Chim Việt Cành Nam
Trở về
Trang chủ
Tác giả
Giấc ngủ

Murakami Haruki
Phạm Vũ Thịnh dịch
1
Tôi không ngủ được đã đến ngày thứ 17 rồi.

Không phải là chứng mất ngủ. Chứng mất ngủ thì tôi biết đôi chút. Thời đại học có lần đã vướng phải chứng mất ngủ như thế rồi. Nói "như thế" là vì tôi không xác tín được rằng chứng trạng của tôi có thật phù hợp với triệu chứng mà người ta thường gọi là chứng mất ngủ ấy không. Có lẽ đi khám ở bệnh viện thì biết được có đúng là chứng mất ngủ hay không. Nhưng tôi đã không đi bệnh viện. Bởi tôi nghĩ có đi bệnh viện cũng chẳng ích lợi gì. Cũng chẳng có căn cứ gì để nghĩ thế. Chỉ trực giác như thế thôi. Có đi cũng chẳng ích gì. Vì thế, tôi đã chẳng đến y sĩ, mà cũng chẳng cho gia đình hay bạn bè biết. Cho ai đấy biết, thế nào họ cũng bảo tôi đi bệnh viện.

Cứ thế, thứ gì như là chứng mất ngủ ấy đã kéo dài suốt một tháng. Trong một tháng ấy, không một lần nào tôi ngủ cho ra ngủ. Đêm đến, vào giường nằm, nghĩ là ngủ đi thôi. Và thế là, cứ như phản xạ mà tỉnh như sáo ngay. Cố gắng ngủ cách mấy cũng không ngủ được. Ý thức càng muốn ngủ, thì ngược lại, mắt càng tỉnh. Đã thử uống rượu, uống thuốc, mà cũng chẳng có hiệu quả gì.

Đến lúc trời bắt đầu sáng mới có cảm giác mơ màng. Nhưng vẫn không thể gọi là giấc ngủ được. Đầu ngón tay tôi như sờ tới được vành ngoài của giấc ngủ. Ý thức thì tỉnh táo. Tôi ở trong trạng thái mơ màng. Nhưng bên kia chỉ cách phòng tôi có một vách mỏng, ý thức của tôi vẫn tỉnh như sáo, im lìm trông nom tôi. Thân xác tôi lơ lửng trôi nổi trong màu mờ mờ, vẫn tiếp tục cảm nhận tia nhìn và hơi thở của ý thức ngay bên cạnh. Tôi vừa là thân xác đang muốn ngủ, đồng thời cũng là ý thức đang tỉnh như sáo.

Trạng thái mơ màng bất định như thế tiếp diễn lúc có, lúc không suốt ngày. Đầu óc tôi lúc nào cũng mơ hồ mù sương. Không phán định chính xác được cự ly, chất lượng hay cảm xúc của sự vật. Cơn mơ màng ấy như sóng dạt vào sau từng khoảng thời gian nhất định. Khiến tôi vô thức mà mơ màng như thế trên ghế tàu điện, trên bàn trong lớp, hay trong dạ tiệc. Ý thức len lén thoát khỏi thân xác tôi. Thế giới chao đảo trong im lặng. Tôi làm rớt đủ thứ xuống sàn. Bút chì, ví tay, muỗng nĩa rơi xuống sàn thành tiếng. Tôi chỉ muốn cứ thế mà ngủ luôn một giấc. Nhưng không được. Sự tỉnh táo luôn luôn kề bên tôi. Tôi không ngừng cảm nhận cái bóng lạnh lẽo của nó. Như cái bóng của chính mình. Kỳ dị thật, tôi nghĩ thế trong mơ màng. Tôi đang ở trong cái bóng của chính mình. Trong mơ màng, tôi bước đi, ăn uống, trò chuyện. Vậy mà quái lạ thay, người chung quanh chẳng ai để ý là tôi đang ở trong trạng thái cùng cực như thế cả. Trong một tháng ấy, tôi thật sự đã gầy đi mất 6 kg. Vậy mà mọi người trong nhà hay bạn bè không một ai để ý đến cả. Rằng tôi đang vừa sống vừa mơ màng ngủ.

Vâng, quả đúng là tôi vừa sống vừa mơ màng ngủ. Thân thể tôi như cái xác chết trôi không còn cảm giác. Mọi thứ đều đờ đẫn, vẩn đục. Chính cái tình trạng mình đang sống đang hiện hữu trong thế giới, cũng chỉ cảm thấy được như là một ảo giác bất định. Đến tưởng như nếu gió thổi mạnh, thân xác tôi sẽ bay tuốt ra khỏi thế giới này mất. Bay đến cõi tận cùng chưa hề nghe, chưa hề thấy. Ở đó, thể xác và ý thức của tôi tách biệt vĩnh viễn. Thế nên tôi muốn bám víu vào thứ gì đấy vững chắc. Nhưng gắng nhìn quanh tìm kiếm cách mấy cũng không có thứ gì để mình bám víu vào được cả.

Cứ đêm đến là tỉnh táo kinh khủng. Tôi hoàn toàn bất lực trước sự tỉnh táo ấy. Tôi bị một sức mạnh gắn chặt toàn thân vào hạch tâm của sự tỉnh táo. Sức mạnh khủng khiếp đến nỗi tôi chỉ còn có thể tỉnh táo tiếp tục cho đến khi trời sáng. Tôi tiếp tục tỉnh thức trong bóng đêm mù mịt. Hầu như chẳng suy nghĩ gì được. Tai vừa nghe tiếng đồng hồ điểm thời gian, mắt tôi đăm đắm dõi theo bóng đêm thẩm màu dần, rồi đổi sang mờ sáng dần lên.

Thế rồi, một ngày nọ, đột nhiên chấm dứt tình trạng ấy. Chẳng dự báo gì, chẳng có nhân tố bên ngoài nào, tự nhiên đột ngột mà chấm dứt. Tôi đang ngồi ở bàn ăn sáng, đột nhiên cảm thấy buồn ngủ đến nỗi thần trí dời tuốt ra xa. Tôi im lìm đứng dậy. Cảm thấy như có thứ gì trên bàn rơi xuống sàn. Như có ai nói gì đấy. Nhưng chẳng nhớ nổi. Tôi loạng choạng lảo đảo bước về phòng, để nguyên áo quần chui vào giường, ngủ luôn một mạch. Ngủ say sưa suốt 27 giờ liền. Mẹ tôi lo lắng, đến lay tôi dậy nhiều lần. Vỗ vào má tôi nữa. Thế nhưng tôi vẫn say ngủ. Suốt 27 giờ như thế. Lúc thức dậy thì trở lại được chính mình. Có lẽ thế.

Tôi chẳng hiểu tại sao bị mất ngủ, và tại sao lại hết mất ngủ đột ngột như thế. Chỉ thấy như một đám mây đen thật dày theo gió thổi đến từ xa. Đám mây ấy chứa đựng đầy những điềm gở mà tôi không được biết. Cũng chẳng ai biết được đám mây ấy đã đến từ đâu và biến đi đâu. Nhưng dù sao đi nữa, đám mây ấy cũng đã ập đến trên đầu tôi rồi biến đi mất.

*

Thế nhưng, lần này thì tôi không ngủ được theo một cách khác. Hoàn toàn khác. Lần này chỉ đơn giản là không ngủ được. Một giấc cũng không. Thế nhưng ngoài sự thực là tôi không ngủ được ấy ra, thì tôi hoàn toàn bình thường. Hoàn toàn không mê ngủ, ý thức vẫn sáng suốt. Đến có thể nói là sáng suốt hơn cả lúc bình thường nữa. Trong thân thể cũng không có gì khác lạ. Ăn uống bình thường. Cũng chẳng thấy mệt mỏi. Từ quan điểm thực dụng mà xét thì chẳng có vấn đề gì cả. Chỉ không ngủ được, thế thôi. Chồng con tôi hoàn toàn không để ý là tôi chẳng ngủ được tí nào. Mà tôi cũng chẳng nói gì. Bởi nói ra thế nào cũng bị bảo phải đi bệnh viện. Tôi biết có đi bệnh viện cũng vô ích thôi. Nên chẳng nói gì với ai cả. Giống như lúc bị mất ngủ dạo trước vậy. Tôi chỉ hiểu thế thôi. Chuyện này thì chỉ có thể tự mình giải quyết một mình.

Vì thế chồng con tôi cũng không hề biết. Bề ngoài thì sinh hoạt của tôi tiến hành như thường lệ. Thật yên bình, quy củ. Mỗi sáng tiễn chồng con ra khỏi nhà xong, tôi lái xe đi chợ như mọi khi. Chồng tôi là nha sĩ, có phòng chữa răng cách chung cư của chúng tôi độ mười phút xe hơi. Anh ấy làm chung với bạn thời sinh viên nha khoa. Làm thế thì hai người thuê chung được thợ làm răng và cô tiếp khách. Lúc nào một bên đầy khách giữ chỗ rồi thì bên kia nhận khách giúp cho. Cả hai nha sĩ đều mát tay, nên hầu như không có quen biết gì mấy mà mở cửa chỉ mới 5 năm đã tấp nập những khách. Có phần bận rộn quá mức nữa.

-"Anh thì muốn thư thả hơn kia. Nhưng đâu có than vãn gì được." Chồng tôi nói thế.

Tôi nghĩ: đúng thế. Than vãn gì nữa. Phải thế chứ. Để khai trương phòng chữa răng, vợ chồng tôi đã phải vay ngân hàng một số tiền lớn hơn dự tưởng ban đầu. Phòng chữa răng của nha sĩ cần rất nhiều đầu tư vào thiết bị. Và cạnh tranh lại kịch liệt. Khai trương phòng chữa răng xong, đâu phải ngay ngày hôm sau là có khách chen lấn nhau mà vào đâu. Chẳng hiếm những phòng chữa răng vắng khách đến phải dẹp tiệm đấy thôi.

Thời mới khai trương thì hai vợ chồng còn trẻ và nghèo, lại ôm thêm đứa con mới sinh không bao lâu. Ai mà biết được liệu chúng tôi có sống sót nổi trong cái thế giới khắc nghiệt này không. Thế mà, sau 5 năm trời, tuy có chật vật đấy, nhưng chúng tôi cũng đã sống sót được. Thế thì còn than vãn gì được. Món nợ kia cũng đã vơi được hơn một phần ba rồi.

-"Có thể vì anh đẹp trai nên khách hàng chen nhau mà tìm đến đấy." Tôi nói thế. Đùa thôi. Nói thế là vì anh ấy chẳng đẹp trai tí nào cả. Chồng tôi có khuôn mặt khác thường. Đến bây giờ thỉnh thoảng tôi vẫn lấy làm lạ. Tại sao mình lại đi lấy một người có khuôn mặt khác thường đến thế, trong khi đã có bạn trai oai đẹp hơn nhiều.

Tôi không diễn tả cho hay được khuôn mặt khác thường của chồng tôi. Tất nhiên là không đẹp trai, nhưng cũng chẳng phải là xấu tệ. Mà cũng chẳng phải là loại khuôn mặt đặc sắc gì. Thành thật mà nói thì chỉ có thể gọi là "khác thường". Hoặc có lẽ nên nói là "không nắm bắt được". Nhưng chẳng phải chỉ có thế. Có lẽ quan trọng nhất vẫn là có yếu tố gì đấy làm cho khuôn mặt anh ấy "không nắm bắt được". Nếu nắm được yếu tố ấy, có lẽ hình dung toàn thể của vẻ "khác thường" ấy sẽ lý giải được thôi. Thế nhưng tôi chưa nắm được. Có lần vì nhu cầu gì đấy, tôi đã thử vẽ lại khuôn mặt của anh ấy. Nhưng không thành công. Lúc tay cầm bút chì sẵn sàng vẽ lên giấy thì lại không sao nhớ ra được anh ấy có khuôn mặt như thế nào. Và tôi ngạc nhiên về điều ấy. Sống chung với nhau đã lâu, thế mà mình lại chẳng nhớ ra được chồng mình có khuôn mặt như thế nào?! Tất nhiên nhìn thấy trước mắt thì nhận ra. Cũng hiện lên trong trí được. Thế mà đến lúc muốn vẽ lên giấy thì lại thấm thía rằng mình chẳng nhớ được chút gì cả. Cứ như là mình va vào một bức tường vô hình, hoang mang chẳng biết tiến thoái ra sao. Chỉ nhớ là khuôn mặt ấy khác thường, thế thôi. Điều này thỉnh thoảng làm tôi cảm thấy bất an.

Thế nhưng, anh ấy được hầu như mọi người chung quanh quý mến; tất nhiên điều đó rất quan trọng cho nghề nghiệp của chồng tôi. Tôi nghĩ: cho dù làm gì khác không phải là nha sĩ đi nữa, anh ấy vẫn có thể thành công trong mọi nghề nghiệp. Rất nhiều người chưa hề quen biết, chỉ gặp nói chuyện với anh lần đầu là đã cảm thấy an tâm rồi. Cho đến khi gặp anh ấy, tôi chưa hề biết một người nào như thế. Các bạn gái của tôi đều ưa anh ấy. Tất nhiên tôi cũng thích anh ấy chứ. Yêu anh nữa kia. Thế nhưng, biểu hiện cho chính xác, thì không phải là "hợp ý" lắm.

