Phạm
Duy viết về mùa Xuân rất nhiều. Ở đây, tôi xin nêu một
vài cảm nhận về mùa Xuân qua ca từ trong một số bản nhạc
của ông.
Trong bài hát "Một Bàn Tay" (Sài Gòn 1959), hình
ảnh bàn tay được nhắc đi nhắc lại cùng với hình ảnh
4 mùa như thể bàn tay đi suốt cả thời gian, tạo nên những
cung bậc tâm hồn của cuộc đời.
Đây là cung bậc nhập vào cuộc đời đầy hân hoan,
nhìn đâu cũng thấy Xuân, cũng thấy ai cũng đáng yêu, thấy
ai cũng góp lòng vun xới tình người cao đẹp:
"Bàn tay đưa anh đi gặp cuộc đời
Một Xuân bao dung ai cũng là người
Bàn tay vun xới, ôi bàn tay đưa lối
Dọc đời, thơ hát đầy vơi".
Còn trong bài "Nhạc Tuổi Vàng" (Sài Gòn 1960),
Xuân trong bài hát chỉ là những gì đã qua, chỉ là kỷ niệm
đẹp một thời:
"Tuổi vàng như bông lúa thơm tho ngày mùa
Trên cành đồng chiều tà
Nhớ Xuân xa, khi còn thơ..."
Mỗi khi Xuân về, muôn loài cũng trở mình đón
Xuân. Nào là "Nắng trên thềm lấp lánh/ Lũ bướm vàng tung
cánh/Với to nhỏ chim hót trên cành", nào là "cỏ nỏn nà",
nào là ốc, dế, giun, chuồn chuồn, ong, nai "quấn quýt người
con gái đương tơ":
"Một con ốc nằm yên giấc ở đồi hoang
Bỏ mộng ngoan từ vỏ, vươn chào đón Xuân
Khiến cho đàn giun dế
Cũng ngước mặt nghênh đón
Bóng dáng người con gái tươi ròn
Chuồn chuồn ngấp nghé ở vòm tre
Rồi bay tới cùng đàn ong lượn vuốt ve
Khiến cho đàn nai bé
Kéo nhau về bỡ ngỡ
Quấn quýt người con gái đương tơ"...
("Trên Đồi Xuân", Sài Gòn 1975)
Viết về những bài hát nói về mùa Xuân, tôi
không thể không viết bài ca "Tuổi Xuân" (Sài Gòn, 1973). Đọc
đi, đọc lại lời bài hát và nghe Thái Hiền hát, lòng tôi
như thấy cô bé tinh khôi, bỗng dưng "dậy thì" thấy lòng
mình đổi biến đổi: "Bỗng dưng yêu đời! Bỗng dưng
yêu đời!". Cô bé trải lòng yêu thiên nhiên vũ trụ kỳ
diệu, yêu quê hương đất nước đẹp ngời, yêu mọi nơi,
mọi chốn trên trái đất mỏng manh, yêu cuộc sống, cuộc
đời qua bao thăng trầm không ngơi nghỉ. Rồi, cô bé thấy
lòng yêu người: "Bỗng dưng yêu người! Bỗng dưng yêu
người!". Cô yêu từ những người gần gũi, thân yêu,
từ trẻ thơ đến cụ già, từ thầy cô, đến bạn bè, từ
xóm vắng đến phố thị. Tôi như thấy tiếng lòng reo vui
của cô bé: "Bỗng dưng vui nhiều! Bỗng dưng vui nhiều".
Cô vui nhiều khi được mẹ ba nuông chìu, được anh chị thương
yêu, được mọi người tôn trọng, và hơn hết và luôn được
yêu. Tôi cũng thấy hình ảnh cô bé đang lớn: "Bỗng dưng
mơ màng! Bỗng dưng mơ màng!". Lòng cô bé rộn ràng vui
khi tình yêu thương tràn ngập. Cô hát ca về tuổi xuân đẹp
của mình: "Em ca em hát, em vui rộn ràng".
