Chim Việt Cành Nam
Trở về
Trang chủ
Tác giả
Chính danh định luận: 
Hàn Mặc Tử hay 
Hàn Mạc Tử?

Phanxipăng

Hàn Mạc Tử hay Hàn Mặc Tử? Trả lời tường tận câu hỏi này, chẳng phải… giản đơn.
Song le, với những ai quan tâm nghiên cứu thân thế và sự nghiệp Hàn,
đó là việc cần thiết, phải tiến hành đầu tiên.

Đây là chương đầu tiên trong 28 chương sách Bí mật Hàn Mạc Tử của Phanxipăng sắp xuất bản, nay xin giới thiệu trước trên Chim Việt Cành Nam.


 Di ảnh Hàn Mạc Tử / Nguyễn Trọng Trí (1912-1940)
Lâu nay, phần lớn sách báo – trong đó có giáo khoa trung học và giáo trình đại học – đều ghi bút danh chính của Nguyễn Trọng Trí là Hàn Mặc Tử. Cạnh đó, một số thư tịch lại đề Hàn Mạc Tử.

Vậy nên thống nhất cách viết, cách đọc bút danh / bút hiệu / bút tự của nhà thơ sao cho chuẩn xác?

Về vấn đề này, thiết tưởng cần tuyệt đối tôn trọng ý muốn của chính bản thân tác giả. Sinh thời, Nguyễn Trọng Trí tự chọn bút danh thế nào thì chúng ta hãy giữ nguyên thế ấy.

Tuy nhiên, suốt cuộc đời cầm bút, Nguyễn Trọng Trí ký nhiều bút danh. Thuở mới bước vào làng thơ, chàng ký Minh Duệ Thị. Sau đổi ra Phong Trần. Rồi đổi thành Lệ Thanh. Kế tiếp là Hàn Mạc Tử. Đó là bút danh chính. Ngoài ra, Nguyễn Trọng Trí còn ký nhiều bút danh phụ như Lệ Giang, Sông Lệ, Foong Tchan (phiên âm chữ Phong Trần), P.T. (viết tắt chữ Phong Trần), Anh Hoa, Trọng Minh, Tịnh Nhơn, Trường Giang, v.v..

Thế vì sao Mạc bỗng hoá nên Mặc?

TRÍCH DẪN HỒI KÝ CỦA QUÁCH TẤN

Soạn hồi ký Đôi nét về Hàn Mạc Tử [1], Quách Tấn đề cập một số bút danh của Hàn:

"Hiệu Minh Duệ Thị ít ai biết.

Tử nổi tiếng với hiệu Phong Trần.

Nhưng sau khi Tử đã quen thân cùng tôi, một hôm nhân vui miệng, tôi chê:

- Tướng anh mảnh khảnh thế này, chịu sao nổi cảnh phong trần mà ước?
Một bà cụ thâm nho ở Bình Định cũng bảo rằng hiệu Phong Trần quá trệ và không hợp với tánh tình của Tử. Bà khuyên Tử nên đổi lại hiệu khác.

Tử bèn lấy chữ đầu của sinh quán (Lệ Mỹ) và chữ đầu của chánh quán (Thanh Tân), ghép lại thành hiệu Lệ Thanh.

Tử rất lấy làm vừa ý. Nhưng được ít lâu gặp Tử, tôi lại trêu:

- Bộ anh ngó "dễ thương" mà cái hiệu Lệ Thanh nghe cũng "yểu điệu thục nữ" quá! Âu tôi gọi là "cô Lệ Thanh" cho thêm duyên".

Tử làm thinh. Nhưng ít lúc sau lại lấy hiệu Hàn Mạc Tử.

Hàn Mạc là rèm lạnh.

Tử cho là độc đáo, tìm đến khoe cùng tôi. Tôi cười:

- Kể cũng ngộ thật! Tránh kiếp phong trần lại đi làm khách hồng nhan. Sợ kiếp hồng nhan đa truân lại đi làm kiếp rèm lạnh. Tránh lờ chun vào lưới. Sao mà lẩn quẩn quá thế?