Dù sao, anh ấy như trẻ thơ, có thể cười tươi rất tự nhiên. Người đàn ông thường thì không thể có lối cười như thế được. Và có lẽ điều này đương nhiên: anh ấy có hàm răng tuyệt đẹp.

-"Anh đẹp trai đâu phải lỗi tại anh." Chồng tôi nói thế, và mỉm cười. Lúc nào cũng thế. Lối nói đùa chỉ thông-dụng giữa vợ chồng tôi mà thôi. Nhưng đùa với nhau như thế, chúng tôi cùng xác nhận sự thực với nhau. Sự thực rằng chúng tôi sống với nhau như thế này mà sống sót được đấy. Và đó là nghi thức rất trọng yếu đối với vợ chồng tôi.

Anh ấy sáng 8 giờ 15 phút là lên chiếc xe Blue Bird lái ra khỏi nhà xe trong chung cư. Con ngồi bên cạnh. Trường tiểu học của con nằm trên đường đến phòng chữa răng.

-"Cẩn thận nhé", tôi nhắc. -"Không sao đâu", anh ấy nói. Ngày nào cũng lặp lại câu nói như thế. Nhưng tôi không thể không nói được. Cẩn thận nhé. Và anh ấy không thể không trả lời được. Không sao đâu.

Anh cho băng nhạc Hayden hay Mozart gì đấy vào máy quay băng, vừa ậm ừ điệu nhạc trong miệng vừa đề máy xe. Rồi hai người vẫy tay, ra đi. Hai bố con có lối vẫy tay giống nhau lạ lùng. Cùng một góc nghiêng đầu, cùng một lối vẫy, ngửa lòng bàn tay ra vung nhẹ bên trái bên phải. Cứ như là làm theo đúng lời thầy dạy múa vậy.

Tôi có xe riêng, chiếc Honda City cũ. Hai năm trước đã mua lại từ bạn gái với giá như cho không. Cản xe đã móp lại, kiểu xe cũng đã cũ quá, đôi chỗ rỉ rét. Đã chạy được một trăm năm mươi ngàn cây số rồi. Thỉnh thoảng, mỗi tháng chừng một, hai lần, xe khởi động khó khăn lắm. Vặn chìa khoá mấy lần cũng không nổ. Nhưng cũng chẳng đến nỗi phải mang ra xưởng sửa xe. Dỗ dành, hay cho nghỉ chừng mười phút thì lại phát ra tiếng rung bật lên nghe thật sướng tai, rồi bắt đầu chạy được. Tôi nghĩ chẳng làm sao hơn. Người nào vật nào đi nữa. mỗi tháng cũng có độ một hai lần không được mạnh mẽ hay không được song suốt. Đời là thế mà. Chồng tôi gọi chiếc xe của tôi là "con lừa của em". Nhưng ai nói gì mặc kệ, nó là xe riêng của tôi.

Tôi lái chiếc City ấy đi chợ. Đi chợ về thì quét dọn, giặt giũ, làm cơm trưa. Thu xếp sao cho phần lớn công việc làm nhanh nhẹn xong cả trong buổi sáng. Chuẩn bị sẵn các thứ cho bữa tối nữa. Như thế, trọn buổi chiều là phần thì giờ cho riêng mình.

Chồng tôi về nhà ăn trưa khoảng quá mười hai giờ. Anh ấy không thích đi ăn tiệm. -"Vừa đông người, vừa dở, áo quần còn bị mùi thuốc lá bám vào nữa." Anh bảo thế. Dù mất thì giờ về nhà rồi lại đi, những vẫn thích về nhà ăn trưa hơn. Dù vậy, tôi thì bữa trưa cũng chẳng làm món gì công phu lắm đâu. Thức ăn còn lại từ hôm qua thì hâm lại trong lò vi-ba, còn không thì làm món bún Nhật cũng xong. Nên chuyện làm thức ăn thì cũng chẳng mất thì giờ bao nhiêu. Và tất nhiên là tôi ăn một mình cũng buồn, có anh ấy cùng ăn thì vui hơn.

Dạo trước, lúc mới khai trương phòng chữa răng thì lắm hôm không có khách vào giờ trưa, nên sau bữa trưa, hai đứa còn vào giường được. Những lần giao-hợp ấy rất khoái thích. Chung quanh im vắng, ánh sáng buổi chiều êm ả, chan hoà trong phòng. Hai đứa còn trẻ hơn bây giờ nhiều, và thật là hạnh phúc.

Tất nhiên bây giờ cũng hạnh phúc chứ. Gia đình không có bóng u ám của chuyện lục đục nào. Tôi yêu chồng, tin tưởng anh ấy. Tôi nghĩ thế. Và nghĩ là anh ấy cũng thế. Nhưng chuyện không tránh được là theo với năm tháng, phẩm chất sinh hoạt dần dần phải thay đổi đi. Và bây giờ thì buổi chiều phòng chữa răng cũng đầy khách. Anh ấy ăn trưa xong là vào phòng-rửa-mặt đánh răng, rồi lên xe trở lại phòng chữa răng ngay. Cả ngàn, cả vạn chiếc răng đau đang chờ anh ấy. Nhưng, như vợ chồng tôi vẫn bảo nhau, không thể đòi hỏi xa xỉ được.

Chồng tôi trở lại phòng chữa răng rồi, tôi lấy áo và khăn tắm, lên xe, đến câu-lạc-bộ thể thao gần nhà. Bơi lội ở đấy ba mươi phút. Bơi tận lực đấy. Chẳng phải thích thú gì hành vi gọi là bơi lội ấy. Bơi lội chỉ là để tránh thịt dư thừa bám vào người đó thôi. Từ xưa đã rất thích đường nét thân thể của mình. Thành thật mà nói, tôi chưa bao giờ thích khuôn mặt của mình. Tôi nghĩ là không tệ. Nhưng không thích. Tuy nhiên, thân hình thì thích. Thích đứng khoả thân trước gương. Và thích ngắm đường nét bao quanh thân thể mình, thích cảm giác tươi sống rất thăng bằng ấy. Cảm thấy thân hình mình bao bọc thứ gì đấy vô cùng trọng yếu đối với mình. Không rõ là thứ gì, nhưng tôi không muốn mất đi.

Tôi sắp ba mươi tuổi. Ba mươi tuổi rồi thì hiểu rằng: mình có đạt đến tuổi ba mươi thì thế giới chung quanh cũng chẳng chấm dứt đâu. Tuy tôi không cho rằng lớn tuổi thêm là chuyện gì đáng mừng lắm, nhưng có vài chuyện trở nên dễ chịu hơn theo tuổi tác. Tuỳ theo cách suy nghĩ thôi. Thế nhưng, có một điều rõ ràng rằng: nếu một người đàn bà ba mươi tuổi mà yêu quý thân thể mình, thật lòng muốn giữ đường nét thân thể mình, thì phải có những cố gắng tương ứng. Tôi đã học được như thế từ mẹ tôi. Mẹ tôi ngày xưa là mỹ nhân có thân hình thon thả. Đáng tiếc là bây giờ lại khác. Tôi không muốn sẽ giống như mẹ tôi.

Bơi lội xong, phần còn lại của buổi chiều dùng vào việc gì thì tuỳ tình hình ngày hôm ấy. Có khi tôi ra trước ga, tản bộ ngắm các cửa kính bày hàng. Có khi về nhà ngồi ghế sa-lông đọc sách, nghe nhạc FM, rồi cứ thế mà lơ mơ ngủ luôn một giấc. Rồi con tôi đi học về. Tôi thay áo quần cho con, cho ăn quà gì đấy. Con ăn xong thì ra ngoài chơi. Đi chơi đâu đó với bạn bè nó. Mới lớp Hai, chưa phải đi học thêm, mà tôi cũng không bắt phải đi tập luyện gì. Chồng tôi bảo: cứ cho nó chơi là được rồi. Con chơi chóng lớn. Tôi chỉ dặn con: Ra ngoài thì cẩn thận nhé con. Con tôi đáp: Không sao đâu. Giống như bố nó.

Gần đến chiều tối thì tôi bắt đầu chuẩn bị cơm chiều. Con tôi về nhà trước sáu giờ chiều. Rồi bật ti-vi lên xem phim truyện tranh. Hôm nào không phải làm thêm cho xong người khách cuối thì chồng tôi về đến nhà trước bảy giờ tối. Chồng tôi một giọt rượu cũng không uống, mà cũng không thích la cà với ai sau giờ làm việc. Công việc xong thì thường về nhà ngay.

Chúng tôi vừa ăn tối vừa nói chuyện với nhau. Kể cho nhau nghe về một ngày của mỗi người. Nói gì đi nữa, nhiều lời nhất vẫn là con trai tôi. Chuyện đương nhiên thôi, mọi sự xảy ra chung quanh nó đều mới lạ, đầy bí ẩn đối với nó. Con tôi kể, vợ chồng tôi nói cảm tưởng về câu chuyện nó kể. Cơm tối xong, con tôi chơi một mình tuỳ thích. Hoặc xem ti-vi, đọc sách. Hoặc chơi game gì đấy với chồng tôi. Hôm nào có bài làm ở nhà thì nó thu mình trong phòng mà làm bài cho xong. Đến 8 giờ rưỡi là vào giường ngủ rồi. Tôi đắp chăn cho con, vuốt tóc nó, nói: con ngủ ngon, rồi tắt đèn phòng nó.

Sau đó là giờ của vợ chồng tôi. Anh ấy ngồi ở ghế sa-lông, vừa đọc báo chiều vừa nói chuyện với tôi. Chuyện bệnh nhân, chuyện ký sự trên báo. Rồi anh nghe nhạc Hayden hay Mozart gì đấy. Tôi cũng không ghét nghe nhạc. Nhưng nghe mấy cũng không phân biệt được nhạc Hayden với nhạc Mozarrt khác nhau chỗ nào. Tai tôi thì nghe chẳng khác gì nhau. Tôi nói thế thì chồng tôi bảo: Không phân biệt được cũng đâu có sao. Thứ gì hay đẹp thì thưởng thức, thế là được rồi.

-"Giống như chuyện anh đẹp trai ấy chứ gì." Tôi nói.

-"Ừ, giống như chuyện anh đẹp trai ấy." Anh ấy nói và mỉm cười. Thật khoái chí.

Đời sống của tôi là như thế đấy. Nghĩa là đời sống trước khi tôi mất ngủ. Đại loại thì ngày nào cũng lặp lại những việc giống nhau. Tôi đã ghi nhật ký đơn giản, nhưng hễ bỏ quên 2, 3 ngày là chẳng làm sao phân biệt được ngày nào là ngày nào. Có tráo hôm qua với hôm kia đi nữa, cũng chẳng thấy gì lạ cả. Đôi khi tôi lấy làm lạ về đời sống của mình như thế. Nhưng không vì thế mà cảm thấy trống trải. Tôi chỉ ngạc nhiên thôi. Vì sự thực rằng mình không phân biệt được hôm qua và hôm kia. Rằng mình đã bị cuốn hút vào, bao trọn trong một cuộc đời như thế. Rằng dấu chân mình để lại trên đời, không kịp nhìn nhận, thì ngay lập tức, đã cuốn theo gió mà bay đi mất. Những lúc như thế, tôi đứng trước bồn rửa mặt ngắm khuôn mặt mình trong gương. Suốt khoảng 15 phút. Xua tan mọi ý nghĩ, cho đầu mình trống rỗng. Chỉ nhìn chăm chú khuôn mặt mình như một đối tượng vật thể thuần tuý. Làm thế, dần dần khuôn mặt tôi cách-ly khỏi chính tôi. Chỉ còn thuần tuý là một sự vật hiện hữu đồng thời với tôi. Và tôi nhận thức được đấy là hiện thực. Không dính dáng gì đến dấu chân trên đời cả. Như thế này, tôi hiện hữu đồng thời với hiện thực, ngay lúc này đây, và đó là điều quan trọng nhất.

Thế nhưng bây giờ thì tôi không ngủ được. Từ khi không ngủ được, tôi bỏ việc ghi nhật ký.

