Chim Việt Cành Nam
Trở về
Trang chủ
Tác giả
Ông Cống Thanh Hóa
Phí Ngọc Hùng

Nghe hơi nồi chõ khu Khâm Thiên, trong ngõ Văn Chương có quán nhậu chữ nghĩa trên vỉa hè. Ở đấy có một vài sĩ phu Bắc Hà nói chuyện văn chương thiên cổ sự vui nổ trời. Bèn lọ mọ tới quán liêu xiêu hóng hớt chuyện kỳ cổ thì...

Thì vừa ngửa cổ tợp một ngụm bia hơi, cấu vào mắt có một giả nhân gật gừ đi tới. Giả nhân đây tuớng rất bạm, mặt mày nham cổ, chít khăn đầu rìu, quần xắn móng lợn, bạ xuống ngay trước mặt tôi. Tịch bất tọa rồi, giả nhân há mồm gọi đĩa tiết canh chó. Làm như không có một tôi ngồi đấy. Giả nhân lôi trong bị cói ra hai hòn đá kỳ và cái điếu cầy, ve vé mắt nhìn cối bia của tôi mà rằng:
- Bỉ nho là ông Cống Thanh Hóa, mỗ danh Cống Quỳnh.

Đang ớ ra vì cái tên có tạng người muôn năm cũ. Dòm hòn đá kỳ để...kỳ cọ, ngộ chữ tôi lây lất qua "da trắng vỗ bì bạch" với người xưa cảnh cũ nào đâu tá:
- Tôn ông với bà...
- Tôn ông với Tôn Ngộ Không khỉ gì. Cứ gọi ông là xong tất.
Và "ông" văn dĩ tải đạo rằng thời buổi này nói năng đéo lắt, bụi bụi một chút cho có nhang đèn hương khói. Xong, ông quẹt quẹt hai viên đá tóe ra lửa và mồi thuốc.
Tôi ngớ ra vì một là tha hương ngộ cố tri, gặp ông ở quán nhậu văn chương đây. Hai là hồi nhỏ đọc Truyện Trạng Quỳnh. Bởi nhẽ ấy, mượn miếng trầu là đầu câu chuyện, tôi mang chuyện ông và bà Đoàn Thị Điểm tiếp sứ nhà Thanh để làm quà...
Sứ nhà Thanh sang nước ta, vua Lê chúa Trịnh tin vào tài ứng đối của Quỳnh, và bà Điểm nên lo việc tiếp sứ tại ải Nam Quan. Quỳnh nhận chèo đò chở sứ bộ qua sông và dựng chiếc quán nhỏ trên bờ để bà Điểm tiếp khách. Một tên trong sứ bộ nhác trông cô hàng nước xinh tươi ít thấy, bèn bỡn cợt:
- Nam bang nhất thốn thổ, bất tri kỷ nhân canh.
(một tấc đất nước Nam không biết bao nhiêu người cày).
Bà Điểm đang nhai trầu, nhổ toẹt một bãi nước cốt xuống đất, nói trống không:
- Bắc quốc chư đại phu, giai do thử đồ xuất.
  (bọn quan to ở nước phương Bắc đều từ chỗ ấy mà chui ra cả).
Tiếp đến Quỳnh đang chèo, vạch quần đái...Nhưng gượm cái đã, vì....

Vì được thể ngộ chữ tôi gối đầu trên giá sách...
Bà Đoàn Thị Điểm sinh năm 1705, mất năm 1748, tổ quán ở Bắc Ninh. Bà là con ông Đoàn Doãn Nghi, tổ tiên vốn họ Lê (xem tr 6), sau đổi họ Đoàn. Khi hỏng thi Hội, ông ở lại kinh đô dạy học rồi cưới thêm thứ thất ở phường Hà Khẩu, và sinh được hai con là Đoàn Doãn Luân, Đoàn Thị Điểm. Thân phụ mất, bà cùng anh tới Hưng Yên nơi anh bà mở trường dạy học. Có lần ông Luân thấy bà Điểm ngồi soi gương, ra vế đối: Đối kính họa mi, nhất điểm phiên thành lưỡng điểm, nghĩa "soi gương vẽ mày, một nét hóa thành hai nét". Chữ điểm tên bà Điểm, còn có nghĩa nữa "một bà Điểm hóa hai bà Điểm". Lúc ấy, ông Luân đang ngồi trên cầu ao rửa tay, bà liền đối lại: Lâm trì ngoạn nguyệt, chích luân chuyển tác song luân, nghĩa "ra ao ngắm trăng, một vầng chuyển hai vầng". Chữ luân tên của ông Luân, có nghĩa khác "một ông Luân hóa hai ông Luân".

