1. Bối cảnh VN nửa sau
TK 19 và đầu TK 20
Theo Lịch sử Việt Nam, thời
kỳ Cận đại ở Việt Nam được gọi là thời kỳ Pháp thuộc
và đấu tranh chống xâm lược, giải phóng dân tộc (1858 -
1945). Đối với văn hóa Việt Nam, đây là thời kỳ có những
biến đổi quan trọng là "chuyển từ văn hóa Đông Nam Á đã
Hán hóa một phần sang văn hóa châu Âu lúc này mang tính thế
giới. Quá trình ấy diễn ra về mọi mặt sinh hoạt, kinh tế,
phong tục... đi từ thành thị đến nông thôn, từ tầng lớp
tri thức Âu học đến thành thị"; [1]
Đây là thời kỳ chữ Quốc ngữ thay thế chữ Nho, Tây học
thay thế Nho học, văn hóa, nghệ thuật châu Âu lấn át văn
hóa, nghệ thuật cổ truyền... "Lần đầu tiên ở Việt Nam
xuất hiện một nhóm người không sống bằng quan hay cày ruộng
mà bằng lao động trí óc của mình: dạy tư, viết văn, viết
báo, sống bằng chơi nhạc, vẽ tranh, nghiên cứu văn hóa,
nghệ thuật". [2]
Sau khi thực dân Pháp đánh
chiếm Đà Nẵng năm 1858, triều đình Huế đã lần lượt
để mất ba tỉnh miền Đông Nam kỳ (1862). Sau Hiệp ước
Giáp Tuất tháng 3 năm 1874, toàn bộ Nam kỳ đều đã trở
thành thuộc địa của Pháp, triều đình Huế đã phải chấp
nhận chủ quyền của Pháp trên phần đất từ phía nam Bình
Thuận trở vào, cho phép tự do truyền đạo, thương nhân các
nước tự do đến buôn bán, xây dựng, người Việt tự do
sang Pháp và các nước thuộc địa của Pháp làm ăn, sinh sống...
Mặc dù vẫn duy trì được
chủ quyền ở những phần đất từ Bình Thuận trở ra, nhưng
triều đình càng ngày phải từng bước thỏa hiệp, phải
chấp nhận nhiều thay đổi về thể chế, tiền tệ, tài chính,
thuế khóa, thương mại, luật pháp, giáo dục... Theo đó, tất
cả các giấy tờ, văn bản hành chính như công văn, nghị
định, quyết định, bản án, lệnh... đều viết bằng mẫu
tự la-tinh, tức chữ Pháp hay Quốc ngữ, chứ không còn viết
bằng chữ Nho; Từ năm1865, tờ báo tiếng Việt bằng thứ
chữ mới, phiên âm theo mẫu tự la-tinh, lần đầu tiên được
phát hành tại Sài Gòn là Gia Định Báo. Trên Gia Định Báo
số 4, ngày 15-4-1867, Trương Vĩnh Ký (Pétrus Ký) đã viết một
bài khuyến khích việc học thứ chữ mới... Tại Nam kỳ trong
thời kỳ này, bên cạnh chữ Pháp, từ đây quốc ngữ trở
thành chữ viết chính thức được sử dụng trong các trường
học, công sở và báo chí.
|
Gia Ðịnh
báo số 26 năm 1890
|
Sự ra đời và truyền bá chữ
Quốc ngữ mọi nơi, trong các trường học, đã giúp cho người
Việt Nam tại Nam kỳ, dễ dàng học hỏi, nghiên cứu khi tiếp
xúc với văn hoá, nghệ thuật phương Tây qua sách báo...
Như vậy, tại Nam Kỳ, bên
cạnh chữ Pháp, quốc ngữ trở thành chữ viết chính thức
được sử dụng giao dịch hành chính. Năm 1895 - 1896, một
công trình quốc ngữ quan trọng đầu tiên do người Việt
biên soạn, là bộ Đại Nam quốc âm tự vị của Huình Tịnh
Của (Paulus Của) phát hành tại Sài Gòn.
Văn học mới, văn học chữ quốc
ngữ, một số thể loại văn học theo phương pháp phương
Tây từng bước được hình thành, ban đầu là ở Nam Kỳ,
trên Gia Định Báo. Đầu tiên là thể ký của Pétrus Ký năm
1876: "Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi", và người tiên phong
trong thể loại tiểu thuyết quốc ngữ là Nguyễn Trọng Quản,
năm 1886 với "Thầy Lazaro Phiền".
Những năm đầu thế kỉ XX,
tiểu thuyết bằng chữ quốc ngữ ở Nam kỳ mới có thêm
các tác giả như: Lê Hoàng Mưu với Giọt máu chung tình
và Hồ Biểu Chánh với Cay đắng mùi đời, Tỉnh mộng,
Nhơn tình ấm lạnh... Trong khi đó, ở Bắc kỳ - Hà Nội
có Phạm Duy Tốn với Sống chết mặc bay (1918), Nguyễn
Trọng Thuật có Quả dưa đỏ (1925), Tố Tâm (1925)
của Hoàng Ngọc Phách...
Về âm nhạc phương Tây, sáu
tỉnh Nam Kỳ sau 1874 đã là thuộc địa của Pháp. Bên cạnh
văn học phương Tây, mà chủ yếu là Pháp, thì âm nhạc cũng
được truyền bá vào vùng đất này. Có thể, ban đầu chủ
yếu phục vụ cho việc truyền đạo của các nhà Dòng Công
giáo, cũng như phục vụ nhu cầu giải trí cho quân đội, chính
quyền thuộc địa... như các ca khúc phổ thông châu Âu, các
thể loại nghi thức như dàn nhạc kèn đồng của quân đội,
và nhất là quốc ca Pháp (bài Marseillaise) có mặt hầu
hết trong bộ máy hành chính của chính quyền thuộc địa...
Qua đó, người dân, nhất là thanh niên thuộc địa đã nhanh
chóng tiếp thu ngôn ngữ thể loại âm nhạc mới lạ, và đã
vận dụng vào dòng nhạc cổ truyền và sân khấu cổ truyền
của mình sau này. Từ năm 1915, tại Nam Kỳ, một danh cầm
ở Vĩnh Long là Trần Quang Qườn đã "lập ra hội nghiên
cứu và sáng chế thời nhạc, chìu theo thời gian mà phát minh
bài bản mới lạ thêm" [3]...
@
Sau thất thủ kinh đô (08 -
1885) thực dân Pháp chính thức đặt bộ máy cai trị trên
toàn đất nước ta, bắt đầu cho giai đoạn suy thoái của
vương triều nhà Nguyễn. Đời sống âm nhạc cung đình ngày
càng sa sút, lễ lạc triều nghi ngày càng bị giảm thiểu...Trong
làn sóng Âu hóa (từ sau hiệp ước Patơnốt - 1884), ở Việt
Nam đã hình thành nên một số đô thị mới, tạo ra con người
đô thị và lối sống đô thị. Vì vậy, người dân, nhất
là thanh niên đô thị có điều kiện để gần gũi, tiếp
xúc với những loại hình văn học nghệ thuật mới từ châu
Âu, mà chủ yếu là Pháp.... nhưng những thay đổi lớn trong
lịch sử và văn hoá Việt Nam chỉ thực sự diễn ra vào đầu
thế kỷ XX. Sự biến chuyển lớn trong văn hóa diễn ra từ
Nam đến Bắc, từ đô thị đến nông thôn; Từ ăn ở, sinh
hoạt đến các phương tiện giao thông; Từ thơ Đường sang
thơ mới và từ văn vần sang văn xuôi, từ chữ Hán, chữ
Nôm đến chữ Quốc ngữ,... như nhận định của GS. Nguyễn
Thụy Loan:... "vào đầu thế kỷ XX, cuộc xâm lăng toàn
diện của thực dân Pháp ở nước ta đã gây nên những biến
động lớn và sâu sắc trong toàn bộ xã hội Việt Nam"...
