Chim Việt Cành Nam
Trở về
Trang chủ
Tác giả
"On Fire:" 
Chương kết: Gói gọn Thêm 
Chín Lý do Ủng hộ Green New Deal

Naomi Klein
Phạm Vũ Thịnh dịch
Lời người dịch:

Tháng 9 năm 2019, tác gia, nhà hoạt động xã hội và môi trường Naomi Klein đã xuất bản cuốn "On Fire: The (Burning) Case for Green New Deal – Bùng cháy: Lý do nồng nhiệt ủng hộ Thỏa Thuận Mới Màu Xanh" tập hợp các bài tiểu luận tập trung vào hiểm họa biến đổi khí hậu và những hành động cấp bách cần thiết để cứu trái đất. Naomi Klein ủng hộ Nghị quyết Green New Deal trong suốt cuốn sách, và chương kết luận của cuốn sách này tóm lược thêm 9 lý do để ủng hộ Green New Deal, là một tham luận rất thuyết phục (xin xem bản dịch dưới đây).

Naomi Klein là nhà báo đã đoạt được nhiều giải thưởng quốc tế, cộng tác với những tờ báo có uy tín toàn cầu như The New York Times, The Nation, The Guardian,... Thông tín viên cấp cao của báo mạng The Intercept. Tác giả của nhiều tác phẩm về xã hội, kinh tế và môi trường được hâm mộ nhất thế giới như The Shock Doctrine, No Logo, This Changes Everything, No Is Not Enough,... Khoa trưởng đầu tiên của phân khoa Media, Culture and Feminist Studies ở Ðại học Rutgers. Là nhà hoạt động nổi tiếng cho nữ quyền, công bằng xã hội và môi trường, bà đồng sáng lập The Leap, tổ chức tranh đấu cho Công lý về Khí hậu.

Greta Thunberg viết: "Tác phẩm của Naomi Klein luôn luôn làm tôi cảm động và chỉ hướng cho tôi. Bà là người ghi sử vĩ đại về khủng hoảng khí hậu của thời đại, và là niềm hứng khởi của nhiều thế hệ hiện tại".

*

Những người chỉ trích Green New Deal có nhiều lập luận nghiêm trang để bảo rằng toàn bộ kế hoạch này chỉ có thể thất bại mà thôi. Tình trạng tê liệt ở thủ đô chính trị Washington là có thật. Ngay cả trong một thế giới mà cho dù các đảng viên Cộng hòa vốn chối bỏ nguy cơ biến đổi khí hậu có bị quét sạch khỏi quyền lực đi nữa, vẫn sẽ còn nhiều đảng viên Dân chủ có khuynh hướng trung dung còn quả quyết rằng các cử tri của họ không muốn có những thay đổi triệt để đến như thế. Các kế hoạch Green New Deal sẽ rất tốn kém và việc vận động cho ngân sách được phê chuẩn sẽ là loại nỗ lực gian khổ cỡ các công trình khổng lồ của Hercules.

Người ta bảo rằng hướng hành động tốt nhất là thúc đẩy các chính sách về khí hậu nào thu hút được nhiều người thuộc phái bảo thủ, chẳng hạn: chuyển từ điện than đá sang điện hạch nhân, hoặc là đánh một khoản thuế carbon nho nhỏ để lấy lại doanh thu như một loại "cổ tức" chia lời cho mọi người dân.

Khuyết điểm chính của các lối tiếp cận theo kiểu tiến-từ-từ chắp vá vụn vặt này, đơn giản là chúng sẽ không làm được việc. Để giành cho được sự ủng hộ từ những đảng viên Cộng hòa đang ngập mặt trong tiền bạc thu nhận được từ nhiên liệu hóa thạch, thì khoản thuế carbon nói trên sẽ quá thấp để có thể có tác dụng bù lổ cho họ. Điện hạch nhân thì đắt và chậm xây dựng lẫn triển khai so với loại năng lượng tái tạo, đó là chưa kể đến những rủi ro trong việc khai thác uranium và lưu trữ xử trí chất thải.

Sự thật là, chúng ta không thể nào giảm lượng khí thải khổng lồ một cách nhanh chóng như yêu cầu, để thoát ra khỏi quỹ đạo nguy hiểm đã dự kiến, mà không cần đến một cuộc đại-tu sâu rộng các cơ sở hạ tầng lẫn công nghiệp đang có. May mắn là Green New Deal không phải gần như viễn vông hoặc phi-thực-tế như nhiều nhà phê bình đã cáo buộc. Tôi đã chứng minh tại sao như thế suốt trong các chương trước của cuốn sách này, tuy nhiên cũng sẽ nêu ra sau đây thêm chín lý do khiến Green New Deal có cơ hội thành công, cơ hội này sẽ tăng thêm nữa mỗi lần chúng ta dấn bước lên và cổ động cho giải pháp này.

