Chim Việt Cành Nam
Trở về
Trang chủ
Tác giả
Ngày xuân nâng chén

L.S. Ngô Tằng Giao

Dân Việt ta thường có bốn món giải trí là "Cầm, Kỳ, Thi, Họa". Tức là "Đàn, Cờ, Thơ, Vẽ". Nhưng câu này về sau bị nhiều dân nhậu quăng những bức họa đi mà thay thế vào đó bằng... hũ rượu. Từ đó gọi là "Cầm, Kỳ, Thi, Tửu". Riêng trong những ngày vui Xuân mà không có món "Tửu" thì không còn là ngày lễ ngày Tết nữa và khi chào đón chúa Xuân mà thiếu đi chút men cay này thì thật quả là vô duyên... Mỗi khi "xuân vừa về trên bãi cỏ non..." lòng xuân phơi phới, cả bốn trò tiêu khiển trên thường được dịp... "leo thang". Bà con ta luôn ca tụng là: "Cầm, Kỳ, Thi, Tửu, đường ăn chơi mỗi vẻ một hay".
 
 

"Hay" ở đâu thì không rõ nhưng trong sách "Giáo Khoa Thư" dạy học trò tiểu học thuở trước ở nước ta đã vạch rõ ra cái "không hay" trong bài "Người say rượu":

"Các anh hãy trông người kia đi ngoài đường. Mặt đỏ gay, mắt lờ đờ, quần áo xốc xếch, chân đi xiêu bên nọ, vẹo bên kia, múa chân múa tay, mồm nói lảm nhảm, chốc lại ngã chúi một cái. Lũ trẻ đi theo sau, reo cười chế nhạo. Thỉnh thoảng anh lại đứng lại, nói những chuyện gì ở đâu đâu. Người qua lại, trông thấy cũng phải tránh xa. Người ấy vừa ở hàng rượu ra. Chỉ tham mấy chén rượu mà thành ra say sưa, mất cả tư cách con người, có khi như là con vật vậy, thật là đáng khinh bỉ. Hỡi các anh, các anh đã trông thấy người say rượu như thế, thì nên lấy đó làm gương mà giữ mình".
 

Tại Hoa Kỳ muốn mua rượu và nhậu nhẹt thì ít nhất phải đủ 21 tuổi. Tuy thế mỗi tiểu bang quy định khác nhau. Tại Canada đa số các nơi đòi hỏi số tuổi này là 19. Phải tới tuổi được coi là trưởng thành này mới được phép la cà với rượu vì nguy hiểm của rượu xảy ra rất nhiều.

Ở Hoa Kỳ vào năm 1992 thống kê cho biết là trong những vụ ra tay giết hại người "phối ngẫu" của mình thì một nửa trong số kẻ sát nhân đó khi phạm tội đều đang ở trong tình trạng say xỉn. Cũng tại Hoa Kỳ 16,5% các vụ tự sát đều có liên quan đến rượu. Nghiện rượu làm tăng khả năng tự sát lên gấp 5 đến 10 lần, trong khi dùng các chất kích thích khác làm tăng nguy cơ này lên 10 đến 20 lần. Khoảng 15% của những người nghiện rượu tự sát, và khoảng 33% các vụ tự sát ở người dưới 35 tuổi có chuẩn đoán uống rượu hoặc lạm dụng các chất khác, hơn 50% tất cả các vụ tự sát có liên quan đến sự phụ thuộc vào rượu hoặc ma túy. Ở thanh thiếu niên, việc lạm dụng rượu hoặc ma túy đóng một vai trò quan trọng, chiếm đến 70% các vụ tự sát.

Trong năm 2009 rượu đóng một vai trò chính yếu trong gần 32% các tai nạn xe cộ xảy ra. Trong năm này có 10,839 kẻ tử vong vì rượu khi lái xe. Tính ra trung bình cứ 48 phút là có một đệ tử lưu linh từ giã cõi đời. Theo nguồn tin FBI cho biết thời cảnh sát đã bắt giữ hơn 1.4 triệu người say rượu lái xe trong năm 2009 này.

