Chim Việt Cành Nam
Trở về
Trang chủ
Tác giả
Ly kỳ uẩn khúc gia thế Nguyễn Trọng Trí

Phanxipăng

Đây là chương thứ nhì trong 28 chương sách Bí mật Hàn Mạc Tử
của Phanxipăng sắp xuất bản, 
nay xin giới thiệu trước trên Chim Việt Cành Nam.
Nguyễn Trọng Trí chào đời ngày chúa nhật 22/9/1912, nhằm ngày 12 tháng 8 năm Nhâm Tý, tại đâu? Nhiều sách báo lâu nay vẫn ghi rằng tại làng Lệ Mỹ, tổng Võ Xá, huyện Phong Lộc, tỉnh Quảng Bình. Thật ra, trước đó, từ năm Mậu Tuất 1838, niên hiệu Minh Mạng XIX, hai huyện Phong Lộc và Lệ Thuỷ sáp nhập nên phủ Quảng Ninh; đến năm 1945, phủ Quảng Ninh đổi thành huyện Quảng Ninh.

Vậy sinh quán của Hàn là làng Lệ Mỹ, tổng Võ Xá, phủ Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình; nay là phường Đồng Mỹ, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.

Thân phụ của Hàn là ông Nguyễn Văn Toản (1882-1926), bấy giờ làm công chức ngạch thông phán / cardre secondaire ở đấy nên thường được mọi người gọi là "thầy thông Toản" hoặc "thầy Toản".

Thân mẫu của Hàn là bà Nguyễn Thị Duy (1881-1951).

NGUYỄN TRỌNG TRÍ GỐC HỌ... PHẠM

Điều đáng ngạc nhiên là tất cả bà con nội tộc của Nguyễn Trọng Trí đều mang họ Phạm. Khá đông thành viên thuộc tộc Phạm liên quan, bao đời nay sinh trưởng ở khu vực Ồ Ồ, giáo xứ Thanh Tân, hiện là địa bàn thôn Thanh Tân, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Chỉ mỗi một thân phụ của Hàn đổi sang Nguyễn tộc, dù rằng trong gia phả vẫn chép họ tên ông bằng hai âm tiết: Phạm Toán. Vì sao? Bao giờ?

Để lý giải điều này, tôi đã nêu thắc mắc trực tiếp với em ruột của nhà thơ Hàn Mạc Tử. Đó là Nguyễn Bá Tín, hiệu Thiện Nam, ở trong một ngõ hẻm trên đường Kỳ Đồng, Q.3, TP.HCM. Chính ông Tín từng viết mấy tập hồi ký Hàn Mạc Tử anh tôiHàn Mạc Tử trong riêng tư gây xôn xao một thuở. Cũng chính ông Tín là tác giả loạt tranh sơn dầu hồi họa[1] những cảnh sinh hoạt của Hàn, anh kế mình, lúc sinh thời. Loạt tranh này hiện treo trong phòng lưu niệm nhà thơ Hàn Mạc Tử ở bệnh viện Quy Hòa, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Năm Canh Thìn 2000, Nguyễn Bá Tín đã ngoại bát tuần, mắt mờ, tai hơi nặng, đi đứng khó khăn, song giọng nói vẫn to rõ. Tiếp tôi, ông Tín vồn vã:

- Noёl năm 1988, ngay sau Hàn Mạc Tử anh tôi vừa xong bản thảo đánh máy, chưa làm thủ tục xuất bản, tôi đã biếu riêng anh Phanxipăng một tập bản thảo rồi kia mà. Trong đó, tôi có viết đoạn Một ít lịch sử giòng họ, anh đọc xong quên ngay ư?

Đoạn ấy, tôi đâu dễ quên. Thế này này:

"Từ nhỏ, không nghe ai nói đến giòng họ của cha tôi, tuy vẫn biết nội tổ là Phạm Bồi, quê ở Thanh Hóa, lập nghiệp tại làng Thanh Tân (Thừa Thiên). Cũng không ai tìm hiểu vì sao cha tôi mang họ Nguyễn mà chú tôi đều giữ họ Phạm. Mãi đến năm 1933, mới gặp bà chị thúc bá với cha tôi là Phạm Thị Nhàn (Sage femme[2]) tại Quy Nhơn và người cháu họ là Phạm Long (Sergent Interprète[3]) đều cùng quê quán ở Thanh Hóa. Từ đó mới biết được tông tích giòng họ.

Đến năm 1934, anh cả tôi là Nguyễn Bá Nhân tức là Mộng Châu, đem tôi đi Hà Nội tìm tộc trưởng là Phạm Thành tức là Phạm Bá Thành, tòng sự tại Sở Nội dịch Toàn Quyền.

Theo gia phả bằng chữ Hán, thì dưới thời Trịnh Kiểm soán vị, gia thần thế tử Nguyễn Uông (con chúa Nguyễn Kim) nổi lên chống Trịnh Kiểm vì đã ám toán thế tử Uông.

Thất bại trong cuộc nổi dậy đó, một số bị giết, số còn lại phải cải tánh ra "Phạm" bị đày vào Nam, về sau lại lập nghiệp ở Thanh Hóa.

Cuối triều Tự Đức, Pháp xâm lược Việt Nam, vua Hàm Nghi dời đô, hạ chiếu Cần Vương, lập chiến khu chống Pháp.

Nội tổ, Phạm Bồi, bấy giờ là võ quan ở Thanh Hóa, hưởng ứng Cần Vương, đem binh vào Huế cứu giá, đồng thời đa số giòng họ Phạm cũng tham gia các phong trào khởi nghĩa.

