Chim Việt Cành Nam
Trở về
Trang chủ
Tác giả
Bà huyện và đèo Ngang

Phí Ngọc Hùng

Người biên khảo đất La Sơn xuất thân Sorbonne năm 1936, qua gia sản Hán Nôm, ông vừa khảo luận xong về bà Hồ Xuân Hương, nay bắt qua bà huyện, vì hai bà cùng ở Tây Hồ. Thêm nữa, ông lễnh đễnh đến người đạo diễn Trần Văn Thủy quay phim Hà Nội trong mắt ai tình cờ tìm được mộ bà Đoàn Thị Điểm tại làng Nghi Tàm. Làng của bà huyện. Vì vậy ông nghĩ phải về Hà Nội để tìm hiểu một số nghi vấn văn học. Nếu như gặp bậc thức giả nào đấy văn kiến súc tích, sở kiến cao minh để ông kiến văn sở thị thì hay biết mấy. Để biên tác về bà huyện Thanh Quan, ông không theo cảm tính, nhưng đôi khi phải dựa dẫm vào tâm linh, như hỏi...đồng cô bóng cậu chẳng hạn.

Về đến nơi nghe nói trong đền công chúa Từ Hoa có thần phả ghi chép gốc tích bà huyện. Ông bước vào chính điện, gặp một cụ áo lương khăn lượt, tay phe phẩy cái quạt xếp ắt là...cụ Từ giữ đền. Ông húng hắng ho đánh tiếng, cụ quay lại, bạ vào vào mắt ông cái thẻ bài ngà đeo trước ngực. Ông nhũn não nếu đeo thẻ bài kim khánh là quan quả triều đình, không bộ Lễ, bộ Hình thì cũng...bộ binh. Ông chào cụ và hỏi sự tích bà huyện. Cụ nhìn ông như nhìn người cõi trên, vung cái quạt chỉ ra ra sân sau. Ông ớ ra nhìn thấy tấm bia chỉ có hàng chữ quốc ngữ: "Phần mộ bà huyện Thanh Quan". Không có năm sinh ngày mất.

Tiếp, ông thổ lộ...thổ ngơi ông ở La Sơn, Hà Tĩnh. Đường họan lộ không ngoài biên khảo như đếm củ dưa hành đo lọ nước mắm vậy thôi. Cụ gật gù có nghe ông làm việc với hội Truyên bá chữ quốc ngữ dậy i tờ...rít, với "a" là...quả na, "b" là...con bò. Ông lụi đụi ông không phải là... "con bò" và vấn danh cụ. Cụ khủng khẳng thời buổi này có danh thì...dễ, không có danh mới...khó. Nghe tức như bò đá! Tuy nhiên ông thấy cụ cũng hay chữ...quê mùa quá lắm, nên ông đạo đạt muốn có dữ kiện để biên tác về bà huyện qua...đồng cô bóng cậu. Vì nghe hơi nồi chõ có cô bé đang bì bạch tắm truồng, đột nhiên ngã cái...bạch, đụng đầu vào chum nước. Tỉnh dậy biết mọi chuyện thiên cơ bất khả lậu. Nghe rồi cụ quơ cái điếu cày, cái bong bóng lợn bỏ vào giỏ mây. Xong, móc cái "cùi bắp" trong giải rút quần và ới chiếc "xe con".

Cụ nói bác lái xe...lái xe đến Phủ bà Chúa Liễu ở giải đất nhô ra hồ Trúc Bạch để nhúm một cô đồng. Xe xuống bãi Phúc Xá bên sông Hồng và...xuống thuyền. Ông láo ngáo sao đi thuyền, lại mang cái bong bóng lợn xẹp lép theo? Thuyền xuôi nam. Để thăm chừng, ông dọ dẫm cụ về học thuật của ngành biên khảo nên duy lý vì trong sách vở không nói bà huyện vào kinh dậy học bằng cách nào? Theo ông..."luận giải" bà đi bằng thuyền. Cụ rất tâm đắc với ông vì bà...đi thuyền, hay...đi bộ cũng tới Huế.

Sau đấy cụ ậm ừ...ừ thì muốn hỏi gì hãy hỏi cô đồng. Mặt ông đực ra trông thấy, và...lực đực rằng chỉ hỏi một câu mà phải bơi ra giữa biển mới kiến ngã được nhẽ ấy? Nhưng ấy là chuyện sau. Ông ngồi xuống chiếu, ngáo ệch nhòm trước mặt cô cái đĩa có cái chân gà khô queo khô quắt. Cô cúi mặt xuống chiếu khấn âm dương hồi lâu. Cô cúi đầu lạy cái chân gà quắt queo và ông ba lạy như tế sống...ông.

