Chim Việt Cành Nam
Trở về
Trang chủ
Tác giả
Thành Nội ngày xưa có trường con gái

Bùi Kim Chi

Năm 2020. Một sáng mờ sương. Thành Nội dịu dàng, an nhiên và tĩnh tại.

Trong tâm trạng bồi hồi tôi trở lại và dừng chân trên con đường ghi dấu kỷ niệm - Đoàn thị Điểm. Trên con đường này, ngày xưa có trường tiểu học nho nhỏ, xinh xinh chỉ dành riêng cho con gái. Tên trường nghe cũng "rất con gái". Trường tọa lạc ở góc đường Đoàn Thị Điểm và đường Mã Khái (tàu ngựa của triều đình) trong thành nội. Đường Mã Khái sau được đổi thành đường Tăng Bạt Hổ, rồi Lê Văn Duyệt và bây giờ là Nhật Lệ. Tôi đến. Trầm ngâm. Lặng lẽ.

Theo dòng thời gian... Năm 1917, dưới thời pháp thuộc, triều vua Khải Định, ở bờ nam sông Hương, trên đường Jules-Ferry (nay là đường Lê Lợi), trường Nữ Tiểu Học Đồng Khánh được thành lập. Hoạt động được 3 năm, đến năm 1920 trường mở thêm các lớp của bậc trung học và chính thức trở thành trường trung tiểu học, có tên mới là Collège Đồng Khánh dành cho nữ sinh ở trung kỳ. Năm 1954 hòa bình lập lại.Trường lớp ở Huế được ổn định. Niên khóa 1959-1960, trường Đồng Khánh bãi bỏ bậc tiểu học. Các lớp tiểu học lúc này được chuyển sang học tại trường tiểu học Lê Lợi (trên đường Lý Thường Kiệt).Trong khi đó, ở bờ bắc sông Hương, trong thành nội trường Nữ Tiểu Học Đoàn Thị Điểm vẫn tiếp tục hoạt động và chính thức trở thành trường Nữ Tiểu Học duy nhất của Huế. Tôi không được rõ trường Đoàn Thị Điểm được thành lập vào năm nào. Đây là ngôi trường có bề dày thành tích, hoạt động tốt, giảng dạy có chất lượng; tỉ lệ nữ sinh thi đậu vào trường Nữ Trung Học Đồng Khánh rất cao - là niềm mơ ước của các bậc phụ huynh ở nội thành. Nữ sinh tiểu học Đoàn thị Điểm đa phần là con dân của thành nội, cốt cách của con gái nhà lành, đằm thắm, hiền thục, nết na như các chị Nguyễn Thị Phương Linh, Nguyễn Thị Phương Dung (hai chị là con gái của bà phủ Trung Chi), chị Tôn Nữ Liên Hoa, chị Lê Thị Mừng (con cô Sâm nhà ở đường Mã Khái), chị Trần Thị Xinh Xinh; chị Tôn Nữ Ngọc Nhuận, Tôn Nữ Ngọc Lan, Tôn Nữ Ngọc Anh (con thầy Trợ Đông), chị Tôn Nữ Như Ngân, chị Nguyễn Thị Thu Thanh, chị Nguyễn Thị Thu Tâm, chị Nguyễn Thị Thu Lý, chị Nguyễn Thị Bích Thuận, chị Cao Thị Yên Trang; sau này tôi có gặp lại chị Trang trong những lần hội ngộ Đồng Khánh, hiền lành, nhỏ nhẹ với các em, chị Tôn Nữ Giáng Tiên với cái tên nghe là lạ, hay hay, nhà chị ở Kiệt 1 đường Âm Hồn. Tôi được gặp chị Tiên rất nhiều lần vì chị Giáng Tiên là Trưởng Ban Liên Lạc của cựu Nữ sinh Đồng Khánh ở Sài Gòn suốt nhiều năm ... Đội ngũ cô giáo của trường là những giáo viên tốt nghiệp sư phạm, giỏi chuyên môn, đức hạnh, mẫu mực và nhất là, dưới mắt chúng tôi, các cô rất đẹp, đài các, quí phái trong những tà áo dài truyền thống Huế (không mặc trang phục khác khi đến trường). Các cô là những cô giáo tận tâm với nghề, tận lực với học sinh, những mầm non tuổi thơ rất cần được trang bị đúng mực về kiến thức văn hóa, đạo đức cần phải có trước khi bước chân vào ngưỡng cửa của bậc trung học. Thế nhưng, tiếc thay, sau biến cố lịch sử 1975 trường Nữ Tiểu Học Đoàn Thị Điểm duy nhất của Huế trong thành nội bị "xóa sổ" cùng với trường Trung Học Hàm Nghi tọa lạc ở đường Tống Duy Tân, đoạn nằm giữa đường Đinh Bộ Lĩnh và Đoàn Thị Điểm và trường Nữ Trung Học Đồng Khánh ở bờ nam sông Hương thì bị "xóa tên" trường. Đây là ba ngôi trường có tiếng của Huế. Ngậm ngùi. Thương tiếc.

