Chim Việt Cành Nam
Trở về
Trang chủ
Tác giả
Về thể thức bầu cử Tổng thống Mỹ 
theo Đại Cử tri Đoàn

Phạm Vũ Thịnh


Đã hơn một tháng trôi qua sau ngày bầu cử Tổng thống Mỹ, báo chí đã loan báo kết quả kiểm phiếu, lãnh đạo các nước đã công khai chúc mừng Tổng thống tân cử từ lâu rồi, vậy mà Tổng thống đương nhiệm Trump vẫn còn khăng khăng là mình thắng cử, không ngừng cho luật sư của mình kiện tụng gần 50 vụ tại nhiều tiểu bang, đe dọa kiện lên tới Tối Cao Pháp Viện nữa, hòng lật ngược kết quả bầu cử, mặc dù kém đối thủ đến bảy triệu phiếu phổ thông từ Cử tri toàn quốc. Phải chờ đến ngày 06 tháng Giêng 2021 phiếu bầu của Đại Cử tri Đoàn mới được tổng kết và công bố. Bởi Tổng thống Mỹ được bầu theo thể thức Đại Cử tri Đoàn, chứ không phải phổ thông đầu phiếu từ Cử tri. Cứ bốn năm đến kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ, mọi người ngoài nước Mỹ, mà có thể ngay cả dân Mỹ nữa, lại phải tìm hiểu đến nhức đầu về cung cách bầu cử đặc biệt Mỹ này. Thậm chí có thể nghi ngờ cả tính cách dân chủ của thể thức bầu cử Đại Cử tri Đoàn này nữa.

Dân chủ đòi hỏi bầu cử phải phổ thông, bình đẳng và trực tiếp. Chỉ thiếu một tiêu chí nào trong bộ ba này thì cũng không thể bảo là dân chủ được. Thử xét xem thể thức bầu cử Tổng thống Mỹ theo Đại Cử tri Đoàn có dân chủ hay không, theo ba tiêu chí ấy.

(1) Trực tiếp: bầu cử theo Đại Cử tri Đoàn thì trước hết là bầu cử phổ thông ở 51 đơn vị bầu cử gồm 50 tiểu bang và Thủ đô Washington DC, để bầu chọn Đại Cử tri ở từng đơn vị bầu cử trong tổng số 51 địa phương này. Sau đó Đại cử tri mới bỏ phiếu bầu Tổng thống. Cử tri không trực tiếp bầu Tổng thống.

(2) Bình đẳng: Mỗi địa phương có được số Đại Cử tri bằng tổng số dân biểu nghị sĩ của địa phương mình, ví dụ California được 55 Đại Cử tri là tổng số 53 dân biểu Hạ viện với 2 Thượng Nghị sĩ. Riêng Thủ đô Washington DC được 3 Đại Cử tri dù không có dân biểu nghị sĩ nào, coi như có 1 dân biểu Hạ viện và 2 Thượng Nghị sĩ, giống như số Đại Cử tri của tiểu bang ít người nhất Wyoming. Số dân biểu trong Hạ viện, ví dụ 53 của California, hay 1 của Wyoming, thì đã được tính theo tỉ lệ dân số của từng Tiểu bang so với Tổng dân số quốc gia, dựa trên kết quả Kiểm tra Dân số mới nhất, hiện nay là Kết quả năm 2010, vì Kiểm tra Dân số Toàn quốc năm 2020 chưa có kết quả. Trong khi số nghị sĩ ở Thượng viện thì lại không tỷ lệ với dân số, tiểu bang nào cũng có được hai nghị sĩ. Hằng số 2 Thượng nghị sĩ này làm mất đi tính tỷ lệ với dân số trong số Đại Cử tri của các đơn vị bầu cử, như thể dân số ở tiểu bang Wyoming được tính tăng lên gấp ba! Bởi cách tính này mà cử tri ở các tiểu bang có ảnh hưởng bất bình đẳng trên kết quả bầu cử, ví dụ lá phiếu của một Cử tri ở Wyoming có giá trị hay ảnh hưởng gấp 3.6 lần lá phiếu của Cử tri ở California. Cử tri không bình đẳng.

(3) Phổ thông: Đầu phiếu phổ thông ở từng đơn vị bầu cử địa phương chỉ để bầu ra Đại cử tri của địa phương mà thôi. Đại cử tri thì lại do các đảng chọn, lập danh sách sẵn rồi được chọn theo danh sách của đảng nào thắng nhiều phiếu phổ thông nhất. Đại cử tri lại là những người có ảnh hưởng, có công, có tiền đóng góp nhiều trong đảng ở các địa phương, xưa nay vẫn là những người có vai vế, tai to mặt lớn, thân hào nhân sĩ,... chứ không phải là Cử tri thường. Đại cử tri không phổ thông.

