Chim Việt Cành Nam
Trở về
Trang chủ
Tác giả
Con chó nhỏ của nàng 
trong lòng đất

Murakami Haruki
Phạm Vũ Thịnh dịch
Mưa đang rơi bên ngoài cửa sổ. Mưa liên tiếp đã ba ngày rồi. Mưa đơn điệu, tầm thường, lì lợm.

Mưa bắt đầu rơi hầu như đúng vào lúc tôi đặt chân đến đây. Và sáng hôm sau, mở mắt dậy vẫn chưa hết mưa. Mà buổi tối, đến giờ đi ngủ vẫn còn mưa tiếp tục. Cứ mưa mãi mưa hoài suốt ba ngày liên tiếp. Mưa không ngưng nghỉ một lần nào. Mà không, có thể không đúng thế. Có thể thực tế mưa đã ngưng rồi mưa lại vài lần không chừng. Thế nhưng giả thử rằng mưa có lúc nào ngưng lại đi nữa, hẳn đã nhằm vào lúc tôi ngủ, hay tôi nhìn vào chỗ gì khác. Chứ hễ tôi đưa mắt nhìn ra ngoài thì lúc nào cũng thấy mưa, mưa hoài không dứt. Lúc nào tôi thức cũng thấy mưa rơi cả.

Có lúc mưa là thể-nghiệm có tính cách thuần tuý cá nhân. Nghĩa là có lúc ý thức xoay quanh trung tâm là mưa, đồng thời mưa xoay quanh trung tâm là ý thức -tuy cách nói này rất là mông lung-. Những lúc như thế, đầu óc tôi hỗn loạn vô cùng. Bởi không còn biết mưa mình đang ngắm đây là thứ mưa nào nữa.

Tuy nhiên, cách nói như thế cũng có tính cách cá nhân quá đỗi. Chứ kết cuộc, mưa vẫn chỉ là mưa, thế thôi.

Sáng hôm thứ tư, tôi cạo râu, chải tóc, rồi lấy thang máy lên phòng ăn ở tầng 4. Tuy chẳng muốn ăn sáng, mà dạ dày vẫn còn ráp nhám vì đã uống rượu một mình đến khuya, nhưng lại chẳng nghĩ ra được chuyện gì khác để làm. Tôi ngồi vào bàn bên cửa sổ, nhẩm đọc bản thực đơn ăn sáng từ trên xuống dưới độ năm lần, rồi đành gọi cà-phê và trứng chiên đơn giản. Trong lúc ngồi chờ hầu bàn mang đến, tôi vừa nhìn mưa bên ngoài vừa hút một điếu thuốc. Thuốc lá chẳng có vị gì cả. Có lẽ tại tôi đã uống whisky quá chén.

Nhằm vào sáng thứ Sáu của tháng Sáu, phòng ăn vắng ngắt chẳng có khách nào khác. Nói là vắng khách cũng chưa đủ. 24 bàn ăn, với đàn dương cầm cỡ lớn, khung tranh sơn dầu to cỡ một hồ bơi tư gia, vậy mà cả phòng chỉ có mỗi mình tôi là khách. Thêm nữa, chỉ gọi có cà-phê và trứng chiên đơn giản. Hai người hầu bàn mặc áo khoác trắng chẳng có việc gì làm, đứng lơ đãng ngắm mưa rơi.

Tôi ăn xong món trứng chiên chẳng có mùi vị gì xong, vừa nhấm nháp cà-phê, vừa đọc tờ báo sáng. Tờ báo có đến 24 trang, nhưng chẳng tìm ra bài báo nào đáng để mình chăm chú đọc kỹ. Tôi thử đọc từ trang cuối ngược lại trang đầu, nhưng kết quả cũng không có gì khác. Đành gấp báo lại để lên bàn, và uống cà-phê.

Từ khung cửa sổ nhìn thấy biển. Bình thường đáng lẽ thấy được hòn đảo nhỏ màu xanh lục ở khoảng vài trăm thước trước đường bờ biển, nhưng sáng nay, đến nét bao vòng bên ngoài cũng chẳng thấy. Màn mưa xoá mất hoàn toàn lằn ranh giữa màu trời xám và màu biển tối. Tất cả mọi vật hờ hững chìm lẫn vào màn mưa. Tuy nhiên, tất cả chìm lẫn trong màn mưa như thế có lẽ vì tôi đã đánh mất mắt kính đó thôi. Tôi nhắm mắt lại, lấy ngón tay từ trên mí mắt ép nhãn cầu xuống. Con mắt bên phải cảm thấy mỏi quá chừng. Hồi lâu sau, mở mắt ra vẫn thấy mưa rơi không ngớt. Và hòn đảo màu xanh lục còn bị đẩy giấu ra sau màn mưa ấy.

Lúc tôi cầm bình cà-phê rót vào cốc cà-phê lần nữa thì có một thiếu nữ bước vào phòng ăn. Áo-len-đan mỏng màu xanh nhạt khoác lên vai áo sơ mi trắng, váy thon thả màu xanh biển dài đến đầu gối. Nàng bước đi, nghe tiếng chân "cốp cốp" thanh thoát. Tiếng gót giày cao hạng sang vang trên sàn gỗ thượng hạng. Nàng xuất hiện, khiến cho phòng ăn của khách sạn tỏ lộ được dáng vẻ cố hữu của phòng ăn trong khách sạn. Đám hầu bàn trông có vẻ phấn khởi lên. Cả tôi cũng có cảm giác như thế.

Nàng đứng nơi cửa vào, nhìn quanh phòng ăn. Rồi có vẻ bối rối một chút. Phải thế thôi. Cho dù khách sạn nghỉ mát nhằm ngày thứ Sáu mưa liên miên đi nữa, cả phòng ăn bữa sáng mà chỉ có mỗi một người khách thì cũng buồn thảm quá đỗi. Người hầu bàn cao tuổi tức thì đưa nàng đến một bàn sát cửa sổ. Cách tôi hai bàn.

Ngồi vào ghế xong, nàng xem qua thực đơn, rồi gọi nước bưởi, bánh mì tròn, trứng chiên với thịt muối và cà-phê. Chỉ cần chừng 15 giây để chọn. Nàng bảo xin chiên kỹ thịt heo muối. Nghe có vẻ là giọng điệu quen sai bảo người khác rồi. Giọng điệu như thế quả là có thật đấy.

Gọi xong, nàng chống tay nâng cằm trên bàn, ngắm mưa bên ngoài, giống như tôi. Tôi và nàng ngồi đối mặt nhau nên tôi có thể quan sát nàng một cách tự nhiên, qua tay nắm của bình cà-phê. Nàng đang ngắm mưa bên ngoài, nhưng tôi không chắc nàng có thật ngắm mưa không nữa. Có vẻ như nàng đang ngắm gì đấy phía bên kia màn mưa, hay phía bên này màn mưa. Suốt ba ngày nay, tôi đã ngắm mưa mãi thôi, nên về cách ngắm mưa thì tôi đã rành lắm rồi. Gì chứ chuyện phân biệt người đang thật sự ngắm mưa, và người không thật sự ngắm mưa thì tôi làm được.

Dù sáng sớm, nhưng tóc nàng vẫn gọn gàng chải kỹ. Làn tóc dài mềm mại, có hơi gợn sóng ở bên tai. Thỉnh thoảng, nàng đưa ngón tay rẽ tóc loà xoà phủ trước trán. Lúc nào cũng là ngón giữa của bàn tay phải. Và lúc nào xong, cũng đặt lòng bàn tay xuống bàn mà liếc nhìn vào đấy một thoáng. Hẳn là thói quen như thế. Ngón giữa và ngón trỏ song song bên nhau, ngón đeo nhẫn và ngón út hơi cong lên một chút.

Thân hình nàng thon thả. Không cao gì lắm. Gọi là mỹ nhân cũng được đấy, tuy cũng tùy người có thích hai khoé môi hơi cong lên một góc độ đặc biệt, hay mi mắt có hơi dày, tạo cảm giác là người có thiên kiến mạnh mẽ. Theo ý thích của tôi thì mẫu người như thế là được lắm. Cách phục sức đã trang nhã, mà cử chỉ cũng thanh tao. Nhất là nàng hoàn toàn không toát ra vẻ gì là một thiếu nữ ngồi ăn sáng một mình trong phòng ăn của khách sạn nghỉ mát vào một ngày thứ Sáu trời mưa cả. Nàng khoan thai, bình thường uống cà-phê, khoan thai trét bơ lên bánh mì tròn, bình thường đưa trứng chiên thịt muối lên miệng. Không hào hứng gì mấy, nhưng cũng không có chút nhàm chán gì cả.

Tôi uống xong ly cà-phê thứ hai, gấp khăn ăn để lên bàn, gọi hầu bàn đến, ký vào giấy biên nhận.

-"Có vẻ mưa suốt cả ngày hôm nay nữa, thưa ông". Người hầu bàn nói. Anh ta tỏ ý thông cảm với tôi. Thấy khách trọ phải bó mình trong phòng vì mưa suốt ba ngày thì ai cũng phải thông cảm giùm thôi.

-"Ðúng thế". Tôi đáp.

Lúc tôi kẹp nách tờ báo đứng lên rời ghế, thiếu nữ vẫn tựa cốc cà-phê vào môi, hàng mi không động đậy, yên lặng ngắm phong cảnh bên ngoài. Cứ như là tôi đã chẳng hề có mặt ở đấy ngay từ đầu.

Năm nào tôi cũng đến khách sạn này. Phần lớn là vào khoảng ngoài mùa nghỉ mát, lúc giá thuê phòng còn hạ. Mùa hè hoặc đầu năm, cuối năm là mùa nghỉ mát thì giá phòng khá xa xỉ so với thu nhập của tôi, mà lại đông người như trong ga tàu điện ngầm nữa. Khoảng tháng tư hay tháng mười thì khỏi chê. Giá phòng rẻ đi bốn phần, không khí lại trong lành, bờ biển hầu như chẳng có bóng người, lại có thêm các món hàu tươi ngon lành mỗi ngày ăn mãi không chán. Hai món ăn chơi, món xúp, hai món ăn chính, tất cả đều dùng hàu tươi.