Phần nội tổ, mang quân vào Thừa Thiên, chống cự với binh Pháp cho đến khi Trương Quang Ngọc làm phản, nộp vua Hàm Nghi cho Pháp. Cụ giải tán binh sĩ, ném vũ khí xuống ao, lấp lại, xây nhà lên trên.

Cụ vào giúp việc cho Cố Đồng, xây dựng nhà thờ Thanh Tân và ở lại lập nghiệp tại đó.

Anh Mộng Châu khi về thăm quê nội đã được trông thấy khẩu súng hỏa mai của Cụ đã rỉ sét.

Từ đó, Nội tổ mai danh ẩn tích tuyệt đối, dòng họ không ai tiết lộ, vì có lệnh truy nã cụ về tội đào nhiệm ở Thanh Hóa.

Khi Cha tôi đến tuổi đi học, Cố Đồng giúp cho vào Tiểu Chủng Viện, lập thủ tục thay đổi họ tên.

Cũng nhờ Tổ Mẫu thân thuộc với với cụ Nguyễn Hữu Bài có thế lực, nên mọi việc không gặp khó khăn.

Sự im lặng về nguồn gốc bên nội cũng dễ hiểu, vì lúc bấy giờ, cả cha tôi và anh Mộng Châu đều là công chức Pháp thuộc, không muốn liên lụy với quá khứ Cần Vương của nội tổ.

Ở Chủng Viện về với chức tư (Tonsuré), cha tôi ra làm việc ở Tòa sứ Huế, về sau đổi vào Hội An, ông bỏ Tòa sứ qua Thương chánh." {Hết trích}

Thú thật, đoạn trích trên chẳng những không giải đáp đầy đủ câu hỏi do tôi đặt ra, mà lại còn bật thêm nhiều băn khoăn khác. Xin nêu ngay một điều: Nguyễn Bá Tín đã nhầm lẫn khi ghi khi ghi chú chức tư là tonsuré. Nhờ quý linh mục tư vấn, tôi biết rằng trước kia, đại chủng sinh đạt tonsuré (tính từ của danh từ tonsure) nghĩa là mới chịu phép cắt tóc, tức nghi thức gia nhập hàng giáo sĩ; còn chức tư là acolyte - chịu phép giúp lễ.

UẨN KHÚC NỘI THÂN

Giáo xứ Tân Sơn hiện thuộc xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế; cách trung tâm TP Huế 31km về phía tây bắc.

Sau hòa ước Nhâm Tuất 1862, vua Tự Đức ban chỉ dụ tha tháp / hết bắt đạo. Năm Giáp Tý 1864, giám mục giáo phận Huế là Giuse Hyacinthe Sohier / cố Bình khởi tạo Viện Dục anh ở vùng Ba Trục, Ồ Ồ, để nuôi trẻ mồ côi. Theo tập II Lược sử các giáo xứ do Tổng giáo phận Huế soạn thảo (2001) thì bấy giờ, cố Đồng phái linh mục Giuse Hồ Đình Tính quản lý Viện Dục anh. Tuy nhiên, "Viện Dục anh chính thức thành lập năm 1867 (vì năm này có thông báo chính thức thành lập các cha sở và xứ đạo trong giáo phận). (...) Năm 1875, linh mục Reynaud (cố Đồng) xây nhà thờ Thanh Tân, có sự giúp sức của cụ Phạm Bồi, nội tổ của thi sĩ Hàn Mạc Tử, tên thật là Phanxicô Xavie Nguyễn Trọng Trí. Cụ Bồi vì tội quốc sự tham gia phong trào Cần Vương, từ Thanh Hóa vào đây lánh nạn và ở lại lập nghiệp khi phong trào này thất bại và tan rã. Con cháu cụ sau này đổi họ Nguyễn để tránh sự theo dõi của mật thám Pháp".

Tài liệu vừa dẫn có ghi thư tịch tham khảo: sách Hàn Mạc Tử thơ và đời của Lữ Huy Nguyên (NXB Văn Học, Hà Nội, 1994, trang 223). Kỳ thực, đó là đoạn trích hồi ký Hàn Mạc Tử anh tôi của Nguyễn Bá Tín. Tập II Lược sử các giáo xứ ghi rằng từ lập họ vào năm 1864, giáo xứ Thanh Tân có linh mục quản xứ đầu tiên là Hồ Đình Tính, thứ nhì là linh mục Reynauld / cố Đồng. Ghi nhận thế bị nhầm lẫn. Bởi cố Đồng là linh mục người Pháp Jean-Nicolas Renauld (1839-1898)[4].

Căn cứ tài liệu lưu trữ của Hội Thừa sai Paris / Hội Truyền giáo hải ngoại của Ba Lê / Missions Étrangères de Paris (MEP) [5], hậu thế biết rằng sau khi tha tháp, vua Tự Đức đã nhờ giám mục địa phận Vinh là Gauthier / Ngô Gia Hậu sang Pháp vận động thành lập Đại học Kỹ thuật Thương Bạc ở Huế, đồng thời mời một số trí thức Âu Tây đến nước ta. Trong 3 người Pháp sang Việt Nam năm 1867 có cố Đồng - kiến trúc sư, họa sĩ, điêu khắc gia. Năm sau, 1868, cố Đồng đến Thanh Tân tiếp nhận Viện Dục anh và mở đồn điền Ba Trục năm 1872. Năm 1875, cố Đồng khởi dựng nhà thờ Thanh Tân - Ba Trục, không phải là nhà thờ giáo xứ Thanh Tân.