Xong đâu đấy, đầu tóc cô rũ rượi lắc lư...như lên đồng, miệng xúyt xoa khấn Lạy bà, bà ở trên ngàn - Thương con đệ tử trần gian bà về. Bà về, cô lạy thánh mớ bái bà, bà dậy rằng bà huyện mượn hình ảnh cố đô Thăng Long qua ông huyện Thanh Quan nghìn năm gương cũ soi kim cổ. Thời bà, làm thơ để cùng bằng hữu ngâm vịnh nên không đặt tựa đề, bạn bình thơ tác phú của bà gọi là "Quá phu quân cố lỵ cảm tác", nôm là qua chốn chồng làm quan cũ, người sau đặt tên văn vẻ là...Thăng Long hoài cổ.. Với ai đấy bà có những 6 bài thơ (1). Nhưng theo thánh dậy bà chỉ có 4 bài: Thăng Long Hoài Cổ; Chiều Hôm Nhớ Nhà, Qua Chùa Trấn Bắc và Qua Đèo Ngang. Trong 4 bài thơ đó, trừ bài Qua Đèo Ngang, 3 bài kia có nhiều thành ngữ chữ Hán.

Ông len chân vào chuyện bài Qua Đèo Ngang.với câuDừng chân ngoảnh lại trời non nước. Nhưng các sách từ trước đến nay đều chép là "Dừng chân đứng lại...". Cô vẫn giọng ái nam ái nữ: Xá lầm, xá lú, xá mê - Trần gian bà về, bát nhã thuyền huê và lên cơn đồng thiếp chữ nghĩa mà rằng bà huyện qua khỏi Đèo không nỡ dứt tình đi luôn. Mà phải "Dừng chânngoảnh lại" thì thi vị, ý thơ mới gia tăng. Cô vừa tròn vành rõ chữ đến đây, vừa lúc sắp đến đèo Ngang thì "cô" thăng. Cô thăng tới đuôi thuyền vẫn còn đồng bóng tiếp: Lạy bà! Bà đẹp chín nghìn – Trăng còn thua sáng, hoa nhìn kém tươi. Và ông đoán chừng "Bà đẹp chín nghìn" đây là...bà chúa Liễu.

Qua Hà Tĩnh tới địa phận Quảng Bình, thuyền cập bến. Xưa hải thuyền nhà Nguyễn trú quân ở nơi này, nên có tên chợ Đồn. Nhưng chợ không còn nữa, vắng tanh vắng ngắt chỉ tòan biển xanh cát trắng, không nhà không cửa. Ấy thế may có...làng Vạn Chài là làng có tên mà không có đất, những "làng" này lênh đênh trên thuyền trên biển, khi tan khi hợp từ Hải Phòng xuống Quảng Nam. Cụ Từ mua rượu Kim Long (rượu Quảng Trị) trên thuyền của dân chài san vào cái bong bóng lợn.

Cụ rủ ông leo lên đèo Ngang, dọc theo con dốc thoai thỏai. Ông hóng mắt vào bụi rậm tìm con..."quốc quốc" là "tác nhân" đã kết cấu lên thơ của bà. Ông luận với cụ bài thơ của bà huyện với "quốc quốc","gia gia" có thể từ Trần Danh An, sống vào thời Lê Trịnh, lúc theo vua Chiêu Thống chạy sang Tàu: Chúa một nơi. Tôi một nơi. Trước thời thế ấy nên Trần Danh An gói ghém tâm sự di thần của mình vay mượn hai câu chữ Hán: "Dạ thính đỗ quyên minh cuốc cuốc - Nhật văn cô điểu khiếu gia gia": Vì vậy trong thơ Trần Danh An có hai câu: Giá cô kêu gia gia - Đỗ quyên kêu cuốc cuốc là vậy.

Ông..."luận ngữ" từ con đỗ vũ kêu cuốc cuốc, chim giá cô hay gà gô gọi gia gia, là hai chữ đối cảnh trong nỗi nhớ nhà. Cụ mà rằng: Chữ nghĩa cụ lờ đờ như gà ban hôm nên chả biết con giá cô, con gà gô là giống giuộc gì? Ông chắc như bắp luộc con "gia gia" là...con đa đa. Từ tích con gái đi lấy chồng xa...nhà. Còn con giá cô là gà gô hay con gà cồ tức con gà Gaulois ở bên Tây đậu trên nóc nhà thờ.

