Chim Việt Cành Nam
Trở về
Trang chủ
Tác giả
Hoa mai 
qua thơ Việt Nam cổ điển 

Phanxipăng

Có lẽ nụ mai nở sớm nhất trong thơ ca Việt Nam lại là đoá hoa nở… muộn. Xét nội dung văn bản, ấy là cành mai cuối mùa xuân. Tác phẩm nọ của một tỉ khâu [1]thuộc thiền phái Vô Ngôn Thông: đại sư Mãn Giác (1052-1096). Nguyên văn được chép trong Thiền uyển tập anh[2] như sau [3]:
春去百花落,
春到百花開。
事逐眼前過,
老從頭上來。
莫謂春殘花落盡,
庭前昨夜一枝梅。
Phiên âm:
Xuân khứ bách hoa lạc,
Xuân đáo bách hoa khai.
Sự trục nhãn tiền quá,
Lão tòng đầu thượng lai.
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
Ngô Tất Tố [4] dịch:
Xuân trôi, trăm hoa rụng,
Xuân tới, trăm hoa cười.
Trước mắt, việc đi mãi,
Trên đầu, già đến rồi.
Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết,
Đêm qua, sân trước, một nhành mai.
Lê Mạnh Thát [5] dịch:
Xuân đi, trăm hoa rụng,
Xuân đến, trăm hoa cười.
Việc đời qua trước mắt,
Già đến trên đầu rồi!
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết,
Ngoài sân đêm trước một cành mai.
Hoàng Xuân Hãn[6] dịch:
Xuân qua, trăm hoa rụng,
Xuân lại, nở trăm hoa.
Trước mắt, sự đời thoảng,
Trên đầu hiện tuổi già.
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết,
Ngoài sân đêm trước một cành mơ [7].
Một thiền sư khác sống sau đó hơn hai thế kỷ, pháp hiệu Huyền Quang (1254-1334), là vị tổ thứ ba của hệ phái Trúc Lâm Yên Tử, từng tôn mai lên ngôi vị "ngự sử đài" - chức quan giữ trọng trách giám sát và can gián vua chúa:
Ngự sử mai hai hàng chầu rập[8],
Trượng phu tùng mấy chạnh[9] phò quanh.
Ngự sử mai, trượng phu tùng, quân tử trúc hợp thành "tam ích hữu" - ba người bạn có ích. Khái niệm này xuất phát từ thiên thứ 16 Quý thị trong sách Luận ngữ:

益者三友,損者三友:友直,友諒,友多聞,益矣;友便辟,友善柔,友便佞,損矣。

Phiên âm:

Ích giả tam hữu, tổn giả tam hữu: hữu trực, hữu lượng, hữu đa văn, ích hỹ; hữu tiện tịch, hữu thiện nhu, hữu biền nịnh, tổn hỹ.

Nghĩa:

Có 3 bạn hữu ích, có 3 bạn nguy hại: ngay thẳng, rộng lượng, hiểu biết nhiều là ích; uy nghi, chiều chuộng, khéo xiểm nịnh là hại.

Sách Nguyệt lệnh quảng nghĩa gọi hình tượng ước lệ bộ ba tùng-trúc-mai là đông thiên tam hữu, tuế hàn tam hữu, đông xuân tam hữu. Đề tài này chiếm vị trí đặc biệt trong thơ ca cổ điển của Á Đông nói chung, của Việt Nam nói riêng.

Thi hào Nguyễn Trãi - ngôi sao sáng chiếu rọi bầu trời văn học thế kỷ XV - quan tâm khai thác mảng đông thiên tam hữu. Đặc biệt, mai chiếm tần số xuất hiện khá cao trong các sáng tác của Ức Trai. Đọc 21 bài Ngôn chí [10], đã thấy 8 bài đề cập mai với những câu "tuyệt diệu" như:

Trà mai đêm nguyệt, dậy xem bóng,
Phiến sách ngày xuân, ngồi chấm câu.
(Ngôn chí 2)

Quét trúc, bước qua lòng suối,
Thưởng mai, về đạp bóng trăng.
(Ngôn chí 15)