Biên soạn sách Nét khải huyền trong đời và trong thơ Hàn Mạc Tử (NXB Hồng Đức, Hà Nội, 2015, trang 46), Trần Quang Chu phản biện: "Vị võ quan Thanh Hóa hưởng ứng Cần Vương không phải Phạm Bồi (ông nội Hàn Mạc Tử) mà là Phạm Nhượng hay Phạm Chương (ông cố Hàn Mạc Tử). Phạm Bồi khi gặp cố Đồng ở Thanh Tân đang ở nhà mồ côi, chưa có gia thất."

Thực hiện Tuyển tập Hàn Mạc Tử (NXB Văn Học ấn hành lần đầu năm 1987, đã tái bản nhiều lần), nhà thơ Chế Lan Viên "dựa theo tài liệu của Hoàng Trọng Miên, Trần Thanh Mại, Trần Thanh Địch, Quách Tấn, Ngọc Sương, Châu Hải Kỳ, Võ Long Tê, và các bè bạn từng sống với Hàn Mạc Tử" để biên soạn Hàn Mạc Tử tiểu sử thế này: "Nguyên ông cố của Hàn Mạc Tử, Phạm Nhượng, là người Thanh Hóa, bị truy nã về tội quốc sự, phải chạy vào vùng Thanh Tân, Ồ Ồ, Thừa Thiên (B.T.T.[6]) và đổi là họ Nguyễn".

Rõ ràng thực tế chẳng phải vậy. Từ ông Phạm Nhượng đến các đời hậu duệ, chẳng ai "đổi là họ Nguyễn" ngoại trừ thân phụ của Hàn Mạc Tử.

LY KỲ NGOẠI THÍCH

Trong hồi ký Hàn Mạc Tử anh tôi, Nguyễn Bá Tín viết:

"Về phía Ngoại tổ là Nguyễn Long, quê ở Trà Kiệu (Quảng Nam) ra Huế lập nghiệp tại làng Vạn Xuân, làm ngự y dưới triều vua Tự Đức.

Cụ được tham dự phái đoàn cầu hòa qua Pháp quốc do cụ Phan Thanh Giản cầm đầu.

Cụ trở về nước vừa lúc Pháp đánh Thừa Thiên, bị thảm sát dưới tay bộ tướng Trần Soạn theo lệnh Tôn Thất Thuyết (một giờ sau khi vua Dục Đức bị bức tử trong ngục).

Đồng thời cũng gặp nạn như cụ, có nhiều văn quan từng qua Pháp với cụ, khi cụ Phan Thanh Giản tuẫn tiết." {Hết trích}

Viết Hàn Mạc Tử trong riêng tư, Nguyễn Bá Tín tường thuật kỹ hơn về cái chết của ông ngoại:

"Mẹ tôi kể lại cái chết bất đắc kỳ tử, mở đầu thảm họa cho dòng họ, mà ông Ngoại tôi đã thọ hình ngay trước mặt bà.

Đêm ấy vừa đọc kinh xong, nghe có tiếng phá rào, chó sủa, rồi một đoàn người đeo gươm vác giáo xông vào nhà, lôi ông Ngoại ra sân bắt quỳ xuống. Đích thân tướng Trấn [sic!] Soạn rút kiếm chém. Bà Ngoại cũng bị dẫn đi. Không ai hiểu vì sao cả. Cậu cả ký Bích may mắn chạy thoát, đang đêm đi bộ vào Quảng Nam và không dám trở về nhà nữa.

Bà con trong họ xúm lại tẩm liệm thi thể Ông Ngoại và đưa luôn về trên làng An Vân thuộc họ ngoại chôn cất tại đó." {Hết trích}

Trong bản thảo Bùi Tuân - Hàn Mạc Tử một tình bạn thanh cao do Bùi Thế Cần tuyển trạch (2010), nhà báo Bùi Tuân (1919-1966) viết:

"Ông ngự y ngoại tổ của Hàn Mạc Tử tên Nguyễn Long là người có đạo Công Giáo. Ông này là con của ông Khai canh làng Vạn Xuân tức họ đạo Kim Long, một miền phụ cận rất thơ mộng, có dòng sông trong, có vườn lá xanh ở về phía Đông Bắc kinh thành Huế.

Với tư cách Ngự y, Nguyễn Long là nhân viên của phái đoàn Phan Thanh Giản sang Pháp điều đình lấy lại những tỉnh đã mất ở Nam Kì lúc bấy giờ.

Vợ của Nguyễn Long tức là bà ngoại của Hàn cũng là ngự y ở trong cung và có tiếng hay thuốc hơn chồng.

Trong giai đoạn lịch sử bi đát và mờ ám của triều đình nhà Nguyễn sau khi vua Tự Đức băng hà sự lộng quyền của hai vị văn quan và võ tường [sic!], Tường và Thuyết, đã đòi hỏi sự hi sinh liên tiếp ba ông vua trong bốn tháng. Trong thời kì ấy, Nguyễn Long đã đóng một vai mà gia phả phía ngoại của Hàn chỉ ghi lại có một viêc: Nguyễn Long đã bị Tôn Thất Thuyết ra lệnh chém.

