Chim Việt Cành Nam
Trở về
Trang chủ
Tác giả
The Leap - Bước Nhảy Vọt 
(Green New Deal - Phiên bản Canada)

Naomi Klein
Phạm Vũ Thịnh dịch
Lời người dịch:

Tháng 9 năm 2019, tác gia, nhà hoạt động xã hội và môi trường Naomi Klein đã xuất bản cuốn "On Fire: The (Burning) Case for Green New Deal – Bùng cháy: Lý do nồng nhiệt ủng hộ Thỏa Thuận Mới Màu Xanh" tập hợp các bài tiểu luận tập trung vào hiểm họa biến đổi khí hậu và những hành động cấp bách cần thiết để cứu trái đất. Naomi Klein ủng hộ Nghị quyết Green New Deal trong suốt cuốn sách.

Naomi Klein là nhà báo đã đoạt được nhiều giải thưởng quốc tế, cộng tác với những tờ báo có uy tín toàn cầu như The New York Times, The Nation, The Guardian,... Thông tín viên cấp cao của báo mạng The Intercept. Tác giả của nhiều tác phẩm về xã hội, kinh tế và môi trường được hâm mộ nhất thế giới như The Shock Doctrine, No Logo, This Changes Everything, No Is Not Enough,... Khoa trưởng đầu tiên của phân khoa Media, Culture and Feminist Studies ở Ðại học Rutgers. Là nhà hoạt động nổi tiếng cho nữ quyền, công bằng xã hội và môi trường, bà đồng sáng lập The Leap, tổ chức tranh đấu cho Công lý về Khí hậu.

The Leap Manifesto, tuyên ngôn của Tổ chức The Leap, cho thấy rất nhiều điểm tương đồng với Green New Deal, có thể xem như một phiên bản Green New Deal của Canada được công bố trước phiên bản của Mỹ. Dưới đây là bản dịch phần giải thích của Naomi Klein về những điều đã được cân nhắc hay những mục tiêu của The Leap - Green New Deal.

Naomi Klein có quốc tịch Canada và cả thông hành Mỹ, song thân của bà là người Mỹ đã di dân sang Canada vì phản đối chiến tranh Việt Nam.

Tác gia, chuyên gia về năng lượng và môi trường Jeff Goodell viết: "Giá mà tôi giàu có, thì tôi mua 245 triệu cuốn sách On Fire của Naomi Klein chuyển đến tận tay mỗi cử tri ở Mỹ."

*

...Tôi muốn chia sẻ một số suy ngẫm về một nỗ lực tập thể trình bày lại trái ngược hẳn với một số lời thuyết giải (narratives) đã có ảnh hưởng rất mạnh trên toàn quốc (Canada) ở ngay trọng tâm của cuộc khủng hoảng sinh thái toàn cầu. Đó là một dự án mà tôi đã tham gia mang tên là "The Leap Manifesto -Tuyên ngôn Bước Nhảy Vọt". Nhiều người trong quý vị đã biết về dự án đó. Và tôi biết một số bạn đã ký nhận tham gia. Nhưng câu chuyện đằng sau Bước Nhảy Vọt thì không được nhiều người biết đến.

The Leap - Bước Nhảy Vọt phát khởi từ một cuộc họp được tổ chức tại Toronto vào tháng 5 năm 2015, với sự tham dự của 60 nhà tổ chức vận động và nhà lý thuyết, từ khắp nơi trong nước (Canada), đại diện cho mảng giao thoa giữa các phong trào: lao động, khí hậu, tín ngưỡng, cộng đồng bản địa, di dân, phụ nữ, chống nghèo đói, chống giam cầm, đòi công lý lương thực, quyền có nhà ở, tự do đi lại, và công nghệ xanh. Chất xúc tác cho việc tụ họp đó là sự sụt giảm đột biến của giá dầu đã gây ra những đợt sóng sốc nặng sâu rộng trong nền kinh tế của chúng ta vốn phụ thuộc vào thu hoạch từ việc xuất khẩu dầu giá cao. Trọng tâm của cuộc họp là làm thế nào chúng ta có thể khai thác cú sốc kinh tế đó, đã cho thấy một cách sống động nguy cơ treo vận may của chúng ta vào các nguồn tài nguyên thô dễ bay hơi tiêu tán mất, để bắt đầu chuyển đổi nhanh chóng sang một nền kinh tế dựa trên năng lượng tái tạo. Từ lâu, chúng ta đã được dạy rằng: phải lựa chọn giữa môi trường lành mạnh hay nền kinh tế hùng mạnh; thế mà khi giá dầu sụp đổ, chúng ta rốt cuộc đã mất cả hai. Có vẻ như đấy là thời điểm thật tốt để đề xuất một mô hình hoàn toàn khác từ căn bản.