2

Tôi còn nhớ rõ ràng đêm đầu tiên tôi mất ngủ. Lúc ấy, tôi mộng thấy chuyện ghê rợn. Giấc mộng thật tối ám, nhơn nhớt. Tôi không nhớ nội dung. Chỉ nhớ cảm giác thấy điềm gở. Và ở điểm tột cùng của giấc mộng ấy, tôi mở bừng mắt dậy. Thời điểm nguy hiểm, nếu còn đắm đuối trong mộng thêm chút nữa là chẳng còn kéo lại được, may là có thứ gì đấy đã kéo tôi trở lại, làm mắt tôi mở bừng ra. Tỉnh lại rồi, tôi thở hổn hển. Tay chân tê điếng không sao cử động được. Nằm yên thế thì cảm thấy như đang nằm sóng soài trong một hang động trống trải, chỉ có hơi thở gấp gáp của mình vang vọng tiếng lớn dị thường. Mộng đấy, tôi nghĩ. Rồi nằm ngửa nguyên thế, chờ cho hơi thở an định trở lại. Tim tôi đập kịch liệt, mà để nhanh chóng tiếp máu vào tim cho kịp thời, phổi tôi từ từ phồng to lên rồi xẹp xuống như ống thổi lò lửa. Theo thời gian, dần dần biên-độ ấy giảm bớt, rồi trở lại bình thường. Tôi tự hỏi không biết mấy giờ rồi. Tôi muốn nhìn đồng hồ bên gối, nhưng không sao nghẹo cổ lại được. Lúc ấy chợt cảm thấy có thứ gì dưới chân mình. Giống như bóng đen mờ mờ. Tôi nín thở. Tim, phổi, tất cả mọi thứ trong người tôi ngưng đọng tức khắc như đông cứng lại. Tôi định thần nhìn kỹ bóng đen ấy. Tôi vừa định thần nhìn kỹ thì bóng đen, như chỉ chờ có thế, nhanh chóng tượng hình rõ ràng ra. Vòng ngoài rõ nét ra, khoảng giữa lấp đầy đặn, rồi các chi tiết hiện rõ lên. Đó là một lão già gầy còm mặc bộ đồ đen bó sát. Tóc ngắn màu tro, má lõm xuống. Lão già ấy đứng yên bên chân tôi. Chẳng nói chẳng rằng, đôi mắt sắc nhìn tôi không chớp. Đôi mắt to tướng, nổi lên những gân máu đỏ tươi. Thế nhưng khuôn mặt không biểu lộ một vẻ gì cả. Chẳng nói lên điều gì cả. Trống rỗng như lỗ hổng. Tôi nghĩ thầm: có phải là mộng đâu. Tôi đã ra khỏi giấc mộng rồi. Chẳng phải mơ màng ra khỏi mộng, mà đã bị giật bắn ra khỏi mộng kia. Bởi vậy, đây không phải là mộng. Đây là hiện thực rồi.

Tôi gắng gượng ngồi dậy. Để đánh thức chồng tôi, hoặc bật đèn lên. Nhưng thu tóm hết sức lực rồi mà vẫn không nhúc nhích gì được. Quả thật, ngay cả động đậy một ngón tay cũng không được. Khi biết rõ là mình không cựa quậy gì được, tôi hoảng hốt. Nỗi kinh hoàng như luồng khí lạnh im lìm bốc lên từ giếng sâu không đáy của ký ức, luồng khí lạnh ấy thấm sâu đến cội nguồn của sự tồn tại của tôi. Tôi muốn hét to lên. Nhưng không sao thốt ra tiếng. Ngay cả lưỡi tôi cũng không cử động theo ý tôi được. Tôi chỉ còn nước nhìn chằm chặp vào lão già ấy thôi. Tay lão già cầm thứ gì đấy, dài, nhỏ, toả ánh trắng. Tôi gắng định thần nhìn kỹ vật ấy. Định thần nhìn kỹ thì vật ấy cũng bắt đầu dần dần định hình. Đó là một bình nước. Lão già đứng bên chân tôi đang cầm một bình nước, loại bình sứ cổ điển. Rồi lão già nâng bình lên, bắt đầu đổ nước lên chân tôi. Nhưng tôi không có cảm giác gì từ nước ấy. Tôi thấy nước đổ lên chân mình. Nghe cả tiếng nước đổ xuống nữa. Nhưng chân tôi chẳng có cảm giác gì cả. Lão già vẫn không ngừng đổ nước lên chân tôi. Quái lạ là lão đổ bao nhiêu vẫn không hết nước trong bình ấy. Tôi bắt đầu lo chân mình rồi sẽ hư thối mà tiêu tan đi mất không chừng. Chứ cứ đổ nước lên chân mãi như thế, có hư thối mất thì cũng chẳng có gì lạ. Nghĩ đến lúc chân mình thối rữa tiêu tan mất đi, tôi không còn chịu đựng được nữa.

Tôi nhắm mắt, hét lớn đến không thể hét lớn hơn được

Thế nhưng tiếng hét ấy không thoát ra được. Lưỡi tôi đã không làm không khí chấn động được. Tiếng hét ấy chỉ vang vọng vô-thanh bên trong thân thể tôi mà thôi. Tiếng thét vô thanh chui luồn khắp trong người tôi. Tim tôi ngừng đập. Trong tôi, có gì đấy đã chết, đã tiêu tan đi mất. Như một lằn chớp nhoáng lên, cơn rúng động chân-không ập đến, đốt cháy tiêu tan tận gốc rễ mọi thứ tối-cần-thiết cho hiện hữu của tôi.

Khi tôi mở mắt ra, hình dáng lão già ấy không còn đấy nữa. Cũng chẳng có bình nước nào. Tôi nhìn xuống chân mình. Chỗ giường dưới chân chẳng có hình tích gì là đã bị đổ nước. Chăn trải giường vẫn khô ráo. Ngược lại, toàn thân tôi đẫm ướt mồ hôi. Đàm đìa một lượng mồ hôi kinh khủng. Khó mà tin được chỉ một thân người mà toát ra đến chừng ấy mồ hôi. Tôi chẳng tin nổi, nhưng rõ ràng đó là mồ hôi của tôi rồi.

Tôi thử cử động từng ngón tay, rồi cánh tay duỗi ra xem sao. Rồi đến chân tôi. Xoay cổ chân, co gối lên xem. Tuy thiếu trơn tru nhưng đều cử động được cả. Để cho chắc, tôi cử động kiểm điểm toàn thân, xong nhẹ nhàng nhỏm dậy. Tôi nhìn quanh, kiểm từng góc căn phòng đang được soi sáng mờ mờ nhờ ánh đèn đường bên ngoài loang vào. Chẳng thấy tăm dạng lão già ấy đâu trong phòng này cả.

Đồng hồ bên gối chỉ 12 giờ rưỡi. Tôi vào giường lúc sắp 11 giờ tối, như thế chỉ ngủ đâu khoảng 1 giờ rưỡi mà thôi. Giường bên cạnh, chồng tôi vẫn mê man ngủ. Anh ấy ngủ say, không nghe cả tiếng thở, cứ như là hoàn toàn mất cả ý thức. Bắt đầu ngủ được rồi thì trừ khi có biến động gì to lớn lắm, anh cứ thế mà ngủ say.

Tôi rời phòng ngủ, vào phòng tắm, cởi áo quần đẫm mồ hôi, cho vào máy giặt, rồi tắm vòi sen. Xong lau mình, lấy quần áo ngủ mới trong tủ ra thay. Tôi bật đèn đặt trên sàn phòng khách lên, ngồi trên sa-lông uống một ly rượu brandy. Hầu như tôi không uống rượu. Không như chồng tôi hoàn toàn không uống được rượu vì không hợp thể chất, tôi thì trước khi kết hôn đã uống khá nhiều, nhưng kết hôn rồi thì dứt hẳn chuyện uống rượu. Chỉ khi nào khó ngủ mới uống một chút brandy mà thôi. Nhưng đêm ấy thì thế nào cũng muốn uống một ly rượu để trấn tĩnh thần kinh đang bị kích thích dồn dập.

Trong tủ có một chai Remy Martin. Trong nhà chỉ có mỗi một chai rượu ấy, người nào đấy tặng. Đâu xa xưa lắm rồi, đến không còn nhớ là từ ai. Chai rượu đã phủ một làn bụi mỏng. Ly uống rượu đương nhiên là không có, nên tôi rót rượu vào ly thường, thong thả uống một ngụm. Thân thể vẫn còn run từng đợt ngắn, nhưng khủng hoảng đã bớt dần.

Tôi nghĩ đó là cơn hôn mê. Bị hôn mê như thế là lần đầu, nhưng trước đây tôi đã nghe chuyện từ người bạn thời sinh viên về kinh nghiệm hôn mê như thế. Chị ấy bảo: -"Thấy rõ ràng tinh tường quá đến không nghĩ đó là mộng được. Ngay lúc ấy không thể nghĩ là mộng, mà cả bây giờ cũng không thể nghĩ là mộng". Tôi cũng nghĩ không thể cho là mộng được. Dù vậy, đúng là mộng rồi. Một thứ mộng không nghĩ là mộng được.

Nhưng nỗi sợ hãi có giảm bớt mà thân thể tôi vẫn còn run rẩy. Làn da vẫn không ngừng rúng động từng hồi ngắn, như những gợn sóng lăn tăn trên mặt nước sau cơn động đất. Mắt tôi thấy rõ những gợn rúng động li ti trên da mình. Tôi nghĩ đó là do tiếng hét ấy đấy. Tiếng hét vô thanh còn ẩn náu trong thân thể tôi, còn làm rúng động toàn thân tôi.

Tôi nhắm mắt lại, uống một ngụm brandy nữa. Cảm nhận được chất lỏng ấm áp chảy từ cổ họng xuống dạ dày, chầm chậm. Cảm xúc thật sống động.

Bỗng tôi đâm ra lo lắng cho con tôi. Nhớ đến con, ngực tôi lại đập rộn lên. Tôi đứng bật dậy, vội vã đi vào phòng con. Nhưng con tôi vẫn nằm say ngủ. Một bàn tay đặt lên miệng, cánh tay kia soải ngang bên mình. Cũng như chồng tôi, con tôi an tâm ngủ. Tôi sửa lại chăn đắp cho con. Tôi chẳng hiểu thứ gì đã bạo trợn phá đổ giấc ngủ của tôi, nhưng dù sao, cũng chỉ mình tôi bị thôi, chồng con tôi đã không cảm thấy gì cả.

Tôi trở lại phòng khách, thờ thẫn bước khắp phòng. Chẳng làm sao ngủ lại được.

Nghĩ: hay là uống thêm một ly brandy nữa. Thật ra, muốn uống rượu nhiều vào. Để làm ấm người hơn, để trấn tĩnh thần kinh hơn. Và muốn cảm nhận lần nữa trong miệng mình vị rượu mạnh mẽ sâu đậm ấy. Nhưng phân vân một hồi rồi không uống nữa. Bởi không muốn say mãi đến ngày hôm sau. Tôi cất chai rượu vào tủ, mang ly đi rửa. Rồi lấy dâu tây từ tủ lạnh trong bếp ra ăn.

Lúc để ý thì cơn run rẩy trên da đã dứt hẳn rồi.

Chẳng hiểu lão già mặc đồ đen ấy là cái thứ gì. Hoàn toàn chưa hề thấy một lão già như thế. Bộ đồ đen cũng thật là kỳ quái. Trông như một bộ đồ vải tuýt bó sát, nhưng kiểu may có vẻ cổ lổ. Thứ quần áo ấy thì tôi thấy lần đầu. Còn đôi mắt nữa. Đôi mắt phồng to đầy gân máu đỏ, nhìn không chớp ấy. Ai thế nhỉ? Mà tại sao lại đổ nước lên chân tôi? Sao lại phải làm thế chứ?

Tôi hoàn toàn chẳng hiểu nổi. Không có chút đầu mối gì để nghĩ ra cả.

Khi bạn tôi bị hôn mê, cô ấy đang ngủ lại nhà người chồng sắp cưới. Cô đang ngủ thì thấy có người đàn ông độ 50 tuổi, mặt mày khó khăn, đến bảo: Mầy hãy bước ra khỏi nhà này đi. Trong lúc ấy, cô hoàn toàn không động đậy gì được. Và cũng toát mồ hôi đầm đìa. Người đàn ông đó đúng là hồn ma ông bố đã mất của chồng sắp cưới của cô rồi. Lúc đó, cô nghĩ là hồn ông bố đuổi cô đi. Thế nhưng sáng ra, chồng sắp cưới cho cô xem ảnh ông bố thì khuôn mặt thấy hoàn toàn khác với người đàn ông đã hiện ra đêm qua. Có lẽ tôi đã căng thẳng quá nên bị hôn mê thế đấy. Cô bạn nói thế.

Thế nhưng tôi thì đâu có căng thẳng gì. Vả lại, đây là nhà của tôi kia mà. Đâu có ai hiếp đáp gì tôi ở đây? Vì sao mà bây giờ tôi lại phải bị hôn mê ở đây chứ?

Tôi lắc đầu. Thôi không suy nghĩ nữa. Suy nghĩ cho lắm rồi cũng vô ích. Chẳng qua là giấc mộng sống-thực quá đó thôi. Có lẽ những mệt mỏi đã tích tụ trong thân thể mình lúc nào không hay. Hẳn là vì trận quần vợt hôm kia đấy. Bơi lội xong, tôi đã theo bạn bè gặp trong câu lạc bộ rủ chơi mà gắng sức quá trớn quá lâu đấy. Sau đó, tay chân mình đã mỏi nhừ một hồi rõ lâu đấy thôi.

Tôi ăn hết dâu tây rồi nằm dài trên sa-lông. Thử nhắm mắt lại.Vẫn chẳng ngủ được.

Chao ôi, tôi nghĩ. Quả thật hoàn toàn chẳng ngủ được.