Cuối năm 2016 báo chí cho biết theo tin của cảnh sát California chỉ riêng đêm Giao Thừa năm 2015 có 27 người chết vì đụng xe và hơn 900 người bị bắt vì say rượu lái xe. Sau khi cộng mọi thứ tiền phạt, chi phí pháp lý và tiền bảo hiểm bị tăng thêm, người bị kết tội say rượu hay say thuốc mà lái xe sẽ bị tốn hơn $15,000.

Cuối năm 2017 báo chí loan tin ở Irvine, California khoảng 3 giờ sáng ông Greenwood, 30 tuổi, say rượu và lái chiếc xe Infinity Q50 với tốc độ 85 dặm/giờ, rồi vượt đèn đỏ, tông vào một chiếc Hyundai Electra. Trên xe này lúc đó có bốn người. Hai người chết tại hiện trường, còn một người thì chết vài ngày sau khi nhập viện. Greenwood từng lái xe say xỉn ở Los Angeles và tòa có cảnh cáo nếu ông phạm tội lái xe say xỉn làm chết người, thì ông sẽ bị kết tội giết người. Lần này nếu bị kết án ông sẽ phải ngồi 51 năm tại nhà tù tiểu bang.

Vào năm 2017, tiểu bang Utah thông qua dự luật hạ giảm nồng độ rượu tối đa được cho phép trong cơ thể người lái xe từ 0.08 xuống còn 0.05 mà thôi, khiến Utah trở thành tiểu bang có luật say rượu lái xe (DUI) khắt khe nhất Hoa Kỳ. (with a breath or blood alcohol level (BAC) of .05 or higher). Với nồng độ rượu mới được cho phép này, phía đàn ông chỉ cần uống chừng 3 lon bia và phía phụ nữ chừng 2 lon bia một lúc là đã thấy nồng độ rượu trong máu mình có thể đạt tới mức cấm rồi. Người ta cho biết có hơn 100 quốc gia trên thế giới, trong đó gần như là tất cả các nước Âu Châu, giới hạn nồng độ rượu tối đa trong cơ thể để được phép lái xe là 0.05.

Tại Hoa Kỳ, theo kết quả một cuộc nghiên cứu được Cơ Quan An Toàn Xa Lộ Quốc Gia (NHTSA) công bố cho thấy số người chết ở Mỹ do lái xe trong khi say rượu năm 2019 là 9,943 đã xuống tới mức thấp nhất từ khi bắt đầu có số thống kê cho tới nay. Năm 2018 số người chết là 10,511. NHTSA nói rằng trong cả năm 2019 có tất cả 36,096 người chết do tai nạn giao thông ở Mỹ, giảm 739 (2%) so với con số của năm 2018, Trong khi đó, tất cả mọi cái chết liên quan đến tai nạn xe hơi đều giảm, kể cả số người bộ hành và số người đi xe đạp chết do bị xe cán cũng giảm.

Phụ nữ Mỹ ngày nay uống rượu nhiều và thường xuyên hơn so với các thế hệ trước, hậu quả là sự tử vong lên đến mức kỷ lục. Năm 2013, hơn một triệu phụ nữ thuộc mọi sắc tộc được đưa đi cấp cứu do uống quá nhiều với phụ nữ tuổi trung niên ở mức độ rất nghiêm trọng. Theo Washington Post, phụ nữ da trắng đặc biệt uống rượu ở mức độ nguy hiểm, với hơn một phần tư trong số họ uống nhiều lần mỗi tuần, tăng 40% tính từ năm 1997.

Thống kê cho thấy 71% phụ nữ da trắng uống rượu, kế đến là phụ nữ da đen chiếm 47%, sau đó là phụ nữ Hispanic 41% và Á Châu 37%. Trong thời gian từ 1999 đến 2015, số phụ nữ da trắng chết vì rượu bia tăng 130%, Hispanic 27%, trong khi phụ nữ da đen giảm 12%.
 