"sự du nhập những luồng tư tưởng mới, những lối sống
thị dân của phương tây... Cuộc xung đột giữa "phái cũ"
và "phái mới", giữa Nho học và Tây học đã diễn ra gay gắt
ở các đô thị"... "Nhu cầu tiếp xúc với văn hóa,
học thuật mới ngày càng cấp thiết dẫn tới sự thắng
lợi của phái Tây học" [4]
Mặc dù văn hóa nghệ thuật
phương Tây đã thâm nhập vào Việt Nam từ giữa thế kỷ
XIX, nhưng đến nửa cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX,
với chiến dịch "bình định về tinh thần" của Pháp thì
văn hóa Pháp và phương Tây mới thực sự ồ ạt tràn vào
Việt Nam một cách mạnh mẽ tại các thành phố lớn như Sài
Gòn, Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Huế,... Trong chiến dịch
xâm nhập về văn hóa, GS. Nguyễn Thụy Loan đã tóm lược
tiến trình âm nhạc Âu tây du nhập vào nước ta: ... "Từ
khắp mọi ngả, với "người đi tiên phong" là âm nhạc của
đạo Thiên chúa, các đội kèn đồng của quân đội viễn
chinh cũng như của các đạo quân thuộc địa do thực dân
Pháp tổ chức và huấn luyện, những giờ dạy hát trong các
trường tiểu học Pháp - Việt, phong trào ca hát trong hướng
đạo,... các phương tiện truyền thanh, máy hát, đĩa hát,
màn ảnh,... những tốp nhạc trong các phòng trà, tiệm nhảy,
những đoàn nghệ thuật... những sách vở dạy nhạc và các
lớp huấn luyện âm nhạc tư cũng như công" [5]
... Bằng những con đường này, âm nhạc Pháp đã "xối
xả" tràn vào Việt Nam.
Việc thành lập Liên bang Đông
Dương năm 1900 đã củng cố địa vị chính trị của người
Pháp trên sáu xứ Trung, Nam, Bắc kỳ, Campuchia, Lào... nhưng
chính quyền Bảo hộ vẫn phải đối diện với sự phản
kháng liên tục bằng võ lực của các phong trào yêu nước
của người Việt từ 1900 đến 1917...như Phong trào Duy Tân
(1900-1908); vụ Hà Thành đầu độc (1907); Trung Kỳ dân biến
(1908); Việt Nam Quang phục Hội (1912); Duy Tân bôn tẩu (1916)
và Khởi nghĩa Thái Nguyên (1917).
Trong khoảng thời gian đó,
người Pháp tìm cách vô hiệu hóa sự chống đối bằng một
chính sách mới. Ðó là thay vì viễn cảnh thống trị vô hạn
định, thực dân Pháp vẽ ra một tương lai mới với địa
vị nước Pháp dìu dắt và khai hóa dân tộc Việt bằng chính
sách "Pháp Việt Đề huề", [6]
là một chiến dịch "bình định về tinh thần" đối với
người Việt, nhằm ổn định chính trị và huy động sức
người, sức của của Việt Nam phục vụ cho "mẫu quốc",
phục vụ cho chiến tranh đế quốc.
Trong chiến dịch "bình định
về tinh thần" này, thực dân Pháp chủ trương dùng văn hóa
để "khai hóa" như mở một số trường Cao đẳng và Đại
học; khuyến khích sự "cải lương" trong các lĩnh vực, trong
đó có văn hóa, nghệ thuật (gồm văn chương, mỹ thuật,
sân khấu và âm nhạc). Từ 1902 đến 1922, Pháp đã đào tạo
được một lớp tri thức cao cấp kiểu Tây ở Việt Nam. Một
tầng lớp công chức, tri thức mới xuất hiện, cũng làm xuất
hiện một đội ngũ nhà văn mới..., chủ đích là lôi cuốn
giới thượng lưu người Việt phục vụ trong guồng máy cai
trị của Pháp.
Ðông Dương tạp chí (1913),
báo Nam Phong (1917) và hội Khai Trí Tiến Đức (1919) [7]...
là những dự án của chính quyền được thực hiện về mặt
văn hóa. Thời kỳ này, văn hóa nghệ thuật phương Tây du
nhập nước ta, trong đó có nghệ thuật âm nhạc. Công chúng
đa số còn bở ngỡ với loại âm nhạc mới lạ này, nhưng
vẫn có nhiều người tiếp xúc, tìm hiểu, nghiên cứu, bắt
đầu học đánh đàn rồi từ từ đi vào lý thuyết. Số người
này phần đông là thanh niên, học sinh sống gần hoặc trong
những đô thị có nhiều cơ hội học nhạc Tây phương qua
trường lớp, sách báo, phim ảnh, băng đĩa, các đoàn nghệ
thuật... Trong khi âm nhạc cổ truyền của ta chưa được đặt
thành lý thuyết ký âm, hát thì truyền khẩu, đàn thì truyền
ngón, còn âm nhạc phương Tây đã có lý thuyết giảng dạy,
ký âm khoa học, phương pháp hướng dẫn rõ ràng được in
thành sách nên hấp dẫn tầng lớp thanh niên đô thị trong
việc tự học, thưởng thức, nghiên cứu và thực hành âm
nhạc...
Không những trong lĩnh vực
nghệ thuật âm nhạc, trước làn sóng Âu hóa tại các đô
thị Việt Nam, nhu cầu tiếp xúc với các loại hình nghệ
thuật mới, việc cải cách, cải lương sân khấu cũng được
đề xuất một cách tích cực. Đó là chèo văn minh (1913),
chèo
cải lương (1923); Sân khấu tuồng (hát bội) cũng được
cải cách về mọi mặt, từ nghệ thuật biểu diễn đến
nội dung, đề cập đến những vấn đề xã hội đương thời...
kéo dài từ 1917-1935 với tuồng tân thời, tuồng tiểu
thuyết...
Ở Nam kỳ, sự cải cách tuồng
hát bội đã ra đời một loại hình sân khấu mới là sân
khấu cải lương (1917), kéo theo đó là sự ra đời của sân
khấu ca kịch Huế (1920) và ca kịch bài chòi ở
Nam Trung bộ (1934)...
@
Trong bối cảnh âm nhạc phương
Tây ồ ạt thâm nhập vào trong đời sống, sinh hoạt các đô
thị, đã nảy sinh nhiều ý kiến khác nhau của các học giả
có tâm huyết. Trong giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX, báo Nam
Phong đã chủ trương cho đăng tải những bài báo liên quan
đến việc ủng hộ vấn đề cải cách nghệ thuật của phái
Tây học. Trong lĩnh vực âm nhạc, tiêu biểu là học giả
Đồ Nam với bài "Ta phải nên cải cách âm nhạc thế nào?"