Vào thời điểm chúng tôi tụ họp, một chiến dịch bầu cử liên bang cũng đang diễn ra, và rõ ràng là không có đảng lớn nào sẽ vận động trên nền tảng chuyển đổi nhanh chóng sang một nền kinh tế hậu-carbon. Cả Đảng Tự do (Liberals) và Đảng Dân chủ Mới (New Democratic Party - NDP), lúc đó đang cạnh tranh với nhau để lật đổ Đảng Bảo thủ (Conservatives) đang cầm quyền, đều đã tuân theo thứ cẩm nang có sẵn lâu nay rằng phải trưng bày sự "nghiêm túc" và "thực dụng" của mình bằng cách chọn ít nhất một kế hoạch đường ống dẫn dầu lớn mới, và cổ vũ cho nó. Cũng đã có những hứa hẹn mơ hồ được đưa ra về hành động khí hậu nhưng chẳng có gì dựa trên khoa học, và chẳng có gì thể hiện sự chuyển đổi sang một nền kinh tế xanh như một cơ hội để tạo ra hàng trăm nghìn việc làm tốt cho những người đang cần chúng nhất.

Vì vậy, chúng tôi đã quyết định can thiệp vào cuộc tranh luận để vạch ra một cương lãnh nền tảng của quần chúng, thứ mà chúng tôi ao ước có thể bỏ phiếu ủng hộ, mà hiện chưa được ai đưa ra. Và khi chúng tôi ngồi vòng tròn trong hai ngày và nhìn thẳng vào mắt nhau, chúng tôi nhận thức được rằng đây là lãnh vực mới cho các phong trào xã hội đương đại. Trước đây, tất cả, hoặc hầu hết chúng tôi, đều đã là thành phần của các liên minh rộng lớn phản đối chương trình chính trị bắt dân chúng phải thắt lưng buộc bụng của một chính trị gia nào đấy không được nhiều người ủng hộ, hoặc đã cùng nhau chống lại một thỏa thuận thương mại không đáng mong muốn hoặc một cuộc chiến tranh bất hợp pháp.

Nhưng đấy là những liên minh nói "không" (để phản đối), còn lần này chúng tôi muốn thử nghiệm một điều gì đó khác biệt, đó là một liên minh nói "" (để ủng hộ). Có nghĩa là chúng tôi cần tạo ra một không gian để thực hiện điều mà chúng tôi chưa bao giờ làm, đó là cùng nhau mơ về thế giới mà chúng tôi thực sự mong muốn.

Đôi khi tôi được gọi là tác giả của The Leap Manifesto - Tuyên ngôn Bước Nhảy Vọt, nhưng không đúng thế đâu. Nhiệm vụ của tôi đã là lắng nghe và ghi nhận các chủ đề chung. Một trong những chủ đề rõ ràng nhất là sự cần thiết phải tách rời khỏi từ lời thuyết-giải lan truyền khắp nước mà nhiều người trong chúng tôi đã nghe mãi cho đến lớn, dựa trên một quyền gọi là thiêng liêng rằng chúng ta được quyền khai thác đến vô tận từ thế giới tự nhiên, như thể không có giới hạn nào cả, và chẳng có thứ gì gọi là điểm gãy đổ cả. Chúng tôi đã cảm nhận rằng điều cần làm là đặt lối thuyết-giải đó sang một bên, thay vào đó kể một câu chuyện khác dựa trên nghĩa vụ phải quan tâm chăm sóc đất, nước, không khí, và chăm sóc lẫn nhau.