 

Ở phương trời Tây, thi sĩ Shakespeare cũng từng nghiêm khắc phê phán chuyện nghiện rượu: "Thượng đế ôi! Con người đã đặt một kẻ thù ở trong miệng họ để lấy cắp trí não họ đi! Thế mà chúng ta lại hoan hỉ, vui thú, hớn hở và tán dương để tự biến chúng ta thành những thú vật" (transform ourselves into beasts).

Tuy rượu gây tai hại nhưng nhiều người lại ca tụng rằng người phong lưu phải biết uống rượu và con người lịch sự thì phải "tửu tam bôi", nghĩa là rượu ba chén. Nhất là đàn ông, con trai mà không biết uống rượu thường bị chê là "nam vô tửu như kỳ vô phong", trai mà không uống rượu như là cờ không có gió. Chao ôi! Cờ mà không có gió thì nó teo lại và rũ xuống như "kim đồng hồ chỉ sáu giờ rưỡi", trông... mất hào khí và mất thẩm mỹ vô cùng.

Để phản đối lời thi sĩ Shakespeare nói trên, dân làng nhậu viện dẫn lời V. Hugo nói: "Thượng Đế chỉ sáng tạo nước, con người đã chế ra rượu" và tiếp đó là liệt kê tên tuổi các quý vị nổi danh như Lý Bạch, Edgar Allan Poe, Raymond Carver, F. Scott Fitzgerald và William Faulkner v.v... và nói rằng chính các vị này cùng tuyên phán rằng cần phải uống rượu để tìm cảm hứng. Baudelaire còn nói lả lướt hơn: "Chiều nọ, linh hồn của rượu hát trong chai" (Un soir, l’âme du vin chantait dans les bouteilles.)

Cuối cùng xin mời nghe lý sự cùn của các bợm nhậu: "Đã rất nhiều lần tôi muốn bỏ rượu và bia, nhưng tôi lại cảm thấy xấu hổ. Mỗi lần nhìn ly bia, tôi lại nghĩ về những người công nhân cực khổ đã làm ra nó. Họ đều có vợ con phải chăm sóc, con cái họ đều có những giấc mơ phải thực hiện. Nếu tôi không uống, có thể họ sẽ mất việc và những giấc mơ của con họ sẽ mãi tan biến. Tôi không thể ích kỷ chỉ lo cho sức khỏe của mình. Tôi uống để biến giấc mơ của rất nhiều người thành sự thật. Đừng vì lợi ích của mình mà làm ảnh hưởng đến những người khác các bạn nhé. Nào chúng ta hãy nâng ly! Dzô!"

Vậy thì xin mời bà con "ngày Xuân nâng chén, ta chúc nơi nơi..." cho thêm phần "hưng phấn". Hãy nhớ châm ngôn của bợm nhậu là: "If you drink, you will die. If you don’t drink, you will die, too. So, let’s drink and die. And die happy." (Nếu anh uống rượu, anh sẽ chết ngỏm. Nếu anh không uống, anh cũng sẽ chết toi. Cho nên, ta hãy uống đi và chết. Và chết sung sướng).

Nhiều bợm nhậu khác lại tuyên bố: "Rượu bất khả ép, mà ép thì bất khả từ". Họ còn nhắc tới thơ Quang Dũng nghe thật... lãng mạn và sành điệu quá xá: "Thoáng hiện em về trong đáy cốc / Nói cười như chuyện một đêm mơ." Có người rất thích uống rượu như Trương Hàn, nói trong sách Tấn thư rằng "Sử ngã hữu thân hậu danh, bất như tức thời nhất bôi tửu", có nghĩa là "Cho ta cái danh sau khi chết không bằng cho ta một chén rượu ngay bây giờ."
 