Bởi lấy ngắn nuôi dài, ngộ chữ tôi bòn gio đãi sạn tiểu sử ông "bỉ nho" thế này:
Nguyễn Quỳnh là một danh sĩ thời Lê-Trịnh. Quê làng Bột Thái, tỉnh Thanh Hóa. Thi Hương đỗ đầu bảng, nhưng thi Hội nhiều lần bị hỏng nên được gọi là ông Cống. Sách Đăng khoa lục sưu giảng có ghi: "Cống Quỳnh là người từ chương nổi tiếng ở đời, nói năng bàn luận kinh người, sở trường về văn thơ Nôm".
Nhưng bất nghi bất ngộ tôi...ngộ ra ông "bỉ nho" đây chắc gì là Cống Quỳnh!.
Bèn lưỡi đá miệng:
- Nghe nói ông là Nguyễn Quỳnh, sinh ngày 26.10.1677, mất ngày 26.2.1748. Vì đỗ thi Hương nên gọi là ông Cống?
Múc mảng tiết canh vào bát, ông vén mồm:
- Cậu nói gì vấy.
Không dùng đũa, nghiêng bát húp tiết canh cái rột, miệng lụng bụng:
- Tớ cũng nghe nói thế.
Vừa ngồm ngoàm, ông vừa ba điều bốn chuyện ăn uống phải trở về với dân tộc tính, phải ngồi đầu gối quá mang tai, phải xụp xọap như heo xục cám, nhai xương phải nhai rau ráu như chó gặm. Uống bậm rồi, ông gọi cối bia hơi và gật đầu tắp lự:
- Mà cậu hỏi đếch gì mà hỏi khó vậy!

Trộm vía ông "bỉ nho" chứ...chứ gì mà "tớ với cậu" chả nho phong sĩ khí ra dáng ông Cống Tây Đô bình văn luận phú cho mấy. Bởi bắt buồm coi gió, cầm lái dõi sông nên bất nghi bất ngộ tôi trở lại với giai thoại sông nước...
Ở bến đò đón sứ bộ nhà Thanh, Quỳnh giả làm lái đò. Đò ra giữa dòng sông xuôi theo con nước cứ thế mà đi. Đi được nửa đường một tên trong đoàn sứ bộ hổng ruột, lỡ xổng ra một tiếng..."bủm". Hắn ta sượng mặt, đọc một câu chữa thẹn:
- Lôi động Nam bang.
  (sấm động nước Nam)
Quỳnh đang chèo, liền đứng thẳng, vạch quần đái vổng cần câu xuống nước, nói:
- Vũ qua Bắc hải
  (mưa qua bể Bắc)

Kể lại giai thoại trên, theo bất nghi bất ngộ tôi ông có đỗ thi Hương cũng chỉ là quan huyện là hết đất. Thế nên ông không thể nào được cử đi đón sứ Tàu.
Nghe thủng rồi, mặt ông như bát tiết canh sũng nước và đờ đẫn cười:
- Cậu chỉ nói nhăng cho lấy được chả biết đếch gì sất.
Tiếp, ông lấy cái đũa quẹt ngang mồm  chùi miệng và miệng khô rong róc:
- Để tớ nói cho cậu nghe nhá...

Tôi vạy vọ nhá nhem cách mấy ông cũng chả biết quái gì, vì chuyện ông đi đón sứ Tàu thì ở ải Nam Quan có con sông nào đâu để ông chèo đò, lại còn...đái vổng cần câu nữa. Vả lại chuyện đón sứ nhiêu khê lắm chứ đâu có bỡn. Nhiễu sự đây, ngộ chữ tôi ăn mày chữ nghĩa của cụ Ngộ Không nào đấy trong Thứ nhất đi sứ, thứ nhì di quan.
Cả ngàn năm nay, sứ bộ Tàu trước khi đến Thăng Long, ta tiếp họ ở bên này ải Nam Quan, tức ở Lạng Sơn. Vì ở đây có Biện sự sứ là nơi họ chờ người của ta đưa đường. Ta tiếp sứ Tàu vất vả lắm, trên đường phải cáng võng cho họ, lập nhà trạm nghỉ ngơi hay dịch trạm để phục dịch cơm nước, tắm rửa và lo bến (nhà xí). Đụng đến "tắm rửa", tôi vun chuyện nhân bà Điểm đang tắm, ông đứng ngoài đòi vào xem cho bằng được. Bà Điểm ra câu đối Da trắng vỗ bì bạch nếu đối được mới cho vào. Nhưng may quá là may ông bí lù để...lưu danh thiên cổ với giai thoại ấy qua văn học sử.
Mặt ông chưng bửng một hồi lâu như có gì suy nghĩ lung lắm. Rồi kheo khảy :
- Cậu biết quái gì. Chỉ nói bừa là giỏi.
Chưa kịp cãi inh lên, mắt ông đảo tít như lạc rang...Và khụng miệng:
- Tất cả vì văn học sử của cậu...bịa ra tất!