Còn "Xuân Hành", một bài hát với ca từ như
thơ. Thơ có những bài hành như "Tống biệt hành" của Thanh
Tâm, "Hành phương Nam" của Nguyễn Bính, "Trường Sa hành" của
Tô Thùy Yên, "Biên cương hành" của Phạm Ngọc Lư. Ở đây,
tôi xin nêu lời của bài hát có tính chất của một thể
hành. Nếu "Tống biệt hành, một cuộc chia ly thường
tình nhưng chứa đựng trong nó cả một vũ trụ biệt ly" (Châu
Minh Hùng), nếu "Hành phương Nam không chỉ là khát vọng
bứt phá khỏi vòng vây cơm áo, mà hơn thế, là khát vọng
của sự bứt phá khỏi kiềm tỏa của một tẻ nhạt cô đơn.
Song đáng thương, chí bình sinh đáng cảm thông ấy đã không
thỏa ước, vẫn một phương Nam cô đơn thiếu vắng tình
người" (Nguyễn Tấn Ái), nếu Trường Sa hành "diễn
tả tâm trạng những người lính trấn đảo nhưng cuối cùng
trở về nỗi thao thức thân phận của con người" (Nguyễn
Thị Thảo An), nếu "Có thể nói, Biên Cương Hành là
một trong những bài thơ hay nhất viết về chiến tranh, không
chỉ của thi ca miền Nam, mà cho cả nền thi ca đất
Việt" (Đỗ Trường), thì "Xuân hành" là cuộc hành trình
của NGƯỜI với bao trở trăn về phận của mình trên thế
gian này. Muôn đời nay, ai cũng tự hỏi: Ta là ai? Ta từ đâu
đến? Ta sẽ về đâu? Từng có nhiều quan niệm của tôn giáo,
triết học, nghệ thuật về những câu hỏi trên.
Từng xem, bức tranh "Chúng ta từ đâu đến?
Chúng ta là ai? Chúng ta đi đâu?" của danh họa Paul Gauguin
(1848 – 1903) trên Internet, tôi như thấy cuộc hành trình của
con người trong kiếp sống vô thường này. Đó là sự trăn
trở đúng nghĩa đầy chất NGƯỜI trong cõi nhân gian. Đã
là NGƯỜI dù có trở trăn cũng phải chấp nhận phận NGƯỜI
như là sứ mệnh của mình. Nói như chúa Kitô là mình phải
tự vác thập giá của mình: "Ai muốn theo Thầy, phải từ
bỏ chính mình, vác thập tự giá mình mà theo" (theo Mác-cô,
Tân Ước); nói như Đức Phật trước
khi nhập Niết Bàn là phải tự thắp đuốc mà đi: "Này!
Các người phải tự mình thắp đuốc lên mà đi! Các người
hãy lấy Pháp của ta làm đuốc! Hãy theo Pháp của ta mà tự
giải thoát! Ðừng tìm sự giải thoát ở một kẻ nào khác,
đừng tìm sự giải thoát ở một nơi nào khác, ngoài các
người!.." (theo buda.vn). Tất cả đều cho ta chấp nhận sống
sao cho ra sống:
"Người là TA, một mùa Xuân tỏa ánh nắng
mai
Bước lên đời mang một duyên tình duyên
mới
Người là TA, đường nhân ái còn đi mãi
mãi
Hết bước Xuân, TA gọi nhau về trong NGƯỜI"
("Xuân Hành", Sài Gòn 1959)
Trong bài "Xuân Thì" (Sài Gòn 1953), bài ca đẹp
như bài thơ viết về mùa Xuân của đất Mẹ Việt Nam. Mùa
Xuân đến, chuyện chiến chinh lùi xa. Chỉ còn lại hy vọng
tốt lành. Mùa Xuân quả thực đem đến nhiều hy vọng mỗi
chúng ta: "Ngày mà Thượng đế tạo ra hi vọng có lẽ cùng
một ngày ngài tạo ra mùa Xuân" (Bern Williams). Và cũng vậy,
Phạm Duy hy vọng một mùa Xuân hòa bình chỉ còn lại nỗi
mừng vui khi yêu thương tràn ngập:
"Tình ra núi Bắc, non Đông
Duyên về tới chốn Nam sông, Tây rừng
Gọi đàn chim trắng như bông
Tin lành đưa xuống khắp vùng trên nước
ta
Êm êm tiếng hát trăng tà
Tình soi trên phím tay ngà gái trinh
Người ôm nhân loại trong mình
Cười tuôn nước mắt cho Xuân tình dấy
men".
