

Hoa bưởi
thơm rồi đêm đã khuya
Người xưa thường nói 'trâu
chậm uống nước đục', nhưng quí vị có biết là người
mà chậm thì lấy gì uống không quí vị?
Chẳng còn gì để mà uống
đâu quí vị ơi ...
Bằng chứng là ngày xưa Thủy
tinh chậm chân hơn Sơn tinh nên lạc mất Mỵ Nương, hận thù
đến mấy ngàn năm không nguôi nên năm nào Thủy Tinh cũng
dâng nước kéo thủy quân đi đòi người đẹp mặc cho dân
tình chịu lụt lội, lạnh lẽo ...
Bên Tầu cũng có một ông chậm
chân như Thủy Tinh . Ông ấy tên là Trương Tịch. Ngươì đẹp
đi lấy chồng rồi, ông ấy buồn quá nhưng không TỊCH (tức
là không chết vì tịch có nghĩa là chết ), ông ấy lại còn
làm bài thơ với tựa đề là :
Tiết Phụ Ngâm
Quân tri thiếp hữu phu
Tặng thiếp song minh châu
Cảm quân triền miên ý
Hệ tại bồng la nhu
Thiếp gia, cao lâu liên uyển
khởi
Lương nhân chấp kích Minh
Quang lý
Sự phụ thệ nghĩ đồng
sinh tử
Hoàn quân minh châu song lệ
thùy
Hận bất tương phùng vị
giá thì
Sao Khuê xin bàn ngang tán dọc
cho quí vị nghe :
Chàng hay thiếp đã có chồng
- Vẫn yêu gửi tặng ngọc hồng một đôi - Thương chàng quá
đỗi chàng ơi - Thiếp đem dấu ngọc ở nơi yếm hồng - Nhà
thiếp ở cạnh vườn rồng - Chồng thiếp làm ngự lâm quân
cho Người - Biết chàng lòng tựa trăng trời - Nghĩ cùng chồng
sẽ trọn đời sống chung - Trả chàng ngọc, lệ rưng rưng
- Hận không gặp gỡ khi cùng sang xuân...
Sao quí vị thấy thế nào ?
Anh chàng có giống như như con gà trống, thấy người đẹp
thì ngổng cổ lên gáy ò ó o không đã vậy còn tý toáy, dù
người ta đã có chồng, cũng còn ráng đem ngọc mà dụ dỗ
gái có chồng !! Còn cô nàng, trời ơi vậy mà gọi là tiết
phụ - người đàn bà tiết hạnh - Cô, à không bà đã có
chồng rồi còn nhận quà của đàn ông, dấu đâu không dấu
lại dấu vào yến thắm nữa chứ, dấu rồi nhưng vẫn sợ
chồng biết...nó lại 'kích' cho môt cái, đành bấm bụng đem
trả, trả nhưng mà còn tiếc còn hận ...phải chi lấy được
chàng giầu sụ có ngọc đeo thì đâu cay đắng như bây giờ
phải làm vợ anh lính quèn dù là lính gác điện vua !!!!
Không hiểu bài thơ hay cỡ
nào mà có hai cụ chuyển ngữ sang tiếng Việt. Cụ Trần Trọng
San thì :
Thiếp có chồng chàng
đà hay biết
Đôi minh châu tha thiết
còn trao
Tạ lòng vương vấn biết
bao
Ngọc này thiếp buộc áo
đào thắm tươi
Nhà thiếp ở kế ngoài
ngự uyển
Chồng thiếp làm lính điện
Minh Quang
Biết chàng lòng sánh như
trăng
Thờ chồng thiếp nguyện
đá vàng thuỷ chung
Trả minh châu lệ đôi dòng
Hận không gặp lúc chỉ
hồng chưa xe
Còn cụ Ngô tất Tố thì :
Chàng hay thiếp có
chồng rồi
Yêu em chàng tặng một đôi
ngọc lành
Vấn vương những mối cảm
tình
Em đeo trong áo lót mình
mầu sen
Nhà em vườn ngự kế bên
Chồng em cầm kích trong
vườn Minh Quang
Như gương vâng biết lòng
chàng
Thờ chồng quyết chẳng
phụ phàng thề xưa
Trả chàng ngọc, lệ như
mưa
Giận không gặp gỡ khi
chưa có chồng.
