Chim Việt Cành Nam
Trở về
Trang chủ
Tác giả
Bình ca, 
chương khúc khát vọng hòa bình
 

Phan Trang Hy

Trên trang phamduy.com, Phạm Duy viết: "... sau Bé caNữ ca, tôi soạn Bình ca". Cũng theo Phạm Duy, Bình ca là chương khúc 'hoan ca' (song of joy). Qua những lời ca vui tươi, theo tôi, chương khúc này thể hiện khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam.

Trước hết, khát vọng hòa bình thể hiện qua giấc mơ về hòa bình. Giấc mơ ấy có tiếng cười nói thay cho sự im lặng đáng sợ, thay cho những gương mặt giấu che. Giấc mơ ấy làm cho lòng người bao dung, thánh thiện: yêu ông láng giềng, nhìn ai cũng thấy quen, yêu cả người oán ghét. Giấc mơ ấy là giấc mơ tiên – giấc mơ quá đẹp:

Dường như nghe đâu đây tiếng người
Ngày hôm qua im tiếng im hơi
Người xưa nay thường che mặt lại,
Bỗng hôm nay không ai là không cười
Dường như tôi yêu ông láng giềng
Người xa xôi ai cũng như quen
Còn yêu thêm cả người oán ghét
Giấc chiêm bao là giấc mơ tiên
Là giấc mơ tiên! Là giấc mơ tiên!
(Dường Như Là Hòa Bình – Bình ca 03)

"Là giấc mơ tiên"! Giấc mơ của bao người mơ sống yên bình. Giấc mơ ấy còn là giấc mơ hiền của mùa Xuân, của đất trời trong lòng người. Hòa bình qua mùa Xuân bắt đầu từ chuyện trăm năm của truyền thuyết năm mươi con xuống biển, năm mươi con lên non, cùng chung chuyện sống chết:

Xuân huy chan hòa trên khắp quê hương
Nắng chói gia đình huyền bí trăm con
Năm mươi người xuống
Năm mươi người lên
Đến lúc gặp chỗ hàn huyên
Xuân phong đem về tin tức vui chung
Gió mát cho lòng rộng rãi thong dong
Chung nhau cuộc sống
Chung nhau cuộc chết
Và quyết định cưới Xuân liền!
À ạ ơi! À ạ ơi!...
(Xuân Hiền – Bình ca 05)

Giấc mơ về hòa bình, ai không muốn. Giấc mơ ấy vĩ đại biết chừng nào! Hòa bình quá thiêng liêng! Hòa bình cũng bình dị, có nghĩa là tiếng súng không còn, chiến tranh không còn, khi ấy vợ chồng mừng vui trong nước mắt, cha mẹ gặp con trong nỗi chờ mong, anh em, đồng bào không còn là kẻ thù của nhau, và mọi người nắm tay đồng lòng xây đắp tương lai:

Ngày chấm dứt chiến tranh, vợ gặp chồng
Ngừng tiếng súng khiến cha mẹ gặp con
Anh em ta không coi nhau là thù
Tay trong tay tương lai ta trùng tu
Này hỡi, hỡi Hòa Bình!
Này hỡi, hỡi Hòa Bình!
(Ngày Sẽ Tới – Bình ca 10)

Giấc mơ hòa bình mãi là giấc mộng đẹp của bao người. Người yêu nhạc một thời mơ hòa bình, yêu câu hát: "Mẹ Việt Nam mắt ngời sáng quắt/ Nghe đâu đây tiếng vọng hòa bình/ Lệ nhạt nhòa đôi mắt long lanh/ Nghe tin con vẫn còn ngày xanh" (Hoa Cài Mái Tóc, Thông Đạt). Vui biết chừng nào khi Mẹ nghe tin con còn sống để cùng chờ đón hòa bình. Còn Phạm Duy có cách nhìn riêng là con sẽ ru Mẹ trong ước mơ, mộng đẹp hòa bình. Bởi Mẹ nào ngủ được bởi đạn bom. Giấc ngủ Mẹ muộn màng bởi lúc nào Mẹ cũng cầu nguyện cho con yên bình, bởi mắt Mẹ luôn ngóng chờ con về trong vòng tay của Mẹ. Còn khi hòa bình đến, con ru Mẹ trong giấc ngủ thanh bình để bù lại những gì Mẹ đã dành cho con. Con ru Mẹ, chia giấc mộng ngày xanh của con thành mộng lành, mộng ngoan cho Mẹ:

Mẹ năm mươi tuổi thiếu mơ
Con hai mươi tuổi nằm chờ mộng xanh
Từ nay giấc ngủ thanh bình
Con chia cho mẹ mộng lành, mộng ngoan
...................................................
Mẹ ơi! Giấc ngủ muộn màng
Con xin ru mẹ một ngàn lời ru.
Ù ơ tiếng hát Nguyễn Du
Vần thơ sáu tám hát cho hòa bình
(Ru Mẹ – Bình ca 06)

Chiến tranh rồi sẽ qua. Những ác mộng sẽ qua để chỉ còn địa đàng nơi chốn yên bình. Những đau thương, tức tối, giận hờn, oán ghét trở thành quá khứ. Bỏ lại bên đời buồn phiền, hối tiếc, ăn năn. Chỉ còn người yêu người qua da thơm ngọt, qua môi ngon lành giấc mộng tình yêu:

Nào người yêu giã từ ác mộng
Ta đưa nhau tới cõi địa đàng
Một vườn thiêng thơm mùi da ngọt
Môi ngon hơn những trái đào tiên
Nào người yêu giã từ dĩ vãng
Thôi đau thương, tức tối, giận hờn
Nào người yêu giã từ oán ghét
Thôi ăn năn, hối tiếc, buồn phiền
(Giã Từ Ác Mộng/ Địa Đàng Tìm Thấy – Bình ca 08)