Tử đâm khùng:

- Anh này thật đa sự! Không biết đặt "cái đếch" gì cho vừa lòng anh?

Tôi đáp:

- Đã có rèm thì thêm bóng trăng vào. Hỏi còn cảnh nào nên thơ bằng?
Tử hội ý, cầm bút vạch "vành trăng non" lên đầu chữ a của chữ Mạc thành ra Hàn Mặc Tử.

Chỉ thêm dấu á (ă) mà đổi hẳn ý nghĩa của cả nhóm chữ. Chữ Hàn thì trước kia nghĩa là Lạnh. Nhưng đi kèm với chữ Mặc là Mực trở thành chữ Hàn là Bút.
Hàn Mặc Tử là anh chàng "Bút Mực".

Tử sửa xong, thích chí nói:

- Đã có bóng trăng rọi vào, thì từ nay danh tôi cũng như thơ tôi sẽ mỗi ngày mỗi thêm rạng ngời như bóng trăng.

Thật quả như vậy. Từ ngày sửa đổi bút hiệu lại, văn chương của Tử mỗi ngày một tiến bộ. Và với bút hiệu Hàn Mặc Tử, danh Tử cùng với trăng và thiên thu." (Hết trích)

NHỮNG BẰNG CHỨNG THỰC TẾ

Mẩu hồi ký vừa dẫn của Quách Tấn đậm tính giai thoại, hoàn toàn chẳng có bút tích minh định. Cần lưu ý rằng Hàn chẳng ngại loạt bút danh "yểu điệu thục nữ" là Lệ Thanh, Bích Ngọc, thậm chí đích thân chàng còn cố tình "mềm dịu hoá" hơn thành Lệ Thanh nữ sĩ, Huyền Không nữ sĩ, Mlle [2] Bích Ngọc, Mlle Phương Liên, Mlle Mộng Cầm, Cô Đài Trang, Cô Bạch Bình Giang.Nhiều đàn ông ký bút danh rất phụ nữ và ngược lại là chuyện quá phổ biến trên văn đàn lẫn báo giới. Nên nhớ rằng tuần báo Ngày Nay số 24 phát hành ngày chủ nhật 6/9/1936 từng đăng bài thơ Bẽn lẽn… của Nguyễn Trọng Trí ký bút danh Hàn-Mặc-Nữ. Vâng, Nữ chứ chẳng Tử.

Thuở Hàn sinh thời, các tờ báo và tạp chí như Công Luận, Tân Tiến, Tràng An, Đông Á Tân Văn, v.v., đã in bút danh chàng: Hàn Mặc Tử, Hàn Mặc Tữ, Hoàng Mặc Tữ, Hàn Mặc Tư, Hàn Mạc Tử. Sự biến đổi đó không chỉ đơn giản là lỗi ấn công.

Soạn sách Hành trang cho thơ và sự trở lại của chính mình của Hàn Mạc Tử (NXB Đà Nẵng, 1996), Vũ Hải – tức nữ giáo viên Võ Thị Hải – đã "mạnh dạn đưa vấn đề này (vấn đề "Hàn Mạc Tử" hay "Hàn Mặc Tử") thành một chương chính gần như là cốt lõi trong quá trình nghiên cứu tìm hiểu về Hàn Mạc Tử " (trang 29). Vũ Hải tỏ ra hợp lý khi lập luận rằng "không thể chỉ dựa vào giai thoại để thẩm định bút danh cuối cùng của nhà thơ được" (trang 31).

Thực tế thì năm 1936, nhà in Tân Dân ở Hà Nội in tập thơ Gái quê có lời tựa của Phạm Văn Ký [3], Nguyễn Trọng Trí ký bút danh Hàn Mặc Tử. Tuy nhiên sau đấy, ít nhất từ ngày 21/9/1937, trên tờ Sài Gòn Tiểu Thuyết[4], nhà thơ lấy bút hiệu ngày trước là Hàn Mạc Tử. Nhiều văn bản còn lưu cho thấy vậy.