Sao Khuê đọc báo, thấy có người
đồng ý với Sao Khuê , không công nhận nười đẹp này là
tiết phụ, tiết phụ- nhất là tiết phụ hồi năm một ngàn
mí trăm ...thì phài quay ngoắt đầu đi khi thấy đàn ông lân
la làm quen, phải ..mắng cho nó vài mắng khi nó định tặng
quà, khốn nỗi quà này ..nặng ký quá - diamant for ever - nên
nàng thua đậm: lấy lửa để thử vàng, lấy vàng để thử
đàn bà và lấy đàn bà để thử đàn ông !!! Nàng thấy ngọc
thì tối mắt , chàng thấy người đẹp thì như Tây Môn Khánh,
cả hai , chàng và nàng đều là ...đồ dởm !!!!
Đàn bà Tầu thì thế, còn
đàn bà Việt Nam thì sao, thưa quí vị :
* Trèo lên cây bười
hái hoa
Bước ra vườn cà hái nụ
tầm xuân
Nụ tầm xuân nở ra xanh
biếc
Em lấy chồng rồi anh tiếc
lắm thay!
* Tiếc gì một miếng trầu
cay
Sao anh không hỏi những ngày
còn xuân
Giờ đây em đã có chồng
Như chim vào lồng, như cá
cắn câu
Cá cắn câu biết đâu mà
gỡ
Chim vào lồng biết thuở nào
ra...
Và :
Có lòng xin tạ ơn lòng
Xin đừng lui tới kẻo chồng
em ghen
Theo đây thì dường như phụ
nữ Việt Nam tiết hạnh hơn mấy cú nường bên Tầu... nhưng
đó là chuyện đời xưa, chứ đời nay mà có ngọc đưa tặng
thì dám cá cũng ..cắn dây, chim cũng sổ lồng mà theo ..ngọc
đấy quí vị ơi !!
Không hiểu là khi sáng tác
bài 'Tiết phụ ngâm' này ông Trương Tịch có ý nhắn nhe ai
không chứ còn bài đồng dao của Việt Nam thì người ta cho
rằng Đào duy Từ là tác giả, ông mượn lời người thiếu
phụ có chồng - cũng ví như ông đã về với Chúa Nguyễn
- mà nhắn nhe Chúa Trịnh khi Chúa Trịnh cho vời ông ra Bắc
làm việc:
Đào duy Từ (1571-1630) là người
có tài, gốc làng Hoa Trai, phủ Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hoá; thân
phụ ông bị trục xuất khỏi quân ngũ chúa Trịnh vì tội
phạm húy nên phải hành nghề hát bội mà sinh sống. Mồ côi
cha từ thuở lên 5, ông được mẹ nuôi cho ăn học. Thông
minh tài giỏi nhưng ông không được đi thi vì là con nhà hát,
bị xếp vào xướng ca vô loại. Mẹ ông phải hứa lấy lẽ
xã trưởng để ông được đổi sang họ mẹ là họ Vũ. Năm
1592 Đào Duy Từ đậu cử nhân, sửa soạn thi tiến sĩ nhưng
vì mẹ ông không chịu chắp nối cùng xã trưởng như đã
hứa nên ông bị tố là khai gian lý lịch, phải trả lại
áo mũ cử nhân và bị cấm thi vĩnh viễn.
Chúa Nguyễn Hoàng có dịp ra
Bắc thăm chị (vợ của Chúa Trịnh) lén đến mời ông vào
Nam cộng tác; nhưng chờ đến khi mẹ mất, tang ma xong ông
mới lẻn vào Nam. Khi này Chúa Tiên (Nguyễn Hoàng) đã mất,
Đào Duy Từ phải nương náu nhà quan Khâm lý Trần đức Hòa,
sau đó được quan khâm lý tiến cử với chúa Sãi (Nguyễn
Phúc Nguyên) và trở thành quân sư của Chúa Nguyễn. Đào duy
Từ cho xây dựng lũy Đồng Hới để kháng cự với Chúa Trịnh
đàng ngoài. Lũy này cũng mang tên là lũy Thày. Thầy là tiếng
dân chúng gọi Đào Duy Từ để tỏ lòng tôn kính. Chúa Trịnh
hay tin cho người vào Nam lén gặp và dụ dỗ ông trở ra đàng
ngoài (miền Bắc). Đào duy Từ không muốn trở ra nhưng vì
bà con, mồ mả cha mẹ còn ở miền Bắc, ông không dám thẳng
thừng cự tuyệt, đành mượn lời người thiếu phụ để
tỏ nỗi lòng. Bài thơ dần dần được phổ biến trong dân
gian nên trở thành bài đồng dao.
