Chim Việt Cành Nam
Trở về
Trang chủ
Tác giả
PHẠM THIÊN THƯ - Thơ tình tăng

Thu Tứ

Có lẽ Phạm Thiên Thư không phải là nhà sư đầu tiên làm thơ tình. Nhưng ông là nhà sư làm thơ tình nổi tiếng đầu tiên. Tiếng nổi đáng lắm, vì thơ vừa hay vừa lạ.

Thơ ấy có gì lạ? - Nó nhẹ như khói, lãng đãng như sương, tuy chứa những cảm xúc yêu đương rất đỗi thiết tha.

Lời yêu của người đi tu khói sương đến nỗi tưởng ta có thể nói nó đã thêm được một "kích thước" cho thơ tình. Chẳng phải khi lần đầu lời ấy khe khẽ cất lên, ta biết ngay mình đang nghe cái gì đó chưa nghe? Và chẳng phải sau đó ta dễ dàng tưởng tượng nếu lời ấy bỗng dưng biến mất, ta sẽ ngẩn ngơ, thấy như cả không gian thơ tình bỗng hẹp mất đi một chiều?

*

Lời như vừa nói thì có cần hình thức gì thực là mới mẻ đâu, nên những câu thơ bay ra từ sau cửa thiền đây chúng đều là hoặc sáu tám hoặc bảy chữ hoặc năm chữ hoặc bốn chữ, nghĩa là đại khái như thơ Mới thôi. Về thơ bốn chữ thì tuy từ thời tiền chiến, như Hoài Thanh nhận xét, nó đã được nâng cấp từ vè lên thơ "nghiêm chỉnh" rồi (1), nhưng thiết tưởng đến Phạm Thiên Thư thì nó mới có được nhiều ví dụ vừa "nghiêm" vừa hay. A, những cái câu bốn nho nhỏ nhè nhẹ rơi rơi ấy của người thi tu sĩ hay tăng thi nhân này, chúng đã thoát hẳn cái tiền kiếp vè, sớ Táo quân rồi, đọc chúng, ta không thấy có gì tếu táo cả, mà thường được bâng khuâng một cách rất thơ...

*

Cảm xúc trong thơ tình Phạm Thiên Thư nẩy sinh trong hoàn cảnh nào nhỉ? Có phải thực ông đã vừa tu vừa yêu không?

Phạm Thiên Thư học xong Tú tài mới vào chùa. Vừa tu, ông vừa hồi tưởng về tình yêu thời học trò mà làm thơ. Và hình như, cùng lúc, nơi lòng một người bên trong cửa thiền cũng có ra đời những cảm xúc yêu đương mới... Mình thấy mình có điều lạ, bèn "hỏi con vạc đậu bờ kinh / cớ sao lận đận cái hình không hư", thì nghe "vạc rằng: thưa bác Thiên Thư / mặc chi cái áo thiền sư ỡm ờ"...

"Chi", chắc một mình "bác" biết thôi. Người khác không thấu tâm sự, chỉ biết e ngại giùm: hồi tưởng thôi là đã rắc rối rồi, thế mà lại còn..., làm sao đắc đạo được? Xin ai chớ khá bận tâm: ở cuối Động hoa vàng có câu "vào hang núi nhập niết-bàn", tức là "thiền sư hỏi vạc" vẫn có lòng tự tin vào lối tu rất lạ của mình. Dù sao, người chỉ mặc áo nâu có mười năm. Không hiểu sao, thôi tu xong thì tuy hẳn vẫn còn yêu mà thi sĩ hình như không làm thơ nữa...

*
Lối tu của Phạm Thiên Thư đặc biệt "nên thơ", mà không phải chỉ nên thơ tình không thôi đâu. Sau đây là một số bài tiêu biểu cho cụm "tình tăng". Dịp khác, chúng tôi xin sẽ đọc những thi phẩm giá trị chứa những nội dung khác.

Ngày xưa Hoàng Thị...