1. Green New Deal sẽ tạo ra công việc trên quy mô khổng lồ

Ðến nay, tất cả những nơi trên thế giới đã đầu tư nhiều vào năng lượng tái tạo và hiệu năng cao đều chứng tỏ được rằng các lĩnh vực này chính là những ngành mạnh mẽ tạo ra việc làm hơn nhiều so với ngành nhiên liệu hóa thạch. Khi tiểu bang New York cam kết sẽ thay một nửa tổng số năng lượng bằng năng lượng tái tạo vào năm 2030 (tuy vẫn chưa đủ nhanh), ngay lập tức họ đã chứng kiến ​​sự gia tăng đột biến trong số việc-làm-mới được tạo ra.

Các bước tiến càng lúc càng tăng tốc của kế hoạch Green New Deal sẽ biến nó thành một cỗ máy tạo việc làm. Ngay cả khi không có sự hỗ trợ của chính phủ liên bang — thực sự, dù đã phải chịu sự phá hoại cố tình từ Nhà Trắng (dưới thời Tổng thống Trump) — nền kinh tế xanh đã tạo ra được nhiều việc làm hơn ngành dầu mỏ và khí đốt. Theo Báo cáo Việc làm và Năng lượng Hoa Kỳ (United States Energy and Employment Report - USEER) năm 2018, số công việc trong lĩnh vực hoạt dụng năng lượng gió, năng lượng mặt trời và các loại năng lượng sạch khác đã nhiều hơn gấp ba lần các công việc về nhiên liệu hóa thạch. Điều đó đang xảy ra do sự kết hợp những ưu đãi của các tiểu bang và thành phố, cùng với việc chi phí về năng lượng tái tạo đang giảm mạnh. Green New Deal sẽ đưa ngành công nghiệp năng lượng tái tạo bùng phát thành siêu sao mới, đồng thời đảm bảo những công việc mới có mức lương và phúc lợi tương đương với các công việc được cung cấp trong lĩnh vực dầu khí hóa thạch.

Không hề thiếu các kết quả điều nghiên hỗ trợ kết luận này. Chẳng hạn, một nghiên cứu năm 2019 về tác động đến việc làm của một chương trình kiểu Green New Deal ở tiểu bang Colorado đã cho thấy sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn là mất đi. Nghiên cứu này, được Khoa Kinh tế và Viện Nghiên cứu Kinh tế Chính trị tại Ðại học Massachusetts – Amherst công bố, đã xem xét những gì tiểu bang phải làm để đạt được mức giảm 50% lượng khí thải vào năm 2030. Kết quả cho thấy rằng khoảng 585 công việc ngoài cấp quản lý sẽ mất đi nhưng bù lại, với khoản đầu tư 14,5 tỷ USD mỗi năm vào năng lượng sạch, "Colorado sẽ tạo ra khoảng 100.000 việc làm mỗi năm trong tiểu bang."

Còn có rất nhiều nghiên cứu khác nữa với những phát hiện nổi bật tương tự. Một kế hoạch được U.S. BlueGreen Alliance - Liên minh BlueGreen Hoa Kỳ, một cơ quan tập hợp các công đoàn và các nhà bảo vệ môi trường, đã ước tính rằng khoản đầu tư hàng năm 40 tỷ USD vào phương tiện giao thông công cộng và đường sắt cao tốc trong vòng sáu năm, sẽ tạo ra hơn 3,7 triệu việc làm trong thời gian đó. Và theo một báo cáo của European Transport Workers Federation - Liên đoàn Công nhân Vận tải Âu châu, các chính sách toàn diện nhằm giảm 80% lượng khí thải trong lĩnh vực giao thông sẽ tạo ra 7 triệu việc làm mới trên khắp lục địa Âu châu, trong khi 5 triệu việc làm năng lượng sạch khác ở Châu Âu có thể làm giảm 90% lượng khí thải từ ngành điện lực.

2. Kinh phí cho Green New Deal sẽ tạo ra nền kinh tế công bình hơn

Như báo cáo của IPCC năm 2018 về việc giữ nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 1,5 °C đã nêu rõ, nếu chúng ta không thực thi những hành động cấp thiết để giảm lượng khí thải, thì thiệt hại sẽ lên đến mức số thiên văn. Ủy ban IPCC ước tính thiệt hại kinh tế của việc để nhiệt độ tăng thêm 2 °C (thay vì 1,5 °C) sẽ lên tới 69 nghìn tỷ USD trên toàn cầu.