Việt Nam mình dường như cũng
còn nhiều người chậm chân nữa :
Hay tin em chửa có
chồng
Nên anh mua cốm mua hồng
sang thăm
Đến nơi em đã có chồng
Để cốm anh mốc để hồng
long tai
Tưởng răng long một, long
hai
Ai ngờ long cả trăm hai
quả hồng
Chàng chậm chân, chàng ngơ ngẩn
tiếc của : tiếc tiền mua một trăm hai chục quả hồng mà
nàng thì :
Chờ chàng chẳng
thấy chàng sang
Bây giờ phận liễu viết
ngang mất rồi...
Ui chao ! chậm quá rồi, nàng đã
lấy chồng mà ..thành quả còn trình làng là cái bầu sờ
sờ ra đó, phận liễu nay đà nẩy nét ngang. Tức chết được
nên đâm sảng chàng dại dột ... trèo lên cây bưởi hái hoa
mặc cho gai đâm mà ..hưởng thú đau thương!
Bưởi là cái chi thưa quí vị
?
Bưởi, tên khoa học là Citrus
maxima thuộc họ Cam (Rutacae). Cây bưởi ở xứ mình khá cao
to, có khi tới 10-12 mét, vỏ thâm mầu vàng lợt, đôi khi có
kẽ nứt ở thân nên có chảy nhựa. Cây bưởi có nhiều cành,
cành có gai nhọn nên ở nhà quê dùng gai thay kim để lể (khều)
ốc mà ăn . Lá bưởi xanh ngắt,thắt lại làm hai phần, dài
gấp hai lần rộng(11-12cm), hoa to mọc thành chùm rất thơm
- ngửng đầu ngóng mãi chưa xong nhớ, hoa bưởi thơm
rồi đêm đã khuya . Hoa nở vào tháng 3, tháng 5, thơm ngát
cả khu vườn. Hoa đậu lại thành trái, cho quả vào tháng
8, tháng 11. Quả bưởi to, có khi bằng đầu người (chứ không
như bưởi ngoại quốc chỉ nhỉnh hơn quả cam). Hai bầu sữa
của bà nào đồ sộ thường được ví như hai quả bưởi
hay hai quả dừa. Ở Việt Nam, bưởi ngon có tiếng ở vùng
Vĩnh Phú (miền Bắc), Biên Hòa (miền Nam) :
Bưởi Chi Đán, quít
Đan hà
Cà phê Phú Thọ, đồi trà
Thái Ninh
Hay là
Bưởi Đại Trà,
cam Đồng Vụ
Gà Văn Cú, vú Đồ Sơn
(?)
Miền Nam có bưởi Biên hòa ,
trái tuy nhỏ nhưng rất ngọt, sau này lại có bưởi Năm Roi
do một người sống trên sông nước tình cờ vớt được
lấy giống, nay được trồng ở nhiều nơi, bưởi có tên
Năm Roi vì khi trẻ trong nhà hay trẻ hàng xóm có leo phá cây
thì bị đe là phá cây hái trái non sẽ bị đòn năm roi.
