Chim Việt Cành Nam
Trở về
Trang chủ
Tác giả
Tả Tiên Sinh
左先生

Nguyên tác : Nam Thiên Trân Dị Tập 
珍 異 集
Tác giả : Khuyết Danh
Bản dịch của : Phạm Xuân Hy 

Đôi Lời Bộc Bạch về  " Tả Tiên Sinh "

" Tả Tiên Sinh " là một trong 135 truyên ngắn, trong tác phẩm " Nam Thiên Trân Dị Tập 南 天珍 異 集 ", viết bằng Hán Văn của người Việt Nam, thuộc tủ sách " Việt Nam Hán Văn Tiểu Thuyết Tùng San " và do " Pháp Quốc Viễn Đông Học Viện Xuất Bản ".(Trường Viễn Đông Bác Cổ cũ )năm 1992

Không ghi ngày tháng và danh tính tác giả.

" Nam Thiên Trân Dị Tập 南 天珍 異 集 ", là tác phẩm ghi chép những truyện hay, truyện lạ,các danh nhân , các chùa chiền, thắng cảnh của nước Ta, gồm hai quyển :

-Quyển nhất có 70 truyện.

-Quyển nhị có 65, tổng cộng là 135 truyện.

Theo như lời tựa của sách, bản sao viết tay vào ngày 15 tháng 8 năm Đinh Tỵ,tức năm Khải Định nhị niên, tức năm 1917, thì tác giả " Nam Thiên Trân Dị Tập " đã căn cứ vào tác phẩm Công Dư Tiệp Ký (1775) của quan Đông Các Vũ Phương Để, tiến sĩ năm Vĩnh Hựu, tức năm 1736 đời vua Lê Ý Tông, người làng Mộ Trạch,nhân rỗi rảnh chép lại những điều mình nghe thấy, trông thấy,thành một tập là " Tiệp Ký ", nhưng bấy giờ sách chưa kịp khắc in.

Về sau có những người khác viêt tiêp vào ,có người chia ra thành loại mục, có người đặt lại tiêu đề sách khác,bất nhất, không giống nhau ; khiến cho đời sau không biết chỗ nào là của Vũ Phương Đề viết, chỗ nào do hậu nhân thêm vào.

Nay tác giả không quản ngại mình thô lậu, tham duyệt các bản, sửa lại những chỗ sai lầm, thiếu sót cho đúng

Trong sách có những điều hay quý (Trân珍 ) và cũng những điều lạ kỳ (Dị異) nên đặt tên là Trân Dị Tập 珍異集 ,là tác phẩm chí bảo của nước Nam ta vậy.

****

Phong thuỷ là một phương thuật đã có từ lâu đời ở Trung Quốc.

Nhưng du nhập vào nước ta từ bao giờ, thì không ai xác định được, người ta thường tôn sùng là Tả Ao là tổ sư về nghề phong thuỷ ở Việt Nam.

Sách vở viết về phong thuỷ ,cũng như truyền khẩu về Tả Ao, đựơc quảng bá, phổ biến rộng rãi trong dân gian.

Tuy nhiên, các sách vở, cũng như các giai thoại, đều có chỗ khác biệt, bất nhất, không giống nhau, ngay như tên gọi của Tả Ao cũng không được xác định rõ ràng..

Tả Ao,theo tác phẩm Thiên Nam Trân Dị Tập 南天珍異集 cho biết Tả Ao có tên là Nguyễn Đức Huyền 阮德玄

-Ngoài ra, hai tác giả Phạm Đình Hổ (1768 - 1839 ), và Nguyễn Án, trong tác phẩm nổi tiếng Tang Thương Ngẫu Lục 桑滄偶錄 cũng có có truyện"Tả Ao Tiên Sinh ", và đưa giả thuyết cho là Tả Ao là người họ Hoàng 黄 tên là Chỉ 止. và những chi tiết khác biệt.

-Sách " Thính Văn Dị Lục 聴文異錄" của một tác giả khuyết danh khác, cũng có một bút ký về Tả Ao đề là " Nguyễn Tả Ao Ký 阮左泑記" , nhưng nội dung hoàn toàn tương đồng với truyện "Tả Tiên Sinh" trên đây, có khả năng là"sao y bản chính"của truyện " Tả Tiên Sinh " trong Nam Thiên Thiên Trân Dị Tập chăng ?Vả, còn rất nhiều tác phẩm, bài viêt khác, bàn về phong thuỷ nữa , nhắc đến ông. và viết về ông.