 

Thời xưa có người trước khi ra trận mạc cũng muốn uống rượu, rót rượu bồ đào vào chén lưu ly nhưng bị tiếng đàn tì bà giục giã phải lên ngựa ra đi như trong bài "Lương châu từ" của Vương Hàn: "Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi / Dục ẩm tì bà mã thượng thôi." Thời nay nào còn nghe đâu thấy tiếng đàn "tì bà" giục ta đi nữa, họa chăng chỉ còn tiếng... "quý bà" giục giã ông chồng phải ngưng uống để còn tỉnh táo mà lái xe về! Thế là cụt cả hứng! Nhưng chính thật ra "lệnh bà" cũng... "tốt thôi!". Nâng ly rượu dù là ngày thường hay đầu Xuân quả là thú vị nhưng "chén chú, chén anh" đến nỗi "xỉn" lên, "xỉn" xuống thì cũng phiền toái vô cùng. Cứ muốn làm... anh hùng xa lộ, cứ loạng quạng đổi "lane", lấn vạch, tăng giảm tốc độ bất thường là lộ ngay. Lái xe khi đang say rượu là tội D.U.I (driving under the influence) hay D.W.I (driving while intoxicated). Ta cũng nên biết tội này không chỉ là uống rượu lái xe, mà còn áp dụng trong những trường hợp người lái xe bị ảnh hưởng bởi các loại ma túy, các loại thuốc có thể gây buồn ngủ khiến không kiểm soát được tay lái.

Có hai cách phân biệt giữa D.U.I vì rượu, vì ma túy hay vì uống thuốc là thử máu và thử hơi thở. Cảnh sát, sau khi chận xét một người vì ngờ rằng người đó trong tình trạng D.U.I, sẽ dùng dụng cụ thử máu để xác định xem mức độ rượu (có hay không và nếu có là bao nhiêu phần trăm) trong máu người đó. Ngoài ra, cảnh sát cũng có thể yêu cầu người lái xe thở vào một dụng cụ đo nồng độ rượu trong hơi thở. Cái máy có... hỗn danh là "breathalyzer". Máy này đo nồng độ rượu trong cơ thể. Nếu máy chỉ .10 (một phần mười của một phần trăm) là có chuyện... "khổ đế" đấy.

Ta có quyền từ chối không chịu thử nghiệm. O.K.! Không sao cả! Theo Hiến Pháp Hoa Kỳ thì không ai có quyền đụng chạm vào thân thể ta nếu ta không đồng ý, nhưng bằng lái xe của ta có thể bị "treo giò" trong một thời gian. Người bị chận xét có quyền từ chối phương pháp thử nghiệm này. Nhưng họ cần biết rằng, hành động từ chối thở vào máy thử hơi rượu đã là một bằng chứng để cơ quan DMV tự động rút bằng lái xe của họ trong thời gian 6 tháng, có khi cả năm trời. Hầu như có một sự "thỏa thuận ngầm" về vấn đề thử nghiệm này. Luật cho rằng khi ta xin cấp phát bằng lái xe là đã đương nhiên đồng ý chịu thử hơi thở hay ngay cả thử máu, thử nước tiểu khi cần rồi (usually presumed to have consented to taking the test and refusal to take the test may result in the automatic loss of one’s driver’s license.)

Các vị nhân viên công lực còn bắt người lái xe say xỉn phải làm nhiều trò nữa. Yêu cầu ta cúi xuống nhặt một đồ vật ở dưới đất lên xem ta có định hướng được hay không. Yêu cầu ta chỉ đứng một chân xem có vững không. Đi theo một đường thẳng xem có chệch không. Nhắm mắt, ngửa đầu, dang hai tay xem có giữ được thăng bằng không. Đọc bảng chữ cái A,B,C... theo kiểu "đố vui để... chọc" xem ta có bị líu lưỡi không. Làm vài bài toán cộng trừ... của con nít xem ta có tỉnh táo không. Thôi thì đủ chuyện cả. Chẳng còn ra cái thể thống gì nữa! Loạng quạng có vẻ "xỉn" là lập tức được thân ái tặng ngay một cái còng... số 8 vào cổ tay để đón Xuân ở một nơi khác, chứ không phải dưới "mái ấm gia đình" của mình nữa. Mất mặt... "anh hùng" hết!