đã nêu quan điểm của mình về cái cũ và cái mới trong âm
nhạc. Sau khi nêu sự nghèo nàn, ấu trĩ của nhạc cụ cổ
truyền, như kèn thì chỉ "tò-le tí-toét điếc tai người
nghe", đàn thì "cà kho cá kho lè-nhè"...Tác giả kết
luận:... "Ngày nay đã sẵn có bộ kèn trống Thái-Tây, hình-thức
tinh-xảo mà cách dùng về tinh-thần cũng hoàn-mĩ. Ta vừa dùng
để bổ-khuyết vào cho bộ âm-nhạc công-chúng của ta, vừa
bắt-chước cái chỗ tinh-thần ấy mà cải-cách"... "Bộ
kèn trống Thái-Tây thổi đánh nhẹ mà tiếng to và êm, không
có cái giọng nhấm-nhẳng kè-nhè"... [8]
Về Ca trù, tác giả có ý kiến: ... "Ðàn để giúp cho câu
hát thì cô đào nên tập thêm lấy đàn tranh, đàn tàu, đàn
tây, đàn thập-lục, vừa hát vừa gảy...cái cách cô đào
ngồi sệp gõ sênh như băm mắm, chú kép bê cái đàn dài lệ-khệ
ngồi bên cạnh thì trông thực chướng mắt". [9]
Sau khi đề cập một loạt sự nghèo nàn, lạc hậu về hình
thức, nội dung của âm nhạc cũ, tác giả kêu gọi: "Vậy
nay những nhà âm-nhạc-học có tài thẩm âm lựa vận, cần
phải đặt ra những nhạc-khúc mới, đặt ra những ca-khúc
mới"... [10]
Trong bài "Luận bàn về âm
nhạc nước nhà" trên Tân Văn tuần báo Sài Gòn, năm 1935,
Trần Quang Qườn cũng cho rằng: ... "Mácxâye của Pháp nghe
hoài không nhàm, đờn chừng nào càng thấy phấn khởi tâm
hồn của con người chừng nấy... Cứ xem gương Âu Mỹ, người
ta có thể lợi dụng âm nhạc để thúc giục quân lính ra
trận mạc, cho đến không biết sợ cái "chết" là gì; chớ
còn như âm nhạc An Nam thì chỉ có cách gây hại thêm cho tồi
phong bại tục, làm cho quốc dân trở nên nhu nhược ươn hèn...nó
nảo nuột âu sầu quá đổi, làm cho ai nghe qua cũng phải buồn
mướn sầu vay mà mơ màng theo mộng ảo hư vô" [11]...
Ðiều này trước đó 10 năm, trên Đông Pháp thời báo, ngày
4/3/1925, Nam Kiều với bài "Ca nhạc Tây và ca nhạc ta"
cho rằng trong lúc nhạc Việt quá yếu đuối và tỏ ra thiếu
ý chí, nhạc Tây là "mạnh mẽ phấn chấn" và làm cho
người ta muốn "nở rộng phổi ra, như nâng cao người lên".
Cung Giủ Nguyên, cũng trên Tân
Văn tuần báo năm 1935 lại thực tế hơn, khi đề cập đến
việc ứng dụng phương pháp ký âm phương Tây trong việc soạn
bản đàn mới: "Một người Pháp có thể đờn bản đờn
Nga, người Đức đọc bản Anh v.v...là vì họ đều dùng một
thứ chữ đờn. Cũng bởi chúng ta không có chữ đờn như
người Âu cho nên họ không thể biết rõ cái đẹp của âm
nhạc ta... Vậy, tại sao các tài-tử ta không dùng chữ đờn
tây?... sự cải cách ấy đã không hại gì cho âm nhạc, mà
giúp nhiều điều tiện lợi, nhứt là sự soạn bài đờn.
Làm vậy là phổ thông được âm nhạc Việt-Nam, ...đám thanh
niên ta bây giờ, đang hăng hái với hy-vọng này, lý tưởng
kia, đang có quan niệm mới đối với cái đời mới, cần
phải có điệu đờn khác để hòa hợp tâm hồn với hoàn
cảnh..." [12]
Nhưng cũng trong năm đó, trên
Tràng An báo, số 16 tháng 4, Tiêu Diêu Tử lại ưu tư khi đặt
vấn đề "Đông, Tây có thể gặp nhau ở những bài hát hay
khúc đờn không?": "Một điều ai cũng nhận thấy là thiếu
niên ngay nay khuynh về âm nhạc tây. Từ lớn chí bé phần
nhiều ai cũng biết hát tây. Hát tây đã thành một cái dịch"...
"Theo ý tôi thì hai lối hát tây, nam không thể dung-hòa với
nhau được... "Nhứt là không nên dung hòa âm nhạc tây với
âm nhạc ta cũng như không nên xen mấy bài hát Tây vào giữa
những bài hát ta" [13]
Trên đây chỉ là hai quan điểm có tính chất đối lập trong
vần đề sử dụng âm nhạc phương Tây trong sinh hoạt âm
nhạc nước ta thời bấy giờ...
2. Sự tiếp xúc ban đầu
với âm nhạc phương Tây
Sự tiếp xúc ban đầu với
âm nhạc phương Tây, như đã đề cập ở trên, gồm bằng
những con đường sau: Âm nhạc Công giáo; Dàn nhạc Kèn nhà
binh; Các sơ sở giảng dạy âm nhạc tư nhân; Các đoàn Tạp
kỷ, phòng trà; Phim ảnh, đĩa hát, đài Phát thanh và Phong
trào Hướng đạo... đã ảnh hưởng đậm, nhạt khác nhau
trong việc hình thành Tân nhạc Việt Nam về sau. Qua tư liệu
còn lưu trữ, xin lược dẫn tiến trình âm nhạc phương Tây,
thông qua Pháp du nhập vào nước ta.
2.1. Âm nhạc Công giáo
Việc người Việt Nam tiếp
xúc với âm nhạc phương Tây, sớm nhất, theo GS. Nguyễn Thụy
Loan: "người đi tiên phong" là âm nhạc của đạo Thiên
chúa [14]...
Từ cuối thế kỷ XVI nhiều giáo sĩ và thương nhân người
Âu đã đến Đàng Trong và Đàng Ngoài vương quốc Đại Việt.
Những nhà truyền giáo, trong đó có giáo sĩ Alexandre de Rhodes
(đến Trung kỳ năm 1625), là người có công lao trong việc
kế thừa và hoàn thiện chữ quốc ngữ cho Việt Nam. Những
nhà truyền giáo cũng là những người đầu tiên giới thiệu
âm nhạc Tây phương ở Việt Nam; những bài ca nghi lễ được
hát bằng tiếng Latin nhưng về sau đã được dịch và hát
bằng tiếng Việt; đã dạy những con chiên Việt Nam hát theo
lối nhạc phương Tây là những bài thánh ca... Loại nhạc
này dù chỉ giới hạn trong phạm vi cộng đồng Công giáo,
không tác động nhiều đến công chúng trong việc tiếp xúc
với âm nhạc châu Âu thời bấy giờ.
Những năm cuối thế kỷ XIX,
đầu thế kỷ XX, khi Pháp đã thống trị toàn bộ đất nước
ta thì hoạt động công giáo có điều kiện và phát triển
nhanh, mạnh với số lượng giáo dân ngày càng tăng thêm nhiều;
Các dòng tu, chủng viện, nhà thờ, trường Công giáo... được
phép thành lập khắp Trung kỳ và Bắc kỳ. Các chủng viện,
các trường Công giáo... ngoài việc giảng dạy kiến thức
giáo lý, văn hóa còn chú trọng đến giờ dạy học âm nhạc,
dạy học vẽ... Con cái các gia đình ngoại đạo cũng được
theo học tại các trường này. Học sinh muốn học thêm nhạc
cụ như piano, violon... cũng được các thầy có chuyên môn
hướng dẫn. Giảng dạy và thực hành âm nhạc rất được
chú trọng, đề cao trong chủng viện, trong các cơ sở đào
tạo của Công giáo.
Âm nhạc Công giáo không chỉ
xuất hiện trong việc cử hành nghi thức của Nhà thờ, mà
còn diễn ra ngoài phụng vụ như các giờ cầu nguyện và biểu
diễn nghệ thuật nơi công cộng...Trong Hiến Chế về phụng
vụ Thánh của Công Ðồng Vaticanô II, chương VI, khoản 119
có đề cập đến sự tôn trọng sự phát triển truyền thống
âm nhạc của các xứ truyền giáo: "... nhất là các xứ
Truyền Giáo, có những dân tộc sẵn có một truyền thống
âm nhạc riêng... Tại những nơi này, phải quý trọng âm nhạc
ấy đúng mức, và dành cho nó một địa vị thích hợp...
