Chim Việt Cành Nam
Trở về
Trang chủ
Tác giả
Tham luận

Ngày trọng đại

Cư-sĩ Đông-Phương MAI-LÝ-CANG
(Paris)


Minh họa

LTG - Trong kỷ nguyên lịch sử của loài người, sau khi biết khám phá ra được giá trị mầu nhiệm của lửa thiêng và có ý thức vĩnh hằng về sự chết, thì đến phiên Đức Phật đã sáng suốt thần thông tìm ra chân lý vĩnh cữu để hướng dẫn đời sống con người đi ra khỏi bóng tối đường hầm ở địa ngục. Học thuyết Tứ-Diệu-Đế do đó trở thành một kho tàng văn hóa của muôn loài, va làm bức thành trì kiên cố cho nền tảng phát huy cách mạng đại qui mô về tâm linh, trí tuệ của con người về sau trên mặt đất.

Chúng sinh là Phật sẽ thành

Từ lâu, trong góc nhìn chung về sự lịch sử tiến hóa của con người thì các nhà nghiên cứu sử học thường hay lý giải theo nhận thức của mình trong lãnh vực chuyên môn. Và họ nhất đán cho rằng ngoài những phát minh khoa học, kỹ thuật, thì còn phải kể đến công cuộc chuyển hóa quan trọng về mặt tâm linh do sự xuất hiện của tín ngưỡng tôn giáo trong cộng đồng nhân loại. Và tùy theo triết lý nồng cốt của từng tôn giáo mà người ta có thể để tin theo, nếu cho là phù hợp với quan niệm suy tư của mình trong mục đích muốn truy tìm đường về hạnh phúc ở cõi đời.

Vả lại, hiện nay trong đời sống cực đại văn minh của con người không phân chia biên cương chủng tộc thì người ta đều có quyền tự do hành sử tinh thần trí tuệ thông minh của mình, để một khi muốn truy tìm chứng từ về những nguyên nhân đưa đến khổ đau hay hạnh phúc thường xảy ra hằng ngày cho chính họ. Tuy nhiên, trong những công trình dày công nghiên cứu đạt thành khả năng hiệu quả, thì hầu hết mọi người đều biết rằng mình chỉ là những kẻ hiểu biết muộn màng trước khối óc thần thông của một vị minh vương đã từng dày công ứng nghiệm, khám phá ra về chân lý kỳ diệu có giá trị vĩnh hằng từ hơn hai ngàn năm trăm năm về trước.

Do vậy, cho nên sự kiện bây giờ đã có một số quốc gia trên toàn châu lục ngày nay, hằng năm luân phiên nhau tổ chức lễ kỷ niệm ngày trọng đại "Vesak"* mừng Đức Phật giáng trần là một ý nghĩa nhằm vào mục đích suy tôn tính ưu việt xúc tác tinh thần vô cùng quan trọng của đạo Phật đối với đời sống cá nhân, tập thể của con người qua những mối dây liên hệ buộc ràng hiện hữu trong cộng đồng nhân loại.

Thực vậy, đi trước mọi biến thiên về lịch sử của tôn giáo trên quả địa cầu, và hiện vẫn còn tiếp tục duy trì ảnh hưởng sâu đậm trong đời sống tinh thần trong cộng đồng xã hội con người hằng ngày. Người ta có thể nói rằng, khởi thủy nhân duyên do yếu tố hoàn cảnh địa lý đặc biệt, rơi đúng vào thời điểm không gian, mà đạo Phật như đã bắt đầu báo hiệu mở màn, khai sinh ra một hiện tượng chuyển hóa tâm linh vô tiền khoáng hậu trong kỷ nguyên lịch sử loài người bằng sự ra đời của Đức Phật.

Hiện tượng đó dần dần đã chính thức được tìm thấy bằng hình ảnh thực tế rõ ràng của một vị Vua uy quyền tuyệt đối. Một vị minh quân chọn lấy quyết định từ bỏ ngai vàng điện ngọc của mình, để ẩn dật vào nơi thâm sơn cùng cốc nhằm mục đích xả thân cầu đạo, để nguyện cứu độ và giải thoát cho hết thảy chúng sinh.