Mắt ông đảo tít như lạc rang ới thêm hai cối bia nữa. Tai như tai đất tôi nghe "bịa" như..."bia", bèn nhấp bia từng ngụm một cho đã điếu để căng tai nghe ông bịa...
- Giả thử tớ là Nguyễn Quỳnh sinh năm 1677. Bà Điểm sinh năm 1705, khi ấy tớ 28, bà ta chưa oe oe chào đời thì...thì bì bạch ở khổ nào!
Vồ được câu đối lưu danh thiên cổ vừa rồi, tôi đành tương đắc tương bần với ông đó chỉ là giai thọai. Chả là các cụ nhà nho ta xưa thẩn thơ nên chỉ có cái thú...thơ thẩn. Thời ấy làm thơ xong các cụ chuyền tay nhau đọc. Câu đối cũng vậy, đại thể cái thú "chơi chữ" như "con cá đối nằm trên cối đá". Gặp câu đối thuộc thể loại phong tình cổ lục "da trắng vỗ bì bạch" chẳng hạn, để tránh vạ miệng các cụ gán ghép cho bà Đòan Thị Điểm để thành giai thoại thế đấy.

Thế nhưng tôi ngọng trông thấy, vì lóng ngóng với cái "cối đá" mất bu nó...cối bia. Bất nghi bất ngộ tôi bèn ngộ chữ với ông. Nếu như Nguyễn Dữ có Truyền kỳ mạn lục, Phạm Đình Hổ có Tang thương ngẫu lục. Thì bà Đoàn Thị Điểm có Truyền kỳ tân phả. Trong "Truyền kỳ tân phả" kể nhờ bà Đoàn Thị Điểm sống với dưỡng phụ ở phường Bích Câu mới sáng tác được truyện truyền kỳ Bích Câu kỳ ngộ. (1)

Truyện "Bích Câu kỳ ngộ" xảy ra vào đời Lê. Chàng thư sinh nghèo, tên Tú Uyên, nhân tiết  xuân, đi chơi hội  chùa Ngọc Hồ, chợt thấy một thiếu nữ nhan sắc tuyệt trần đi qua, vội rảo bước theo đến đình Quảng Văn không thấy đâu nữa. Ngơ ngẩn mấy ngày, Tú Uyên tìm đến đền Bạch Mã (phố Hàng Đường) cầu mộng thì được thần nhân thác mộng cho biết cứ ra chợ Cầu Đông(cũng ở phố Hàng Đường) sẽ gặp được người mơ ước. Đến nơi, thấy một cụ già bán tranh tố nữ, tranh vẽ cô gái giống hệt người hôm nọ. Tú Uyên mua về treo ở phòng học, đến bữa cơm, người trong tranh dọn chén đũa, mời mọc, chuyện trò với Tú Uyên như người thật vậy.
Ngộ chữ tôi câu bớt chữ thừa với ông Tú Uyên gặp cụ già bán tranh vẽ Giáng Kiều ở chợ Cầu Đông tại phường Bích Câu. Bởi Giáng Kiều ắt có đi chợ nên mới có chuyện văn chương thiên cổ sự từ bức tranh bước ra nấu nướng cho Tú Uyên sơi.
Nhờ đấy thiên hạ sự mới hay chợ Cầu Đông xưa, nay là ...chợ Đồng Xuân ăn cắp như ranh.

Làm như không nghe. Ông mặt nhăn quéo lại:
- Văn học sử của cậu đổ vấy cho tớ là Cống Quỳnh, tức Nguyễn Quỳnh chết năm 1748 qua giai thoại Trạng chết chúa cũng băng hà. "Chúa bảo: Có người tiến hải vị, ta cho đòi ngươi vào ăn yến, ngươi không được từ. Vừa nếm một miếng nhà chúa hỏi: Bao giờ Quỳnh chết?. Quỳnh thưa: Bao giờ chúa chết, Quỳnh chết. Ăn xong, Quỳnh thấy trong người khang khác, cáo xin về. Vừa về đến nhà liền tắt thở, được một chốc thì chúa cũng chết". Vậy chứ trong văn học sử của cậu có chúa Trịnh nào ngỏm củ tỉ cùng năm 1748 với tớ không? Cậu thử nói cho tớ nghe...