Tôi từng nghe cụ Nguyễn Hiến Lê có ý kiến rằng : Dịch là một việc làm rất bạc bẽo vì công việc đã khó khăn mà lại ít người thưởng thức. Riêng ở nước ta,nó lại càng bạc bẽo vì rất hiếm người chịu đọc sách dịch.

Làm công việc này, tôi là một lão nhà quê, có được chút ít chữ hán nôm tự học thô thiển, đem thóc ra phơi cho khỏi hủ mốc, ôn lại cho khỏi bị thất thoát,và cũng mong giúp cho mình được khuây khoả , những khi chiều tà nắng tắt, chống gậy bước qua tuổi bát thập.

Học thêm được chữ nào vui chữ đó.

Vì thật tình trong lòng chúng tôi vẫn thường tự thẹn với sở học nông cạn non nớt của mình, mà biển học thì mênh mông vô hạn, tuổi già lại đa bệnh, không thể tránh khỏi những sai sót, bất cập.

Việc làm chú thích chỉ là mua vui

Rất mong được các vị cao minh lượng thứ chỉ giáo và phủ chính cho.

Xin chân thành đa tạ.

Paris,ngày 27-6-2020.Mùa đại dịch, một đêm cô đơn, cô liêu và hiu quạnh.

**************************************************************

KÍNH MỜI BẠN ĐỌC

BẢN DỊCH CỦA PHẠM XUÂN HY.

Nguyễn Đức Huyền (阮德玄) , người xã Tả Ao (寫泑社), huyện Nghi Xuân, lúc còn trẻ thiếu niên, nhà nghèo, phải đi làm thuê làm mướn để sống, thường đi qua sông Phù Thạch Giang, thấy có một người Bắc khách 北客, đang sắp bị chết đuối, ông nhẩy xuống vớt lên, cứu sống, người khách lấy ra một trăm mân 緡 để tặng , nhưng ông không nhận. Người ấy lại cố ép nhận phân nửa, nhưng ông cũng từ chối, không nhận.

Người Tầu khen ông là người có lòng hảo tâm, mới nói với ông rằng :

-Trông tướng mạo của cậu, thật là tiên phong đạo cốt, có muốn theo lão về Tầu , học môn địa lý chính tông không.

Ông lập tức đi theo người thầy địa lý ấy về Quảng Đông.

Người thầy địa lý thấy ông còn trẻ, không biết chữ; nên thường lấy gạo tụ lại thành đống, lập thành hình sơn thủy long hổ hình 山水龍虎形, tức các hình thế đất về phong thủy,và ông dùng khẩu truyền , mà chỉ dạy cho Tả Ao. Ông vốn thông minh dĩnh ngộ, nên ba năm sau, quả nhiên, ông tinh thông giỏi về phong thủy.

Ông có ý muốn xin trở về nước.

Thày địa lý mới lấy cát bố trí một trăm cái huyệt, ở bên dưới, kín đáo chôn dấu một trăm đồng tiển ở dưới, bảo ông thử " điểm huyệt 點穴 ".

Ông điểm trúng 99 huyệt, chỉ sai có một huyệt.

Thầy địa lý bèn than :

-Thế này, nghề của ta di chuyển sang nước Nam mất !

Sau đó, Tả Ao bái tạ thầy rồi trở về nước.

Thầy địa lý lại ban thêm cho ông một cái địa bàn"tróc long 捉龙 " để tìm kiếm long mạch, và bùa để trấn yểm thổ địa thần, cùng các đồ nghề khác, lại nói :

-Thuật địa lý này, nước Nam không có, nên giữ kín, đừng tiết lậu nhá !

Lại căn dặn :

-Ở huyện Chân Phúc (Nay là huyện Gia Lộc) ở Nghĩa An (Nghệ An) có một ngôi huyệt rất tốt, nhưng chớ có tham huyệt đó, kẻo lại luỵ đến ta.

Ông trở về nhà, ý muốn cải táng mộ phần của ông nội, nhưng các anh em đều không chịu.

Một hôm, Tả Ao nhớ đến lời người thầy phong thuỷ , mới đến một nơi nọ ở trong huyện để coi huyệt, thấy đó là một thế đất khuyết, có một cái huyệt "tổ sơn" 祖山 bắt đầu từ núi Hồng Lãnh đi ra, như 36 con rồng chầu, "đai minh đường大明堂" là con sông Phù Thạch Giang, rừng núi vây quanh, bát ngát,như thiên binh vạn mã, ông nhủ thầm trong bụng, huyệt này thật quý, nếu được táng vào huyệt này, thì sẽ đời đời làm đế vương không dứt, nhưng ông chỉ giữ kín trong lòng, rôi đi xem ở những nơi xa.