"Em tan trường về / Ðường mưa nho nhỏ / Chim non giấu mỏ / Dưới cội hoa vàng / Bước em thênh thang / Áo tà nguyệt bạch / Ôm nghiêng cặp sách / Vai nhỏ tóc dài / Anh đi theo hoài / Gót giầy thầm lặng / Đường chiều úa nắng / Mưa nhẹ bâng khuâng / (...) / Dáng em nho nhỏ / Trong cõi xa vời / Tình ơi tình ơi!". Khi "đi theo hoài" thì "anh" chưa tu... Nhưng mười năm sau, tuy đã vào nương cửa Phật, khi "tình cờ qua" đoạn đường từng lẽo đẽo, "anh" vẫn cứ tự nhiên "ngắt chùm hoa" (chắc giống chùm ngày xưa đã "trao vội" cho "Ngọ" "ép vào cuối vở") rồi đứng giữa phố "mà thương mà nhớ"... "Tìm xưa quẩn quanh", tìm mãi tìm hoài chẳng thấy "vết chân tình", thấm thía cái nghĩa vô thường trong lời Phật dạy, áo nâu khe khẽ: "... ơi ...ơi!"!

Hạ hoa

"Đêm nghe mưa nhỏ / Động mái lều thơ / Dưng nhớ người xưa / Áo vàng thuở nọ / Người tình nho nhỏ / Nhỏ mãi trong ta / Như chùm hạ hoa / Buồn ơi, đốt thuốc / Lần trang sách nhòa / Này những đóa hoa / Ép từ hạ cũ / Tưởng em tóc rũ / Trong dòng mưa sa". Mưa đêm, nhất là mưa nhỏ, vẫn có cái lối bay ở ngoài trời rồi bay luôn vào tận lòng những người đang ngồi với chỉ cái bóng của mình... Lòng có mưa vào, nếu là lòng thi nhân, thì tất một lúc sau sẽ có thơ rơi ra... Đêm nghe thơ cũ / Động đáy lòng ta... Ô hay, mình chỉ đọc thơ người thôi mà sao cũng "dưng nhớ" như chính người rồi!

Áo thu

"Xưa em phơi áo giữa thu phong / Lá vàng cài trên lụa rực hồng / Nay áo đã cuốn về thiên cổ / Lá vàng bay lạnh nỗi niềm không". Trời thu xưa với trời thu nay chỉ khác nhau ở chỗ một đằng có "lụa rực hồng" trên dây, một đằng không, thế mà xưa ấm nay lạnh. Chỉ là "áo em phơi", mà như là mặt trời của "anh"!

Bâng khuâng

"Chồng em khắt khe / Không cho em về / Nhớ mẹ quê xa / Xanh xao vườn cải / Nhớ anh thôn hoa / Vất vương nắng tái / Nghĩ ai còn chờ / Lòng sao ái ngại / Vin chùm hoa dại / Chiều nay bâng khuâng / Mình gái có chồng". "Mình" đi lấy chồng đã giấu "ai" hay sao mà "nghĩ ai còn chờ"? Trai (chắc chưa vợ) chờ, "gái có chồng" nhớ, "khắt khe" là phải lắm, "chồng em" ơi!