Nhưng người ta biết Long bị chém vì đã rửa tội cho vua Dục Đức." {Hết trích}

Dưới dòng đó có cước chú khác Nguyễn Bá Tín: "Ngự y Nguyễn Long bị chém lúc 8 giờ tối thì vua Dục Đức bị hạ ngục lúc 10 giờ đêm."

Thử kiểm tra mấy đoạn vừa trích dẫn sát nguyên văn, bằng cách đối sánh thư tịch và thực tiễn.

Vua Dục Đức tức Ưng Ái tức Ưng Chân bị tống giam rồi bị bức tử lúc nào?

Sách Nguyễn Phúc tộc thế phả do Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc hợp soạn (NXB Thuận Hóa, Huế, 1995, trang 372) viết về vua Dục Đức: "Ba ngày sau [tức 22 tháng 6 năm Quý Mùi nhằm 23/7/1883] lại thiết triều, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết tuyên bố phế bỏ ngài [Dục Đức] theo chiếu của Lưỡng cung, ngài bị giáng xuống là Thụy Quốc Công. Triều thần đều ngơ ngác chẳng ai dám nói gì, chỉ có quan ngự sử Phan Đình Phùng đứng lên phản đối liền bị Tôn Thất Thuyết bắt giam, cách chức đuổi về.

Sau đó ngài bị giam ở Dục Đức đường, rời dời sang giam tại viện Thái Y. Đến tháng 9 năm đó ngài bị đưa vào giam tại ngục thất phủ Thừa Thiên, rồi bị bỏ đói mà mất.

Ngài mất ngày 6 tháng 9 năm Canh Thân (24/10/1884), được 32 tuổi." {Hết trích}

Công trình biên niên Việt Nam những sự kiện lịch sử (1858-1918) của Dương Kinh Quốc (NXB Giáo Dục tái bản, 1999) ghi: "Ưng Chân ở ngôi mới được 3 ngày (từ 20/7/1883 đến 23/7/1883), chưa đặt niên hiệu, đã bị các phụ chính đại thần hạ bệ để đưa em Tự Đức là Hồng Dật lên ngôi vua, tức Hiệp Hòa. Ưng Chân bị giam ở Viện Thái Y; tháng 10/1884 (tháng 9 năm Giáp Thân) chuyển sang giam tại nhà ngục Thừa Thiên. Ngày 24/10/1884 (mồng 6 tháng 9 năm Canh Thân), Ưng Chân bị chết đói trong ngục thất."

Ngày 24/10/1884, theo Nguyễn Bá Tín, cũng là nhật điểm ngự y Nguyễn Long bị xử tử trong sân nhà riêng ở Vạn Xuân, Huế. Tính tròn số, lúc đó thân phụ của Hàn là Nguyễn Văn Toản mới lên 2.

Mà phải chăng Nguyễn Long từng làm ngự y sang Pháp trong sứ đoàn do Phan Thanh Giản cầm đầu? Chẳng phải. Tôi đưa lời phủ định, bởi hoàn toàn không thấy họ tên Nguyễn Long sau khi rà soát danh sách 61 thành viên sứ bộ Đại Nam sang Pháp và Tây Ban Nha năm 1863-1864 ghi rõ trong 西行日記 / Tây hành nhật ký / Nhật ký đi Tây do phó sứ Phạm Phú Thứ ghi chép bằng chữ Hán, qua đôi bản Việt dịch của:
1. Tô Nam Nguyễn Đình Diệm và Văn Vinh Lê Khải Văn từng đăng nhiều kỳ trên tuần báo Văn Đàn từ số Xuân Tân Sửu 1961, sau được in thành sách (NXB Văn Nghệ TP.HCM, 2001).
2. Quang Uyển (NXB Đà Nẵng, 1999).

Làng Vạn Xuân ở phía Tây chứ không phải Đông Bắc kinh thành Huế, có giáo xứ Kim Long / Xuân Long được khởi lập từ năm Quý Hợi 1623 nhờ sự ủng hộ và can thiệp nhiệt tình của bà phi cuối cùng của chúa Tiên / Nguyễn Hoàng (1525-1813): Minh Đức Vương Thái Phi [7] đã gia nhập Công giáo năm Ất Sửu 1625 tại Trà Bát, Quảng Trị, do linh mục dòng Tên người Bồ Đào Nha là Francisco De Pina rửa tội với thánh danh Maria Mađalêna.

Giáo xứ thì vậy. Còn phường Kim Long trực thuộc TP Huế, là đơn vị hành chính được thành lập ngày 6/1/1983 theo quyết định 03-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng, trên cơ sở địa bàn và cư dân xã Xuân Long. Tên gọi Xuân Long cho thấy sự kết hợp làng Vạn Xuân và làng Kim Long. Và nhà thờ Kim Long / Xuân Long được xây dựng ở làng Vạn Xuân.

Linh mục Phêrô Lưu Văn Tâm, quản xứ Kim Long, cho tôi hay:

- Đến Tòa Tổng Giám mục Huế, xin sưu tra sổ rửa tội thì hồ sơ của giáo xứ này chỉ có từ năm 1924 trở về sau. Hỏi các vị bô lão trong giáo xứ, nhất là những vị quan tâm lịch sử - văn hóa địa phương, nghe trả lời ở Vạn Xuân chưa hề có ngự y Nguyễn Long cư ngụ.