Chẳng hạn bản in lần đầu tiên năm 1939, đề tựa cho tập thơ Tinh huyết của Bích Khê (NXB Đông Phương), Nguyễn Trọng Trí đã ghi rõ ở trang 19: Hàn Mạc Tử. Trong bản thảo thi tập Tinh hoa kế tiếp (dự định xuất bản năm 1944 nhưng không thành), Bích Khê dành hẳn cho bạn mình một bài thơ với tựa đề mang bút danh y hệt: Hàn Mạc Tử. Bài thơ Hàn Mạc Tử của Bích Khê từng đăng báo Người Mới số 5 phát hành ngày 23/11/1940.

Đáng lưu ý rằng ngay trong tập thơ Một tấm lòng của Quách Tấn xuất bản lần đầu năm 1939, nhiều lần in rõ rành rành bút danh Hàn-Mạc-Tử. Đó là ở bìa ruột cùng các trang 27, 31, 32, 33, 40, 52. Cả 7 lần đều in Hàn-Mạc-Tử, ắt chẳng phải mắc lỗi ấn công.

Cũng năm 1939, trong bức thư kèm theo bài thơ Ở đây thôn Vỹ Giạ viết vào tháng 11, nghĩa là tròn một năm trước khi thi sĩ qua đời, Nguyễn Trọng Trí ký cuối thư và cuối bài thơ: Hàn Mạc Tử. Người nhận thư và thơ này là Hoàng Thị Kim Cúc (1913-1989) đã giữ gìn thủ bút bao năm ròng tại nhà riêng ở Huế.

MẠC VẪN HOÀN MẠC

Lý giải chuyện Mạc vẫn hoàn Mạc thế nào đây?

Giả thiết rằng giai thoại mà Quách Tấn tường thuật là sự thật, thì vì tình bạn, Nguyễn Trọng Trí chỉ sử dụng bút danh Hàn Mặc Tử một thời gian ngắn rồi quay trở lại với hiệu Hàn Mạc Tử bởi thấy phù hợp với mình hơn. Đặt nhà thơ vào hoàn cảnh cụ thể lúc bấy giờ đang đau khổ vì bệnh tật, nghèo túng và cô quạnh, Nguyễn Đình Niên [5] đã phân tích trong công trình nghiên cứu Kinh nghiệm về thân phận làm người trong thơ Hàn Mạc Tử (Tiểu luận cao học văn chương, Đại học Văn khoa Sài Gòn, 1973; NXB Southeast Asian Culture and Education, California, 2009): "Nếu xét theo tiếng đồng âm (synonym) thì lại còn có nghĩa anh chàng nghèo mạt (nghèo mạt rệp) hoặc chết (tử) trong sự nghèo nàn (mạc) và lạnh lẽo, cô quạnh (hàn) nữa."

Trong tiểu luận ấy, Nguyễn Đình Niên ghi nhận rằng một bạn thân khác của Nguyễn Trọng Trí là Trần Tái Phùng [6] ở Huế khẳng quyết:

- Hàn Mạc Tử, đúng. Hàn Mặc Tử là sai. Một thư Hàn Mạc Tử viết gởi cho tôi có nói rằng: "Người ta thường gọi lầm tôi là Hàn Mặc Tử; phải gọi tôi là Hàn Mạc Tử, mới đúng."

Dòng thư nọ đã được Vũ Hải sao lục trong sách Hành trang cho thơ và sự trở lại của chính mình của Hàn Mạc Tử (sđd, trang 37).

Một bạn thân khác nữa của Nguyễn Trọng Trí là Bùi Tuân [7] tường thuật: "Mọi người đều biết: Hàn Mặc Tử = bút mực, chỉ về văn chương. Hàn Mạc Tử = con người đeo đuổi nghề văn chương. Nhưng có một lần Trí nói rõ với tôi rằng bút tự của anh là Hàn Mạc Tử chứ không phải Hàn Mặc Tử. Anh nhấn mạnh điều ấy và nói với tôi rằng Hàn Mạc Tử là khách bút nghiên. Về sau, tôi xem trong Dictionnaire Gébriel thì thấy Mặc là mực cũng có thể đọc Mạc. [8] (…) Tôi nhớ mày mạy trong một cuộc nói chuyện với Trần Tái Phùng, một người thường viết thư cho Hàn Mạc Tử khi thi sĩ còn sống, ông ấy cũng nhận rằng trong các thư từ mà ông nhận được thì thấy viết Hàn Mạc Tử chứ không phải Mặc." [9]