Tất nhiên, ngoài không khí và các món hàu, tôi còn thích khách sạn này vì vài lý do khác nữa. Trước nhất là phòng rộng. Trần cao, cửa sổ lớn, giường rộng, có cả bàn viết to cỡ bàn bi-da. Mọi thứ đều rộng rãi thoải mái. Kiểu khách sạn cũ xây lên nhắm vào tầng lớp khách trọ lâu dài trong thời thái bình. Chiến tranh chấm dứt rồi, quan niệm về giai cấp nhàn nhã ăn chơi trước đây dù đã biến mất như khói tan vào không gian đi nữa, khách sạn kiểu này vẫn âm thầm tiếp tục tồn tại. Những trụ hoa cương trong tiền sảnh, kính màu có khắc hình trong phòng nhảy, đèn chùm trên trần, chén đĩa bằng bạc, đồng hồ trụ to lớn, những tủ bằng gỗ gụ, cửa sổ đóng mở bằng tay nắm, phòng tắm lát gạch men,... toàn những thứ tôi ưa thích. Hẳn là chỉ vài năm nữa thôi, có lẽ không đến mười năm nữa, tất cả những thứ đó sẽ mất đi. Ngay cả toà nhà cũng đã cạn tuổi thọ rồi. Thang máy đã rung lập cập rồi, phòng ăn tối cứ đến mùa đông là lạnh như trong tủ lạnh. Rõ ràng là đã đến lúc phải tân trang toàn bộ. Chẳng ai ngưng thời gian lại được. Tôi chỉ mong thời điểm phải tân trang ấy còn dời lại thêm chút nữa, được chừng nào tốt chừng nấy. Bởi tôi tin rằng tân trang xong thì phòng trong khách sạn mới khó có thể giữ được mức trần cao 4,20 thước như hiện tại. Trước nhất, có ai mà đòi hỏi trần nhà phải cao đến 4,20 thước đâu?

Thỉnh thoảng, tôi lại đưa bạn gái đến viếng khách sạn này. Vài người bạn gái. Chúng tôi ăn các món hàu, đi dạo trên bãi biển, làm tình dưới trần nhà cao 4,20 thước, và ngủ trên giường rộng rãi.

Không hiểu chính cuộc đời của tôi có may mắn không, chứ riêng về khoản cái khách sạn này thì tôi đúng là may mắn. Ở đâu không biết chứ ngay dưới mái khách sạn này thì quan hệ của chúng tôi -nghĩa là quan hệ giữa tôi và từng cô bạn ấy- đã tiến triển rất thuận lợi. Vận may đứng về phía tôi. Thời gian trôi qua từ tốn nhưng không trắc trở chút nào.

Vận may ấy đã thay đổi khoảng gần đây. Mà không, có lẽ vận may ấy hẳn đã thay đổi từ lâu rồi, chỉ có tôi không để ý đó thôi. Thực tế ra sao thì tôi không rõ. Nhưng dù gì đi nữa, vận may cũng đã thay đổi rồi. Điều đó chắc chắn.

Khởi đầu là chuyện cãi cọ với bạn gái. Tiếp đến là bắt đầu mưa. Và cuối cùng là tôi đã làm vỡ kính đeo mắt. Thế là đủ quá rồi.

Hai tuần trước đây, tôi gọi điện thoại đến khách sạn để giữ một phòng đôi trong năm ngày. Dự định sẽ làm xong việc trong hai ngày đầu, còn lại ba ngày thì thư giãn cùng cô bạn gái. Thế nhưng ba ngày trước khi lên đường du lịch thì như đã nói, tôi và cô bạn đã có một cuộc cãi lẫy ra gì. Mà đại loại các cuộc cãi cọ nào cũng thế cả, ban đầu chỉ là chuyện nhỏ nhặt chẳng đáng gì.

Chúng tôi đã đi uống ở một quán rượu nào đấy. Nhằm tối thứ bảy, quán đông khách. Chúng tôi có phần bực bội với nhau. Trước đấy, vào rạp chiếu bóng thì đông nghẹt, thêm vào đó, phim chiếu lại chẳng hay ho như người ta đã đồn đãi. Không khí ngột ngạt quá. Tôi thì chuyện làm ăn, liên lạc với người ta không được, còn cô bạn gái thì đang có kinh ngày thứ ba. Đủ thứ chuyện bực bội chồng chất lên nhau. Bàn bên cạnh chúng tôi có một cặp trai gái vào khoảng giữa tuổi đôi mươi. Cả hai đều say khướt. Cô gái đột nhiên gượng đứng lên, lảo đảo đánh đổ nguyên một ly đầy rượu Campari pha soda lên chiếc váy trắng của cô bạn gái của tôi. Cô ta lại chẳng nói một lời xin lỗi, khiến tôi quở trách, thì cậu trai đi cùng tiến lại cãi cọ. Đối phương có tầm vóc trội hơn, nhưng tôi tỉnh táo hơn. Bên tám lạng, người nửa cân. Mọi người trong quán rượu nhìn chúng tôi. Người pha rượu đến bảo nếu đánh nhau thì xin trả tiền cho xong rồi lôi nhau ra ngoài mà đánh. Bốn người chúng tôi trả tiền và ra ngoài. Đến lúc ra khỏi quán rượu thì cả bọn chẳng còn muốn đánh nhau nữa. Cô gái xin lỗi, cậu trai đưa tiền để giặt áo và đi taxi cho chúng tôi. Tôi gọi taxi đưa cô bạn về nhà trọ của cô ấy.

Về đến nhà trọ, cô bạn tôi cởi váy, giặt ở bồn rửa mặt. Trong lúc đó, tôi mở tủ lạnh lấy bia, vừa uống vừa xem tin tức thể thao trên ti-vi. Muốn uống whisky nhưng không có. Nghe tiếng nước cô ấy đang tắm vòi sen. Trên bàn có lon bánh khô nên tôi lấy vài miếng gặm đỡ.

Cô bạn tắm xong bảo khát quá. Tôi mở thêm một lon bia, hai người cùng uống. "Sao cứ mặc áo vét mãi thế", cô bạn nói. Tôi cởi áo vét, tháo cà-vạt, cởi tất. Hết tin tức thể thao, tôi vặn nút đổi đài xoành xoạch, tìm chương trình chiếu phim. Nhưng chẳng có phim gì cả, nên xem tạm chương trình về động vật của nước Úc.

-"Em không muốn cứ thế này mãi", cô bạn nói. -"Thế này mãi được sao? Mỗi tuần, hò hẹn và ngủ với nhau, rồi tuần sau, lại hò hẹn và ngủ với nhau... Cứ kiểu này kéo dài đến bao giờ đây?"

Cô khóc. Tôi an ủi, nhưng không xong.

Khoảng giờ nghỉ trưa ngày hôm sau, tôi gọi điện thoại đến chỗ làm của cô nhưng cô không có ở đấy. Đến tối, gọi điện thoại đến phòng trọ của cô nhưng chẳng ai bắt. Ngày hôm sau cũng thế. Tôi đành đi du lịch một mình.

Mưa vẫn tiếp tục rơi như cũ. Màn cửa sổ, chăn đắp, ghế nệm, giấy dán tường, tất cả đều âm ẩm. Nút điều chỉnh máy điều hoà không khí lại hỏng, mở máy ra thì lạnh cóng, mà tắt đi thì cả phòng đầy hơi ẩm. Đành mở cửa sổ một nửa và cho máy chạy, nhưng không có hiệu quả bao nhiêu.

Tôi nằm dài trên giường, hút thuốc. Công việc hầu như chẳng động tay đến. Từ hôm đến đây, chưa viết được một hàng chữ nào. Tôi nằm dài trên giường đọc tiểu thuyết trinh thám, hay xem ti-vi, hay hút thuốc. Ngoài trời, mưa vẫn tiếp tục rơi.

Tôi đã thử điện thoại đến phòng trọ của cô bạn, từ phòng khách sạn, nhưng chẳng ai bắt. Tiếng điện thoại reo mãi như không bao giờ dứt. Có lẽ cô ấy đã đi đâu đấy một mình rồi. Cũng có thể cô ấy nhất định không bắt điện thoại nữa. Tôi gác ống điện thoại xuống, chung quanh nghe im lìm. Bởi trần nhà cao nên cảm thấy sự tĩnh lặng như một trụ không khí giữa phòng.

Buổi chiều ngày hôm ấy, tôi lại giáp mặt thiếu nữ đã thấy ở phòng ăn lúc sáng, ở phòng đọc sách.

Phòng đọc sách nằm trong góc tận cùng hành lang tầng thứ nhì. Đi dọc theo hành lang dài, lên vài bậc cấp thì đến một hành lang nối qua một căn bin-đinh nhỏ xây theo kiểu Tây phương. Từ trên nhìn xuống thấy bên trái là nửa hình bát-giác, bên phải lại đúng nửa hình vuông, nên trông kiến trúc có phần kỳ dị. Ngày trước hẳn đã được đám khách trọ dài ngày dư thì giờ ấy trân quý lắm, nhưng bây giờ thì hầu như chẳng có khách nào dùng. Sách tàng trữ thì khá nhiều, nhưng hầu hết giống như những di vật còn sót lại từ thời đại cũ. Nếu không là người hiếu kỳ lắm thì có lẽ chẳng ai muốn cầm lên tay mà xem. Phần nửa hình vuông bên phải có mấy ngăn đựng sách sắp hàng, phần nửa hình bát giác bên trái có bàn viết và bộ sofa. Trên bàn có chiếc lọ nhỏ cắm một cành hoa địa phương, tôi ít khi thấy. Sàn phòng không có một mảnh giấy vụn nào.

Tôi lục tìm 30 phút trong các ngăn sách thoảng mùi mốc meo ấy, thấy được cuốn tiểu thuyết phiêu lưu mạo hiểm của Henry Ryder Hagard mà tôi đã đọc ngày xưa. Cuốn sách tiếng Anh cổ, bìa cứng, sau lưng có ghi tên người Anh (chắc thế) đã tặng sách. Bên trong có vài hình vẽ phụ bản. Tôi trông có vẻ khác với các hình vẽ phụ bản trong phiên bản tôi đã đọc được.

Tôi cầm cuốn sách đến ngồi lên bệ cửa sổ, châm lửa điếu thuốc, lần giở các trang sách. May là tôi đã quên phần lớn tình tiết trong truyện. Thế này thì hy vọng sẽ đỡ chán được một hai ngày.

Lúc tôi đọc sách đâu được 20 hay 30 phút thì thiếu nữ ấy bước vào phòng. Có vẻ nàng nghĩ là không có ai, nên khi thấy dáng tôi ngồi đọc sách ở bệ cửa sổ, đã lộ vẻ ngạc nhiên. Tôi bối rối một thoáng, nhưng sau khoảng một hơi thở, đã chào hỏi nàng. Nàng nói vài câu đáp lại. Trang phục vẫn giống như lúc nàng ăn sáng.

Trong lúc nàng lục tìm sách, tôi im lặng tiếp tục đọc. Vẫn tiếng gót giày "cốp cốp" thanh thoát vang vọng như lúc sáng. Khoảng im lặng ngắn, rồi lại có tiếng gót giày "cốp cốp" tiếp theo. Hình dáng nàng khuất sau các giá sách, nhưng những nhịp gót giày ấy cho biết là nàng chưa tìm ra cuốn sách nào ưng ý. Tôi mỉm cười lắc đầu. Phòng đọc sách này làm gì có cuốn sách nào lôi cuốn được một cô gái trẻ như thế.