Ngay tại Vạn Xuân có nhà bà con của tôi: cô ruột lấy dượng Trần Gia Lợi (1924-2011). Dượng Lợi thuở sinh tiền nói với tôi:

- Suốt đời mình gắn bó với Vạn Xuân, nhưng từ nhỏ đến giờ chưa nghe ai ở đây nhắc ngự y Nguyễn Long. Làng Vạn Xuân xuất hiện vào đời Trần, năm Bính Ngọ 1306. Giai đoạn đó, Nguyễn Long chưa lọt lòng, làm sao làm con nuôi của ngài khai canh làng Vạn Xuân được?

Làng Vạn Xuân thành lập năm Bính Ngọ 1306 là lời truyền miệng của nhiều thế hệ, nhưng thư tịch khả tín như Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn ghi rằng làng Vạn Xuân được thành lập vào đời các chúa Nguyễn. Bài vị được thờ trong đình làng Vạn Xuân cho biết họ tộc và tước hiệu của ngài khai canh: "Dũng Lược Địch Khái Tráng Du Quang Túc Dực Bảo Trung Hưng Quang Ý Phó Tướng Hùng Xuyên Hầu Trần quý công phủ quân tôn thần." Vậy là quan chức của các chúa Nguyễn. Mà thời khoảng nọ, Nguyễn Long chưa chào đời. Ghi thêm: trong khuôn viên đình làng Vạn Xuân còn có miếu khai canh, ngoài ra còn lăng mộ của Phó Tướng Hùng Xuyên Hầu họ Trần được xây dựng khá uy nghi.

PGS TS Đặng Văn Hồ - nguyên trưởng khoa Lịch sử trường Đại học Sư phạm Huế - thêm:

- Đông y sĩ dẫu xuất sắc nhưng là con chiên Công giáo chắc chắn không thể làm quan ngự y, nhất là dưới thời vua Tự Đức. Lại còn cho rằng vợ của quan ngự y mà giỏi y dược hơn chồng, được ra vào cung cấm để khám chữa bệnh, càng khó tin.

GIA ĐÌNH HÀN

Cụ ông Phạm Bồi kết hôn với cụ bà Nguyễn Thị Đoan, sinh 5 con trai:
1. Phạm Toán (1882-1926)
2. Phạm Thân (?-1946)
3. Phạm Sanh (1890-1974)
4. Phạm Em (1901-1945)
5. Phạm Út (1905-1938)

Trở lại câu hỏi: vì sao Phạm Toán đổi họ thành Nguyễn Văn Toản?

Gia đình ông Phạm Thân, chú ruột của Hàn Mạc Tử, truyền khẩu:

- Bác Toán (họ hàng vẫn gọi Toán chứ ít gọi Toản) hồi nhỏ học giỏi nhất xứ Ồ Ồ. Hoàn cảnh túng bấn, bác phải vô Huế, nhận làm con nuôi nhà quan ngự y để được ăn học. Nhà quan lấy giấy tờ đổi họ cho bác, để bác dễ thăng tiến. Lại còn gả con gái cưng cho nữa.

Nếu ông Toán / Toản làm con nuôi nhà ông Nguyễn Long, hẳn sau khi ông chủ đã lìa trần. Bà chủ hay mấy người con, là các anh của Nguyễn Thị Duy, đề nghị "đương sự" đổi họ ư? Ông Nguyễn Bá Tín cho biết:

- Thân phụ của tôi vốn tên Toán. Phạm Toán đổi họ thành Nguyễn Văn Toán. Sau do có bạn đồng sự trùng tên nên cụ tự ý đổi thành Toản.

Cũng theo Nguyễn Bá Tín, ông Nguyễn Văn Toản / Toán [8] kết hôn với bà Nguyễn Thị Duy và sinh được 6 anh chị em. Trích nguyên văn hồi ký Hàn Mạc Tử anh tôi (trang 14):

1. Nguyễn Bá Nhân tức Mộng Châu, độc thân, mất năm 1936.
2. Nguyễn Thị Như Nghĩa, mất năm 1984.
3. Nguyễn Thị Như Lễ, mất năm 1982.
4. Nguyễn Trọng Trí tức Hàn Mạc Tử, mất ngày 11/11/1940.
5. Nguyễn Quý Tín (về sau đổi Nguyễn Bá Tín để thay quyền tộc trưởng của Nguyễn Bá Nhân).
6. Nguyễn Bá Hiếu

Người ngoài có thể lẫn lộn hoặc thiếu sót. Như trường hợp Thái Văn Kiểm viết Đất Việt trời Nam (NXB Nguồn Sống, Sài Gòn, 1960, trang 165) bảo rằng em út của Hàn Mạc Tử là... Nguyễn Bá Tín. Chứ người trong gia đình, lại là ruột thịt, lập danh mục ắt hẳn khó nghi ngờ về độ dung sai. Oái oăm thay! Thực tế trái ngược với những điều chúng ta suy luận!

Ghé chơi TP biển Nha Trang, tỉnh lị Khánh Hoà, chắc hẳn quý khách gần xa dạo thăm một kiến trúc uy nghi và đặc sắc tọa lạc ven đường Thái Nguyên: giáo đường Chánh toà, tên thường gọi là nhà thờ Đá, nhà thờ Núi, nhà thờ Ngã Sáu. Công trình ấy xây dựng trên núi Bông từ ngày 3/9/1928 theo đồ án kiến trúc gothique của linh mục Pháp Louis-Agrève-Célestin Vallet (1869-1945), cũng là người thiết kế nhà thờ Chánh tòa Đà Nẵng đã khánh thành năm 1923. Nhà thờ Đá ở Nha Trang lưu giữ rất nhiều bình tro xương của Kitô hữu quá cố do thân nhân ký gửi; được bày biện ngăn nắp. Trong số di cốt kia, có Mộng Châu Nguyễn Bá Nhân - anh cả của thi sĩ Hàn Mạc Tử. Ngay bên cạnh còn hai di cốt khác táng chung: Nguyễn Văn Thảo và Nguyễn Văn Hiền. Nào phải ai xa lạ, Thảo là em áp út, còn Hiền là em út của Hàn.

