Chim Việt Cành Nam
Trở về
Trang chủ
Tác giả
Thăm Reims, Epernay 
Và Hầm Rượu Champagne.

Sóng Việt Ðàm Giang biên soạn

Reims, thành phố quan trọng nhất vùng Champagne, nơi có Nhà thờ Reims và hệ thống hầm rượu nổi tiếng của các nhà sản xuất. Sau khi đi thăm hầm rượu G.H. MUMM, chúng tôi đi thăm nhà thờ Reims. Và rời Reims chúng tôi ghé Epernay thăm một hầm rượu thứ hai. Tại cả hai nơi đều được mời uống thử rượu hãng của họ.

Nhà thờ Đức Bà Reims ( Notre-Dame de Reims) là nhà thờ chính tòa của Tổng giáo phận Reims, Pháp. Được xây dựng từ thế kỷ 13, đây là một trong các nhà thờ cổ nhất và cũng là lớn nhất của Pháp.

Nhà thờ Đức Bà ở Reims được hoàn thành vào năm 1272 trên nền một giáo đường đã có trước đó từ năm 401. Nhà thờ Reims lại có vai trò quan trọng trong lịch sử nước Pháp. Do ảnh hưởng quyền lực lớn của các tổng giám mục thành Reims cũng đưc xem như là nơi cất giữ "bình nước thánh tôn vương", đây là nơi đăng quang của 25 vị vua Pháp, vị vua cuối cùng làm lễ đăng quang tại đây là  vua Charles X (năm 1825).

Nhà thờ có kiến trúc cổng vòm kiểu Gothique, dưới những hàng tượng thánh, có nhiều tượng bị tàn phá nặng, vết tích của thời cách mạng Pháp. Với hơn 2,300 tượng thờ và tượng trang trí khắp chung quanh, Reims là nhà thờ có nhiều tượng nhất ở châu Âu. Đặc biệt ngay phía trước có một thiên thần cười.

Thiên thần cười (Smiling Angel), còn được gọi là Nụ cười của Reims, là một tác phẩm điêu khắc mang tính biểu tượng nằm ở mặt tiền phía tây của nhà thờ. Thiên thần mỉm cười là tượng duy nhất có biểu lộ cảm xúc trên khuôn mặt, bởi vì thông thường các tác phẩm điêu khắc thiên thần thuộc thể loại này không có nét diễn tả trên khuôn mặt. Thần mỉm cười duy nhất này là thần được cho là mang lại hy vọng, niềm tin và sức mạnh để phục hồi nụ cười cho mọi người.

Một chút về tượng thần cười.

Trong chiến tranh thế giới thứ nhất (1914), nhà thờ bị thiệt hại nặng khi hàng trăm quả đạn pháo nhắm trúng nhà thờ. Mái gỗ sồi bốc cháy, kim loại bị đun nóng chảy xuống sàn nhà, v.v...

Đầu của thần có nụ cười rơi xuống từ trên cao xuống sàn vỡ thành từng mảnh. Những mảnh vụn được thu nhặt và đuợc cất giữ trong hầm mồ của nhà thờ. Trong những năm kế tiếp 1915-16, những mảnh tượng vỡ vụn vẫn còn được tiếp tục thu thập. Tất cả đều được trữ trong hầm nhà thờ.

Sau đó vào tháng 3 năm 1918, khi quân Đức mở một cuộc tiến công lớn vào thành phố Rheims, những đồ vật tàng trữ trong nhà thờ đổ nát, bao gồm cả các mảnh vỡ của bức tượng, đã được vận chuyển ra khỏi thành phố, và bị phân tán đi nhiều nơi khác nhau ở Paris.

Sau khi chiến tranh kết thúc, những mảnh vụn của các bức tượng cuối cùng đã được thu hồi lại trở về nhà thờ Reims. Sau nhiều ý kiến trái ngược (có nên phục hồi tượng không hay là cứ để nguyên dấu vết tàn phá chứng minh cho sự hủy diệt của chiến tranh), thì tượng đã được phục hồi.