...Duyên dáng với giàn hoa Tigôn hồng cuốn quít trên mái ngói nâu của lớp Nhất A (lớp năm bây giờ) thuở ấy như vẫn còn đây, xôn xao réo gọi tôi trở về với những kỷ niệm ngọt ngào xa xưa của thời thơ ấu dưới mái trường yêu dấu - Nữ Tiểu Học Đoàn Thị Điểm. Tôi. Con bé ngày xưa ấy nay đã trên thất tuần. Mắt tôi rưng rưng. Đất của trường xưa vẫn còn đây. Vẫn nằm ở vị trí cũ (góc đường Đoàn Thị Điểm - Mã Khái, nay là Nhật Lệ); nhưng bảng tên trường thì không còn. Lớp học cũ, sân trường, bàng, phượng không còn dấu tích. Tôi ngơ ngác tìm. Đảo mắt, tưởng tượng trong hồn để làm sống lại hình ảnh dễ thương của trường xưa yêu dấu - ngôi trường đầu đời của tôi. Còn đâu nữa những bé gái hồn nhiên tung tăng chạy nhảy trong những chiếc áo đầm xinh xắn, những bộ đồ con gái của trẻ thơ lao xao trong sân trường và cả những chiếc áo dài bằng vải quyến, vải phin, vải xa xị dung dị, đằm thắm của một số ít chị học lớp nhất mà ngày ấy, con bé học trò lớp ba, là tôi, mơ ước có được một lần mặc áo dài đi học như các chị. Ngày xưa ấy, học sinh tiểu học đi học chưa có đồng phục. Học trò con gái đi học, có gì mặc đó miễn sao sạch sẽ, gọn gàng, tươm tất. Trong tâm trạng buồn tiếc, tôi lặng lẽ dẫn hồn mình trở về chốn cũ với trường xưa - Nữ Tiểu Học Đoàn Thị Điểm của ngày ấy.

Sáng nay, trời thành nội dậy sớm. Sương xuống nhiều.Tôi mờ trong sương sớm của một sáng cuối thu...Bất giác đoạn văn Tôi đi học của nhà văn Thanh Tịnh bỗng trỗi dậy trong tôi xao xuyến, ngọt ngào dẫn hồn tôi loanh quanh về những ngày tháng cũ.

Năm 1955. Sáu tuổi. Tôi được bà Trần Điền, Hiệu Trưởng trường Nữ Tiểu Học Đoàn Thị Điểm (tôi không biết tên của bà vì ngày xưa các cô giáo có chồng được gọi bằng tên của chồng) nhận vào học lớp Năm (lớp Một bây giờ). Bà Điền là mội phụ nữ Huế thuần thục, điềm đạm, gương mặt phúc hậu. Đây là ngôi trường Nữ Tiểu Học của Huế có cơ sở trường lớp riêng, đẹp, khang trang dành cho con gái bậc tiểu học. Trường tuy nhỏ, chỉ có 10 lớp (hai lớp Nhất A và B, hai lớp Nhì, hai lớp Ba, hai lớp Tư và hai lớp Năm) nhưng rất xinh và duyên dáng, mang dáng vẻ đài các, khiêm cung với tên gọi thật "oai" Nữ Tiểu Học Đoàn Thị Điểm. Các cô giáo đi dạy đều mặc

