Nhĩ Lan.

Theo Hiến Pháp Ái Nhĩ Lan, tiếng nói chính thức là tiếng Ái Nhĩ Lan , tiếng nói phụ là tiếng Anh. Tất cả các công văn đều viết bằng 2 thứ tiếng. Mặc dù tiếng Ái Nhĩ Lan bắt buộc phải được giảng dạy ở trường, rất ít người Ái Nhĩ Lan còn dùng thứ tiếng này trong sinh hoạt hàng ngày. Trong thực tế, tiếng Anh ltrở thành tiếng chính thức tại Ái Nhĩ Lan.

[45] - Có thể dịch là "Guillaume-Con-Hoang" , nhưng xin giữ lại tên chữ Pháp, không dịch.

Guillaume , sinh năm 1027, là con ngoại hôn, nhưng là con trai duy nhất, của Công tước Robert le Magifique xứ Normandie. Do đó người ta gọi Guillaume là "Guillaume le Bâtard/Guillaume-con-hoang" . Sau khi cha qua đời, Guillaume trở thành Công tước Guillaume II xứ Normandie (1035). Ngày 28-9-1066 Guillaume II đem quân đổ bộ lên xứ Anh, ngày 14-10-1066, giết được vua Anh (Harold II nước Anh) tại trận Hastings , ngày 25-12-1066 lên ngôi tại nhà thờ Westminster ở Luân Đôn , trở thành Vua Guillaume 1 nước Anh.

Dân Anh thời đó gồm nòi giống Anlo-saxon. Binh đội chiếm đóng của Guillaume gồm người Pháp.

Guillaume II qua đời ngày 9-9-1087 tại Rouen (Pháp).

[46] - "fixer la langue au sol en lui faisant prendre racine"(gắn chặt tiếng nói vào đất bằng cách cho nó bắt rễ).

[47] - sabir: là một thứ tiếng thô sơ, dùng đề liên lạc trao đổi giữa hai dân tộc vốn có hai thứ tiếng nói hoàn toàn khác nhau. Ta có thể nói nó chính là "tiếng bồi".

Tác giả dùng từ "sabir" rồi chua thêm là "parler nègre" (parler nègre : lối nói của những người da đen ít học hay người da đen nô lệ ngày xưa,). Ở đây ta dành từ "tiếng bồi" hay tiếng "giả cầy" cho "parler nègre", và từ "tiếng tóm-gọn" cho sabir.

[48] - ç , Chữ c cédille hay c có móc của Pháp được đọc như chữ x của ta. Đặt trước chữ a, o, u, các chữ ça, ço, çu, phải đọc là xa, xo, xu. Với chữ c thường ca, co, cu phải đọc là ka, ko, ku
 

***
Phụ lục

(Do người dịch chép thêm, không có trong tập tài liệu của Aymonier)

*
1. Nghị định bắt buộc chỉ dùng chữ cái Pháp trong các văn kiện chính thức viết bằng tiếng An Nam ( Le Myre de Vilers - 1882).

Số 33 - Nghị định bắt buộc chỉ dùng chữ cái Pháp trong các văn kiện chính thức viết bằng tiếng An Nam.

Ngày 30 tháng giêng năm 1882.

Thống đốc Nam Kỳ thuộc Pháp, huân chương Bắc đẩu bội tinh và huân chương Giáo dục,

Chiếu theo nghị định ngày 6 tháng Tư năm 1878, bắt buộc , kể từ ngày 1 tháng Giêng 1882, chỉ dùng chữ cái Pháp trong tất cả các văn kiện chính thức viết bằng tiếng An Nam;

Chiếu theo các nghị định ký năm 1879,1880,1881 thực thi biện pháp trên trong nhiều hạt của thuộc địa;

Xét rằng hiện nay chữ viết la-tinh đã được phổ biến đủ rộng rãi để, nói chung, có thể thực thi nghị định trên;

Theo đề nghị của Giám đốc Nha Nội chính,

Sau khi nghe ý kiến của Hội đồng thuộc địa

Quyết định:

Điều một : Kể từ ngày hôm nay, trên toàn cõi Nam Kỳ thuộc Pháp, bắt buộc chỉ dùng chữ cái Pháp trong các văn kiện chính thức viết bằng tiếng An Nam

Điều 2: Giám đốc Nha Nội chính được giao cho thực thi nghị định này, cho ghi chép và niêm yết tại mọi nơi cần thiết.