Do đó, khi huấn luyện âm nhạc cho các vị Thừa Sai, phải
hết sức lo lắng để họ có thể phát triển truyền thống
âm nhạc của các dân tộc này, được chừng nào hay chừng
đó, trong các trường học cũng như trong các hoạt động phụng
vụ" [15]...là
điều kiện pháp lý của giáo hội trong việc bản địa hóa
Thánh nhạc. Nhiều nhạc sĩ tiếng tăm thời kỳ đầu như
nhạc sĩ Lưu Quang Duyệt và về sau là Nguyễn Văn Giệp, Nguyễn
Hữu Hiếu, Phạm Đăng Hinh và kể cả Đinh Ngọc Liên, Đặng
Thế Phong [16]v.v...
đều xuất thân từ môi trường này. Chính tại môi trường
này, các cha cố, thầy dòng người Việt đã phổ lời Việt
vào thánh ca và sáng tác những bài hát lễ được phổ biến
rộng rãi trong giáo dân, giáo xứ. Một số bài hát đa âm,
đa điệu đầu tiên là bài "Nửa đêm mừng chúa ra đời"...do
Phaolo Đạt (Sài Gòn) sáng tác theo phương pháp châu Âu từ
khoảng năm 1911 - 1913, [17]
một thầy dòng hoạt động âm nhạc rất tích cực ở Hà
Nội năm 1920 là Đỗ Văn Liu đã sáng tác một số bài hát
như "Mừng Chúa ra đời", "Mừng thay Chúa đã sống lại". [18]
Nhạc sĩ Hùng Lân là người
được học hành từ nhỏ tại Nhà Chung, Chủng viện Hà Nội,
nhưng về sau không đi tiếp con đường tu hành, xin rời tu
viện ra dạy học và mở lớp dạy nhạc ở nhà. Ông là người
đầu tiên có ý tưởng viết thánh ca Việt Nam để thay cho
những bài thánh ca Pháp, là một trong những người nòng cốt
sáng lập "Nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh" năm 1945, với mục đích,
tôn chỉ: "Phụng sự Thiên chúa và Tổ quốc" và đường lối
sáng tác là "Cải lương hình thức, duy trì quốc tính".
Những sinh hoạt lễ nghi của
Công giáo hàng tuần, hàng tháng luôn kèm theo ca hát. Các họ
đạo, giáo xứ các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định,
Huế, Sài Gòn thường có Ban hát lễ trình diễn trong các buổi
lễ chầu, lễ rước trọng thể, hoặc trong các hoạt động
xã hội khác. Ngoài ra, không chỉ ở thành phố mà ở những
họ đạo vùng nông thôn cũng được tổ chức những phường
kèn, hội kèn Tây để phục vụ các buổi lễ... Âm nhạc
phương Tây thông qua sinh hoạt âm nhạc Công giáo đã tạo
cơ hội cho công chúng làm quen dần với một ngôn ngữ âm
nhạc mới lạ, khác với các thể loại âm nhạc cổ truyền
như hát Chèo, Tuồng v.v... Và quan trọng hơn, là tạo được
đội ngũ thực hành âm nhạc Pháp - châu Âu.
2.2. Dàn nhạc Kèn nhà binh
Sau âm nhạc nhà thờ Công giáo,
khi Việt Nam trở thành thuộc điạ của Pháp thì công chúng
bước đầu được làm quen với ''nhạc nhà binh'' qua những
dàn nhạc kèn đồng. Người dân ở thành phố hay làm việc
với Pháp thì được biết thêm nhạc cổ điển, nhạc khiêu
vũ Tây Phương, các ca khúc phổ thông châu Âu qua phim nói,
dần dà được làm quen với nhạc cụ, sách nhạc do Pháp nhập
cảng vào Việt Nam.
Từ cuối thế kỷ XIX các dàn
nhạc kèn của quân đội viễn chinh Pháp đã có những buổi
hòa nhạc tại Nam kỳ, như một buổi hòa nhạc kèn hơi năm
1890:
|
Chương
trình một buổi hòa nhạc của Hội Sĩ quan Trung đoàn 11 Thủy
quân Lục chiến Pháp, ngày 30 tháng 10 năm 1890 tại Sài Gòn.
Chỉ huy dàn nhạc: F. Nicaise.[19] |
Những năm đầu của thể kỷ
XX, sinh hoạt âm nhạc trong các đô thị chủ yếu vẫn là
âm nhạc cổ truyền, nhưng các buổi biểu diễn âm nhạc phương
Tây đã diễn ra tại các đô thị lớn. Tại Hà Nội nhiều
chương trình âm nhạc, kịch nghệ được tổ chức phục vụ
nhu cầu giải trí cho quân đội, chính quyền cai trị, nhân
viên công sở, công nhân làm việc trong nhà máy của Pháp...
tại các địa điểm công cộng như nhà Kèn, vườn Bách Thảo...
Một tờ áp phích có in chương
trình biểu diễn âm nhạc quân đội của "Trung đoàn Bộ binh
Thuộc địa Pháp thứ 9" tại Công viên Nhà Kèn (quảng trường
Paul-Bert) và vườn Bách Thảo Hà Nội năm 1904. Nội dung chương
trình gồm những thể loại kinh điển trong âm nhạc châu Âu,
như: Ouverture, Fantaisie... Ðặc biệt, cuối chương trình là
một sáng tác mới: hòa tấu "Hanoi, marche triumphale" (tạm
dịch: Hà Nội, hành khúc chiến thắng) của tác giả
Galerne.
|
Tờ
Chương trình buổi hòa nhạc của quân đội Pháp, tháng 1 năm
1904 tại Hà Nội. Chỉ huy dàn nhạc: Jourdan.[20] |
Một chương trình hòa nhạc
khác của đội quân nhạc Pháp năm 1907 được thông báo như
sau:
"Các buổi hòa nhạc:
Quân nhạc. Mùa đông,
ngày thứ tư từ 4 rưỡi đến 5 rưỡi, ở quảng trường
Paul Bert, ngày chủ nhật, cùng thời gian ấy ở Vườn Bách
Thảo. Mùa hè, ngày thứ ba và ngày chủ nhật, từ 8 rưỡi
đến 9 rưỡi buổi tối.
Hội nhạc, ở Khách
Sạn Xã Hội, ở Hồ Gươm. (Nhiều đêm. Khách ngoại quốc,
người đi qua, có thể đăng ký để nhận được lời mời).
Ðặc biệt ở Khách Sạn
Métropole. Mùa hè và mùa Đông; ở Khách Sạn Hanoi, mùa đông". [21]
Như vậy, bên cạnh dòng nhạc
cổ truyền, Việt Nam lại tồn tại thêm một dòng nhạc Tây,
công chúng được tiếp nhận thêm một màu sắc âm nhạc mới,
lạ qua sự thể hiện, diễn tấu của những nhạc khí với
kỹ thuật chế tác tinh vi, hiện đại như các nhạc khí thuộc
bộ Gỗ: Flute, Hautbois, Cor Anglais, Clarinette,
Basson;
Bộ Đồng: Cor, Trompette, Trombone,
Tuba,
Cornet
và bộ Gõ: Grosse caisse, Tambour militaire...
|
Vườn
hoa Paul Bert, còn gọi là vườn hoa Nhà Kèn
|
|
Dàn
quân nhạc của Pháp tại Hà Nội năm 1912[22]
|
Ở Trung kỳ, có Tòa Khâm sứ
Trung kỳ tọa lạc tại Kinh đô Huế, với số đông quan chức
và binh lính Pháp, với hệ thống nhà thờ Công giáo, dòng
tu, chủng viện...nên các luồng âm nhạc phương Tây du nhập
vào Việt Nam đều có qua Huế và đã đến với đông đảo
công chúng, đặc biệt là tầng lớp giáo dân, thanh niên...manh
nha từ khoảng năm 1912. Học sinh Công giáo ngoài việc học
giáo lý còn được các thầy Dòng người Pháp dạy thêm các
kiến thức âm nhạc cơ bản của phương Tây để hát Thánh
ca và đệm đàn cho các buổi lễ nhà thờ. Theo Dương Quang
Thiện trong Sử liệu lịch sử âm nhạc Việt Nam cho
biết những năm đầu thế kỷ XX, người Pháp đã có dạy
một số lớp âm nhạc phương Tây tại Huế. "Các sách hát
bằng tiếng Pháp và tiếng La Tinh cũng đều có phần dạy
ký âm". [23]
Các nhạc cụ phương Tây cũng đã xuất hiện tại Huế như:
Mandolin,
Violon, Harmonica, Flute...