Thế là tét hết! Bởi ai đấy dựng lên nhân vật Cống Quỳnh, ai đó vay mượn tiểu sử ông Nguyễn Quỳnh, vì không tính ngày tháng nên mới rách chuyện.
Rách chuyện thêm với giai thọai thì...
Thì các nữ sĩ, chỉ vì sách biên sót mà không hay nên nhầm lẫn. Tội vạ do Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến, năm 1915, xuất bản tập biên khảo về nữ sĩ Hồ Xuân Hương với tựa đề Giai nhân di mặc mà không đưa ra xuất sứ hay tác giả nên được coi như truyện ký hơn là một biên khảo có giá trị. Dương Quảng Hàm cũng vậy với bà Huyện Thanh Quan. Riêng Phan Kế Bính trong Nam  hải dị nhân với Giai thoại bà Đoàn Thị Điểm. Phan Kế Bính là người có công trong việc sưu tầm thư tịch, chuyển dịch sang chữ quốc ngữ các giai thoại về bà. Tuy nhiên, còn một số chi tiết hoặc..."đối liên" ông bỏ qua vì khó tin, vì câu chữ..."bất thông" do sao chép nhầm lẫn. Phan Kế Bính đề tựa trong Nam hải dị nhân để giải bày: "Nước ta vì sách biên sót mà không tường. Nhưng ngặt vì  sách thì ít, lưu truyền không rộng, giai thoại truyền khẩu cho nhau, người nhớ khúc này, kẻ nhớ khúc kia, hóa ra nhầm lẫn sai cả sự thực của người xưa".
 

Tôi vừa ăn như cũ ngủ như xưa xong, ông gọi thêm đĩa chả chìa nữa, thế là lại toi tiền. Thêm một lần lòng dạ như xát muối, nhưng bất nghi bất ngộ tôi cũng đành trở lại chuyện các nữ sĩ để hầu chuyện ông. Rằng ông đâu có hay hớm trong mảng văn học miền Bắc qua Xuân Diệu thì:  Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Tú Xương, bà Hồ Xuân Hương và bàĐoàn Thị Điểm là năm nhà thơ lớn nhất trong văn học cổ điển nước ta.  Ấy vậy màgần đây, ông Hoàng Xuân Hãn dựa vào Nguyễn Hữu Tiến ở trên, chuyện xảy ra vào năm 1926, ông Tiến nhận được thư của Phan Huy Chiêm viết ông tổ năm đời của mình là Phan Huy Ích dịch Chinh phụ ngâm. Năm 1952 qua cuốn Chinh Phụ Ngâm bị khảo, ông Hoàng Xuân Hãn khẳng định: Ông Phan Huy Chiêm có những chứng từ gia phả dòng họ Phan ở phủ Quốc Oai, từ thời Tây Sơn với bản chép tay.
Nhưng bà Nguyễn Thị Chân Quỳnh đưa ra ý kiến phản bác.
"...Bác Hoàng Xuân Hãn viết: Hiện nhà họ Phan còn giữ được bản chính, vừa chữ Hán vừa chữ Nôm". Nhưng từ đó, mặc dù nhiều nhà khảo cứu yêu cầu, ông Chiêm chưa từng đưa ra văn bản ấy. Nay tôi được ông Phan Huy Chiêm gửi cho một bản qua một người bạn của tôi. Nhưng tài liệu này lại không có văn bản gốc (nguyên văn thủ bút hay bản khắc ván chữ Nôm đầu tiên của dịch giả)  mà đó chỉ là bản dịch Chinh Phụ Ngâm chữ Latinh(chữ Quốc ngữ) mà thôi.
Sau này ông Nguyễn Văn Xuân tìm ra bản ở Huế tên là Chinh phụ ngâm diễn âm tân khúc mà ông và bác Hoàng Xuân Hãn...đoán là bản của Phan Huy Ích dịch. Tôi dùng chữ "đoán" vì trang cuối bài "Tựa" chỗ đề tên tác giả (hay dịch giả) "bị nhòe" nên chưa thể kể là "bằng chứng" đích xác, mà chỉ là phỏng đoán...".