Những nỗ lực xây dựng lại thiên thần bị đổ vỡ đã trở thành biểu tượng cho cuộc đấu tranh phục hồi của chính nước Pháp. Sự tìm kiếm thêm các mảnh vụn vỡ lại tiếp tục. Và năm 1921việc rắp láp bắt đầu thực hiện và dần dần đến năm 1926, các mảnh vỡ đã được gắn lại cùng sự phụ trợ hỗn hợp đá và xi măng, và sau cùng với các tượng khác, tượng thần cười đã có đuợc hình dạng như ngày nay.

Vào trong nhà thờ, chúng ta thấy có một đặc điểm khác của Nhà thờ là Vitrail du Champagne, những cửa sổ kính màu lịch sử Champagne. Cửa sổ này bao gồm ba khung cao mười mét được nối với ba vòng kính tròn màu phía trên đường kính 2.4 mét. Trong ba khung cửa sổ Champagne này, bạn có thể xem tất cả các câu chuyện về lịch sử sản xuất Champagne; những người thợ trồng nho làm việc trong vườn nho, thu hoạch nho và cuối cùng là ép nho và làm rượu trong các hầm chứa, công cụ trồng nho và sản xuất rượu vang và quang cảnh của 44 làng vùng Champagne. Và còn có cả nhưng nhân vật quan hệ đến rượu nho Champagne như Dom Pérignon (ông thầy hầm rượu của Hautvillers), John the Baptist (vị thánh bảo trợ của công nhân hầm rượu) và St Vincent (vị thánh của những người trồng nho).

Cùng với ảnh hưởng trong thành phố, Ki tô giáo cũng sở hữu những lãnh địa lớn trong đó có nhiều ruộng nho rất tốt, làm ra những thứ rượu rất ngon dùng trong các thánh lễ. Và vào năm 1114, một vị giám mục tại đây đã soạn thảo một văn kiện quy hoạch các ruộng nho thuộc quyền các tu viện và nhà thờ trong vùng Champagne. Đây chính là thư tịch cổ xưa nhất (chứ không phải đạo luật 1927) khai sinh vùng nho Champagne.
 

Nhưng dấu ấn của Thiên Chúa giáo đối với rượu champagne không chỉ có vậy. Một số người tin rằng tác giả thứ rượu vang vàng sủi bọt mà ngày nay không thể thiếu trong các dịp tiệc tùng là một thầy tu dòng Benedicte tên là Dom Pérignon (1638-1715), nhưng thật ra không phải thế. Trước thời Dom Pérignon, người ta vẫn làm ra rượu champagne bằng cách này hay cách khác, nhưng Dom Pérignon được xem là người đã cải thiện quy trình làm rượu. Và phải đến đầu thế kỷ 19 phương thức làm rượu methode champenoise mới được nhà Veuve Cliquot hoàn thiện.

Dom Pérignon cũng là người phát minh ra kiểu vỏ chai dày dùng đựng rượu champagne và chiếc nút bần (liège) nổi tiếng vẫn dùng đến ngày nay.

Rượu Champagne nổi tiếng Dom Pérignon, một loại vang cuvée của hãng Moet & Chandon mang tên ông. Ông cũng là người đồng thời với vua Louis XIV (1638-1715).

Đã nhiều thế kỷ trôi qua nhưng những ô kính vẽ những điển tích trong Kinh thánh vẫn sáng màu rực rỡ. Không khí trong thánh đường thật tĩnh lặng, khách tham quan trong sự im lặng tuyệt đối, như không muốn phá hỏng sự trang nghiêm nơi 25 vị vua Pháp đã từng quỳ chịu lễ tôn vương.

Một chút lịch sử. Nhà thờ Reims, nhà thờ Paris và nhà thờ Chartres, là những nhà thờ nổi tiếng nhất thế giới. Tuy nhiên, nhà thờ Đức Bà Reims nổi bật về tỷ lệ tuyệt vời và vẻ đẹp lộng lẫy của nó; và đó là lý do mà Vua Louis IX, người trị vì nước Pháp , ra lệnh rằng tất cả các vị vua tương lai của Pháp sẽ phải được xức dầu thánh tại Nhà thờ Đức Bà. Và trong hơn 500 năm, họ đã làm đúng như thế.