Phần lớn là do sự đa dạng trong phòng họp, chúng tôi cũng ý thức rằng nếu chúng tôi muốn có một liên minh nói "" thực sự rộng rãi, thì không thể quay ngược trở lại với tầm nhìn hoài-cổ hoặc lạc hậu, khao khát ngây thơ trong trắng về một quốc gia thời kỳ 1970 đã chẳng bao giờ tôn trọng chủ quyền của người bản địa (Indigenous) và do đó đã dập tắt cả tiếng nói của rất nhiều cộng đồng da màu, đã đặt quá nhiều niềm tin vào một chính quyền tập trung và không bao giờ thực sự tính đến các giới hạn sinh thái.

Vì vậy, thay vì ngoảnh lại quá khứ, chúng tôi đã bắt đầu cương lãnh nền tảng của mình hướng tới nơi chúng tôi muốn kết thúc:

"Chúng ta có thể sống trong một quốc gia hoạt động hoàn toàn bằng năng lượng tái tạo, kết nối mọi nơi bằng giao thông công cộng tiện lợi, trong đó việc làm và cơ hội chuyển đổi được thiết kế nhằm xóa bỏ bất bình đẳng có tính hệ thống về chủng tộc và giới tính. Quan tâm chăm sóc lẫn nhau và quan tâm chăm sóc trái đất của chúng ta sẽ là những lĩnh vực phát triển nhanh mạnh nhất trong nền kinh tế. Càng nhiều người hơn có thể có công việc lương cao hơn với số giờ làm việc ít hơn, giúp chúng ta có đầy đủ thời gian để tận hưởng đời sống với những người thân yêu và phát triển trong các cộng đồng của chúng ta."

Cấu tưởng là trước hết hãy vẽ ra một bức tranh rõ ràng về mục đích chúng tôi muốn tiến đến, và sau đó đi sâu vào chi tiết về những gì cần thiết phải làm để đến được nơi đó. Nhưng trước khi đi vào những chi tiết này, tôi muốn quay lại chuyện thách thức từ những lời thuyết giải chính thức.

Có thể hình dung ra từ cái tên, The Leap - Bước Nhảy Vọt nói đến sự thay đổi to lớn và nhanh chóng. Đó là lý do tại sao chúng tôi chọn nó làm tiêu đề: Bởi vì chúng tôi biết rằng khi nói đến biến đổi khí hậu, chúng ta đã trì hoãn quá lâu rồi khiến cho vấn đề đã trở nên quá tồi tệ, đến mức những bước nhỏ, cho dù có đi đúng hướng đi nữa, vẫn sẽ đẩy chúng ta xuống hố sâu. Thế nhưng, bằng cách hoạch định dự án của chúng tôi như một sự chuyển đổi toàn diện, chứ không phải là sửa-chữa tiệm-tiến, chúng tôi cũng tự đặt mình vào một cuộc đụng đầu trực diện với lối thuyết giải được ôm ấp bao lâu nay bởi rất nhiều nhóm lợi ích nắm quyền lực ở đất nước này: rằng chúng ta là một dân tộc ôn hòa, ổn định trên hết. Trong một thế giới đầy rẫy những người nóng nảy, chúng ta luôn tự nhủ rằng mình không chia rẽ vì khác biệt, luôn luôn chọn con đường trung dung. Chúng ta không bao giờ cử động đột ngột, và chắc chắn không muốn có bước nhảy vọt nào cả.

Vâng, đó là lời thuyết giải rất thuận tai, và sự điều độ quả thật là một đức tính trong đủ loại trường hợp. Là một cách tiếp cận tốt, chẳng hạn trong chuyện uống rượu và chuyện ăn kem lạnh có thêm kẹo nóng bên trên. Vấn đề là, và cũng là lý do để chúng tôi chọn tiêu đề không mấy ôn hòa này một cách khá tỉnh táo, là: khi nói đến hiểm họa biến đổi khí hậu thì chủ nghĩa tiệm tiến và lập trường trung dung điều độ đó thực sự lại là một trở ngại to lớn. Bởi trớ trêu thay, chúng sẽ dẫn chúng ta đến một tương lai vô cùng khắc nghiệt, nóng sôi và tàn khốc vô độ. Khi chúng ta đã đi lệch hướng quá xa như hiện nay, những hành động vừa phải, điều độ sẽ không dẫn đến kết quả vừa phải, ôn hòa. Chúng dẫn đến những hậu quả cực đoan nguy hiểm.