Người miền Bắc cũng gọi
trái bưởi to tròn như quả bóng, vỏ xanh là quả bòng. Vỏ
quả bòng thường mỏng hơn vỏ bưởi và mùi vị cũng nhạt
chứ không đậm đà như vị bưởi nhưng mà ít có người
phân biệt được đâu là quả bòng đâu là quả bưởi:
Tưởng rằng một
dạ một lòng
Ngờ đâu đem dạ bưởi
bòng phụ nhau
Hay là :
Mẹ em khéo đẻ em
ra
Đẻ em gốc bưởi cho ta
đèo bòng
Bưởi hay bòng chứa nhiều nước
nên vị mát và ngọt :
Ra về lòng lại dặn
lòng
Chua chanh chớ phụ ngọt
bòng chớ ham
Mua bưởi phải lựa qủa nào
nặng còn tươi vỏ thì chúng ta hy vọng có quả bưởi ngon
nhưng đôi khi chẳng may vẫn bị gặp phải quả chua :
Chắc gì khế ngọt
hơn chanh
Mà xa càng bưởi bẻ cành
thanh du
Quả bưởi, ngoài cùng là lớp
vỏ phơn phớt vàng ánh xanh, kế đó là lớp cùi mầu trắng
rồi mới tới múi bưởi ăn được. Ở nhà quê miền Bắc
khi ăn bưởi người ta giữ lại phần vỏ và cùi, treo lên
gác bếp để dành nấu nước gội đầu vì tinh dầu bưởi
làm mướt tóc. Lá, hoa, vỏ và múi bưởi đều chứa tinh dầu
:
Dầu bông bưởi,
dầu bông hồng, dầu hải đường
Thơm thiệt là thơm
Tóc em như lông con chó xồm
Xức dầu thì xức, ai thèm
dòm, bớ em Hai
Dầu bông bười, dầu bông
lài
Xức vô tới Tết còn hoài
mùi cứt trâu
Xức tóc con Thị Mầu, nó
đứng đầu cầu
Nắng mưa dãi dầu, hôi
hãy còn hôi...
Bưởi có từ hàng ngàn năm trước
ở trung Hoa và Ấn độ nhưng người phương Tây thì mới biết
trái bưởi từ mấy trăm năm nay thôi. Theo họ thì khởi đầu
bưởi biết đến từ hải đảo Barbados với tên là Forbidden
fruit (trái cấm), sau đó thuyền trưởng Shaddock mang hạt một
loại trái cây tên là pomelo đến Jamaica trồng; đến năm 1750
người ta cho lai giống cam ngọt-sweet orange với pomelo để
thành một loại trái cây với tên gọi là shaddock , sau này
được trồng nhiều ở Jamaica rồi lần lượt ở nhiều nơi
khác nữa với tên gọi là grapefruit vì khi còn nhỏ bưởi
mọc thành chùm trông xa giống như chùm nho. Hiện nay bưởi
được trồng rất nhiều ở Florida và Texas và có nhiều giống
như :



- Bưởi Duncan
- Bưởi Marsh không có hột
- Bưởi Paradise Navel
- Bưởi Star Ruby ..........
Những trái bưởi Mỹ này trái
nhò, to hơn trái cam một tí, thường có vỏ vàng hay đỏ,
ruột trắng hay đỏ. Những trái bưởi màu đỏ vì có chứa
lycopène thuộc nhóm carotenoid. Lycopene là giảm đột qụy cơ
suy tim (heart attack) và ung thư nhiếp hộ tuyến.
Bưởi thường dùng để ăn
chơi, ăn tráng miệng hay làm gỏi. Vị chua chua ngon ngọt của
tép bưởi làm gỏi có vị ngon.
Đem phân tích, bưởi có chứa
acide citrique (chua), các loại đường glucose, fructose, saccharose
(làm bưởi ngọt), vitamine C, A và các diếu tố (enzyme) như
pectine-estérase, péroxidase ...Hạt bưởi có pectine, dầu limonen
và một số flavonoides v..v..
Từ lâu người Việt nam dùng:
- Lá bưởi nấu nước xông
với nhiều lá yhơm khác trị cảm, cúm, ho.
- Vỏ bưởi sắc chừng 4-12
g lấy nước uống trị ăn không tiêu, đau bụng , ho ( sắc
với đường phèn).
- Vỏ của hạt chứa pectine
dùng làm thuốc cầm máu, chứa dầu làm mượt tóc
- Hoa bưởi để chế nước
hoa bưởi để cho vào chè, nước giải khát cho thêm thơm ngon
Theo nghiên cứu, bưởi Mỹ:
- tốt cho tim, giảm cholesterol,
tránh được chứng nghẽn động mạch vì bưởi có nhiều
chất xơ, pectine . bác sĩ James Ceda thấy cholesterol giảm 8%
ở những người ăn bưởi mỗi ngày.