Reims là một thành phố lớn có từ thời La Mã, được xem như là lớn thứ ba trong đế chế, trong thời đại mà thành phố Paris và Chartres chỉ là những thị trấn nhỏ. Quan trọng hơn, nó là một trung tâm thương mại giữa người La Mã và các bộ lạc người Gaul khác nhau, và bất kỳ ai khác trên thế giới muốn thương lượng với hai nhóm này. Vì khách du lịch từ xa hàng ngàn dặm đến nên thời đó có rất nhiều nhà tắm La Mã được dựng để cung cấp dịch vụ cho họ.

Khi thời La Mã suy thoái, thì Cơ đốc giáo đến dần dần và một nhà thờ đã được dựng lên tại địa điểm có các nhà tắm, có lẽ vào đầu thế kỷ thứ năm. Vào cuối thế kỷ đó, Clovis, vị vua đầu tiên của Pháp, người đã thống nhất các bộ lạc Pháp khác thành một tổng hợp gọi là Pháp, Clovis đã thay đổi nhóm lãnh đạo các bộ lạc thành một vua duy nhất, và vương quyền sẽ được chuyển tiếp thừa tự chức vua. Clovis đã chấp nhận đạo Công giáo La Mã từ năm 496 , và vào ngày lễ Giáng sinh năm 508, ông được Thánh Rémi, giám mục thành phố, làm lễ rửa tội ở trung tâm nhà thờ nhỏ của Reims. Theo sau Clovis là cả ngàn tín đồ theo ông làm lễ rửa tội.

Chắc chắn không ai bước vào nhà thờ mà không thấy một viên đá trắng hình vuông nhỏ, được đặt ngay lối dẫn vào chính điện mang hàng chữ:

Và từ đó, Reims đã chuyển đổi từ một trung tâm thương mại của khu vực thành một biểu tượng quyền lực cho tất cả người dân nước Pháp. Nhà thờ nhỏ phát triển thành một nhà thờ lớn hơn, và khi nó bị thiêu rụi vào năm 1211, công việc xây dựng Nhà thờ Đức Bà mới được bắt đầu ngay lập tức.

Trải qua chiến tranh Thế giới đệ nhất và nhiều tàn phá, vào cuối năm 1918, nhà thờ chỉ còn lại những bức tường bị đập phá, những chiếc đà dựng vách nhà thờ hoang tàn đổ nát.

Nhưng rồi thành phố Reims đã được xây dựng lại, và nhà thờ Reims cũng vậy, với sự giúp đỡ một phần từ gia đình Rockefeller. Một trong những dự án đầu tiên là phục chế Smiling Angel; và rồi chúng ta nay thấy Reims đã khôi phục lại nụ cười và sức mạnh của nó. Nhà thờ mở cửa trở lại cho công chúng vào năm 1935 cho đến hiện tại.

Một nguồn tài trợ. Vào ngày 3 tháng 5 năm 1924, John D. Rockefeller, Jr., đã viết thư cho Thủ tướng Pháp Raymond Poincaré để đề nghị chính thức hỗ trợ tài chính cho việc trùng tu một số di tích quốc gia của Pháp. Bản thân món quà đã tài trợ cho việc sửa chữa tại ba địa điểm riêng biệt: Nhà thờ Reims, Cung điện Versailles và Cung điện Fontainebleau. Nhưng Rockefeller và các nhân viên của ông luôn nhấn mạnh rằng điều quan trọng nhất trong ba công trình là việc trùng tu Nhà thờ Reims, một biểu tượng quốc gia được tôn kính của người dân Pháp.

Rất khó để chỉ ra một lý do duy nhất khiến John D. Rockefeller, Jr. quyết định giúp khôi phục lại các di tích văn hóa Pháp. Chắc chắn món quà phù hợp với truyền thống gia đình. Ngay cả trước khi kiếm được hàng triệu USD vào cuối thế kỷ 19, John D. Rockefeller, Sr. đã dành một phần trăm đáng kể thu nhập của mình cho các hoạt động từ thiện. Được thành lập vào năm 1913, Rockefeller Foundation là cơ chế chính để thực hiện hoạt động từ thiện có tổ chức của Rockefeller. Nó hoạt động trên toàn thế giới để hỗ trợ các sáng kiến ​​giáo dục, y tế và sức khỏe cộng đồng.