Đối với mai, Nguyễn Trãi hết sức ưu ái. Tại sao? Qua bài thơ chữ Hán 題黃御史梅雪軒 / Đề Hoàng ngự sử mai tuyết hiên, nhà thơ đã giải thích:
豸冠峨峨面似鐵,
不獨愛梅兼愛雪。
愛梅愛雪愛緣何?
愛緣愛雪梅清潔。
Phiên âm:
Trãi quan [11]nga nga diện tứ thiết [12],
Bất độc ái mai kiêm ái tuyết.
Ái mai, ái tuyết, ái duyên hà?
Ái duyên tuyết bạch, mai phương khiết.
Lê Cao Phan [13]dịch:
Mũ trãi cao cao gương mặt sắt,
Yêu luôn tuyết, nào chỉ yêu mai.
Vì sao yêu không một mà hai?
Bởi tuyết trắng, còn mai thanh khiết.
Trong phần thơ Hoa mộc môn [14], ngoài các bài MaiLão mai, bài thất ngôn pha lục ngôn viết về mai làm theo thể ô thước kiều phối hợp liên hoàn của Nguyễn Trãi là một trong những tác phẩm tiêu biểu của thơ quốc âm thời ấy:

Sánh với tùng và trúc, mai giống khí tiết. Nhưng mai lại nổi trội ưu thế mà hai bạn không sao có nổi: sắc hương.

Sắc hoa mai, ai ai cũng dễ dàng nhìn thấy, dẫu ngồi gần hay đứng xa, kể cả qua "bóng thưa ánh nước" lung linh óng ánh chập chờn. Chẳng hạn thơ Trần Quang Khải (1241-1294):

詩客重來頭髮白,
梅花如雪照晴川。
Phiên âm:
Thi khách trùng lai đầu phát bạch,
Mai hoa như tuyết chiếu tình xuyên.
Ngô Tất Tố dịch:
Qua viếng, khách thơ đầu đã bạc,
Hoa mai như tuyết chiếu lòng vời.
Song le, hương hoa mai thì "khách tục" làm sao nhận ra, mà chỉ tri âm tri kỷ mới đủ khả năng tương thức. Ai là tri âm tri kỷ nhỉ? Xin thưa, đó là vầng trăng. Lịm hương đưa, một nguyệt hay - câu thơ lục ngôn của Ức Trai đại phu thâm trầm kín đáo quá. Như hương mai vậy.

So nhiều hoa khác, mai là loài "anh hoa phát tiết" sớm nhất, ngay từ tiết lập xuân còn nhiều giá rét. Do đó, cổ nhân đã phong tặng mai danh hiệu rất xứng hợp: bách hoa khôi - ví như kẻ đỗ đầu khoa thi, chàng thanh niên ưu tú nhất hoặc nàng thiếu nữ xinh đẹp nhất.

Nhắc bách hoa khôi, tôi sực nhớ giai thoại liên quan bài thơ chỉ 4 dòng về mai gắn liền tên tuổi nhà ái quốc lừng danh: Phan Bội Châu (1867-1940). Năm đó, Quý Mùi 1883, Phan mới 16 tuổi. Sau khi thi Hương, bài được chấm hạng ưu, chàng trai quê Nam Đàn [15] ấy phải cùng 6 sĩ tử khác dự kỳ sát hạch để xếp vị thứ cao thấp tại phủ Anh Sơn. Đích thân tri phủ là Hoàng giáp Phạm Như Xương (1844-1919) ngồi ghế chánh chủ khảo. Các thí sinh nhận đề rồi cắm cúi làm bài hồi lâu thì Phan mới đến. Chánh chủ khảo gốc Quảng Nam cho Phan vào, nhưng buộc Phan nhận đề thi riêng. Đang tiết cuối xuân, trông thấy cây mai bên hiên chỉ còn lưa thưa dăm đoá, quan Hoàng giáp liền ra đề: 花开不及春 / Hoa khai bất cập xuân / Hoa nở không kịp mùa xuân. Đề thi ngụ ý phê bình tội trễ tràng của chàng trai nổi tiếng thông minh. Phan Bội Châu nhoẻn cười, nhanh nhẹn phóng bút:

東皇曾酌眼,
以許百花魁。
只爲謙謙意,
番交漸漸開。
Phiên âm:
Đông hoàng tằng chước nhãn,
Dĩ hứa bách hoa khôi.
Chỉ vị khiêm khiêm ý,
Phiên giao tiệm tiệm khai.
Phanxipăng tạm chuyển ngữ:
Nhờ chúa Xuân ưu ái,
Xếp đứng đầu trăm hoa.
Chỉ vì lòng khiêm tốn,
Nên hẵng nở tà tà.
Liếc mắt, Hoàng giáp Phạm Như Cương sững sờ. Ông bảo Phan:

- Khỏi làm bài nữa. Chỉ cần 4 dòng mở đầu thế này dư sức đỗ đầu xứ rồi.