Tất nhiên, việc triển khai Green New Deal cũng sẽ có chi phí lớn, và những người ủng hộ đã chỉ ra nhiều cách khác nhau để tài trợ cho kế hoạch này. Alexandria Ocasio-Cortez đã nói rằng phiên bản Green New Deal của Hoa Kỳ nên được tài trợ theo phương cách vẫn dùng cho tất cả các khoản chi tiêu khẩn cấp đã từng xảy ra trước đây: là Quốc hội Mỹ chỉ cần chấp thuận các khoản ngân sách, và được Treasury - Bộ Tài chính Mỹ bảo đảm hỗ trợ như biện pháp cuối cùng. Theo New Consensus, tổ chức tư vấn liên kết chặt chẽ với các đề xuất chính sách của Alexandria Ocasio-Cortez: "Green New Deal sẽ sản xuất hàng hóa và dịch vụ mới để bắt kịp và bù đắp các khoản chi tiêu mới, do đó không có lý do gì khác nữa để phải lo sợ khó khăn trong việc tài trợ có thể làm ngừng tiến độ của kế hoạch này, hơn là phải lo sợ khó khăn trong việc tài trợ sẽ làm ngừng tiến độ của chiến tranh hoặc giảm thuế."

Trong khi đó, phong trào "European Spring - Mùa Xuân Châu Âu" đề xuất một Green New Deal cho Châu Âu kêu gọi thực thi mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu để thu lại doanh thu thuế mà các đại công ty cỡ Apple hay Google trên thế giới hiện đang né tránh bằng các mánh khóe dàn xếp xuyên-quốc-gia. Đồng thời còn kêu gọi đảo ngược quan niệm chính thống về chính sách tiền tệ (monetary orthodoxy), cho phép đầu tư công cộng phát hành "trái phiếu xanh" được hỗ trợ bởi các ngân hàng trung ương. "Ðể giải quyết mối đe dọa hiện hữu thực sự mà chúng ta đang phải đối mặt ngày nay, chúng ta cần phải đảo ngược các chính sách kinh tế đã đưa chúng ta đến bờ vực thẳm này. Kiệm ước, thắt lưng buộc bụng có nghĩa là tuyệt chủng". Một số nhà phân tích, như Christian Parenti, đã nhấn mạnh rằng các chính phủ liên bang có thể thúc đẩy quá trình chuyển đổi bằng các chính sách thu mua hàng hóa.

Nói tóm lại, có đủ các phương cách để huy động tài chính, bao gồm cả những cách tấn công vào mức độ tập trung của cải không thể tiếp tục mãi được vào tay một số ít người, và chuyển gánh nặng lên vai những kẻ phải chịu trách nhiệm lớn nhất trong việc làm ô nhiễm khí hậu. Và không khó để tìm ra họ là ai. Chúng ta biết, nhờ vào nghiên cứu của Climate Accountability Institute - Viện Giải trình Khí hậu, rằng con số kinh khủng 71% tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính kể từ năm 1988 có thể truy ra nguồn gốc từ chỉ một trăm công ty và nhà nước khổng lồ về nhiên liệu hóa thạch, được mệnh danh là "Carbon Majors - Các tay tổ thải khí carbon".

Dựa trên sự thật này, có nhiều biện pháp "người gây ô nhiễm phải trả tiền" có thể được thực thi để đảm bảo rằng những kẻ chịu trách nhiệm nặng nhất về cuộc khủng hoảng này sẽ phải nỗ lực hết sức để yểm trợ thực hiện quá trình chuyển đổi — thông qua việc đóng tiền phạt thiệt hại pháp lý, thông qua tiền bản quyền cao hơn, và cắt giảm trợ cấp cho họ. Trợ cấp trực tiếp cho nhiên liệu hóa thạch trị giá lên đến 775 tỷ USD mỗi năm trên toàn cầu, gồm hơn 20 tỷ USD chỉ riêng ở Hoa Kỳ. Điều đầu tiên cần làm là các khoản trợ cấp này phải được chuyển sang đầu tư vào năng lượng tái tạo và hiệu năng cao.