Thật ra có lúc chúng ta cũng đã hành động quả quyết đấy chứ. Hội nghị liên chính phủ đầu tiên về khủng hoảng khí hậu và các quốc gia công nghiệp cần giảm lượng khí thải đã được tổ chức vào năm 1988. Chính Canada đã đăng cai tổ chức. Hội nghị đã diễn ra ngay ở chính thành phố này đây (Toronto), và đã đưa ra một số khuyến nghị tuyệt vời. Phải chi nếu chúng ta nghe theo các khuyến nghị ấy, nếu tất cả chúng ta đã bắt đầu cắt giảm lượng khí thải của các quốc gia ngay từ ba thập kỷ trước, thì ngày nay chúng ta có thể hành động tiếp tục một cách duyên dáng và khoan thai: gọt giũa bớt vết chân carbon của chúng ta, rút bớt dần chỉ vài phần trăm mỗi năm. Một kiểu từ bỏ dần dần rất vừa phải, từ từ, trung dung!

Nhưng chúng ta đã không làm theo các khuyến nghị ấy. Chúng ta, không chỉ đất nước Canada của chúng ta, mà hầu như tất cả các quốc gia giàu có hay đang phát triển nhanh, đã không làm theo đó. Trên thực tế, các chính phủ cứ họp nhau năm này qua năm khác để nói về việc giảm lượng khí thải, mặc cho lượng khí thải tăng lên đến hơn 40%. Tại Canada, chúng ta đã mở rộng thêm những biên giới nhiên liệu hóa thạch mới khổng lồ, và khai phát những kỹ thuật mới để đào khoan một số loại dầu có hàm lượng carbon cao nhất trên hành tinh. Chúng ta đã không giảm bớt các tác nhân gây ra hỗn loạn khí hậu; chúng ta lại càng tăng chúng lên gấp đôi. Như thế chẳng phải là vừa phải, mà thực sự là cực đoan quá khích.

Vì vậy, bây giờ vấn đề còn tồi tệ thêm nhiều nữa. Tồi tệ hơn nữa vì lượng khí thải đã bùng phát, đến nỗi chúng ta cần phải cắt giảm chúng sâu hơn nhiều để đưa chúng trở lại mức an toàn. Và tồi tệ hơn vì chúng ta không còn thời gian nữa, do đó chúng ta cần bắt đầu những đợt cắt giảm này ngay lập tức. Đó là những gì xảy ra khi chúng ta chơi trò đá lon dọc theo đuờng đi. Nay chúng ta đã đá đến cùng đường rồi!

Vì thế, bây giờ chúng ta thực sự phải hành động triệt để. Hành động cấp tốc và sâu rộng, đừng bận tâm rằng có thể xung đột sâu sắc như thế nào với những lời thuyết giải đầy vỗ về mà chúng ta thường tự nhủ về tâm hồn trung dung của mình. Cứ gọi theo tên gì chúng ta muốn: Green New Deal - Thỏa thuận mới màu xanh, Great Transition - Chuyển đổi Vĩ đại, Marshall Plan for Planet Earth - Kế hoạch Marshall cho Hành tinh Trái đất, ... Nhưng chớ nhầm: Đây không phải là một kế hoạch phụ trội bổ sung, một mục nữa trong danh sách lắm việc cần làm của chính phủ; và trái đất chẳng phải là một quan tâm đặc biệt gì đấy cần thỏa mãn. Loại chuyển biến cần thiết hiện nay sẽ chỉ xảy ra nếu được xem là một sứ mệnh văn-minh-hóa, ở đất nước chúng ta và trong mọi nền kinh tế lớn trên trái đất.