Em lễ chùa này

"Đầu mùa xuân cùng em đi lễ / Lễ chùa này vườn nắng tung bay / Và ngàn lau vàng màu khép nép / Bãi sông bay một con bướm đẹp / Mùa hạ qua cùng em đi lễ / Trái mơ ngon đồi gió mơn man / Từ lò hương làn trầm nghi ngút / Khói hương thơm bờ tóc em rờn / Rồi mùa thu cùng em đi lễ / Có con chim đậu dưới gác chuông / Hòa lời ca vào làn sương sớm / Gió heo may rụng hết lá vàng / Vào mùa đông cùng em đi lễ / Lễ chùa này một thoáng mưa bay / Và ngoài sân vài cành khô gẫy / Gió lung lay một cánh lan gầy / Tàn mùa đông vào chùa bỡ ngỡ / Tiễn đưa em trong áo quan này / Từng cội hoa trầm lặng thương nhớ / Tóc em xưa tơ óng như mây / Vườn chùa đây vào nằm trong đất / Nép bên hoa ôi những hoa vàng / Vườn đào tơ chập chờn cánh bướm / Bướm khua râu ngơ ngác bay ngang / Mộ của em mộ vừa mới lấp / Có con chim nào hót trên cây / Lời của chim chìm vào tiếng suối / Suối xanh lơ buồn khóc ai hoài / Rồi từ đây vườn chùa thanh vắng / Đến thăm em ngày tháng qua mau / (...)". Xuân hạ thu đông, có mơ có đào, đất Bắc đây. Nhưng sao lại có cả mai? Ờ, thiền sư sinh Bắc còn "trưởng" thì vào Sài Gòn năm 14 tuổi nên nửa Bắc nửa Nam đấy. Thế những lau với bãi sông với đồi với suối? Không biết đó cũng là hồi ức đất Bắc, hay người đã từng lên cao nguyên Trung bộ... "Cùng em" đủ bốn mùa mới phải "tiễn đưa"... "Em" là tăng hay tục, là ni hay "cô" nhỉ? Nếu em trong cửa tam quan thì làm sao đi lễ với "anh" được? Mà nếu em ngoài cửa tam quan thì sao lại "vào nằm trong đất (...) vườn chùa"? Dù sao, "Một nụ mai vừa nở trong nắng / Hỡi em ơi mây đã qua cầu"... Thơ mà như nhạc! (Nên có người họ Phạm khác đem thơ làm nhạc!)

Vàng tay

"Nước vẫn trôi đi / Bao giờ ngơi nghỉ / Tình ta chung thủy / Chẳng như dòng này / Đâu em có hay / Buổi chiều hôm nay / Ta châm điếu thuốc / Nhớ dài ngón tay". Cứ "buồn ơi, đốt thuốc" buổi chiều này buổi sáng kia buổi tối nọ, bảo sao chẳng... "Ngón" đã dài, và hẳn cả vàng nữa, mà "đâu em có hay"...

Hạ ca

"Tóc xõa em về nghiêng nón hoa / Gió đùa tung dải áo thiết tha / Chân hồng lãng đãng trên đường phượng / Tiếng guốc rơi thành khúc hạ ca". Guốc rơi thành "hạ ca", chân hồng lãng đãng chắc thành "hạ vũ". Tai nghe ca, mắt trông vũ, Bụt ơi!

Vết chim bay

"Ngày xưa anh đón em / Nơi gác chuông chùa nọ / Con chim nào qua đó / Còn để dấu chân in / (...) / Mười năm anh qua đó / Còn vẫn dấu chân chim / Anh một mình gọi nhỏ / Em ơi biết đâu tìm / (...) / Ngày xưa em qua đây / Cho tình anh chớm nở / Như chân chim muôn thuở / In mãi bực thềm rêu / Cõi người có bao nhiêu / Mà tình sầu vô lượng / Còn chi trong giả tướng / Hay một vết chim bay". Chim có đậu nơi gác chuông, nên mới "còn để...". À, nhưng rêu rất giỏi xóa dấu, bất cứ thứ dấu gì, không biết tại sao đây lại "mười năm (...) còn vẫn", thậm chí "muôn thuở", "mãi"?... Thiết tưởng nếu có cái gì còn mãi sau "ngày xưa", thì đó là cái "vết" mà "tình sầu vô lượng" trong lòng "anh" đã in trên thi ca Việt Nam...

Uống rượu

"Hoàng hôn ven suối / Vàng lau lách bay / Đôi con bướm nhỏ / Vẩn vơ rong ngày / Nhớ chiều hạ nọ / Dan díu bàn tay / Lòng anh ngây ngất / Làn hương tóc mây / Giờ ai thèm nhớ / Họa chăng cỏ cây / Bên suối uống rượu / Buồn hoài quên say". Chiều, ngồi trông bướm bay bờ suối, nhớ tay "dan díu" nhớ tóc tỏa hương, rồi ngây ngất, rồi tì tì mà "quên say" vì "tình sầu vô lượng". Chao ơi, một lối tu!

