Chim Việt Cành Nam  
Trở về
Trang chủ
Tiếng hát quê hương

Hàn Sĩ

 Tuy sống xa quê hương đã hơn một phần tư thế kỷ, bác tám vẫn còn theo nếp

sống của người nhà quê miền Nam, buổi sáng thức dậy từ năm giờ, pha một bình trà uống cho ấm bụng. Tháng giêng ở Montréal, trời mùa đông lạnh giá buốt, bên ngoài tuyết phủ trắng xóa. Đường phố im lìm vắng vẻ dường như còn say sưa trong giấc ngủ. Chỉ có bác tám một mình một bóng bình thản ngồi uống trà, nhấp từng hớp trà thơm, thả hồn về quê của bác cách xa nửa vòng trái đất.

Bác tám sanh ra ở Cái Mơn, làng Vĩnh thành tỉnh Bến tre. Cái Mơn nổi tiếng là có sầu riêng ngon, thơm và những cô gái đẹp nhứt tỉnh. Cái Mơn cũng là quê của nhà học giả Petrus Trương vĩnh Ký. Sầu riêng cùng với chôm chôm, măng cụt, bòn bon...là những loại trái cây mà ông Petrus Ký đã mang giống về để trồng từ các nước gọi là miền dưới như Mã lai, Nam Dương, Phi luật tân. Vào giữa thế kỷ thứ 19, từ năm lên 15 tuổi, ông Petrus Ký được các ông cố đạo dạy dỗ, cho xuất dương du học tại Pénang nước Mã lai.. Ông là một nhà ngôn ngữ học. Ông đã soạn ra tự điển Việt-Pháp và có công phổ biến chữ quốc ngữ, khai đường mở lối cho sự phát triển của nền văn hóa Việt Nam. Ông Petrus Ký cũng là một sử gia. Ông là tác giả của nhiều bộ sách về lịch sử Việt Nam.

Thời thơ ấu, bác tám là một cậu bé "lí lắc" thường rủ bạn bè đi bắt chuột đồng làm thịt, ướp ngũ vị hương, rô ti hoặc theo các tay nhà nghề đi bắt rắn hổ về bán cho các bợm nhậu. Ban đêm còn có thú giăng lưới bắt dơi quạ về nấu cháo đậu xanh. Làng của bác tám còn có một trò chơi lý thú là "bắn giàng". Những người khá giả trong làng dùng một cây cung bằng gỗ mun để bắn bia với những viên đạn làm bằng ngà voi. Bia là một tấm thiếc, ở giữa có xoi một lỗ vừa đủ cho viên đạn xuyên qua được. Phiá sau tấm bia là một cái trống. Phải nhắm bắn sao cho viên đạn xuyên qua và trúng được cái trống. Có nhiều lần, cậu tám "lí lắc" bắn trúng, kêu lên một tiếng "thùng", được bà con cô bác vỗ tay khen rùm trời.

Cậu tám "lý lắc" còn nổi tiếng một thời với lối giã gạo tại Cái mơn gọi là "giã trổ", là giã gạo chày ba (ba người) có nhịp. Tiếng gõ nhịp nhàng trên cối nghe rất vui tai trong những đêm trăng thanh gió mát.

Sau khi học xong trung học, thời thế đưa đẩy bác tám vào làm việc văn phòng cho một hãng tư tại Sài gòn. Năm năm sau, bác tám được tuyển vào làm kế toán tại Bộ Ngoại giao Việt Nam, Nhiệm sở cuối cùng là Tòa Đại sứ VNCH tại Paris cho đến ngày 30 tháng tư năm 1975 ,lúc chính quyền quốc gia VN tan rã, bác tám đang làm việc ở Tòa Đại sứ VNCH tại Paris (Pháp).

Vì đã chán nghề "cạo giấy", bác tám quyết định từ nay kiếm sống bằng sức lao động tay chân. Bác tám chọn nghề lái ta-xi để kiếm sống và nuôi gia đình,vợ và hai con. Trong thời gian đầu, bác tám rất là bỡ ngỡ. Thành phố Paris quá rộng, lại có nhiều dọc ngang chi chit, phải khó khăn lắm lắm bác mới đưa khách đến nơi đến chốn. Mỗi lần nhận được tiền của khách, bác cảm thấy phấn khởi và quên đi mọi nỗi nhọc nhằn. Bác tám nghĩ đến vợ và hai đứa con thơ dại đang còn nhờ sự che chở bao bọc của mình. Về hai đứa con trai của bác, ngoài việc lo lắng đầy đủ cho con đi học, bác tám còn nghĩ xa hơn. Bác sợ đến lúc chúng trưởng thành mà còn ở trên đất Pháp, chúng sẽ bị động viên vào quân đội Pháp. Đó là điều mà bác muốn tránh. Trong một dịp đi thăm người bạn ở Montréal Canada, bác nghĩ ngay đến việc đưa gia đình sang định cư tại Canada để tránh vụ động viên cho các con vì Canada không có chế độ nầy.