Một điều mà chúng tôi ý thức sâu sắc khi soạn thảo The Leap Manifesto - Tuyên ngôn Bước Nhảy Vọt là các tình trạng khẩn cấp rất dễ bị lạm dụng quyền lực, và cả những người tiến bộ cũng không miễn nhiễm với chuyện lạm dụng này, dù thế nào đi nữa. Đã có một lịch sử lâu dài và đau lòng về chuyện các nhà bảo vệ môi trường, dù ngấm ngầm hay thẳng thừng, đã gửi đi thông điệp rằng "Sứ mệnh của chúng ta thật lớn, thật cấp bách, và bao trùm tất cả mọi người mọi vật, nên phải được ưu tiên hơn tất cả mọi thứ và mọi người khác." Giữa các dòng chữ ấy là ý này: "Trước hết thì chúng ta sẽ cứu hành tinh này đã, rồi sau đó sẽ lo tính về chuyện nghèo đói, bạo lực của cảnh sát, kỳ thị giới tính và phân biệt chủng tộc."

Đó chính là một phương cách tuyệt vời để xây dựng một phong trào rất nhỏ, yếu và đồng nhất. Bởi vì thực tế thì nghèo đói, chiến tranh, kỳ thị chủng tộc và bạo lực tính dục đều là những mối đe dọa sự sinh tồn, nếu bạn và cộng đồng của bạn đang ở trong đích nhắm của kẻ phạm tội. Vì thế, được truyền cảm hứng từ phong trào công lý khí hậu đang phát triển trên khắp thế giới, chúng tôi đã thử nghiệm một phương cách khác. Chúng tôi quyết tâm rằng nếu muốn thay đổi tận gốc nền kinh tế của mình cho sạch hơn rất nhiều, ngay khi phải đối đầu với thảm họa khí hậu, thì chúng ta phải nắm bắt cơ hội này để đồng thời làm cho nền kinh tế trở nên công bằng hơn rất nhiều, trên tất cả các mặt trận khác nhau. Như thế, sẽ không ai bị buộc phải lựa chọn xem mối đe dọa hiện hữu nào mới là quan trọng nhất đối với họ. Tôi xin đưa ra một vài ví dụ nhanh gọn sau đây.

Không có gì đáng ngạc nhiên, trong một tư liệu tập trung vào khí hậu, chúng tôi đã kêu gọi đầu tư thật nhiều vào cơ sở hạ tầng xanh, gồm các năng lượng tái tạo, hiệu năng sử dụng, giao thông vận chuyển, và đường sắt cao tốc. Tất cả hướng đến việc đạt thành một nền kinh tế tái tạo 100% vào giữa thế kỷ 21, và 100% năng lượng tái tạo trước đó nhiều nữa. Chúng tôi biết rằng tất cả những điều này sẽ tạo ra một lượng lớn việc làm: đầu tư vào những lĩnh vực này tạo ra nhiều việc làm gấp sáu đến tám lần hơn so với đầu tư cùng số tiền đó vào dầu khí. Vì vậy, chúng tôi kêu gọi dùng quỹ công để đào tạo lại những người lao động đang phải đối mặt với nguy cơ mất việc làm trong các lĩnh vực đào khoan mỏ, để họ sẵn sàng làm việc trong nền kinh tế thay thế; và các nghiệp đoàn có mặt quanh bàn họp bảo chúng tôi rằng điều quan trọng là người lao động phải được tham gia một cách dân chủ vào việc thiết kế các chương trình đào tạo lại đó. Như thế, đấy là tất cả những gì cần có trong cương lãnh nền tảng: chính là các nguyên tắc cơ bản của một chương trình chuyển đổi dựa trên công lý.

