Chim Việt Cành Nam
 Trở về
Trang chủ
Tác giả
Tín ngưỡng, kiêng kỵ ngày Tết 
Lạp Chúc Nguyễn Huy
Trong dịp đi chợ hoa trước Tết tại sảnh đường của Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia vùng Montreal, vài bạn trẻ đã đặt câu hỏi với chúng tôi về Tết. Các câu trả lời được ghi lại dưới đây.

Xông đất và vía

Đầu năm chọn người có vía tốt đến xông nhà, tại sao? Trước nhất chúng ta nên hiểu ý niệm hồn và vía.

Hồn 魂 là phần tinh thần của con người, rất linh thiêng nên gọi là linh hồn, hồn ngụ trong tâm 心 tức tim (Tâm hồn: 心魂). Sau khi chết hồn bay lên trời.

Vía là tiếng Việt (tiếng nôm) đồng nghĩa với phách 魄 tiếng Hán Việt [01]. Vía là mặt tối của hồn tức mặt âm nên hồn vía hay đi đôi với nhau như cặp âm dương. Lúc sống vía ngụ trong phế (phổi), có thể đi ra ngoài qua 7 lỗ của đàn ông (tai, mắt, mũi miệng) và 9 lỗ âm của đàn bà (thêm âm hộ và hậu môn). Vì có thể xuất ra khỏi cơ thể nên vía người xấu (người nghèo khổ, gian ác, thất đức...) làm tổn thương đến vía người khác. Đó là nguồn gốc tục lệ xông nhà, xông đất, xuất hành cần gặp người có vía tốt là thế.

Ăn Tết ba ngày?

Ăn Tết ba ngày là theo triết lý Tam Tài : Thiên, Địa, Nhân. Ngày mồng Một là Giờ tý có Trời, mồng Hai là giờ Sửu có Đất, mồng Ba giờ Dần có loài người. Mùng Bốn làm lễ tạ hay lễ tiễn gia tiên; Mùng Bảy Khai Hạ tức hạ nêu.

Mồng một thì ở nhà cha,
Mồng hai nhà mẹ, mồng ba nhà thầy.
Mồng một chơi cửa, chơi nhà,
Mồng hai chơi xóm, Mùng ba chơi dình.

Mua hoa trưng Tết?

Vì quan niệm " hoa khai phú quí " (hoa nở tượng trưng cho phú quí) đã hướng dẫn cách chọn hoa cũng phải theo một số tiêu chuẩn của tập tục, tín ngưỡng về màu sắc, phát âm tốt lành, đồng âm với điều may mắn.
 

Hoa đồng tiền
Hoa Sống Đời 
Hoa Trạng Nguyên 
Cây Phát Lộc

Hoa mai 5 cánh?

Bông mai [02] có 5 cánh (mai ngự hay mai Huế) gọi là " Mai khai ngũ phúc " tượng trưng cho 5 phúc : Trường thọ, Phú quí, An khang (mạnh khỏe), Hảo đức (được tiếng tốt), Thiện chung (chết an lành) [03].Bày mâm ngũ quả cũng trong quan niệm "Ngũ phúc lâm môn".
 
 

Mai 5 cánh
Mai chùm gởi
Lão mai 
Cành đào

Hoa cúc vàng nở rộ tại chợ hoa Tết?

Theo thuyết ngũ hành, màu vàng (thổ) ở trung cung thuộc về vua lại có rất nhiều cánh biểu tượng con cháu đầy đàn. Còn theo nho giáo, hoa cúc vàng là biểu tượng người quân tử trong bộ tranh tứ quí (mai, cúc, trúc, tùng) vì có đặc điểm " Diệp bất ly chi, hoa vô lạc địa " (Lá không lìa cành, hoa không rơi xuống đất)
 

Hoa cúc vàng 
Hoa cúc vạn thọ

Hình 5 con dơi

Chúc Tết nhau bằng hình con dơi là vì : 1) chữ nho chỉ con dơi đọc là fu có âm đẹp dọc như âm phúc, 2) Vẽ 5 con dơi để chúc nhau với ý nghĩa tượng trưng cho " Ngũ phúc lâm môn ", 5 điều phước tới cửa nhà : Thọ, Phú, Khang ninh (mạnh khỏe, an vui), du hảo đức ( yêu chuộng cái đức), Khảo chung mệnh (chết già, trọn đời).

Chậu ớt?

Ước vọng đầu năm là có nhiều con cháu. Với quan niệm hột và trái tượng trưng cho con cháu, đó là lý do tại sao ngày Tết trưng bày các trái cây có nhiều hột, nhiều màu đỏ như cây lựu (Lựu khai bách tử), dưa hấu, cây quất, cây ớt đầy trái....

Chúc Tết độc giả Chim Việt Cành Nam?

Tam dương khai thái 三 陽 開 泰 là câu của các văn nhân thường chúc nhau Ngày Tết,

Đầu xuân dán câu đối trước nhà :

Tam dương khai thái,
Ngũ phúc lâm môn
(Ngũ phúc : Thọ, phú, khang ninh, du hiếu đức, khảo chung mệnh [04])

Nguyễn Công Trứ (1778-1858) trong bài hát nói với giọng tự trào:

Bầu một chiếc lăn chiêng, mặc sức tam dương khai thái,
Nhà hai gian bỏ trống, tha hồ ngũ phúc lâm môn.