áo dài rất đẹp, tóc bối hoặc vấn cao, các cô giáo trẻ thì tóc uốn ngắn, điềm đạm, sang trọng, dáng dấp đài các điển hình của bậc nữ lưu nội thành. Đoàn Thị Điểm là tên của cô giáo Điểm, một nữ sĩ nổi tiếng thời Lê trung hưng. Bà Điểm còn có biệt danh là Hồng Hà nữ sĩ. Bà là một phụ nữ tài sắc vẹn toàn rất giỏi thơ văn, là tác giả của tác phẩm Truyền Kỳ Tân Phả được bà soạn thảo rất công phu; nội dung viết về người phụ nữ tài giỏi dành cho phụ nữ Việt Nam. Nữ sĩ Hồng Hà còn là dịch giả của tập thơ Chinh Phụ Ngâm của danh sĩ Đặng Trần Côn. Bà cũng là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên viết truyện ngắn và đặc biệt hơn nữa bà cũng là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên mở trường dạy học ở Chương Dương (phủ Thường Tín, Hà Tây). Ngoài sự mến mộ về tài văn thơ của bà Điểm, người đời còn gọi bà là cô Điểm để bày tỏ lòng biết ơn và trân trọng về người phụ nữ đầu tiên có công "khai sáng", mở mang kiến thức cho phụ nữ Việt Nam. Bà Đoàn Thị Điểm là hình mẫu của người người phụ nữ Việt Nam tài sắc, đức độ vẹn toàn xứng đáng được mọi người ngưỡng mộ, tôn vinh và trường xưa của tôi vinh hạnh được mang tên bà - Đoàn Thị Điểm. Trường tôi nằm trên con đường đẹp, nên thơ có cùng tên Đoàn Thị Điểm. Đây là con đường thơ mộng, quyến rũ, rất đẹp lúc sáng sớm mờ sương và khi về chiều lúc hoàng hôn đổ xuống của thành nội; được lưu dấu trong văn, thơ, nhạc, họa của các văn nghệ sĩ tài hoa trên đất Huế. Ngày xưa, hai bên lề đường Đoàn Thị Điểm là những hàng cây xanh tỏa bóng mát, bàng lá đỏ, mù u xanh, muối, phượng đỏ, nhãn cơm được trồng xen nhau che nắng , tạo gió cho bọn con nít chúng tôi trên đường đi học.Tôi mê những thảm cỏ xanh bên vệ đường lấp lánh nắng sáng, nắng chiều vẽ nên nét duyên riêng cho con đường. Trên con đường này, mỗi lần đi học về, mắt tôi hay nhìn đăm đăm xuống đất, có đôi lần chực té. Cô bé đang tìm lượm trái mù u khô, quả bàng chín vàng, trái nhãn cơm rụng ven đường. Ăn không được nhưng vẫn thích. Đầu hè, con bé đã cùng các bạn tranh nhau lượm hoa phượng, bóc lấy đài hoa, xe tròn lại, thổi phồng... đưa lên trán... đánh "bộp" và cùng nhau cười. Ôi, tuổi thơ của tôi là những nụ cười rất ngây thơ, đáng yêu. Cũng có lúc, chúng tôi ngắt từng nhị hoa phượng có cọng dài, cùng nhau chơi trò chơi "đá gà". Tuổi thơ với những trò chơi "tuổi dại" của chúng tôi là thế. Thỉnh thoảng từ nhà tôi, ở Kiệt 2 đường Âm Hồn (sau là Nguyễn Hiệu và nay là Lê Thánh Tôn), đi qua đường Tôn Nhơn ( bây giờ là Đinh Công Tráng) rồi quẹo sang đường Đinh Bộ Lĩnh (nay là Đinh Tiên Hoàng), gặp đường Đông Ba (Mai Thúc Loan ngày nay); đây là ngã tư Anh Danh, tôi rẽ trái, trên đoạn đường ngắn này có một ngôi nhà nhỏ xinh xinh... Tôi nhắc đến vì trong vườn của ngôi nhà này có một cây Hạnh Đào, cành trĩu quả xanh, đỏ. Tôi mê. Tôi mơ có được