Mà không chỉ các công ty nhiên liệu hóa thạch mới đặt lợi nhuận siêu hạng của mình lên trên sự an toàn của loài người trong hàng thập kỷ qua; các thiết chế tài chính, ngân hàng đã bảo lãnh các khoản đầu tư của các công ty đó cũng thế thôi, mặc dù vẫn thấu hiểu tường tận về các rủi ro khi làm như thế. Đó là lý do tại sao, ngoài việc loại bỏ trợ cấp nhiên liệu hóa thạch, các chính phủ còn phải đòi chia sẻ công bằng hơn nhiều nữa từ thu nhập khổng lồ của khu vực tài chính, ngân hàng bằng cách áp đặt thuế giao dịch, có thể thu được đến 650 tỷ USD trên toàn cầu, theo ước tính của Nghị viện châu Âu.

Và tiếp theo đó là quân đội. Nếu ngân sách quân sự của mười quốc gia hàng đầu về chi tiêu quân sự trên toàn cầu bị cắt giảm 25%, thì sẽ giải tỏa được hàng năm 325 tỷ USD, theo số liệu báo cáo của Stockholm International Peace Research Institute - Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, số tiền này có thể được chi cho việc chuyển đổi năng lượng và chuẩn bị cho cộng đồng thế giới ứng phó với thời tiết khắc nghiệt phía trước.

Trong khi đó, chỉ cần tăng thuế 1% lên các tỷ phú là sẽ có thể thu về 45 tỷ USD mỗi năm trên toàn cầu, theo Liên Hiệp Quốc, đấy là chưa kể số tiền sẽ còn thu lại được từ những nỗ lực quốc tế nhằm đóng cửa các thiên đường thuế cho các đại gia. Theo James S. Henry, cố vấn cấp cao của Tax Justice Network - Mạng lưới Tư pháp Thuế có trụ sở tại Anh, vào năm 2015, tài sản tài chính tư nhân của các cá nhân không được báo cáo tại các thiên đường thuế trên toàn cầu ước tính vào khoảng từ 24 nghìn tỷ đến 36 nghìn tỷ USD. Đóng cửa một số thiên đường đó sẽ giúp rất nhiều vào việc thực hiện quá trình chuyển đổi công nghiệp vô cùng cần thiết ngày nay.

3. Hoạt dụng sức mạnh của tình trạng khẩn cấp

Green New Deal không coi khủng hoảng khí hậu chỉ là một vấn đề trong bản liệt kê các ưu tiên xứng đáng để thực hiện. Mà đã hưởng ứng lời kêu gọi của Greta Thunberg là "hãy hành động như chính ngôi nhà của bạn đang bốc cháy. Bởi đang bốc cháy thật sự đấy." Quả thật là thời hạn mà khoa học đã chỉ ra cho việc thưc hiện chuyển đổi sâu rộng này quá ngắn, đến mức nếu các bước chuyển đổi căn bản không thực hiện được mỗi năm trong ba mươi năm tới, thì chúng ta sẽ đánh mất cơ hội nhỏ bé mà chúng ta còn có để ngăn chặn sự nung nóng toàn cầu thực sự thảm khốc. Đối ứng với một trường hợp khẩn cấp đúng mức với trường hợp khẩn cấp, có nghĩa là tất cả năng lượng mà chúng ta đang có, phải được vận dụng toàn lực vào hành động, thay vì chỉ để la hét về sự cần thiết phải hành động, là điều đang xảy ra ngay bây giờ.

Có khẩn cấp như vậy mới có thể giải phóng tất cả chúng ta khỏi tình trạng suy nhược vì phân vân lưỡng lự, vẫn thường có khi sống trong một văn-hóa-phủ-nhận- thực-tế của một cuộc khủng hoảng sâu sắc ở mức độ khủng khiếp. Green New Deal đặt tất cả chúng ta vào tình trạng khẩn cấp, điều đó tuy đáng kinh hãi cho một số người, nhưng lại khiến nhiều người khác nhẹ nhõm và quyết tâm, đặc biệt là đối với những người trẻ tuổi, sẽ là một nguồn năng lực mạnh mẽ.

4. Green New Deal không thể trì hoãn được

Một số người đã chỉ trích nghị quyết Green New Deal vì bảo rằng nước Mỹ phải loại bỏ nhiên liệu hóa thạch ngay chỉ trong một thập kỷ. Trong khi các nhà khoa học đã nói rằng thế giới cần phải đạt được mức phát thải thực chất 0 vào năm 2050, vậy tại sao lại phải vội vàng đến thế? Câu trả lời đầu tiên là "vì công lý": các quốc gia giàu có đã trở nên giàu như vậy bằng cách gây ô nhiễm không ai hạn chế được, vì vậy cần phải khử cacbon nhanh nhất, để các quốc gia nghèo hơn, đa số các nước này vẫn còn thiếu thốn ngay cả những điều kiện cơ bản về nước sạch và điện lực, có thể có được một quá trình chuyển đổi dần dần.

