Chim Việt Cành Nam
Trở về
Trang chủ
Tác giả
Sương phụ

Bùi Kim Chi

Hai người đàn ông cùng bước chân vào một phòng triển lãm tranh ở cuối phố . Đây là phòng tranh của họa sĩ H.H.T, một nữ họa sĩ có tiếng về tranh thiếu nữ . Họ dừng chân . Một trong hai người mắt dán chặt vào bức tranh "Sương Phụ" rồi sững sờ thốt lên : "Ôi , bức tranh đẹp quá! Rất có hồn" . Người kia giọng trầm tỉnh hơn . Ừ, đó là sương phụ Hoàng Vân Linh. Anh biết cô ta?. Ừ, một người đẹp của Huế được nhiều người ái mộ. Đẹp nên khổ. Anh xa Huế đã lâu nên không biết đó thôi. Sương phụ trong tranh đã đã hớp hồn người đàn ông xa Huế nay có dịp trở về. Bức tranh vẽ một thiếu nữ mặc áo dài đen, đầu vấn khăn trắng, mắt đen, sâu gợn nỗi buồn xa vắng. Trên gương mặt nàng mắt mũi miệng đều đẹp, hài hòa và gợi cảm. Rồi ông ấy tiếp. Mười bảy tuổi nàng lấy chồng và trở thành sương phụ ở tuổi mười tám. Từ đó đến nay nàng ở vậy thờ chồng. Không con. Nàng buồn. Nỗi buồn vô tận ẩn trong đôi mắt đen sâu thăm thẳm. Mắt nàng càng sâu càng có hồn và rất đẹp, vẻ đẹp tự nhiên , không son phấn nên quyến rũ. Vân Linh là em ruột của Phương Linh ngày xưa học cùng lớp với ông đó còn nhớ không. Ông ấy nói một hơi rồi thôi, mắt đăm đăm nhìn đôi mắt buồn u uẩn của thiếu phụ trong tranh. Khánh, tên người đàn ông xa Huế trầm ngâm một lúc rồi hỏi bạn. Có phải Phương mắt nâu nhà ở Bến Ngự?. Ừ , đúng rồi. Khánh đứng ngây người, gương mặt buồn tênh. Hình như có tâm sự. Ông nhìn thật sâu vào bức tranh rồi đảo mắt quanh phòng. Nhìn dáng vẻ là lạ của ông khách, cô gái tiếp tân phòng tranh tò mò:

-Xin lỗi, ông quen người trong tranh?

-Vâng. Sao không thấy ghi giá bán.

-Dạ. Em cũng không rõ. Nhưng nếu ông muốn mua em sẽ hỏi lại họa sĩ.

Khánh lại tiếp tục nhìn bức tranh, mắt hơi đăm chiêu rồi nói, giọng buồn buồn, từ tốn. Thế bao giờ cô có thể trả lời giúp tôi. Dạ thưa, chiều mai ông ghé lại. Cám ơn cô.

Rời phòng tranh của họa sĩ H.H.T hai người đàn ông băng qua đường rồi vào một quán cà phê ở công viên Thương Bạc ven bờ sông Hương. Gió chiều man mác, bàng bạc khắp nơi. Tiếng xình xịch đều đều, nhè nhẹ của những chiếc đò dọc rẽ sóng lướt trên sông tạo cho Khánh cảm giác dễ chịu. Bức tranh " Sương Phụ" đưa hai người đàn ông trở về những tháng ngày buồn ghi dấu cuộc đời của sương phụ Hoàng Vân Linh... Thời thiếu nữ Vân Linh là một hoa khôi của Huế. Linh yêu Bảo, một anh chàng Pilot đẹp trai, hào hoa phong nhã. Thuở ấy phi công có giá. Linh đẹp mà Bảo cũng đẹp thế là họ để ý nhau và rồi yêu nhau. Lấy nhau được một năm thì Bảo chết vì bệnh. Áo dài lụa đen khoác lên người nàng từ đó. Dễ chừng bây giờ nàng đã vào tuổi năm mươi. Ba năm đầu khi còn tang chồng trên đầu nàng luôn có vành khăn trắng. Nàng thường đứng dưới cụm cây xanh có hai hàng lá nhỏ giao nhau tình tứ trong vườn nhà thẩn thờ nhìn trời với dáng hạc thanh thoát, nhẹ nhàng, mềm mại lãng đãng trong trời chiều ngả màu tím nhạt. Một nhà thơ ở Sài Gòn có dịp đến Huế, một lần bên bến đò Thừa Phủ trong chiều hoàng hôn, dưới những tán cây trải dài cạnh sông Hương; gặp nàng ông đã ngỡ ngàng thốt lên : " ...Nàng đẹp quá, mình gầy, dáng hạc, một nàng thơ yểu điệu mơ mơ, màng màng trong mây" .