Cũng với chuyện các nữ sĩ trên, nhưng tôi dấu biến không cho ônh hay. Số là ông Hoàng Xuân Hãn bỉ thử thơ dân gian bà Hồ Xuân Hương nào khác gì chuyện trạng Lợn, trạng Quỳnh. Với bà Đòan Thị Điểm, cuối cùng ngộ chữ tôi đành dựa dẫm vào Chữ nghĩa làng văn của cụ Ngộ Không mặc dù Hán tự có đôi chút ngúc ngắc:
Giữa thế kỉ XIX, trong tập bài giảng ở trường Thông  ngôn, bản Chinh Phụ ngâm diễn âmcủa Trương Vĩnh Ký ghi tác giả là Đoàn Thị Điểm. Cũng trong chiều hướng trên, khoảng vài mươi năm trước đó, đời vua Thành Thái, Vũ Hoạt đã đem mấy quyển thơ nôm cho khắc in tập "Danh gia quốc âm", (A) trong đó có  Chinh Phụ ngâm bị lục với lời tựa: "Đặng tiên sinh sở tác, Đoàn phu nhân diễn âm" (nghĩa  : Đặng tiên sinh làm sách ấy, Đoàn phu nhân dịch ra chữ Nôm).
 
Bản chép tay cuốn Chinh Phụ ngâm bị lục (B) lưu trữ tại Thư viện Đại học Yale, Hoa Kỳ. ‘’Thành Thái, Nhâm Dần cúc nhật. Long Hòa hiệu tàng bản. Thanh Trì Nhân Mục, Đặng Trần tiên sinh Côn trước. Văn Giang Trung phú, Đoàn phu nhân Điểm diễn âm. Thần Khê Đồng Phong thừa thư". Nghĩa nôm: Ngày mùa thu, năm Thành Thái Nhâm dần. Bản hiệu Long Hòa. Đặng Trần Côn tiên sinh ở Thanh Trì, Nhân Mục (1)soạn. Đoàn Thị Điểm phu nhân ở Văn Giang (2) , Trung Phú dịch nôm. Thần Khê Đồng Phong chép lại.

(1) làng Nhân Mục, Hà Đông nơi ông Đặng Trần Côn ngụ cư và mất tai đây. (2) Văn Giang, Bắc Ninh quê của bà Đòan Thị Điểm)

Đây là bản của Maurice Durand chép lại phần chữ Nôm Chinh Phụ ngâm rồi chua thêm quốc ngữ, bản do Vũ Hoạt đặt Long Hòa hiệu in vào đời Thành Thái năm 1902
Nhâm tuất niên tân san Chinh Phụ ngâm bị lục Phúc Văn đường tân bảnbThanh Trì Nhân Mục Đặng Trần tiên sinh Côn trước Văn Giang Trung Phú Đoàn phu nhân Điểm diễn âm Thần Khê Đồng Phong thừa thư.

Bản in của Phúc  Văn Đường năm 1922 sao lại bản của Vũ Hoạt đời Thành Thái.(Thư viện Quốc gia. Bản chụp của Nomfoundation)

(A)"Danh gia quốc âm" gồm ba tác phẩm:  Chinh Phụ ngâm bị lục , Phan Trần và Cung Oán Ngâm.Chinh Phụ ngâm bị lục  được in ở 34 tờ đầu, mỗi trang được chia 3 phần:Trên là phần dẫn giải, chép lại một số bài thơ chữ Hán xưa; giữa là phần Hán văn của Đặng Trần Côn, dưới là phần dịch nôm. Trong lời tựa, Vũ Hoạt có viết: "Đặng tiên sinh sở tác, Đoàn phu nhân diễn âm".

(B)Các bản Nôm xuất hiện đầu thế kỷ 20 về sau đều ghi tên người dịch Nôm là Đòan Thị Điểm khác với các bản cổ.

Nghe thủng tôi thông hanh, thông điếu xong. Ông xoẹt hai hòn đá kỳ nham nhám mồi lửa, ông bắn thêm bi nữa, đùn khói mù mịt. Đợi ông nhả khói đâu vào đấy rồi, ngộ chữ tôi mọt sách, mọt chữ tiếp...
Lúc trẻ, bà Đòan Thị Điểm có tiếng đẹp người, đẹp nết, có tài văn sách. Năm 16 tuổi, bà được Thượng thư Lê Anh Tuấn nhận làm con nuôi, khi ở nhà của dưỡng phụ ở phường Bích Câu,kinh thành Thăng Long, bà có dịp gặp Đặng Trần Côn. Họ Đặng quí mến tài văn chương của bà, nên có gửi đến một bài thơ tỏ ý cầu hôn.
Bà nói đùa với các chị em bạn:
- Ông Cống Đặng, miệng còn hôi sữa lại nói chuyện vợ chồng.
Đặng Trần Côn nghe tức lắm, đem hết tài học bình sinh viết nên tác phẩm Chinh Phụ Ngâm bằng Hán văn theo thể Cổ Nhạc phủ. Viết xong, gửi cho bà Điểm xem, ngụ ý cho bà biết trước đây đã xem thường ông. Lúc này bà đã lấy Nguyễn Kiều, chồng bà đi sứ sang Tàu, bị kẹt lại bên đó vì giặc giã. Với chuyện đi sứ, thêm lần nữa tôi hặm hụi với bài văn khảo Thứ nhất đi sứ, thứ nhì di quan của cụ Ngộ Không viết về khổ nạn đi sứ của các cụ ta nhiều người bỏ xác lại ở bên ấy (sứ thần Giang Văn Minh). Chuyện đi sứ, nào khác gì lính thú chinh chiến ngoài biên thùy, tâm sự của nàng chinh phụ giống tâm sự của bà lúc đó. Với tâm hồn của một nữ sĩ nhậy cảm, bà đem xúc cảm diễn Nôm Chinh phụ ngâm sang Chinh phụ ngâm khúc với thể song thất lục bát.