Về sau, với học thuyết "Tứ-Diệu-Đế" sau khi đắc đạo, và trải qua bốn mươi lăm năm hành đạo, giáo lý Thích-Ca đã làm tốt được cá tính con người chứng nghiệm bằng phương pháp tu tập. Hiện tại, người ta có thể nói quả quyết không sai, là chính nhờ vào bản tính hiền từ, nhân hậu mà đạo Phật đã đem đến niềm Vui cho người đời và mọi nhà tìm thấy con đường cái quan hạnh phúc.

Cũng trên căn bản của một thứ tình thương bao la, tuyệt nhiên không bao giờ có sự hận thù và kỳ thị, cuộc truyền bá tư tưởng của đạo Phật đã thành công, được đánh giá coi như là có rất nhiều hậu quả thuận lợi. Nó không những không làm đổ giọt máu nào của con người mà còn có thêm cơ vận hội, để hễ mỗi khi bành trướng giáo lý đến đâu, thì cũng gồm thu trọn vẹn được nhân tâm trong cái thế bất chiến tự nhiên thành.

Bàn về cuộc cách mạng tâm linh ôn hòa, tinh diệu đó, các sử gia Tây-phương thường lấy mô hình thực thể trong triết lý mang sắc thái độc đáo của tính chất hiếu hòa, bất bạo động của đạo Phật, để viện dẫn cho nền văn minh tinh thần được phát huy mạnh mẽ ở phương Đông.

Và nếu đem so với những nhà hiền triết về vật lý, thông thái của Hy-Lạp tự cổ thời như Aristote, Platon, Socrate, thì Đức Phật (Sakyamuni) trước đó cả thế hệ cũng đã là một nhà triết học, thông thái. Chính Ngài là người đầu tiên đã khám phá ra được những nguyên tắc căn bản về ý nghĩa cuộc sống của Con Người, mà ngay đến cả môn khoa học thực nghiệm hiện nay cũng phải chấp nhận, chứng minh cho cái nền tảng của học thuyết cao siêu đó, không đi ra ngoài khái niệm và nguyên tắc căn bản của vật lý, như trường hợp của lý thuyết "Nhân-Quả" là một trường hợp điển hình.

Cùng với thuyết "Vô-Thường", đạo Phật có sức bành trướng rộng rãi và đã được sự đón nhận kỳ diệu của dân gian chào mừng một cuộc cách mạng tâm linh có tác dụng chuyển hóa tinh thần, tư tưởng. Với ý nghĩa sáng đạo tốt đời, đạo Phật thủy chung có mặt bên cạnh người giàu sang, kẻ khốn cùng và lúc nào cũng luôn luôn nhắc nhở là họ đang tham gia hưởng ứng lời kêu gọi đi tìm sinh lộ giải thoát cho chính bản thân mình. Và ngay trong công đức tu luyện đó, họ cũng sẽ làm được mọi điều phúc lợi khác hơn với tinh thần vô ngã vị tha, qua biểu tượng của mọi hành động xuất phát từ ở tấm lòng bao dung, xả kỷ.

Tuy nhiên, nhìn vào sự phát triển của đạo Phật cho đến cho đến ngày hôm nay (nói chung) sau khi trải qua bao giai đoạn thăng trầm, hưng phế thì người ta đều nhận thấy rõ ràng là bất chấp sự thử thách của thời gian, cái cốt lõi trong thực chất của nguồn cội Bồ-Đề lúc nào cũng lại là sự thanh tịnh. Chính sự thanh tịnh là một câu trả lời xác định để giải quyết cho mọi vấn đề. Còn về phần tích cực hơn, thì ảnh hưởng tan biến, thấm nhuần của đạo Phật vẫn như một luồng gió mới thổi vào không gian trí tuệ của chúng sinh, làm thức tỉnh những cơn ác mộng bàng hoàng của con người, để kịp thời nhìn lại chân tướng của vạn vật, biết phân biệt điều hay lẽ phải, biết bênh vực và bảo vệ người hiền từ không may, vô phước.

Chính cuộc cách mạng tâm linh, huyền diệu, âm thầm không giới tuyến nầy, từ lâu đã làm phản ảnh được bằng sự sùng kính, thiết tha của con người vốn yêu chuộng tự do, công bằng, nhân ái, không đứng bên lề của trật tự kỷ cương xã hội. Nhờ vậy mà lòng trắc ẩn của ý nghĩa Từ-Bi, lúc nào cũng là trọng tâm đạo đức trong hàng quốc sách của các nhà cai trị quốc gia, coi như là bài toán đầu tiên của phương thuốc chữa trị về an sinh xã hội, hầu làm giảm thiểu được nhiều bất công, đau khổ.

