Chim Việt Cành Nam
Trở về
Trang chủ
Tác giả
 

What Can I Do? 
Phụ lục A:Nhập môn Tìm hiểu
Tình trạng Khẩn cấp về Khí hậu

Annie Leonard
Phạm Vũ Thịnh dịch
Lời người dịch:

Sau chương cuối của cuốn sách "What Can I Do? My Path from Climate Despair to ActionTôi có thể làm được gì? Con đường dẫn tôi từ Tuyệt vọng đến Hành động vì Biến đổi Khí hậu", tác giả Jane Fonda có thêm Phụ lục A sau đây, do Annie Leonard soạn thảo.

Annie LeonardExecutive Director - Giám đốc Điều hành của Greenpeace USA từ năm 2014. Bà sinh năm 1964, là nhà hoạt động cho môi sinh bền vững, phê phán chủ nghĩa tiêu thụ - consumerism, năm 2007 đã sáng tác và giải thuyết "The Story of Stuff", bộ phim tài liệu minh họa vòng sinh diệt của sản phẩm vật chất trong lối sống của "người tiêu thụ" tức là mọi người hiện đại. Sau đó, bà đã xuất bản cuốn sách dựa trên bộ phim ấy, và tiếp tục cho ra loạt phim về "người tiêu thụ": The Story of Cap and Trade, The Story of Bottled Water, The Story of Cosmetics, The Story of Electronics, The Story of Citizens United v. FEC, The Story of Broke, The Story of Change, The Story of Solutions.

*

"Tôi đã nhờ Annie Leonard viết chương này, mà tôi nghĩ sẽ giúp chúng ta hiểu được khía cạnh khoa học của khủng hoảng khí hậu và các giải pháp cần thiết khẩn cấp". Jane Fonda

Một mặt, các nguyên nhân và giải pháp đối với biến đổi khí hậu rất phức tạp, nhưng ở mặt khác, vấn đề lại khá đơn giản: Chúng ta cần phải ngăn chặn hiểm họa và thúc tiến các giải pháp. Và chúng ta cần phải làm một cách quả cảm và quyết liệt vì chúng ta không còn nhiều thời gian.

Trung tâm của vấn đề là lượng khí thải carbon dioxide (CO2) tích tụ trong bầu khí quyển của trái đất, nhốt giữ nhiệt và từ từ làm tăng nhiệt độ toàn cầu. Lượng khí thải CO2 này chủ yếu đến từ việc đốt các nhiên liệu hóa thạch: than đá, dầu mỏ và khí đốt. Những thứ khác, như những thay đổi trong mô hình sử dụng đất, nạn phá rừng và lượng khí mê-tan thải ra từ lớp băng lưu cửu tan chảy ở Bắc Cực, và tai hại ai cũng biết về hơi ợ của trâu bò, cũng góp phần vào biến đổi khí hậu, tuy nhiên nguyên nhân lớn hơn cả vẫn là khí thải CO2 do đốt nhiên liệu hóa thạch.

Các nhà khoa học liên tục theo dõi nồng độ CO2 trong khí quyển và có thể tính ra được mức khí thải CO2 từ quá khứ xa xôi, thông qua các phương pháp như lấy mẫu bong bóng khí bị mắc kẹt trong băng hà. Họ đo nồng độ CO2 bằng "parts per million" - phần triệu, viết tắt là ppm. Trước cuộc Cách mạng Công nghiệp vào giữa thế kỷ 18, nồng độ CO2 trong khí quyển toàn cầu dao động trên dưới 280 ppm. Kể từ cuộc Cách mạng Công nghiệp, mức CO2 đã tăng đều đặn, và gần đây đã đạt mức 415 ppm. Chúng ta đơn giản là chẳng biết thế giới với mức CO2 là 415 ppm này có ý nghĩa gì đối với mình, bởi vì chúng ta, như một loài sinh vật, chưa hề có kinh nghiệm sống trong điều kiện này.

Các nhà khoa học đã xác định mức 350 ppm CO2 là ngưỡng duy trì một hành tinh ổn định để xã hội loài người phát triển (do đó mới có tổ chức khí hậu có tên là 350.org do Bill McKibben đồng sáng lập). Đó là mục tiêu của chúng ta: mức 350 ppm. Nhưng chúng ta đang đi sai hướng, với lượng khí thải CO2 đang còn tăng thêm.

Hình 1: Khí thải CO2 từ các nguồn dự trữ nhiên liệu hóa thạch đã được khai phát, so với ngân sách carbon (tính đến tháng 1 năm 2018) trong phạm vi các Mục tiêu 1,5 độ C và 2 độ C trong Hiệp ước Khí hậu Paris.

Nguồn: Oil Change International (OCI) 2019; phân tích dữ liệu từ Rystad Energy, International Energy Agency - Cơ quan Năng lượng Quốc tế, World Energy Council - Hội đồng Năng lượng Thế giới, và Intergovernmental Panel on Climate Change - Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu. Theo luận văn của Kelly Trout và Lorne Stockman, "Đào khoan về phía thảm họa: Tại sao mở rộng việc đào khoan dầu khí của nước Mỹ không phù hợp với các giới hạn khí hậu", trên báo Oil Change International, số tháng 1 năm 2019, http://priceofoil.org/2019/01/16/report-drilling-towards-disaster.