Cuối cùng, có vẻ nàng chịu thua, đi tay không từ các giá sách, bước về phía tôi. Tiếng gót giày ngừng lại trước mặt tôi, thoảng mùi nước hoa tao nhã thơm ngát.

-"Có thể xin điếu thuốc được không, thưa ông?" Nàng nói.

Tôi rút bao thuốc trong túi áo, lắc 2, 3 lần cho lộ các điếu thuốc rồi chìa ra phía thiếu nữ. Nàng rút lấy một điếu, ngậm lên môi, tôi bật quẹt châm lửa hộ. Nàng hút một hơi có vẻ sảng khoái, rồi đưa mắt nhìn ra ngoài cửa sổ.

Nhìn gần thì nàng lớn hơn 3, 4 tuổi so với ấn tượng ban đầu. Người mang kính mà tháo mắt kính đi thì thường thấy các cô trẻ ra. Tôi gập sách lại, lấy ngón tay dụi mắt. Rồi ngón tay giữa của bàn tay phải làm động tác đẩy khoảng cầu nối giữa hai tròng mắt kính lên, tôi mới để ý là không đeo mắt kính. Chỉ mỗi chuyện thiếu kính mắt mà con người đã lúng túng đến như thế. Sinh hoạt thường ngày của chúng ta hầu hết được thành lập từ sự tích lũy những động tác nhỏ nhặt chẳng có ý nghĩa gì cả, như thế đấy.

Nàng vẫn im lặng hút thuốc vừa ngắm cảnh trí bên ngoài cửa sổ. Nàng im lìm như thế trong khoảng thời gian lâu đến nỗi con người bình thường không chịu đựng nổi sức nặng của sự trầm mặc. Lúc đầu, trông nàng có vẻ như đang tìm lời gì đấy để nói, nhưng dần dần tôi hiểu là nàng hoàn toàn không định nói gì cả. Tôi đành mở lời.

-"Cô có tìm thấy cuốn sách nào hay không?"

-"Chẳng có cuốn nào cả." Nàng đáp. Và mỉm cười, tuy vẫn ngậm môi. Chỉ hai khoé môi nhích lên tí chút -"Toàn là sách gì đâu. Chẳng hiểu sách thời đại nào thế nhỉ?"

Tôi cười: -"Sách về đời sống dân gian thời xưa thì nhiều. Khoảng từ trước Thế chiến cho đến năm Chiêu Hoà thứ 20 (1945) hay 30 (1955) ấy."

-"Có ai đọc không nhỉ?"

-"Có lẽ chẳng ai đọc cả. 30 năm, 40 năm qua đi mà vẫn còn có giá trị để phải đọc, thì trong 100 cuốn sách chắc chỉ có được một cuốn là nhiều."

-"Thế sao không để sách mới?"

-"Bởi có ai dùng phòng đọc sách này đâu. Ngày nay thì ai cũng đọc các tạp chí để sẵn ở tiền sảnh khách sạn, hay chơi game trên ti-vi, hay xem ti-vi thôi. Vả lại, chẳng còn mấy ai thuê phòng lâu dài đủ để đọc cho hết một cuốn sách."

-"Đúng thế thật." Nàng nói. Rồi kéo chiếc ghế gần đấy lại, ngồi xuống và tréo chân lại. -"Ông thích thời đại ấy à? Nhịp sống thư thả hơn, sự vật đơn giản hơn..."

-"Không đâu." Tôi đáp -"Cũng chẳng vì những lý do như thế. Nếu sinh nhằm thời đại ấy, chắc tôi lại bực bội vì chúng. Không có ý nghĩa gì mấy đâu."

-"Hẳn là ông yêu thích những gì đã mất đi."

-"Có lẽ thế."

Có lẽ thế thật.

Cả hai lại im lặng hút thuốc.

-"Thế nhưng, dù sao đi nữa..." Nàng lên tiếng -"Chẳng có cuốn sách nào xem được thì cũng bực bội lắm. Khách sạn này, muốn giữ lại hào quang đã mờ nhạt của quá khứ thì cũng được thôi, nhưng đối với khách trọ bị mưa giam giữ không ra ngoài được, chẳng biết làm gì cho hết thì giờ khi đã chán xem ti-vi như thế này, thì cũng nên có chút gì cho họ chứ."

-"Cô đến đây một mình à?"

-"Vâng." Nàng đáp, nhìn xuống lòng bàn tay mình. -"Lúc nào tôi cũng đi du lịch một mình thôi. Ði với người nào khác thì không mấy thích. Còn ông?"

-"Cô nói đúng lắm." Tôi đáp. Chẳng lẽ lại thú nhận là đã bị bạn gái bỏ rơi.

-"Nếu tiểu thuyết trinh thám cũng được thì tôi có vài cuốn đây." Tôi nói. -"Sách mới nên không biết cô có thích không, nhưng nếu cô muốn đọc thì tôi cho mượn."

-"Cảm ơn ông. Nhưng chiều mai tôi định rời đây nên chắc là không đọc hết cuốn sách đâu."

-"Có sao đâu. Xin tặng cô. Đằng nào thì cũng là sách bỏ túi, mà mang về cũng mất công nên tôi đã định để lại đây đấy."

Nàng lại mỉm cười, rồi nhìn xuống lòng bàn tay mình.

-"Nếu thế thì xin cảm ơn ông." Nàng nói.

Tôi vẫn thường nghĩ rằng, quen thuộc được với chuyện nhận quà tặng, cũng là một tài năng vĩ đại. Nàng bảo sẽ đi uống cà-phê hay gì đấy trong khi chờ tôi đi lấy sách.

Chúng tôi rời phòng đọc sách, sang tiền sảnh khách sạn. Tôi gặp một hầu bàn đang rảnh rỗi, nhờ mang lại hai cốc cà-phê. Chiếc quạt to lớn treo từ trần phòng thong thả khuấy trộn không khí. Khối không khí ẩm thấp không thay đổi được gì mấy ấy chỉ bị đẩy lên kéo xuống mà thôi.

Trong lúc cà-phê chưa đến, tôi lấy thang máy lên tầng ba, vào phòng lấy hai cuốn sách mang xuống. Thấy bên cạnh thang máy có ba va-li bằng da sắp hàng ngang. Chắc là có khách mới đến. Mấy cái va-li trông như ba con chó già đang ngồi chờ chủ.

Lúc tôi trở lại chỗ ngồi thì người hầu bàn đang rót cà-phê vào chiếc tách cạn. Bọt trắng li-ti nổi lên trên mặt rồi biến tan ngay. Tôi trao sách cho nàng qua bàn cà-phê. Nàng cầm cuốn sách, nhìn tựa sách, rồi nói nhỏ "Cảm ơn". Ít nhất thì môi nàng cũng đã di động theo hình dạng như thế. Không hiểu nàng có thích hai cuốn sách ấy không, nhưng điều đó thì sao cũng được. Không hiểu sao tôi có cảm giác là đối với nàng thì sao cũng được cả.

Nàng đặt hai cuốn sách chồng lên nhau trên bàn, nhấp một ngụm cà-phê. Rồi lại đặt tách cà-phê xuống, nhẹ tay múc một muỗng đường cát cho vào cà-phê khuấy lên, và nhểu một lằn kem sữa mỏng từ vành tách xuống. Ðường kem sữa trắng cuộn thành những xoáy tròn thật xinh. Rồi những vòng xoáy ấy tan lẫn vào nhau thành một màng trắng mỏng. Nàng hút màng trắng ấy vào miệng, không gây một chút tiếng động nào.

Ngón tay nàng thon nhỏ và trơn láng. Nàng cầm tách cà-phê như chỉ bằng những ngón tay nhón nhẹ tai tách. Chỉ có ngón út vươn thẳng lên không. Không thấy chiếc nhẫn nào, mà cũng chẳng thấy dấu vết đeo nhẫn.

Tôi và nàng im lặng uống cà-phê vừa ngắm phong cảnh bên ngoài cửa sổ. Từ cửa sổ mở toang thoảng vào mùi mưa. Mưa không nghe tiếng. Cũng không có hơi gió. Màn mưa buông xuống bên ngoài cửa sổ theo những nhịp cách khoảng không đều, cũng không có tiếng động. Chỉ có mùi mưa len lén lọt vào phòng. Các khóm tú-cầu bên ngoài cửa sổ, như những động vật nhỏ, sắp hàng hứng nước mưa tháng Sáu.

-"Ông ở đây lâu?". Nàng hỏi tôi.

-"À, khoảng năm ngày". Tôi đáp.

Nàng không nói gì thêm về việc ấy. Có vẻ chẳng có gì đặc biệt để phải có cảm tưởng.

-"Ông từ Tokyo đến?"

-"Vâng." Tôi đáp. -"Còn cô?"

Nàng cười. Lần này thoáng lộ chút răng -"Không phải Tokyo đâu."

Chẳng biết nên đáp lời như thế nào nên tôi cũng cười theo. Rồi uống nốt chỗ cà-phê còn lại.

Tôi không rõ mình nên làm sao đây. Uống cà-phê cho xong đi, đặt tách xuống đĩa, cười tươi mà cắt đứt câu chuyện, trả tiền cà-phê rồi rút lui về phòng, có vẻ là cách đường hoàng nhất. Thế nhưng trong trí tôi có chút gì đấy vướng vít. Thỉnh thoảng vẫn thế. Không giải thích cho rõ được. Thứ gì giống như là linh tính. Mà không, chẳng phải thứ gì rõ ràng đến mức gọi được là linh tính đâu. Chỉ là chút gì đấy thật vi-ti đến nỗi sau này chẳng làm sao nhớ nổi.

Những lúc như thế, tôi đã quyết là tự mình thì không phát khởi một hành động nào cả. Cứ buông mình mặc cho tình huống đẩy đưa, thử xem sự việc sẽ tiến triển như thế nào. Tất nhiên cũng có trường hợp bị dẫn đến kết quả sai lạc. Thế nhưng, như người ta thường nói, chẳng phải là không có trường hợp một chuyện nhỏ mà về sau lại bắt đầu mang một ý nghĩa to lớn không dự tưởng được.

Tôi quyết tâm như thế nên uống cạn tách cà phê xong thì ngồi sâu vào ghế sofa và tréo chân lại. Im lặng tiếp tục, như hai người đang thi đua im lặng. Nàng ngắm cảnh bên ngoài cửa sổ, còn tôi ngắm nàng. Nói cho chính xác thì chẳng phải tôi ngắm nàng, mà là ngắm khoảng không gian ngay trước mặt nàng thôi. Mắt kính mất rồi nên mắt tôi không nhắm vào một tiêu điểm nào lâu được.