Tôi nghĩ: hay là đọc sách xem có buồn ngủ không. Tôi vào phòng ngủ, chọn một cuốn tiểu thuyết từ tủ sách. Bật đèn lên tìm đấy, vậy mà chồng tôi vẫn không buồn động đậy. Tôi chọn cuốn "Anna Karenina". Tôi muốn đọc tiểu thuyết Nga dài dòng. Trước đây lâu lắm đã đọc "Anna Karenina" một lần rồi. Hẳn là thời trung học cấp ba. Cốt truyện như thế nào, tôi quên mất. Chỉ nhớ chương đầu, và cuối cùng nhân vật chính đã tự sát trên đường ray. "Gia đình hạnh phúc chỉ có một loại thôi, nhưng gia đình bất hạnh thì tất cả đều khác nhau", truyện mở đầu như thế. Tôi nghĩ có lẽ đúng thế thật. Tôi nhớ ngay từ đầu đã có một cảnh ám thị về chuyện nhân vật nữ chính sẽ tự sát trong phần kết tột-đỉnh về kịch tính. Và có phải có cả cảnh trường đua nữa chăng? Hay cảnh ấy là trong cuốn khác?

Tôi mang sách trở lại sa-lông mở ra đọc. Nghĩ: đã mấy năm rồi mới lại ngồi yên thong thả mà đọc sách như thế này. Tất nhiên cũng có những buổi chiều rảnh rỗi tôi mở sách đọc được khoảng nửa giờ hay một giờ, nhưng thế không gọi chính xác là "đọc sách" được. Bởi đang đọc sách lại phải nghĩ ngay đến việc gì khác. Chuyện con, chuyện chợ, hay chuyện cái tủ lạnh giở chứng, chuyện nên mặc gì đi dự tiệc cưới bà con, chuyện bố tôi mổ dạ dày tháng trước,... những chuyện như thế chợt hiện lên trong trí tôi rồi bành trướng ra đủ các phương hướng phát triển. Lúc để ý đến thì chỉ có thời gian trôi qua mất, mà trang sách hầu như chẳng tiến được bao nhiêu. Cứ thế, tôi quen dần với đời sống không đọc sách. Nghĩ lại thì thật kỳ lạ. Suốt từ thời còn bé, đọc sách vẫn là trung tâm trong sinh hoạt của tôi. Từ thời tiểu học, tôi đã đọc bao nhiêu là sách trong thư viện, hầu như tất cả tiền tiêu vặt đều tiêu vào sách. Dè xẻn cả tiền ăn để mua sách mình thích mà đọc. Trung học cấp hai rồi cấp ba, không ai đọc sách nhiều bằng tôi. Tôi là đứa ngay giữa trong 5 người con, bố mẹ đều bận rộn việc làm, chẳng ai trong nhà để tâm đến tôi cả. Do đó, tôi tha hồ một mình đọc sách mình thích. Hễ có cuộc thi viết cảm tưởng về sách, là thế nào tôi cũng ứng-thí. Bởi muốn có phiếu thưởng để mua sách, và tôi thường trúng giải. Rồi tôi lên đại-học khoa văn chương Anh. Cũng được thành tích tốt. Luận văn tốt nghiệp của tôi về Katherine Mansfield được điểm cao nhất trong khoá. Thầy tôi hỏi có muốn lên cao-học không. Nhưng lúc ấy tôi muốn vào đời làm việc. Tôi hiểu rõ rằng mình không phải là nhà nghiên cứu học thuật. Chỉ là người mê đọc sách mà thôi. Vả lại, dù tôi có muốn lưu lại đại học thì bố mẹ tôi cũng không có đủ tài chính cho tôi lên cao-học. Nhà tôi không đến nỗi nghèo túng, nhưng tôi còn hai đứa em gái nữa. Vì thế, xong đại học, tôi phải rời nhà, sống đời tự lập. Phải sống còn bằng chính hai bàn tay mình. Không nhớ lần cuối tôi đọc cho hết một cuốn sách là lúc nào nhỉ? Và cuốn nào thế? Gắng cách mấy tôi cũng không nhớ ra ngay cả đề sách. Làm sao mà đời người lại có thể đổi ngược như thế này được nhỉ? Con người của tôi mê mẩn đọc sách đến như bị quỷ ám ngày trước ấy đã đi đâu mất tiêu rồi? Những năm tháng ấy, nhiệt tình mãnh liệt có thể gọi là dị thường ấy đã có ý nghĩa như thế nào đối với tôi?

Dù sao, đêm đó tôi cũng đã tập trung được ý thức vào cuốn "Anna Karenina". Tôi không suy nghĩ gì khác, chỉ mê mẩn giở từng trang sách. Tôi đọc một mạch đến đoạn Anna Karenina và Vronsky gặp nhau lần đầu ở ga xe lửa Moscow; rồi xếp miếng giấy đánh dấu trang vào đấy, lôi chai brandy ra rót vào ly uống.

Ngày xưa đọc thì không để ý, bây giờ nghĩ lại thấy tiểu thuyết này kỳ dị thật. Nhân vật nữ chính Anna Karenina chẳng hề xuất hiện trong suốt 116 trang đầu. Độc giả thời bấy giờ không thấy thế là lạ thường sao chứ? Tôi thử suy ngẫm về chuyện ấy một lúc. Một nhân vật phàm tục như Oblonsky mà sinh hoạt lại được miêu tả dài dòng đến thế, họ cũng chịu đựng được, kiên nhẫn chờ cho đến lúc nhân vật chính xinh đẹp ấy xuất hiện sao chứ?. Có lẽ thế. Có lẽ người đương thời đã có nhiều thì giờ rảnh rỗi. Ít nhất thì giới độc giả tiểu thuyết thời ấy đã rảnh rỗi như thế.

Chợt nhìn lại đồng hồ thì đã 3 giờ sáng rồi. 3 giờ sáng kia à? Vậy mà tôi vẫn hoàn toàn tỉnh táo. Làm gì đây? Tôi phân vân. Chẳng buồn ngủ tí nào. Cứ thế mà đọc sách tiếp cũng chả sao. Cũng muốn biết về sau thế nào. Nhưng phải đi ngủ chứ!

Tôi chợt nhớ lại thời kỳ đã khổ não vì mất ngủ dạo trước. Đã sống bao phủ trong màng mây mờ suốt ngày. Tôi không muốn bị như thế nữa. Thời ấy tôi còn là sinh viên. Nên đã sống được kiểu ấy. Chứ bây giờ thì khác. Tôi là vợ, là mẹ. Phải có thứ gọi là trách nhiệm chứ. Phải làm cơm trưa cho chồng, phải chăm sóc cho con nữa.

Thế nhưng có vào giường ngay có lẽ cũng chẳng ngủ được. Tôi biết thế. Tôi lắc đầu. Chẳng làm sao hơn, có vẻ chẳng làm sao ngủ được, mà cũng muốn đọc tiếp cuốn sách. Tôi thở dài, đưa mắt nhìn cuốn sách trên bàn.

Kết cuộc, tôi đã mê đắm đọc "Anna Karenina" cho đến khi trời sáng. Anna và Vronsky đã đắm đuối nhìn nhau ở tiệc khiêu vũ, rồi rơi vào tình yêu định mệnh. Ở trường đua ngựa (quả thật có trường đua ngựa trong truyện này), Anna thấy Vronsky ngã ngựa, bấn loạn mà thú thật việc ngoại tình với chồng. Tôi như được cùng Vronsky cỡi ngựa vượt rào cản, nghe tiếng người xem hoan hô. Rồi tôi đứng nơi khán đài nhìn thấy Vronsky ngã ngựa. Lúc cửa sổ sáng lên thì tôi đặt sách xuống, vào bếp pha cà-phê uống. Trong đầu còn đầy quang cảnh tiểu thuyết, cùng với cảm giác đói dữ dội đột ngột ập đến, tôi chẳng suy nghĩ được gì cả. Ý thức và thân thể tôi đã tách ra khỏi nhau và kẹt cứng không nhập lại được. Tôi cắt bánh mì, trét bơ và mù tạt, làm bánh mì kẹp phó-mát. Rồi cứ đứng trước bồn rửa chén mà ăn. Cơn đói mãnh liệt như thế đối với tôi thì thật hiếm có. Một cảm giác đói bụng bạo liệt đến khó thở. Ăn hết bánh mì kẹp mà vẫn chưa hết đói, tôi lại làm thêm bánh mì kẹp mà ăn tiếp. Và uống thêm một cốc cà-phê nữa.

3

Tôi không nói gì với chồng tôi về chuyện bị hôn mê hay chuyện suốt đêm đến sáng không ngủ được tí nào. Cũng chẳng phải giấu diếm gì. Chỉ nghĩ là không cần phải nói ra làm gì. Nói ra cũng chẳng làm gì được, mà nghĩ lại thì một đêm không ngủ được cũng đâu có phải là vấn đề quan trọng. Ai cũng có khi bị như thế thôi.

Như thường lê, tôi làm cà-phê cho chồng, và cho con uống sữa nóng. Chồng tôi ăn bánh mì nướng, con ăn mảnh ngô nướng. Chồng tôi đọc lướt tờ báo sáng, con tôi hát nho nhỏ bài hát mới học được. Rồi cả hai lên xe Blue Bird ra đi. Cẩn thận nhé, tôi nhắc. Không sao đâu, chồng tôi đáp. Cả hai vẫy tay. Như mọi ngày.

Sau khi cả hai đi khuất rồi, tôi vào sa-lông ngồi, nghĩ bây giờ làm gì đây. Nên làm gì? Phải làm gì?

Tôi vào bếp mở tủ lạnh kiểm điểm xem còn những gì trong ấy. Xác nhận là hôm nay không đi chợ cũng chẳng sao. Còn bánh mì. Còn sữa tươi. Còn trứng. Còn thịt đông lạnh. Còn rau. Ðủ cho đến bữa trưa ngày mai.

Có việc phải ra ngân hàng, nhưng cũng chẳng là việc thế nào cũng phải làm ngay ngày hôm nay. Dời sang ngày mai cũng chẳng sao cả.

Tôi ngồi trên sa-lông, bắt đầu đọc tiếp cuốn "Anna Karenina". Ðọc lại thì hiểu ra rằng hầu như mình đã chẳng nhớ gì về nội dung câu chuyện này cả. Nhân vật cũng vậy mà cảnh ngộ cũng vậy, nói chung là chẳng nhớ. Ðến nỗi có cảm giác đã đọc cuốn nào hoàn toàn khác.

Kỳ lạ thật. Chắc chắn lúc đọc lần trước đã cảm động lắm, nhưng kết cuộc chẳng có gì đọng lại trong đầu cả. Ký ức của những rung động tình cảm hay hưng phấn ắt có, tất cả đã rơi rớt, tiêu tan hết sạch lúc nào không hay.

Thế thì, thời ấy, lượng thời gian lớn lao mà tôi đã tiêu phí cho chuyện đọc sách đã có ý nghĩa gì?

Tôi ngưng đọc, thử suy nghĩ về điều ấy một lúc. Nhưng chẳng hiểu được, mà lại chẳng hiểu cả chuyện mình đang suy nghĩ điều gì nữa. Chợt để ý là mình đang lơ đãng nhìn đám cây bên ngoài cửa sổ. Tôi lắc đầu, rồi lại đọc sách tiếp.

Quyển Thượng đọc được một nửa thì thấy có vụn sô-cô-la dính vào giấy. Sô-cô-la đã khô rã ra, dính chặt vào trang sách. Hẳn là thời trung học cấp ba, tôi đã vừa ăn sô-cô-la vừa đọc truyện này. Tôi thích vừa đọc sách vừa ăn gì đấy. Nhớ ra là từ khi kết hôn, hầu như mình chẳng còn ăn sô-cô-la nữa. Vì chồng tôi không thích ăn đồ ngọt. Hầu như cũng hiếm khi cho con ăn. Vì thế trong nhà nhất thiết không có bánh kẹo gì cả.

Nhìn thấy vụn sô-cô-la trên 10 năm trước, bây giờ đã biến thành màu trắng ấy, tự nhiên tôi thèm sô-cô-la quá sức. Tôi thật muốn vừa ăn sô-cô-la vừa đọc "Anna Karenina" như ngày xưa. Cảm thấy trong thân thể mình, tất cả mọi tế bào đang co cụm lại, nín thở, đòi hỏi sô-cô-la cho bằng được.

Tôi phải khoác áo ngoài, lấy thang máy xuống dưới. Rồi đến tiệm bánh gần đấy, mua hai phong sô-cô-la sữa trông ngọt ngào nhất. Ra khỏi tiệm là mở bao, lấy sô-cô-la ra vừa đi vừa ăn. Mùi thơm sô-cô-la sữa lan ra trong miệng. Tôi cảm nhận rõ ràng vị ngọt đậm ấy len lỏi đến khắp các xó xỉnh trong châu-thân tôi. Trong thang máy, tôi cho miếng sô-cô-la thứ hai vào miệng. Mùi sô-cô-la phiêu lãng khắp trong thang máy.

Tôi ngồi trên sa-lông, vừa ăn sô-cô-la vừa đọc tiếp "Anna Karenina". Chẳng buồn ngủ chút nào. Cũng chẳng mệt mỏi gì. Tôi có thể ngồi đọc sách hoài hoài như thế được. Hết một phong sô-cô-la, tôi xé bao kia ra, ăn chừng nửa phong. Lúc đó đã đọc đến khoảng hai phần ba quyển Thượng, tôi nhìn đồng hồ. 11 giờ 40 phút. 11 giờ 40 phút rồi kia à?