*

Người phạm tội say "xỉn" khi lái xe thôi thì đủ mặt. Tháng 5-2013 tại xứ Cờ Hoa, Giám mục Robert J McManus, 61 tuổi, trưởng một Giáo Phận, bị cảnh sát bắt về tội say rượu lái xe, lại còn rời khỏi hiện trường sau khi xảy ra tai nạn, và từ chối không cho thử máu. Sau đó phát biểu qua một văn bản, ông nói: "Tôi đã xét đoán hết sức sai lầm vì cầm lái sau khi vừa uống rượu trong buổi ăn tối... Điều quan trọng là, tôi xin những giáo dân gương mẫu mà tôi đang phục vụ hãy tha thứ cho tôi, kể cả gia đình và bằng hữu của tôi..."

Vào tháng 8-2014 tin cho biết Thượng Nghị Sĩ Dân Chủ Ben Hueso tiểu bang California bị bắt để điều tra về tội say rượu lái xe vào sáng sớm tại Sacramento. Ông Hueso bị cảnh sát tuần tra xa lộ (CHP) bắt lúc 2 giờ 39 sáng, và bị đưa vào khám Sacramento County Jail. Ông được thả ra trước buổi trưa, sau khi đã đóng gần $1,500 tiền thế chân.

Tại Maryland nhà vô địch Thế Vận về bơi lội đầy huyền thoại Michael Phelps, người từng đoạt được 18 huy chương vàng Thế Vận Hội, bị bắt vào cuối tháng 9-2014. Anh bị truy tố với các tội danh DUI, chạy quá tốc độ và lấn qua lằn ranh đôi liên tục bên trong một đường hầm thuộc xa lộ I-95 ở Baltimore. Chàng phóng với tốc độ 84 mph ở khu vực hạn chế 45 mph. Nồng độ rượu trong máu của chàng lúc bị bắt là .14 trong khi nồng độ hợp lệ giới hạn ở tiểu bang Maryland là .08. Mặc dù quan tòa đã tuyên án Phelps tối đa một năm tù giam nhưng chỉ phạt treo, trong đó chàng có thể bị bắt thử nồng độ rượu và ma túy bất kỳ lúc nào. Được biết hồi năm 2004, "kình ngư" này cũng từng bị bắt về tội DUI ở Salisbury nhưng chỉ bị án 18 tháng tù treo.

Một tin từ Na Uy cũng cho biết: "Một phi công hãng Air Baltic của nước Latvia và ba nhân viên phi hành bị mời ra khỏi chuyến bay từ Oslo đi Hy Lạp sau khi họ bị thử có hơi rượu trước khi bay. Họ có độ cồn trong máu cao hơn mức cho phép, tất cả đều bị cảnh sát câu lưu. Nếu xét có tội, cả bốn người có thể phải trực diện với bản án hai năm tù giam.

Chẳng phải khi làm quan tòa là chẳng phạm luật. Tháng 5 năm 2014 báo chí lại đưa tin có thêm một ông quan tòa ở Florida phạm tội lái xe khi say rượu nữa, tổng kết là 3 ông tất cả. Mới trong có 7 tháng mà Florida đã có 3 ông quan tòa say xỉn mà lái xe rồi! (Third Florida County Judge in seven months faces DUI charges).