Và câu trả lời thứ hai là "vì chiến lược": thời hạn mười năm có nghĩa là không thể trì hoãn được nữa. Cho đến trước khi có kế hoạch Green New Deal, mọi phản ứng chính trị đối với cuộc khủng hoảng khí hậu đều cố đặt các mục tiêu tham vọng nhất ra thật xa cả nhiều thập kỷ trong tương lai, rất lâu sau khi các chính trị gia đưa ra những cam kết này rời khỏi nhiệm sở. Đã vậy, các nhiệm vụ mà các chính trị gia này giao cho chính họ lại tương đối dễ làm, chẳng hạn như đưa ra các kế hoạch hạn chế và thương lượng bù trừ thải khí CO2, hoặc ngừng hoạt động các nhà máy chạy than cũ và thay thế chúng bằng khí đốt thiên nhiên. Còn công việc khó khăn là đối mặt với toàn bộ mô hình kinh doanh của ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch thì họ để dành lại thật lâu về sau cho những người kế nhiệm!

Thỏa thuận thời gian chuyển tiếp mười năm không có nghĩa là mọi việc nhất định phải hoàn thành trong một thập kỷ. Nghị quyết đặt ra một thời hạn khá tham vọng nhưng vẫn nhắc nhở "trong phạm vi khả thi về mặt công nghệ, kỹ thuật."

Cơ bản là chúng ta không còn chơi trò đùn đẩy trách nhiệm nữa. Nhóm chính trị gia hiện tại đã đề xuất và ủng hộ Green New Deal cuối cùng muốn nói rằng: "Chúng ta là những người sẽ hoàn thành công việc. Chứ không phải ai khác".

Xét trên những thiệt hại mà cám dỗ trì hoãn đã gây ra cho hành tinh của chúng ta bao lâu nay, đó là một quyết tâm rất lớn.

5. Không sợ suy thoái kinh tế

Trong ba thập kỷ qua, một trong những trở ngại lớn nhất ngăn cản tiến bộ vững chãi trong hành động cho khí hậu là sự bất-an-định của thị trường. Trong những thời kỳ kinh tế tăng tiến, người ta thường sẵn lòng thực hiện vài chính sách môi trường, nghĩa là chịu trả nhiều hơn một chút cho khí đốt, điện và các sản phẩm "xanh". Thế nhưng cứ mỗi lần kinh tế rơi vào tình trạng suy thoái vất vả thì sự sẵn lòng này lại bốc hơi tiêu tan ngay một cách dễ hiểu.

Và đó có thể là lợi ích lớn nhất của việc mô-hình-hóa phương pháp tiếp cận khí hậu của chúng ta hiện nay theo mẫu New Deal của Franklin D. Roosevelt, phương sách kích thích kinh tế nổi tiếng nhất mọi thời đại, được thực hiện ngay bờ vực khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại. Khi nền kinh tế toàn cầu bước vào một cuộc suy thoái hoặc khủng hoảng khác, là điều chắc chắn sẽ phải xảy ra, thì sự hỗ trợ cho Green New Deal lần này vẫn sẽ không chìm xuồng như trường hợp của mọi sáng kiến ​​xanh lớn khác trong các cuộc suy thoái trước đây. Thay vào đó, sự hỗ trợ có thể được dự kiến ​​sẽ tăng lên, bởi vì một gói kích thích quy mô lớn có sức mạnh tạo ra được hàng triệu việc làm như thế sẽ trở thành hy vọng lớn nhất có thể giải quyết được nỗi khổ-nhọc kinh tế của mọi người.

6. Tránh được phản ứng phẫn nộ của dân chúng

Lệ thường khi các chính trị gia đưa ra những chính sách về khí hậu xa lánh hẳn dự tính chung của quần chúng về công bằng kinh tế, thì công chúng sẽ có phản ứng phẫn nộ trước sự bất công đó. Ví dụ, hãy nhìn xem nước Pháp dưới thời Emmanuel Macron, người bị các đối thủ chế nhạo là "tổng thống cho nhà giàu". Macron đã theo đuổi một chương trình hành động kiểu "thị trường tự do" cổ điển cho nước Pháp, giảm thuế cho các cá nhân và tập đoàn giàu có, rút bỏ các biện pháp bảo vệ người lao động đã khó khăn lắm mới giành được, khiến học sinh khó có được giáo dục đại học hơn - tất cả xảy ra ngay sau nhiều năm người dân đã phải thắt lưng buộc bụng dưới các chính quyền trước đó.