Trong lịch sử hoằng pháp lợi sanh của đạo Phật cũng có lắm khi gặp phải nhiều trở ngại, vì không hiếm người đời nông cạn hiểu lầm về ý nghĩa cuộc sống tu hành, phục tùng theo giới luật. Thực ra, hình ảnh của một vị Tu-sĩ thoát tục đêm ngày tụng niệm, khấn đức, cầu an cho bá tánh thập phương ở trong chùa. Hay như hình ảnh của một vị Cư-sĩ khả kính thuận duyên tu tập, triệt để thi hành theo lời răn dạy, thì ngoài mục đích đi tìm chân lý giải thoát cho mình, các vị đó lại còn thể hiện ra được ý nghĩa của tinh thần đại hùng lực khi quyết định dấn thân bảo vệ móng nền đạo pháp.

Hành động cao quý đó chẳng khác nào nguyện ước ra đi bảo vệ non sông của những con người chiến sĩ hiên ngang, hi sinh lao thẳng vào trận mạc, đắp lũy xây thành để giữ vững cho quê hương được độc lập, tự do và đồng bào mình được vui sống yên lành, hạnh phúc.

Tuy nhiên, chừng ấy những sự kiện đó vẫn chưa làm nổi bật được hình ảnh của những con người ngoan đạo, trung thành theo lời Phật dạy, là tùy duyên tận tụy hầu hạ đấng sinh thành, một vai cõng cha, một tay đỡ mẹ, sớm hôm săn sóc tại nhà. Phải hiểu được như vậy thì mới thấy tác dụng của đạo Phật, là nhằm vào mục đích cố gắng hướng dẫn con người đi lần tới một nền luân lý nhân tính phù hợp với luật tự nhiên trong trời đất.

Trong trường hợp khác, ảnh hưởng của đạo Phật làm chuyển hóa được tính tình của một con người biết phục thiện không phải vì sự cám dỗ, mua chuộc. Vì nói cho đúng hơn, mọi hành động của Tăng-đoàn truyền bá chánh pháp đi rắc gieo hột giống Bồ-Đề của đạo Phật tuyệt nhiên không hề có mang tính chất đấu tranh, để đòi hỏi đối phương phải dừng gươm xuống ngựa bao giờ. Nhưng bởi vì cái triết lý cao siêu, hướng thượng, mà thực tế từ trong bản chất tinh thần của đạo Phật tự nó có nhiều khả năng lôi cuốn được con số đông người, nên họ dễ dàng chấp nhận như là một sự tự nhiên, nhẹ nhàng, cảm khái.

Chính vì vậy mà người ta chỉ tìm thấy được rõ ràng cái giá trị ưu việt của đạo Phật trải dài ra dưới hình thức của chiều sâu hơn là chiều rộng. Hơn thế nữa, cũng như qua bao nhiêu kinh điển, giáo lý Thích-Ca để lại cho đời sau sưu tầm từ học thuyết cách mạng tinh thần sang đến phương thức dấn thân hành động.

Thủy chung, đạo Phật lúc nào cũng chứng minh được ước muốn "Sống Chung Hòa-Bình" giữa người và người, giữa quốc gia nầy và quốc gia nọ trong cộng đồng quốc tế, mà trong đó, mọi cuộc tranh chấp về bất cứ nguyên nhân nào cũng có thể dùng đến một loại vũ khí căn bản duy nhất để giải quyết: đó là Tình Thương.

Trở lại vấn đề Đức Phật sáng suốt đã dứt khoát từ bỏ lập trường chánh trị nước nhà để hiến mình vào thiên chức phục vụ văn hóa, nhân sinh trong cộng đồng nhân loại. Ngài đã hành động bằng cái thế và cái lực của một công-dân, một tu-sĩ, chớ hoàn toàn không phải lợi dụng vào quyền năng của một vị Chúa-tể ở trong nước để mà thành công sự nghiệp ở đời. Hay nói cách khác cho đúng hơn, thì Ngài đã thành công chính nhờ vào ở tài năng, đức độ siêu phàm của cá nhân mình.