một trái Hạnh Đào và "thèm" mỗi khi đi ngang qua ngôi nhà. Không những tôi mà các bạn gái của tôi, trước khi đến trường, ngang qua ngôi nhà ấy đều mê mẫn, ngẫn ngơ nhìn. Ôi, ngôi nhà có cây Hạnh Đào (trái Hạnh Đào gần giống như trái Sơ ri của Việt Nam nhưng lớn hơn). Trẻ con ngày xưa không có nhiều loại trái cây để ăn, khi nào bệnh mới được mẹ cho múi cam, sang lắm mới có vài trái nho xanh, miếng lê... cho nên khi nhìn thấy trái Hạnh Đào "trêu" trên cây thì ... thèm lắm.Tuổi thơ của tôi, con đường Đoàn Thị Điểm là con đường đẹp nhất của thành nội. Tuy còn nhỏ, chỉ mới học lớp Nhất nhưng tôi vẫn cảm nhận được vẻ đẹp rất riêng của con đường. Con đường thơ, duyên dáng đã chuyên chở được tâm hồn và cảm xúc của tôi, một con bé tiểu học.

Đằm thắm. Bình yên. Cảm giác an bình, đáng yêu đó như vẫn còn đâu đây, vây bủa bước chân tôi. Đi tới. Đi lui. Đứng yên. Trầm ngâm. Nhớ và buồn. Mắt vẫn rưng rưng... Ngày ấy sân trường Đoàn Thị Điểm tuy nhỏ nhưng trong sân vẫn có hai, ba cây phượng xanh tươi, hai cây bàng ở phía trên và phía dưới của sân trường (trường chỉ có chiều ngang, không có chiều sâu). Đầu hè, phượng đỏ e ấp đơm hoa, yểu điệu dáng dấp thục nữ mơ theo cùng tiếng nhạc ve. Còn bọn con nít thì đưa mắt ngây thơ tìm ve. Sau lưng trường là Cơ Xưởng (xưởng làm đồ cơ khí). Thỉnh thoảng tiếng máy khoan, máy cắt làm cô giáo Như Lan của tôi cau mày (mặc dù các chú, các anh đã cố gắng thao tác thật nhẹ tay, tôi nghĩ thế). Tôi thích nhất cây nhãn lão ở cổng dưới của ngôi trường (cổng phụ dành cho học sinh ra vào, được thiết kế như một phần của cổng tam quan). Trong sân trường, con gái chúng tôi vẫn tranh nhau lượm trái bàng, trái nhãn, trái vải nằm gần cổng phụ... Giáo viên của trường Đoàn Thị Điểm đều là nữ, thế nhưng năm ấy, thật là lạ. Có một thầy giáo về dạy lớp Ba. Chúng tôi ngạc nhiên đưa mắt nhìn nhau. Thầy là cha của bạn Nguyễn Thị Tuyết Hoa, nhà thầy ở đường Mai Thúc Loan. Thì ra, năm ấy cô Ban dạy lớp Ba được cử làm Hiệu Trưởng, chưa có người thay thế nên thầy Nguyễn Văn Thọ, làm ở Ty Giáo Dục tạm thay vài tháng, trước khi cô Kim Cúc nhà ở Cầu Đất chuyển vể dạy lớp Ba. Cô Cúc là mẹ của chị Huê và bạn Hóa. Cô Cúc đẹp, hiền, có đôi mắt thật buồn. Tôi vẫn rất nhớ các cô giáo đã trực tiếp dạy tôi. Vào học lớp Năm A, tôi được học với cô Nguyễn Thị Vui, gương mặt cô đẹp, duyên dáng, đằm thắm, ăn nói nhỏ nhẹ. Luôn luôn trong tà áo dài trắng nhẹ nhàng, quí phái với chiếc khăn quàng nhung đen vào mùa lạnh. Lên lớp Tư A, tôi học với cô Tôn Nữ Lệ Thơ. Dáng cô linh hoạt, tầm thước, gương mặt rất tươi, đi dạy cô bối tóc như kiểu tóc truyền thống của phụ nữ Huế xưa. Cô tôi có hai con, chị Mỹ và anh Dũng. Ngày anh Dũng mất, cô tôi như người không hồn. Tôi thương cô vô cùng. Cô tôi có tâm hồn văn nghệ. Những bài hát, điệu múa của lớp tôi đều do cô tôi tập.