Các báo cáo về sự đóng góp đã bao quát góc độ biểu tượng này, nhấn mạnh vào Nhà thờ. Một bài báo New York Evening World vào ngày 30 tháng 5 năm 1924 có tiêu đề, "Rockefeller Jr. tặng 1,000,000 đô la, giúp khôi phục nhà thờ Reims." Tiếp theo là một phụ đề nhỏ hơn, thông báo "$ 750,000 sẽ được sử dụng để sửa chữa các cung điện tại Versailles và Fontainebleau ($250,000 dành cho nhà thờ Reims).

Reims cũng có một Công trường Hoàng gia, hiên nay vẫn còn thấy tượng đồng của Louis XV với tư cách là hoàng đế La Mã, đứng trên bệ tròn được bao quanh bởi hai nhóm điêu khắc bằng đồng:

Luật chi phối Sức mạnh. Người phụ nữ dẫn đầu một con sư tử.

Thương mại. Người đàn ông đang ngồi trên một số kiện hàng hóa.

Trên đế vua Louis XV đứng còn có quốc huy bằng đồng của Pháp và của thành phố Reims.

Thêm một chút về rượu champagne.

Kèm theo dưới đây là nhãn hiệu một cổ chai rượu Champagne của Henri Abelé với hình Thiên thần mỉm cười. Maison Abelé được thành lập vào năm 1757 đã có những đóng góp lớn vào việc phục hồi Nhà thờ Đức Bà Reims. Hãng rượu này cũng có rượu cuvée cao cấp mang tên Sourire de Reims Brut và Sourire de Reims Rosé.

Lẽ dĩ nhiên phải kể đến champagne Veuve Clicquot CVP.

Veuve Clicquot Ponsardin là một nhà sản xuất rượu Champagne của Pháp có trụ sở tại Reims, chuyên về các sản phẩm cao cấp. Nó được thành lập vào năm 1772 bởi Philippe Clicquot và là một trong những nhà rượu sâm banh lớn nhất trên thế giới. Madame Clicquot được ghi nhận với những bước đột phá lớn, tạo ra rượu Champagne cổ điển đầu tiên được biết đến vào năm 1810, và phát minh ra quy trình để làm rượu champagne vào năm 1816 (méhode champenoise). Năm 1818, bà đã phát minh ra loại rượu champagne pha trộn màu hồng đầu tiên được biết đến bằng cách pha trộn các loại rượu champagne trắng và đỏ. Quá trình này vẫn được sử dụng cho đến ngày nay bởi phần lớn các nhà sản xuất rượu champagne.

Madame Clicquot đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thiết lập champagne như một thức uống ưa thích của xã hội thượng lưu và giới quý tộc trên khắp châu Âu.

Chai rượu mang nhãn màu vàng đặc biệt của nó từ cuối thế kỷ 19.

Công ty Louis Vuitton đã mua nhà rượu này vào năm 1986, nay là một phần của tập đoàn LVMH (Moët Hennessy Louis Vuitton)  được thành lập vào năm 1987 và tiếp tục mở rộng ra toàn thế giới.

Chai Veuve Clicquot có từ loại chai "piccolo" (0.188 L) đến "balthazar" (12 L).

Một chút lịch sử về champagne Veuve Clicquot

Vào năm 1772, tại làng vùng Champagne có một thương gia chủ nhà dệt, chủ ngân hàng và chủ vườn nho mang tên Philippe Clicquot mở một công ty làm rượu. Nhờ có tài ông đã nhanh chóng phát triển rượu Champagne của vườn nho nhà ông lên một số lượng từ 4,000 đến 6,000 một năm nếu trúng mùa nho tốt.

Cùng thời gian đó, một thương gia khác mang tên Nicolas Ponsardin cũng thành công trong ngành dệt. Hai ông này thông gia với nhau, sắp xếp cho con trai ông Clicquot (Francois) lấy con gái ông Ponsardin (Barbe-Nicole).