SÁCH BÁO GIAI ĐOẠN 1940-1954 IN RÕ: HÀN MẠC TỬ

Qua những cứ liệu vừa nêu, chúng ta có thể xác định rằng Hàn Mạc Tử là bút danh mà Nguyễn Trọng Trí tự cảm thấy phù hợp nhất, tâm đắc nhất. Đây là bút danh mà nhà thơ dùng để ký hầu hết tác phẩm cũng như thư từ trong giai đoạn gần mãn đời. Sở dĩ gọi gần mãn đời, vì từ sáng 20/9/1940, khi Nguyễn Trọng Trí vào bệnh viện Quy Hòa rồi mất tại đấy chưa đầy hai tháng sau, thì chàng giấu nhẹm mọi chuyện riêng tây, chỉ ký tên thật kèm với thánh danh là François Trí – kể cả bản thảo cuối cùng bằng tiếng Pháp La Pureté de l'Âme[10] viết đêm 24/10/1940 và cất trong túi áo cho đến lúc nhà thơ tắt thở vào ngày 11/11/1940.

Sau khi nhà thơ tài năng lìa trần, các văn bản được công bố ghi Hàn Mạc Tử hay Hàn Mặc Tử? Đây cũng là những tư liệu có ý nghĩa văn học sử, rất cần tham khảo.

Báo Người Mới liên tiếp mấy số ra ngày 23/11, 30/11 và 7/12/1940 tập trung đăng bài thương tiếc Nguyễn Trọng Trí của bằng hữu khắp nơi, ắt là loạt ấn phẩm xuất hiện sớm nhất ngay sau lúc nhà thơ mất. Lục lại chồng báo ấy, giáo sư Phan Cự Đệ xác nhận: "Báo Người Mới số 23/11/1940 ghi bút danh Hàn Mạc Tử trong tất cả các bài, kể cả bài của Quách Tấn." (Thơ văn Hàn Mạc Tử - Phê bình và tưởng niệm, NXB Giáo Dục, Hà Nội 1993, trang 329; Hàn Mạc Tử tác phẩm, phê bình và tưởng niệm, NXB Văn Học, Hà Nội, 2002, trang 337).

Bộ sách Thi nhân Việt Nam do Hoài Thanh và Hoài Chân biên soạn năm 1941, từ bản in lần thứ nhất và lần thứ hai (Bắc Việt năm 1942) cho đến bao bản in đi in lại về sau, luôn ghi rõ Hàn Mạc Tử kèm dòng cước chú: "Hai chữ "hàn mạc" trong tự điển không có, chỉ có "hàn mặc" nghĩa là văn chương."

Cùng ấn hành sớm như bộ sách trên là chuyên khảo của Trần Thanh Mại, in lần đầu năm 1942 tại nhà in Rạng Đông (Hà Nội), với bìa và ruột đề rõ: Hàn Mạc Tử, xuất bản bởi Võ Doãn Mại, 63 Pellerin, Sài Gòn. Sách này in lần thứ nhì, đề NXB Huế, cùng năm 1942, bìa với ruột cũng in rõ: Hàn Mạc Tử. Tôi cũng có tác phẩm này, bản in lần thứ tư và năm, do NXB Tân Việt (Sài Gòn) tái bản năm 1964 và 1970 với nhan đề: Hàn Mạc Tử thân thế và thi văn. Chẳng rõ vì sao gần đây, một số tài liệu sao lục sách của Trần Thanh Mại lại tự tiện chữa "Mạc" thành "Mặc" cả?

Tương tự như vậy, báo cáo Hàn Mạc Tử, thi sĩ của đạo quân thánh giá do Võ Long Tê biên soạn, đăng nguyệt san Vinh Sơn (Huế, 12/1953) và nguyệt san Xã Hội (Sài Gòn, Tết Giáp Ngọ 1954), về sau được in lại hoặc trích dẫn cũng bị xếp chữ "Mạc" thành chữ "Mặc"!