Các nhà khoa học khí hậu thường so sánh nhiệt độ toàn cầu hiện tại với nhiệt độ trung bình trước Cách mạng Công nghiệp. Trên toàn cầu, các nhà khoa học đã kêu gọi hạn chế tăng nhiệt độ toàn cầu lên đến mức 1,5 độ C. Một phẩy năm độ C! Thì có gì quan trọng lắm không? Trước tiên, nên hiểu rằng 1,5 độ C tương đương với 2,7 độ F. Điều đó nghe có vẻ không quá thảm hại. Nhưng xin nhớ cho: ngưỡng 1,5 độ C đó chỉ là con số trung bình. Không có nghĩa là mọi nơi trên trái đất đều nóng lên thêm 1,5 độ; mà chỉ có nghĩa là một số nơi trở nên nóng hơn mức đó rất nhiều, làm cho băng tan ở các cực, dẫn đến mực nước biển dâng cao trên khắp thế giới, hàng triệu người phải di cư, đất nông nghiệp biến thành sa mạc, và nhiều thay đổi lớn nhỏ khác nữa đối với hành tinh quen thuộc của chúng ta.

Cho đến nay, mức tăng nhiệt độ toàn cầu chỉ mới khoảng 1 độ C. Mà đã mang đến những gia tăng tàn hại về thời tiết khắc nghiệt, cháy rừng, hạn hán, diệt chủng của các loài, quấy đảo trong hành vi của động vật, và tất cả các biến đổi khác trong lề lối hoạt động của trái đất.

Điều bi thảm là nhiều quốc gia và dân tộc bị ảnh hưởng tai hại nhiều nhất bởi những biến đổi này lại cũng là những nước góp phần ít nhất vào việc thải lượng CO2 đó vào khí quyển chung. Vì lý do này, những người trong chúng ta ở các nước công nghiệp phát triển mạnh như nước Mỹ được hưởng lợi vật chất từ ​​tất cả những khai phát và sử dụng nhiên liệu hóa thạch, phải có trách nhiệm nặng nề hơn trong việc giải quyết vấn đề và giúp đỡ những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất - bởi vì chúng ta có thể làm được.

Bởi vậy, đây là chuyện nghiêm trọng. Chứng minh khoa học đã rõ ràng rồi. Chúng ta biết vấn đề là gì và chúng ta biết mình cần phải làm gì. Và điều tốt đẹp là chúng ta có thể thay đổi được!

Hình 2: Các quốc gia hàng đầu theo mức tăng sản lượng dầu và khí đốt cho đến năm 2030 tính từ mức cơ sở năm 2017.

Nguồn: Báo cáo của Oil Change International (OCI) năm 2019; dùng dữ liệu từ Rystad Energy. Theo luận văn của Kelly Trout và Lorne Stockman, "Đào khoan về phía thảm họa: Tại sao mở rộng việc đào khoan dầu khí của nước Mỹ không phù hợp với các giới hạn khí hậu", trên báo Oil Change International, số tháng 1 năm 2019, http://priceofoil.org/2019/01/16/report-drilling-towards-disaster.

Năm 2018, IPCC - Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu của Liên hiệp quốc, các nhà khoa học hàng đầu về khí hậu trên thế giới, đã công bố một báo cáo đề xuất những điều cần thiết để tránh những tác động tệ hại nhất đến khí hậu toàn cầu. Đại ý là chúng ta phải giảm lượng khí thải CO2 do con người gây ra khoảng một nửa so với mức năm 2010 vào năm 2030, và sau đó tiếp tục giảm xuống 0 vào năm 2050. Bởi vì đốt nhiên liệu hóa thạch là yếu tố góp phần lớn nhất vào lượng khí thải CO2 do con người gây ra, kết quả nghiên cứu của IPCC trên thực tế có nghĩa là chúng ta phải giảm khoảng 50% nhiên liệu hóa thạch vào năm 2030 và sau đó tiếp tục giảm thêm nữa.

Chúng ta đã có sẵn nhiên liệu hóa thạch nhiều hơn mức chúng ta có thể đốt cháy an toàn.

Đó là lý do tại sao cuộc vận động "Fire Drill Fridays – Diễn tập Chữa lửa mỗi Thứ sáu" đang kêu gọi ngừng tức khắc việc khai phát nhiên liệu hóa thạch mới. Mỗi một dự án, giấy phép, máy bơm và đường ống dẫn nhiên liệu hóa thạch mới sẽ khiến thách thức trước mắt chúng ta càng khó khăn thêm. Mà thực ra là đã khó khăn lắm rồi. Bước đầu tiên là phải ngừng ngay để đừng làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn, giúp cho chúng ta có đủ thời gian để cải thiện tình hình.

Hoa Kỳ là trung tâm khuyếch trương ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch toàn cầu.