Nói đến mai, Nguyễn Trãi cùng bao tao nhân mặc khách khác thuở xưa thường nhắc "tiên Bô", "lão Bô". Nhân vật nọ là Lâm Bô tức Lâm Hoà Tĩnh (967-1028), một hiền sĩ ở Cô Sơn bên Tây Hồ (Hàng Châu, Trung Hoa) vào đời Tống. Lâm Bô không vợ con, chỉ thích trồng hoa mai và nuôi chim hạc. Vì thế, người đời nói về ông: "Dĩ mai vi thê, dĩ hạc vi tử / Cưới mai làm vợ, nuôi hạc làm con". Lâm Bô lưu bài thơ 山園小梅 / Sơn viên tiểu mai / Cành mai nhỏ nơi vườn núi [16] được nhiều thế hệ truyền tụng, mà đây là khổ đầu:

眾芳搖落獨暄妍,
占盡風情曏小園。
疏影橫斜水清淺,
暗香浮動月黃昏。
Phiên âm:
Chúng phương dao lạc độc huyên nghiên,
Chiếm tận phong tình hướng tiểu viên.
Sơ ảnh hoành tà thuỷ thanh thiển,
Ám hương phù động nguyệt hoàng hôn.
Trần Trọng San [17] dịch:
Trăm hoa héo rụng, một mình hơn,
Chiếm trọn phong quang ở phía vườn.
Nước cạn, lơ thơ nằm xoải bóng,
Trăng mờ, phơ phất nổi trầm hương.
Cặp thực của bài thất ngôn bát cú trên được khách yêu thơ cô đúc thành một câu:
暗香浮動,影橫斜。
Phiên âm:
Ám hương phù động, ảnh hoành tà.
Giản Chi [18] dịch:
Chập chờn hương thoảng, bóng cành xiên ngang.
Nhiều nhà thơ và nhà nghiên cứu-phê bình-lý luận văn học khen rằng chỉ 7 chữ mà diễn tả đầy đủ vẻ đẹp của hoa mai, không thể thêm hoặc bớt chữ nào. Kiệm lời, chắt ý đến thế thì vượt cả thơ tứ tuyệt Trung Hoa và thơ haiku Nhật Bản. Gọi đây là thể gì kìa? Nhất tuyệt ư?

Mai thường sánh với trăng:

Hoa dãi nguyệt, nguyệt in một tấm,
Nguyệt lồng hoa, hoa thắm từng bông.
Nguyệt hoa hoa nguyệt trùng trùng,
Trước hoa dưới nguyệt trong lòng xiết đâu.
(Chinh phụ ngâm khúc)
Mai cũng kề bóng chim, chủ yếu chim yến và chim hạc, tạo hình tượng kép là mai điểu. Đôi dòng "thần bút" của thi sĩ đa tài Nguyễn Trung Ngạn (1289-1370) đến nay vẫn khiến chúng ta giật mình kinh ngạc:
野梅骨格元非俗,
海鶴風姿自不群。
Phiên âm:
Dã mai cốt cách nguyên phi tục,
Hải hạc phong tư tự bất quần.
Phanxipăng tạm chuyển ngữ:
Cốt cách mai rừng nguyên chẳng tục,
Phong tư hạc biển vốn không bầy.
Ngoài bộ "tam hữu" như đã luận, mai còn được kết hợp với lan, cúc, trúc, tạo nên bộ "tứ quý" tượng trưng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Và không chỉ với động thực vật, mai lại được nghệ sĩ cho se duyên với ngọc, với tuyết, nhằm ví von tài tử giai nhân. Như bài Lão mai trong Hồng Đức quốc âm thi tập[19] có đôi dòng:
Xuân thêm cốt cách, hương càng bội,
Tuyết giúp tinh thần, ngọc hãy còn.
Hoặc như trong Hương miệt hành - truyện thơ sáng tác từ đời Lê, có tài liệu lại cho rằng đời Trần - có câu:
Tuyết mai cốt cách, ngọc tinh thần.
Câu thơ kia khiến đông người liên tưởng câu Kiều quen thuộc:
Mai cốt cách, tuyết tinh thần.
Cũng cần thêm rằng trong pho Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du (1766-1820), tác phẩm được xem "tập đại thành" của nền văn chương cổ điển Việt Nam, mai đã xuất hiện cả thảy 15 lần, mà quá nửa là đóng vai trò mỹ từ tô điểm: sân mai, song mai, trướng mai, tiên mai, giấc mai, hồn mai, v.v..