Hết năm lớp Tư, lên lớp Ba A, tôi học với cô Nguyễn Văn Ban (cô là mẹ của bạn Nguyễn Thị Diệu Hương, cùng lớp với tôi). Cô Ban nước da ngăm ngăm, thấp người, đằm thắm , ít nói, cô cũng bối tóc như cô Lệ Thơ. Lên lớp Nhì A, tôi học với chị tôi - cô Bùi Thị Kim Toàn. Cô có 6 người em, là con gái đầu lòng của ba mạ tôi.Tôi là út gái cho nên ở trường, cô Toàn vừa là cô giáo vừa là mẹ để chăm sóc , dạy dỗ tôi. Vào lớp, tôi gọi chị tôi bằng cô. Cô giáo chị của tôi hiền lành nhưng rất nghiêm. Tôi vẫn bị ít điểm, vẫn bị khẻ tay khi làm bài chưa tốt và nói chuyện trong giờ học. Cô giáo chị của tôi có nụ cười hiền và duyên. Đẹp nhất là đôi bàn chân của chị, nhỏ nhắn và gót chân rất hồng. Có lẽ vì thế mà cuộc đời của chị yên ả cho đến hôm nay (87 tuổi). Mạ tôi kể, ngày cô giáo chị của tôi học sư phạm ra trường còn rất trẻ, dạy ở trường Dạ Lê thượng. Trường nhà quê nên học trò lớn gần bằng cô giáo, thế là mạ xin bà nội tôi cho chị được uốn tóc thay vì để tóc dài, có kẹp bảng bằng bạc kẹp ngang lưng, mục đích để phân biệt cô giáo với học trò. Thế nhưng bà nội tôi không cho. "Con gái của nhà mình không được phi dê". Đó là lệnh. Mẹ tôi và cô giáo chị của tôi rất buồn. Hai năm sau, được chuyển vể dạy tại trường Đoàn Thị Điểm, chị tôi mới được bà nội duyệt cho uốn tóc khi có thêm tiếng nói của cha tôi. Cô Nguyễn Thị Như Lan là cô giáo dạy tôi lớp nhất A. Cô Lan nghiêm lắm. Chúng tôi rất sợ cô. Mắt cô to, tròn. Tóc cô uốn ngắn. Cô thường kiểm tra bài học sinh bằng cách gọi lên bảng nên bạn nào cũng sợ cô, mà cô lại kiểm tra bài thường xuyên. Có lẽ vì là lớp cuối cấp nên cô phải chăm lo cho học sinh kỹ hơn, chuẩn bị cho kỳ thi conscour vào Đệ Thất trường Nữ Trung Học Đồng Khánh. Nghe nói, cô Nguyễn Thị Như Lan sống ở Sài Gòn. Tôi mong có được một lần gặp cô. Ngoài những cô giáo trực tiếp dạy tôi, trường Nữ Tiểu Học Đoàn Thị Điểm còn có các cô mà tôi được biết như cô Trần Trữ, cô Đốc Nguyễn Văn Bân ( chồng là Đốc học), cô Nguyễn Văn Hai (chồng là Thanh Tra Trung Học). Tôi nhớ cô Nguyễn Văn Phú nền nã, quí phái , gương mặt đượm nét buồn, tóc cô bối lọn, thả dài qua vai. Nghe nói, sau này cô cũng là Hiệu Trưởng của trường Đoàn Thị Điểm. Cô Đoàn Văn Nê (chồng là giáo sư Pháp Văn), cô là mẹ của bạn Đoàn Thị Như Quê, cô Nê nghiêm, có nhiều áo dài màu sắc đẹp, gương mặt cô trang điểm như búp bê. Cô Nguyễn Thị Mộng, tóc uốn chấm vai, người nhỏ nhắn, linh hoạt; cô hay tập văn nghệ cho lớp Nhì B, là em gái của thầy Nguyễn Văn Soạn, thầy dạy chị gái tôi ở trường Sư Phạm. Thầy Soạn là một thầy giáo giỏi, mẫn cán, đạo đức. Danh tiếng của thầy vẫn được truyền tụng cho đến nay. Xe đạp là phương tiện mà thầy ưng ý nhất. Gặp thầy vẫn luôn luôn là xe đạp và chiếc mũ "phớt" màu lam trên đầu. Cô Tôn Nữ Tùng, cô giáo hoa khôi cùa trường Đoàn Thị Điểm, mắt nâu, to, tròn , tóc cô uốn ngắn, đẹp và rất duyên. Cô Nguyễn Thị Xuyên, ốm, cô rất nghiêm khắc với học sinh, nhà cô ở đường Nguyễn Thành (nay là Xuân 68), sau này có chồng , cô ở đường Đinh Công Tráng. Cô Công Tôn Nữ Anh Đào cũng là một cô giáo đẹp của trường Đoàn Thị Điểm, cô có nét đẹp thùy mị, người nhỏ nhắn, mắt nâu đen, miệng nhỏ, xinh và rất duyên, tóc cô uốn ngắn, có đôi lúc nhìn cô như diễn viên hồng kông. Cô giáo của trường Nữ Tiểu Học Đoàn Thị Điểm còn nhiều nữa, thời trước khi tôi vào học và sau khi tôi rời trường như cô Ưng Thuyên, cô Hàm, cô Hồ Thị Huệ... nghe nói cô Huệ có làm thơ với bút danh Thanh Tương và có ra tập thơ Bến Thương và một CD nhạc lưu dấu cho con cháu. Khách quan, theo như lời nhận xét của nhiều người lớn tuổi hơn tôi và cả nhỏ tuổi thua tôi ở Huế thì, các cô giáo trường Nữ Tiểu Học Đoàn Thị Điểm là những cô giáo tài năng, đa số đẹp, đằm thắm, duyên dáng , đài các, quí phái và nhất là đạo đức rất tốt, là mẫu cô giáo truyền thống của Huế. Sau này, khi tôi vào học trường Nữ Trung Học Đồng Khánh, tôi được gặp lại các cô Vui, cô Trữ, cô Thuyên (tôi được học Pháp Văn với cô Vui và cô Trữ).