- bưởi có nhiều chất chống
oxy hoá (antioxidant) , chống vi khuẩn (antimicrobiens), làm tăng
thoái hoá của chất béo do đó tốt cho cơ thể , giảm cholesterol
- giảm ung thư : nghiên cứu
ở Hà Lan cho biết bưởi làm giảm ung thư bao tử, nghiên cứu
của Thụy Điển cho biết nước bưởi làm giảm ung thư tụy
tạng, nghiên cứu của đại học Havard cho biết những người
dùng thực phẩm nhiều lycopene có thể giảm 50% ung thư nhiếp
hộ tuyến và những hóa chất chứa trong bưởi như phenolic
acid, limonoid, bioflavonoid có tác dụng ức chế trên sự tăng
trưởng của tế bào ung thư
- giảm đau : những người
đau nhức khớp xương ăn bưởi thấy bớt đau có lẽ nhờ
những phytochemical ngăn chặn prostaglandin là chất gây ra xưng
làm đau nhức.
Nhưng mà chớ có thấy vậy
mà ăn bưởi mỗi ngày quí vị nhé vì :
- Bưởi làm tăng ung thư vú
ở nhưng cụ bà postmenopause vì bưởi làm tăng oestrogen là
chất khi dư thừa sẽ gây ung thư ở các cụ bà .
- Bưởi có nhiều tương tác
(interaction ) với rất nhiều nhóm thuốc. Nước bưởi ép có
tính ngăn chặn những isoenzymes của ruột nhất là trên isoenzymes
CYP 3A4. Sự ngăn chặn này làm thay đổi biến hoá của thuốc
uống vào, thường là làm tăng hiệu quả của thuốc do đó
làm tăng phản ứng phụ (side effects) thường là độc tính,
đồng thời làm thay đổi cả phản ứng của cơ thể người
bệnh (sensibilité) với thuốc nhất là ở những người yếu
gan yếu thận vì gan và thận là hai cơ quan chính trong quá
trình biến hoá của thuốc. Chỉ với 1 ly (250ml) nước ép
trái bưởi mỗi ngày cũng đủ gây ảnh hưởng quan trọng,
quí vị tưởng tượng nổi không, mỗi ngày uống 1 ly nước
bưởi, tưởng là uống cho bổ, nước trái cây mà, ai ngờ
có thể ..chết người nếu người này đang dùng sporanox để
trị nấm chẳng hạn. Khi quí vị dùng tétracycline, cipro...
dược sĩ thường dặn quí vị không được uống sữa hay
dùng thức ăn chế từ sữa vì chính chất calcium trong sữa
tác dụng với thuốc uống vào làm thành một hợp chất rất
cứng khó hấp thụ được. Nếu chỉ phải uống có 1 viên
cipro để ngừa bệnh mà lại uống với ly sữa thì tác dụng
của thuốc sẽ giảm đi đến 40% cơ đấy , nên vị nào phải
uống calcium cho xương cứng thì cần lưu ý là calcium có thể
ảnh hưởng đến sự hấp thụ của những thuốc uống khác
khi uống chung nhé. Tuy vậy nếu phản ứng giữa sữa - thuốc
hay thuốc với thuốc (thuốc giảm acide bao tử, thuốc
trị mục xương... ) có thể tránh bằng cách uống cách khoảng
2 đến 3 giờ nhưng với nước bưởi ép thì ..no way vì tác
dụng trên isoenzyme lâu dài nên chúng ta không thể cứ uống
thuốc rồi chờ vài giờ sau làm 1 ly nước bưởi đâu, chưa
kể là nếu mềm môi uống 200 ml ngày 3 lần thì ngay cả isoenzyme
của gan cũng bị 'lay off' làm cho thuốc uống vào không biến
hoá để trị bệnh được mà lại trở thành thuốc độc
chết người cơ đấy nhé. Tuy vậy nước bưởi ép chỉ ảnh
hưởng trên thuốc uống vào bằng miệng chứ người ta chưa
tìm thấy ảnh hưởng nước bưởi ép khi dùng thuốc chích,
truyền bằng ống hoặc dán ngoài da (timbre).