Khi ông đến xã Bút Sơn, huyện Hoằng Hoá, thấy có một cái huyệt nếu táng vảo giờ dần寅 thì sẽ phát tích vào giờ mão卯, ông tự bảo : " mình không đem tài ra thi thố, thì lấy gì làm cho người ta tin tưởng"

Rồi ông rao lên rằng :

-Ai mả cải táng phát tài thì phải chia cho tôi một phần mười.

Có một người đồng ý nhận lời, vào lúc lê minh 黎明 khi công việc cải táng xong, người ấy cầm quốc ra sông rửa, thấy một người sắp bị chết đuối, người ấy vớt lên để chôn, thì thấy trong người có hai túi đựng 50 nén bạc, mặt trời mới mọc, người ấy chia cho Tả Ao 5 nén như lời đã giao ước.

Ông đến huyện Thanh Liêm tìm được một cái huyệt, ông bảo người ta rằng :

-Táng vào huyệt này,chỉ một tháng sau được phong quận công , những phải thưởng cho tôi một 100 chuỗi tiền cổ.

Có người phú ông nghe nói thế, lấy làm ngạc nhiên, bèn mời Tả Ao đến nhà.

Lúc đó triều đình đang đánh nhau tướng nhà Mạc là Mạc Kính Độ ở Kim Bảng

Mạc Kính Độ bị thua trận bỏ trốn, triều đình xuống lệnh tróc nã, ai bắt được Mạc Kính Độ thì được phong tước Quận Công ngay lập tức.

Người phú ông sau hai chục ngày cải táng, thì có hai người lạ vào nhà, nói phú ông :

-Tôi đây là Mạc Kính Độ, xin ông cho tôi ăn một bữa, tôi sẽ mang ơn, và ông cứ bắt tôi nộp triều đình.

Nhờ thế, phú ông được phong làm quận công, khi có sắc chỉ đến nhà thì vừa một tháng đúng.

Phú ông tặng thưởng cho Tả Ao một trăm xâu tiền như đã ước hẹn.Nhưng Tả Ao chỉ nhận có ba xâu để làm tiền đi đường mà thôi.

Từ dấy, tiếng tăm của Tả Ao vang lừng thiên hạ.

Ông đi chu du tứ trấn đến 20 năm.

Như các vùng Nhân Hữu, Bảo Triện thuộc huyện Gia Bình, An Quyết thuộc huyện Từ Liêm, Ông Mặc, Hà lỗ, thuộc huyện Đông Ngàn, Đào Xá thuộc huyện Lang Tài, Lý Hải thộc huyện An lạc, Đại trạch thuộc huyện Siêu Loại, Kiêu Kỵ thuộc Gia Lâm, Kim Tuyền thuộc huyện An Lãng, là những nơi có có người nhờ ông để huyệt phát tích.Lớn thì làm đến Thượng Thư, Tiến Sĩ, Phò Mã, Cung Phi, Cự Phú, tính không xuể.

Chưng khi ông đến xã Thiên Lão thấy có một huyệt rất quý, lòng có ý mốn táng người họ Trần ở huyệt này, như khi mới vừa dùng địa bàn để tìm long mạch, ba lần đều phải làm lại, ông mới niệm phù chú để gọi thổ thần lên hỏi, thì thổ thần bảo với ông rằng:

-Ngôi huyệt này sẽ ba đời làm Sư Quốc Đại Vương, con cháu sẽ hưởng tước vị công, hầu không dứt, trời đã ban cho nhà Nguyễn Quý Đức, còn nhà họ Trần đức mỏng, không xứng đáng được hưởng ngôi huyệt này, còn nếu ngài vi phạm thiên ý, tất hại vào thân. Ngài chu du thiên hạ, tạo phúc cho nhiều người, mà một tấc cát địa để chôn cha mẹ thì lại không có, ngài nên suy nghĩ kỹ .

Tả Ao vì thế trở về làng cũ.

Thuật phong thuỷ nước Nam ta, không có ai tinh thông bằng Tả Ao, ông là người tạo giầu sang phú quý cho nhiều người, mà không thể cứu được con cháu khỏi sự nghèo túng khốn khó, vậy th, con người ta ở đời, nên lấy việc tu đức làm gốc, nhược bằng chỉ chuyên trông nhờ phong thuỷ, tất sẽ cùng mạt.