Có một điều rất thú vị, trường tôi là trường con gái nhưng lại có một bạn trai vào học - duy nhất toàn trường chỉ có bạn ấy. Bạn là Hoàng Trọng Thúy, học cùng lớp Tư A với tôi và bạn Nguyễn Khoa Diệu Ánh do cô Tôn Nữ Lệ Thơ dạy. Thỉnh thoảng tôi có gặp lại bạn Diệu Ánh, hai đứa tôi vẫn nhắc lại chuyện cũ. Bạn Thúy chỉ học một năm là chuyển trường, không học trường con gái nữa có lẽ vì "dị". Bạn Thúy hiền, học giỏi nên cô Lệ Thơ rất thương. Bạn là em trai của cô Hoàng Thị Doãn, cô giáo của tôi ở Đồng Khánh. Sau này, lớn lên tôi có gặp bạn Thúy, là một bác sĩ ở Sài Gòn. Qua một người quen, tôi được biết Thúy là một bác sĩ có tâm, có đức - Bác sĩ của bệnh nhân nghèo. Gặp bạn ấy tôi quên hỏi lý do nào bạn lại học trường con gái trong khi đó ở Thành nội vẫn có trường Tiểu Học Trần Quốc Toản, trường Trần Cao Vân dành cho cả con trai lẫn con gái. Một hình ảnh dễ thương đã thu hút tôi thuở con nít mà đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ và vui trong lòng. Năm tôi học lớp Nhì A, ở lớp Nhì B do cô Mộng đảm trách, có bạn Hồ Thị Ngọc Trang, người nhỏ nhắn, xinh xinh, hát hay và "rất điệu". Thi thoảng đi học, bạn được mẹ cho mặc áo dài màu màu đen, quần trắng, mang guốc, đạp xe đạp đi học (xe dành cho con nít) như người lớn. Đến trường, bạn xuống xe, dắt xe đến dựng dọc theo bờ tường đối diện lớp học rồi thong thả vào lớp trước sự thích thú và ngưỡng mộ của bạn bè, trong đó có tôi - một con bé cũng rất thích làm người lớn mặc áo dài đi học, còn đi xe đạp thì chưa dám nghĩ đến. Chúng tôi thường theo bạn Trang mượn xe để được đạp một vòng quanh sân. Rứa mà bạn ấy cho. Ngọc Trang làm Tập Làm Văn rất hay. Tôi nhớ hồi đó, Trang học lớp Ba B, được cô Phú cho đọc bài văn của bạn trước lớp. Bài văn đạt điểm cao nhất lớp, được cô khen. Tin đó, truyền sang lớp tôi- Ba A; đó là bài Tập Làm Văn tả cảnh nhà cháy. Lên Đệ Thất Đồng Khánh, nhà của Trang lại ở cùng Kiệt 2 Âm Hồn với tôi thế là hai đứa chơi thân nhau. Chiều về, thành nội âm u, hoàng hôn đổ xuống, hai đứa song đôi đi loanh quanh, từ Kiệt 2, xuống Ngô Đức Kế, qua Đinh Công Tráng... vừa đi vừa tâm sự nhiều chuyện. Có lúc Trang lại hát cho tôi nghe. Bài ruột - Lối về xóm nhỏ... Sau này lớn lên, thỉnh thoảng, chúng tôi có gặp nhau. Bạn vẫn giữ được nét xinh xắn, đằm thắm, duyên dáng của một cô giáo dạy Việt Văn trường Marie Curie và là vợ của nhà văn nổi tiếng Dương Nghiễm Mậu. Một bạn gái nữa đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm là bạn Tôn Nữ Ngọc Diệp, bạn cùng lớp và ngồi cạnh tôi. Nhà bạn ở đường Ngô Sĩ Liên. Nhà Diệp có nhiều cây Khế ngọt. Dỉ nhiên là tôi được ưu tiên ăn Khế. Diệp và tôi thân, thương nhau nhưng cũng hay giận nhau - con nít mà. Mỗi lần hai đứa giận nhau, Diệp hay liếc mắt nhìn tôi dò xét. Còn tôi, có một lần bắt gặp Diệp liếc mắt: "Ấy nhìn mình. Mình múc mắt ấy". Ui cha, dễ sợ quá. Sau này, cứ mỗi lần nhớ đến Diệp tôi đều thương, cười thầm và tự hỏi. Răng hồi nớ mình dám dọa bạn mình như rứa hè . Lớn lên Diệp cũng là một cô giáo dạy ở Đà Lạt. Nhớ lại chuyện xưa - hai đứa cười. Tôi nhớ chị Liên, Nguyễn Thị Kim Liên ( học trò cưng của chị tôi). Tôi thương và thần tượng chị. Chị Liên học lớp Nhất, tôi lớp Ba. Chị ở gần nhà tôi nên hai chị em thường đi học cùng nhau. Chị Liên xinh xắn, hiền lành, miệng cười rất duyên. Trên đường đi học, chị em tôi hay lượm những miếng gạch nhỏ bị vỡ, mài thật mỏng làm mạng , dành để chơi lò cò. Lượm được mảnh nào vừa ý, về nhà chị mài mỏng, hôm sau chị chia cho tôi. Chị Liên là người chị đáng yêu , hay nhường nhịn tôi, cho tôi ăn quà trên đường đi học. Tôi thương và quí chị nên thường hay xuống nhà chị để chơi "Ô Làng", chơi "Lò Cò". Một mảng thời thơ ấu của tôi với chị Liên. Chị Liên cũng là một cô giáo Trung học, chồng của chị làm nghề Y, một bác sĩ rất "nghệ sĩ" của Đà Lạt. Cô Bùi Thị Kim Toàn thương yêu chị Kim Liên vì chị Liên rất ngoan. Chị gái tôi là cô giáo của nhiều thế hệ học trò Đoàn Thị Điểm, nhiều học trò thương quí chị bởi tính tình hiền lành, điềm đạm và nhân hậu. Cô giáo chị của tôi may vá, thêu thùa rất đẹp. Tôi nhớ mỗi lần dẫn học sinh đi dã ngoại ở hồ Tịnh Tâm hay Đại Nội, chị đều dẫn theo tôi và em trai của tôi. Hai đứa tôi được các chị học trò thương và cưng chìu. Tôi vẫn nhớ hình ảnh của các chị (lúc này, tôi học lớp năm), đi dã ngoại nhưng các chị vẫn mặc áo dài, đa số là áo dài trắng, vạt áo ngắn, hẹp, gọn gàng rất dễ thương như các chị Nguyễn Thị Thảo, chị Hoa, chị Từ là ba chị em gái đều là học trò của chị tôi. Lớp chị tôi dạy còn có chị Tôn Nữ Liên Hoa, nhà ở đường Mã Khái, hiền lành, xinh xắn, chị tôi thương và sau này hay nhắc đến. Chị Liên Hoa là chị gái của bạnTôn Nữ Phương Hoa cùng lớp và ngồi cạnh tôi năm tôi học lớp Nhì, Năm ấy bạn mất vì bệnh. Tôi thương bạn lắm, cô bạn thời thơ ấu, học giỏi, ngoan, hiền. Đi học mặc áo đầm rất xinh .Chị Trương Thị Hạnh Đào, duyên dáng, xinh xắn, tóc dài ngang lưng. Học trò của chị tôi nhiều lắm. Các chị thường hay đến nhà cô giáo để chơi, đôi lúc ôm tập vở về nhà giúp cô vì thế mà tôi biết được nhiều chị, như chị Hồng Thị Diệu Liên, Hồng Thị Ngọc Hải, Hồng Thị Túy Như là 3 chị em ruột. Chị Diệu Liên và Túy Như hát rất hay, nay đã U80 nhưng tiếng hát của chị Túy Như vẫn trẻ trung, cuốn hút hồn người; chị Huỳnh Thị Nhơn, chị Trương Thị Hồng Lựu, Nguyễn Thị Giới, Nguyễn Thị Diệu Châu (con bác hiệu ảnh Lê Viêm). Tôi vẫn còn nhớ những gương mặt xinh xắn, dễ thương của bạn Tôn Nữ Quyến, Nguyễn Thị Tú Vinh, chị Trần Thị Đỗ Quyên, chị Võ Thị Xuân (chị gái của Hạ), chị Xuân Phương, chị Hoàng Thị Hòa Nữ cùng lớp với chị Túy Như...