Cụ kỳ cổvào thời bà huyện có hai chữ..."quốc gia" không? Ông búi bấn qua câu nhớ nước đau lòng con quốc quốcthì: "nước" đối với "quốc". Thương nhàmỏi miệng cái giagia thì: "nhà" đối với "gia". Còn "con" ở câu trên đi với "cái"ở câu dưới chỉ là đối chữ thôi, là thể đối thơ có tên "gối hạc". Tiếp, ông quắn đầu với giám mục Pugunier thế kỷ 17 viết: "Tiếng Việt-nam kêu: cuốc ngữ". Vì thời đó chữ Việt theo chữ La-tin chưa có chữ "q". Phải đợi đến J.L Taberd (1837-1898) trong Nam Việt dương hợp tự điển mới có "q" thay cho "c" để có "quốc ngữ" hay "quốc gia".
 
 

Năm 1907, ông Lê Văn Phát đưa ra văn bản Le Râle d’eau: Một văn nhân vô danh đi qua đèo Ngang, nhớ lại chuyện xưa, đã làm bài thơ "Đèo Ngang". .

Chuyện kể Chiêm Thành đem quân đánh Giao Chỉ ở Đèo Ngang. Vua La Hoa trúng tên chết. Cận thần Quốc Quốc xông ra lấy xác bị chết theo. Sau hồn Quốc tái sinh là con cuốc cất tiếng kêu bi ai: "Quốc Quốc, La Hoa, Quốc ở  đây, còn La Hoa ở đâu?".

Qua ải Đèo Ngang bóng ác tà
Cỏ cây chen đá, lá chen ba
Non cao rải rác tiều vài lão
Đất rộng bao la xóm mấy nhà
Nhớ chúa đau lòng con Quốc-Quốc
Kêu người mỏi miệng tiếng Hoa-Hoa 
Dừng chân ngóng cổ miền non nước
Một tấm lòng riêng ta với ta
 

Bởi thế ông ngờ bà huyện nghe truyền khẩu bài Đèo Ngang trên, bà trau chuốt lại để có bài Qua Đèo Ngang với cỏ cây chen lá, tiều vài chú. Vừa lúc leo tới đỉnh đèo, chọc vào mắt ông cái cổng Giời do Minh Mạng xây, tên nho táo là cổng Đại Nam hay Hòanh Sơn quan. Ông thả bộ bước qua cổng Giời: Phần đất phía bắc thuộc huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tỉnh quê ông. Phần đất phía nam thuộc huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảnh Bình. Ông lễnh đễnh đèo Ngang được cả huyền sử lẫn chính sử nhiều lần nhắc đến. Bởi từ thế kỷ thứ II, khi người Chămpa lập quốc đèo này đã trở thành biên giới của Đại Việt và Lâm Ấp. Người Chiêm Thành không ngừng đắp đồn lũy dọc theo đỉnh núi, từ Kỳ Lạc qua Kỳ Nam. Kể từ thời đó "Lũy cổ Lâm Ấp" là chiến địa của hai bên. Một trong trận chiến ấy Chiêm Thành đem quân đánh Giao Chỉ ở ở đây, vua La Hoa tử trận để có ấn tích bài thơ "Đèo Ngang" của một văn nhân vô danh. Dấu tích của một vùng biên ải vẫn còn hiển hiện qua những bức tường thành chỗ còn chỗ mất rêu phong còn sót lại trên đèo.

Đèo Ngang cách sông Gianh chảy qua Quảng Bình27 cây số đường chim bay. Sau đấy cuộc chiến Trịnh Nguyễn chẳng ngắn ngủi gì vì nó kéo dài tới 12 năm tàn khốc ở hai bên đèo Ngang. Cuối cùng chúa Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần đề nghị bãi chiến với chúa Trịnh và lấy đèo Ngang là giới tuyến phân chia Đàng Ngòai và Đàng Trong.