Sài Gòn, ngày 30 Tháng Giêng năm 1882

Le Myre de Vilers

Thừa lệnh Thống đốc:

Giám đốc Nha Nội chính,

Béliard

-------------
(nguồn: Bulletin Officiel de la Cochinchine Française, Année 1882, No 1, page 55)

*
2- Thông tư Nha Nội Vụ (Circ. D. I. ) : Phải tôn trọng quyền lựa chọn của cha mẹ trong việc cho hay không cho con em đền trường học (25 tháng Sáu năm 1877)

25 Juin 1877

Thông tư Nha Nội Vụ (Circ. D. I. ) . Phải tôn trọng quyền lựa chọn của cha mẹ trong việc cho hay không cho con em đền trường học

BAT. II. trang 99

B.D.I. trang 47

Nghị định ngày 17 tháng 11 năm 1874, về việc điều hành nền học chính tại Nam Kỳ, trong điều 1, quy định rằng nền học chính chủ yếu dựa lên tính không ép buộc.

Cũng như tôi đã nhiều lần lưu ý quý vị rằng mục tiêu của Nhà nước, khi cho dân bản xứ toàn quyền quyết định trong lãnh vực này, là để tránh những lạm quyền, đã sảy ra ngay từ thời khởi đầu của thuộc địa, do quy định , vào thời đó , cho mỗi thôn xã phải cung cấp cho các trường học của ta một số học sinh nhất định.

Mặc dù đã nhiều lần khuyến cáo, tôi được biết chắc chắn rằng trong đa số trường học của ta, hiện nay nhiều học sinh vẫn chỉ là những trẻ em đáng thương do thôn xã thuê mướn gửi đến.

Tôi không cần phải nhấn mạnh hơn về những tai hại do tình trạng này đưa đến, nó tạo điều kiện cho mọi lạm quyền và làm mất hoàn toàn uy tín các trường học của ta.

Quan toàn quyền đã ra lệnh cho tôi phải chấm dứt tình trạng lạm quyền này.

Yêu cầu quý vị lập tức triệu tập các hương cả hội đồng xã trực thuộc tới nha sở và nhắc lại cho họ rằng nhà nước Pháp, dù chủ trương phát triển giáo dục trong quần chúng bản xứ, vẫn dứt khoát không muốn việc này tạo cho các thôn xã bất cứ phiền hà tốn kém nào , rằng các gia đình có toàn quyền cho con tới trường học hay không cho con tới trường học , và quyết định của họ không có bất kỳ một ảnh hưởng xấu nào lên hương cả hay các hương chức trong làng.

Quý vị sẽ điều tra kỹ lưỡng, với sự hiện diện của họ, tông tích các học sinh, và lập tức loại khỏi trường những ai tới học do tiền cùa thôn xã, hay do cha mẹ bị ép buộc, và quý vị cảnh cáo các hương cả rằng họ sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc nếu sự việc còn tái diễn..

Công việc thanh lọc xong, quý vị phải cố gắng , bằng mọi cách, nâng cao tinh thần và trình độ học thức của các trường trong địa hạt của quý vị.

Chính nhờ thành quả thu lượm được, hơn là số lượng học sinh, mà chúng ta khiến dân An Nam hiểu rõ lợi ích các biện pháp khoan hòa của Nhà nước nhằm truyền bá giáo dục đến mọi tầng lớp dân chúng.

Quý vị sẽ phúc trình cho tôi biết kết quả của việc thực thi nghiêm chỉnh các biện pháp trên lên số lượng học sinh. Nguyên tắc cưỡng bách giáo dục vốn không được ghi trong luật pháp xứ ta, không có lý do gì lại đem áp dụng nó cho xứ Nam kỳ.

Piquet (1)


----------
( nguồn : Répertoire Alphabétique de Législation & de Réglementation de la Cochinchine , arrêté au Premier Janvier 1889, par MM E.Lafont et J.-B. Fonssagrives, Tome 4 , trang 461)

(1) Vài hàng về Piquet:

Jules Georges Piquet, sanh ngày 13/1/1839, mất ngày 18/1/1929
1856, đậu thủ khoa vào trường Hải Quân
Sĩ quan tùy tùng của Đô Đốc Charner
Tháng 6-1861, Thiếu úy Hải quân
1864, phó tham biện Tây Ninh
Tháng 12-1865, Trung úy Hải quân , Chánh tham biện
1866 Chánh tham biện Mỹ Tho
Tháng hai 1869 , Giám đốc Nha Nội Vụ (Direction de l'Intérieur)
1886, Toàn quyền Cambodge
7/11/1887 , Quyền Toàn quyền Đông Dương
10/1888, Toàn quyền Ấn Độ thuộc Pháp
31/5/1889 đến 20/4/1891, Toàn quyền Đông Dương