Mãn tang chồng, nàng vẫn trong tà áo lụa đen nhưng thay vào giải khăn trắng trên đầu là một hoa lan trắng cài trên tóc. Trông nàng khiêm trang, huyền hoặc kỳ lạ. Vân Linh đã sống những chuỗi ngày dài trong khổ đau và cô đơn. Nàng không thể nào quên được Bảo. Với Linh, Bảo là người bạn, người anh, người tình, người chồng lý tưởng đã dệt cho riêng nàng một cung đàn yêu thương tuyệt diệu. Nàng nhớ thương chồng không nguôi và cảm thấy thật tuyệt vọng khi nghĩ về quãng đời trước mắt của nàng. Có những buổi sáng mờ sương, nàng một mình phất phới trong tà áo đen, đạp xe lên núi Ngự Bình. Bơ vơ ngồi bên mộ chồng, hồn ngẩn ngơ, nàng thầm thì gì đó mà có lẽ chỉ có gió núi với mây ngàn mới hiểu được nỗi lòng của người sương phụ. Lại có những buổi chiều tím, nàng tha thẩn đếm bước trên đường hồn mơ về một cõi thiêng mà nơi đó, nàng nghĩ là Bảo đang chờ nàng. Những đêm trăng bên thềm nhà dưới giàn hoa Nguyệt Quế nàng ngây ngất gọi thầm tên Bảo để mời anh cùng thưởng nguyệt. Đó là những đêm trăng mười sáu. Trăng nhìn nàng thương cảm. Trăng khóc. Trăng cười. Trăng vờn trong mây rồi lặng lẽ ghé xuống bên nàng. Trăng tỏa sáng trên gương mặt nàng lấp lánh hai dòng nước mắt lăn dài trên má. Rồi nàng cũng khóc, cũng cười như trăng nhưng cay đắng cõi lòng. Ôi, thương quá nàng sương phụ áo đen. .

Một ngày chớm đông, mùa thu Huế đã ra đi ôm hoa vàng cài vào quá khứ. Gió trở lạnh. Bên cửa sổ, Vân Linh say sưa ngồi nhìn và đếm những chiếc lá lìa cành. Gió vội vàng tiễn chân lá thế là Vân Linh bật khóc. Nàng khóc ấm ức thương cho cành cây buồn ủ rủ trơ trụi lá như hôm nàng đau đớn tiễn người ra đi. Nàng lấy đàn ngồi bên cửa sổ, vừa đàn vừa hát tiễn chiếc lá cuối cùng lìa cành. Suốt cả mùa đông trời Huế nhỏ lệ, trong ngôi biệt thự nhỏ, khá xinh trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm người ta thấy sương phụ áo đen ngồi ôm đàn, dáng thật đẹp với suối tóc đen huyền. Nàng cất tiếng hát bay bổng, vút cao rồi hạ thấp xuống làm quặn thắt lòng người. Nàng hát cho nàng nghe, cho Bảo nghe và cho cả những ai đó đi trên đường thích nghe. Nàng hát say sưa, giọng buồn não nuột với Nửa hồn thương đau, Một kiếp phù du, Về nơi cuối trời ... và chấm dứt lời ca tiếng đàn bao giờ kết thúc cũng là bài La nuit mà nội dung là lời tỏ tình dễ thương nhẹ nhàng mà ngày Bảo còn sống sau những chuyến bay đêm trở về nàng đã đàn và hát cho Bảo nghe. Những lúc như thế lòng nàng ngập tràn hạnh phúc. Tiếng hát của Vân Linh vượt thời gian, vượt không gian loanh quanh dẫn hồn Bảo về cùng nàng. Vân Linh nghĩ thế và ... nức nở khóc .