Khi bà huyện đến đây, dấu tích gạch ngói, thành quách còn đâu đó từ thời vua La Hoa. Thêm di tích sông Gianh xa xa mờ nhân ảnh bà tức cảnh sinh tình để có bài Qua đèo Ngang với bóng xế tà, cỏ cây chen lá, tiều vài chú như ông đắng đót vừa rồi.. Ấy là ai đấy viết thế, nay ông sa đà thêm với bài Quốc văn diễn giảng ngày 2/3/1939, Tản Đà: "...Thơ bà huyện Thanh Quan, 2 câu tam tứ chúng ta thường nghe rằng: "Lom khom dưới núi, tiều vái chú / Lác đác bên sông, chợ mấy nhà". Mới đây tôi được nghe  một ông bạn nói chuyện từng trông thấy một bản chữ Nôm thời xưa chữ thứ 5 câu tứ (4) là chữ "rợ" chứ không phải "chợ". Tôi hỏi nữa thời nói: Nguyên văn viết  chữ "nhân đứng" bên chữ "trợ" . Như thế thì "rợ" mới thực phải, mà rợ đối với chữ tiều mới cân, chỉnh hơn. Nhân nghĩ lại, tôi chê thơ bà văn tả cảnh không được sát thực lắm...".

Trở lại chỗ cũ, cụ Từ ngồi dưới gốc cây trước cổng Giời, cạnh hòn đá tảng. Ực một hơi rượu Kim Long, bắn vài bi thuốc lào, cụ đang âm ỉ hoài đồng vọnn dừng chân đứng lại. Nghe vậy, ông đứng lên nhìn xuống phía dưới nằm dưới chân đèo hồi nãy. Đảo mắt xuống bến bờ, vắng tanh vắng ngắt chỉ tòan biển xanh, cát trắnq. Ông tự hỏi ông nhìn không thấy gì thì từ trên cao xa đất gần giời thế này, từ 250 thước trên đèo, bà huyện sao mà nom dòm ở đâu ra...tiều vài chú, lác đác bên sông rợ mấy nhà.

Thế nên ông đành ôm rơm rặm bụng với đọan văn: "...Đọc mấy lời của Tản Đà tiên sinh, một túc nho đã từng qua lại Đèo Ngang là cụ Ngô Văn Nhượng ở Diên Khánh cho hay: Dọc đèo Ngang, một bên là núi, một bên là biển, chớ không có chợ". Cặp trạng trong bài thơ tôi nghe truyền là Lom khom dưới núi tiều vài chú - Lác đác trên dông rợ mấy nhà. Đứng về mặt thực cảnh thì câu "rợ mấy nhà" và "chợ mấy nhà" đều hay. Song đứng về mặt văn chương không ổn. Bởi vì ai lại nói nhà chợ bao giờ ? ..."

Vừa lúc cạn chén hạt mít, cụ nén viên thuốc lào nhét vào ống điếu, châm lửa, thổi ra khói. Nhìn xuống chân đèo, cụ râm ran qua khói thuốc, qua luống đoạn trường: một mảnh tình riêng, ta với ta...Ông nhủ thầm: Một mảnh tình riêng nào đây? Nhưng chưa tiện hỏi...Vì ông có cảm nhận, cảm quan y như cụ Ngô Văn Nhượng tả, ông đi trên ngọn đồi trơ trụi, khô khan thật vì bên này là biển, xa xăm là mũi Ròn, hòn La, vũng Chùa, đảo Yến. Bên kia xa tắp là dẫy Trường Sơn dựng đứng cao cả ngàn thước. Đâu đó có tiếng chim núi kêu xao xác mệt mỏi, não nề. Ông làm như nghe tiếng cuốc kêu như cuốc gọi hồn với nỗi niềm thương nhà nhớ nước. Niềm hoài cổ đang chầu chực sẵn với ông, gần nửa đời người ông mới có mặt ở nơi chốn này. Vậy mà không như bà huyện, ông chả thấy...con chim cuốc nào. Ông bày tỏ "nỗi niềmi" này với cụ...Cụ chép miệng cái bép thổ ngơi ông ở Hà Tĩnh, ở Tây lâu quen thói nên đụt ra, ông đâu có hay: Giống chim cuốc mỏ cong, đuôi dài, lưng màu tro, bụng sắc trắng. Nó thường lủi trong bụi rậm gần ao sâu, đầm ao hoặc hồ...như ở Tây Hồ của bà huyện chẳng hạn. Chứ ở đèo Ngang với núi rừng khô không khốc làm quái gì có chim cuốc. Qua cụ, ông biết để bụng và không viết vào thiên cổ kỳ bút rằng: đèo Ngang không...chim cuốc.