Chẳng phải chỉ là nam nhi mới bị tội "xỉn". Hoa hậu Mỹ với chiều cao 1,73 m (các cụ thường phán là trường túc bất chi lao) và gương mặt đẹp huyền bí kiểu phụ nữ Trung Đông cũng đã từng bị bắt giam vì lái xe khi say rượu. Mỹ nhân 26 tuổi Rima Fakih, người nắm giữ vương miện Miss USA năm 2010, bị cảnh sát bắt giữ vào một buổi sáng sớm khi đang lái xe qua công viên Highland ở Michigan. Lúc bị bắt, nồng độ cồn trong hơi thở của nàng ở mức .20 tức là cao gấp đôi so với lượng cồn cho phép đối với người tham gia giao thông. Nàng phải trải qua vài giờ ngồi sau song sắt nhà tù. Người đẹp có buổi tiệc tùng, vui chơi bên bạn bè trong tối hôm trước và dường như đã uống rất nhiều.

Một mỹ nhân khác là hoa hậu tiểu bang Washington. Cô phải từ chức vì bị phát giác từng bị tội say rượu lái xe (DUI). Vụ rắc rối của cô Keffeler bắt đầu từ hồi tháng 4-2015, khi cảnh sát Seattle chận xe cô lại vì đang chạy với hai bánh lốp xẹp. Theo cảnh sát, vào lúc bấy giờ hai mắt cô trông đờ đẫn, miệng nói cà lăm và nồng độ rượu trong máu gần gấp ba lần mức cho phép. Cô nhận tội hồi tháng 9, chỉ một tháng trước khi cô được trao vương miện hoa hậu.

*

Nhân nói chuyện lái xe trong tình trạng "xỉn" vì rượu cũng cần nói thêm về những quy định đối với những người lơ đãng trong khi lái xe. Ở một số tiểu bang những ai ngồi sau tay lái với thói quen vừa lái xe vừa nói chuyện qua điện thoại, hoặc đọc báo hay trang điểm, nếu bạn gây nguy hại cho xe khác hay người bộ hành, bạn phải đối mặt với một mức phạt tiền và bị giữ bằng lái một thời gian. Sự lơ đãng thông thường nhất được viện dẫn là sử dụng "cellphone". Một số tiểu bang ngăn cấm dùng "cellphone" trong lúc đang lái xe. Tuy nhiên những loại điện thoại không cầm tay vẫn được phép dùng. Cảnh sát được biên phạt người lái xe về tội nói điện thoại cầm tay. Có nơi còn đi xa hơn một bước là cấm cả các thiết bị điện tử khác như là "Personal Digital Assistants" và "Text Messaging." Có nơi lại coi là vi phạm luật nếu đang lái xe mà có đeo "earphones" hay "earplugs" để nghe iPods hay CD (dù rằng thiết bị "ear-in" của "cellphone" thì vẫn được phép dùng).
 

Cũng cần lưu ý thêm là nếu ta lái xe gây tai nạn mà "dzọt" luôn thì phạm tội "hit-and-run". Nếu vì say rượu mà "hit-and-run" thì hậu quả nghiêm trọng lắm vì có thể bị truy tố về tội "đại hình" (felony). Luật pháp buộc người lái xe gây ra tai nạn phải ngừng tại chỗ và đứng lại "nói chuyện phải quấy" với người lái xe đối phương cũng như khai trình mọi chi tiết liên hệ cho nhân viên công lực.

Các bậc phụ huynh đời nay có con ưa uống rượu có thể sử dụng một loại vòng đo hơi rượu để theo rõi. Vòng đeo điện tử này có tên là Scram. Vòng sẽ kiểm soát mồ hôi của người đeo và sẽ dò ra hơi rượu xuyên qua làn da, nếu quá một mức độ quy định, vòng này sẽ báo về công ty và viên chức tòa án để báo động, nhằm ngăn cản người này lái xe. Kể từ khi sử dụng năm 2003, vòng này được đeo bởi 136,000 người.

Tuy nói chuyện luật với lệ vậy thôi chứ ngày Xuân năm nay xin bà con ta cứ thoải mái nâng ly vui chơi nhé! Chỉ xin đừng... quá chén mà thôi! Chúc mọi người "thân tâm an lạc"!
 

LS. NGÔ TẰNG GIAO