Chồng tôi sắp sửa về ăn trưa. Tôi hốt hoảng gấp sách lại, ra bếp. Cho nước vào nồi, bật lửa gas. Cắt hành lá, chuẩn bị luộc mì kiều-mạch. Trong lúc chờ nước sôi, tôi ngâm rong biển, làm món rau dấm. Lấy đậu hủ trong tủ lạnh ra, làm món đậu hủ lạnh. Rồi ra bồn rửa mặt, đánh răng cho hết mùi sô-cô-la.

Nước sôi đúng lúc chồng tôi về. Anh ấy nói: Công việc xong sớm hơn anh tưởng.

Chúng tôi cùng ăn mì kiều-mạch. Chồng tôi vừa ăn vừa nói chuyện về dụng cụ y-liệu mới anh sắp đưa vào. Loại máy có thể tẩy bợn răng sạch đẹp hơn trước nhiều. Mà lại ít tốn thì giờ hơn. Anh bảo: giá tiền thì như thường lệ, rất cao, nhưng sẽ lấy lại được vốn. Bởi dạo này, khách đến chỉ để tẩy sạch bợn răng tăng lên rất nhiều. Em nghĩ sao? Anh ấy hỏi. Tôi thì chẳng muốn suy nghĩ gì về bợn răng. Lúc đang ăn thì chẳng muốn nghe chuyện như thế, mà cũng không muốn suy tính sâu sắc về chuyện ấy. Tôi còn đang nghĩ chuyện Vronsky đua ngựa nhảy qua vật cản thật lớn. Chứ chẳng muốn nghĩ gì về chuyện bợn răng. Thế nhưng đâu có tránh được. Chồng tôi phải suy tính nghiêm túc lắm. Tôi bèn hỏi về giá tiền của máy mới ấy rồi làm ra vẻ suy nghĩ một lúc. -"Cần thì mua chứ", tôi nói. -"Tiền thì thế nào cũng chạy được mà. Có phải tiêu phí vào chuyện chơi đâu mà lo."

-"Đúng đấy", chồng tôi nói. -"Có phải tiêu phí vào chuyện chơi đâu." Anh lặp lại lời tôi. Xong im lặng ăn tiếp.

Trên cành cây ngoài cửa sổ có đôi chim lớn đang đậu và kêu chiêm chiếp. Tôi lơ đãng nhìn chúng. Chẳng thấy buồn ngủ. Tôi hoàn toàn chẳng buồn ngủ. Sao thế nhỉ?

Trong lúc tôi dọn dẹp chén bát thì chồng tôi ngồi ở sa-lông đọc báo. Cạnh đấy có cuốn "Anna Karenina" nhưng anh chẳng để ý đến. Anh không quan tâm đến chuyện tôi đọc sách hay không.

Tôi rửa chén bát xong thì chồng tôi bảo: -"Hôm nay có chuyện này hay lắm. Em nghĩ là gì nào?"

Tôi đáp: -"Em chẳng biết."

-"Khách hẹn giờ sau trưa đã bỏ hẹn rồi. Thế là anh được rảnh rỗi cho đến 1 giờ rưỡi đấy." Chồng tôi vừa nói vừa mỉm cười.

Tôi suy nghĩ về điều ấy một lúc, chẳng hiểu tại sao chuyện ấy lại "hay lắm". Vì sao?

Đến lúc tôi hiểu ra là lời rủ làm tình đấy, cũng là lúc anh ấy đứng lên định đưa tôi vào giường. Thế nhưng tôi hoàn toàn không có ý hướng ấy. Tôi hoàn toàn không hiểu được tại sao phải làm chuyện ấy lúc này. Tôi chỉ muốn chóng quay lại cuốn sách. Tôi thật muốn nằm lên sa-lông, vừa ăn sô-cô-la vừa lật trang cuốn "Anna Karenina". Lúc rửa chén bát, tôi đã nghĩ mãi về nhân vật Vronsky. Làm thế nào mà Tolstoy lại có thể nắm gọn trong tay tất cả các nhân vật trong truyện được như thế nhỉ? Tolstoy mô tả chính xác tuyệt vời. Nhưng cũng chính vì thế mà mất đi một loại cứu rỗi cho nhân vật. Nghĩa là...

Tôi nhắm nhẹ mắt lại, ngón tay ép vào màng tang. Rồi nói: -"Em từ sáng đến giờ có hơi nhức đầu một tí. Em xin lỗi, thật không phải đối với anh". Có hồi, tôi thỉnh thoảng lại bị nhức đầu thật, nên chồng tôi tin lời tôi ngay. Anh bảo: -"Thế thì đừng cố sức làm gì, em nằm nghỉ thì hơn." Tôi nói: -"Không đến nỗi thế đâu anh."

Chồng tôi ngồi ghế sa-lông, vừa nghe nhạc vừa thong thả đọc báo đến 1 giờ. Rồi lại nói chuyện máy móc y liệu. Những là có đưa vào máy móc đắt tiền tối tân cũng chỉ 2, 3 năm là hết thời, lại phải đổi máy móc mới hàng loạt, chỉ hãng chế tạo máy móc y liệu là hốt bạc thôi. Tôi thỉnh thoảng phải gật gù đệm nhịp chứ hầu như chẳng nghe gì cả.

*

Chồng tôi đi làm buổi chiều rồi thì tôi xếp báo lại, đập gối dựa sa-lông, để vào chỗ cũ. Rồi đứng tựa vào khung cửa sổ, nhìn quanh trong phòng. Tôi chẳng hiểu tại sao. Sao lại ngủ không được nhỉ? Ngày xưa tôi đã vài lần thức suốt đêm. Nhưng thức mãi lâu như thế này thì chưa hề. Bình thường thì hẳn đã phải ngủ vùi từ trước lâu rồi, mà cho dù không ngủ say đi nữa, cũng phải buồn ngủ đến chịu không nổi mới đúng chứ. Thế mà tôi hoàn toàn không buồn ngủ, đầu óc cứ tỉnh như sáo.

Tôi vào bếp, làm cà-phê uống. Rồi nghĩ xem nên làm gì. Tất nhiên là muốn đọc tiếp "Anna Karenina". Nhưng đồng thời, lại cũng muốn đi bơi ở hồ tắm. Phân vân một hồi rõ lâu rồi mới quyết định là đi bơi. Không giải thích cho rõ được, nhưng tôi cảm thấy như mình tận lực vận động cơ thể thì có khi xua đuổi được thứ gì đấy khỏi thân người mình. Thế nhưng thứ gì đã chứ? Tôi gắng suy nghĩ, nhưng chẳng hiểu. Xua đuổi thứ gì bây giờ? Có thứ gì đấy trong thân thể tôi, bàng bạc mơ hồ như một loại khả-năng-tính. Tôi thật muốn gọi tên nó ra, nhưng tên gọi ấy chẳng hiện lên trong trí tôi được. Tôi vốn dở chuyện tìm đúng lời nói. Hẳn là Tolstoy thì đã tìm ra lời nói đúng ngay chóc rồi.

Như thường lệ, tôi cho áo tắm vào túi xách, lên chiếc City đến câu-lạc-bộ thể thao. Hồ bơi không có ai quen biết cả. Chỉ có một chàng trai trẻ và một bà trung niên đang bơi lội thôi. Người giám thị hồ bơi đang canh chừng mặt hồ một cách nhàm chán.

Tôi thay áo tắm, đeo kính bơi, rồi bơi lội khoảng 30 phút như thường lệ. Nhưng 30 phút thì không đủ. Tôi lại bơi thêm 15 phút nữa. Vòng cuối đã bơi sải toàn lực lượt đi và lượt về. Gần như hết hơi, nhưng cảm thấy sức lực còn đầy trong người. Lúc tôi lên khỏi hồ nước, mọi người chung quanh nhìn tôi đăm đăm.

3 giờ thì vẫn còn sớm quá, nên tôi lái xe ghé ngân hàng làm cho xong việc. Nghĩ xem có nên ghé siêu thị mua đồ không, nhưng thôi, cứ thế lái thẳng về nhà. Rồi đọc tiếp "Anna Karenina". Ăn chỗ sô-cô-la còn lại. 4 giờ, con về thì cho nó uống nước ngọt và ăn thạch trái cây tôi làm. Rồi tôi chuẩn bị cơm tối. Trước hết, lấy thịt trong tủ đá ra giải đông, cắt rau củ để xào. Làm xúp tương, nấu cơm. Nhanh chóng làm gọn như máy. Xong lại tiếp tục đọc "Anna Karenina". Vẫn chẳng buồn ngủ.

4

Đến 10 giờ tối, tôi vào giường cùng chồng. Và làm bộ cùng ngủ. Chồng tôi thì ngủ được ngay. Tắt đèn bên giường xong hầu như lập tức ngủ mê ngay. Cứ như là ý thức của anh nối dây điện chung với đèn ấy. Tuyệt thật. Hiếm người được thế. Người khổ sở vì mất ngủ vẫn nhiều hơn mà. Bố tôi là như thế. Ông luôn luôn than là không ngủ say được. Khó ngủ mà hễ có chút tiếng động gì đấy là mở mắt ra ngay. Thế nhưng chồng tôi thì khác. Đã ngủ được rồi thì có chuyện gì cũng mặc, đến sáng mới thức dậy. Lúc mới kết hôn, tôi thường lấy làm lạ, vài lần đã thử xem làm cách nào để đánh thức anh ấy được. Lấy ống-nhỏ-giọt nhỏ nước lên mặt anh, hay lấy bút lông cạ lên đầu mũi anh. Thế mà anh ấy cũng chẳng thức giấc. Tôi cứ lì lợm làm tiếp thì cuối cùng anh mới ậm ừ vài tiếng khó chịu, thế thôi. Anh ấy cũng chẳng nằm mộng. Ít nhất thì cũng chẳng nhớ đã mộng thấy gì. Tất nhiên đã chẳng hề bị hôn mê gì ráo. Anh chỉ ngủ mê man, như con rùa dìm trong bùn. Thật tuyệt.

Tôi nằm ráng chừng 10 phút, rồi len lén rời giường. Ra phòng khách, bật đèn sàn, rót brandy vào ly, ngồi lên sa-lông, nhấm nháp như liếm rượu, vừa đọc cuốn sách. Muốn thì đến tủ lấy bánh khô và sô-cô-la giấu sẵn ở đấy mà ăn. Suốt cho đến sáng. Sáng ra thì tôi gấp sách lại, pha cà-phê uống. Rồi làm bánh mì kẹp ăn.

Ngày nào cũng lặp lại y như thế.

Tôi nhanh nhẹn thu xếp xong chuyện nhà để đọc sách suốt buổi sáng. Gần trưa thì gấp sách lại, làm cơm trưa cho chồng. Anh ấy đi làm lại trước 1 giờ trưa xong, tôi lên xe đến hồ tắm bơi lội. Từ hôm tôi bắt đầu ngủ không được thì ngày nào cũng bơi lội đủ 1 giờ. Chứ chỉ vận động 30 phút thì không đủ. Lúc bơi thì tôi tập trung ý thức vào chuyện bơi. Không nghĩ gì khác. Chỉ nghĩ đến chuyện cử động hữu hiệu, thở đúng quy tắc, có gặp ai quen hầu như cũng chẳng nói chuyện gì nhiều. Chỉ chào hỏi qua loa thôi. Có ai rủ đi đâu cũng thoái thác. Xin lỗi nhé, có chút việc cần phải về ngay đây. Tôi chẳng muốn dính dáng đến ai. Tôi không có thì giờ để trò chuyện dông dài với ai cả. Chỉ muốn bơi cho đủ rồi về ngay để đọc sách. Tôi vì bổn phận mà đi mua sắm, làm thức ăn, quét dọn, chăm sóc con. Vì bổn phận mà làm tình với chồng. Quen đi rồi thì chẳng có gì khó cả. Chỉ đơn giản là, cắt đứt liên hệ giữa thân thể và đầu óc là xong. Trong lúc thân thể tự ý cử động, đầu óc tôi phiêu lãng trong không gian của riêng mình. Chẳng suy nghĩ gì mà vẫn làm hết chuyện nhà, nuôi con, chăm sóc chồng. Từ khi bắt đầu mất ngủ, tôi nghĩ hiện thực là thứ sao mà dễ dàng quá. Thu vén hiện thực thì thật là đơn giản. Chỉ là hiện thực thôi chứ có gì đâu. Chỉ là chuyện làm trong nhà, là gia đình thôi. Giống như dùng một cái máy đơn giản, chỉ cần làm theo thứ tự một lượt cho nhớ là đủ, sau đó thì cứ lặp lại y hệt thôi. Bấm nút này, kéo cần kia, thêm bớt mức độ, đóng nắp, chỉnh giờ. Chỉ cần lặp lại như thế là đủ.

Tất nhiên có lúc cũng có thay đổi. Mẹ chồng tôi đến chơi, cùng ăn bữa tối. Hay chủ nhật cùng chồng con đi sở thú chơi. Hay con bị tiêu chảy nặng,... Thế nhưng, những chuyện như thế cũng không lay chuyển được tồn tại của tôi. Chỉ là những cơn gió vô-thanh thoảng qua quanh mình tôi mà thôi. Tôi nói chuyện thiên-hạ-sự với mẹ chồng, làm cơm cho bốn người, chụp hình trước chuồng gấu, chườm ấm bụng con, cho nó uống thuốc,... Chẳng ai để ý đến sự thay đổi nơi tôi. Chẳng ai để ý rằng tôi hoàn toàn không ngủ được, tôi đọc sách dài dài, tâm trí tôi ở đâu xa cách hiện thực hàng trăm năm hay hàng vạn cây số,... Tôi có làm trọn bổn phận một cách máy móc, xử trí sự việc hiện thực không một chút tình cảm hay ái tình nào, đi nữa; chồng, con và mẹ chồng tôi vẫn tiếp xúc với tôi hoàn toàn như thường lệ thôi. Có khi họ còn có vẻ thản nhiên đối với tôi hơn thường ngày nữa.