Việc giáo dục con cái từ nay là mối quan tâm hàng đầu của bác tám. Tuy vì hoàn cảnh phải tha hương sống nơi xứ người nhưng lúc nào bác cũng hướng về quê cha đất tổ. Bác tạo môi trường cho hai con sống theo nền nếp của một gia đình Việt Nam không quên cội quên nguồn. Trong nhà bác, bàn thờ tổ tiên chiếm một vị trí quan trọng, có đầy đủ hoa quả, khói hương trong những ngày giổ, ngày Tết. Bác dạy các con nói và viết tiếng Việt, luôn luôn nhắc nhở cho chúng biết về dân tộc, về lich sử nước Việt Nam. Ngay từ lúc mới đến Montréal, mỗi kỳ nghỉ hè, hai anh em Tấn, Phát, con của bác tám, đều đi học tiếng Việt ở chùa Quan Âm. Chúng còn tham dự các lớp " Quê hương mến yêu" của Cơ sở khuyến học và Phát huy văn hóa VN để học hỏi thêm về lịch sử và văn hóa VN. Bác tám quyết noi gương của nhà bác học Petrus Ký trong đời sống lúc nào cũng noi theo câu châm ngôn la tinh "Sic Vos Non Vobis" (Ở với họ mà không theo họ) . Ông Petrus Ký ở với Tây mà không theo Tây, sống theo đạo đức Việt Nam, suốt đời phục vụ cho đất nước, cho văn hóa VN. Khi nhà bác học mất, cụ Trần khánh Chiếu, thủ lãnh Phong trào yêu nước Minh Tân đã cùng thân hào nhân sĩ miền Nam quyên tiền xây dựng tượng và tôn xưng là "Ông Thầy đạo lý của Nam kỳ".

Bác tám quyết tâm noi theo gương của bậc tiền nhân, không bao giờ quên cội quên nguồn.

Lúc về già, bác tám thường tụ tập tại nhà với bạn bè ca hát, cùng nhau hát lên những bài đượm thắm tình quê hương dân tộc của thời VNCH trước năm 1975.

Bác tám siêng năng tập dượt nên giọng hát ngày càng dịu dàng, gây nên sự cảm xúc. Bác thuộc nằm lòng trên hai mươi bài hát loại trử tình như "Đường xưa lối cũ, Nắng đẹp miền Nam, Những con đường Việt Nam, Việt Nam Việt Nam, Hè về, Thành phố buồn ,Nổi buồn hoa phượng, vv...".

Bạn bè đặt cho bác biệt danh là "Tiếng hát quê hương".

***

Bác tám vừa mới mất sau khi bị vấp ngã vào một đêm tối trời. Bác "ra đi" một cách bất ngờ. Một tháng trước đây, bác còn tham gia chuyến du ngoạn ở một nông trại với anh em, ca hát vui vẻ trên đường về.

Để tõ lòng thương tiếc và tưởng nhớ "Tiếng hát quê hương", những người bạn hữu đã từng vui sống với bác tám tổ chức bên cạnh quan tài của bác một buổi họp mặt cuối cùng, hát lên những bài ca đượm thắm tình quê hương mà bác yêu thích.

Một mảnh đời lưu lạc đã vội vàng khuất bóng nhưng giọng nói chất phác, lời ca dịu dàng gợi lên tình tự quê hương dân tộc còn văng vẳng đâu đây !

Tiếng hát quê hương

Lặng lẽ anh đi, bỏ chốn nầy.
Còn vui sao lại vội chia tay?
Lời ca vương vấn tình non nước
Tiếng hát đầy vơi nỗi đắng cay!
Kiếp sống cơ hàn không khuất phục
Đường đời khúc khuỷu há lung lay!
Phong trần rũ sạch, anh từ biệt,
Bằng hữu còn đây, thương tiếc thay!
Hàn sĩ
(Những mảnh đời lưu lạc)