Nhưng chúng tôi còn muốn hơn thế nữa. Khi nói về "công việc xanh", cụm từ mà chúng tôi rất hay nhắc đến, hầu hết chúng tôi đều hình dung ra cảnh một người lao động đội chiếc mũ an toàn cứng đang dựng lên một tấm pin năng lượng mặt trời. Chắc hẳn đấy là một loại công việc xanh, và chúng ta cần rất nhiều công việc xanh đó. Tuy nhiên còn có rất nhiều công việc khác nữa vốn đã có hàm lượng carbon thấp. Ví dụ, chăm sóc người già cả và bệnh tật, là loại công việc không đốt nhiều carbon. Lao động nghệ thuật không đốt nhiều carbon. Dạy học trò là việc làm ít carbon. Chăm sóc nhà trẻ là việc làm ít carbon. Vậy mà, các loại công việc này, phần lớn là do phụ nữ đảm nhận, lại thường bị đánh giá thấp, trả lương thấp và rất thường là mục tiêu bị cắt giảm của chính phủ. Vì vậy, chúng tôi quyết định cố ý mở rộng định nghĩa thông thường về công việc xanh bao gồm bất cứ việc làm nào hữu ích và làm giàu cho đời sống cộng đồng chúng ta mà không đốt nhiều nhiên liệu hóa thạch. Như một người tham gia cuộc họp đã nói: "Điều dưỡng là năng lượng tái tạo. Giáo dục là năng lượng tái tạo". Hơn nữa, loại công việc này làm cho các cộng đồng của chúng ta mạnh mẽ hơn, nhân đạo hơn, và do đó, có khả năng điều chỉnh hướng tiến tốt hơn, trước những cú sốc sắp sửa xảy đến với chúng ta vì hiểm họa biến đổi khí hậu.

Một mảng quan trọng khác trong The Leap Manifesto là khái niệm "energy democracy - dân chủ về năng lượng", rằng năng lượng tái tạo, bất cứ lúc nào khả thi, nên thuộc quyền sở hữu công cộng hoặc sở hữu cộng đồng, và được kiểm soát sao cho lợi nhuận và lợi ích từ các ngành công nghiệp mới sẽ ít bị tập trung (vào tay một số ít người), không như tình trạng thời nhiên liệu hóa thạch. Chúng tôi được truyền hứng khởi từ thành quả chuyển đổi năng lượng của nước Đức, nơi đã chứng kiến ​​hàng trăm thành phố và thị trấn giành lại được quyền kiểm soát mạng lưới năng lượng từ các công ty tư nhân, cùng với sự bùng nổ của các hợp tác xã năng lượng xanh, nơi lợi nhuận từ sản xuất điện được giữ lại trong cộng đồng để chi trả cho những dịch vụ thiết yếu.

Tuy nhiên, chúng tôi quyết định rằng cần phải đạt được nhiều hơn là "dân chủ về năng lượng" nữa, rằng cũng cần thêm "energy justice - công lý năng lượng", thậm chí cả "energy reparations - đền bù năng lượng" nữa. Bởi vì cách thức sản xuất năng lượng và cách các ngành công nghiệp bẩn khác phát triển trong vài thế kỷ qua, đã ép buộc các cộng đồng nghèo nhất phải gánh chịu phần lớn gánh nặng môi trường thậm bất công trong khi họ thu thập quá ít lợi ích kinh tế. Đó là lý do tại sao The Leap tuyên bố rằng: "Các cộng đồng người bản địa, và những người khác bị đặt ở tuyến đầu của hoạt động công nghiệp gây ô nhiễm, phải là những người đầu tiên nhận được hỗ trợ của quỹ công cho các dự án năng lượng sạch của chính họ".

Nhiều người nhận thấy những kết nối này gây khó khăn. Họ bảo rằng việc giảm lượng khí thải đã đủ khó khăn rồi, tại sao lại phải gánh nặng thêm nữa bằng chuyện cố khắc phục cả nhiều thứ khác cùng lúc? Câu trả lời của chúng tôi là nếu chúng ta sẽ sửa chữa mối quan hệ của chúng ta với đất đai bằng cách chuyển đổi ra khỏi việc khai thác tài nguyên đến vô tận, thì tại sao chúng ta lại không bắt đầu sửa chữa luôn mối quan hệ của chúng ta giữa người và người với nhau trong quá trình này? Đã bao lâu nay, chúng ta đã thấy người ta đưa ra các chính sách riêng lẻ cắt rời các khủng hoảng sinh thái ra khỏi các hệ thống kinh tế và xã hội đang làm cho các khủng hoảng sinh thái ấy nguy kịch thêm. Đấy chính là mô hình đã thất bại. Trái lại, mô hình chuyển đổi toàn diện thì chưa bao giờ được thử nghiệm trên quy mô quốc gia.