Khánh một mình trở lại phòng tranh. Người tiếp ông là họa sĩ H.H.T. Sau một khoảng thời gian ngắn đủ để cho hai người tự giới thiệu về nhau thì Khánh chủ động . Thưa chị, bức tranh "Sương Phụ" có hồn và đẹp quá . Tranh không bán thưa chị? . Nói thật với anh, đó là chân dung cô em họ của tôi, Hoàng Vân Linh. Chồng mất. Em ấy ở vậy thờ chồng . Vân Linh rất đẹp. Tính nết đoan trang. Tội nghiệp mất chồng khi tuổi mới mười tám. Tôi cảm phục tấm lòng trung trinh và rung động trước sắc đẹp cùng nỗi buồn u uẩn trên đôi mắt biết nói của cô ấy nên đã năn nỉ Vân Linh ngồi làm mẫu cho tôi vẽ. Vân Linh chấp thuận nhưng với điều kiện, chỉ được bán khi có sự đồng ý của cô ấy .

Mừng rỡ mắt Khánh sáng lên. Dạ thưa chị, tôi có thể gặp cô ấy được không. Cũng có thể. Rất nhiệt tình, bà H.H.T với tay lên bàn lấy điện thoại .

-Alo...Alo... Vân Linh phải không em?. H.H.T đây. Có một người tha thiết muốn gặp em để hỏi về bức tranh Sương phụ, em tiếp được không ? .

Ông Khánh ngồi lắng tai nghe lòng bồi hồi, xúc động ... chờ đợi cuộc trao đổi của hai người đàn bà .

-Vậy tối nay em nghe. 8 giờ tại phòng triển lãm của chị. Cám ơn em .

Quay sang Khánh, họa sĩ H.H.T nói, cô ấy đồng ý. Vậy tối nay anh có mặt ở đây lúc 8 giờ .

Khánh rối rít cám ơn bà H.H.T. Vậy là ông có thể có hy vọng mua được bức tranh.

... Đứng trước mặt Khánh là một người đàn bà rất đẹp. Đẹp hơn cả trong tranh, khoảng trên năm mươi tuổi. Tóc vén cao để lộ tầng cổ trắng nõn, đầy đặn, không nếp nhăn. Vẫn chiếc áo dài lụa đen, tóc cài hoa trắng như lời của bạn ông nói. Trông bà đẹp, nét đẹp quyến rũ, cao sang nhưng lạnh lùng. Giật mình, ông nhìn chăm chăm vào đôi mắt buồn và biết nói của bà . Đôi mắt rất giống mắt của con gái ông – rất đẹp nhưng buồn. Ông cảm thấy đau nhói ở ngực.

-Chào ông. Ông muốn gặp tôi, thưa ông ?

Lấy lại bình tĩnh Khánh đáp:

-Vâng, tôi xin phép được gặp bà .

Rồi như quá xúc động giọng ông chùng xuống không được tự nhiên cho lắm:

-Tôi người Huế, ở xa về, đến đây xem tranh, bất ngờ xem được bức chân dung của bà đẹp quá. Xin lỗi bà, được biết hoàn cảnh và cuộc đời của bà giống như cuộc đời và hoàn cảnh hiện tại của con gái tôi nên khi nhìn bức tranh Sương phụ tôi đau lòng và thương con quá nên có ý định muốn mua bức tranh mang về tặng con gái. Mong bà thông cảm.

- Thưa, cháu năm nay bao nhiêu tuổi ?

- Cám ơn bà, năm nay cháu tròn ba mươi. Chồng chết đã hơn mười năm .