Sự tích về Tả Ao chép trong sách " Tang Thương Lục" cùng những sách khác có chỗ không giống nhau.

Lại có thuyết nói rằng, ngôi mộ phụ thân của Tả Ao được táng vào hàm rồng trên núi cao, được mấy tháng, thì bị sứ giả Tầu cùng với thầy địa lý chính tông sang dùng phép phá huỷ đi.

Có thuyết thì nói rằng mẹ Tả Ao huyệt táng ở đáy biển, miệng rồng ba trăm năm chỉ há ra trong một khắc, khi đó thì có gió bão nổi lên đùng đùng, chừng lúc gió bão yên tĩnh thì trễ, không kịp táng nữa.

Rồi lại có thuyết nói rằng Tả Ao chuẩn bị sau khi chết, muốn thân được táng vào huyệt trở thành địa tiên, tiên ở cõi trần gian 地仙, nhưng đi giữa đường ông bị bệnh nặng, nên dặn con cháu táng vào huyệt phát tích làm Thành hoàng

*****
Chú thích của người dịch

Tiên Sinh
先 生

Tiên sinh có nghĩa là người sinh ra trước.Rồi biến thiên với nhiều nghĩa khác nhau:

-Từ thời Chiến Quốc đến các triều Thanh, Minh, phạm vi xử dụng và ý nghĩa của hai chữ Tiên Sinh theo biến thiên từng thời một.

1-Thời Chiến Quốc, hai chữ Tiên Sinh được sử dụng để xưng hô bậc trưởng bối có đạo hạnh cao, và ngày nay gọi là nguời thầy dạy học (Tiên Sinh, lão nhân giáo học giả 先生老人教學 者-tiên sinh là bậc lão nhân dậy học)

2-Đời Hán, người ta thêm chữ "lão" ở đằng trước, và xưng hô là Lão Tiên Sinh.

3-Đến thời Thanh sơ, người ta xưng hô với Tướng Quốc là Lão Tiên Sinh.Sang đến đời Càn Long, ít thấy dùng Lão Tiên Sinh.

4-Thời Cách Mạnh Tân Hợi, trong giao tế hàng ngày, ghi gặp nhau đều gọi nhau là Lão Tiên Sinh cả.

5-Tại Hương Cảng và Aó Môn, người vợ cũng có khi gọi chồng là Tiên Sinh, và còn gọi chồng người khác cũng là Tiên sinh.

6-Thầy lang, hay bác sĩ, cũng được gọi là Tiên Sinh.

7-Đạo Sĩ, Thầy bói, thầy địa lý, hay Phong Thuỷ Tiên Sinh, ngay cả kỹ nữ cũng được gọi là Tiên Sinh. Trong Sử Ký cua Tư Mã Thiên. Hàn Tín hỏi Khoái Thông "Tiên Sinh tướng nhân như hà ?"
 
 

-Bắc khách.
北客

Tiếng Việt có nhiều từ ngữ, dùng để chỉ người Trung Hoa, trong đó có từ "bắc khách", người khách phương bắc, vì nuớc Tầu ở phía bắc nước ta, nên gọi một cách như vậy.Và "bắc khách" thường được dùng trong văn viết, sách vở một cách nhã nhặn.

Về phần người nước ngoài, thì tùy theo sự biến thiên của lịch sử, người ngọai quốc mỗi nước có những cách gọi khác nhau, để gọi nước Trung Quốc:

-Sau khi Tần Thủy Hòang tiêu diệt lục quốc, nước Tầu trở thành một cường quốc, hùng mạnh về văn trị và võ công, ảnh hưởng rất lớn so với ngoại quốc.

1-Các nước Tây Vực gọi nước Trung Quốc là nước "Tần秦", gọi các hòa thượng của Trung Quốc là "Tần điạ chúng tăng -秦地众僧- tăng nhân nước Tần ".

2-Đến các đời Hán, Đường, thì về kinh tế, và văn hóa, phát đạt phồn vinh chưa bao giờ thấy, và người ngọai quốc gọi nước TQ là người "Hán漢", và gọi những người làm công việc nghiên cứu về Trung Quốc là "Hán Học gia".