NÊN THỐNG NHẤT BÚT DANH CHÍNH CỦA NGUYỄN TRỌNG TRÍ

Trong xu thế giao lưu và hội nhập văn hóa đất nước với toàn cầu, việc thống nhất bút danh chính của một nhà thơ Việt Nam nổi tiếng càng cần thiết. Dẫu vậy, xét thực tiễn hiện nay, việc điều chỉnh bút danh của "một đỉnh cao lòa chói trong văn học của thế kỷ, thậm chí qua các thế kỷ" (chữ dùng của Chế Lan Viên) còn vướng vô vàn khó khăn! Quá nhiều sách báo hiện nay, kể cả giáo khoa trung học và giáo trình đại học, cùng bảng tên đường tại một số đô thị, cứ ghi Hàn Mặc Tử!

Đặc biệt, tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, những di tích cùng hiện vật đang bảo tồn trong bệnh viện Quy Hòa – nơi nhà thơ đến chữa trị và trút hơi thở cuối – với khu vực mộ phần nơi Gành Ráng [11], thì qua mấy đợt tôn tạo gần đây đều đã được sửa đổi tất cả biển bảng cho hợp "chính danh" Hàn Mạc Tử. Tại thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, trục lộ dẫn tới giáo đường Tam Toà ven sông Nhật Lệ được gắn biển bảng "đường Hàn Mạc Tử". Các đô thị Thanh Hóa (tỉnh cùng tên), Vinh (tỉnh Nghệ An), Pleiku (tỉnh Đăk Lăk), TP.HCM hiện cũng gắn biển bảng "đường Hàn Mạc Tử". Đó là những việc làm rất đáng hoan nghênh.

Với chiều hướng ấy, trong sách này, kể cả những đoạn trích dẫn, trừ trường hợp thật sự cần thiết, Phanxipăng luôn ghi bút danh chính thức của Nguyễn Trọng Trí là Hàn Mạc Tử.
_________________

[1] - Hồi ký này xuất hiện trên tạp chí Lành Mạnh (Huế, 1/11/1959) và nguyệt san Văn Hóa số 46 (Sài Gòn, 11/1959), bán nguyệt san Phổ Thông số 25 (Sài Gòn, 12/1959), sau đó lần lượt đăng lại trên tập san Văn số 73-74 (Sài Gòn, 7/1/1967), Niềm Thương số 5 (Nha Trang, 6/1969) và số 6 (Nha Trang, 7/1969), v.v., đoạn in vào các sách như Thơ Hàn Mạc Tử (Sở Văn hóa Thông tin Nghĩa Bình, 1987), Hàn Mạc Tử thơ và đời (NXB Văn Học, Hà Nội, 1995), Hàn Mạc Tử hôm qua và hôm nay (NXB Hội Nhà Văn, Hà Nội, 1996), v.v.. Thuở Quách Tấn sinh thời, nội dung văn bản hồi ký này có những thay đổi qua thời gian công bố. Phanxipăng được nhà thơ Quách Giao biếu bản thảo Đôi nét Hàn Mạc Tử của phụ thân là nhà thơ Quách Tấn đánh máy tại Nha Trang năm 1964 rồi thêm bớt bằng bút và đánh máy dán vào. Tuy nhiên, để bạn đọc tiện kiểm chứng, Bí mật Hàn Mạc Tử trích dẫn hồi ký này từ sách Bóng ngày qua (Bàn Thành Tứ Hữu) của Quách Tấn do Quách Giao sưu soạn (NXB Văn Nghệ TP HCM, 2001).

[2] - Mlle do viết tắt mademoiselle, mang nghĩa cô; số nhiều thì ghi mlles do viết tắt mesdemoiselles. Mme do viết tắt madame, mang nghĩa bà; số nhiều thì ghi mmes do viết tắt mesdames. Đó là những danh từ tiếng Pháp.