Ngòai ra bà còn ghé đền Sòng thờ bà chúa Liễu Hạnh nên cảm hứng viết chuyện lên đồng, cùng tục hóa vàng hóa bạc. Đến trần ai khoai củ này mụ chữ tôi ớ ra vì với giai thọai Trả ơn chúa Liễu: "Trên đường Quỳnh ứng thi qua đền Sòng, Quỳnh vào yết bà chúa Liễu, đỗ thì xin trả lễ...". Tôi đóan chừng ông gặp bà ở đây. Từ đây ông và bà đi Đón sứ Tàu, về lại Tây Hồ với giai thọai Đá bèo, v...v...

May quá là may, từ đền, chùa, Tây Hồ, Thăng Long và giai thọai Tượng bà Banh xúi bẩy mụ chữ tôi rị mọ được một, hai ngẫu sự dưới đây. Chuyện là...
Là theo cố sử gia Tạ Chí Đại Trường viết trong Thần, người và đất Việt: Chùa Bà Ðanh ở Tây Hồ, Thăng Long là kiến trúc tôn giáo Chàm do một số tù binh Chàm dựng lên. Chùa Bà Ðanh không thờ Phật. "Ðanh" là nói về cây gậy bằng đá. Chùa thờ một nữ thần Chàm ngồi trong tư thế đặc biệt hớ hênh. "Thần ban phúc cho người cầu cúng khi người này cầm gậy thọc vào hạ bộ của thần.". Vì thế chùa còn có tên dân giã là chùa Bà Banh. "Banh" đây là...banh ra  ?! . Chùa Bà Banh hay chùa Bà Ðanh nay không còn nữa

Một là theo tôi góp nhóp được chùa Bà Ðanh  thuộc địa phận thôn Đanh, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Chùa có tên chữ là Bảo Sơn tự. Chùa được gọi là chùa Bà Ðanh (thôn Đanh) vì thờ Tứ Pháp trong tín ngưỡng dân gian miền Bắc (bao gồm mẹ Mây, mẹ Mưa, mẹ Sấm, mẹ Chớp).

Hai là qua giai thọai Tượng bà Banh thì chùa Bà Banh ở Thanh Hóa:

"...Quỳnh nghenơi dạy học không xacó tượng đá lạ, bèn hỏi. Học trò thưa::
- Ðấy là pho tượng một người đàn bà ở truồng, người ta gọi là tượng "Bà Banh"
- Tượng ấy hình thù như thế nào? Anh học trò có vẻ xấu hổ, nói:
- Tượng hai tay chỉ vào "chỗ ấy" bên cạnh tượng có đặt một chiếc chày đá.
- Sao không đập vỡ quách đi cho rồi? Ðể cái của nợ ấy trêu ngươi làm gì?
- Thưa, "Bà Banh" dữ vía lắm ạ! Ai muốn yên lành phải cầm chiếc chầy đá, đâm vào chỗ ấy một cái.. Ai không làm thì về đến nhà thế nào cũng bị méo miệng, vẹo cổ.
Một hôm, Quỳnh đến tận nơi có tượng Bà Banh để xem thực hư. Quỳnh đến bên tượng, lấy chầy đá quẳng đi, đoạn cầm bút đề thơ lên bụng tượng:
Khéo đứng ru mà đứng mãi đây
Khen ai đẽo đá tạc nên mày
Cởi váy phất cờ trêu ghẹo tiểu
Có thiêng sao chẳng ngồi toà ngọc?
Khéo đứng không mà đứng mãi đấy!
Thơ viết xong, mồ hôi tượng vã ra như tắm. Từ đó, "Ba Banh" không thiêng nữa...".