Cứ thế, một tuần trôi qua.

Đến lúc tình trạng tỉnh táo liên tục của tôi kéo dài sang tuần thứ hai thì ngay cả tôi cũng đâm ra bất an. Nghĩ gì đi nữa cũng dị thường quá. Người ta thì phải ngủ, chứ có ai lại không ngủ. Ngày xưa, có lần tôi đã đọc đâu đó chuyện tra khảo không cho ngủ. Lối tra khảo của Đức Quốc Xã đấy. Nhốt người ta vào căn phòng chật hẹp, chiếu đèn sáng không ngừng bắt người ta mở mắt để không sao ngủ được, hay tạo tiếng ồn thật lớn, bắt nghe tạp-âm liên tục để người ta đừng ngủ. Làm thế, người tù phát điên lên đến chết mất.

Tôi không nhớ là bao lâu thì người ta phát điên. 3, 4 ngày, có lẽ thế? Còn tôi thì đã mất ngủ đến hơn một tuần rồi. Dù gì đi nữa, cũng đã quá lâu. Vậy mà thân thể tôi vẫn không suy suyển chút nào. Có khi lại còn cảm thấy khoẻ mạnh hơn bình thường nữa kia.

Một hôm, sau khi tắm vòi sen xong, tôi thử đứng trần truồng trước gương soi toàn thân. Tôi ngạc nhiên phát hiện đường nét thân thể mình hoan-ca căng đầy nhựa sống. Tôi kiểm điểm khắp cả châu thân, từ đầu đến gót chân không sót một góc nào, nhưng không tìm thấy một tí thịt dư thừa, hay một nếp nhăn nào cả. Tất nhiên, thân thể tôi đã khác với thân hình thời thiếu nữ, thế nhưng làn da tôi đã căng đầy hơn nhiều, và trơn láng hơn. Tôi thử lấy ngón tay véo chỗ thịt bụng, thấy săn chắc, sức đàn hồi tuyệt diệu.

Và tôi để ý thấy mình đẹp lên hơn mình tưởng. Như mình trẻ lại rất nhiều. Có bảo mới 24 tuổi chắc nghe cũng thông. Làn da trơn láng, mắt sáng ngời, môi mọng đầy, bóng tối nơi gò má (tôi ghét chỗ này nhất trên thân thể mình) cũng không hiện rõ nữa. Tôi ngồi trước gương soi, ngắm mặt mình chăm chú suốt 30 phút. Ngắm từ nhiều góc độ khác nhau thật khách quan. Không lầm đâu được. Quả thật tôi đẹp hẳn ra.

Không biết chuyện gì đã xảy ra cho tôi thế nhỉ?

Tôi cũng đã thử nghĩ đến chuyện đi hỏi y sĩ. Có người y sĩ thân thiết đã chăm sóc cho sức khoẻ tôi từ bé. Nhưng thử nghĩ xem y sĩ nghe tôi kể bệnh, sẽ biểu lộ phản ứng như thế nào, tôi lại lòng nặng trĩu. Ông ấy liệu có tin lời tôi kể không? Nghe nói không ngủ suốt cả một tuần rồi, chắc ông sẽ nghi ngờ đầu óc tôi. Hoặc có khi chẩn đoán đơn giản là hỗn loạn thần kinh vì chứng mất ngủ, cho xong. Hoặc có thể hoàn toàn tin lời tôi, mà gửi sang bệnh viện lớn nào đấy, bắt phải kiểm tra tường tận không chừng.

Rồi tôi sẽ ra sao?

Có lẽ sẽ bị giữ riết ở đó, bị đẩy tới chỗ này chỗ kia vòng vòng bắt thử thứ này thứ khác. Những não-ba, tâm-điện-đồ, kiểm nước tiểu, kiểm máu, kiểm tâm lý, gì gì đấy. Tôi ngó bộ không kham nổi mấy thứ đó. Chỉ muốn yên tĩnh đọc sách một mình. Muốn mỗi ngày bơi lội đủ một giờ. Và hơn gì hết, muốn có tự do. Đó mới là điều tôi muốn. Chứ không muốn vào bệnh viện. Mà vào bệnh viện rồi họ hiểu được gì cơ chứ? Cũng chỉ kiểm tra một núi chuyện, rồi lập nên một núi những giả thuyết thôi chứ gì. Tôi chẳng muốn bị tù hãm ở nơi như thế.

Một buổi chiều nọ, tôi đến thư viện, tìm đọc sách về giấc ngủ. Sách viết về giấc ngủ thì không nhiều mà cũng chẳng viết gì rõ ràng. Kết cuộc, họ chỉ muốn nói một điều: giấc ngủ là lúc thân thể nghỉ ngơi, chỉ có thế thôi. Giống như tắt máy xe hơi. Máy xe chạy tất nhiên phát sinh nhiệt, nhiệt tích tụ làm hư mòn. Vì thế phải có lúc cho máy nghỉ, thải nhiệt. Hạ hoả. Tắt máy xe = giấc ngủ. Trong trường hợp con người, giấc ngủ là sự ngơi nghỉ của thân thể, đồng thời là sự nghỉ ngơi của tinh thần nữa. Con người nằm duỗi thân ra cho cơ bắp nghỉ ngơi, đồng thời nhắm mắt lại ngừng suy nghĩ. Dù vậy, suy nghĩ dư thừa vẫn phóng điện tự nhiên dưới hình thức giấc mộng.

Có cuốn sách viết một điều thú vị như thế này. Tác giả cho rằng: cả suy nghĩ lẫn động tác của thân thể con người không thể thoát ra khỏi khuynh hướng riêng biệt nhất định của mỗi cá nhân. Con người dần dần tạo ra khuynh hướng hành động và suy nghĩ riêng cho mình mà không hề biết; và một khi khuynh hướng ấy đã thành hình rồi thì không sao bỏ mất đi được, trừ phi có biến động gì kinh khủng lắm. Nghĩa là, con người bị giam chặt trong khuôn khổ khuynh hướng ấy mà sống tiếp. Và chính giấc ngủ cố gắng trung hoà độ nghiêng của khuynh hướng ấy, mà tác giả ví như những kiểu mòn khác nhau của đế giày. Nghĩa là chính giấc ngủ mới điều chỉnh, sửa chữa sự thiên-hướng ấy. Trong giấc ngủ, con người tự nhiên thư giãn những cơ bắp đã sử dụng một cách thiên vị, và chấn chỉnh lại mạch điện suy tư đã dùng, có phần nghiêng về bên này hay bên nọ. Con người giảm nhiệt nhờ thế. Đó là hành vi đã được lập-trình sẵn trong hệ-thống sinh-học là con người đấy. Không ai là ngoại lệ được cả. Nếu thoát ra ngoài, thì mất đi chính cơ sở tồn tại của hiện hữu là con người. Tác giả ấy đã viết như thế.

Khuynh hướng à? Tôi suy nghĩ.

Từ chữ khuynh hướng, tôi nghĩ đến chuyện làm trong nhà. Những thao tác trong nhà mà tôi làm một cách máy móc không tình cảm gì cả ấy. Nấu ăn, đi chợ, giặt giũ, nuôi con, tất cả mọi thứ ấy đều không có gì ngoài khuynh hướng. Tôi nhắm mắt cũng làm được. Bởi chúng chỉ là khuynh hướng sẵn có rồi. Bật nút, kéo cần. Chỉ cần có thế là đủ cho hiện thực tiến hành. Thân thể cử động y hệt theo lệ thường, chỉ là khuynh hướng đó thôi. Cứ thế, tôi hao mòn dần theo khuynh hướng, giống như đế giày mòn khuyết dần một bên. Do đó, phải cần có giấc ngủ mỗi ngày để hạ hoả, giảm nhiệt.

Có phải như thế chăng ?

Tôi chăm chú đọc lại câu văn ấy một lần nữa. Rồi gật đầu. Đúng rồi, có lẽ thế thật.

Vậy thì, đời tôi là gì nhỉ? Tôi bị hao mòn theo khuynh hướng, rồi phải ngủ để chữa trị. Đời tôi hoá ra chỉ lặp đi lặp lại chừng đó thôi sao? Chẳng đi đến đâu cả à?

Tôi nhìn xuống bàn đọc sách mà lắc đầu.

Tôi nghĩ không cần ngủ. Cho là giả thử có phát điên lên, có vì không ngủ mà mất đi cơ sở tồn tại của sinh mệnh đi nữa, cũng đành. Chẳng sao. Dù gì đi nữa, tôi không muốn hao mòn vì khuynh hướng. Và nếu quả thật giấc ngủ đến định kỳ là để chữa trị cho sự hao mòn vì khuynh hướng, thì tôi chả cần đến thứ ấy. Không cần đâu. Cho dù thân thể tôi thế nào cũng phải tiêu phí cho khuynh hướng đi nữa, tinh thần tôi vẫn là của riêng tôi. Tôi giữ chặt lấy nó cho riêng mình tôi mà thôi. Không giao cho ai cả. Chẳng cần ai chữa trị. Tôi không ngủ.

Tôi rời thư viện trong quyết tâm ấy.
 
 

5

Và như thế, tôi không còn sợ chuyện mất ngủ nữa. Chẳng có gì phải sợ cả. Cứ nhìn vào mặt tích cực là được. Nghĩa là tôi muốn mở mang đời mình. Từ 10 giờ đêm đến 6 giờ sáng là thời gian của riêng tôi. Khoảng thời gian đến 1 phần 3 của mỗi ngày ấy, từ trước đến nay vẫn dành cho chuyện ngủ, mà người ta gọi là hành vi chữa trị giảm nhiệt đấy, bây giờ trở thành của riêng tôi. Không cho ai khác cả. Chỉ của mình tôi thôi. Tôi tha hồ dùng thời gian ấy theo ý mình. Chẳng ai quấy rầy, chẳng ai đòi hỏi gì tôi được. Vâng, đúng là mở mang đời mình ra. Tôi mở mang đời tôi ra thêm 1 phần 3 nữa đấy.

Có thể có người bảo như thế là không chính-thường về mặt sinh-vật-học. Có lẽ đúng đấy. Và có lẽ về sau này tôi sẽ phải trả giá chuyện tôi tiếp tục hành vi không chính-thường ấy. Cái phần đời được mở mang, mà tôi lấy trước đi ấy, có thể sẽ bị đòi lại sau này. Giả thuyết ấy không có căn cứ, nhưng cũng chẳng có căn cứ nào để phủ nhận nó, và tôi cảm thấy nó có vẻ thông suốt. Nghĩa là cuối cùng, thời gian được vay qua trả lại, bù trừ hợp lý đấy. Thế nhưng thành thật mà nói, điều đó đối với tôi thì sao cũng được cả. Giả thử bù trừ thế nào đấy khiến tôi phải chết sớm đi nữa, cũng chả sao. Giả thuyết thì cứ cho tiến tới theo đường giả thuyết. Ít nhất, ngay bây giờ đây, tôi đã mở mang đời mình được rồi. Đó là điều tuyệt vời. Có cảm giác nắm được gì trong tay. Cảm giác thực là mình đang sống. Tôi không bị tiêu phí. Ít nhất, phần con người của tôi không bị tiêu phí đi đang tồn tại đây này. Chính vì thế mà tôi có cảm giác thực là mình đang sống. Đời người mà không cảm nhận được là mình đang sống thực, thì có sống lâu đến đâu đi nữa, cũng chẳng có ý nghĩa gì. Bây giờ thì tôi nghĩ được rõ ràng như thế.

Xác nhận là chồng tôi đang ngủ say, tôi ra phòng khách ngồi lên ghế sa-lông, một mình uống brandy và giở sách đọc. Một tuần đầu, tôi đã đọc "Anna Karenina" 3 lần liên tiếp. Càng đọc lại càng khám phá ra điều mới lạ. Cuốn tiểu thuyết đồ sộ này chứa đầy những khám phá và bí ẩn. Như cái hộp sắp xếp công phu, trong thế giới lại có thế giới nhỏ, rồi trong thế giới nhỏ lại có thế giới nhỏ hơn nữa. Và những thế giới ấy tổng hợp thành một vũ trụ. Vũ trụ ấy nằm sẵn trong cuốn sách, chờ độc giả khám phá ra. Ngày xưa, tôi đã chỉ lý giải được một mảnh nhỏ của vũ trụ ấy. Nhưng bây giờ tôi đã thấu suốt, lý giải được điều ấy. Tôi lý giải được tác giả Tolstoy đã muốn kể những gì trong cuốn sách ấy, đã muốn độc giả đọc thấy những gì, thông điệp ấy đã kết tinh một cách hữu cơ thành tiểu thuyết như thế nào, và những gì trong cuốn tiểu thuyết ấy đã vượt cả tác giả của nó nữa.