Thế nhưng ông cứ óc ách vì đèo Ngang rừng núi khô khan. Ấy thế mà biết bao tao nhân mặc khách dạt dào cảm xúc thở ra thơ. Thảng như cụ Chu Thần-Cao Bá Quát lên "Ải Hoành Sơn" cảm khái Thành cũ trăm năm vững/ Ải xa nghìn dặm dài/ Chim về rừng lác đác. Thế kỷ XV, vua Lê Thánh Tông với "Qua đèo Ngang" viết: Cuộc cờ kim cổ chừng bao nả/ Non nước trông qua vẫn bấy nhiêu. Nói cho ngay, ông tâm đắc với vua Lê câu mở đầu Bãi thẳm ngàn xa, cảnh vắng teo như ông đã dòm thấy ngay đây.

Thì ngay đây...Ong phải tạt vào mảng đất trống để nhường chỗ chođàn trâu núi mươi con đi qua. Trên cổ con to nhất đeo "cái mõ", theo bước chân trâu, phát ra tiếng "leng keng...leng keng... ". Ông ngớ ra sao mõ lại kêu...leng keng. Bèn hỏi. Cụ cho hay đó là âm thanh của dùi sắt gỏ vào vỏ mảnh bom B52, ấy là dụng cụ tạo âm thanh của làng quê miền núi vào thời chiến với Mỹ. Cụ hấm húi thêm trâu núi chả cần gõ sừng, mục tử lại cô thôn, cứ để thả rong đi tìm cỏ. Ăn xong, đàn trâu theo tiếng leng keng của con trầu đầu đàn về làng. Vậy ở đây có làng ư?. Thế là ông lẽo đẽo theo đàn trâu đi xuống triền dốc. Ông bắt gặp dưới chân Hoành Sơn Quan, cách khoảng chừng 500 thước về phía nam không có...làng mạc gì sất, chỉ có đền thờ....bà chúa Liễu. Ngôi đền đã góp phần tăng thêm cái thâm u, trầm mặc, trầm tích cho con đèo có tên đèo Ngang.

Trên đường trở về, ông ngẫm nguội những mảnh bom B52 ở lỗ nẻ nào chui lên?

Về lại ngồi dưới gốc cây, ông thầm cảm hòai kẻ chốn Chương Đài, người lữ thứ vì ông Cống Lưu Nghi mất trước bà. Bởi đầu óc ông váng vất với lấy ai mà kể nỗi hàn ôn? Nên ông hàn ôn với cụ qua sở học của ông bấy lâu bà là vợ ông Lưu Nghị (1804-1847) đỗ cử nhân thời Minh Mạng năm thứ 2. Theo sách vở (Việt văn giáo khoa thư) bà được vờivào kinh dậy học.Khi ông Lưu Nghị mất.Bà về lại Nghi Tàm, và mất tại đây.

Bỗng không cụ Từ đong đưa chén rượu, vắn hai dài một...

- Nhà biên khảo nào đó dựng chuyện "bà ấy" với giai thọai Phó cho con Nguyễn thị Đào...Thêm mấy nhà học giả, học thuật...thuật lại nhờ có tài văn chương lỗi lạc "bà ta" được vời vào kinh làm giáo tập. Ấy tôi chỉ biết về bà ấy thế thôi, thưa Thầy.

Ông trộm nghĩ cụ già rồi nên đốc chứng gọi bà huyện lúc "bà ấy", khi "bà ta". Định hỏi chuyện...ta bà cho ra nhẽ. Hốt nhiên cụ cười hụt một cái..

- Thôi thì trăm sự chẳng dấu gì Thầy.

Cụ vỗ vai ông thân mật:

- Tôi là ông huyện Thanh Quan đây.

Ông muốn nhẩy nhổm lên và líu lưỡi:

- Cụ là ..là ông Cống Lưu...Lưu Nghi.

Như ông già ngồi lù rù như cái nấm mọc trên hòn đá, cụ thiên cổ kỳ án...

- Bạn đồng liêu với Thầy (Thanh Lãng) gọi tôi là Lưu Nghi. Ai khác đặt tên tôi là Lưu Nguyên Uẩn. Nên chót chét tôi chả biết tôi là ai nữa. Thế đấy, thưa Thầy.

Ông đang ngớ ra, thì...cụ Từ. Ấy quên, quan huyện đơm chuyện...

- Thầy dậy suy luận vô căn cứ là nguyên nhân dẫn tới sai lầm của nhà biên khảo.