Nhờ ông, mụ chữ tôi..."giải mã" được một vài nghi vấn trong văn học sử. Thêm nữa nhà thơ Trần Đăng Khoa đã luận giải: "Nhiều học giả cho rằng Nguyễn Quỳnh là nhân vật lịch sử hiện thực. Cống Quỳnh là nhân vật dân gian hư cấu. Nhưng phải nói rạch ròi điều này, người đời vẫn thích Cống Quỳnh dân gian hư cấu hơn mặc dù không hiện hữu". Nói cho cùng tôi cũng tâm đắc với ông nhà thơ. Vì ngồi chén tạc chén thù ở quán liêu xiêu thấy ông "Cống Quỳnh dân gian" ăn nói dân giã quá lắm. Bèn nghĩ vụng ông "Cống Quỳnh dân gian" không hư cấu mà...có thật thì sao đây!. Tạm cho tên thật ông là...Cống Quỳnh ở Thanh Hóa. Bởi không ai biết tiểu sử ông nên những nhà biên khảo gán ghép với ông Nguyễn Quỳnh...hiện thực, cũng người Thanh Hóa.
Ông chép miệng cái bép: "Có sao đâu". Đâu có được vì có hai ông Cống Quỳnh. thì cũng có...hai bà Điểm lận. Bởi gần đây Gs sử học Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam về Hải Dương để hỏi cụ thể về việc dịch thuật của bà Lê Thị Điểm. Vì bà Lê Thị Điểm mới là tác giả của Tục truyền kỳ  và bản dịch  Chinh phụ ngâm  được phổ biến rộng rãi hiện nay. Sau đợt nghiên cứu, trên  Tạp chí Văn học, số 6 năm 1977, Gs Bùi Văn Nguyên viết bài  "Bà Điểm nào trong hai bà Điểm, tương truyền có tham gia dịch một bản Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn". Gs Bùi Văn Nguyên cho rằng:  "Sự thật, có hai bà Điểm khác nhau, một bà họ Lê, một bà họ Đoàn, hai bà sống cùng thời, đều có người anh trùng tên là Luân đều giỏi văn thơ, pha nghề dạy học.
Tôi hỏi ông có hay tổ tiên bà Đòan Thị Điểm vốn họ Lê sau đổi họ Đoàn chăng. Ông ngửa cổ làm hết cối bia rồi búi bấn: "Không". Nghe vậy tôi đơm chuyệnkhác ...

Chuyện là bà lấy chồng ở trên, ông anh mất, bà vào ở trong cung cấm dậy cung tần, vì bị ông cậu của chúa Trịnh tỏ tình nên bà về quê mở trường dạy học. Sau vì tuổi trễ tràng, 37 tuổi bà lấy (kế thất) ông Nguyễn Kiều, người làng Phú Xá, Tây Hồ. Năm 18 tuổi, ông đi thi lần đầu đỗ ngay giải nguyên. Năm 21 tuổi đậu tiến sĩ.
Đập vào mắt tôi là hai hòn đá kỳ nằm trên bàn to như voi ấp trứng. Tôi chững người vì ông Cống...biến mất hồi nào không hay. Ừ thôi thì cũng sắp hết chuyện. Chỉ thêm chuyện trước khi đi sứ, Nguyễn Kiều đến cầu hôn bà Đoàn Thị Điểm...
Ông Nguyễn Kiều có số lấy nhiều vợ. Bà vợ đầu là con gái đại thần Lê Anh Tuân. Bà này mất sớm, ông đi bước nữa, bà sau cũng sớm qua đời. Ông nhờ người mối mai bà Điểm. Bị từ chối, ông không nản, tiếp tục thư từ qua lại. Cuối cùng trong thư chính thức cầu hôn, ông khẩn khoản trình bày: "Tôi rất bận việc quan. Vó ngựa hoàng hoa (đi sứ) đã gần ngày lên đường. Việc nhà không ai coi sóc, tôi nghĩ phu nhân cùng nội trợ tôi xưa có tình chị em, có phận keo sơn (người vợ trước là con gái Lê Anh Tuấn, vị đại thần từng nhận Đoàn Thị Điểm là con nuôi). Nếu phu nhân bằng lòng đùm bọc cho nội trợ tôi thì thực là may cho cả nhà tôi đó".  Vì cảm động về quyết tâm của ông, và có lẽ "vì cây dây quấn" nên bà chấp nhận.
Ông Nguyễn Kiều được cử làm chánh sứ sang Tàu tuế cống ba năm. Trở về được cử làm Tham thị ở Nghệ An. Bà theo chồng và mất ở đây, lúc này bà mới 43 tuổi. Thi hài bà mang về Văn Giang, xứ Kinh Bắc. Nhưng đến Thăng Long, vì chiến chinh nên không đưa về được quê bà, phải an táng ở Tây Hồ, quê ông Nguyễn Kiều. Thương cảm người bạn đời vắn số, ông viết bài văn tế, hết lời ca tụng văn tài và đức hạnh của bà:
Đào chưa tươi đã khô
Quế đang thơm đã rũ
Rừng sâu bể rộng nàng hỡi đi đâu
Ngọc nát châu chìm lòng tôi quặn nhớ...