Tôi có tập trung ý thức bao nhiêu đi nữa cũng chẳng thấy mệt. Đọc "Anna Karenina" cho thoả thích xong, tôi đọc qua Dostoyevski. Tôi đọc sách bao nhiêu cũng được cả. Tập trung ý thức bao nhiêu cũng không hề thấy mệt. Những chỗ khó hiểu đến mấy đi nữa tôi cũng lý giải được dễ dàng. Và cảm động sâu đậm.

Tôi nghĩ đây mới là hình dạng đúng nghĩa của tôi. Nhờ bỏ giấc ngủ, tôi mở mang được chính mình. Điều quan trọng là lực tập trung. Con người thiếu lực tập trung thì có mở mắt cũng không thấy được gì.

Rồi brandy cũng hết. Tôi đã uống hết nguyên một chai brandy rồi đấy. Tôi đến tiệm bách hoá mua một chai Remy Martin mới. Mua luôn một chai rượu vang đỏ. Cả một ly pha-lê thượng hạng để uống brandy nữa. Và sô-cô-la với bánh quy.

Thỉnh thoảng, đang đọc sách, tôi thấy hồi hộp mạnh. Những lúc ấy, tôi ngừng đọc, vận động thân thể ngay trong phòng. Làm vài động tác thể dục mềm dẻo, hay chỉ đi tới đi lui khắp phòng. Nếu thích thì có khi ra ngoài tản bộ ban đêm nữa. Tôi thay quần áo, chạy xe City lang thang trên đường. Có khi ghé vào tiệm ăn mở suốt đêm để uống cà-phê nữa, nhưng tôi ngại gặp người quen biết thì phiền phức nên phần lớn là ngồi trong xe. Cũng có khi nhắm chỗ không có gì nguy hiểm mà đậu xe lại, vẩn vơ suy nghĩ. Và cũng có hôm, chạy xe ra bến tàu, ngắm tàu bè một hồi.

Có một lần, cảnh sát đến hỏi giấy. Đêm ấy khoảng 2 giờ rưỡi, tôi dừng xe dưới đèn đường gần bến tàu, vừa ngắm đèn trên thuyền bè, vừa nghe nhạc từ đài phát thanh. Cảnh sát đi giày cồm cộp đến gõ cửa kính. Tôi hạ kính cửa sổ xuống. Một người cảnh sát trai trẻ. Đẹp trai, ăn nói lễ độ. Tôi giải thích là vì không ngủ được nên ra đấy chơi. Bị hỏi giấy tờ nên tôi trình ra. Người cảnh sát xem xét một hồi. Rồi nói: tháng trước, ở đây đã có vụ án mạng, một cặp trai gái bị 3 thanh niên tấn công, trai bị giết, gái bị cưỡng hiếp. Vụ ấy thì tôi nhớ là cũng đã nghe nói. Tôi gật đầu. Người cảnh sát nói: Vì thế nếu bà không có việc gì cần phải đến đây thì ban đêm không nên lảng vảng ở nơi này, nhất là đã khuya khoắt thế này. Tôi nói: Cảm ơn anh, tôi rời đây ngay. Anh ta trả giấy tờ. Tôi cho xe chạy đi.

Nhưng chỉ một lần đó là có người gọi tôi mà thôi. Tôi lang thang trên phố đêm suốt 1, 2 giờ mà chẳng ai quấy rầy gì cả. Rồi tôi cho xe vào nhà xe chung cư. Bên cạnh chiếc Blue Bird của chồng tôi đang ngủ say trong bóng tối mịt mùng. Tôi lắng tai nghe tiếng máy xe nguội dần cho đến lúc không còn nghe tiếng nữa. Tôi ra khỏi xe, trở lên phòng.

Trước hết tôi vào phòng ngủ, xem cho chắc là chồng tôi đang ngủ say. Vào giờ ấy thì bao giờ chồng tôi cũng ngủ say cả. Xong tôi vào phòng con tôi. Nó cũng ngủ mê man. Cả hai chẳng hay biết gì. Họ vững tin rằng thế giới vẫn xoay vần như thường lệ, hoàn toàn không có gì thay đổi. Nhưng đâu có phải thế. Thế giới vùn vụt đổi thay ở chỗ mà họ không biết đến. Đổi thay đến không kéo lại được nữa.

Có lần, một đêm kia, tôi đã chăm chú ngắm khuôn mặt chồng tôi. Nghe một tiếng "bịch" lớn trong phòng ngủ, tôi hốt hoảng chạy vào xem thì thấy cái đồng hồ báo thức đã rơi xuống sàn. Có lẽ chồng tôi ngủ say, quơ tay đụng nó làm rơi xuống. Vậy mà anh ấy vẫn ngủ mê man chẳng biết gì cả. Chao ôi, phải có chuyện gì người này mới mở mắt dậy được nhỉ? Tôi nhặt đồng hồ lên, đặt lại bên cạnh giường. Rồi đứng khoanh tay chăm chú quan sát khuôn mặt chồng.

Ðã lâu lắm tôi mới có dịp quan sát kỹ lưỡng vẻ mặt lúc đang ngủ của anh ấy. Bao nhiêu năm rồi nhỉ? Chứ khoảng mới kết hôn thì tôi đã thường ngắm mặt anh ấy ngủ. Chỉ ngắm như thế mà cảm thấy an lòng và yên bình. Nghĩ rằng bao giờ người này còn ngủ yên lành được như thế này thì tôi còn được bảo bọc vô sự. Vì thế ngày xưa thì tôi hay nhìn khuôn mặt chồng tôi khi anh ấy đã ngủ say.

Thế mà không biết từ lúc nào, tôi ngưng làm việc ấy. Từ lúc nào nhỉ? Tôi gắng nhớ lại xem. Có lẽ là lúc vợ chồng tôi bất đồng ý kiến với mẹ chồng tôi về việc đặt tên cho con tôi. Mẹ chồng tôi là người sùng đạo nên đã đi "xin tên". Chẳng nhớ là tên gì, nhưng tôi không thuận chuyện "xin tên" như thế. Vì vậy, tôi và bà mẹ chồng đã tranh cãi kịch liệt. Thế mà chồng tôi thì chẳng nói ý gì, chỉ can gián hai bên mà thôi.

Lúc ấy, tôi mất đi cảm giác được chồng tôi bảo bọc. Ừ, chồng tôi không bảo bọc gì tôi cả. Vì vậy, tôi tức giận quá. Tất nhiên đó là chuyện xưa, chứ tôi và mẹ chồng đã làm lành với nhau rồi. Tên con thì tự tôi đặt. Vợ chồng tôi cùng hoà ngay sau đó.

Nhưng từ ngày ấy, không hiểu sao tôi không còn ngắm khuôn mặt say ngủ của chồng tôi nữa.

Bây giờ, tôi đứng yên ngắm khuôn mặt say ngủ của anh ấy. Chồng tôi đang ngủ mê man như thường lệ. Từ một góc chăn đắp, bàn chân trần của chồng tôi ló ra ngoài theo một góc độ kỳ dị. Cứ như là bàn chân của người nào khác. Bàn chân to và cứng ngắc. Miệng lớn mở rộng, môi dưới thõng xuống, thỉnh thoảng cánh mũi giật giật như chợt nhớ lại mà làm thế. Nốt ruồi ngay dưới mắt trông to lớn và thô tục quá. Lối nhắm mắt cũng chẳng tao nhã gì. Mí mắt thụng xuống, trông như phủ một lớp thịt đã phai màu. Giống hệt một đứa dở-hơi say sưa ngủ. Lối ngủ mà người ta bảo là "chẳng còn biết trời đất gì nữa". Tôi chán ngán: ngủ sao mà mặt mày đần độn đến thế! Thế nào đi nữa, cũng tàn tệ quá. Ngày xưa có như thế đâu. Dạo mới lấy nhau thì người này có khuôn mặt săn chắc hơn kia. Dù cũng ngủ say như thế, nhưng khuôn mặt lúc ngủ đâu có tàn tệ như thế này!

Tôi gắng nhớ xem ngày xưa khuôn mặt chồng tôi lúc say ngủ như thế nào. Nhưng gắng mấy cũng không nhớ ra được. Chỉ nhớ rằng không thể xấu tệ như lúc này được. Hoặc có thể vì tôi có thiên kiến như thế chăng? Có thể chồng tôi đã có khuôn mặt say ngủ không khác gì lúc này. Có thể chỉ vì mắt nhìn của tôi bị tình cảm gì đấy chi phối. Hẳn là mẹ tôi bảo như thế. Đó là lý lẽ ưa chuộng của mẹ tôi. Lúc nào bà cũng nói: Cô thì chuyện yêu quá thương quá lúc mới cưới nhau ấy, giỏi lắm cũng chỉ được 2, 3 năm thôi. Mặt người ta lúc ngủ mà thấy dễ thương, chỉ vì quá yêu mà thấy ra thế thôi. Mẹ tôi hẳn sẽ nói thế. Nhưng tôi hiểu là không phải thế. Chắc chắn là chồng tôi đã xấu trai đi rồi. Mặt không còn săn chắc nữa. Đã già đi rồi. Chồng tôi đã già đi và mệt mỏi, hao mòn. Từ đây trở đi, chắc chắn sẽ xấu trai thêm. Và tôi sẽ phải chịu đựng mà sống.

Tôi thở dài. Não ruột. Chồng tôi vẫn chẳng động đậy. Chỉ cỡ tiếng thở dài thì chẳng đánh thức anh ấy được.

Tôi rời phòng ngủ, trở lại phòng khách. Lại uống brandy và đọc sách. Nhưng có gì đấy vướng mắc. Tôi đặt sách xuống, đến phòng con tôi. Mở cửa, nhờ ánh đèn hành lang mà ngắm chăm chú khuôn mặt con trai tôi. Con tôi cũng đang say ngủ như chồng tôi. Như thường lệ. Tôi ngắm khuôn mặt say ngủ của con một hồi. Con nít có vẻ mặt thật trơn láng. Và đương nhiên là khác xa chồng tôi. Bởi nó còn con nít mà. Da nó trơn bóng, và cũng không có vẻ gì thô tạp cả.

Thế nhưng có gì đấy làm tôi phiền muộn. Lần đầu tiên tôi cảm thấy như thế về con mình. Điều gì nơi đứa con làm tôi phiền muộn như thế nhỉ? Tôi đứng nguyên đấy, khoanh tay lại. Tất nhiên là tôi thương con tôi chứ. Thương lắm kia. Thế nhưng, ngay lúc này, thứ gì đấy đang làm tôi bực tức. Tôi lắc mạnh đầu. Tôi nhắm mắt lại một lúc. Rồi mở mắt, lại nhìn khuôn mặt say ngủ của con tôi. Và hiểu ra được điều gì đã làm tôi bực tức. Vẻ mặt lúc say ngủ của con tôi giống hệt như của bố nó. Và vẻ mặt ấy lại giống hệt vẻ mặt của mẹ chồng tôi. Tính ngoan cố trong huyết thống, tính tự mãn, một loại ngạo mạn của gia đình bên chồng, mà tôi rất ghét. Quả thật, chồng tôi rất tốt đối với tôi. Anh ấy hiền hậu, chịu khó chăm sóc vợ. Không ngoại tình, cần cù làm việc. Nghiêm nghị, tử tế với mọi người. Bạn bè tôi ai cũng nói người được như thế là hiếm có lắm. Tôi cũng nghĩ là không còn chê vào đâu được. Thế nhưng chính cái vẻ không còn chê vào đâu được ấy thỉnh thoảng lại làm tôi bực tức. Bên trong vẻ "không còn chê vào đâu được" ấy, có chỗ cứng ngắc đến dị thường, không cho phép sức tưởng tượng chen vào. Điều đó làm tôi bực bội.

Và bây giờ đây, con trai tôi đang ngủ với vẻ mặt như thế.

Tôi lại lắc đầu. Kết cuộc, là người khác thôi. Đứa bé này lớn lên, cũng sẽ chẳng lý giải gì tâm tình của tôi. Cũng giống như chồng tôi, hầu như hoàn toàn không lý giải được tâm tình tôi. Không còn nghi ngờ gì tình tôi yêu thương con tôi. Nhưng tôi vẫn dự-cảm rằng trong tương lai, mình không thể yêu thương nó thiết tha như bây giờ được nữa. Suy nghĩ như thế thì không ra vẻ người mẹ, có lẽ những người mẹ khác trên thế gian này chẳng ai nghĩ như thế. Nhưng tôi hiểu. Một ngày nào đó, sẽ khinh thị nó. Trong lúc ngắm khuôn mặt ngủ say của con, tôi đã nghĩ thế. Và tôi buồn quá. Tôi đóng cửa phòng con tôi, và tắt đèn hành lang. Rồi vào ngồi trên sa-lông phòng khách, mở sách đọc. Được vài trang, tôi gấp sách lại. Nhìn đồng hồ. Sắp ba giờ sáng rồi.

Tôi nghĩ xem đã mấy ngày rồi từ khi mất ngủ. Lúc bắt đầu mất ngủ là thứ Ba hai tuần trước. Thế thì hôm nay đúng là ngày thứ 17. Như thế, tôi đã mất ngủ suốt 17 ngày. 17 buổi trưa, 17 đêm tối. Khoảng thời gian dài thật. Bây giờ thì tôi không còn nhớ giấc ngủ là thứ gì nữa.