Đến phiên nàng lộ chút dao động. Nàng cầm lấy bao thuốc lá tôi đặt trên bàn, rút điếu thuốc, bật diêm của khách sạn cho, châm lửa.

-"Cho phép tôi đoán nhé." Tôi canh chừng thời điểm mà hỏi thế.

-"Đoán gì thế?"

-"Về cô ấy mà. Chẳng hạn cô từ đâu đến, làm gì, vân vân, những chuyện như thế."

-"Được chứ." Nàng đáp, như chẳng có gì đáng suy nghĩ. Rồi cho tàn thuốc lá vào đĩa gạt-tàn-thuốc. -"Ông đoán xem."

Tôi đan ngón hai bàn tay tựa vào môi, nhíu mắt lại, ra vẻ đang tập trung tinh thần để đoán.

-"Có thấy được điều gì không?" Nàng nói với giọng trêu chọc.

Tôi bỏ qua như không nghe câu ấy, tiếp tục ngắm nàng đăm đăm. Khoé miệng cô nàng thoáng nét cười lo âu chỉ trong chớp mắt. Nhịp điệu suy nghĩ của cô ta đã bắt đầu sai lạc đi rồi. Tôi nhắm chừng thời gian mà gỡ hai bàn tay và vươn mình tới trước.

-"Lúc nãy cô nói không phải đến từ Tokyo đấy nhỉ."

-"Vâng." Nàng đáp -"Có nói thế."

-"Cô nói không sai. Thế nhưng truớc đây thì cô đã sống ở Tokyo trong một thời gian dài. Xem nào... có lẽ chừng 20 năm."

-"22 năm đấy." Nàng nói, rồi rút một que diêm từ bao diêm ra, đặt trước mặt tôi. -"Bắt đầu, ông được 1 điểm." Cô thở một hơi thuốc. -"Hấp dẫn lắm. Ông đoán tiếp đi."

-"Cô hối thúc thế thì không đoán được đâu." Tôi nói -"Việc này cần thời gian lắm. Nên làm từ từ thôi nhé."

-"Được thôi."

Tôi lại làm bộ tập trung tinh thần, suy đoán khoảng 20 giây nữa.

-"Chỗ cô đang ở, từ đây nhìn đi, thì là... phía Tây, phải không?"

Nàng đặt thêm một que diêm nữa thành số La mã II, trên bàn.

-"Không tệ lắm chứ nhỉ!"

-"Giỏi lắm đấy." Nàng nói có vẻ thán phục -"Nhà chuyên môn đấy nhỉ?"

-"Trong ý nghĩa nào đấy, thì đúng thế. Tương tự như chuyên gia đấy." Tôi nói.

Mà quả đúng thế thật. Nếu có được tai nghe phân biệt được những khác biệt rất nhỏ trong âm điệu lời nói, cộng với những hiểu biết cơ bản về ngôn ngữ, thì có thể nghe hiểu đến mức này được. Và về chuyện quan sát người khác thì có gọi tôi là chuyên gia cũng không có gì sai. Vấn đề là làm thế nào để tiến hơn mức này đó thôi.

Tôi bèn bắt đầu từ chỗ sơ đẳng nhất.

-"Cô còn độc thân đấy nhỉ."

Nàng xoa các ngón tay của bàn tay trái một lúc rồi xoè bàn tay trái ra.

-"Vì không đeo nhẫn chứ gì... Mà thôi, cũng được. Thế là ba điểm nhé."

Trước mặt tôi, 3 que diêm làm thành hình số III La mã. Tôi chờ một lúc. Đà tiến không tệ lắm. Chỉ hơi nhức đầu tí xíu thôi. Làm chuyện này thì lúc nào cũng nhức đầu cả. Bởi phải giả bộ tập trung tinh thần. Nghe có vẻ kỳ quái nhưng quả thật giả bộ tập trung tinh thần cũng mệt không kém gì tập trung tinh thần thật sự đấy.

-"Rồi sao nữa?" Nàng nôn nóng.

-"Cô chơi đàn dương cầm từ thuở bé?" Tôi nói.

-"Từ 5 tuổi đấy."

-"Thế bây giờ thành nghề nghiệp phải không?"

-"Tuy chẳng phải là nghệ sĩ đánh dương-cầm trong dàn nhạc trình diễn, nhưng cũng là chuyên nghiệp đấy. Phân nửa là dạy đàn để sống mà."

Thế là được 4 điểm.

-"Sao ông biết?"

-"Nhà chuyên môn thì không cho biết bí quyết của mình đâu nhé."

Nàng khúc khích cười. Tôi cũng cười theo. Nhưng nói toạc ra thì cũng chỉ là chuyện đơn giản thôi. Người chơi dương-cầm chuyên nghiệp thì có lối động đậy ngón tay vô thức rất đặc thù, nhìn những cử động như thế, chẳng hạn những ngón tay cô gõ lên bàn ăn lúc sáng nay, thì phân biệt được ngay giữa người chuyên nghiệp và không chuyên. Ngày xưa, tôi đã có quen một cô chơi đàn dương cầm chuyên nghiệp nên chừng đó thì nhận ra được.

-"Cô đang sống một mình?" Tôi nói tiếp. Chẳng có căn cứ gì. Chỉ nhắm chừng thế thôi. Tôi đang trên đà tiến thuận lợi nên trực giác bén nhạy hẳn lên. Nàng chu miệng ra trước có vẻ tinh nghịch rồi đặt thêm một que diêm vắt ngang lên bốn que diêm trên bàn.

Không biết từ lúc nào, mưa đã bớt lại. Chỉ còn thấp thoáng, đến không dụi mắt nhìn kỹ thì không nhận ra là đang mưa. Từ xa có tiếng bánh xe hơi nghiến lên cát. Tiếng xe đang chạy lên dốc từ con đường dọc bờ biển nối lên cổng khách sạn này đấy. Hai người hầu đang đứng đợi ở quầy quản lý, nghe tiếng xe ấy, liền vội vã bước dài ngang qua tiền sảnh ra ngoài cửa đón khách. Một trong hai người cầm sẵn cây dù đen lớn.

Một lúc sau, thấy có dáng chiếc xe taxi màu đen ở vòng xe đậu rộng lớn trước khách sạn. Khách mới đến là một đôi nam nữ trung niên. Người đàn ông mặc quần đánh golf màu kem, áo vét nâu, và đội mũ vành hẹp không mang cà-vạt. Người đàn bà mặc áo đầm màu cỏ xanh, bằng thứ vải trơn-láng. Ông khách có vóc người cứng cáp, da rám nắng. Người đàn bà cùng đi mang giày cao gót, mà trông ông ta còn cao hơn một cái đầu.

Một người hầu kéo từ thùng sau xe taxi ra hai va-li và bao đánh golf, người hầu kia mở dù che cho khách. Ông khách khoát tay từ chối dù. Có vẻ mưa đã tạnh. Chiếc taxi vừa khuất bóng, tiếng chim đồng loạt nổi lên như chỉ chờ đến giây phút ấy.

Tôi có cảm giác cô gái đã nói gì đấy.

-"Xin lỗi, cô nói gì thế?" Tôi nói

-"Hai người khách mới, ông có nghĩ là vợ chồng hay không?" Nàng lặp lại. Tôi cười.

-", tôi chẳng biết. Cùng một lúc mà suy nghĩ chuyện nhiều người thế thì không xong đâu. Tôi muốn nghĩ thêm một chút về cô."

-"Nói thế nào nhỉ, lấy tôi làm đối tượng suy đoán như thế có thích thú không nhỉ?"

Tôi rướn người lên, thở một hơi dài -"Thật ra thì, tất cả mọi người đều tạo hứng thú ngang nhau. Đó là nguyên tắc. Thế nhưng chỉ có nguyên tắc không thôi, thì có phần không giải thích được ở người ta. Ðồng thời, đó cũng là phần không giải thích được trong chính mình nữa."

Tôi gắng tìm lời nói tiếp thích hợp nhưng rồi không tìm ra được, đành nói:

-"Chuyện như thế đấy. Tuy tôi nghĩ là giải thích có hơi lòng vòng."

-"Em không hiểu lắm."

-"Tôi cũng không hiểu mấy. Thế nhưng, thế nào đi nữa cũng tiếp tục thử xem."

Tôi ngồi lại thẳng thớm trong ghế sofa, và lại đan ngón hai bàn tay tựa vào đôi môi. Cô gái vẫn giữ nguyên thế ngồi, im lặng ngắm tôi. Trước mặt tôi, 5 que diêm sắp hàng đẹp mắt. Tôi thở hít sâu vài lần, chờ trực giác trở lại. Không cần linh tính gì to tát. Chỉ tí chút đầu mối cho tôi là đủ.

-"Cô đã sống rất lâu trong nhà có vườn rộng, phải thế không?" Tôi nói. Điều này đơn giản thôi. Trông cách phục sức và cử chỉ của cô ấy thì hiểu ngay là con nhà gia thế. Lại nữa, cho một người con học dương cầm thành tài thì tốn tiền lắm. Còn vấn đề tiếng ồn nữa. Ở chung cư thì khó lòng đem đàn dương cầm lớn vào nhà. Hẳn là nhà nàng phải có vườn rộng rồi.

Tuy nhiên, tôi vừa dứt lời thì thấy có phản ứng lạ lùng. Tia nhìn của nàng hướng về tôi như đóng băng ngưng đọng lại.

-"Vâng, quả là..." Nàng nói, có vẻ hơi bấn loạn. -"Quả là tôi đã sống trong nhà có vườn rộng thật đấy."

Tôi cảm nhận được rằng trọng điểm ở vào chỗ "vườn" ấy. Bèn thử nhấn thêm một chút xem sao.

-"Vườn nhà cô hẳn là có kỷ niệm gì đấy phải không?" Tôi nói.

Nàng im lặng một hồi lâu, chăm chú nhìn bàn tay của mình. Một hồi rõ lâu, cuối cùng nàng ngẩng mặt lên, như lấy lại được đà tiến của mình.

-"Thế thì đâu có công bình? Ai sống lâu dài trong nhà có vườn rộng mà lại chẳng có kỷ niệm đáng ghi nhớ".

-"Quả đúng như thế." Tôi thừa nhận. -"Vậy thì đổi sang chuyện khác đi."

Tôi ngừng nói, quay cổ nhìn ra ngoài cửa sổ, ngắm đám hoa tú cầu. Mưa liên tiếp đã nhuộm màu tú cầu thắm đậm nổi bật lên.

-"Xin lỗi ông". Nàng nói. -"Em muốn nghe thêm về chuyện ấy."