Ca dao chúc Tết:

Nay mừng tứ hải đồng xuân,
Tam dương khai thái, muôn dân hòa bình.

Thiền sư Hương Hải (1628-1715) sống vào thời Hậu Lê, có lần xúc cảm sáng tác bài thơ xuân thất ngôn bát cú mà hai câu đề là:

Tam dương khai thái chuyển hồng quân,
Cửu thập thiều quang sắc sắc tân.
(Tiết xuân thông mở chuyển muôn phương,
Ba tháng thiều quang sắc sắc xuân.)

Dũ Lan Lê Anh Dũng có nhắc đến trong số mấy bài thơ trên điện Thái Hòa (Hoàng thành Huế) tương truyền có bài ngũ ngôn như sau:

Hà xứ xuân sinh tảo,
Xuân sinh chấn thì phong,
Tam dương khai thái tịnh,
Tứ hải lý tường đồng.
(Nơi nào xuân đến sớm,
Gió đông xuân về nhanh,
Vận thái bình xuân mở,
Dân cùng vui điềm lành).

Tam dương khai thái?

Trong Kinh Dịch, Thái là tốt lành nên thường nói Thái giả thông dã (Thái là thông suốt). Vì vậy quẻ Thái là quẻ tốt lành nhất vì "thiên địa giao Thái, hậu dĩ tài thành thiên địa chi đạo..." có nghĩa là nhìn vào hình dáng của quẻ Thái, thấy ý nghĩa tốt lành của Thái là do 3 hào dương nội quái Càn (trời, tượng trưng bởi 3 vạch liền) nằm bên dưới hợp với 3 hào âm ngoại quái Khôn (đất, tượng trưng bởi 3 vạch đứt) nằm bên trên. Hình dáng quẻ Thái diễn tả khí trời giáng xuống dưới (hướng âm), khí đất xông lên trên (hướng dương), khí âm dương trong vũ trụ được giao hòa khiến cho vạn vật thành tựu vuông tròn...


Địa Thiên Thái

Tại sao lại có ý nghĩa Tết Nguyên Đán vào quẻ Thái? Là vì sang tháng Giêng (mùa Tết) là quẻ Địa Thiên Thái " Theo kinh Dịch, tháng 11 âm lịch (tiết đông chí) ứng với quẻ Địa Lôi Phục (chỉ có một hào dương, một vạch liền, ở hào 1 dưới cùng). Sang tháng 12 thì tăng thêm một hào dương ở hào 2 thành quẻ Địa Trạch Lâm. Sang tháng Giêng (đầu mùa xuân) thì đủ ba hào dương thành quẻ Địa Thiên Thái. Do đó, người xưa nói đến xuân thường không quên nhắc tới Thái".

Mùa Xuân là mùa vạn vật chuyển mình sống động lại. Vì thế, nói về tháng giêng, ta thấy các cụ xưa thường dùng chữ "Tam Dương Khai Thái"

Còn về mùa xuân, chữ Xuân 春 có nghĩa là động, sống động,cho nên trong ngày Xuân thuở xưa, vua và quần thần phải ra đồng cày mỗi người một hay vài ba luống (tịch điền), chẳng những là để làm gương cho dân nên bắt tay ngay vào công việc đồng áng, mà còn là để làm một động tác tượng trưng: phá vỡ mặt đất để giúp cho muôn vật sớm vươn lên [05].

Đó là lý do vào ngày Tết thường chúc nhau : Tam Dương Khai Thái của quẻ Địa Thiên Thái. Tam dương là 3 hào dương của nội quái càn nằm ở dưới và thường được biểu tượng bởi hình 3 con dê (3 hào dương). Vậy xin gởi 3 con dê để chúc Tết các độc giả Chim Việt Cành Nam.


Bức tranh Tam Dương (dê) khai thái .

Lạp Chúc Nguyễn Huy


[01] - Theo từ điển Thừa Chửu, Vía là tinh khí của con người. Phàm vật gì tinh khí hết kiệt, chỉ còn hình chất lại gọi là phách

[02] - Các loại mai : Mai núi mọc hoang dã hoa có từ 5 đến 18 cánh. Mai chùm gởi nhiều hoa nở ra trên chỗ u. Mai hương có mùi thơm (Bến Tre), mai rừng Cà Ná, mai ngự xứ Huế ...

[03] - Ngũ phúc" là: 富 (phú), 貴 (quý), 壽 (thọ), 康 (khang), 寧 (ninh). Kinh Thi nói về "ngũ phúc" (năm điều phúc) là: (1) 富 [giàu], (2) 安 寧 [yên lành], (3) 壽 [thọ] (4) 攸 好 德 [có đức tốt], (5) 考 終 命 [vui hết tuổi trời].

[04]  - Ngũ phúc : Trường thọ, phú quí, an khang, hảo đức (lòng nhân hậu), thiện chung ( đoán được ngày chết). Phúc là một ân huệ do chính mình tạo ra bằng hành động tố đẹp tích đức. Chữ nho Phúc treo ngược vi phát âm đảo và đáo (đến) gần giống nhau.

[05] - Năm 1827, vua Minh Mạng đặt tịch điền tại hai phường Hòa Thái và Ngưỡng Trị. Bốn mặt tịch điền có xây tường gạch, giữa là " cung canh ". Trước mặt tich điền có cửa Phươ