Với niềm hy vọng về mùa Xuân tốt đẹp, Phạm
Duy như muốn hóa thành hoa tỏa hương, đem thương yêu, niềm
vui đến với mọi người, đem tình yêu đua nở dâng hiến
cho đời. Trong niềm vui yêu thương ngập tràn hương hoa mùa
Xuân, tác giả cảm nhận được bao thôn nữ hân hoan thưởng
ngoạn hoa Xuân, chúc tụng mùa Xuân thái hòa, nghe được tiếng
lòng của bao cụ già thầm mơ hoa trẻ mãi:
"Xuân! Hoa tỏa hương mới
Nhân quần ân ái đã kêu đòi niềm vui
Xuân! Hoa là tình tôi
Đua nở cùng
ai cùng quyến luyến mọi nơi
Có một bầy thôn nữ nhìn hoa
Chúc cho Xuân vui vẻ thái hòa
Có một vài tóc trắng thầm mơ
Ước cho hoa nở mãi không già"
(Hoa Xuân, Sài Gòn 1953)
Mùa Xuân đối với Phạm Duy không những tốt
đẹp mà còn hiền. Ông ao ước được sống trong cõi Xuân
hiền ấy. Cõi Xuân hiền ấy là cuộc tái sinh như thể đất
trời mãi là Xuân:
"Xuân non, Xuân già, Xuân vẫn Xuân quen
Mới biết Xuân là cuộc tái sinh duyên
Thu, Đông, Hạ chết
Nhưng Xuân còn nguyên
Khuyến khích dòng máu về tim
Xuân không lên đường, Xuân đứng êm êm
Đứng mãi trong
đời để cõng ta lên
Yêu Xuân đằm thắm
Yêu Xuân một phen
Và sống cùng với Xuân hiền"...
("Xuân Hiền", Sài Gòn 1972)
Còn trong bài "Xuân Ca" (Sài Gòn, 1961), cái tôi
đầy sức Xuân của Phạm Duy tràn ngập khao khát. Khao khát
ấy chính là hoài bảo, khát vọng sống cống hiến dù biết
rằng, đã là người thì ai cũng sẽ chết, sẽ thành tro bụi
chốn hồng trần. Bởi lẽ, còn Xuân là còn mơ ước, hy vọng,
là còn trẻ mãi đầy sức sống theo thời gian, bởi "Không
bao giờ là quá già để đặt ra mục tiêu khác hoặc một
giấc mơ mới" (S. Lewis):
"Xuân tôi ơi, sức Xuân tôi còn khát khao
Dù nay, dù mai cũng như mọi ai chết trong
địa cầu
Xuân muôn năm có ta Xuân còn hỡi Xuân
Thì xin, thì Xuân hãy cho tình nhân sống thêm
vài lần"
Có thể khẳng định rằng, qua một số lời
bài hát viết về mùa Xuân, Phạm Duy đã góp phần không nhỏ
vào việc làm đẹp cho tiếng Việt, giúp cho người nghe càng
thêm yêu tiếng nói của mình như ông đã từng cất lời "Tôi
yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời" ("Tình Ca").
Phan Trang Hy