Ngày lễ các thánh 1/11/2000, tôi đem chuyện này hỏi Nguyễn Bá Tín. Ông Tín gật đầu thừa nhận:

- Anh Phanxipăng hoàn toàn đúng. Hai đứa em tôi mất hồi 1923-1924, khi còn nhỏ xíu. Bởi vậy lúc viết sách, tôi đã để sót!

Tôi sẽ mời bạn đọc quay lại nhà thờ Chánh toà Nha Trang trong một chương sau.

Ngang đây, tôi xin nêu tất cả con của ông Nguyễn Văn Toản và bà Nguyễn Thị Duy, mở đầu bằng thánh danh:

1. Antôn Nguyễn Bá Nhân, còn gọi Nhơn, bút danh Mộng Châu, chào đời ngày 7/12/1905 tại Tam Tòa (Đồng Hới, Quảng Bình), mất ngày 28/3/1936 vì tai nạn ô tô trên đèo Cả (Phú Yên).
2. Maria Nguyễn Thị Như Nghĩa, còn gọi Ngãi, chào đời ngày 11/10/1907 (bia mộ lại khắc ngày sinh 11/12/1906) tại Tam Tòa, mất ngày 15/5/1984 tại Gò Bồi (Tuy Phước, Bình Định).
3. Mađalêna Nguyễn Thị Như Lễ, chào đời ngày 7/12/1910 tại Tam Tòa, mất ngày 21/1/1983 tại Tân Bình, TP.HCM.
4. Phanxicô Nguyễn Trọng Trí tức Hàn Mạc Tử.
5. Giuse Nguyễn Đức Tín, sau đổi thành Nguyễn Quý Tín, rồi đổi thành Nguyễn Bá Tín, bút danh Thiện Nam, chào đời ngày 19/4/1915 tại Tam Tòa, mất ngày 28/1/2002 tại Q.4, TP.HCM.
6. Phao lô Nguyễn Gia Hiếu, sau đổi thành Nguyễn Bá Hiếu, chào đời ngày 6/11/1917 tại Tam Tòa, mất ngày 28/4/1991 tại Q.3, TP.HCM.
7. Phaolô Nguyễn Văn Thảo, chào đời năm 1922, mất năm 1923.
8. Philipphê Nguyễn Văn Hiền, chào đời năm 1923, mất năm 1924.

Thú vị thay, gia đình Công giáo ròng mà đặt tên các con theo ngũ thường của Nho giáo: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín; lại thêm Hiếu, Thảo, Hiền.

XÁC ĐỊNH CHÍNH XÁC QUÊ QUÁN CỦA HÀN

Dẫu nội thân lẫn ngoại thích của Hàn Mạc Tử / Nguyễn Trọng Trí tồn tại lắm ly kỳ uẩn khúc, song quê quán, sinh quán, tử quán của nhà thơ kiêm nhà báo tài danh này quá dễ xác định.

Sinh quán, tức nơi Hàn chào đời vào ngày chúa nhật 22/9/1912 nhằm 12 tháng 8 năm Nhâm Tý, là làng Lệ Mỹ, tổng Võ Xá, phủ Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình; nay là phường Đồng Mỹ, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.

Tử quán, tức nơi Hàn tạ thế vào ngày thứ hai 11/11/1940 nhằm 12 tháng 10 năm Canh Thìn, là bệnh viện phung cùi Quy Hòa tọa lạc tại địa bàn Quy Nhơn, tỉnh lị Bình Định. Ghi thêm đôi điều:

- Quy Nhơn được gọi thị xã (TX) từ ngày 20/10/1858 theo chỉ dụ của vua Thành Thái. Ngày 30/4/1930, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định nâng Quy Nhơn lên tầm TP cấp 3. Ngày 3/9/1945, Quy Nhơn được gọi TX Nguyễn Huệ. Từ năm 1954, TX Quy Nhơn nhiều lần được mở rộng địa giới. Ngày 3/7/1986, Hội đồng Bộ trưởng quyết định nâng Quy Nhơn thành TP.

- Hàn được sơ táng / hung táng rồi cải táng / cát táng dẫu khác địa điểm nhưng vẫn trong địa bàn Quy Nhơn.
Thế quê quán, còn gọi chính quán / chánh quán, bản quán, nguyên quán của Hàn chỗ nào? Mà các từ này mang nghĩa ra sao? Thử tra đôi từ điển.

* Từ điển Việt Nam do Ban tu thư Khai Trí thực hiện (Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 1971) cắt nghĩa:
- Bản quán: Quê quán của mình.
- Nguyên quán: Quê quán mình sinh đẻ.
- Quê quán: Nơi sinh đẻ.
- Sinh quán: Nơi sinh đẻ.

* Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ, do Hoàng Phê chủ biên (Trung tâm Từ điển ngôn ngữ, Hà Nội, 1992) giải thích:
- Bản quán: Quê quán của bản thân.
- Nguyên quán: Quê quán gốc.
- Quê quán: Quê, về mặt là nơi gốc rễ của gia đình, dòng họ.
- Sinh quán: Nơi sinh.