Kỳ thực, trong thơ cổ nước ta và nhiều quốc gia khác ở Á Đông, hoa mai màu trắng.

Như mai Đông Á được định danh khoa học Prunus mume Siebold & Zucc. thuộc họ Rosaceae, phân bố ở Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam. Thực chất, đó là cây mơ. Tiếng Pháp gọi abricotier du Japon, tiếng Anh gọi Japanesse apricot, tiếng Đức gọi Japanische Aprikose, đều mang nghĩa mơ Nhật Bản. Ở Hà Nội có thung mơ Hương Tích, tạo bao sản phẩm khiến khách thập phương dệt muôn vần thơ mà "Hương Sơn phong cảnh ca" của Chu Mạnh Trinh (1862-1905) nổi trội:

Bầu trời, cảnh bụt,
Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay!
Kìa non non, nước nước, mây mây,
“Đệ nhất động" hỏi là đây có phải?
Thỏ thẻ rừng mai, chim cúng trái,
Lửng lơ khe Yến, cá nghe kinh.
Ví dụ khác là giống mai mù u, còn gọi bạch mai và nam mai, tên khoa học Ochrocarpus siamensis var. odoratissimus Pierre thuộc họ Guttiferae, hiện sân chùa Gò tức chùa Phụng Sơn ở quận 11, TP.HCM, còn một cây. Cội mai nọ đã khơi nguồn cảm hứng cho nhà thơ Minh Hương Trịnh Hoài Đức (1725-1825) và các cây bút cùng thời viết nên tập Mộng mai đình. Cội mai nọ cũng là biểu tượng của thi xã Bạch Mai quy tụ nhiều tên tuổi "vang bóng một thời" ở Nam Bộ vào thế kỷ XIX: Phan Văn Trị, Tôn Thọ Tường, Trần Thiện Chánh, Hồ Huấn Nghiệp, Huỳnh Mẫn Đạt, Nguyễn Thông, v.v.

Trong khi đó, phổ biến sâu rộng ở Việt Nam chính là hoa mai màu vàng được định danh khoa học Ochna integerrima Merr. thuộc họ Ochnaceae. Rất có khả năng 積雨玄珍 / Tích vũ Huyền Trân / Mưa dầm ở đảo Huyền Trân của Ngô Thì Nhậm / Ngô Thời Nhiệm (1745-1803) là một trong những bài thơ Việt Nam sớm đề cập mai vàng:

玄珍灑盡幽愁淚,
化作春梅夜雨聲。
Phiên âm:
Huyền Trân sái tận u sầu lệ,
Hoá tác xuân mai dạ vũ thanh.
Vũ Đình Liên [20] dịch:
Nước mắt Huyền Trân khóc phận mình,
Đêm xuân, mai đọng lệ trên cành.
Đảo Huyền Trân - mà Ngô Thì Nhậm ghi 玄珍浮島 / Huyền Trân phù đảo - còn gọi đảo Ngọc, hòn Chảo, cù lao Hàn, rộng 1,6km2, hiện thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Đó là nơi công chúa Trần Huyền Trân được Trần Khắc Chung đưa đến nhằm tránh bão trong chuyến hải hành hồi hương vào năm Đinh Mùi 1307. Từ xưa đến nay, trên đảo Huyền Trân, mai nở hoa vàng mỗi dịp xuân về.

*

Một mùa xuân lại đến. Mai vàng lại rực rỡ mãn khai.