[3] - Phạm Văn Ký (1910-1992) gốc gác thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định; anh ruột nhà thơ Phạm Hổ (1926-2007) và nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ (1930-2009). Chủ bút báo Impartial ở Sài Gòn, Gazette de Hué ở Huế. Năm 1938, Phạm Văn Ký được học bổng du học bậc cử nhân và cao học văn khoa tại Đại học Sorbonne, rồi làm việc cho Đài Phát thanh và Truyền hình Pháp. Năm 1970, Phạm Văn Ký cùng phái đoàn Việt kiều Pháp về nước, thăm Hà Nội. Tác phẩm của Phạm Văn Ký: các tiểu thuyết Celui qui règnela (Người sẽ ngự trị), Les Yeux courroucés (Những con mắt giận dữ), Frères de sang (Anh em ruột thịt), Perdre la demeure (Đánh mất cội nguồn - đạt Giải thưởng Lớn năm 1961 của Viện Hàn lâm Pháp), Mémoires d’un Eunuque (Ký ức của một hoạn quan), Les uns font les étoiles (Những người làm nên các vì sao); các tập thơ Hué éternelle (Huế vĩnh cửu), Une voix sur la voie (Tiếng nói trên đường), Poèmes sur soie (Thơ trên lụa); kịch La citadelle d’Escargot (Thành Ốc). Tất cả đều bằng tiếng Pháp, ngoại trừ tập thơ tiếng Việt Đường về nước (NXB Hội Nhà Văn, Hà Nội, 1993).

[4] - Theo Thư tịch báo chí Việt Nam (NXB Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, 1998), Sài Gòn Tiểu Thuyết do Phạm Ngọc Thọ giám đốc, xuất bản hằng tuần, số 1 ra ngày 14/11/1936, cuối cùng là số 7 ra tháng 10/1937.

[5] - Nguyễn Đình Niên chào đời năm 1936 tại làng Phước Yên, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Tốt nghiệp ban Việt – Hán, Đại học Sư phạm Huế, năm 1966. Bảo vệ thành công luận văn cao học Kinh nghiệm về thân phận làm người trong thơ Hàn Mạc Tử tại Đại học Văn khoa Sài Gòn tháng 7-1973. Từng dạy Việt văn tại các trường Trung học bán công Quảng Phước (Thừa Thiên), Võ Tánh (Nha Trang), Đồng Khánh – Hai Bà Trưng (Huế). Nguyễn Đình Niên đã in các tập thơ với bút danh Tường Phong: Trăng phương Đông (1958), Thơ của người cô độc (NXB Thuận Hóa, Huế, 2007).

[6] - Trần Tái Phùng (1914-2004) là anh ruột của Trần Thị Thương Thương.

[7] - Bùi Tuân chào đời năm 1913 tại huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Vào Huế nhập học trường Pellerin năm 1929. Kết thân với Hàn năm 1932 tại Quy Nhơn. Năm 1933, Bùi Tuân bắt đầu làm báo. Năm 1936, kết hôn với Nguyễn Thị Thương tại Huế, Bùi Tuân trở thành dượng của Nguyễn Văn Xê – một trong ít bệnh nhân kề cận Hàn thời gian cuối đời. Bùi Tuân đã thăm Hàn ở xóm Động năm 1939 & ở xóm Tấn năm 1940, viếng mộ Hàn tại Quy Hoà năm 1941, viếng mộ Hàn tại Gành Ráng năm 1960. Giai đoạn 1955-1963, đệ tam phó tổng thư ký Quốc hội tại Sài Gòn. Bùi Tuân từ trần tại Huế ngày 25/12/1966. Sách của Bùi Tuân đã xuất bản: Thế lực đối ngoại của Toà Thánh (NXB An Phong, Huế, 1954), Xây dựng trên nhân vị (NXB Nhận Thức, Huế, 1956), Con heo vàng (Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 1962).

[8] - G.F.M. Génibrel. Dictionnaire Annamite-Français / 大越國音漢字法釋集成 / Đại Việt quốc âm Hán tự Pháp thích tập thành (Nhà in Tân Định, Sài Gòn, ấn bản lần thứ nhì, 1898) ghi ở trang 434 "Mạc. (Mực), Encre" & trang 442 "Mặc. (Mực), Encre".