Điều nầy, có nghĩa là chúng ta muốn nói đến cái kho tàng pháp điển bao la, vô cùng tận của triết lý đạo Phật mà Ngài để lại cho tất cả con người cùng thừa hưởng. Và, một khi đến với đạo Phật, thì ai ai cũng có những phương tiện bình đẳng giống nhau, ai ai cũng có tinh thần tự do hành sử lương tâm trước mọi quyết đoán về chân lý, ai ai cũng có đầy đủ tư cách nhân quyền để chọn lựa đức tin như bao kẻ khác. Vì, tất cả cùng đều là những tế bào của chung vũ trụ bao la.

Sau Đức Phật, những nhà làm chính trị và văn hóa khác đều có chung khuynh hướng dùng đến bạo lực để mở mang biên cương học thuyết của họ. Cho nên, vô hình trung đều vấp phải những cái mốc oan nghiệt của thời điểm không gian, mà chung cuộc phải đi vào bánh xe lịch sử của định mệnh.

Trong kỷ nguyên lịch sử của loài người, sau khi biết khám phá ra được giá trị mầu nhiệm của lửa thiêng và có ý thức vĩnh hằng về sự chết, thì đến phiên Đức Phật đã sáng suốt thần thông tìm ra chân lý vĩnh cữu để hướng dẫn đời sống con người đi ra khỏi bóng tối đường hầm ở địa ngục. Học thuyết Tứ-Diệu-Đế do đó trở thành một kho tàng văn hóa của muôn loài, va làm bức thành trì kiên cố cho nền tảng phát huy cách mạng đại qui mô về tâm linh, trí tuệ của con người về sau trên mặt đất.

Lại ngược dòng thời gian, trong khi các tôn giáo ở phương Tây chưa từng xuất hiện thời bấy giờ, thì đạo Phật đã một mình hùng cứ trên một vùng địa lý lớn lao trong quả địa cầu, song tầm ảnh hưởng phát huy nền hóa Thích-Ca lúc nào cũng được coi như là khiêm tốn. Tuy nhiên, sự bành trướng chậm chạp đó phải hiểu một phần vì do phương châm căn bản hiếu hòa theo con đường chỉ đạo của lượng hỉ-xả, đức từ-bi. Và một phần khác, là đạo Phật đã phải tạm dừng chân để khai sinh ra nền văn hóa Ấn-Độ và làm phong phú thêm cho nền văn minh Trung-Quốc.

Còn nữa, đạo Phật lại mất thêm khá nhiều thời gian để chờ tiêu hóa tín ngưỡng vào khắp cả Á-Châu vào những năm trước Tây-lịch. Do vậy, nếu ngày nào mà người ta còn được hiểu quá trình văn minh duy linh ở Ấn-Độ và duy tâm ở Trung-Quốc như là tuyệt hảo, thì tức là ngày đó người ta còn phải mặc nhiên công nhận cái giá trị tinh thần thực tế, hiển nhiên của một nền văn hóa vẻ vang, phát triển đi lên theo đường tung độ trong lịch sử mở mang của đạo Phật. Vì thế mà đạo Phật đã từng có dịp bén rễ, ăn sâu vào từng các tế bào của chúng sinh trong đời sống xã hội dân gian ở phương Đông.

Ngoài trường hợp cực thịnh của đạo Phật dưới thời kỳ của A-Dục-Vương (Ashoka) ở Ấn-Độ và đưới đời Đường ở Trung-Quốc. Nói riêng, chính trong lịch sử xã hội của Việt-Nam dưới triều đại Lý-Trần, thì cuộc chuyển hóa tâm linh của đạo Phật cũng đã ảnh hưởng đến biết bao nhiêu về quan niệm nhân sinh từ thành phần Vua tôi cho tới hàng dân dã và đã cảm hóa, thấm nhuần, thu phục được tuyệt đại đa số tín đồ trong cả nước thiên hạ Lý-Trần bán vi tăng.

Cái thế thượng phong của đạo Phật trong Tam-Giáo đồng nguyên (Thích-Nho-Lão) từ đó lưu truyền đến mãi về sau hãy còn được dịp chứng minh hùng hồn qua các tác phẩm văn chương, điêu khắc và kỹ thuật kiến trúc. Và điển hình là dấu tích của ngôi Chùa Một Cột, các báu vật của Thăng-Long thành còn sót lại bây giờ là những chứng từ quốc bảo đã tiêu biểu cho nền văn hóa đặc thù của đạo Phật hiện diện lâu đời trên vòm trời đất Việt.