Đôi từ điển vừa nêu chẳng có mục từ chính / chánh quán. Nhiều người không tán thành Ban tu thư Khai Trí đồng nhất bản quán, nguyên quán, quê quán với sinh quán. Nhóm biên soạn Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên thì tách bạch sinh quán là nơi chào đời, nhưng căn cứ vào đâu để xác định bản quán, nguyên quán, quê quán?

Phải thừa nhận ngay rằng hiện khái niệm quê quán / nguyên quán / bản quán / chính quán / chánh quán chưa được định nghĩa trong văn bản pháp luật chính thức nào ở Việt Nam. Tuy nhiên, lâu nay, nhiều người vẫn nghĩ đó là nơi sinh của cha ruột, trường hợp không có hoặc khó xác định cha thì là nơi sinh của mẹ. Khoản 8 điều 4 Luật Hộ tịch 2014 (hiện hành) quy định: quê quán của cá nhân được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ theo thỏa thuận của cha, mẹ hoặc theo tập quán được ghi chép trong tờ khai khi đăng ký khai sinh. Dẫu hiểu chưa thống nhất, nhưng rõ ràng nơi sinh của cá nhân chưa phải quê quán.

Thân phụ của Hàn là ông Phạm Toán / Nguyễn Văn Toán / Nguyễn Văn Toản chào đời tại giáo xứ Tân Sơn, nay ở thôn Thanh Tân, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Vậy quê quán / nguyên quán / chính quán / chánh quán của Nguyễn Trọng Trí / Hàn Mạc Tử là cụm địa danh vừa nêu.

GS Lê Đình Kỵ viết lời giới thiệu tập Thơ Hàn Mạc Tử do Lữ Huy Nguyên tuyển chọn (NXB Văn Học, 1993, trang 2) quá sai lầm:

"Tên thật là Nguyễn Trọng Trí
Sinh ngày 22/9/1912
Mất ngày 11/11/1940
Quê quán: Quảng Bình
Sống và học ở Quy Nhơn từ nhỏ."

Chu Văn Sơn cũng viết tương tự trong sách Ba đỉnh cao Thơ Mới: Xuân Diệu - Nguyễn Bính - Hàn Mạc Tử (NXB Giáo Dục, HN, 1997, trang 210) và Hàn Mạc Tử một hành trình sáng tạo (NXB Trẻ, 2004, trang 14): "Nguyên quán: Thanh Hóa - bắc miền Trung."

Hoàng Hữu Đản soạn sách song ngữ Việt - Pháp Thơ Hàn Mạc Tử tuyển chọn / Poèmes choisis de Hàn Mạc Tử (NXB Văn Học, HN, 2006), giới thiệu Hàn trong lời nói đầu thiếu chuẩn xác: "Ông sinh tại Lệ Mỹ, Đồng Hới, Quảng Bình ngày 22 tháng 9 năm 1912, nguyên quán là Thanh Hóa".

Không ai lấy nơi sinh của ông cố nội để làm nguyên quán.

Tạp chí Sông Hương số 246 (8/2009) đăng bài Đôi nét Thanh Tân của Nguyễn Thế, có đoạn: "Xứ đạo Thanh Tân cũng từng là nơi gắn liền với tuổi thơ của chàng thi sĩ tài hoa mà bạc mệnh Hàn Mạc Tử. Sinh quán của Hàn Mạc Tử ở Lệ Mỹ, Đồng Hới, từ nhỏ đã vào sống với người thân ở Thanh Tân cho đến năm 14 tuổi. Khi người cha qua đời (1926), Hàn Mạc Tử lại theo gia đình vào Qui Nhơn. Thời kỳ đầu sáng tác, nhà thơ lấy bút hiệu là Lệ Thanh (tên ghép hai chữ đầu của quê hương Lệ Mỹ và Thanh Tân)."

Đoạn vừa dẫn thiếu chính xác. Bởi Hàn có những lần thăm quê nội, chứ chẳng bao giờ "sống với người thân ở Thanh Tân". Lại thêm, "quê hương mỗi người cả... cặp" thì danh từ quê hương hàm nghĩa rộng, do đó nên viết về Hàn cụ thể:

A. Sinh quán làng Lệ Mỹ, tổng Võ Xá, phủ Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình; nay là phường Đồng Mỹ, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.
B. Quê quán / chánh quán / chính quán / nguyên quán thôn Thanh Tân, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

THÊM BÚT DANH "ĐỘC CHIÊU"

Chương trước, nói về các bút danh của Hàn Mạc Tử, tôi chưa nhắc một cái tên "độc chiêu" mà những ai mê thơ Hàn Mạc Tử có thể sẽ nghĩ rằng người thơ phong vận như thơ ấy [9]đời nào dám ký. Bút danh gì "dữ dằn" thế nhỉ?  Trật Sên. Tiếng Bắc có từ tương đương là Tuột Xích.

Vâng, chính Hàn ký bút danh Trật Sên lúc viết tác phẩm "trào phúng... điếu" một nghị viên Viện Dân biểu Trung kỳ, đăng trong giai phẩm Nắng Xuân ra đầu năm Đinh Sửu 1937. Lúc ấy, Hàn Mạc Tử là nhà báo trẻ, từ Sài thành vừa trở lại Quy Nhơn. Cùng tham gia giai phẩm, có nhiều gương mặt sau này trở nên quen thuộc với đông đảo bạn đọc: Chế Lan Viên, Hoàng Diệp, Xuân Khai (tức Yến Lan), Phú Sơn (tức Nguyễn Viết Lãm), Trọng Minh (tức Nguyễn Minh Vỹ, họ tên gốc là Tôn Thất Vỹ).