... Ngồi nghe ông Khánh kể lại một phần đời của con gái ông, bà Vân Linh rất xúc động, mắt rưng rưng bà đưa tay chùi nhẹ khóe mắt rồi nói:

- Cuộc đời buồn quá thưa ông. Cũng như tôi, tôi không thể nào ngờ được nhà tôi và tôi xa nhau quá sớm. Nhưng rồi ai cũng thương, cũng hiểu và cảm thông cho tôi khi nhìn tôi sống khép kín, hơi lập dị và ở vậy thờ chồng khi tuổi đời còn quá trẻ chỉ mới mười tám. Người Huế mình, có lẽ phụ nữ Huế ai cũng thế. Rồi bà chớp mắt, đôi mắt buồn man mác. Bà bùi ngùi đưa tay đặt lên ngực dằn bớt cảm xúc rồi chậm rãi nói:

- Ông nên an ủi cháu, giúp cháu sống và làm theo những gì mà cháu thích. Ví dụ như vừa rồi ông có nói, cháu thích đi lang thang dưới những con đường có lá me bay, mơ một màn mưa tím đổ xuống mặt đường khi gió trở mình, thích nhìn trời tím và khóc khi hoàng hôn phủ kín bầu trời. Có lẽ đó là kỷ niệm của hai người. Ông nên giúp cho cháu được sống thật với lòng mình vì theo tôi đó chính là hạnh phúc. Hạnh phúc trong nỗi nhớ, hạnh phúc trong nỗi buồn, trong nỗi đau và nỗi cô đơn khắc khoải không bao giờ nguôi dành cho một người của riêng mình. Con tim có những lý lẽ riêng của nó mà tôi biết chắc là không ai có thể hiểu được .

Nói xong bà Vân Linh đứng dậy đi vào phòng trong nói gì đó với bà H.H.T. Trở ra, bà đi thẳng đến giá vẽ lấy bức tranh Sương phụ trao cho Khánh .

-Tôi tặng cháu bức tranh .

Ông Khánh mở tròn mắt ngạc nhiên , vô cùng cảm động :

-Sao lại thế thưa bà?

Bà Vân Linh mỉm cười. Nụ cười hiền hậu và chưa một lần xuất hiện trên gương mặt khả ái của bà kể từ ngày chồng ra đi không bao giờ trở về. Bà nói tiếp:

-Đây là bức tranh đặc biệt chỉ để dành tặng cho một ai đó có tâm hồn và có tấm lòng thủy chung. Nếu có dịp về Huế, mời cháu ghé thăm tôi .

... Một khoảng tĩnh lặng .

Người đàn ông xa Huế có tâm sự buồn tay cầm bức tranh lặng lẽ rời phòng triễn lãm và từ giã Huế - nơi đã ghi dấu một kỷ niệm đẹp trong lòng ông .

Tiễn chân người đàn ông ra về bà Vân Linh ngồi thẩn thờ. Bà chưa có diễm phúc làm mẹ nên cũng chưa hiểu được tiếng lòng của người mẹ dành cho con huống chi đây là tình cảm của một người cha dành cho con gái có tâm sự buồn . Qua câu chuyện bà cũng nhận biết được rằng, người đàn ông đang rất đau lòng trước hoàn cảnh đau buồn của con gái. Thương con, đau cùng nỗi đau riêng của con nên khi nhìn bức tranh "Sương phụ" ông đã thương cảm và có ý nghĩ, người đàn bà trong tranh sẽ là người bạn cùng cảnh ngộ để con gái tâm tình sẻ chia nỗi niềm riêng. Bà cảm thấy thương cô gái và tội nghiệp người đàn ông – một người cha đáng kính và đáng yêu, theo bà .

Bà Vân Linh ngậm ngùi rời phòng tranh về nhà. Bà thả bộ trên đường, tâm hồn thanh thản. Đường vắng.Trăng đã lên . Sao nhấp nhánh đầy trời. Trăng sáng lắm. Bóng bà in trên đường vắng. Hai người cùng đi. Hai người cùng đứng và cùng khóc - những giọt nước mắt hạnh phúc vì Bảo vẫn luôn ở trong lòng bà .

BUI KIM CHI