Chim Việt Cành Nam
 Trở về
Trang chủ
Tác giả
Sơ lược thi cử ngày xưa
Chương Một
Phần 1
Tổng quát
Nguyễn Giụ Hùng
(Sưu tầm, chọn lọc, tổng hợp và trình bày)
Sách Khải Định chính yếu (ghi lại các sự kiện thời Khải Định) chép rằng tháng Giêng năm 1919, thể thức kỳ thi Hội với những thay đổi, vua Khải Định phê: "Lần này là khoa thi Hội cuối cùng của triều đình, nên trẫm muốn gia ân cho sinh viên sĩ tử khoa mục trong cả nước, hễ ai thông thạo hai thứ chữ Nho và chữ Pháp thì trình diện Bộ Học để xin vào ứng thí".

Ngày 16-5-1919 (nhằm 17-4 âm lịch), kỳ thi Đình cuối cùng diễn ra trong cung vua.

LỜI NGƯỜI VIẾT

Dựa theo tài liệu trên, THI CỬ theo Nho học đã kết thúc cách đây vừa tròn 100 năm. Một trăm năm ngắn ngủi so với chiều dài gần 9 thế kỷ (1075-1919), mà mọi triều đình nước ta kể từ đầu đời nhà Lý trở về sau, ngoài việc tiến cử đặc biệt, sự tuyển chọn nhân tài cho đất nước đều do qua thi cửcả. Ấy vậy, khi ngoảnh nhìn lại, chúng tôi tự thấy mình không biết gì mấy về việc làm quan trọng như thế của người xưa nên cố gắng lục lọi, tìm tòi một số tài liệu trong các sách tham khảo ít ỏi có sẵn trong tay, và cộng thêm những bài viết trên NET để tạm vẽ nên một vài nét sơ lược về thi cử Nho học ngày xưa. Đề tài thì mênh mông, tài liệu tham khảo thì giới hạn, đôi chỗ lại khác biệt hay mâu thuẫn lẫn nhau, khó hiểu nên mong có sự đóng góp của quý vị độc giả để giúp chúng tôi có sự hiểu biết rộng rãi thêm và chính xác hơn.

LOẠT BÀI NÀY CHỈ PHỔ BIẾN GIỚI HẠN TRONG NHÓM THÂN HỮU nhằm kỷ niệm một trăm năm ngày chấm dứt thi cử Nho học tại Việt nam


* * *

Vũ trụ chức phận nội
Đấng trượng phu một túi kinh luân.
Thượng vị đức, hạ vị dân,
Sắp hai chữ quân, thân mà gánh vác,
Có trung hiếu nên đứng trong trời đất
Không công danh thà nát với cỏ cây.
Chí tang bồng hồ thỉ dạ nào khuây,
Phải hăm hở ra tài kinh tế
Người thế trả nợ đời là thế
Của đồng lần thiên hạ tiêu chung,
Hơn nhau hai chữ anh hùng.

(Phận Sự Làm Trai – Nguyễn Công Trứ)

Cách thi cử được thay đổi tùy theo mỗi triều đại, có những triều đại thay đổi vài lần. Gần đây nhất, đan cử riêng triều Nguyễn trong việc tuyển chọn nhân tài cho triều đình Huế, nhìn chung có thể chia ra làm 5 giai đoạn chính:

1- Khảo khóa (cấp tỉnh): khuyến khích việc rèn luyện văn chương thi cử hàng năm.

2- Tỉnh hạch (cấp tỉnh): chuẩn bị cho kỳ thi Hương

3- Thi Hương (cấp miền, tỉnh hay liên tỉnh): kỳ thi lấy học vị Cử nhânTú tài

4- Thi Hội (cấp toàn quốc): chuẩn bị cho kỳ thi Tiến sĩ

5- Thi Đình (cấp toàn quốc): kỳ thi lấy học vị Tiến sĩ

Trong 5 kỳ chỉ có hai kỳ có học vị, đó là thi Hương và thi Đình. Học vị Cử nhân, Tú tài dành cho kỳ thi Hương và học vị Tiến sĩ dành cho kỳ thi Đình.

Khảo khóa

Kỳ Khảo khóa được tổ chức hàng năm như một kỳ thi thử ở cấp tỉnh dưới sự giám sát của quan Tổng đốc tức quan đầu tỉnh,và quan Đốc học tức quan đứng đầu về giáo dục trong tỉnh. Mục đích cuộc thi là rèn luyện khuyến khích cho học trò trong những kỳ thi lớn sắp tới.

Các bài thi gần như tương tự những bài thi chính thức của kỳ thi Hương, gồm một bài kinh nghĩa bình luận vài đoạn trong Kinh Thư, Kinh Thi; một bài thơ, một bài phú; và một bài văn sách thuộc loại văn nghị luận. Bài thi được chấm bởi quan Đốc học với sự trợ giúp của các vị giáo thụhuấn đạo của tỉnh.