3-Những người TQ lữ cư ở nước Mỹ được người Mỹ gọi là "Đường nhân 唐人" và phố, nơi người Tầu tụ cư là "Đường Nhân Nhai", tức phố Tầu, tại sao người Mỹ lại gọi người Tầu là Đường, vì nước Mỹ lập quốc sau nhà Đưòng rất xa, còn người Việt thì gọi là "Phố khách", "Phố tầu".Hoặc giả, chính những người Tầu tự mệnh danh cho mình là người Đường. Tương tự như người Sài Gòn sang sống ở Mỹ người đặt tên nơi có người Việt nam tụ cư là "Sài Gòn Nhỏ".

4-Người Thái Lan cũng gọi người Tầu là "Đường nhân".

5-Cổ xưa, các nước Ấn Độ, Hy Lạp, La Mã, và nước Nhật Bản gọi người Tầu là "Chi Na 支那".

Theo kinh nhà Phật giải thích thì "Chi Na" dịch âm từ chữ Phạn và có nghĩa là người " có tài suy nghĩ", "giỏi về sáng tạo".

6-Các nước Ý, Anh, và Iran, Ba Tư cũng gọi người Tầu là "Tần" hay"Chi na", do sự chuyển hóa của cách phát âm.

7-Cũng có một vài nước gọi người Tầu là "Chấn Đán 震旦" , nghĩa là "vùng đất mặt trời mọc".Chấn là tên một quẻ trong bát quái.

8-Người Nga gọi người Tầu là "Khả Đạt Y" là do dịch âm từ chữ "Khiết Đan 契 丹", nhưng thật ra "Khiết Đan" chỉ là tên một bộ tộc mà thôi.

Các nhà ngôn ngữ học Việt Nam vẫn chưa xác định được ý nghĩa đúng của chữ "Tầu 艚",là một âm nôm, được cấu tạo do "hai chữ 舟+曹 châu và tào", chi "tầu bè" .

"Trung Quốc" chỉ được coi là quốc hiệu xuất hiện sau cuộc "Cách Mạng Tân Hợi", khi "Trung Hoa Dân Quốc"thành lập.Nhưng theo văn hiến cổ xưa thì từ ngữ "trung quốc" có nhiều nghĩa.Từ thời Xuân Thu Chiến Quốc đến các triều đại Tống, Nguyên, Minh, Thanh, phần nhiều từ ngữ "trung quốc" đưộc dùng để phiếm chỉ vùng đất ở trung nguyên.

Tôi mạo muội trình bầy với sự dè dặt

Mân

-Thời xưa người ta dùng giây để xuyên tiền thành từng xâu một, nên mỗi một xâu tiền được gọi là một Mân 緡;

-Đối chiếu giờ ngày xưa với giờ hiện đại

Đọc những sách cổ, chúng ta thường gặp giờ giấc, ghi theo âm lịch, nên lẫn lộn khó nhớ.

Cổ xưa lịch pháp của người Trung Hoa chia " một ngày một đêm " làm 12 Thời Thần 時辰, và dùng 12 Địa Chi, " thập nhị địa chi 十二地支, thường gọi " 12 con giáp " để gọi tên, và 12 Thời Thần này là :

-Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tý, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi ...

Xin liệt kê như dưới đây :

1- Tý thời–子时

Còn gọi là Bán Dạ, Tý Dạ, Trung Dạ.

Tương đương giờ hiện đại từ 23 giờ đến 1 giờ

2- Sửu thời–丑时

Còn gọi là Kê Minh, Hoang Kê.

Tương đương giờ hiện đại từ 1 giờ đến 3 giờ

3- Dần thời-寅时

(Cón gọi là Bình Đán, Lê Minh, Tảo Thần, Nhật Đán, đó là lúc đêm và ngày giao tiếp nhau.)

Tương đương giờ hiện đại là từ 3 giờ đến 5 giờ.

4- Mão thời-卯时

Còn gọi là Nhật Xuất, Nhật Thủy, Phá Hiểu, Húc Nhật.

Tương đương giờ hiện đại từ 5 giờ đến 7 giờ là lúc mặt trời mới hé mọc.

5-Thìn thời-辰时

Còn gọi là Thực Thời食时, Tảo Thực早食, cổ nhân cơm ăn sáng gọi là Triêu Thực. Tương đương giờ hiện đại từ 7 giờ đến 9giờ

6-Tỵ thời-巳时

Còn gọi là Ngung Trung, Ngu Trung, lúc thời gian gần sắp đến Trung Ngọ gọi là Ngung Trung.

Tương đương giờ hiện đại từ 9 giờ đến 11 giờ

7-Ngọ thời-午时

Còn gọi là Nhật Trung,Nhật Chính, Trung Ngọ.

Tương đương giờ hiện đại từ 11 giờ đến 13 giờ.