François Clicquot và Barbe-Nicole Ponsardin đã kết hôn vào ngày 10 tháng 6 năm 1798 khi Barbe-Nicole. Và một công ty mang tên Clicquot-Muiron et Fils ra đời với số chai sản xuất hàng năm từ hàng 6-7ngàn chai lên tới hàng 5-6 chục ngàn chai vào đầu thế kỷ 19 (1804). Do sự thành công của công ty rượu, ông Philippe đã ngưng hãng dệt để điều động nhà rượu.

François Clicquot bắt đầu toàn quyền điều động nhà rượu từ năm 1801 sau khi ông Philippe về hưu. Với sự hợp tác của Louis Bohne một nhân viên tận tụy với nhà rượu, thường hay đi công vụ nhiều quốc gia khác ở Châu Âu, hãng rượu càng ngày càng bành trướng mạnh. Francois đột ngột qua đời năm mới 30 tuổi (1805) qua một cơn bạo bệnh.

Bà vợ góa trẻ tuổi Barbe-Nicole, 27 tuổi, với sự ủng hộ của bố chồng Philippe đã quyết định tiếp tục quản gia việc kinh doanh của chồng, và sau đó trở thành một trong những nữ doanh nhân đầu tiên điều hành một doanh nghiệp quốc tế trong một thế giới do đàn ông thống trị.

Barbe-Nicole Ponsardin sinh năm 1777, vài năm trước Cách mạng Pháp. Cha cô, Nam tước Nicolas Ponsardin, một nhà sản xuất dệt may thành công, là người đã tham gia vào cả kinh doanh và chính trị.Trước là một người theo chủ nghĩa bảo hoàng vua Louis XVI, nhưng khi cách mạng Pháp đến vào năm 1789, ông Ponsardin đã đổi chiều ủng hộ cách mạng. Nhờ thế mà gia đình của Barbe-Nicole đã thoát khỏi cuộc Cách mạng không hề bị tổn hại.

Khi Barbe-Nicole kết hôn với François Clicquot, cô mới 21 tuổi. Khi chồng qua đời vào tháng 10 năm 1805, bà 27 tuổi . Hai vợ chồng chỉ có một con gái duy nhất tên Clémentine lên sáu tuổi (sanh năm 1799) .

Vào đầu thế kỷ 19, Bộ luật Napoléon đã phủ nhận các quyền dân sự và chính trị của phụ nữ, cấm họ làm việc, bỏ phiếu, kiếm tiền hoặc vào các trường học và đại học mà không có sự đồng ý của chồng hoặc cha của họ. Vào thời điểm đó, các góa phụ là phụ nữ duy nhất trong xã hội Pháp được tự do và được phép kinh doanh riêng. Và từ năm 1810 hãng rượu được đổi tên thành Veuve Clicquot (Bà góa Clicquot).

Barbe-Nicole đã tham gia học nghề làm rượu với nhà sản xuất rượu Alexandre Fourneaux, và đã cứu vãn đuợc công việc kinh doanh rượu vang của gia đình và phát triển nhà rượu càng ngày càng lớn hơn.

Barbe-Nicole đã xuất khẩu phần lớn rượu sâm banh của mình ra khỏi Pháp. Vì chiến tranh Napoleon, nhà rượu phải đối mặt với sự phong tỏa của hải quân nên phải ngưng gửi rượu của mình ra nước ngoài nhất là Sa hoàng Nga cấm nhập cảng hàng từ Pháp.

Trong khi các cuộc phong tỏa của hải quân trong chiến tranh làm tê liệt hoạt động vận chuyển thương mại, đối mặt với tình trạng phá sản, Barbe-Nicole đã chơi một canh bạc kinh doanh: bà và Louis Bohne đã bí mật gửi lén rượu champagne của mình đến Amsterdam trữ kho tại đó chờ ngày gửi sang Nga khi hoàn cảnh thuận tiện.