Tôi ngậm điếu thuốc, đánh diêm. -"Nhưng mà, đấy là chuyện của cô. Chứ chẳng phải chính cô mới hiểu rõ hơn tôi nhiều sao?"

Nàng im lặng trong khoảng thuốc lá cháy một lóng tay. Tro thuốc rơi âm thầm xuống bàn.

-"Thế ông nhìn thấy được chuyện gì... nghĩa là, đến chừng mực nào?". Nàng hỏi.

-"Tôi chẳng thấy được gì cả". Tôi đáp -"Trong ý nghĩa của một thứ linh cảm ấy. Tôi chẳng thấy được gì cả. Chính xác ra thì chỉ cảm thấy mà thôi. Giống như chân tôi đá phải vật gì đấy trong bóng tối mịt mùng. Hiểu được là có vật gì đấy. Nhưng chẳng biết hình thù hay màu sắc ra sao cả."

-"Chứ mới đây ông vừa nhận là chuyên gia kia mà."

-"Tôi viết văn. Bài phỏng vấn, ký sự, những thứ như thế. Tuy cũng chẳng là văn chương cao quý gì, nhưng quan sát người ta là nghề nghiệp của tôi rồi."

-"À, ra thế", nàng nói.

-"Vậy thì ta ngừng ở đây đi, có vẻ mưa đã tạnh rồi, mà bí quyết cũng đã bộc lộ rồi. Để cảm ơn cô đã giúp tôi qua được thời giờ không có việc gì làm, xin mời cô uống bia nhé."

-"Nhưng mà, làm sao ông nghĩ ra chuyện vườn thế?" Nàng nói. -"Chứ còn bao nhiêu là thứ khác có thể nghĩ ra kia mà. Phải không nào? Tại sao phải là vườn mới được chứ?"

-"Tình cờ đấy thôi, lắm khi sờ soạng một hồi, tình cờ chạm đúng vào vật thật đấy. Tôi xin lỗi nếu đã làm cô khó chịu."

Nàng mỉm cười -"Có sao đâu. Ta uống bia đi."

Tôi ra dấu cho người hầu bàn, gọi hai chai bia. Tách cà-phê, bình đựng đường trên bàn được dẹp đi, đĩa gạt tàn thuốc thay mới và bia được mang đến. Ly ướp lạnh sẵn, bên ngoài phủ một màng sương trắng. Cô gái rót bia vào ly cho tôi. Cả hai nâng ly lên một khoảng nhỏ và cụng ly qua loa thôi. Nuốt ngụm bia lạnh ấy xong, nghe chỗ lõm sau cổ mình đau buốt như có kim chích vào.

-"Ông thường... chơi trò này lắm à?". Nàng hỏi -"Gọi là trò chơi có được không ạ?"

-"Thì trò chơi đấy mà". Tôi nói -"Chỉ thi thoảng thôi. Trông thế chứ mệt người lắm đấy."

-"Thế chơi làm gì? Để xác nhận tài năng của mình à?"

Tôi nhún vai. -"Thật ra, chẳng phải là thứ gì đáng gọi là tài năng cả. Tôi chẳng phải được linh cảm hướng dẫn, cũng chẳng phải nói gì về những sự thật có tính cách phổ quát. Chỉ thấy sự thật trước mắt mình như thế nào thì nói ra như thế ấy mà thôi. Cho dù có gì hơn thế đi nữa, cũng không phải là thứ đáng gọi là tài năng. Như tôi vừa nói, chỉ là chuyện sờ soạng tìm kiếm trong bóng tối mịt mùng, tình cờ cảm nhận được vật gì mơ hồ, thì nói lên bằng những lời nói mơ hồ, thế thôi. Chỉ là trò chơi. Chứ tài năng thì là thứ khác kia."

-"Thế nhưng, người nghe không cảm thấy đấy chỉ là trò chơi, thì sao?"

-"Cô muốn nói, nếu trong vô thức, tôi lại lôi ra từ người nghe điều gì đấy một cách không cần thiết, phải thế không?"

-"Vâng, tương tự như thế."

Tôi vừa uống ngụm bia, vừa gắng suy nghĩ về điều ấy.

-"Tôi không nghĩ được là điều đó xảy ra." Tôi nói. -"Mà cho dù điều đó có xảy ra đi nữa, có lẽ cũng chẳng là sự kiện gì đặc biệt. Những điều như thế xảy ra hằng ngày trong tất cả các quan hệ giữa người này người khác. Có phải thế không?"

-"À..." Nàng đáp. -"Có lẽ thế thật."

Cả hai im lặng uống bia. Đến lúc nên rút lui rồi. Tôi đã mệt lắm, mà cơn nhức đầu lại tăng độ dần lên.

-"Xin phép về phòng nghỉ một chút". Tôi nói -"Tôi luôn luôn cảm thấy đã nói gì đấy quá trớn. Và vì thế mà ân hận lắm."

-"Không sao mà. Xin ông đừng bận tâm. Em nghe chuyện thì vui thích lắm."

Tôi gật đầu, đứng lên, định cầm lấy biên lai nơi mép bàn. Nàng nhanh nhẹn vươn tay, đặt bàn tay úp lên bàn tay tôi. Những ngón tay thon dài cho cảm giác trơn láng. Không lạnh, cũng không quá ấm.

-"Xin nhường cho em." Nàng nói. -"Có vẻ đã làm ông mệt, vả lại em còn được sách nữa."

Tôi hơi bối rối một chút, rồi lại cảm nhận cảm xúc từ những ngón tay của nàng.

-"Vậy thì, xin cảm ơn cô." Tôi nói.

Nàng rút nhẹ tay lại. Tôi cúi chào. Trên bàn vẫn còn 5 que diêm sắp hàng đẹp mắt.

Tôi dấn bước về phía thang máy, nhưng chợt có gì đấy kéo tôi lại. Điều gì đấy tôi đã cảm thấy từ cô gái ấy khi thấy cô lần đầu. Mà tôi vẫn chưa dứt khoát được. Tôi đứng đấy, hoang mang một hồi. Cuối cùng muốn dứt điểm điều ấy cho xong, bèn quay trở lại bàn bên cạnh cô gái.

-"Cho tôi hỏi một điều, như câu hỏi cuối cùng, được không?". Tôi nói.

Nàng ngẩng nhìn tôi, có vẻ ngạc nhiên một chút -"Vâng, được chứ, mời ông."

-"Vì sao mà cô luôn luôn ngắm bàn tay phải mãi thế?"

Như một phản xạ, nàng đưa mắt xuống bàn tay phải. Rồi lập tức ngước nhìn tôi. Vẻ mặt của nàng lúc ấy thoáng chốc nhạt nhòa, như trượt rơi mất từ khuôn mặt. Trong thoáng chốc ấy, tất cả đã ngưng đọng. Bàn tay phải của nàng úp mặt lên bàn.

Im lặng như kim nhọn chích vào tôi. Không gian quanh tôi đã biến đổi hoàn toàn mất rồi. Tôi đã phạm một lỗi lầm ngốc nghếch nào đó rồi. Nhưng tôi chẳng hiểu lời tôi nói ra có gì mà sai quấy đến như thế. Nên cũng chẳng biết phải xin lỗi nàng như thế nào cho đúng. Lòng hoang mang, tôi thọc hai tay vào túi quần, đứng chôn chân ở đấy.

Nàng nhìn tôi đăm đăm như thế một hồi lâu, rồi dời mắt, nhìn mặt bàn. Trên bàn có chai bia không và bàn tay của nàng. Trông nàng rõ ràng có vẻ muốn tôi biến đi càng nhanh càng tốt.

*

Lúc tôi mở mắt dậy, đồng hồ bên gối chỉ 6 giờ. Phần thì máy lạnh không chạy, lại vừa mộng thấy chuyện thật là sống động, nên toàn thân tôi toát mồ hôi dầm dề. Từ lúc ý thức tỉnh dậy cho đến lúc tay chân cử động được bình thường phải mất một khoảng thời gian dài. Nằm dài như con cá trên tấm chăn trải ấm hơi người và ẩm mồ hôi, tôi đưa mắt ngắm khoảng trời bên ngoài cửa sổ. Mưa đã tạnh hẳn, tầng mây màu tro nhạt phủ lên bầu trời đã bắt đầu lộ những khe hở. Gió thổi mây trôi đi. Những khe hở trong mây từ từ thay đổi hình dạng, trôi ngang qua khung cửa sổ. Gió thổi đến từ phía tây nam. Mây càng dời đi, càng lộ nhanh những khoảng trời xanh. Nhìn trời chăm chú một hồi thì màu sắc loang dần ra, nên tôi không nhìn nữa. Dù sao, cũng đã đẹp trời trở lại rồi.

Tôi nghẹo cổ trên gối, nhìn đồng hồ để xác nhận thì giờ một lần nữa. 6 giờ 15. Nhưng không hiểu 6 giờ 15 tối hay 6 giờ 15 sáng. Có cảm giác là chiều tối, mà cũng có cảm giác là buổi sáng. Bật ti-vi lên thì biết được sáng hay tối, nhưng tôi chẳng muốn chỉ vì thế mà phải bước đến trước ti-vi.

Chắc là chiều tối rồi, tôi chọn thế. Lúc vào giường ngủ là khoảng sau 3 giờ chiều, chuyện đã ngủ suốt 15 tiếng đồng hồ hẳn là không có rồi. Nhưng chỉ đoán có lẽ thế thôi. Chẳng có chứng cớ gì là tôi đã không ngủ suốt 15 giờ. Mà chuyện đã không ngủ suốt 27 tiếng đồng hồ thì hẳn là chẳng có chứng cớ gì rồi. Nghĩ thế lại cảm thấy buồn vô hạn.

Nghe có tiếng người nào đấy nói chuyện bên ngoài cửa phòng. Giọng nói có vẻ là người nào đấy đang trách mắng người nào khác. Thời gian trôi qua thật chậm chạp quá đỗi. Phải mất thật nhiều thời gian để suy nghĩ. Cổ họng khát khô, nhưng phải mất một hồi lâu tôi mới nhận ra là cơn khát. Tôi thu hết sức gượng ngồi dậy, với tay lấy bình nước lã, rót uống liên tiếp ba ly. Chừng nửa ly nước đã trào xuống ngực, rơi xuống sàn, nhuộm thâm một khoảng thảm xám. Nước lạnh như đã đạt đến lõi não, loang dần ra như một vết thấm. Tôi châm điếu thuốc, hút.

Nhìn ra ngoài cửa sổ, bóng mây có vẻ phần nào đậm màu hơn trước. Đúng là chiều tối rồi. Chẳng có lý do gì để không phải là chiều tối.