8-Mùi thời-未时

Còn gọi là Nhật Điệt, Nhật Ương, lúc mặt trời lệch về phía tây gọi là Nhật Điệt. Tương đương giờ hiện đại từ 13 giờ đến 15giờ.

9-Thân thời-申时

Còn gọi là Bộ Thởi, Nhật Phố, Tịch Thực,

Tương đương giờ hiện đại từ 15 giờ đến 17 giờ.

10-Dậu thời-酉时

Còn gọi là Nhật Nhập,Nhật Lạc, Nhật Trầm, Bàng Vãng, tức là lúc mặt trời khuất núi. Tương đương giờ hiện đại từ 17 giờ đến 19 giờ

11-Tuất thời -戌时

Còn gọi là Hoàng Hôn, Nhật Tịch, Nhật Mộ, Nhật Vãn, là lúc mặt trời đã chìm phía sau núi, trời sắp đen hắc nhưng chưa tối, vạn vật mông lung mơ hồ không rõ.Nên gọi là Hoàng hôn.

Tương đương giờ hiện đại từ 19 giờ đến 21 giờ

12-Hợi thời-亥时

Còn gọi là Nhân Định, Định Hôn, lúc này đêm đã khuya, người ta đình chỉ hoạt động, yên tĩnh ngủ yên.

Tương đương giờ hiện đại từ 21 giờ đến 23 giờ

Nguyễn Đức Huyền
阮德 玄

Là danh xưng Tả Ao 左幼 Tả Ao không phải là tên thật của ông, mà là tên làng quê của ông, được ông lấy làm tên hiệu và gắn với tác phẩm của mình. Cũng tương truyền, tên ông được người xưa lấy tên làng, nơi ông sinh ra để gọi, mà không gọi tên thật. Tên thật của ông thì không rõ ràng.

Tự Điển Bách khoa toàn thư Việt Nam viết rằng, xin trích:

Tả Ao, trong sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, có tên là Hoàng Chiêm hay Hoàng Chỉ.

-Còn trong dân gian, xuất phát từ quê hương ông, lưu truyền tên gọi thật cuả ông là Vũ Đức Huyền. Lại có nguồn nói rằng ông có tên là Nguyễn Đức Huyền.

Tả Ao sinh vào khoảng năm Nhâm Tuất (1442), sống ước chừng vào thời Lê sơ (Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông và Lê Uy Mục, tức là khoảng những năm 1442-1509. Có tài liệu cho rằng Tả Ao sinh sống trong khoảng đời vua Lê Hy Tông (1676-1704). Ngoài ra, có các sách Địa lý phong thủy Tả Ao và Địa lý Tả Ao chính tông của tác giả Vương Thị Nhị Mười; Nghiên cứu Phong thủy và Phong thủy Việt Nam của Ngô Nguyên Phi... đều nói sơ lược về lai lịch Tả Ao. Các sử gia thời Lê Nguyễn đều không chép về ông nên cuộc đời ông chỉ được chép tản mát trong một số truyện, sách đại lý phong thủy thời nhà Nguyễn và sau này. Sách Hán Nôm được cho là do Tả Ao truyền lại gồm: Tả Ao chân truyền di thư (左 幼 真 傳 遺 書), Tả Ao chân truyền tập (左 幼 真 傳 集), Tả Ao chân truyền địa lý (5 tập-左 幼 真 傳 地 理), Tả Ao tiên sinh bí truyền gia bảo trân tàng (左 幼 先 生 祕 傳 家 寶 珍 藏), Tả Ao tiên sinh địa lý (左 幼 先 生 地 理), Tả Ao xã tiên sư thư truyền bí mật các lục (左 幼 社 先 師 書 傳 祕 宓各 局). Các tác phẩm này hiện lưu trữ ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Tuy nhiên Viện Hán Nôm cũng chú thích rằng: Tả Ao là tên hiệu của Hoàng Chiêm.( theo từ điển Wikipedia )

Nguyễn Quý Đức
阮貴德

Sinh năm 1648 mất năm 1720, ông là người làng Thiên Mễ, huyện Từ Liêm, tỉnh Hà Đông, ông từng được Tả Thị Lang Bộ Lễ rồi thăng làm Bồi Tụng trong phủ chua Trịnh.Và từng với Lê Hy tu đính bộ sử cũ bổ sung bộ Đại Việt sử Ký Toàn Thư.

Trong " Nam Thiên Trân Dị Tập " có riêng truyện viêt về Nguyễn Quý Đức.