Kỳ thi này không có học vị, học trò đỗ chỉ được hưởng miễn đi tạp dịch hàng năm, và đó cũng được coi như một vinh dự lớn cho đám học trò.

Tỉnh hạch

Kỳ thi Tỉnh hạch mở ra trước kỳ thi Hương vài tháng nhằm chọn lựa học trò giỏi trong tỉnh. Bài thi gồm những môn tương tự như kỳ thi khảo khóa nhưng đề bài ở trình độ cao hơn.

Những học trò thi đỗ kỳ thi này mới được dự cuộc thi Hương mà thôi. Tên những người đỗ được quan Đốc học của tỉnh lập danh sách gửi lên Bộ Lễ (sau này là Bộ Học). Đây là danh sách chính thức xác nhận tên tuổi của những thí sinh được tỉnh đề cử dự thi kỳ thi Hương sắp tới.

Những thí sinh có tên trong danh sách được đề cử của quan Đốc học tỉnh mình phải nộp theo thời hạn ấn định trước khi mở kỳ thi Hương, mỗi người 4 quyển (1) cho 4 kỳ thi, để quan Đốc học chuyển tiếp tới Trường thi.

Thí sinh dự thi còn phải nộp chứng nhận về hạnh kiểmlý lịch (2) bởi quan chức địa phương nơi nguyên quán.

Thi Hương

Kỳ thi Hương được tổ chức 3 năm một kỳ, vào những năm Tý, Mão, Ngọ, Dậu, được gọi là chính khoa do triều đình tổ chức. Gọi là chính khoa để phân biệt với những khoa đặc biệt được tổ chức trong những dịp có sự kiện đáng nhớ như năm vua lên ngôi, thượng thọ cha mẹ vua ... được gọi là ân khoa. Người đỗ thi Hương được trao học vị Cử nhânTú tài. Tuy nhiên chỉ có những người đỗ Cử nhân mới được coi là người được quyền dự kỳ thi Hội được tổ chức tại triều đình vào năm sau. Người đỗ đầu kỳ thi Hương gọi là Giải nguyên.

Thi Hội

Kỳ thi Hội chỉ dành cho những người đã đỗ Cử nhân kể cả những khóa trước trong toàn quốc không kể năm nào.

Trong kỳ thi Hội không có học vị nào được trao cho người thi đỗ. Tên các thí sinh đỗ được niêm yết trên hai danh sách. Hai danh sách này chỉ nhằm mục đích đề cử các thí sinh thích hợp với những học vị trong kỳ thi Đình.

- Danh sách thí sinh đỗ trong bảng thứ nhất (bảng chính) được đề cử học vị Tiến sĩ.

- Danh sách thí sinh trong bảng thứ hai (bảng phó) được đề cử nhận "giải khuyến khích" với học vị Phó bảng như cái tên của bảng niêm yết.

Người đỗ đầu kỳ thi Hội gọi là Hội nguyên.

Thi Đình

Kỳ thi Đình chỉ để phân cao thấp, thứ bậc học vị Tiến sĩ và chỉ dành cho những người đã được "đề cử" trong bảng thứ nhất của kỳ thi Hội mà thôi chứ không phải là kỳ thi có người đỗ hay hỏng.

Kỳ thi này chỉ có một vòng thi duy nhất và bài thi cũng chỉ có một bài chế sách duy nhất do chính nhà vua chọn hoặc tự ra đề. Vua là người quyết định việc xếp hạng.

Sau quyết định của nhà vua, tên các tân Tiến sĩ được niêm yết trên một bảng màu vàng. Bảng thứ hai (phó bảng) vẫn là bảng "đề cử" giải khuyến khích của kỳ thi Hội nay chính thức hợp thức hóa mang học vị Phó bảng.

Các tân Tiến sĩ trên bảng vàng được chia thành 3 hạng, tức tam giáp:

1- Đệ nhất giáp chỉ gồm 3 người, theo thứ tự:

- Người đứng đầu được gọi là Đệ nhất giáp đệ nhất danh tiến sĩ cấp đệ, còn được gọi là Đình nguyên (tương đương học vị trạng nguyên có từ đời nhà Trần cho tới hết nhà Hậu Lê).Riêng nhà Nguyễn không dùng học vị Trạng nguyên mà thay bằng Đình nguyên.

- Người đứng thứ hai được gọi là Đệ nhất giáp đệ nhị danh tiến sĩ cấp đệ, còn được gọi là Bảng nhãn

- Người đứng hàng thứ ba được gọi là Đệ nhất giáp đệ tam danh tiến sĩ cấp đệ, còn được gọi là Thám hoa

Dân gian gọi tắt 3 vị này là ông Trạng, ông Bảngông Thám.