Khi chế độ quân chủ của Pháp được khôi phục, Madame Clicquot và Louis Bohne đã thực hiện kế hoạch mà họ đã chuẩn bị trong 5 năm. Năm 1814, khi các cuộc phong tỏa không còn nữa, công ty đã thuê một tàu chở rượu đi Nga, để giao rượu Veuve Clicquot đến thị trường Nga. Hơn 20,000 chai rượu được bán tại Nga sau hai chuyến giao hàng. Khi rượu sâm banh đến St.Petersburg, Đại công tước Michael Pavlovich của Nga, anh trai của Sa hoàng Alexander I, tuyên bố rằng rượu sâm banh Veuve Clicquot-Ponsardin sẽ là loại duy nhất mà ông ta sẽ uống. Lời tuyên bố của ông lan truyền khắp triều đình Nga.

Năm 1814 là một bước ngoặt trong lịch sử của công ty Veuve Clicquot. Madame Clicquot đã khôi phục công việc kinh doanh của mình bắt đầu từ sự thành công của liên doanh ở Nga đã khiến tên tuổi Veuve Clicquot trở nên nổi tiếng ngay năm 1814. Trong những năm sau đó, Nga tiếp tục mua rượu vang Veuve Clicquot. Doanh số bán hàng tăng vọt từ vài chục ngàn chai vào năm 1816, đã tăng lên vài trăm ngàn chai vào năm 1821. Trong vòng hai năm (1814-1816), góa phụ Clicquot đã trở nên nổi tiếng và đứng đầu một doanh nghiệp thương mại nổi tiếng quốc tế.

Dưới sự hướng dẫn của Madame Clicquot, công ty tập trung hoàn toàn vào công việc sản xuất rượu và cuối cùng đã đạt được thành công lớn.

Năm 1841, khi Edouard Werlé người giữ nhiệm vụ mở rộng thị trường sang những nước khác ở Âu châu, chính thức trở thành người đứng đầu công ty, số chai hàng năm không bao giờ giảm xuống dưới 300,000 chai. Edouard và con trai của ông là Alfred đã điều hành công việc kinh doanh trong những năm tiếp theo để phát triển lớn hơn nữa: họ mua lại những vườn nho mới và vào năm 1877 bắt đầu sử dụng nhãn màu vàng cho rượu vang, một màu sắc khác thường đối với rượu sâm banh vào thời điểm đó. Họ đã đăng ký nhãn hiệu dưới nhãn hiệu "Veuve Clicquot Ponsardin" Yellow Label.

Trong khi công ty đang theo đuổi việc mở rộng, Madame Clicquot qua đời tại Château de Boursault vào ngày 29 tháng 7 năm 1866, thọ 89 tuổi.

Những Chai Champagne bị đắm tàu

Năm 1987, một cuộc thám hiểm, được cấp phép bởi Bộ Ngoại giao Michigan và Bộ Tài nguyên Thiên nhiên Michigan và do nhà khảo cổ học dưới nước E. Lee Spence đứng đầu, đã thu hồi một số trường hợp rượu Champagne Veuve Clicquot (Yellow Label, Brut) ngày 9 tháng 11 năm 1913 từ chiếc tàu hơi nước Canada Regina bị đắm ở Hồ Huron, ngoài khơi Cảng Sanilac, Michigan. Ông Spence sau đó mô tả rượu Champagne vẫn còn sủi tăm là "có màu khá sẫm nhưng có hương vị tuyệt vời." Địa điểm đắm tàu ​​nằm ở độ sâu khoảng 83 feet nước ở vĩ độ 43 ° 20,24 ′ Bắc, kinh độ 82 ° 26,76 ′ Tây. Nhiệt độ nước tại khu vực xác tàu nằm trong khoảng từ 1-⁠18 ° C (35 -65 ° F).

Vào tháng 7 năm 2010, một nhóm thợ lặn Phần Lan đã tìm thấy 168 chai sâm banh bên dưới biển Baltic ngoài khơi quần đảo Åland. Các chai đã được gửi trở lại Pháp để phân tích. 99 chai trong số đó được xác định là Juglar, 46 chai là Veuve Clicquot, và ít nhất 4 là Heidsieck.

Khi rượu được nếm thử vào năm 2015, một số trong số chúng vẫn có thể uống được, được bảo quản tốt nhờ điều kiện lạnh và tối ở độ sâu.