Áo lụa

"Một sợi tóc biếc / Dài như mưa thu / Lẫn trong sương mù / Guốc nào động nhỏ / Hoa nào rơi thưa / Ai kia áo lụa / Bước đi chần chừ". Một bức tranh, một đoạn phim, gần như trừu tượng... Kỷ niệm mà, làm sao khỏi "lãng đãng như gần như xa", như ma!

Ngập ngừng

"Nàng xếp lụa đào / Vào rương nho nhỏ / Còn anh quần áo / Nửa đời lung tung / Muốn nhờ tay nọ / Lòng sao ngập ngừng". Đây không phải là thời học trò, vì khi ấy đời còn lâu lắm mới được nửa. Kể ra, đến cuối thời đi tu thì đời cũng vẫn chưa được nửa, nhưng hẳn là thời ấy thôi. Cớ sao "ngập ngừng"? Chắc vì ngoài quần áo, anh còn chuông và mõ, chẳng lẽ lại "nhờ tay nọ" xếp cả vào luôn hay sao...

Chiếu hoa

"Em lạc về rao bán chiếu hoa / Ta vốn e con gái đàn bà / Mua chiếc chiếu trải nằm uống rượu / Em vô tình trao nỗi thiết tha". "Em" trao chiếu, mà "ta" lại ôm về "nỗi thiết tha"! Nằm trên thiết tha mà phá tửu giới, chắc có mau hết "e con gái"...

Động hoa vàng (đoạn 57)

"Dù mai lều cỏ chân trời / Khơi hương lò cũ khóc người trong thơ / Em còn ửng má đào tơ / Tóc xưa dù có bây giờ sương bay". "Khơi" rồi nương theo "hương lò cũ" mà bay về miền quá vãng, nơi có "má đào tơ ửng". "Em" vẫn nguyên vẹn đây, nếu nơi miền hiện tại "sương" có "bay" thì sao chứ? Ờ, nhưng chắc cũng có sao, nên mới "khóc".

Tà dương

"Ta dong xe ngựa / Ven núi tà dương / Áo em phớt hường / Trong chiều nắng quái / Gò cương ngựa lại / Chào em bên đường / Tay vẫy tà dương / Em là triêu dương". Có xe ngựa, có núi, vậy hoặc là Đà Lạt hoặc là đâu đó Tây Nguyên. Tưởng tượng một áo nâu phấp phới trông thấy "áo phớt hường" đằng xa bèn... Mặt trời trên trời xuống, nhưng có "mặt trời em" lên, chiều muộn mà đất mỗi lúc mỗi sáng thêm y như bình minh!

Gò đào

"Tóc cưng xỏa biếc / Tà áo bông đào / Tay em hồng thạch / Đôi nhành thanh cao / Nhận quà anh trao / Tập thơ nho nhỏ / Má em ửng đỏ / Hai gò chiêm bao / Thương ơi độ nào". Đã có tập thơ, thì hẳn "anh" đã vào chùa, thế mà vẫn "trao"... Nhận quà của người thường, má của "tóc biếc" còn phải ửng, nữa là của sư! Lúc kinh, lúc "cưng", "ngộ ơi độ nào"!

Nửa đêm

"nửa đêm trở lạnh / nghe chim ngoài sông / ai đắp chăn hồng / cho em đêm nay / thương em đốt thuốc / đốm lửa hồng tay / trong gian lều nhỏ / lặng nghe gió bay". "Em" chứ phải em bé đâu, mà "đắp cho"! Nhưng "thương" chứ đâu phải yêu, mà tưởng đến đắp cùng. "Nửa đêm, giờ Tí, canh ba", "trong gian lều nhỏ" không có nhớ nhung da diết làm hồng mặt, chỉ có đốm lửa thuốc làm "hồng tay"... Trời trở lạnh, "thương em" ngồi nghe gió nghe chim, có nghe con vạc bay qua nó hỏi "mặc chi cái áo thiền sư" không, hả "bác Thiên Thư"?