Đón Tết bên cành bách hoa khôi rạng ngời cốt cách, thong thả thưởng thức bao áng thơ của tiền nhân viết về mai, âu là lạc thú đầy tao nhã. Tuỳ cơ duyên, mỗi người có thể chọn vài ba bài hay dăm bảy câu mà bản thân vô cùng tâm đắc.

Riêng tôi, trải nhiều đêm trừ tịch lặng ngắm mai vàng, lòng cứ hiển hiện đôi câu đối khí khái tuyệt vời:

十載輪交求古劍,
一生低首拜梅花。
Phiên âm:
Thập tải luân giao cầu cổ kiếm,
Nhất sinh đê thủ bái mai hoa.[21]
Ôi! Mười năm xuôi ngược giao du quyết tìm thanh kiếm cổ, suốt đời chỉ cúi đầu vái hoa mai.

Bây giờ, giữa Sài Gòn, bên cành mai hương phảng phất thơm do bằng hữu ở Huế vừa gửi vào làm quà Tết, tôi hồi hộp ngóng đợi phút giao thừa. Đúng thời khắc linh diệu ấy, tôi sẽ xông lò trầm, rồi lặng lẽ cúi đầu vái hai vái.

Một vái tạ hoa mai, lẽ dĩ nhiên.

Một vái xin dành cho những câu thơ tuyệt bút mà những đấng tài hoa từng lao tâm khổ tứ sáng tạo nhằm ngợi ca loài hoa cao khiết. 

____________

[1] - Tỉ khâu còn được gọi tỉ khưu, tỉ khiêu, tỉ kheo, tì kheo. Chữ Hán ghi 比丘. Đó là phiên âm danh từ Phạn ngữ: bhikṣu trong Bắc Phạn (Sanskrit) & bhikkhu trong Nam Phạn (Pāli), đọc phích khu, nghĩa gốc là khất sĩ / người ăn xin, nghĩa phát sinh là nam giới xuất gia, sống không nhà, hoạt động chính gồm thiền định và giảng đạo.

[2] - Có thể tham khảo Thiền uyển tập anh qua bản dịch của Lê Mạnh Thát (ấn hành bởi Đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn, 1976, NXB TP.HCM tái bản, 1999, NXB Phương Đông, Cà Mau, in lại, 2005) cùng bản dịch của Ngô Đức Thọ và Nguyễn Thuý Nga (NXB Văn Học, Hà Nội, 1990 & 1993).

[3] - Thực chất, đây là bài kệ chẳng có nhan đề, được đại sư Mãn Giác đọc ngày 30 tháng 11 năm Bính Tý (17/12/1096), niên hiệu Hội Phong V, trước khi an tịch. Mãi sau, Lê Quý Đôn (1726-1784) đặt nhan đề bài kệ này là 告疾示眾 /Cáo tật thị chúng / Có bệnh, bảo mọi người.

[4] - Ngô Tất Tố (1894 - 1954) là nhà báo, nhà văn, nhà dịch thuật, nhà nghiên cứu nổi tiếng. Phóng sự, truyện ký, tiểu thuyết của Ngô Tất Tố đã xuất bản: Vua Hàm Nghi với việc kinh thành thất thủ, Đề Thám, Tắt đèn, Lều chõng, Tập án cái đình, Việc làng. Dịch phẩm của Ngô Tất Tố đã ấn hành: Ngô Việt Xuân Thu, Hoàng Hoa Cương, Thơ và tình, Đường thi, Hoàng Lê nhất thống chí, Suối thép, Trước lửa chiến đấu, Trời hửng, Duyên máu, Doãn Thanh Xuân, Kinh Dịch, Thơ - thơ dịch - bình thơ.