Một đàn chim non tung cánh rồi ghé lại đậu trên nóc một ngôi nhà đối diện với trường xưa. Tôi ngơ ngác nhìn. Đàn chim lao xao, chào nhau, tiếng trong veo. Cảnh trường xưa quay trở lại với những với âm thanh rộn rã của sân trường trong dịp Trung Thu và liên hoan cuối năm đón mừng năm mới. Văn nghệ vào chiều 14 đón trăng thu là vui nhất. Các lớp có tiết mục hát, múa được nhà trường chọn, sửa soạn đến trường thật sớm, hồi hộp, xôn xao. Năm tôi học lớp Nhất, cô Lệ Thơ là cô giáo phụ trách văn nghệ của trường. Tôi được cô Lệ Thơ và anh Truyền (dạy múa), nhà anh ở ngã tư Anh Danh tập cho bài "Dựng một mùa hoa" để di diễn ở hội Quảng Tri nằm trên đường Hàng Bè (nay là Huỳnh Thúc Kháng) .Tôi và bạn Trần Thị Mỹ Đức một cặp và trong bài Thiên Thai, tôi cùng cặp với bạn Nguyễn Thị Bích Nga. Mỹ Đức, Bích Nga hiện ở Mỹ. Bạn Mỹ Đức ngồi bàn đầu với tôi cùng với bạn Trần Thị Hồng là chị em họ của Mỹ Đức. Mỹ Đức học giỏi, có đôi mắt biết nói rất đẹp và duyên, thường đứng nhì lớp, cùng với chị Ngô Kim Hoa, Lê Thị Mỹ Diệm sau Nguyễn Thị Xinh Xinh, là người liên tục đứng đầu lớp. Bạn Bích Nga cao, đẹp, đi học thường xuyên mặc áo đầm, là chị gái của Kiều Nga. Đã mấy chục năm qua, tôi chưa một lần gặp lại hai "bạn múa" Mỹ Đức và Bích Nga. Năm tôi học lớp Nhất A, chị Ngô Kim Hoa (tôi và các bạn gọi bằng chị vì chị Hoa cao nhất lớp và là lớp trưởng). Nhà chị Hoa ở tiệm Mè Xững Hồng Thuận nổi tiếng của Huế. Chị Hoa đẹp, hiền, ngoan; nói chung là đẹp người, đẹp nết lại học giỏi nên cô giáo rất thương; một trong những học trò cưng của chị tôi. Tôi vẫn còn nhớ tiếng nói của chị Hoa, nhỏ nhẹ, dễ thương nhưng khi hô khẩu hiệu thì hùng hồn lắm. Vào lớp chị hô to: "Quang Trung". Chúng tôi đồng Thanh: "Dũng". Buổi học bắt đầu. Ngày ấy, lớp Nhì chúng tôi được học sinh ngữ Pháp Văn (không có Anh Văn). Vào lớp, chúng tôi hay ghẹo nhau: Bông rua... mì xừ. Thế là những nụ cười hồn nhiên của đám con nít trỗi lên...