Cũng vào những năm đầu thế
kỷ XX, để củng cố bộ máy cai trị của người Pháp, trong
chiến dịch "bình định về tinh thần", người Pháp đã ồ
ạt truyền bá rộng rãi các loại hình văn hóa phương Tây
với đủ mọi lĩnh vực vào các đô thị của Việt Nam, trong
đó có âm nhạc.
Ngày 11.11.1918, dàn nhạc Kèn
hơi nhà binh Pháp tại Trung kỳ được thành lập, trực thuộc
Tòa Khâm sứ. Người được giao trọng trách tổ chức sáng
lập là ông Bùi Thanh Vân. Nhạc trưởng, chỉ huy dàn nhạc
là ông Traineau, Linh mục người Pháp dạy tại trường Bình
Linh (địa điểm của Học viện âm nhạc Huế hiện nay). Dàn
nhạc được tổ chức thành ba bộ: bộ Gỗ, bộ Đồng và
bộ Gõ với biên chế khoảng 64 nhạc công. [24]
Ông Bùi Thanh Vân được giao
trọng trách tổ chức sáng lập dàn nhạc kèn, nhưng qua ba
cuốn sách nhỏ của ông bằng tiếng Pháp, xuất bản tại
Huế trong năm 1922 ở trang bìa thấy đều được ghi là: Bùi
Thanh Vân, quốc tịch Pháp. Người sáng lập trường âm nhạc
Pháp ở Huế; Người sáng lập trường âm nhạc Quảng Đông
(!) ở Huế; Người sáng lập nhà hát nghiệp dư người An
nam ở Huế. Tham khảo:
|
|
|
Nguồn:
Thư viện Quốc gia Pháp (Bibliothèque national de France)
|
Dưới thời Khải Định (1916
- 1925), năm 1919 nhà vua cho lập một dàn nhạc kèn hơi theo
kiểu Pháp để làm công tác đối ngoại, phục vụ cho các
nghi lễ do triều đình tổ chức như các buổi đón khách,
tiếp sứ...Dàn nhạc thường cử hai bài quốc ca Pháp (Marseillaise)
và quốc ca Nam triều... Dàn nhạc kèn hơi này gồm có 35 nhạc
công vừa sử dụng các loại kèn của phương Tây và cả nhạc
cụ dân tộc do ông Trần Văn Liêu làm nhạc trưởng. [25]
Vẫn trong thời Khải Định,
năm 1920, ở Huế, đội kèn hơi của lính Khố Xanh ra đời.
Chỉ huy do người Pháp - ban đầu là Tourneau, rồi sau là Colombo.
Đây là những dàn nhạc, đội nhạc chính, chưa kể các đội
kèn đồng do các linh mục, các thầy trò trường dòng thực
hiện trong các buổi chầu, buổi lễ...
Những dàn nhạc Kèn hơi ở
Huế được đào luyện có trình độ chuyên môn khá, nên thường
được chọn đi biểu diễn trong các sự kiện lớn trong nước
cũng như nước ngoài... Tiêu biểu là việc đổi tên thành
dàn nhạc Kèn hơi Nam triều, do nhạc trưởng Fournter chỉ huy
để tham gia biểu diễn tại Hội chợ Quốc tế tại Paris
1931 bao gồm các thuộc địa của Pháp. Trong dịp này, dàn
nhạc Kèn hơi của Việt Nam, của chính phủ thuộc địa Nam
triều đã được trao tặng Huy chương vàng.
|
Áp
phích tại hội chợ quốc tế Paris năm 1931
|
Dàn nhạc Kèn hơi ngoài phục
vụ nghi lễ do Pháp tổ chức, đặc biệt dàn nhạc đã thường
xuyên tổ chức các buổi hòa nhạc vào chiều chủ nhật tại
"Nhà Kèn" trong vườn hoa trước Tòa Khâm sứ Huế, thu hút
rất đông công chúng đến thưởng thức. Chương trình biểu
diễn tại "Nhà Kèn" thường là những tác phẩm với nhiều
thể loại: cổ điển và lãng mạn của của các nhà soạn
nhạc châu Âu như: Mozart, Beethoven, Schubert,
Schumann,
Bizet,
Weber,
Tchaikovsky,
Chopin,
J.Strauss
v.v...Các bài hát phổ thông nước ngoài bằng tiếng Pháp như:
J’ai
deux amours,
La Madelon,...cũng thường xuyên biểu diễn
tại nhà Kèn.
 |
Dàn
nhạc Kèn ở Huế năm 1936
Trong "Capitales
de Légende Hué" - Les Editions d’Indochine. Ảnh: Internet.
|
|
Các
nhạc công trong trang phục lễ binh dàn nhạc kèn do
Pháp đào
tạo tại Huế những năm trước 1945.[26]
|
Sau ngày Nhật đảo chính Pháp
(9.3.1945), dàn nhạc kèn hơi đổi thành dàn nhạc Kèn hơi chính
phủ Trần Trọng Kim, do Phạm Văn Minh chỉ huy...Năm 1945, dàn
nhạc kèn hơi đã tham gia khởi nghĩa giành chính quyền tại
Thừa Thiên Huế. Đặc biệt, chiều ngày 30.08.1945, dàn nhạc
với trên 100 nhạc công đã tham gia phục vụ lễ thoái vị
của vua Bảo Đại, vị vua cuối cùng của triều đại phong
kiến Việt Nam tại kinh thành Huế. Ngày 3.9.1946, trong khuôn
khổ kỷ niệm ngày Tuyên ngôn độc lập nước Việt Nam Dân
chủ Cộng hòa, tại nhà Hát Lớn Hà Nội đã tổ chức một
buổi hòa nhạc để đón tiếp khách nước ngoài. Trong buổi
hòa nhạc này, dàn nhạc hơi của Trung bộ đã được điều
động để hòa tấu các tác phẩm âm nhạc cổ điển châu
Âu: "... Phần thứ nhất: âm nhạc cổ điển tây phương
do ban âm nhạc Trung-bộ hòa. Phần thứ hai: âm nhạc Huế do
mấy tài tử Huế hòa. Phần thứ ba: âm nhạc Việt-Nam mới
do ban âm nhạc Vệ-quốc đoàn hòa"... "Những bản nhạc
cổ điển tây phương đã được rất nhiều thính giả ngoại
quốc sành nhạc ngợi khen ban âm nhạc Trung bộ hòa với một
nghệ thuật điêu luyện". Trong phần thứ ba, ban nhạc Vệ-Quốc
đoàn phụ trách phần âm nhạc mới Việt Nam với 3 bài hát
"Con thuyền không bến", "Giọt mưa thu" (Đặng Thế Phong) và
"Thiên thai" (Văn Cao) do cô Bùi Thị Thái hát, Đinh Ngọc Liên
chỉ huy ban nhạc. [27]
Không chỉ ở Trung kỳ, ở
Bắc kỳ thời kỳ này dàn nhạc kèn hơi của lính Khố xanh
người Việt cũng đã được Pháp đào tạo và thành lập
(1924), trực thuộc tòa Thống sứ Bắc kỳ. Một thông báo
đăng trên Hà thành Ngọ báo ngày 15 tháng 9 năm 1927: "Từ
9 giờ đến 10 giờ chiều hôm nay có một toán lính khố xanh
cử nhạc tại nhà kèn vườn hoa Paul Bert".