Chính trong bối cảnh đó, vào năm 2018, Macron đã đưa ra thuế nhiên liệu nhằm khiến việc dùng xe hơi đắt đỏ hơn lên, từ đó giảm mức tiêu thụ và nhân thể gây quỹ cho các chương trình khí hậu.

Thế nhưng thực tế đã không đạt được hiệu quả như vậy. Số đông những người lao động ở Pháp, vốn đang khổ sở vì áp lực kinh tế nặng nề từ các chính sách khác của Macron, đã coi phương cách đối đầu với khủng hoảng khí hậu dựa trên thị trường như thế này là đòn tấn công trực tiếp vào họ: Tại sao họ lại phải trả nhiều hơn nữa để lái xe đi làm, trong khi giới siêu giàu được tự do đổ nhiên liệu vào máy bay phản lực tư nhân để bay sang chơi ở các thiên đường thuế của chúng? Hàng vạn người đã xuống đường trong căm phẫn, lắm người mặc áo bảo hộ màu vàng (gọi là đám gilets jaunes) biến nhiều cuộc biểu tình thành bạo loạn toàn diện.

Nhiều gilets jaunes đã hô vang: "Chính phủ lo ngày tận thế. Chúng tôi lo mỗi cuối tháng." Trong tuyệt vọng cố gắng giành lại quyền kiểm soát đất nước, Macron đã phải rút bỏ thuế nhiên liệu và tăng mức lương tối thiểu, cùng với những nhượng bộ khác, đồng thời đàn áp tàn bạo phong trào phản kháng.

Một trong những điểm mạnh của cách tiếp cận Green New Deal là sẽ không tạo ra loại phản ứng phẫn nộ này. Không có chút gì trong khung-sườn hành động của Green New Deal buộc mọi người phải lựa chọn giữa việc lo đến ngày tận thế và lo đến ngày cuối tháng cả. Toàn bộ mục đích vẫn là thiết kế các chính sách cho phép tất cả chúng ta lo liệu cho cả hai; các chính sách giảm lượng khí thải đồng thời giảm áp lực kinh tế lên người lao động, bằng cách đảm bảo rằng mọi người đều có thể kiếm được việc làm tốt trong nền kinh tế mới; rằng họ có được các biện pháp an sinh xã hội cơ bản như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, nhà trẻ; và những công việc "xanh" đều tốt, nằm trong nghiệp đoàn, hỗ trợ gia đình với đầy đủ phúc lợi và thời gian nghỉ dưỡng. Chắc chắn sẽ phải chi trả cho việc giảm khí carbon, nhưng người lao động có cơ hội sống sót cao hơn nhiều, nếu họ không phải bám víu vào cuộc sống chỉ có thể bằng mấy đầu móng tay của họ.

7. Green New Deal tạo được một đội quân ủng hộ nhiệt thành

Từ khi được đề xuất đến nay, những lời chỉ trích thường xuyên nhất đối với Green New Deal là tập trung quá nhiều vào công bằng kinh tế và xã hội, khiến cho khó kêu gọi ủng hộ hành động về khí hậu hơn là cho loại kế hoạch hạn hẹp hơn chỉ nhắm vào việc giảm khí thải carbon mà thôi. Như Thomas Friedman đã viết trên báo New York Times rằng: "Tim tôi hướng về cây xanh. Nhưng đầu tôi bảo rằng không thể chuyển đổi cả hệ thống năng lượng và hệ thống kinh tế / xã hội của chúng ta trên quy mô lớn như thế cùng một lúc được. Chúng ta phải chọn ưu tiên năng lượng hay khí hậu. Bởi vì đối với môi trường, thì chậm trễ có nghĩa là quá muộn. Chậm trễ là chính thức kết thúc."

Lời nói đó giả định rằng thành phần kinh tế / xã hội trong Green New Deal là gánh nặng trì kéo toàn bộ kế hoạch này xuống. Trên thực tế, chính thành phần kinh tế / xã hội đó mới nâng lên hiệu quả của toàn bộ kế hoạch.