Tết đến, khoảng 25 tháng chạp, chúng tôi được nhà trường tổ chức vui chơi văn nghệ, cắm trại tại sân trường và cho các lớp ăn tất niên. Nhà trường cho mỗi lớp một ít bánh mứt còn các lớp tự lo. Mỗi bạn mang theo một món hoặc bánh, kẹo, mứt, hột dưa... đến lớp bỏ ra cùng ăn chung. Các bạn hát hay được cô giáo cho lên bục giảng hát cho cả lớp cùng nghe. Có đôi lần cô giáo cũng hát cho học trò nghe. Đầm ấm, dễ thương. Tôi bỗng nhớ đến các trò chơi tuổi thơ của tôi ở trường tiểu học. Những trò chơi dân dã thật vui đã theo tôi cho đến tận bây giờ. Lò Cò, Ô Làng, Đánh Thẻ, Nhảy dây, Ù Mọi, Trốn Tìm, Kéo Dây... Trong bọc áo của bọn con gái chúng tôi cũng như trong cặp bao giờ cũng có gói hột me, mấy viên mạng được mài mỏng, banh và thẻ, sợi dây dừa phục vụ cho trò chơi Nhảy Dây, Ô Làng, Lò Cò, Đánh Thẻ. Đi học, thỉnh thoảng tôi được mạ tôi cho tiền để "ăn hàng" (ăn quà vặt). Hàng quà ở trường có bánh Quế, bánh Ram nhân đậu xanh, kẹo Nuga, hột Mít nấu, hột Phượng khô nấu chín, đậu Phụng rang, trái Trứng Gà (Lékima), trái Hồng Quân, trái Hạnh Đào, Khế ngọt...Mùa nào thức đó. Rứa mà ngon. Hàng ăn do hai vợ chồng bác cai trường đứng bán. Hai bác hiền lành. Tôi biết tên nhưng không nhớ... Có một chi tiết tôi còn nhớ mà ngày ấy các bạn tôi, ngay cả tôi cũng rất vui, rất thích. Đó là năm tôi học lớp Ba, lớp tôi được đón các anh chị sinh viên sư phạm vào thực tập. Sau một tuần giảng dạy, khi chia tay, các anh chị ấy đều cho chúng tôi ăn bánh kẹo. Thích lắm. Nhưng nhìn qua nhìn lại, đứa nào mắt cũng đỏ hoe. Có đứa nức nở. Tôi nhớ các chị Nguyễn Thị Mỹ Châu (sau này tôi lớn lên chị Mỹ Châu là đồng nghiệp của tôi), chị Nguyễn thị Hường và anh Nguyễn Văn Diệu. Ở trường Đoàn Thị Điểm tôi có nhiều bạn. Nhớ lại, tất cả các bạn của tôi đều ngoan và dễ thương... Đây là Phan Thị Thu Sương, nhà ở đường Ngã Giữa (Phan Bội Châu), nhà bạn Sương là tiệm bán xe đạp lớn nhất của phố Phan Bôi Châu. Thu Sương cao hơn tôi, xinh, tóc uốn ngang vai, hiền lành , hay cười.Tôi hay ra nhà bạn ấy chơi. Tôi cũng còn nhớ bác trai, ba của bạn Sương, tóc cắt ngắn, người cao. Bác có nụ cười hiền và rất tươi. Còn đây là hai chị em Nguyễn Thị Hà và Nguyễn Thị Hải ở nhà sách Nguyễn Đức Du hiền lành, cả hai chị em đều có gương mặt hiền, tính tình rất dễ thương. Tôi nhớ bạn Sơ Huyền, cô bạn rất chi là điệu của tôi. Bạn Lê Thị Thanh Yên trắng trẻo, ngoan hiền. Bạn Lê Thị Tương Ngẫu, trên môi luôn nở nụ cười, thương và hay giúp đở bạn bè. Bạn Nguyễn Thị Tam Hỷ, tôi thương vì ngày ấy hay chìu và nhường nhịn tôi. Bạn Nguyễn Thị Minh ở đường Mã Khái, bạn Lê Thị Trà (em gái chị Lê Thị Mừng), tôi cũng có đến nhà chơi. Và đây, bạn Võ Thị Hạ xinh xắn, da trắng, môi hồng, miệng cười rất duyên, lớn lên là phu nhân của Luật Sư Lê Đình Cai. Bạn có cô con gái đầu lòng tên là Hột Gà duyên dáng. Có lẽ nay cháu đã lớn lắm rồi. Tôi thương hai cô bạn của tôi là Nguyễn Thị Hoàng và Nguyễn Thị Phượng là hai chị em học cùng lớp với tôi (con gái của bác Tham Đê, bạn của ba mạ tôi), tôi thường xuyên lên nhà chơi và có nhiều kỷ niệm với hai bạn ấy, nhà ở Ty Điền Địa). Hoàng ở nhà tên Rem còn Phượng tên Chanh. Rồi các bạn Đặng Thị Ngọc Hạnh, Nguyễn Thị Ngọc Hương, hai bạn này ngồi gần cuối lớp và chơi thân với nhau . Ngọc Hạnh da ngăm ngăm, miệng hay cười. Bạn Lê Thị Ngọc Khánh, Nguyễn Thị Diệu nhà ở đường Nguyễn Thành tôi cũng rất thương vì hai bạn ấy hiền lành. Hai bạn hiện đang ở Mỹ. Ngọc Khánh có nước da trắng hồng, xinh gái. Tôi cũng còn hai cô bạn chơi thân với tôi là bạn Nguyễn Thị Đức Tín và Nguyễn Thị Thanh Nhã, bạn Nhã đã mất hồi nhỏ, bạn Túy Lan người nhỏ nhắn , nhà cũng ở đường Âm Hồn. Hình ảnh ốm, cao của bạn Trần Thị Thanh Tâm luôn trở lại trong ký ức tôi, Tâm là con bác Trần Thanh Lộc (bạn của ba tôi). Đến nhà Tâm chơi, tôi hay được bác gái cho ăn trái Đào. Nhà Tâm trồng nhiều cây Đào. Tâm rất hiền, mến tôi nên hay rủ tôi về nhà chơi ... Nói chung , các bạn thời thơ ấu của tôi ở trường Nữ Đoàn Thị Điểm nhiều lắm, rất hiền dễ thương. Sau này chúng tôi lớn lên, có lẽ do thường xuyên gần gủi với những hình ảnh đẹp, cao quí, đoan trang, thùy mị và giỏi giang của các cô giáo thuở đầu đời hay sao mà đa số các chị và các bạn của tôi đều trở thành cô giáo. Những cô giáo đẹp, giỏi và có tiếng... "Quang Trung!" - "Dũng". Giật mình.Tiếng hô dõng dạc của chị Ngô Kim Hoa như vang lên đâu đây đã đưa hồn tôi trở lại con đường Đoàn Thị Điểm, nơi lưu vết mái trường xưa của tôi - Nữ Tiểu Học Đoàn Thị Điểm. Bùi ngùi. Xúc cảm.

Sợi nắng cuối mùa hong tóc sương cuộn vào không gian, một nhan sắc muôn đời của mùa thu Huế giăng mắc khắp nơi... Thành nội rêu phong in dấu ngày tôi trở lại. Ký ức xanh vẫn còn gợi nhớ trong tôi những kỷ niệm yêu thương của thời thơ ấu trong ngôi trường Nữ Tiểu Học duyên dáng và trang đài.Thành Nội ơi, thương lắm! Trường xưa đâu mất rồi.

BÙI KIM CHI