Tôi ngậm điếu thuốc trên môi, cơ thể trần truồng đi vào phòng tắm, mở vòi sen. Nước nóng tuôn thành tiếng xuống bồn tắm. Bồn cũ, đôi chỗ lộ những đường như vết rạn nứt. Những tay vặn bằng kim loại đã úa vàng cả rồi.

Tôi điều chỉnh nhiệt độ nước nóng rồi ngồi xuống mép bồn, lơ đãng ngắm nước nóng cuộn chảy xuống lỗ thoát. Lúc điếu thuốc cháy hết, tôi dụi tắt vào trong nước. Toàn thân mỏi rời rã.

Dù vậy, tôi vẫn tắm vòi sen, chải tóc, rồi cạo râu xong thì cảm thấy đôi phần sảng khoái hơn. Mở cửa sổ cho thoáng khí, uống thêm một ly nước, vừa hong khô tóc vừa xem tin tức trên ti-vi. Quả đúng là chiều tối rồi. Không sai. Dù gì cũng đâu có chuyện đã ngủ suốt đến 15 tiếng đồng hồ.

Khi xuống phòng ăn lấy thức ăn tối thì thấy bốn bàn đã có người ngồi. Cặp trung niên mới đến cũng có mặt. Ba bàn kia có các ông lớn tuổi mang cà-vạt, mặc áo vét chỉnh tề. Từ xa trông các ông giống hệt nhau, cử chỉ tề chỉnh, tuổi tác sàng sàng nhau. Có vẻ là nhóm các luật sư hay y sĩ gì đấy. Khách đi theo đoàn thể như thế này thì tôi thấy lần đầu ở khách sạn này. Dù sao đi nữa, nhờ họ mà phòng ăn mới lấy lại được cảnh sống động đáng lẽ phải có.

Tôi ngồi vào bàn cạnh cửa sổ, như lúc sáng, trước khi xem thực đơn, gọi ngay Scotch whisky không đá. Ngắm ly whisky một lúc thì đầu óc tỉnh táo dần ra. Từng mảnh ký ức dần dần sắp xếp đúng vào vị trí. Chuyện mưa liên miên ba ngày liền, chuyện từ sáng chỉ ăn có mỗi một đĩa trứng chiên, chuyện gặp cô gái trong phòng chứa sách, chuyện làm vỡ mắt kính...

Tôi uống xong ly whisky, đọc qua thực đơn rồi gọi món xúp, xà-lách và món cá. Vẫn không muốn ăn nhưng chẳng lẽ cả ngày chỉ ăn mỗi một đĩa trứng chiên sao. Gọi thức ăn xong, tôi uống nước ướp lạnh cho tan mùi whisky rồi lại đưa mắt nhìn khắp phòng ăn. Vẫn không thấy bóng dáng cô gái. Tôi vừa cảm thấy thật an tâm, lại vừa cảm thấy thật thất vọng. Tự mình không hiểu muốn gặp lại cô ấy hay không muốn gặp lại cô ấy nữa. Mà đằng nào cũng được thôi.

Rồi tôi nghĩ đến cô bạn gái đã bỏ lại trên Tokyo. Tính lại xem đã mấy năm từ lúc bắt đầu quen với cô ấy. 2 năm 3 tháng. Có cảm giác 2 năm 3 tháng là con số lửng lơ không tốt. Nghĩ cho nghiêm trang thì có lẽ tôi chơi với cô ấy 3 tháng dài quá mức cần thiết. Thế nhưng, tôi thích cô ấy, mà cũng chẳng có lý do gì để chia tay. Chắc thế rồi. Đối lại, tôi phải nói như thế nào nhỉ? Có thể nói là anh thích em, vả lại chẳng thấy có lý do gì để phải chia tay nhau cả, hay không? Không, dù sao đi nữa, nói như thế nghe ngốc nghếch quá. Cho dù tôi có thích gì ở cô ấy đi nữa, điều đó cũng chẳng có ý nghĩa gì cả. Tôi thích chiếc áo len ca-sơ-mia đã mua kỳ Giáng sinh năm ngoái, thích uống whisky đắt tiền không cho thêm nước đá, thích nằm giường rộng trong phòng có trần cao, thích đĩa nhạc cũ của Jimmy Noon,... , chỉ là chuyện thích thế thôi. Chẳng có căn cứ gì để níu kéo cô ấy lại được cả.

Nghĩ đến chuyện chia tay với cô ấy, rồi lại phải đi kiếm bạn gái mới, tôi chán quá. Lại phải bắt đầu lại từ đầu tất cả mọi chuyện!

Tôi thở dài, định bụng sẽ không suy nghĩ thêm nữa về chuyện ấy. Dù có suy nghĩ bao nhiêu thì việc gì phải xảy ra cũng sẽ xảy ra thôi .

Đã sắp tắt nắng rồi, dưới song cửa đã trải rộng mặt biển tối như nền vải lót thẩm màu. Mây rải rác, ánh trăng chiếu sáng bãi cát và những đầu sóng trắng tan vỡ. Ngoài khơi mờ mờ ánh vàng màu thuyền xa. Đám khách đàn ông chỉnh tề ấy đang nghiêng bình rượu vang, lớn tiếng cười đùa hay tán chuyện thiên hạ trên các bàn tiệc. Tôi thầm lặng một mình ăn món cá. Ăn xong, đĩa chỉ còn đầu và xương cá. Cả nước xốt kem cũng đã vét sạch bằng bánh mì. Rồi lấy dao cắt rời đầu khỏi xương cá và xếp chúng song song với nhau trên mặt đĩa trắng toát. Chẳng có ý nghĩa gì đặc biệt cả. Chỉ muốn làm thử xem sao. Cuối cùng, đĩa được dẹp đi và cà-phê được mang đến.

Khi tôi mở cửa phòng, có mảnh giấy rơi xuống sàn. Tôi vừa lấy vai đẩy cửa vào vừa cúi ngồi xuống nhặt mảnh giấy. Trên giấy-ghi-nhớ mang dấu ấn của khách sạn ấy, có hàng chữ nhỏ viết bằng bút bi màu đen. Tôi đóng cửa lại, ngồi xuống ghế sofa, châm lửa điếu thuốc rồi mở đọc.

<Xin lỗi ông về chuyện lúc trưa. Mưa đã tạnh rồi, ông có muốn cùng đi tản bộ cho vui không? Nếu được, xin chờ ông ở hồ bơi lúc 9 giờ.>

Tôi uống một cốc nước xong đọc lại mảnh giấy ấy. Vẫn câu viết ấy. Hồ bơi à?

Tôi biết rõ về hồ bơi trong khách sạn này. Hồ bơi nằm trên đồi phía sau. Tôi chưa bơi ở đấy lần nào, nhưng đã thấy hồ bơi ấy vài lần rồi. Ba phía có lùm cây bao bọc. Một phía nhìn xuống biển. Và ít nhất theo chỗ tôi biết thì nơi đó không thích hợp cho việc tản bộ. Muốn tản bộ thì dọc theo bờ biển không thiếu gì chỗ tốt.

Đồng hồ chỉ 8 giờ 20 phút. Dù sao đi nữa, cũng chẳng phải là chuyện gì cần suy xét băn khoăn. Người nào đấy muốn gặp tôi lắm. Cứ đi gặp họ là được rồi. Chỗ gặp là hồ bơi, thì cứ biết là hồ bơi, thế thôi. Ngày mai đây, tôi sẽ chẳng còn ở đây nữa.

Tôi gọi điện thoại xuống quầy quản lý, bảo họ là có việc cần nên sẽ rời khách sạn vào ngày mai, muốn bỏ một ngày còn lại. Họ đáp xin vâng, chẳng có vấn đề gì cả. Tôi lấy áo quần từ trong tủ áo và ngăn kéo ra, xếp gấp lại, cho vào va-li ngăn nắp. Độ phồng của va-li bớt được phần mấy cuốn sách đã đem theo lúc mới đến khách sạn.

8 giờ 40 phút. Tôi lấy thang máy đi xuống tiền sảnh khách sạn, bước ra ngoài cửa. Đêm yên tĩnh. Chỉ có tiếng sóng, không nghe tiếng gì khác. Làn gió tây nam toả mùi ẩm ướt. Nhìn lại phía sau, thấy cửa sổ vài phòng của khách sạn đã lên đèn vàng nhạt.

Tôi vén tay áo sơ mi thể thao lên đến khuỷu tay, đút hai tay vào túi quần, bước lên đường đồi thoai thoải lót cát mịn. Bồn cây lá cao đến đùi chạy dài suốt hai bên đường. Cây cử khổng lổ toả vòm lá đầu mùa hè rậm rạp phủ kín cả khoảng không.

Rẽ trái ở góc nhà kiếng thì thấy bậc cấp bằng đá dài và dốc lên. Leo khoảng 30 bậc cấp thì đến ngọn đồi có hồ bơi. 8 giờ 50 phút. Không thấy bóng dáng cô gái. Tôi thở hơi dài, mở rộng ghế xếp đã tựa sẵn vào tường, kiểm chắc là không ướt rồi ngồi xuống ghế.

Đèn chiếu sáng hồ bơi đã tắt rồi, nhưng có đèn thuỷ ngân ở lưng đồi và ánh trăng nên không đến nỗi tối. Hồ bơi có bệ nhảy, đài giám thị, phòng giữ áo quần, quầy nước ngọt, và khung cỏ cho người tắm nắng. Bên cạnh đài giám thị, chồng chất đống dây chia lằn bơi và bản ghi hiệp bơi. Tuy còn ít lâu nữa mới đến mùa bơi, nhưng hồ đã được bơm sẵn đầy nước. Có lẽ để kiểm điểm trước. Nửa phần ánh đèn thuỷ ngân trộn với nửa phần ánh trăng nhuộm lên mặt nước hồ bơi rộng lớn ấy một màu sáng kỳ ảo. Khoảng giữa hồ có xác kiến và lá cây cử trôi nổi.

Không ấm mà cũng chẳng lạnh. Chút gió nhẹ khẽ xao động mấy khóm lá cây. Phảng phất khắp nơi mùi hương cây cỏ thấm đẫm nước mưa. Quả là một đêm sảng khoái trong lòng. Tôi ngả người trên ghế trải ra gần như song song với mặt đất, vừa ngắm trăng vừa hút thuốc.

Cô gái đến lúc kim đồng hồ chỉ khoảng 10 phút sau 9 giờ. Nàng mang sandal trắng, mặc áo đầm không tay ôm sát thân hình. Màu áo xanh pha chút xám, đến thật gần mới thấy thêm những đường chỉ hồng mỏng đan ngang dọc. Nàng đến từ đám cây phía đối diện cửa hồ bơi. Tôi mải nhìn về phía cửa hồ bơi, nên dáng nàng hiện lên nơi góc mắt một hồi tôi vẫn không để ý. Nàng thong thả bước theo chiều dài hồ bơi đến phía tôi.