Một tấm ảnh của Thư viện
Quốc gia Pháp có tiêu đề là Dàn nhạc kèn của người Annam
tại Bắc kỳ (Fanfares annamites au Tonkin) nhưng không ghi chú
thời gian và địa điểm cụ thể. Tuy nhiên bức ảnh cho thấy
đây không phải là dàn nhạc kèn hơi (orchestre d’harmonie)
của lính Khố xanh, mà là một ban kèn đồng dân sự, trang
phục truyền thống (áo dài, khăn xếp) chụp tại một kiosque
âm nhạc theo kiểu Nhà Kèn của Pháp tại các đô thị Việt
Nam thời bấy giờ. Có thể đây là đội kèn đồng của một
họ đạo Công giáo được một lính kèn nhà binh Pháp huấn
luyện. Địa điểm nhà Kèn và dàn nhạc kèn đồng này, khi
phóng to bức ảnh, cũng chỉ được biết qua chi tiết dòng
chữ ghi trên chiếc trống lớn (Grosse Caisse) là ở Hà Đông,
Hà Nội (Fanfare de Ha Dong) và thời gian được ghi trên tấm
ảnh có thể là tháng 8 năm 1923:
|
|
 |
Dàn nhạc
kèn An Nam tại Bắc kỳ. [28]
|
2.3. Các sơ sở giảng dạy
âm nhạc tư nhân
Ngoài sự tiếp xúc với âm
nhạc qua dàn nhạc kèn hơi của quân đội Pháp cũng như của
lính Khố xanh, của các ban nhạc kèn nhà thờ Công giáo được
Pháp huấn luyện, đào tạo... thì thời gian này, các gia đình
công chức Pháp đến làm việc, sinh sống ngày càng đông.
Họ có nhu cầu cho con cái được học âm nhạc như ở Pháp
cũng như nhu cầu tìm hiểu âm nhạc phương Tây của thanh niên
bản địa...Vậy nên một số cơ sở đào tạo tư nhân hoặc
dạy tại tư gia được mở ra trong những năm đầu của thế
kỷ XX, như lớp Violon của bà Sylvie Durand [29]
đã dạy Vũ Khánh, Nguyễn Trần Dư (Giư), Đoàn Văn An mà về
sau là thành viên của nhóm nhạc Myosotis, mà nòng cốt là Thẩm
Oánh và Dương Thiệu Tước; Tiêu biểu là Viện Âm nhạc Hà
Nội (Institut Musical de Hanoi), thành lập năm 1913, một Trung
tâm âm nhạc do một nữ giáo viên đàn piano người Pháp làm
hiệu trưởng - bà Mlle Y. Périé-Poincignon. [30]
Viện này dạy chỉ gồm bộ môn Piano, Thanh nhạc, Hòa âm,
Sáng tác, xướng âm và các điệu nhảy. Những năm đầu học
viên chỉ có người châu Âu, đến những năm 1930 bà Périé
mới dạy đàn piano cho rất nhiều học sinh người Việt,
Trong đó có Tô Anh Đào, (vợ Thẩm Oánh), Dương Thiệu Tước...
|
Annuaire
général de l'Indochine 1918, Partie commerciale (Hanoi: Imprimerie
d'Extrême Orient, 1918)
|
Bà MlleY. Périé sau này, năm
1927 được nhà nước thuộc địa chính thức bổ nhiệm dạy
âm nhạc một số trường tại Hà Nội, trích:
DẠY ÂM-NHẠC
Melle Périé được cử vào
dạy âm-nhạc trong ngạch Học-chính ; các thì-giờ dạy học
trong các trường kể ra như sau này :
Mỗi tuần lễ dạy hai giờ
trong trường Nam-sư-phạm Hanoi ; hai giờ trong trường nữ sư-phạm
; ba giờ trong trường cao-đẳng tiểu-học Pháp... [31]
Một bức hình chụp một buổi
học hát với cô giáo Pháp của nữ học sinh Hà Nội xưa với
tiêu đề: Jeunes filles indigènes au cours de chant [32]
(Tạm dịch: Những cô gái trẻ bản địa trong một buổi học
hát)
Tháng 1 năm 1927 Toàn quyền
Đông Dương đã cho thành lập Nhạc viện Pháp tại Viễn Đông
(Conservatoire Française d’Extrême - Orient) đặt tại Hà Nội.
Theo ý của tác giả Michael E. McClellan trong "Music, education and
Français de Couleur: Music instruction in Colonial Hanoi" thì người
Pháp sử dụng nghệ thuật âm nhạc làm một phần của nỗ
lực của họ để thiết lập sự kiểm soát đối với dân
bản địa, điển hình của quá trình này là việc thành lập
tại Hà Nội một Nhạc viện Pháp ở Viễn Ðông. [33]
Nhạc viện Viễn Đông mở
ra với nhiều bộ môn phong phú về nhạc cụ cũng như các
môn kiến thức của lý thuyết âm nhạc. Nhưng thực tế nhạc
viện chỉ dạy 4 loại đàn: piano, violon, violoncelle, contrebasse
và môn ký xướng âm. Học sinh theo học tại đây có cả người
Pháp, người Việt và một số người Lào. Số học viên người
Việt đầu tiên có Nguyễn Xuân Khoát, Lưu Quang Duyệt, Phạm
Đăng Hinh, Nguyễn Văn Giệp, Nguyễn Hữu Hiếu, Mộng Chi, Phạm
Huy Quỹ, Hùng Lân... Nhạc viện chỉ tồn tại 3 năm (1927-1930).
Nguyên nhân được cho là do cuộc khủng hoảng kinh tế vào
những năm 1930 ở Pháp. Sau khi Nhạc viện Viễn Đông đóng
cửa, tại Hà Nội các học viên tự thành lập những cơ sở
giảng dạy và biểu diễn truyền bá âm nhạc phương Tây,
tiêu biểu như: Hội Khuyến Nhạc của Nguyễn Văn
Giệp, Nhạc Đường Học Xá của Lưu Quang Duyệt, lớp
dạy đàn violon của Phạm Đăng Hinh, lớp Violon, Violoncello,
Hòa âm của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát [34]
và sau đó là các lớp dạy guitare của Dương Thiệu Tước,
Doãn Mẫn...
Những học viên của các cơ sở
đào tạo trên về sau đều là những nghệ sĩ biểu diễn
thành danh tại Hà Nội. Tháng 5 năm 1939, tại Nhà hát lớn
Hà Nội, "Việt Nam nghệ sĩ đoàn" của Đàm Quang Thuận đã
tổ chức buổi ca nhạc dẫn giải quy mô, giới thiệu hai nghệ
sĩ violon và piano là Nguyễn Văn Giệp và Nguyễn Hữu Hiếu
cùng hàng chục nghệ sĩ đoàn phụ họa trình bày các tác
phẩm nổi tiếng của âm nhạc phương Tây.
Thông báo
trên báo Ngày Nay số 161, ngày 13/5/1939
|
Tại Sài Gòn, từ năm 1925 đã
có mở trường dạy âm nhạc của các giáo viên người nước
ngoài, được gọi là "École de Musique de Saigon", cũng thường
được gọi là Philharmonique (hội yêu nhạc, hội khuyến nhạc)huấn
luyện nhiều nhạc công Việt Nam biểu diễn nhạc cổ điển
châu Âu... Năm 1928 có thành lập một tổ chức biểu diễn
nghệ thuật là Ủy ban Nghệ thuật Sài Gòn (Comité artistique
de Saigon) do một người Pháp phụ trách, thường tổ chức
những buổi hòa tấu thính phòng. Năm 1933, Ủy ban này thành
lập một cơ sở đào tạo gọi là Nhạc viện (Conservatoire
de musique) để dạy một số nhạc cụ phương Tây, song cũng
không tồn tại được lâu dài...