Tôi thử nhắm mắt lại. Thử gọi dậy cảm giác buồn ngủ. Nhưng chỉ có bóng tối tỉnh táo tồn tại ở đấy thôi. Bóng tối tỉnh táo - khiến tôi liên tưởng đến cái chết.

Tôi nghĩ có lẽ mình sắp chết. Nếu tôi chết lúc này thì liệu đời tôi đã có ý nghĩa gì nhỉ? Nhưng tất nhiên đời tôi có ý nghĩa gì thì tôi làm sao mà hiểu được chứ?

Vậy thì, cái chết là gì nào?

Cho đến lúc ấy thì tôi vẫn nghĩ giấc ngủ là một loại nguyên-hình của cái chết. Nghĩa là tôi tưởng-định cái chết trên đường nối dài của giấc ngủ. Kết cuộc, cái chết là một giấc ngủ sâu cùng-tột hoàn toàn không có ý thức, sự ngơi nghỉ vĩnh viễn. Tôi nghĩ thế. Nhưng tôi chợt nghĩ lại: mà cũng có thể không phải như thế. Không chừng cái chết là loại trạng huống hoàn toàn khác với giấc ngủ. Có khi chính là bóng tối tỉnh táo sâu thẳm đến vô hạn mà tôi đang nhìn thấy bây giờ đây. Có lẽ cái chết là sự tỉnh táo liên tục vĩnh viễn trong bóng tối mịt mùng ấy.

Nhưng như thế thì tàn tệ quá lắm. Nếu cái chết mà không phải là loại trạng thái ngơi nghỉ, thì cuộc đời bất toàn đầy những mệt mỏi của chúng ta còn có gì cứu rỗi được nữa?

Dù gì đi nữa, kết cuộc cũng chẳng có ai hiểu được cái chết là cái thứ gì. Ai thực sự đã thấy được cái chết? Chẳng ai cả. Người thực sự thấy được cái chết thì đã chết cả rồi. Người đang sống thì chẳng ai biết cái chết là như thế nào cả. Họ chỉ đoán già đoán non thôi. Mà suy đoán gì đi nữa, cũng chỉ là suy đoán thôi. Cái chết phải là một loại nghỉ ngơi: cách suy đoán ấy thật chẳng hợp lý tí nào. Chưa chết thì không sao hiểu được cái chết là cái gì. Mà có thể là cái gì cũng được cả!

Nghĩ thế là tôi chợt rơi vào một cơn khủng hoảng mãnh liệt. Cảm thấy lạnh xương sống như đóng băng đông cứng lại. Tôi vẫn còn nhắm nghiền mắt. Không sao mở mắt ra được. Tôi nhìn sững bóng tối dày mịt mùng choán ngay trước mắt tôi. Bóng tối sâu thẳm như chính vũ trụ, không sao cứu vãn được nữa. Tôi chỉ có một mình. Tôi tập trung ý thức để mở mang chính mình. Tôi cảm thấy nếu mình muốn, vẫn có thể nhìn thấu suốt đến tận đáy của vũ trụ ấy. Nhưng tôi tránh không nhìn. Tôi nghĩ: còn quá sớm.

Nếu cái chết là như thế này đây, thì tôi phải làm sao nhỉ? Nếu sự chết là phải nhìn đăm đăm hoài hoài vào bóng tối trong sự tỉnh táo vĩnh viễn như vậy?

Cuối cùng, tôi mở mắt, uống một hơi cạn chỗ brandy còn lại trong ly.
 
 

6

Tôi cởi áo ngủ, mặc quần bò, áo thun, khoác thêm áo chống gió. Cuộn chặt tóc thành một búi sau lưng, nhét gọn vào trong áo chống gió, đội lên đầu chiếc mũ bóng- chày của chồng tôi. Nhìn trong gương thấy như một đứa con trai. Được đấy, tôi nghĩ. Rồi mang giày thể thao, xuống nhà xe dưới hầm. Tôi lên chiếc City, vặn chìa khoá, cho nổ máy một hồi xem sao. Lắng tai nghe tiếng máy nổ. Tiếng máy nghe bình thường. Tôi đặt hai bàn tay lên bánh lái, hít thở thật sâu vài lần. Rồi cho xe chạy ra ngoài chung cư. Cảm thấy xe chạy êm nhẹ hơn mọi khi nhiều. Cứ như là đang trượt trên băng ấy. Tôi thận trọng đổi tốc độ, chạy xuyên qua khu phố, lên đường cao-tốc hướng về phía Yokohama.

Đã quá 3 giờ khuya rồi mà lượng xe cộ trên đường vẫn không ít. Những dòng xe tải khổng lồ chạy đường trường chảy từ Tây sang Đông, làm rung chuyển mặt đường nhựa. Chúng không ngủ. Để tăng năng suất chuyên chở, chúng chỉ ngủ ban ngày, còn ban đêm thì làm việc. Giá là tôi thì đêm hay ngày đều làm việc được cả. Bởi tôi không cần ngủ mà.

Có lẽ như thế về mặt sinh-học thì là dị thường, không tự nhiên. Nhưng ai biết thế nào là tự nhiên chứ? Cái gọi là tự nhiên theo sinh-học, kết cuộc cũng chỉ là suy luận từ kinh nghiệm mà thôi. Còn tôi đang ở địa điểm vượt quá thứ suy luận ấy rồi. Giả dụ, cứ nghĩ tôi như một kiểu mẫu tiên-nghiệm trong tiến-hoá nhảy vọt của loài người xem sao nào. Người đàn bà không ngủ. Phóng lớn ý thức.

Nghĩ thế, tôi bật cười một mình. Kiểu mẫu tiên-nghiệm trong tiến-hoá nhảy vọt kia à?

Tôi vừa nghe âm nhạc từ đài phát thanh vừa chạy xe ra bến tàu. Muốn nghe nhạc cổ điển, nhưng nửa khuya thì chẳng có đài nào chơi nhạc cổ điển cả. Bắt đài nào cũng chỉ nghe toàn là nhạc Rock hát tiếng Nhật mà thôi. Loại nhạc tình nhừa-nhựa nghe nhức cả răng. Chẳng làm sao hơn, tôi đành nghe tạm vậy. Loại nhạc này như lôi tuột tôi đến một nơi xa tắp. Tôi cách xa hẳn cả Mozart lẫn Hayden.

Tôi vào bãi đậu rộng lớn có lằn vạch trắng của công viên, đậu xe lại, tắt máy xe. Tôi đã chọn chỗ đậu sáng nhất, ngay dưới đèn đường, chung quanh rộng rãi. Trong bãi chỉ có một chiếc xe khác đậu lại. Loại xe lớp trẻ ưa lái. Coupé trắng hai cửa. Năm sản xuất đã lâu rồi. Hẳn là những người yêu nhau. Có lẽ không đủ tiền thuê khách sạn nên đang ôm ấp nhau trong xe. Để tránh rắc rối, tôi đội sụp mũ xuống cho khỏi bị nhìn ra là đàn bà. Xác nhận một lần nữa là các cửa xe đều đóng kín cả rồi.

Lơ đãng ngắm phong cảnh chung quanh một lúc, tôi chợt nhớ lại năm thứ nhất đại học đã đi chơi bằng xe hơi với bạn trai, và đã âu yếm sờ mó nhau trong xe. Nửa chừng chàng không chịu nổi nữa, đã xin cho đút vào. Nhưng tôi bảo không được.

Tôi đặt hai bàn tay lên bánh lái, vừa nghe nhạc vừa gắng nhớ lại chuyện ấy. Nhưng không sao nhớ lại được khuôn mặt chàng trai ấy. Cảm thấy như tất cả mọi chuyện đều đã xảy ra vào thời xa xưa đến phi lý.

Tôi cảm thấy ký ức về thời trước khi bị mất ngủ đang nhanh chóng tăng tốc mà rời xa tôi mất. Cảm giác thật kỳ dị. Cảm thấy như con người tôi trong thời trước, cứ đêm đến là ngủ được ấy, không phải là con người thật của mình; và ký ức của thời ấy không phải là ký ức thật của mình nữa. Tôi nghĩ là con người biến đổi như thế đấy. Nhưng không ai biết, không ai để ý. Chỉ mỗi mình tôi biết được. Cho dù tôi có giải thích, họ cũng không hiểu đâu. Họ sẽ không tin. Mà cho dù họ có tin lời tôi đi nữa, họ cũng hoàn toàn không thể hiểu chính xác được tôi đang cảm thấy như thế nào. Họ chỉ cho rằng trường hợp của tôi là thứ gì uy hiếp thế giới luận lý của họ thôi.

Tuy nhiên, quả thật tôi đang thật sự biến đổi.

Không biết tôi đã ngồi yên như thế ở đấy trong bao lâu. Tôi giữ nguyên hai bàn tay trên bánh lái, nhắm mắt một hồi lâu. Và ngắm bóng-tối-không-ngủ.

Đúng lúc ấy, chợt cảm-giác-như-có-ai-đến-gần kéo tôi về thực tại. Quả là có người rồi. Tôi giương mắt nhìn quanh. Có người nào đấy bên ngoài xe. Và định mở cửa xe. Nhưng các cửa xe đều khoá kỹ. Bóng đen của ai đó hiện lên ở cả hai bên xe. Cả cửa bên phải lẫn cửa bên trái. Nhưng không thấy mặt. Cũng chẳng biết họ mặc quần áo gì. Chỉ thấy bóng đen đứng đấy.

Kẹp giữa hai cái bóng đen ấy, chiếc City của tôi cảm thấy nhỏ nhoi quá. Chỉ như một hộp bánh nhỏ. Tôi cảm thấy chiếc xe đang chao đảo bên trái bên phải. Cửa kính bên phải bị nắm tay ai đấy đập đùng đùng. Nhưng tôi hiểu không phải là cảnh sát. Cảnh sát thì không đập đùng đùng như thế. Mà cũng không lay chiếc xe kiểu đó. Tôi nín thở. Hốt hoảng, chẳng biết phải làm sao. Đầu óc tôi bấn loạn vô cùng, Nghe mồ hôi rịn ra dưới nách. Phải cho xe chạy đi thôi. Chìa khoá!... Vặn chìa khoá xe đi. Tôi vươn tay nắm chìa khoá xe vặn sang phải.

Nghe tiếng bộ khởi động xoay tròn. Nhưng máy xe không nổ.

Ngón tay tôi run lên bần bật. Tôi nhắm mắt, gắng vặn chìa khoá xe lần nữa, chầm chậm. Nhưng cũng không nổ. Chỉ nghe tiếng rèn rẹt như móng tay cào lên bức tường khổng lồ. Chỉ xoay vòng cùng một chỗ. Chỉ xoay vòng cùng một chỗ thôi. Và bọn đàn ông, những bóng đen ấy tiếp tục lắc lay xe tôi. Càng lúc càng mạnh thêm. Có lẽ chúng định lật ngửa chiếc xe này lên.

Tôi nghĩ có gì đấy sai lầm rồi. Bình tĩnh suy nghĩ thì sẽ làm được. Nghĩ kỹ đi. Bình tĩnh lại - từ từ - suy nghĩ. Có gì đấy sai lầm đó mà.

Có gì đấy sai lầm rồi.

Nhưng tôi chẳng hiểu ra điều gì sai lầm. Bóng tối đậm đặc đầy nghẹt trong đầu tôi. Bóng tối ấy không đưa tôi đến đâu. Tay tôi tiếp tục run bần bật. Tôi lập cập rút chìa khoá xe ra rồi tra vào lại lần nữa. Ngón tay tôi run lẩy bẩy không tra chìa khoá vào đúng lỗ được. Lúc định đút chìa khoá vào lỗ thì chìa khoá rơi xuống sàn. Tôi khom người cúi nhặt chìa khoá. Nhưng không làm sao nhặt được. Bởi chiếc xe đang bị lay động quá mạnh. Lúc tôi hấp tấp khom người xuống, trán tôi va mạnh vào tay lái.

Tôi chịu thua, ngửa người ra ghế xe, đưa hai tay ôm lấy mặt. Và khóc. Tôi chỉ còn có thể khóc mà thôi. Nước mắt tuôn chảy không dứt. Tôi chỉ còn một mình, bị giam hãm trong chiếc hộp nhỏ này, không còn đi đâu được nữa. Trong thời khắc sâu thẳm nhất của đêm khuya này, bọn đàn ông ấy không ngừng lay lắc chiếc xe của tôi. Chúng sắp lật ngửa chiếc xe tôi ra mất.
 
 

Phạm Vũ Thịnh dịch

Sydney 12/2005

Truyện ngắn "Nemuri" đã đăng trong tạp chí "Bungakkai - Văn Học Giới" số tháng 11 năm 1989, là truyện thứ 6 trong tập truyện "Người Ti-Vi" từ Nhà xuất bản Ðà Nẵng, tháng 3 năm 2007, dịch từ nguyên tác của Murakami Haruki trong Tuyển tập "Kaiten Mokuba no Deddo Hi-to - Carousel's Dead Heat - Chạy Ðua Sát Nút Trên Vòng Quay Ngựa Gỗ" tháng 10 năm 1985.