Ngừng thải khí CO2 từ nhiên liệu hóa thạch mới là chìa khóa giải quyết, nhưng chúng ta cũng cần phải đầu tư vào các giải pháp lớn, táo bạo, tăng cường khả năng cung cấp năng lượng sạch và an toàn để thay thế, cũng như nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng để dùng ít năng lượng hơn. Chúng ta cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng quy mô lớn cho giao thông công cộng, xe chạy bằng điện và những cộng đồng sinh sống thích ứng với khí hậu. Và phải bảo vệ đại dương và rừng, cũng như áp dụng các phương pháp tái sinh nông nghiệp - tất cả những việc đó sẽ giúp giảm thiểu thiệt hại vì biến đổi khí hậu.

Đó là lý do tại sao Fire Drill Fridays cũng đang yêu cầu kế hoạch Green New Deal, trong đó kêu gọi một nỗ lực to lớn đến mức chưa từng có trên toàn xã hội, để cung cấp động năng cho nền kinh tế của chúng ta bằng năng lượng tái tạo sạch và chuyển đổi các lĩnh vực khác của xã hội thành bền vững hơn. Chấm dứt nhiên liệu hóa thạch và phê chuẩn Green New Deal là một chiến thắng đúp. Và nếu chúng ta thực hiện được đúng mức cả hai việc này, chúng ta có thể tránh được thảm họa khí hậu, đồng thời tái thiết nền kinh tế của chúng ta cho công bằng hơn, lành mạnh hơn và an toàn hơn cho mọi người. Đây là sự kết hợp cùng cực mọi bên đều có lợi, mang lại thịnh vượng và hạnh phúc cho tất cả mọi người.

Điều đáng mừng là nhiều giải pháp cho các nguồn năng lượng tái tạo sạch đang phát triển nhanh chóng. Ngoài ra còn có tiềm năng to lớn về bảo tồn và hiệu quả năng lượng thông qua cách thiết kế nhà cửa tốt hơn, giao thông công cộng hiệu quả hơn, tiện dụng hơn, cùng với những cải tiến trong cách chúng ta sử dụng đất, trồng thực phẩm và chế tạo tất cả các vật dụng cần thiết. Tất cả những điều này có thể tạo ra những công việc hợp tác tốt để bảo tồn gia đình và trái đất của chúng ta. Các chuyên gia và nhà hoạt động biết chúng ta cần phải làm gì; những trở ngại đối với việc giải quyết một cách hăng hái tình trạng khẩn cấp về khí hậu ngày nay không phải là về kỹ thuật mà là chính trị. Đó là lý do tại sao chúng ta tạo ra các cuộc vận động giảng tập Fire Drill Fridays.

Một số nhà phê bình chỉ trích rằng những thay đổi cần thiết để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu là rất tốn kém. Đúng vậy. Nhưng không hành động gì cả thì lại còn đắt giá hơn rất nhiều: sẽ rất tốn kém khi lần hồi xây dựng lại sau các thảm họa, cố gắng bảo vệ các thành phố ven biển khỏi mực nước biển dâng, quản lý khối người di cư ồ ạt vì tai họa biến đổi khí hậu, và ứng phó với các tác động đến sức khỏe cộng đồng do ô nhiễm môi trường từ nhiên liệu hóa thạch và biến đổi khí hậu. Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ ước tính rằng vào cuối thế kỷ này, tác động của biến đổi khí hậu sẽ khiến nền kinh tế của chúng ta thiệt hại hàng trăm tỷ Mỹ kim mỗi năm. Và còn chết người nữa. Ít nhất 1/4 triệu người đã chết mỗi năm, và con số đó có thể tăng lên nửa triệu người mỗi năm cho đến năm 2030, theo ước tính từ các tổ chức như World Health Organization - Tổ chức Y tế Thế giới và Global Humanitarian Forum - Diễn đàn Nhân đạo Toàn cầu. Dựa trên tất cả những gì chúng ta biết được ngày nay, và tất cả các nguồn tài nguyên mà đất nước giàu mạnh của chúng ta đang có, thì việc trì hoãn hành động về khí hậu vì những lo lắng không có thật về chi phí, là điều dối trá nếu nói một cách khoan dung, còn thậm tệ hơn thì là hoàn toàn vô-đạo-đức.

Fire Drill Fridays đang nỗ lực để buộc các nhà lãnh đạo của chúng ta phải thực sự dẫn đầu. Chúng ta cùng nhau yêu cầu hành động để giữ cho các cộng đồng của chúng ta an toàn và hành tinh của chúng ta còn hoạt động. Chúng ta đang tự giáo dục bản thân, tham gia tổ chức với bạn bè và đồng minh, đồng thời hợp tác cùng nhau để chọn ra những ứng-cử-viên sẵn sàng thay thế những kẻ đang ngăn cản tiến bộ. Chúng ta không còn giây phút nào để mất thêm, mời bạn tham gia ngay cùng chúng tôi.

Phạm Vũ Thịnh dịch
28 Jan 2021