Ấy thế mà Thầy đóan mò tế quán (vợ) tôi đi thuyền. Chuyện tôi muốn thưa với Thầy thuở xa xưa, đường vào Huế là con đường mòn qua sông, qua suối, nhiều khi phải luồn lách trong rừng rậm nên chông gai lắm. Thảng như đồng môn tôi từ Hà Đông vào Huế thi Đình mất những một tháng hai mươi ngày (Bút nghiên – Chu Thiên). Vì vậy tôi phải thảo thư gửi gấm các quan huyện đồng liêu trên đường đi. Gặp các bà huyện giữ lai hàn huyên, mỗi nơi, mỗi chốn mất ba, bốn ngày là ít. Nói cho cùng, tế quán tôi có tới Đèo Ngang để vào Huế hay không là...chuyện khác.

Ông trộm vía quan...quan đây chỉ ngụp lặn trong chốn quan trường, trên đường họan lộ làm quan ở huyện Thanh Quan là hết đất. Ắt hẳn quan đi guốc vào bụng ông nên...vỗ ông đến rát mặt: "Cái đáng hỏi thì không hỏi". Nói rồi quan cho hay chuyện đáng hỏi lại không hỏi là: "huyện Thanh Quan có gì?". Tiếp đến quan huyện gọ gạy mà rằng: huyện Thanh Quan nằm ở phía bắc sông Trà Lý, nay là huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, phía nam là huyện Kiến Xương, sát Nam Định. Huyện có làng Kỷ là làng cổ, con đường dẫn vào làng được trải gạch vồ lớn, đó là lệ đóng cheo ngày xưa. Huyện Thanh Quan có lăng cụ Thượng Quốc, lăng cụ Hàn là những nhân vật một thời xa xưa.

Ông chưa kịp hỏi tới nữa, quan...đường ta ta cứ đi:

Theo văn học sử, tiểu sử tế quán tôi không được đầy đủ lắm như năm sinh, năm mất. Thêm ông Dương Quảng Hàm trong Việt Nam văn Hhc sử yếu ghi: không rõ họ tên của bà. Nhưng có đọan khá rõ ràng: "Thời Minh Mạng (1820-1841), bà được vời vào kinh dậy công chúa, cung phi. Khoảng một tháng thì chồng mất". Chuyện vậy đấy, nhưng khổ nỗi tôi về với ông bà năm 1847, trong khi Minh Mạng về với tiên đế năm 1841, vì vậy không có chuyện tế quán tôi vào kinh dậy học thời Minh Mạng". Quan từ từ như ông Từ vào đền. Vậy mà gần đây nguồn nào không không rõ (2) tế quán tôi sinh năm 1805, mất năm 1848. Thế là có nhà làm văn học "hiệu đính" lại: "Bà huyện Thanh Quan được Tự Đức (1829-1883)vời vào kinh dậy học". Quan từ từ khoai cũng nhừ: Thế nhưng khốn khổ là Tự Đức nào có...con cái đâu. thưa Thầy".

Chả hiểu sao quan để cái điếu cầy, cái bong bóng lợn nằm...ngất ngư trên hòn đá tảng. Quan lẩn thẩn đi qua Cổng Giời, thăng về giời trong u u minh minh

***

Vì đi bằng thuyền từ chợ Đồn về bãi Phúc Xá đi đi về về hơi lâu, hơn hai tháng sau, người biên khảo đất La Sơn (1908-1996) (3) mới trở lại Paris. Trong thư phòng, nay trên tường treo lủ khủ cái điếu cày và cái bong bóng lợn. Trên bàn cổ Louis 16, ông ngồi rị mọ ký sự Bà huyện và đèo Ngang theo dạng thiên cổ kỳ bút. Bởi thế ông bòn gio đãi sạn thêm: "Thân thế, sự bghiệp bà huyện Thanh Quan do Dương Quảng Hàm đưa vào Việt văn giáo khoa thư được coi như truyền kỳ hơn là một biên khảo (xem phụ đính 1). Phan Kế Bính trong Nam hải dị nhân viết: "Nước ta vì sách biên sót mà không tường, rồi truyền cho nhau, người sau theo người trước mà nhầm lẫn".

Đột nhiên đầu ông bật ra câu hỏi: mảnh bom B52 ở lỗ nẻ nào chui lên?