Chỉ xét ba tiêu chí đó thôi cũng đủ thấy việc bầu cử Tổng thống Mỹ theo lối Đại Cử tri là không dân chủ, hay phản dân chủ. Ngoài ra, còn có những mâu thuẩn với cách bầu cử phổ thông, đưa đến những tệ hại bất công như sau:

(4) Hầu hết 51 đơn vị bầu cử Mỹ, chỉ trừ Maine và Nebraska, chọn nguyên tắc Winner takes all - Được ăn cả, ngã về không: bên được nhiều phiếu hơn sẽ lấy được toàn bộ số Đại Cử tri của đơn vị đó, chứ không chia theo suất phiếu đạt được của mỗi bên. Quy luật Winner takes all này có thể đưa đến tình trạng ứng viên được nhiều phiếu phổ thông hơn trên toàn quốc, lại phải thất cử vì kém phiếu Đại Cử tri Đoàn, mà thực tế chuyện này đã xảy ra 5 lần rồi, và cả năm lần đều có lợi cho đảng Cộng hòa, gần đây nhất là trường hợp năm 2016, Hillary Clinton thắng phiếu phổ thông toàn quốc nhiều hơn 3 triệu phiếu mà vẫn thua, vì tỷ số phiếu Đại Cử tri bầu cho Donald Trump 306 - 232.

(5) Khía cạnh cách biệt chủng tộc màu da hiện diện ở thực tế là Cử tri ở các đơn vị bầu cử vùng thôn quê ít dân có lá phiếu giá trị hơn Cử tri ở các vùng đông dân vì cách tính số Đại Cử tri, như đã nói trên đây, mà người da trắng lại chiếm đa số ở các vùng thôn quê này. Ví dụ lá phiếu của Cử tri ở Wyoming có giá trị gấp 3.6 lần Cử tri ở California, như đã nói trên đây, mà người da trắng ở Wyoming chiếm 92% trên số dân cư, trong khi chỉ chiếm có 36% ở California. Tình trạng ở các tiểu bang khác cũng tương tự như vậy: lá phiếu của người da trắng ở vùng thôn quê ít dân lại có sức mạnh gấp nhiều lần lá phiếu của người da màu ở vùng thành thị đông dân. Điều này cũng có nghĩa là đảng Cộng hòa bảo thủ hưởng lợi hơn đảng Dân chủ vì phần lớn người ủng hộ đảng Cộng hòa là người da trắng bảo thủ ở các vùng ít dân đó.

(6) Số Đại Cử tri tỷ lệ với số dân biểu Hạ viện được tính theo dân số của các tiểu bang trong kết quả Kiểm tra Dân số mới nhất, nghĩa là tính gồm tất cả dân cư trong tiểu bang, kể cả những người không có quyền bầu cử, kể cả trẻ em,... Trong khi đầu phiếu phổ thông hạn chế số người được quyền bầu cử, về tuổi tác phải trên 18 chẳng hạn, hay có phải là công dân Mỹ hay không, ... Đây là điều không hợp lý vì bầu cử theo lối Đại Cử tri dựa trên cả những người không phải là Cử tri, không có quyền bầu cử.

(7) Còn có chuyện Đại cử tri có thể tự ý bỏ phiếu nghịch với kết quả đầu phiếu phổ thông cho đảng thắng phiếu trong tiểu bang đó nữa, gọi là faithless elector. Thông thường thì Đại cử tri bỏ phiếu cho bên thắng phiếu, đúng theo kết quả phổ thông ở đơn vị bầu cử mà Đại cử tri hứa sẽ tuân theo. Thế nhưng vẫn có chuyện Đại cử tri bỏ phiếu nghịch lại, vì phản đối kết quả bầu cử phổ thông. Từ trước đến nay, đã có 175 người bỏ phiếu nghịch như vậy rồi. Để đối phó với vấn đề này, hiện tại 33 tiểu bang và vùng thủ đô cấm không cho faithless elector bỏ phiếu nghịch lại; trong khi 14 tiểu bang khác cho phép nhưng sẽ vô hiệu hóa hoặc cho người khác bỏ phiếu thay thế (trong đó có 2 tiểu bang có luật trừng phạt faithless elector).

(8) Ở giai đoạn đầu phiếu phổ thông, tất cả cử tri bầu Tổng thống và Phó Tổng thống chung trong một liên danh, còn Đại cử tri thì lại bầu riêng Tổng thống trước rồi Phó Tổng thống. Khó mà hiểu tại sao lại phải bầu khác đi như vậy. Và vẫn có khả năng tính là Đại cử tri bỏ phiếu thuận theo kết quả đầu phiếu phổ thông về Tổng thống, mà nghịch về Phó Tổng thống, hay ngược lại.