Mộ bà Đoàn Thị Điểm được an táng ở Tây Hồ. Mộ chí bà sau bị đất lở, đất chùi nên nay không còn dấu tích. Năm 1982, khi quay phần ngoại cảnh phim Hà Nội trong mắt ai phân đoạn phim về bà huyện Thanh Quan ở làng Nghi Tàm. Vì có đống rác nên phải rời đi, đạo diễn Trần Văn Thủy tình cờ tìm được mộ bà Đoàn Thị Điểm. Nơi chôn cất bà sau này được xây thành lăng, có tường bao, mái che.

Khi ông Nguyễn Kiều mất, nhà hậu Lê đưa thi hài ông về quê ông an táng. Mộ ông ở đất Phú Thượng của dòng họ, được dân làng Phú Xá tôn là thần hoàng. Trải qua 260 năm, năm 2000, các nhà khảo cổ đào lên để khảo sát. Vì cách đó không xa là mộ phần bà Đòan Thị Điểm, bà Nguyễn Thị Sơn, hậu duệ của ông, ngày 24-7-2011 đã rời mộ phần bà Đoàn Thị Điểm để hai ông bà gần nhau.
 
 

***

Với sinh ký tử quy đến đây là hết chuyện. Vừa lúc ông Cống Thanh Hóa thăng, đến đầu ngõ Văn Chương ông quay trở lại thật. Ông phân thân thành người khác có cái mặt rất chúng sinh. Dòm mặt ngộ chữ tôi rất đời thường, ông hỏi sao cứ...kỳ óc ra viết chữ. Tôi chỉ hai hòn đá trên bàn và cãi inh lên là kỳ để...kỳ cọ, chứ chả phải kỳ óc ra để viết truyện hư cấu về ông Cống Quỳnh.

Ông ve vé mắt dòm cối bia mà rằng:
- Tôi là Cống Quỳnh...có thật đây.
Đang không biết hư thật ra sao? Ông nói một câu tròn vành rõ chữ, ở Sài Gòn trên con đường qua nhà thờ Huyện Sỹ, rạp ciné Khải Hòan, chợ Thái Bình, trường Hưng Đạo. Xế nhà xuất bản Nguyễn Đình Vượng, tòa sọan tạp chí Văn (theo Viên Linh) là con hẻm 189 có năm, sáu tiệm thịt chó. Ha! Một là nhà tôi ở đường Bùi Viện gần xịt đấy, trước 75 nào có quán cây còn nào đâu? Hai là nghe..."Cống Quỳnh có thật", lọt vào tai chui ra miệng, tôi vãi miệng: "Không".

Ông dòm ngộ chữ tôi bằng nửa con mắt rùa, giọng khê thuốc lào:
- Không thì sao Sài Gòn có...đường Cống Quỳnh.

Thạch trúc gia trang
Giáp Ngọ 2014
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng
(chỉnh sửa 2017, 2020)
Nguồn: Nguyễn Quang Tuấn, Nguyễn Duy Chính
Nguyễn Cẩm Xuyên, Trịnh Văn Thành, Nguyễn Gia Lộc

(1) Cho đến nay trong văn học sử chỉ biết dịch giả Bích Câu kỳ ngộ là Vũ Quốc Trân?. Nếu đúng Vũ Quốc Trân đã viết nên Bích Câu kỳ ngộ thì tại sao bao nhiêu bản nôm, thu thập được qua nhiều nhà sách ở Hà Nội, Hải Phòng chuyển qua quốc ngữ in bán khắp nơi lại không hề ghi tên tác giả? Việc bản Nôm tìm được gần đây ghi tên Vũ Quốc Trân có thể là mạo tác chăng? Theo Dương Quảng Hàm thì Bích Câu kỳ ngộtruyện thơ Nôm khuyết danh. Nhưng nay qua Truyền kỳ tân phả mới hay là bà Đòan Thị Điểm.