2.4. Đĩa hát, phim ảnh, sách
báo, đài phát thanh và biểu diễn âm nhạc.
Khi âm nhạc phương Tây theo
chân người Pháp vào Việt Nam, để phục vụ vui chơi giải
trí cho bộ máy hành chính, quân đội chính quốc và thuộc
địa, một số người Pháp và Việt đem trình diễn các nhạc
phẩm phương Tây trong các phòng trà, vũ trường, khách sạn,
rạp hát, các buổi họp mặt, lễ tân, liên hoan...
Ngay từ những năm 20 trở đi,
một số công chúng có điều kiện ở các đô thị lớn ở
Việt Nam đã được tiếp xúc âm nhạc phương Tây qua các
cuộc lưu diễn của các đoàn, nhóm nghệ thuật, các gánh
hát tạp kỹ của Pháp, của nhiều nước Âu tây. Tác phẩm
của các tác giả cổ điển, lãng mạn...được trình tấu
bởi những nghệ sĩ nổi tiếng thế giới, những ca khúc thời
thượng đang thịnh hành của Pháp... đã có ảnh hưởng không
nhỏ trong thanh niên, trí thức Tây học các đô thị; là chất
men xúc tác thôi thúc họ tìm tòi, học hỏi để cảm thụ
và đi đến thực hành âm nhạc phương Tây qua tự học hoặc
nhà trường. Tại Hà Nội, tiêu biểu là nhóm nhạc Nguyễn
Xuân Khoát, Nguyễn Hữu Hiếu, Nguyễn Văn Giệp, Phạm Đăng
Hinh, Lê Yên, Doãn Mẫn, Nguyễn Đình Phúc, rồi Lương Ngọc
Châu, Văn Chung, Thẩm Oánh, Dương Thiệu tước... chuyên trình
diễn các tiểu phẩm khí nhạc cổ điển và lãng mạn cũng
như nhạc thời thượng của Pháp như thể loại nhạc nhẹ,
nhạc Jazz gắn với các tiết điệu Tango, Valse, Rumba, Slow-fox...
trong các quán nhạc, phòng trà, vũ trường v.v...
Những năm 1920 và 1930 cũng
là lúc những phương tiện truyền thông như bản nhạc, đĩa
thu thanh, máy hát, phim ảnh và đài phát thanh vào Việt Nam.
|
Quảng
cáo máy hát đĩa hát Pathé trên Lục Tỉnh Tân Văn, Sài Gòn
số 516, 1-1918 |
|
|
Quảng
cáo trên Ngọ Báo, tháng 4-1929
|
Trên
Phụ Nữ Tân Văn, tháng 5-1929
|
|
|
Trên
Phụ Nữ Tân Văn, tháng 7-1930
|
Trên
Khoa Học, tháng 10-1933
|
Đến khoảng giữa thập niên
1930, khán giả Việt Nam mới được xem phim nói, là phim có
âm thanh. Nhưng khi đó, để xem được phim nói, chỉ giới
trí thức, sinh viên, học sinh trung học mới nghe được tiếng
Pháp và đọc được phụ đề Pháp ngữ. Những năm cuối
thập niên 1930, Việt Nam hình thành một lớp trí thức mới,
tiếp thu văn hóa Pháp, nhiều phong trào nghệ thuật nở rộ,
trong đó có âm nhạc. Phim nói của Pháp, đồng bộ cả hình
ảnh và âm thanh được du nhập vào nước ta.
|
Quảng
cáo trên báo Nhật Tân,
Hà Nội,
tháng 11-1934
|
|
Trên
Nhật Tân, 1934
|
Các loại máy hát, đĩa hát
của các hãng Victor, Columbia, Pathé, Béka, Odéon... đã tràn
vào Việt Nam. Ngoài các đĩa hát thu các làn điệu dân ca,
tuồng tích, chèo, cải lương, ca Huế, các nhà kinh doanh Pháp
còn cho nhập các đĩa hát thu âm các tác phẩm khí nhạc và
thanh nhạc của châu Âu, trong đó nổi bật là ca khúc nhạc
nhẹ, bài hát phổ thông phương Tây với các giọng hát nổi
tiếng bấy giờ như Tino Rossi, Joséphine Baker, Rina Ketty... mà
thanh, thiếu niên Việt Nam từng ái mộ qua các bộ phim nói.
Qua phim nói, công chúng Việt Nam cũng được tiếp xúc với
tác phẩm của các nhà soạn nhạc nổi tiếng châu Âu như
F.Schubert với loại nhạc không lời như bản "Giao hưởng dở
dang", các ca khúc nghệ thuật như Sérénade, Ave Maria,... nhạc
sĩ J.Strauss với các vũ điệu Valse thành Viên nổi tiếng như
The Blue Danube (Dòng Danube xanh), Tales from the Vienna Woods (Khu rừng
thành Viên) v.v... Tại Sài Gòn, những năm 1931, 1932 trong hệ
thống đài phát thanh Đông Dương, đài phát thanh Sài Gòn (Radio-Saigon)
ngoài chương trình phát thanh định kỳ nhạc cổ truyền là
hát cải lương và đờn ca tài tử, còn có chương trình biểu
diễn nhạc cổ điển châu Âu của dàn nhạc "Đài phát thanh
Sài Gòn", trích:
Năm 1934, tại Sài Gòn, trong
tuần lễ Nhi đồng, một chương trình biểu diễn phục vụ
các cháu nhi đồng tại hội quán Annam bằng nhạc cụ phương
Tây được giới thiệu: ... "có cô Marcelle Lân, cô Marie
Tống đờn piano, cô Florice Vidal và ông Hồ-đắc-Ân đờn
violon. Nhà tài-tử Nguyển-văn-Tịnh sẽ trổ hết tài hay đờn
violon đủ điệu đủ bản" [35]...
Một buổi hòa nhạc từ thiện ngày 29 tháng 4 năm 1936 tại
hội quán Hội Trí tri Hà Nội được tường thuật lại trên
Hà Thành Ngọ báo chứng tỏ người thuật cũng như người
chơi đàn giai đoạn này đã rất sành về âm nhạc châu Âu:
... "Muốn đờn những bản nhạc ấy, phải là những bậc
kỳ tài. Nhất là bản Ballet Egyptien (à 4 mains) của Luigini
đã làm tỏ cái công phu, cái tài năng của cô Vân và cô Hiển
những đoạn thay đổi "mouvement" đã nổi hẳn lên nhờ ở
"Jeu de Pédal" mà hai cô khéo đồng ý, khiến người nghe chỉ
có thể hiểu được là một người đờn" [36]...
Cô
Vân, là Nguyễn Thị Vân, cô Hiển là Vũ Thị Hiển
trong buổi hòa nhạc này đã diễn tấu piano 4 tay. Cô Vũ Thị
Hiển, tháng 8/1938 cũng được đoàn Ánh Sáng, báo Ngày Nay
mời họa đàn Piano trong buổi chiếu bóng đặc biệt kỷ niệm
ngày thành lập đoàn Ánh Sáng.