[5] - Lê Mạnh Thát chào đời năm Giáp Ngọ 1954 tại Quảng Trị. Năm 1974, nhận bằng tiến sĩ y khoa, nhân chủng học, triết học tại Đại học Winconsin, Madison, Hoa Kỳ. Là nhà giáo, nhà nghiên cứu, thiền sư, hiện còn được gọi Thượng toạ Thích Trí Siêu. Một số tác phẩm của Lê Mạnh Thát đã in thành sách: Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Tổng tập văn học Phật giáo Việt Nam, Lịch sử âm nhạc Phật giáo Việt Nam, Từ điển bách khoa Phật giáo Việt Nam, Lục độ tập kinh và lịch sử khởi nguyên của dân tộc ta, Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh, Nghiên cứu về Mâu Tử, Nghiên cứu Hành Đăng ngữ lục, Trần Thái Tông toàn tập, Trần Nhân Tông toàn tập, Tuệ Trung Thượng Sĩ toàn tập, Minh Châu Hương Hải toàn tập, Toàn Nhật Quang Đài toàn tập, Khương Tăng Hội toàn tập, Chân Đạo Chánh Thống toàn tập, Tư liệu mới về Bồ tát Quảng Đức, Bồ tát Quảng Đức - ngọn lửa và trái tim, Ngữ pháp tiếng Phạn, Triết học Thế Thân, The Philosophy of Vasubandhu.

[6] - Hoàng Xuân Hãn (1908-1996) là kỹ sư, nhà giáo, nhà nghiên cứu uyên áo. Năm 1945, tham gia nội các Trần Trọng Kim, với chức vụ Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Mỹ thuật. Năm 1946, tham dự Hội nghị Đà Lạt. Từ năm 1951, sang Pháp định cư. Một số tác phẩm của Hoàng Xuân Hãn đã in thành sách: Danh từ khoa học, Lý Thường Kiệt, Một vài ký vãng về Hội nghị Đà Lạt, Thi văn Việt Nam, La Sơn Phu Tử, Chinh phụ ngâm bị khảo, Thiên tình sử Hồ Xuân Hương,

[7] - Lưu ý rằng mai 梅 tiếng Hán mang nghĩa là cây mơ.

[8] - Rập: cúi đầu.

[9] - Chạnh: cành, nhánh.

[10] - Có thể tham khảo Quốc âm thi tập trong Nguyễn Trãi toàn tập do Đào Duy Anh và Văn Tân thực hiện (NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1969 & 1976) và Thơ quốc âm Nguyễn Trãi do Bùi Văn Nguyên biên khảo, chú giải, giới thiệu (NXB Giáo Dục, Hà Nội, 1994).

[11] - Dành cho quan ngự sử, trải quan / mũ trãi có tên gọi thế do thêu hình sừng con giải trãi.

[12] - Diện tự thiết / mặt như sắt là thành ngữ thường dùng để chỉ quan ngự sử.

[13] - Lê Cao Phan chào đời năm Quý Hợi 1923 tại huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Là một nhà giáo am hiểu nhiều lĩnh vực nghệ thuật, Lê Cao Phan đã sáng tác loạt ca khúc mà nổi tiếng nhất có bài hát Phật giáo Việt Nam soạn năm 1951, đã được chọn làm đạo ca của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Một số ca khúc khác của Lê Cao Phan: Diệt trừ giặc dốt,Bài ca tình bạn, Ca mùa học vui, Vui đi học, Ra chơi, Chuột cắp trứng, Chim mất con, Hai chú gà con, Ba bà đi bán lợn con, Nhi đồng múa ca, Tiếng còi đánh thức, Lòng hiếu chim oanh vũ, Vườn xanh, Trăng sáng đồi sim, Vợ chồng tát nước, Nhịp võng tình thương. Lê Cao Phan từng dịch Sám hối Hiroshima của Claude Eatherly và Günther Anders từ tiếng Pháp sang tiếng Việt, Ức Trai thi tập của Nguyễn Trãi sang tiếng Anh và tiếng Pháp, Truyện Kiều của Nguyễn Du sang các thứ tiếng Anh, Pháp, Hán, Esperanto. Lê Cao Phan còn vẽ tranh sơn dầu. Làm thơ và viết tuỳ bút lẫn truyện ngắn, Lê Cao Phan ký bút danh Huy Bằng, Quán Chi, Hoàng Tầm Phương.

[14] - Liên hệ thơ Lưu Vũ Tích đời Đường: 梅花一夜南枝 / Mai hoa nhất dạ mãn nam chi (Một đêm hoa mai nở đầy cành phía nam).

[15] - Quê quán của Phan Văn San tức Phan Bội Châu là làng Đan Nhiễm, xã Nam Hoà, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

[16] - Trong Trùng bản Lâm Hoà Tĩnh tiên sinh thi tập thì nhan đề bài thơ này vậy. Còn Tống thi ký sự thì ghi nhan đề bài thơ này là Mai hoa.