2- Đệ nhị giáp, tiếp theo đó gồm các Tiến sĩ hạng nhì, đều được gọi chung là Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân, gọingắn hơn là Tiến sĩ xuất thân, hay còn được gọi là Hoàng giáp.

3- Đệ tam giáp, cuối cùng gồm các Tiến sĩ hạng ba, đều được gọi chung là Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, gọi ngắn hơn là Đồng tiến sĩ xuất thân, hay còn được gọi là ông Nghè.

Người đỗ đầu cả ba kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình được gọi là Tam nguyên (như cụ Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến)

GHI CHÚ

(1) Quyển

Quyển là một xấp giấy "trắng" (chưa viết) đóng lại như một cuốn sách mỏng dùng để làm bài trong trường thi.

- Cách thức đóng quyển

Quyển phải do chính tay thí sinh tự đóng lấy.

Đóng quyển cũng phải theo luật lệ trường thi. Sai một tý là phạm trường quy, quyển bị loại không chấm.

Mỗi quyển dày khoảng 10 tờ giấy đôi còn trắng chưa viết, được gọi là "quyển trắng" và có kích thước nhất định. Nếu kích thước "quyển" tính theo đơn vị đo lường mới thì chiều dài khoảng 32 phân tây (centimetre), chiều rộng khoảng 18 phân tây, được phân chia:

- Bề ngang, chia làm 6 phần, chừa một phần làm gáy. Khi viết, 5 phần kia lại chia làm 6 "dòng" song song với gáy (viết dọc từ trên xuống dưới và từ phải sang trái).

- Bề dọc được chia làm: quãng đầu, quãng cuối và quãng giữa phải dài bằng hai quãng "xâu lề" của quyển.

*/ Trang đầu, tờ thứ nhất của quyển viết họ tên, quán sở (nguyên quán) và khai tam đại.

- Phần họ tên, viết chữ thường, nằm ở "dòng" thứ 5 song hàng với lề (kể từ gáy), không được cao lên quá hay sâu xuống quá. Phải ghi rõ: tính (họ), danh (tên tục) và tự (tên riêng)

- Phần quán sở, viết chữ nhỏ ngay dưới họ tên phải ghi tên tỉnh, phủ, huyện, xã, thônniên tuế (tuổi)

- Phần cung khai tam đại, viết sang "dòng" mép giấy, chữ to bằng ba chữ của họ tên. Phải khai rõ tam đại tức họ tên 3 đời trực tiếp và ghi ngay bên cạnh mỗi tên chữ tử (chết) hay tồn (còn sống).

*/ Từ tờ sau của quyển dùng để viết bài thi. Đầu mỗi trang phải để chừa 3 hàng để "đài". Trong ba hàng ở đầu dòng, hàng trên cùng gọi là du cách, dưới hàng du cách gọi là hàng thứ nhất, dưới hàng thứ nhất gọi là hàng thứ hai, dưới hàng thứ hai gọi là hàng thứ ba. Bài viết của thí sinh phải bắt đầu từ hàng thứ ba đó trở xuống.

(Sự chia hàng như trên sẽ được diễn giải rõ thêm ở phần luật "đài" ở Chương hai)

- Ống quyển

Quyển được đựng trong ống quyển, ống quyển là một ống bằng gỗ có nắp, hai phần đầu và đít có móc khuyên đồng để luồn dây đeo vào cổ.

(2) Lý lịch:

Thí sinh không được dự thi nếu là người đang còn tang chế; làm nghề xướng ca hay con của người làm nghề xướng ca; loạn đảng hay là con của loạn đảng; có phẩm hạnh không tốt hay con của người có phẩm hạnh không tốt. Lý lịch này phải được chứng thực bởi quan chức tại nguyên quán của thí sinh.

Bên lề bài viết,

Mời đọc vài bài thơ:

- Bài thơ của cụ Nguyễn Công Trứ

Chí Nam Nhi

Thông minh nhất nam tử
Yêu vi thiên hạ kỳ (*)
Trót sinh ra thì phải có chi chi,
Chẳng lẽ tiêu lưng ba vạn sáu.
Đố kị sá chi con tạo,
Nợ tang bồng quyết trả cho xong.
Đã xông pha bút trận, thì gắng gỏi kiếm cung,
Cho rõ mặt tu mi nam tử.
Trong vũ trụ đã đành phận sự,
Phải có danh mà đối với núi sông.
Đi không, chẳng lẽ về không?

(*) Một người con trai thông minh, nên làm người khác thường trong thiên hạ.


Tây Hồ hoài cổ

Lời ca: Nguyễn Công Trứ Ca Nương: Nguyễn Kiều Anh

(bấm vào tên bài hát)