(9) Theo một đạo luật năm 1887, một dân biểu Hạ viện cùng với một Thượng Nghị sĩ của liên bang có thể chống đối việc tổng kết phiếu Đại Cử tri Đoàn (lần này là ngày 06 tháng Giêng 2021) vì thấy có vấn đề trong phiếu bầu của Đại Cử tri từ các tiểu bang. Trong trường hợp này, hai Viện phải họp riêng trong vòng hai giờ để bàn thảo và biểu quyết, và nếu cả hai Viện đồng ý chống đối với đa số quá bán thì phải ngừng việc tổng kết phiếu bầu và hủy bỏ kết quả bầu cử. Trước nay đã có chống đối kiểu này hai lần rồi, năm 1969 về một faithless elector, và năm 2005 về sai hỏng trong việc Đại Cử tri bỏ phiếu ở tiểu bang Ohio, tuy cả hai lần đều không thành công. Năm nay 2020, có hàng trăm dân biểu Cộng hòa do Mo Brooks dẫn đầu và 8 Thượng nghị sĩ Cộng hòa do Ted Cruz dẫn đầu đã tuyên bố sẽ chống kết quả phiếu Đại Cử tri của sáu tiểu bang.

Kết cuộc, trong hơn hai tháng sau ngày bầu cử, cho đến khi kết quả tổng kết tất cả phiếu của Đại Cử tri Đoàn được công bố chính thức ngày 06 tháng Giêng, vẫn không ai có thể quả quyết 100% được về kết quả bầu cử!

Vì những tệ hại kể trên mà bao lâu nay nước Mỹ đã có tranh luận bàn cãi kiếm cách bãi bỏ thể thức bầu cử theo Đại Cử tri Đoàn này. Tất nhiên là đảng Cộng hòa thì khăng khăng muốn giữ lại vì được lợi rõ ràng và thực tế đã lắm lần hưởng lợi từ bất công trong chuyện bầu cử kiểu này rồi. Để bãi bỏ hay sửa đổi thể thức bầu cử này, theo Hiến pháp thì phải có đa số hai phần ba của cả hai viện Quốc hội, và đa số ba phần tư tức là 38 trong số 50 tiểu bang đồng ý. Là điều khó khăn gần như không thể thực hiện được, luôn luôn gặp phải chống đối từ đảng Cộng hòa xưa nay vẫn hưởng lợi to lớn nhờ thể thức bầu cử này. Do đó phải tìm những cách khả thi hơn.

Cách đơn giản nhất để kết quả đầu phiếu của Đại Cử tri thực chất giống như kết quả đầu phiếu phổ thông của toàn thể Cử tri trong nước, là cả 51 đơn vị bầu cử cùng chấp thuận bãi bỏ quy tắc Winner takes all, mà chia số Đại Cử tri cho các bên theo đúng tỷ lệ phiếu nhận được trong lần đầu phiếu phổ thông ở mỗi đơn vị bầu cử. Nhưng cách này tất nhiên là bị các tiểu bang do đảng Cộng hòa nắm giữ chống đối ngay từ đầu.

Rốt cuộc, cách được xem là khả thi nhất hiện tại chỉ cần một số tiểu bang có nhiều phiếu Đại Cử tri nhất gia nhập vào một liên minh cùng chấp thuận rằng tất cả phiếu Đại Cử tri của tiểu bang sẽ bầu cho bên thắng phiếu phổ thông toàn quốc, bất chấp kết quả bầu cử Đại Cử tri trong tiểu bang mình, là có thể có đủ đa số phiếu Đại Cử tri toàn quốc. Liên minh này, gọi là National Popular Vote Interstate Compact, hiện nay có được 15 tiểu bang gia nhập, phần nhiều là các tiểu bang thiên về phía đảng Dân chủ, và thủ đô Washington DC, giữ được tổng cộng 196 phiếu, thiếu 74 phiếu nữa mới đủ số 270 trong năm nay 2020.

Bầu cử Tổng thống Mỹ theo lối Đại Cử tri Đoàn này là một tàn tích của thời sơ khai về chính trị liên bang và ý niệm dân chủ, nhất là hoài nghi về dân chủ trực tiếp. Tầng lớp cầm quyền Mỹ thời lập quốc đã không muốn dân chủ trực tiếp cho mọi người, họ chỉ muốn thành phần có thế lực, tiền bạc, quyền hành quyết định việc cai trị quốc gia, còn đám dân thường thì không được tham gia chuyện chính trị, vì lý do thiếu trí khôn, thiếu hiểu biết, thiếu tư cách,... để có thể thi hành nghĩa vụ và vinh dự công dân!

Nhìn từ Thế kỷ 21 hiện tại thì thật là một lề lối khó hiểu, mâu thuẩn, phi luận lý và phản dân chủ. Không chỉ làm hao tổn nhiều thì giờ, công sức và tiền bạc vào những thủ tục rườm rà vô ích, mà lại còn tạo ra ảo tưởng là có thể lật ngược cả kết quả bầu cử phổ thông cách biệt đến bảy triệu phiếu như hiện nay, và khiến cho người ta nghi ngờ về tính cách vững chắc của nền dân chủ Mỹ. Tệ hại của thể thức này thể hiện rõ ràng hiện nay ở những màn kiện tụng trì kéo chì chiết của đương kim Tổng thống Mỹ đang đặt hy vọng cuối cùng vào phép lạ faithless elector.

Phạm Vũ Thịnh

12 Dec 2020