Không giống như những phương sách đùn đẩy chi phí chuyển đổi lên vai người lao động, Green New Deal chuyên chú đưa việc giảm ô nhiễm môi trường thành ưu tiên hàng đầu cho những giới lao động dễ bị thiệt hại nhất và những cộng đồng dễ bị gạt ra ngoài nhất. Cuộc diện sẽ thay đổi khi chúng ta có được các đại biểu trong Quốc hội đã từng trải qua các cuộc đấu tranh cho tầng lớp lao động để có công ăn việc làm đủ sống, cùng không khí và nước không độc hại, những đại biểu phụ nữ như Rashida Tlaib, người đã giúp tranh đấu thành công chống lại núi than cốc dầu hỏa độc hại của công ty Koch Industries ở Detroit.

Nếu là người thuộc tầng lớp thủ lợi trong nền kinh tế hiện tại và được tài trợ bởi tầng lớp còn thủ lợi nhiều hơn nữa, như rất nhiều chính trị gia ngày nay, thì họ chỉ cố gắng xây dựng luật khí hậu sao cho thay đổi chỉ ở mức tối thiểu, và càng ít ảnh hưởng đến hiện trạng càng tốt. Bởi lẽ hiện trạng này đang mang lại lợi nhuận tối đa cho họ và các nhà tài trợ của họ. Đó là loại kế sách đã thất bại, như kế hoạch hạn chế và thương lượng bù trừ thải khí CO2 đã thất bại ở Thượng viện dưới thời Tổng thống Obama, và đó cũng là loại kế sách đã đập ngược vào mặt Tổng thống Macron ở Pháp.

Ngược lại, các nhà lãnh đạo có gốc rễ từ các cộng đồng bị ngược đãi trầm trọng bởi hệ thống kinh tế xã hội hiện tại, thì được giải tỏa để thực hiện một phương sách khác hẳn. Các chính sách khí hậu của họ nhiệt thành bao gồm những chuyển đổi sâu sắc trong toàn hệ thống, bởi vì chuyển đổi sâu sắc chính là điều mà các cộng đồng cơ sở của họ cần có để phát triển.

Trong nhiều thập kỷ qua, rào cản lớn nhất để giành chiến thắng trong luật khí hậu là sự chênh lệch to lớn về quyền lực. Lực phản đối từ các công ty nhiên liệu hóa thạch đã rất là hung hãn, sáng tạo và kiên cường. Nhưng đến khi các loại chính sách khí hậu dựa trên thị trường vốn yếu kém và rất thường là bất công, được đưa vào chương trình nghị sự chính trị, thì sự ủng hộ có cố gắng lắm cũng chẳng còn được bao nhiêu.

Trái lại, Green New Deal đã cho thấy sức mạnh có thể huy động được một phong trào quần chúng thực sự kết hợp được nhiều thành phần xã hội, không bị người ta lánh xa vì tính cách bao trùm sâu rộng đến như tham vọng của giải pháp, mà chính thật có hiệu quả lại là nhờ vào tính cách bao trùm sâu rộng ấy. Đúng như các tổ chức công bằng khí hậu đã lập luận trong nhiều năm nay, một khi các cộng đồng sẽ thu hoạch được nhiều lợi ích nhất từ ​​việc chuyển đổi, mà dẫn đầu phong trào, thì họ sẽ chiến đấu tận lực để giành chiến thắng.

8. Green New Deal sẽ tập hợp được nhiều đồng minh và cắt cụt phái bảo thủ khuynh hữu

Một trong những điểm bị đả kích kịch liệt của Green New Deal là: do việc liên kết hành động khí hậu với nhiều mục tiêu của các chính sách cấp tiến khác, phái bảo thủ sẽ tin tưởng hơn rằng: sự kiện nung nóng toàn cầu là một âm mưu lén đẩy vào chủ nghĩa xã hội, và vì vậy phân cực chính trị sẽ càng ngày càng sâu sắc.

Không còn gì để nghi ngờ chuyện các đảng viên Cộng hòa ở Washington sẽ tiếp tục tuyên truyền rằng Green New Deal chỉ là một cách thức để biến Hoa Kỳ thành Venezuela xã hội chủ nghĩa! Tất cả chúng ta đều có thể chắc chắn là họ sẽ tuyên truyền như thế. Nhưng đừng quá lo lắng mà bỏ qua một trong những lợi ích lớn nhất của việc đối phó với tình trạng khẩn cấp về khí hậu như một dự án tái tạo đất và cơ sở hạ tầng rộng lớn; bởi không có gì hàn gắn được những chia rẽ về ý-thức-hệ nhanh chóng cho bằng một dự án cụ thể mang lại việc làm và tài nguyên cho các cộng đồng đang bị thiệt hại.