-"Xin lỗi nhé". Nàng nói. -"Em đã đến từ nãy kia, nhưng đi dạo một hồi quanh đây rồi quên đường mất. Vì thế mà vớ dài bị rách nữa."

Nàng mở ghế xếp bên cạnh tôi, như tôi đã làm, rồi ngồi xuống, hướng bụng chân phải về phía tôi. Khoảng giữa bụng chân phải có một đường sút chỉ gần 2 cen-ti-met chạy dọc xuống. Khi nàng khom người xuống, cổ áo khoét rộng cho thấy đôi vú trắng.

-"Xin lỗi cô về chuyện lúc nãy". Tôi nói. -"Tôi không có ý xấu đâu."

-"À, chuyện ấy thì đã chả sao cả. Quên đi nhé. Có gì quan trọng đâu". Nói xong, nàng đặt hai bàn tay lên đầu gối, lòng bàn tay hướng lên trên. -"Thật là một đêm sảng khoái quá nhỉ."

-"Quả thế thật". Tôi đáp.

-"Em thích hồ bơi không có người. Yên tĩnh, vô cơ, tất cả ngưng đọng lại. Ông thì sao?"

Tôi ngắm những gợn sóng lan toả trên mặt nước. -"À, tôi thì lại nhìn ra gì như là xác người chết. Có lẽ vì ánh trăng đấy thôi."

-"Thế ông đã thấy xác người chết chưa?"

-"Thấy rồi. Xác người chết đuối thôi".

-"Cảm thấy như thế nào?"

-"Thì giống như là hồ bơi không người đấy."

Nàng cười lớn. Lúc cười, thấy có nếp nhăn nơi hai đuôi mắt.

-"Thấy đâu ngày xa xưa lắm rồi". Tôi nói. -"Lúc tôi còn bé kia. Xác trôi dạt vào bờ biển ấy. Xác chết đuối nhưng trông đẹp lắm."

Ngón tay nàng mân mê đường rẽ tóc. Có lẽ mới tắm xong, tóc thoảng mùi nước gội đầu. Tôi đẩy lưng ghế lên ngang tầm với nàng.

-"Này, ông có nuôi chó chưa nhỉ?". Nàng hỏi.

Tôi nhìn nàng, có chút ngạc nhiên. Rồi nhìn lại phía hồ bơi.

-"Tôi thì chưa."

-"Chưa lần nào cả sao?"

-"Chưa lần nào cả."

-"Ông ghét chó à?"

-"Mất công lắm. Phải dắt đi dạo, phải chơi với nó, phải cho ăn, những chuyện như thế. Chứ chẳng đặc biệt ghét bỏ gì. Chỉ phiền phức thôi."

-"Thế thì ông ghét chuyện phiền phức đấy nhỉ."

-"Loại phiền phức ấy thì ghét."

Nàng im lặng, có vẻ suy nghĩ điều gì đấy. Tôi cũng lặng thinh. Chiếc lá cây cử nương theo gió, di động trên mặt nước hồ.

-"Ngày xưa, em có một con chó giống Maltese". Nàng nói. -"Lúc còn bé kia. Xin bố em mua cho đấy. Em là con một, ít nói, không có bạn bè, nên thèm bạn chơi lắm. Thế ông có anh em gì không?"

-"Có một người anh."

-"Người anh tuyệt vời chứ?"

-", chẳng biết. Chứ bảy năm nay rồi, có gặp nhau đâu."

Nàng lấy ra điếu thuốc, không biết từ đâu, hút một hơi rồi nói tiếp.

-"Dù sao thì mọi chuyện lo liệu cho con chó thì em làm cả. Lúc em 8 tuổi thôi đấy. Cho ăn, dọn vệ sinh, dắt đi dạo, chích thuốc ngừa bệnh, xức phấn trừ bọ chét, tất cả đều do em làm cả. Không sót một ngày nào. Ngủ chung giường, đi tắm chung,... Cứ như thế mà sống chung suốt 8 năm trời. Thân thiết với nhau lắm kia. Em hiểu con chó nghĩ gì, mà nó cũng hiểu em nghĩ gì. Chẳng hạn buổi sáng ra khỏi nhà, em bảo nó <hôm nay sẽ mua kem lạnh cho> thì chiều về thế nào cũng thấy nó đứng đợi sẵn cả trăm thước trước cổng nhà rồi."

-"Chó mà ăn kem lạnh à?". Tôi bất giác hỏi.

-"Vâng, ăn chứ". Nàng đáp. -"Kem lạnh cơ mà!"

-"Ờ, thì...", tôi nói.

-"Và lúc nào em buồn phiền, tiu nghỉu, thì luôn luôn có nó an ủi em. Bằng cách làm đủ trò. Ông hiểu chứ nhỉ? Thân thiết lắm kia. Vô cùng thân thiết ấy. Thế nên 8 năm sau, lúc nó chết thì quả thật em chẳng biết làm thế nào nữa. Làm thế nào mà sống từ đây về sau. Có lẽ về phía nó cũng thế. Giả thử, em là kẻ chết trước thì nó hẳn cũng cảm thấy như thế rồi."

-"Vì sao mà chết thế?"

-"Nghẽn ruột đấy. Một cuộn lông đã làm nghẽn ruột nó mất, làm cho chỗ bụng cứ trương mãi lên, còn thân thể thì ốm yếu đi mà chết. Đau đớn suốt ba ngày kia đấy."

-"Đã đưa đi bác sĩ khám chứ?"

-"Vâng, tất nhiên thế. Nhưng đã trễ rồi. Thế nên khi biết đã trễ rồi thì đem về nhà, và nó chết trên đùi em đấy. Lúc chết, cứ nhìn vào mắt em mãi thôi. Chết đi rồi... cũng còn nhìn em mãi."

Bàn tay nàng đang đặt trên đầu gối khum nhẹ lại, như ôm lấy con chó không ai khác nhìn thấy.

-"Nó chết được khoảng 4 giờ thì xác bắt đầu cứng lại. Thân thể dần dần mất hơi ấm, cuối cùng thì cứng ngắc như đá tảng... thế là hết."

Nàng nhìn bàn tay mình trên đầu gối, im lặng một lúc. Tôi lặng ngắm mặt hồ bơi, không hiểu chuyện sẽ ra thế nào.

-"Em quyết định chôn xác nó trong vườn nhà". Nàng nói tiếp. -"Bên cạnh khóm hồng vàng trong góc vườn ấy. Bố em đào lỗ hộ em. Vào một đêm tháng Năm. Lỗ không sâu lắm, chừng 70 cen-ti-met thôi. Em bao xác nó bằng chiếc áo len em quý nhất, rồi cho vào thùng gỗ. Thùng đựng whisky gì đấy mà. Và cho vào đấy nhiều thứ khác nữa. Như ảnh nó chụp chung với em, hộp đồ ăn của nó, khăn tay của em, banh tennis thường chơi với nhau, tóc của em, và cuốn sổ ngân hàng của em nữa."

-"Cuốn sổ gửi tiền ở ngân hàng ấy à?"

-"Vâng, đúng đấy. Cuốn sổ gửi tiền ở ngân hàng đấy. Đã để dành đâu từ lúc bé, được chừng 3 vạn Yen rồi. Con chó chết đi rồi, em thật sự buồn quá, không còn thiết đến tiền bạc hay gì khác. Nên đem chôn cả đi. Có lẽ cũng vì muốn xác nhận nỗi đau khổ của mình bằng cách chôn cả cuốn sổ gửi tiền ấy đấy. Nếu phải hoả táng nó, chắc em cũng đã hoả táng luôn cuốn sổ ấy rồi. Thật ra, giá mà hoả táng cả đi thì còn tốt hơn."

Ngón tay nàng đưa lên dụi mắt.

-"Sau đấy, khoảng một năm trôi qua không có chuyện gì đáng kể. Em buồn quá, trong lòng như có một lỗ hổng lớn, trống vắng. Thế mà cũng gắng gượng sống sót được. Mà cũng thường tình thôi. Có ai vì chó chết mà tự tử đâu. Kết cuộc, khoảng đó trở thành thời kỳ đổi thay quan trọng trong đời em. Nghĩa là, nói thế nào nhỉ, đấy là thời kỳ đứa con gái ít nói, tối ngày ru rú trong nhà, đã thoát xác thành thiếu nữ hướng ra bên ngoài mà mở rộng tầm mắt. Bởi tự mình đã hiểu được rằng cứ mãi ru rú như thế thì không thể nào sống tiếp được trên đời. Cho nên, cái chết của con chó, bây giờ nhìn lại thì trong ý nghĩa nào đấy, là một sự kiện có tính cách tượng trưng nữa đấy."

Tôi ưỡn người dài trên chiếc ghế, ngước nhìn trời cao. Thấy có vài ngôi sao. Ngày mai có vẻ là đẹp trời.

-"Này, chuyện như thế nghe tẻ nhạt lắm, phải không?" Nàng hỏi. -"Ngày xửa ngày xưa ở chốn kia, có người con gái ít nói, vân vân..."

-"Cũng đâu có tẻ nhạt gì". Tôi đáp -"Chỉ là tôi đang ước gì có bia mà uống đó thôi."

Nàng bật cười. Rồi nhướng người quay đầu nhìn tôi. Giữa tôi và nàng chỉ còn khoảng cách chừng 20 cen-ti-met. Mỗi lần nàng thở sâu, đôi vú thon đẹp lại rung động lên xuống. Tôi lại hướng mắt nhìn ra hồ bơi. Nàng im lặng nhìn tôi một hồi lâu rồi nói tiếp.

-"Cứ thế, em dần dần hoà nhập vào thế giới bên ngoài. Tất nhiên, lúc đầu thì không thể song suốt được, nhưng từ từ, em có thêm bạn bè. Chuyện đi học không còn khổ nhọc như trước nữa. Thế nhưng, không hiểu như thế là nhờ ở cái chết của con chó, hay dù con chó còn sống, kết cuộc cũng chỉ như thế thôi. Em đã vài lần suy nghĩ về điều ấy, nhưng cuối cùng cũng không hiểu ra được.

Thế rồi đến năm em 17 tuổi, có chuyện khá khó khăn đã xảy ra cho em. Thuật lại tỉ mỉ thì dài dòng quá, dù sao, đấy là chuyện liên quan đến cô bạn thân nhất của em. Nói đơn giản thì bố của cô ấy đã gây chuyện gì đấy đến phải nghỉ việc ở sở làm, nên cô bạn em không có tiền trả học phí nữa, đành đến thổ lộ với em. Trường chúng em là trường tư dành riêng cho nữ sinh, học phí rất cao. Mà ở trường nữ, khi bạn mình thổ lộ tâm sự gì thì không thể chỉ đáp lại <thế à> rồi thôi. Mà dù chẳng thế đi nữa, em cũng thương cho tình cảnh của chị ấy, nên đã nghĩ là sẽ gắng giúp cho chị ấy, dù chút ít đi nữa. Thế nhưng tiền thì em không có... Thế rồi... Ông đoán là em đã làm gì nào?"