Thông qua việc giáo dục trong
các trường dòng cùng các trường bảo hộ khác và hoạt động
hướng đạo, thiếu niên Việt Nam học hát tập thể theo kiểu
Tây phương, thanh niên Tây học tiếp cận các nhạc cụ Tây
phương như guitar, Hawaiian guitar, mandolin... và bài hát phổ
thông phương Tây qua các phương tiện truyền thông đại chúng
như đài Phát thanh Đông Dương (Radio Indochine) ở Hà Nội,
Sài Gòn và Huế; qua đĩa hát, phim nói Pháp, qua các gánh hát
cải lương Nam kỳ... Thanh thiếu niên ở các đô thị học
thuộc lòng những bài hát phổ thông mới nhất. Báo chí thời
kỳ này đã cho biết: "Một điều ai cũng nhận thấy là
thiếu niên ngày nay khuynh hướng về âm nhạc tây. Từ lớn
chí bé phần nhiều ai cũng biết hát tây. Hát tây đã trở
thành một cái dịch... Trẻ con đi học không mấy đứa không
có một quyển sách nhỏ chép các bài hát trong các phim chiếu
bóng" [37]...
Ca sĩ người Pháp trên phim
nói tạo nên ấn tượng riêng lớn nhất trong sinh viên, học
sinh đô thị Việt Nam những năm 1930 là Tino Rossi, với một
giọng hát chứa đầy vẻ lãng mạn. Giống như người Pháp,
nam nữ thanh niên Việt Nam thần tượng hoá Rossi và thậm chí
đã thành lập hội "ái Ti-nô". Một số ca khúc của Tino Rossi
đã làm mưa làm gió ở Việt Nam là Marinella, ra đời trong
bộ phim cùng tên, và C’ét A Capri...

Bìa bản
nhạc C’est A Capri in hình ca sĩ Tino Rossi
Ca sĩ Joséphine Baker với bài
hát J'ai deux amours, cũng là một bài hát trong phim và bài hát
phổ thông Quand Madelon cũng được giới thanh niên mê đắm.
Ngoài ra còn thêm nhiều bài hát Pháp vui tươi, dí dỏm xuất
hiện trong các buổi sinh hoạt của thanh niên, học sinh sinh
viên như Frère Jacques, Au clair de la lune, Vive le chameau,... hoặc
bài hát động viên thanh niên như Debout, belle jeunesse của Parmentier...
Ở các phòng trà, tiệm nhảy đã phổ biến các vũ điệu
như tango, valse, fox-trot,...với những ban nhạc nhẹ hòa tấu...
Âm nhạc phương Tây được
giới thanh niên Tây học coi trọng, bởi hệ thống lý thuyết
đã được đúc kết một cách khoa học, như phương pháp ký
âm, nghệ thuật hòa âm và phối khí v.v... Tầng lớp thanh
niên ham mê âm nhạc phương Tây, ngoài những người có điều
kiện để theo học các cơ sở đào tạo âm nhạc, còn lại,
thường tự học qua tài liệu, sách báo về âm nhạc của
Pháp. Những bản nhạc đang thịnh hành, những tuyển tập
tác phẩm cổ điển, giáo trình học nhạc cụ và nhất là
các tài liệu giảng dạy lý thuyết âm nhạc như hòa âm, phối
khí, sáng tác âm nhạc phổ biến thời bấy giờ như: La Musique
et Les Musiciens, Cours de Composition Musicale v.v... của các tác
giả Pháp như A. Lavignac, E. Durand, F. Marmontel...đều được
giới trẻ Việt Nam quan tâm.

Trong những con đường du nhập
âm nhạc phương Tây qua các phương tiện trên, có một dòng
ca khúc trong phong trào cách mạng của nhiều nước châu Âu
từ trước và sau cách mạng tháng Mười Nga, như: Nhà máy
đứng lên mau (Đức), Thanh niên xích vệ (Pháp)...
Trong đó, kể cả bài Quốc tế ca (L’internationale) ra
đời trước đó trong thời kỳ Ba lê công xã 1880... Những
bài ca mang tính đấu tranh, hùng tráng theo phong cách hành khúc
châu Âu này đã "có sức lan tỏa sâu rộng trong nước và
trong phong trào cộng sản quốc tế... Dòng ca khúc cách mạng
trên đã thâm nhập vào các thành thị và nông thôn Việt Nam
thời thuộc Pháp thông qua sách báo bí mật, qua những người
cộng sản Việt Nam hoạt động trong nước và nước ngoài"... [38]
2.5. Âm nhạc phong trào Hướng
Đạo
Hướng đạo Việt Nam được
thành lập chính thức năm 1930, sinh hoạt theo phương pháp giáo
dục thanh thiếu niên của Hiệp hội Hướng đạo Pháp. "Nội
dung hoạt động của phong trào rất phong phú, mang nhiều tính
chất sư phạm, giáo dục bồi dưỡng cho lớp trẻ tính kỷ
luật, óc tổ chức, ý thức tập thể, tinh thần vị tha, lòng
yêu nước... ca hát chiếm một vị trí quan trọng trong
mọi sinh hoạt của Hướng đạo sinh thời bấy giờ"[39]
... Cùng với việc được học âm nhạc, ca hát trong các trường
Dòng, trường bảo hộ...thì phong trào Hướng đạo là nơi
mà thanh thiếu niên Việt Nam tiếp cận với lối hát tập
thể của những bài hát trong phong trào Hướng đạo sinh quốc
tế với những bài dân ca Pháp, Scotland như Frère Jacques,
Au
clair de la lune,
La Joie Scoute, Auld Lang Syne, v.v...
Nhiều bài ca hướng đạo quốc tế đã được phổ lời Việt
như tập "Đời Vui Sướng" của ông Phạm văn Xung, trưởng
đoàn Lê Lợi Hà Nội và tập "Tiếng Chim Ca" của Lưu Ngọc
Văn và Đào Văn Thiết đã được xuất bản từ cuối thập
niên 30. Ông Phạm Văn Xung không chỉ soạn lời ta cho điệu
Tây, mà còn soạn lời cho giai điệu các sáng tác mới của
một số người Việt, như Trần Ngọc Quang trong Hội kịch
Bắc kỳ với bài "Đường trường" đăng trên Ngày Nay số
129, ngày 24/9/1938, và bài "Đám mây hàng" của Phạm Đăng Hinh
đăng trên Ngày Nay số125, 28/8/1938.
Bài hát hướng đạo là một
yếu tố rất có ảnh hưởng trong giáo dục âm nhạc phổ
thông đối với những người Việt lớn lên trong những năm
1920 và 1940. Bởi vì, Âm nhạc hướng đạo Việt Nam đề cao
những giai điệu trong sáng, vui tươi, lành mạnh, mang tính
hành khúc, giáo dục thanh thiếu niên lối sống khỏe, hợp
đoàn, yêu thiên nhiên, sông núi... Cho nên, không chỉ khép
kín trong các buổi sinh hoạt chính thức của Hướng đạo
sinh, mà rất nhiều bài ca vui khỏe đó, đã trở thành những
bài ca tập thể trong học đường. Ví dụ: Bài ca Tạm biệt,
Vui ca lên, Giờ chơi đến rồi v.v...
Bằng những con đường này,
âm nhạc Pháp - châu Âu thâm nhập vào Việt Nam, đã tạo nên
những bước đi, tiền đề vững chắc cho con đường hình
thành dòng Tân nhạc Việt Nam về sau. Tương tự như âm nhạc
Công giáo, phim ảnh... âm nhạc Hướng đạo bắt đầu bằng
sự tiếp xúc với các bài hát Hướng đạo nước ngoài, đến
việc dịch ra tiếng Việt, rồi soạn lời mới cho các điệu
hát ấy (phong trào "Lời ta điệu Tây) và cuối cùng, là sáng
tác bài hát mới của Hướng đạo sinh Việt Nam. Đặc biệt,
âm nhạc Hướng đạo Việt Nam đã tạo nên trong lịch sử
âm nhạc mới Việt Nam một thể loại Hùng ca, mà những năm
của thập niên 40 đã đi đầu trong phong trào sáng tác theo
phong trào "Thanh niên - lịch sử". Tiêu biểu là Hoàng Quý với
nhóm "Đồng vọng" bao gồm cả Lưu Hữu Phước, Văn Cao, Ðỗ
Nhuận...
(Hết
phần I)
|