[17] - Trần Trọng San (1930-1998) là nhà giáo kiêm dịch giả, từng giảng dạy Đại học Văn khoa Sài Gòn và Đại học Tổng hợp TP.HCM. Sách của Trần Trọng San đã xuất bản: Thơ Đường (dịch), Thơ Tống (dịch), Chu Tử gia huấn (dịch), Kim Thánh Thán phê bình thơ Đường (dịch), Lược khảo Kinh Thi, Công dân giáo dục (soạn chung với Nguyễn Thị Tự, Lê Khắc Nhân, Phạm Xuân Khoa), Luận lý học (soạn chung với Đàm Xuân Thiều), Việt văn độc bản (soạn chung với Đàm Xuân Thiều), Lý Bạch - Đỗ Phủ - Bạch Cư Dị, Hán văn, Bạch thoại, Văn học Trung Quốc đời Chu - Tần, Hán Việt từ điển (soạn chung với Trần Trọng Tuyên).

[18] - Giản Chi có họ tên thật Nguyễn Hữu Văn (1904 - 2005) là học giả, dịch giả, nhà giáo, nhà văn, nhà thơ. Sách của Giản Chi: Cô độc (dịch truyện của Lỗ Tấn), Cái đêm hôm ấy (dịch truyện của Somerset Maugham), Lỗ Tấn tuyển tập, Vương Duy thi tuyển, Tấc lòng (tập thơ). Sách do Giản Chi thực hiện chung với Nguyễn Hiến Lê: Đại cương triết học Trung Quốc, Chiến quốc sách (dịch), Sử ký Tư Mã Thiên (dịch), Tuân Tử, Hàn Phi Tử.

[19] - Có thể tham khảo Hồng Đức quốc âm thi tập do Phạm Trọng Điềm và Bùi Văn Nguyên phiên âm, chú giải, giới thiệu (NXB Văn Học, Hà Nội, 1962 & 1982).

[20] - Vũ Đình Liên (1913 - 1996) là nhà thơ nổi tiếng với bài Ông đồ (1936) cùng các bài Lòng ta là những hàng thành quách cũ, Người đàn bà điên ga Lưu Xá, Luỹ tre xanh, Thuỷ chung, Hạnh phúc. Vũ Đình Liên còn dịch thơ chữ Pháp và chữ Hán sang Việt ngữ. Ông là một thành viên trong nhóm Lê Quý Đôn, biên soạn Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam. Cạnh đó, Vũ Đình Liên lại là nhà giáo, nhiều năm chủ nhiệm khoa Tiếng Pháp trường Đại học Ngoại ngữ trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.

[21] - Kỳ thực, đôi vế đối này không phải của Cao Bá Quát (1809-1855). Theo phát hiện của Tảo Trang công bố trên tạp chí Nghiên Cứu Văn Học số 2 (Hà Nội, 1963) và của Hoa Bằng công bố trên tạp chí Văn Học số 2 (Hà Nội, 1972), đôi câu đối tuyệt bút này của Tri phủ Hán Dương là Ngải Tuấn Mỹ làm tặng Nguyễn Tư Giản - Giáp phó sứ nước ta sang Trung Hoa thời nhà Thanh vào năm Kỷ Tị 1869, niên hiệu Tự Đức XXII.
 

Đã đăng trên các tạp chí:
. Hoa Cảnh 1 (Xuân Ất Hợi 1995)
.Giác Ngộ năm 1995
______


Mai vàng Tết Ất Mùi 2015 nơi Vườn Ngọc, Huế. 
Ảnh: Phanxipăng


Mai vàng Tết Kỷ Hợi 2019 trước điện Thái Hòa trong Hoàng thành Huế. 
Ảnh: Phanxipăng


Mai vàng Hội hoa Xuân Tân Sửu 2021 tại vườn Tao Đàn, Sài Gòn. 
Ảnh: Phanxipăng


Mai trắng Hội hoa Xuân Tân Sửu 2021 tại vườn Tao Đàn, Sài Gòn. 
Ảnh: Phanxipăng


Bonsai mai vàng Hội hoa xuân Tân Sửu 2021 tại vườn Tao Đàn, Sài Gòn. 
Ảnh: Phanxipăng