Khoảng cách với thời đại của chúng ta trên hai mươi lăm thế kỷ dài, mối đại duyên Đức Phật giáng trần báo hiệu điềm lành đổi thay cuộc sống tâm linh nhằm cứu độ con người thoát ra khỏi cảnh trầm luân bể khổ ở trên đời. Do vậy, cho nên sau khi Đức Phật nhập Niết-Bàn thì các đệ tử của Ngài liền đem cái kho báu tư tưởng, tinh thần từ trong núi Tuyết ra để mà tiếp tục sự nghiệp đầu tư vào phúc lợi của chúng sinh thể theo tấm lòng ước nguyện thương người của Ngài như non cao biển cả. Trải qua bao lần dâu bể, tang thương thế sự thăng trầm đã có biết bao nhiêu Phật-tử không phân biệt quốc tịch, màu da lần lượt đứng lên đóng góp, hi sinh bảo vệ và phát huy cho Phật-pháp được mãi mãi trường tồn.

Giờ đây, thừa hưởng được di sản tinh thần thiêng liêng vô giá đó, người Phật-tử bốn phương không sao quên được công ơn của Đức Thế-Tôn trong những ngày đại lễ giáng sinh khắp nơi nơi nghi ngút hương trầm.

Tuy nhiên, ngoại trừ nhiều trường hợp vô sở bất tại đặc biệt hiển linh từng đã có xảy ra trong thế gian, thì phút giây kêu đòi cứu rỗi của chúng sinh và của riêng mình mong chờ vào sự báo ứng thị hiện ra ngay tức khắc của Đức Phật sẽ không bao giờ có, và mãi mãi tuyệt nhiên không bao giờ có!

Bức tượng hình uy vệ trên bàn thờ nhang khói đó chỉ là chân dung tôn nghiêm, biểu tượng cho tài năng, đức độ của một đấng siêu phàm.

Thương người đời tục lụy, Ngài đã ban cho thế gian một con đường cái quan giải thoát trợ giúp cả thảy chúng sinh cùng đi đến cuối nẻo cực lạc vĩnh hằng. Phần còn lại, là tùy duyên hạnh ngộ của mỗi chúng ta mà tôi luyện công phu đạt thành đạo quả.

Trong tinh thần đó, ánh hào quang trong ngày trọng đại "Vesak" hôm nay lại còn có thêm ý nghĩa khác thường là nhằm nhắc nhở ý thức tự giác, khuyên bảo con người hãy ráng tu hành, cố gắng đứng dậy tự thắp đuốc mà đi về hướng rạng đông - nơi mặt trời vẫn mọc dù không tiếng gà gáy sáng...Cùng với niềm hi vọng mới bắt đầu, chúng ta hãy nghĩ đến những hình ảnh của một sự đổi thay lúc nào cũng được coi như là cần thiết để sám hối diệt ngã, thể hiện tinh thần bát nhã bao dung, lục hòa, vị tha, công ích.

Và cơ hội thực tế, để cho cho mọi người Phật-tử Việt-Nam được vui mừng thể hiện sắt son tinh thần tôn sư trọng đạo của mình. Là hãy tiếp tục giương cao sứ mạng truyền thống giữ gìn, phát huy những thành quả đóng góp hài hòa của Phật-Giáo từ lâu vào những phúc lợi hòa bình thế giới trong ý nghĩa lý tưởng tự do, và trật tự công bằng trong đại cộng đồng xã hội văn minh, tiến bộ.

Cư-sĩ
Đông-Phương MAI-LÝ-CANG
(Paris)
* - Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc trong ngày 15-12-1999 công nhận Ngày trọng đạiPhật Đản ("Vesak") là một lễ hội văn hóa, tôn giáo quốc tế chính thức của Liên Hiệp Quốc.

***************
Bài tụng
***

Nễ hỷ ngã bất hỷ
Quân bi ngã bất bi
Nhạn tư phi hàn bắc
Yến ức cựu sào qui
Thu nguyệt xuân hoa vô hạn ý
Cá trung chi hứa tự gia tri
-----

Người vui ta chẳng vui
Người buồn ta chẳng buồn
Nhạn bay về biển bắc
Yến nhớ tổ trời nam
Xuân hoa thu nguyệt vô cùng ý
Lãnh hội sao cho tự biết mình
(Ngài Xuyên Thiền-Sư)


***********