Mò vào thư viện Paris, ông tìm ra bài viết của Lê Anh Xuân: "Kể từ đây, nếu sông Gianh trở thành ranh giới của Đàng Trong và Đàng Ngoài thì đèo Ngang trở thành vùng đất tiền đồn của nhà Trịnh. Và gần đây nhất, thời chiến tranh vùng đất đèo Ngang cũng bị đánh phá ác liệt khiến tôi khắc khoải "Tôi não lòng Mỹ dội bom tàn phá/ Dù đèo Ngang tôi chưa từng đến/ Thơ bà huyện Thanh Quan tôi đã thuộc lòng/ Hoa lá cỏ cây có bị bom cháy xém?/ Mái nhà kia dưới núi có còn chăng? "

Ông nghĩ vội: Một là ngòai Thăng Long, không địa danh nào có nhiều chiến sử như đèo Ngang. Nào là chiến trận với Chiêm Thành khỏang thế kỷ thứ 2. Với Trịnh Nguyễn thế kỷ 17 thời chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687). Cuối cùng là thế kỷ 20. Nhưng ông vắt óc nghĩ không ra đèo Ngang có quái gi để hoa lá cỏ cây có bị bom cháy xém. Hai là bởi tác giả chưa đến đèo Ngang, ông đóan chừng mái nhà kia dưới núi ắt là...đền bà chúa Liễu, ông ngớ ra trong bút ký quên không hỏi cô đồng chuyện...Thế là ông thiếp đi rơi tõm vào lỗ hổng của thời gian trở về lại thẻo đất ở hồ Trúc Bạch có Phủ bà chúa Liễu. Dưới gốc cầy bàng là quán lợp tranh.

Ở đấy cô đồng đang đợi ông từ hồi nào.

Ông hỏi cô bà huyện có lai vãng tới...Nghe thủng rồi, cô chỉ hai cái chân chim trên cái đĩa. Cô buôn chuyện chim được bắt ở Hồ Tây chứ chả phải ở đèo Ngang. Cô nói vấy gì chứ chimgiá cô, gà gô, cuốc cuốc ở Hồ Tây đông như tổ đỉa. Cô phơi nắng ba hanh để đợi ông, ngỡ được cô mời sơi chân... gà gô to bằng bắp ngô. Cô vái hai cái chân chim khô queo quắt ba lạy, miệng lạy thánh mớ bái Lạy bà, bà ở trên ngàn - Thương con đệ tử trần gian bà về. Bà chúa Liễu nhập rồi, cô chồm cả người qua cái chõng tre. Cô ghé tai ông thì thầm chuyện thiên cơ bất khả lậu mà ông vừa hỏi:

- Bà huyện có đi qua đèo Ngang hồi nào đâu.

Thạch trúc gia trang
Quý Tỵ 2012
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng
(viết lại 2015, 2018, 2021)


Nguồn: Thanh Nguyễn Vân, Nguyễn Vĩnh Tráng
Quách Tấn, Nhật Hồng Nguyễn Thanh Vân
Hòang Nguyên Linh, Nguyễn Đức Cung, Duy Lý

(1) Phần lớn các sách chữ nôm của các hiệu buôn sách phường Hàng Gai, Hà Nội. Hoặc các hiệu buôn tại Nam Định, Hải Phòng trước năm 1930, nhiều sách chẳng biên khảo, chú thích gì. Vì vậy các lái buôn sách như Lễ Môn Đường, Quảng Thành thấy sách nào bán chạy, bỏ tiền ra mướn thợ khắc chữ nôm , chữ quốc ngữ. Thêm nhà Xuân Lan của Nguyễn Ngọc Xuân, thấy sách nào bán chạy họ in bán. Nằm trong trường hợp này, bản in thơ Hồ Xuân Hương, bà huyện Thanh Quan đều không có nguồn hay tên tác giả. Năm 1917, Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến xuất bản Giai nhân di mặc, toàn những chuyện hư cấu trong đó có giai thoại Hồ Xuân Hương và thơ Hồ Xuân Hương dĩ nhiên cũng "hư cấu".

Trường hợp bà huyện Thanh Quan cũng vậy, nguồn từ Dương Quảng Hàm trong Việt văn giáo khoa thư năm 1940. Ông không dẫn chứng nguồn tài liệu chuẩn mực nào nên về bà huyện Thanh Quan coi như truyền kỳ hơn là một biên khảo.

(2) Nguồn Wikipedia

(3) Hòang Xuân Hãn