Bút danh Trật Sên dính dáng gì tới quan hệ bà con họ tộc của Hàn Mạc Tử? Có đấy. Nhân vật trọng tâm mà Trật Sên giễu cợt trong bài báo Quan nghị... gật thuở nào chính là nghị viên Nguyễn Văn Tôn. Khi vung bút, Hàn Mạc Tử hoàn toàn không ngờ rằng Nguyễn Tú - con trai của nhân vật - trong tương lai sẽ là cháu rể hiếu thảo nhà mình!

Ông Nguyễn Bá Tín bộc lộ cảm kích:

- Chính Nguyễn Tú là người tình nguyện đi bốc mộ anh Trí ở Quy Hòa để cải táng ra Gành Ráng vào đầu năm 1959. Nên nhớ thời đó, mọi người, kể cả cậu em Bá Hiếu, đều rất sợ phung cùi!

Ông Nguyễn Tú trú tại giáo xứ Bùi Phát (Q.3, TP.HCM), trong một lần nhắc lại kỷ niệm xa xăm ấy đã luận:

- Đời người, đố ai học được chữ ngờ? Thì cứ lấy chuyện bác Hàn Mạc Tử mà suy, hậu thế vẫn cứ liên tục giật mình vì chưa thể nào nắm bắt được quy luật tồn tại của bao điều...bí mật! 

_________________

[1] - Hồi họa: vẽ theo trí nhớ.
[2] - Sage femme: nữ hộ sinh / nữ điều dưỡng.
[3] - Sergent interprète: trung sĩ thông dịch viên.
[4] - Cố Đồng / Jean-Nicolas Renauld chào đời ngày 1/5/1839 tại Andemy, Meurthe-et-Moiselle, Pháp. Vào Đại chủng viện Metz. Du học Ý. Thụ phong linh mục năm 1865 tại Roma. Theo lời mời của vua Tự Đức, cố Đồng đến Huế ngày 26/11/1867 cùng thừa sai Montrouziès và bác sĩ Hernaiz.
[5] - Gồm Répertoire des membres de la Société des Missions Etrangères 1659-2004 do Gerard Moussay và Brigitte Appavou hợp soạn (MEP, Paris, 2004), Các báo cáo thường niên của các vị giám mục giáo phận Huế gởi Hội Truyền giáo hải ngoại Paris từ 1872 đến 1840 do Lê Thiện Sĩ sưu tập (Sài Gòn, 2004), 101 vị thừa sai MEP đã phục vụ giáo phận Huế do linh mục Stanislao Nguyễn Đức Vệ dịch (Huế, 2015), Tiểu sử các linh mục thuộc Hội Thừa sai Paris (MEP) gia nhập và phục vụ giáo phận Huế do Giuse Nguyễn Văn Hội sưu soạn (Huế, 2004).
[6] - B.T.T.: Bình Trị Thiên là tỉnh hợp nhất 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, theo nghị quyết 245 ngày 20/9/1975 của Bộ Chính trị; đến ngày 30/6/1989, Quốc hội ra quyết định tách 3 tỉnh như cũ.
[7] - Theo Nguyễn Phúc tộc thế phả do Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc ở Huế soạn (NXB Thuận Hóa, Huế 1995) thì chúa Tiên / Nguyễn Hoàng có Nguyễn phu nhân, sau được truy tôn Minh Đức, sinh con là chúa Sãi / Nguyễn Phúc Nguyên; chúa Tiên còn có Minh Đức Vương Thái Phi sinh Nguyễn Phúc Khê (1539-1616) về sau được vua Gia Long truy phong Nghĩa Hưng quận vương.
[8] - Quý bạn đọc sẽ tham khảo Tiểu sử ông Nguyễn Văn Toản trong chương Nơi song thân của Hàn an nghỉ có gì lạ?.
[9] - Một dòng trong bài thơ Xuân đầu tiên của Hàn Mạc Tử.

______________


Gia đình Hàn Mạc Tử tại Quy Nhơn năm 1923, trái sang:
+ Trước: Nguyễn Thị Duy, Nguyễn Bá Hiếu, Nguyễn Văn Toản, Nguyễn Trọng Trí / Hàn, Nguyễn Bá Tín
+ Sau: Nguyễn Thị Như Lễ, Nguyễn Thị Như Nghĩa, u Lành, bếp Ngôn, Nguyễn Bá Nhân


 Nhà thờ giáo xứ Thanh Tân ngày 12/9/2006. 
Ảnh: Phanxipăng

Sông đào Kẻ Vạn dài 5,5km, từ sông Hương đến ngã ba sông Bạch Yến và sông An Hòa, chảy ven làng Vạn Xuân. Ảnh do Phanxipăng chụp ngày 28/3/2009 từ trên cầu Kim Long, tên cũ là cầu Bạch Hổ, bắc qua sông Kẻ Vạn

Tại nhà thờ Đá / giáo xứ Chánh tòa Nha Trang, Phanxipăng trỏ bia mộ anh em ruột của Hàn gồm Antôn Mộng Châu Nguyễn Bá Nhân (1905-1936), Phaolô Nguyễn Văn Thảo (1922-1923), Philipphê Nguyễn Văn Hiền (1923-1924). 
Ảnh: Khuê Việt Trường