Xin đưa ra một vi dụ khác nữa. The Leap nhận thấy rõ ràng vai trò mà các chính sách đối ngoại của chính phủ chúng ta đã và đang tiếp tục phát huy, trong việc thúc đẩy người ta rời bỏ nhà cửa mà xin tị nạn ở các quốc gia khác. Một số bị thúc đẩy bởi các tác động kinh tế cơ cực nghiêm trọng của các thỏa thuận thương mại mà chính phủ của chúng ta hỗ trợ, một số do (ô nhiễm ở) các mỏ mà các công ty của chúng ta đã khai thác. Một số khác bị thúc đẩy bởi các cuộc chiến tranh mà chính phủ của chúng ta đã ủng hộ quân đội hay tiền bạc.

Tất cả những điều này: các thỏa thuận thương mại, chiến tranh, hầm mỏ, là những yếu tố chính góp phần làm tăng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu, và hiện nay chính biến đổi khí hậu cũng đang buộc người ta phải rời bỏ nhà cửa. Đó là lý do tại sao chúng tôi quyết định xem xét lại quyền của người di cư tị nạn như một vấn đề công lý khí hậu. Chúng tôi đã tuyên bố rõ ràng rằng chúng ta cần phải mở các cửa biên giới của mình cho nhiều người di cư và tị nạn hơn nữa, và tất cả người lao động, bất kể tình trạng nhập cư như thế nào, đều phải có đầy đủ quyền lao động và bảo vệ lao động. Chúng ta cần làm điều này không phải vì lòng bác ái hay để thể hiện lòng tốt trong trái tim mình, mà bởi vì biến đổi khí hậu, trong tính chất phức tạp toàn cầu của nó, dạy cho chúng ta rằng số phận của tất cả chúng ta luôn luôn liên kết với nhau. Nền tảng dưới cùng vẫn là: chúng ta muốn trở thành loại người như thế nào, khi tác động của hành động tập thể của chúng ta trên toàn bộ loài người không còn có thể phủ nhận được nữa. Đó là vấn nạn cả về đạo đức và tinh thần, chứ không chỉ là vấn nạn về kinh tế và chính trị mà thôi.

Chúng tôi biết rằng trở ngại lớn nhất mà cương lãnh nền tảng của chúng tôi sẽ phải đối mặt là sức mạnh của luận lý kiệm ước thắt lưng buộc bụng, là thứ thông điệp mà tất cả chúng ta đều nhận được trong nhiều thập kỷ nay, rằng các chính phủ gần như phá sản thường trực, thế thì tại sao lại cứ mất công mơ ước về một xã hội thực sự công bằng? Với nhận thức như thế, chúng tôi đã làm việc chặt chẽ với một nhóm các nhà kinh tế để đề ra được một tư liệu song hành phản biện cho thấy chính xác cách thức chúng tôi sẽ làm để có đủ doanh thu chi trả cho kế hoạch của mình.

Trước khi công bố cương lãnh nền tảng này, chúng tôi đã tiếp cận nhiều tổ chức và cá nhân có tiếng tăm. Và người này tiếp người khác đã đồng ý với chúng tôi. Đây đúng là lòai người mà chúng ta muốn trở thành. Hãy cùng nhau thúc đẩy các chính trị gia của chúng ta. Hãy vứt bỏ lối suy nghĩ thận trọng của người Canada. Các nhân vật biểu tượng quốc gia đã đứng lên cùng chúng tôi không chút do dự đã có cả Neil Young, Leonard Cohen. Tiểu thuyết gia Yann Martel đã hồi đáp rằng cần phải "thét lên từ những mái nhà." The Leap Manifesto đã là một văn kiện hiếm hoi đã có thể được ký bởi Greenpeace, bởi người đứng đầu Canadian Labour Congress - Hội đồng Lao động Canada, và những trưởng lão bản địa như người phát ngôn nổi tiếng của sắc dân Haida, và nhà điêu khắc bậc thầy Gujaaw. Tổng số trên hai trăm tổ chức.

Phạm Vũ Thịnh dịch
15 Feb 2021