-"Đã đào cuốn sổ ngân hàng ấy lên, phải thế không?" Tôi nói.

Nàng nhún vai -"Chẳng còn cách nào khác. Chính em cũng đã bối rối lắm chứ. Thế nhưng, càng nghĩ càng thấy cần phải làm như thế. Chứ gì nữa? Một bên là bạn thân đang gặp khốn khó, một bên là con chó quý đã chết rồi. Con chó đã chết thì đâu cần đến tiền nữa. Nếu là ông thì làm sao nào?"

Tôi chẳng hiểu phải làm sao. Tôi đã không có bạn thân nào gặp khốn khó, mà cũng chẳng có con chó quý nào chết cả.

-"Chẳng hiểu". Tôi đáp. -"Thế là... một mình cô đào lên?"

-"Vâng, đúng thế, một mình em. Chứ đâu có nói ra với người nhà được. Bố mẹ em chẳng biết cả chuyện em đã chôn cuốn sổ ngân hàng, nên trước khi giải thích ý định đào lên lại phải giải thích từ chuyện đã chôn xuống... Ông hiểu chứ?"

-"Tôi hiểu". Tôi đáp.

-"Canh chừng lúc bố mẹ đi vắng, em vác xẻng từ nhà kho ra, đào một mình. Vừa mưa xong nên đất mềm, cũng không mất công mấy. Đâu chừng 15 phút thôi. Bao nhiêu đó đủ để lưỡi xẻng chạm vào thùng gỗ rồi. Thùng gỗ không đến nỗi mục nát như em nghĩ. Có cảm giác mới chôn xuống chỉ chừng một tuần trước thôi. Chứ trong trí thì nhớ đã chôn xuống từ thuở nào xa lắc kia. Mà gỗ trông còn trắng lắm, cứ như là mới chôn xuống ấy. Chứ em thì đã đoán là chỉ qua một năm là gỗ đen thui ra ngay... Thế nên... em đã có chút kinh ngạc. Chuyện kỳ lạ thật chứ nhỉ. Dù là chuyện đằng nào cũng chả sao đấy, vậy mà sự khác biệt nhỏ ấy vẫn làm em nhớ mãi. Rồi em lấy kềm rút đinh đến... và mở thùng ấy ra."

Tôi chờ đợi cô nói tiếp, nhưng không, cô ngừng lại, hất cằm ra trước một chút và im lặng.

-"Rồi, sao nữa cô?" Tôi nhắc.

-"Em mở nắp, lấy cuốn sổ ngân hàng ra, đậy nắp, và chôn xuống lại". Nàng nói. Rồi lại im lặng. Khoảng im lặng mênh mông kéo dài.

-"Lúc ấy cô cảm thấy thế nào?" Tôi ướm hỏi.

-"Buổi chiều tháng Sáu ấy, mây phủ đầy trời đùng đục, thi thoảng mưa lại rơi lộp độp". Nàng nói. -"Trong nhà lẫn ngoài vườn im vắng, mới qua 3 giờ chiều mà đã u ám như hoàng hôn. Ánh mặt trời thì ngắn lại mờ mờ, không nắm được khoảng cách. Em còn nhớ lúc rút từng cây đinh ra thì trong nhà có tiếng điện thoại reo. Chuông điện thoại reo mãi reo hoài, có đến hai chục lần. Hai chục lần chuông reo kia đấy. Nghe tiếng chuông điện thoại reo cứ như là người nào đấy đang thong thả tản bộ trên hành lang dài. Hiện ra từ một góc nào đấy rồi khuất đi sau một góc nào khác ấy."

Im lặng.

-"Em mở nắp ra thì thấy khuôn mặt con chó. Không nhìn không được. Áo len bọc con chó lúc chôn xuống đã lệch đi mất, đầu và chân trước lòi cả ra ngoài. Con chó nằm nghiêng, thấy cả mũi, răng và tai nó. Cả những thứ đã chôn theo nó như là như bức ảnh, banh tennis, lọn tóc của em,..."

Im lặng.

-"Lúc ấy, em ngạc nhiên nhất là sao em hoàn toàn chẳng sợ hãi gì cả. Vì sao thì em không hiểu, nhưng em đã chẳng sợ tí nào cả. Giá như lúc ấy, em có sợ hãi đôi chút gì đấy, có lẽ đã thanh thản được hơn. Mà chẳng cứ gì sợ hãi, giá như có thể buốn rầu, đau khổ gì đấy cũng được nữa. Thế mà... chẳng có gì cả! Em đã chẳng cảm thấy gì cả. Có cảm giác như là chỉ bước ra thùng thư lấy tờ báo rồi quay lại thế thôi. Mà quả thật, có thật là em đã làm chuyện ấy không, em cũng chẳng rõ nữa. Hẳn là vì lúc ấy đầu óc em đã đầy cả những ký ức quá rõ rệt đậm nét về đủ thứ chuyện nên không còn chỗ cho tình cảm nữa. Duy chỉ có mùi là còn sót lại mãi mãi thôi."

-"Mùi à?"

-"Mùi thấm vào cuốn sổ ngân hàng ấy. Em không biết nên gọi là gì. Nhưng đúng là... mùi đấy. Mùi mình ngửi thấy. Cầm lên tay thì mùi ấy thấm qua tay. Dù có rửa bao nhiêu đi nữa, tay vẫn còn mùi ấy. Rửa mấy cũng không hết. Mùi đã thấm đến tận trong xương kia. Cả đến bây giờ... vâng... cũng thế thôi."

Nàng đưa bàn tay phải lên ngang mắt che ánh trăng chói sáng.

-"Kết cuộc", nàng nói tiếp. -"Tất cả chỉ là vô ích thôi. Chẳng giúp ích gì cả. Cuốn sổ đã tẩm đầy mùi rồi nên em không mang ra ngân hàng được, đành đốt bỏ đi thôi. Và thế là hết chuyện."

Tôi thở dài. Không hiểu nên bày tỏ cảm tưởng như thế nào. Cả hai cùng im lặng, nhìn mỗi người một hướng.

-"Thế rồi...", tôi nói. -"Cô bạn ấy ra sao?"

-"Cuối cùng thì cô ấy đâu có bỏ trường. Bởi sự thật, đã chẳng thiếu thốn đến mức ấy. Con gái là thế mà. Thích bi-thảm-hoá cảnh ngộ của mình trên mức cần thiết. Chuyện ngốc nghếch thế đấy."

Nàng châm lửa điếu thuốc mới, nhìn về phía tôi. -"Nhưng thôi, dẹp chuyện ấy lại. Chuyện này em kể cho ông là người đầu tiên đấy. Mà sau này, cũng sẽ không kể cho ai nữa. Chứ có phải là chuyện nên mang đi kể cho người này người kia nghe đâu."

-"Kể xong rồi, cô có thấy nhẹ đi không?"

-"Vâng..." Nàng mỉm cười. -"Cảm thấy nhẹ người đi rất nhiều."

Tôi hoang mang một hồi lâu. Vài lần định thốt ra miệng nhưng nghĩ lại đành thôi. Và lại bối rối thêm. Đã lâu lắm không bối rối đến mức này. Suốt trong lúc ấy, lòng ngón tay tôi gõ mãi lên tay ghế. Định hút thuốc nhưng chỉ còn bao thuốc không. Nàng chống khuỷu lên tay ghế, nhìn về phía xa.

-"Tôi chỉ có một điều mong mỏi." Tôi quyết ý, nói: -"Nếu cô phiền lòng thì tôi xin lỗi, xin cô bỏ qua cho. Nhưng mà... có lẽ nói ra thì hơn. Thật khó nói quá..."

Nàng vẫn chống cằm nhìn tôi. -"Được mà, ông cứ nói, cho dù không bằng lòng điều ông nói, em sẽ quên ngay đi. Và ông cũng quên ngay cho. Thế là được chứ gì?"

Tôi gật đầu. -"Cô có thể cho tôi ngửi mùi tay cô không?"

Nàng lơ đãng nhìn tôi. Vẫn chống tay nâng cằm. Rồi nhắm mắt lại vài giây và đưa ngón tay dụi mí mắt.

-"Cũng được". Nàng nói. -"Mời ông". Rồi duỗi tay đang chống cằm ấy ra phía tôi. Tôi cầm tay nàng, hướng lòng bàn tay về phía tôi giống như lúc xem chỉ tay. Bàn tay nàng buông thõng không còn sức nữa. Những ngón tay dài cong lại thật tự nhiên về phía lòng bàn tay. Áp tay mình lên tay nàng như thế, tôi nhớ lại thời mình 16, 17 tuổi. Tôi uốn mình, đặt đầu mũi lên lòng bàn tay nàng. Thoảng mùi xà-phòng của khách sạn dành cho khách. Tôi giữ tay nàng, cảm nhận trọng lượng bàn tay nàng một lúc, rồi trả về khoảng đầu gối trên áo đầm của nàng.

-"Ông thấy sao?" Nàng hỏi.

-"Chỉ có mùi xà-phòng mà thôi." Tôi đáp.

*

Sau khi chia tay với nàng, tôi trở về phòng, thử gọi cô bạn gái một lần nữa. Không ai trả lời. Chỉ có tiếng chuông reo liên tục bao nhiêu lần trong tay tôi. Vẫn như những lần trước. Nhưng cũng chả sao. Từ xa vài trăm cây số, tôi đã khiến cho điện thoại kia reo không biết bao nhiêu lần. Bây giờ thì tôi cảm nhận được rõ ràng rằng cô ấy đang ở trước điện thoại kia. Chắc chắn là cô ấy đang có ở đấy.

Tôi cho chuông điện thoại reo 25 lần, rồi gác ống điện thoại xuống. Gió đêm lay động tấm màn mỏng nơi song cửa. Nghe cả tiếng sóng. Rồi tôi nhấc ống điện thoại lên, thong thả quay số một lần nữa.

Phạm Vũ Thịnh dịch

Sydney 10/2005


 

Chú thích:

Truyện thứ 6 trong tập truyện "BóngMa Ở Lexington" từ Nhà xuất bản Ðà Nẵng, tháng 10 năm 2007, dịch từ nguyên tác "Tsuchi no naka no kanojo no chiisana inu - Con chó nhỏ của nàng trong lòng đất" của Murakami Haruki đã đăng trên tạp chí Subaru tháng 11 năm 1982