Mộng dữ không còn. Địa đàng hiện hữu. Và chỉ thấy người hân hoan trong cảnh hòa bình, cất tiếng ca ngợi hòa bình, có khác chi con chim gầy, ốm yếu bao sáng mai vắng tiếng cười vui, bỗng cất tiếng líu lo, líu lo vì hòa bình về trên quê hương:

Này em con chim lười
Nhiều năm chim đau phổi
Buổi sáng vắng tiếng chim cười vui
Này em con chim gầy
Chiều bay chim đứng dậy
Và nó hát líu lo thật dài
Cũng vì hòa bình đã về đây
Cũng vì hòa bình đã về đây.
(Bình ca 01)

Khát vọng hòa bình còn đặt vào niềm tin. Niềm tin ấy là Đức Tin. Đức Tin chỉ có được khi mỗi con người tin tưởng nhau, thương yêu nhau, phải thật sự là con người của hòa bình. Tâm có bình, thì vật mới bình bởi "Chúng ta không bao giờ đạt được hòa bình trên thế giới, ngoại trừ chúng ta phải thực sự có hòa bình trong chính mình" (Dalai Lama). Chỉ có thái hòa khi có lời chào bình yên:

Tôi chào đất nước tôi nay thái bình
Tôi cúi lưng xin chào anh
Tôi đứng lên, tôi chào em
Tôi vói lên cao, chào Đức Tin
Tôi chào sáng sớm, ban trưa, xế chiều
Đêm về vẫn cứ chưa thôi cúi chào
Tôi thấy trong tôi mừng reo
Tôi thấy chung quanh chào nhau
Tôi cũng không quên chào đứa tôi đâu
Lời... lời chào bình yên!
Lời... lời chào bình yên!
(Lời Chào Bình Yên – Bình ca 07)

Đức Tin ấy còn là Chúa, là Phật. Không như Trịnh Công Sơn thở dài, hờn dỗi vào Chúa, vào Phật khi chiến tranh liên miên trên đất nước Việt: "Chúa đã bỏ loài người/ Phật đã bỏ loài người..." (Này Em Có Nhớ), Phạm Duy lại tin lòng nhân ái của Chúa sẽ đem hòa hiếu đến cứu thế gian:

Lạy Chúa! Lạy Chúa tôi!
Nhân ái ban xuống đời
Lạy Chúa! Lạy Chúa tôi!
Cho hiếu hòa khắp nơi
(Chúa Hòa Bình – Bình ca 09)

Và khi hòa hiếu khắp nơi, con người mới an bình. Đón hòa bình, người còn lại sau cuộc chiến sẽ an nhiên, tự tại trong tình yêu thương của Chúa, của Phật:

Sống sót trở về, linh mục dựng gác chuông
Chúa giáng ơn lành cho bổn đạo bốn phương
Sống sót trở về, nơi Phật đài ngát hương
Tiếng mõ chen vào lời thượng tọa sót thương.
(Sống Sót Trở Về – Bình ca 02)

Khát vọng hòa bình còn thể hiện niềm tin vào một nước Việt Nam thống nhất. Niềm tin ấy đã từng được Phạm Duy đem vào trường ca Con Đường Cái Quan. Và giờ, trong chương khúc này, ông nói bằng tình cảm của người từng trải qua bao thăng trầm của thời cuộc:

Dường như nay quê hương có một
Từ bao lâu sống chết chia đôi
Dù con tim này rộng phơi phới
Cũng xin mang một nước non thôi
Một nước non thôi
Một nước non thôi.
(Dường Như Là Hòa Bình – Bình ca 03)

Còn gì vui bằng nước non là một, Bắc Nam là một nhà Việt Nam. Tình yêu trong hòa bình trọn vẹn. Đôi ta ra nghe Thu Hà Nội mộng mơ, đưa nhau vô Nam coi mặt trời tỏa nắng hiền hòa:

Ngày sẽ tới nước non thôi là hai
Ngày thống nhất, Bắc – Nam đi lại rồi
Anh đưa em ra nghe Thu Hà Nội
Em đưa anh vô Nam coi mặt trời
(Ngày Sẽ Tới – Bình ca 10)

Hòa bình có được khi tình yêu thương rưới nhuần khắp trên quê hương cằn cỗi, đau thương, trên địa cầu tăm tối, dối gian, trong lòng người đớn đau, tội lỗi. Chỉ có tình yêu mới đem yên bình đến với thế gian. Hòa bình là nhờ tình yêu thương của nhân loại:

Xin tình yêu giáng sinh
Cho một lần hoa nở
Xin tình yêu giáng sinh
Cho một lần ngực thở
Xin tình yêu giáng sinh
Cho một lần cửa mở
Xin tình yêu giáng sinh
Tình yêu của chúng mình.
(Xin Tình Yêu Giáng Sinh – Bình ca 04)

Nghe xong chương khúc Bình ca mới thấy khát vọng hòa bình mãi là khát vọng muôn đời của người dân Việt Nam. Và tôi tin chắc rằng: Ngày sẽ tới, mỗi khi nghe Việt Nam/ Toàn thế giới sẽ ăn ngon ngủ ngoan/ không nghe thêm, nghe thêm câu chuyện buồn/ Nhưng nghe lên, nghe lên chuyện thần tiên/ Này hỡi, hỡi Hòa Bình! Này hỡi, hỡi Hòa Bình! (Ngày Sẽ Tới –Bình ca 10).

Phan Trang Hy