Một người hiểu rõ điều này là Tổng thống Franklin D. Roosevelt. Chẳng hạn, khi ông triển khai mạng lưới các trại công tác của Civilian Conservation Corps - Quân đoàn Bảo tồn Dân sự, ông đã cố ý tập hợp nhiều người trong số họ trong các vùng nông thôn đã bỏ phiếu chống ông trong kỳ bầu cử tổng thống. Bốn năm sau, khi các cộng đồng đó đã trải nghiệm những lợi ích của New Deal - Thỏa thuận Mới cho chính bản thân, thì họ ít bị cám dỗ hơn trước, khi đảng Cộng hòa đe dọa họ về nguy cơ một đảng xã hội chủ nghĩa chiếm chính quyền, và do vậy nhiều người đã bỏ phiếu cho đảng Dân chủ.

Chúng ta có thể mong đợi một đợt triển khai trên quy mô lớn các công trình cơ sở hạ tầng xanh và cải tạo đất, tạo ra việc làm, sẽ có được tác dụng tương tự như thế ngày nay. Một số người vẫn sẽ tin rằng chuyện biến đổi khí hậu chỉ là một trò lừa bịp, nhưng nếu đó là một trò lừa bịp mà lại tạo ra được công ăn việc làm tốt và khử độc cho môi trường, đặc biệt là ở những vùng mà đề án thay thế để phát triển kinh tế duy nhất chỉ là một nhà tù siêu hạng, thì có sao đâu nào?

9. Chúng ta sinh ra cho thời điểm này đây

Cho đến nay, trở ngại lớn nhất mà chúng ta phải đối đầu là sự vô vọng, cảm giác rằng tất cả đã quá muộn, chúng ta đã trì hoãn quá lâu, và chúng ta sẽ không bao giờ hoàn thành được trong một thời gian ngắn như vậy.

Và sẽ đúng như thế thật, nếu quá trình chuyển đổi phải bắt đầu từ số không. Nhưng sự thật thì đã có hàng vạn người và rất nhiều tổ chức, đã không ngừng chuẩn bị cho một bước đột phá theo phương thức Green New Deal này rồi trong nhiều thập kỷ qua (hoặc hàng thế kỷ qua, trong trường hợp của các cộng đồng người bản địa đã và đang bảo vệ lối sống truyền thống của họ). Các lực lượng này đã và đang âm thầm xây dựng các mô hình địa phương, và thử nghiệm thực tế các chính sách khả thi, đặt công lý làm trọng tâm trong kế hoạch đối ứng với khí hậu của chúng ta, trong cách bảo vệ rừng, tạo ra năng lượng có thể tái tạo, thiết kế phương tiện giao thông công cộng và nhiều thứ khác nữa.

"Xã hội là ai chứ?" Thủ tướng Anh lúc bấy giờ là Margaret Thatcher vào năm 1987 đã hỏi như thế, để biện minh cho những cuộc tấn công không ngừng của bà vào các dịch vụ an sinh xã hội. "Không có thứ gì như thế cả! Chỉ có những cá nhân phái nam, phái nữ và gia đình mà thôi!"

Quan điểm ảm đạm đó về nhân loại, rằng chúng ta không hơn gì một tập hợp của những cá nhân nguyên tử và gia đình hạch nhân, không thể cùng nhau làm được bất cứ điều gì có giá trị, ngoại trừ việc gây ra chiến tranh; quan điểm đó đã bóp nghẹt trí tưởng tượng của công chúng trong một thời gian rất dài. Vì vậy mà không có gì đáng ngạc nhiên khi rất nhiều người trong chúng ta tin rằng chúng ta không bao giờ có thể vượt qua được thách thức khí hậu.

Nhưng hơn ba mươi năm sau lời Margaret Thatcher, cũng rõ ràng chắc chắn như chuyện các sông băng đang tan chảy và các tảng băng đang vỡ lìa ra, hệ tư tưởng "thị trường tự do" đó cũng phân giải tiêu tán dần đi. Thay vào đó, một tầm nhìn mới về những gì nhân loại có thể trở thành đang xuất hiện. Từ đường phố, từ trường học, từ chỗ làm việc, và thậm chí từ bên trong các tòa nhà của chính phủ. Tầm nhìn đó nói lên rằng tất cả chúng ta, kết hợp lại, tạo nên cấu trúc của xã hội loài người.

Và khi tương lai sinh tồn của cả nhân loại bị đe dọa, thì không có gì chúng ta không thể đạt thành được.

Phạm Vũ Thịnh dịch
02 Feb 2021