Có rất nhiều chất thuốc
chịu ảnh hưởng của nước bưởi ép. Sao Khuê tạm liệt
kê ra đây, quí vị nào đang uống các loại này thì nhớ ...đừng
ăn bưởi hay uống nước bưởi ép nhé:
1. Thuốc trị nấm : sporanox
2. Thuốc giảm cholesterol : Lipitor
(Atorvastin), Zocor (Simvastin), Mecavor (Lovastin), Baycol (Cerivastatin)
3. Thuốc trị cao huyết áp
: Plendil, renedil (Felodipine), Sular (Nisoldipine), Adalat, Procardia
(nifedipine), Nimotop (nimodipine)..
4. Thuốc tim : Cordarone (amiodarone),
Coreg (caverdiol), Isoptin ( verapamil )
5. Thuốc trị tâm bệnh : Buspar
(Buspirone), Halcion (Triazolam), Tegretol (Carbamapezine), Valium (Diazepam),
Zoloft (Sertraline), Anafranil (clomipramine), Manerix (moclobémide).
Orap (pimozide)
6. Trụ sinh và kháng sinh : clarithromycin,
erythromycin, budésonide (pulmicort, rhinocort)
7. Thuốc trị giun sán abendazole
8. Thuốc ...bổ dương Viagra.
9. Thuốc trị nhiễm HIV như
Invirase (Saquinavir), Crivivan (indinavir)
10. Thuốc trên hệ miễn nhiễm
: Prograf ( tacrolimus) , Sirolimus
11. Hormone : Ethinylestradiol (Estinyl)
Nhiều quá phải không quí vị,
làm sao mà nhớ hết, thôi thì quí vì nào lỡ ham... bưởi
khi uống thuốc nhớ hỏi dược sĩ xem mình ăn bưởi có được
không. Nếu mà ghiền quá thì thử hỏi xem bác sĩ có đổi
thuốc được không nhé.
Vậy thì ... bưởi tuy ngon,
tuy hấp dẫn nhưng cần cẩn thận khi ăn (kẻo ngộ độc),
khi sờ - cặp bưởi ở sexy-show (kẻo ủ tờ ). Các ông nào
lỡ để mất người yêu dấu (lén lút yêu) , người yêu quí
(quí mến ), người yêu thầm ( không công khai được), người
yêu trộm (vụng trộm ), yêu lẻ loi, yêu một mình v..v... mà
hổng chịu nổi đớn đau vì câu chờ kiếp sau cũng
chớ dại mà leo lên cành bưởi, bị gai đâm đau lắm mà chẳng
còn hoa để hái đâu, chi bằng kiếm đại hoa cúc hoa lài mà
hái ; còn nếu cứ khăng khăng mặc ai buôn bưởi bán bòng,
riêng anh vẫn cứ một lòng chờ em ...thì ...cũng
được nhưng trong thời gian chờ đợi phải mau mau làm giầu
để mua tặng nàng một cặp minh châu cỡ 1,2 cara với nước
D, E gì đó may ra nàng cảm động, lôi cổ ông chồng ra toà
ly dị...Nhưng mà ơ hay nhỉ,thế gian này đâu có thiếu người
đẹp mà lại đi phá gia cang nhà người ta, tội chết - kỷ
sở bất dục vật thi ư nhân - cái gì mình muốn người ta
làm cho mình thì hãy làm điều đó cho người ta, ý lộn ,
cái gì mà mình không muốn người ta làm cho mình thì cũng
đừng làm cho người khác : Nếu biết rằng em đã
lấy chồng, Anh về lấy vợ, thế là xong. Vợ anh tài
sắc hơn em lắm. Dẫn đến em coi chớ trạnh lòng .....
Mùa thu, ngoài cốm, hồng cũng
còn có bưởi. Trừ trường hợp bị cấm do uống thuốc thì
quí vị nên ăn bưởi vì so với quít nóng, cam mát thì bưởi
ôn hòa mà lại thanh....
Sao Khuê