[9] - Trích bản thảo Bùi Tuân – Hàn Mạc Tử: một tình bạn thanh cao (Tủ sách Bùi gia, Bình Dương, 2010, trang 63- 64).

[10] - Trần Thanh Mại dịch: Tấm linh hồn thanh khiết. Hoàng Trọng Miên dịch: Linh hồn thanh khiết. Phạm Đình Khiêm dịch: Hồn thanh khiết. Vũ Đình Phòng dịch: Hồn trinh bạch.

[11] - Lịch sử ngữ âm tiếng Việt đã phản ánh biến chuyển trước sau theo thời gian: anh > inh > ênh. Trong tiếng Việt văn học và tiếng Việt toàn dân, từ đang xét chuyển biến lần lượt: gành > ghình > ghềnh. Vậy âm gốc là Gành Ráng (Bình Định), đèo Gành, chợ Gành, Gành Đá Đĩa (Phú Yên), Gành Son (Ninh Thuận), cầu Gành (Đồng Nai), Gành Hào (Bạc Liêu), v.v.. An Chi viết trên báo Năng Lượng Mới 508 (28/3/2016): "Ta nên nhớ rằng, ở đây, Gành không còn là danh từ chung nữa, mà là danh từ riêng, là địa danh. Đối với địa danh, nhân danh, ta không  thể  tự  tiện  hoặc  sỗ  sàng thay  thế  nó  bằng  biến  thể  ngữ âm (của nó)" . Phanxipăng thêm rằng gành / Gành chẳng những là âm gốc, mà lâu nay vẫn được cư dân quen gọi. Gành Ráng được ghi nhận trong hồi ký Đôi nét về Hàn Mạc Tử của Quách Tấn, sách Hàn Mạc Tử của Hoàng Diệp, các sách Hàn Mạc Tử anh tôiHàn Mạc Tử trong riêng tư cùng tranh sơn dầu của Nguyễn Bá Tín. Địa danh Việt Nam trong tục ngữ - ca dao của Vũ Quang Dũng (NXB Từ Điển Bách Khoa, Hà Nội, 2007) in rõ:

Gió cầu Tấn đêm ngày thổi mát
Đường Quy Nhơn mịn cát dễ đi
Phương Mai, Gành Ráng tương tri
Ngân câu thủy tú sơn kì thảnh thơi.
Tại TP Quy Nhơn, tỉnh lị Bình Định, phường Ghềnh Ráng được thành lập trên cơ sở tách một phần diện tích tự nhiên và dân số của phường Quang Trung, theo quyết định số 118/197/NĐ-CP ngày 26-12-1997 của Chính phủ. Tuy nhiên, vì những lý do đã nêu, sách Bí mật Hàn Mạc Tử vẫn ghi Gành Ráng.
 

Chú thích ảnh:


 Di ảnh Hàn Mạc Tử / Nguyễn Trọng Trí (1912-1940)

Trong tập thơ Một tấm lòng của Quách Tấn xuất bản lần đầu năm 1939, cả 7 lần in rõ bút danh / bút hiệu "Hàn-Mạc-Tử". Mạc chứ không phải Mặc. 
Ảnh: Vũ Hà Tuệ

Báo Tràng An số 610 (Huế, 26/11/1940) đăng bài tưởng niệm Hàn do Hoàng Diệp viết, cùng bài thơ di cảo của Hàn Mạc Tử. Mạc chứ không phải Mặc. 
Ảnh: Vũ Hà Tuệ

 Soạn sách Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh và Hoài Chân ghi Hàn Mạc Tử chứ không ghi Hàn Mặc Tử. 
Ảnh: Phanxipăng

TP Quy Nhơn, tỉnh lị Bình Định, các di tích cùng hiện vật liên quan Nguyễn Trọng Trí đều ghi rõ Hàn Mạc Tử; tên đường phố cũng vậy. Mạc chứ không phải Mặc. Ảnh: Trần Hoa Khá

Phanxipăng nơi đường Hàn Mạc Tử ở phường Tân Thành, quận Tân Phú, TP HCM. Mạc chứ không phải Mặc. Ảnh: Trần Ngọc Đại Dương