Biếc phố

"Lắng nghe từng sợi mưa dài / Cơn mây xõa tóc bên ngoài hè xanh / Hạt nào biếc phố long lanh / Hạt nào cẩn ngọc trên nhành tay hương / Lắng nghe ủ rũ con đường / Mùa thu lấp ló trên tường rêu hoang / Lắng nghe đôi ngọn lá vàng / Xạc xào như tiếng thời gian thở dài / Lắng nghe đôi cánh mày ai / Dường như đậm nét cảm hoài bâng khuâng / Lắng nghe hồn nhẹ lâng lâng / Cảm ơn! Từng sợi tóc bồng bềnh mưa". Mưa là hạt, hạt thì "long lanh", thì "cẩn", mắt tha hồ thấy... Mưa có khi trông như sợi, sợi thì được "lắng nghe"... Nhưng người ấy có chỉ lắng nghe sợi mưa đâu... Con đường ủ rũ, thời gian thở dài, "đôi cánh mày ai...", ấy thế mà hồn lắng nghe rồi "nhẹ lâng lâng", rồi "cảm ơn" tóc! "Hạt nào biếc phố long lanh" / Phố nào biếc hạt mưa xanh một thời...

Tỏ tình

"tôi nhìn qua nhà em / như chờ ngôi sao mọc / nàng tiên nào đã khóc / để vương hạt lệ xanh / ngôi sao vướng trên cành / hóa thân - làm em đó / ôi! một ngôi sao nhỏ / sáng mãi trong lòng tôi / từ thủa nào xa xôi / mấy xuân thu vàng võ / thầm mến người em nhỏ / mà thốt chẳng nên lời / như sao giữa vòm trời / biết đâu tôi nhìn ngắm / em là bông hồng thắm / nở giữa trái tim thơ / là sao của giấc mơ / sáng muôn ngàn cung điệu / em như nhành liễu yếu / buông xanh mát lòng người / (...)". Ờ nhỉ, ngôi sao dù đang "vướng trên cành" hay tự do "giữa vòm trời" đâu biết đang có "tôi nhìn ngắm". Mà "nhành liễu yếu" buông mái tóc xanh phơ phất cũng nào ngờ mình có đang làm "mát lòng" ai... "Em" là thứ sao sáng nên nhạc, "yêu em vô cùng tận / mà khó thốt nên lời"... Hình như khi ấy "tôi" chưa đi tu, tại sao thấy thốt là khó? Chắc vì cũng như rất nhiều người trong tuổi học trò, trước sau chỉ có "thầm mến" ai đó mà thôi...

Thị trấn hồng

"thung lũng trắng sương mù / thị trấn hồng mái cỏ / chiếc xe bò qua đó / cọc cạch từng nan hoa / có một gánh hàng hoa / quẩy sương vào phố chợ / đôi bướm vàng bỡ ngỡ / đập cánh vờn theo chân / có hơi thở mùa xuân / nấp trong tà áo trắng / có mắt nhìn thầm lặng / theo tiếng guốc ròn tan / mặt trời đóng dấu than / trên đỉnh đồi gỗ biếc / sương hồng neo tấm thiếc / cong một chữ "Cà-phê" / cỗ xe bò lăn về / bên sườn đồi rạn lục / trong khu vườn bạch cúc / lạnh một tiếng sơn ca / sương mù dần tan ra / thị trấn hồng như mộng / một rừng tùng âm động / ngân một bản tình ca". Ai đi đâu mà tinh mơ đánh xe bò vào "thị trấn hồng"? Thấy "tà áo trắng" mà chỉ "mắt nhìn thầm lặng" chứ không như bướm vờn hoa, hỏi còn ai nữa! Không biết có phải vì khi vào tai "ai" được nghe "tiếng guốc ròn tan" mà trên "cỗ xe bò lăn về", lòng "ai" nghe được "một bản tình ca" trong tiếng thông reo?... Nghe vần reo vui, cũng thử gieo vần: rời non xuống lũng sớm mai / ngẩn ngơ thầm lặng áo ai bay tà / sương tan hồng mộng phố nhà / rừng thông dạo khúc tình ca xanh ngời... Gieo lần nữa: nan hoa cọc cạch theo hoa / ròn tan guốc gõ tung tà áo xuân / mù tan phố chợ hồng bừng / xanh ngời sương gội thông lừng vui reo...
 

Viết năm 2011
Sửa gần nhất tháng 3-2021