Phân tích hóa học cho thấy lượng đường (150 g / L) cao hơn nhiều so với rượu sâm banh hiện đại (nhiều hơn hầu hết các loại rượu Sauternes), so với rượu sâm banh ngày nay thường là từ 6 đến 10g mỗi lít. Hàm lượng đường cao này là đặc trưng cho thị hiếu của người dân vào thời điểm đó, đặc biệt là thị trường Nga được biết đến với sở thích rượu ngọt hơn.

Nó cũng có hàm lượng muối, sắt, chì, đồng và arsenic cao hơn nhiều so với các loại champagne hiện đại. Người ta tin rằng arsenic và đồng có nguồn gốc từ thuốc trừ sâu cổ xưa (hỗn hợp Bordeaux) được bón cho nho. Sắt có thể đến từ đinh dùng trong thùng rượu, và chì rỉ ra từ các phụ kiện van bằng đồng của thiết bị sản xuất rượu. Các nhà sản xuất rượu sâm banh hiện đại bắt đầu với rượu từ thùng thép không dỉ, mang lại hàm lượng sắt và chì thấp hơn.

Vào ngày 17 tháng 11 năm 2010, chính quyền địa phương của Quần đảo Åland thông báo rằng hầu hết các chai sẽ được bán đấu giá. Một chai rượu Veuve Clicquot gần 200 năm tuổi đã phá kỷ lục về loại rượu sâm banh đắt nhất từng được bán. Năm 2011, một người đấu thầu đã trả 30,000 euros cho một chai trong số chai được tìm thấy ở Biển Baltic.

Kết quả là vào năm 2014, nhà rượu đã nhấn chìm 300 chai rượu champagne 750 ml và 50 chai champagne magnum 1.5ml tại đúng vị trí xác tàu chìm để nghiên cứu xem liệu nó có thay đổi khác với trên cạn hay không. Nghiên cứu này sẽ đuợc tường trình sau 40 năm nữa khi được vớt lên và sẽ được so sánh với một bộ champagne khác có cùng tuổi dưới hầm trong lòng đất ở cùng độ sâu.

Chai rượi VCP cũ nhất

Vào tháng 7 năm 2008, một chai Veuve Clicquot chưa mở đã được phát hiện bên trong tủ gỗ ở Lâu đài Torosay, Đảo Mull, Scotland. Chai đề năm 1893 ở trong tình trạng tốt, được giữ trong bóng tối. Hiện nó được trưng bày tại trung tâm du khách Veuve Clicquot Ponsardin ở Reims và được coi là vô giá. Đây là chai cổ nhất mang nhãn màu vàng được lưu giữ trong bộ sưu tập của nhà Veuve Clicquot.

Năm 2001, bà Cecile Bonnefond trở thành nữ chủ tịch đầu tiên của Veuve Clicquot kể từ khi bà góa Clicquot điều hành công ty.

Epernay

Thăm Reims, ăn trưa tại Reims rồi chúng tôi ghé Epernay thăm nhà hầm rượu Georges Cartier.


Lời kết

Thành phố Reims với Nhà thờ Đức Bà Reims với hơn 2,3,00 tượng, với thần cười, và với những hãng rượu nổi tiếng là một địa điểm không thể không thăm viếng được cho những ai thích du lịch.

Rượu Chamgne thì được toàn thế giới biết đến.

Rượu Champagne được dùng để khai trương nhiều biến cố, và chắc chắn chúng ta nhiều người đã thấy có cảnh một nhân vật quan trọng khánh thành một thương/du thuyền mới với một chai rượu Champagne đu mạnh đập bể vỏ chai vào cạnh thuyền tàu.

Rượu Champagne là một thức uống không thể thiếu được trong những buổi họp mặt để mừng cho dù bất cứ một dịp nào từ phạm vi nhỏ hẹp gia đình đến những buổi tiệc lớn cả trăm ngàn người, và nhất là đám cưới.

Xin dùng một ly rượu champagne mừng thành phố và các nhà/hầm chế tạo rượu champagne tại Reims.

Sóng Việt Đàm Giang.
December 06, 2020.
https://en.wikipedia.org/wiki/Reims

https://en.wikipedia.org/wiki/Reims_Cathedral

https://en.wikipedia.org/wiki/Traditional_method

https://statues.vanderkrogt.net/object.php?webpage=ST&record=frca016