Chim Việt Cành Nam
Trở về
Trang chủ
Tác giả
Những ý nghĩ về Nghệ Thuật trong Văn Học

Việt Hải & Khánh Lan

 
NV Hải Triều chủ trương
"Nghệ thuật vị nhân sinh"
NV Hoài Thanh chủ trương
"Nghệ thuật vị nghệ thuật"

Trong bài này, trước tiên anh em chúng tôi muốn nói về yếu tố nghệ thuật, theo quan điểm của chúng tôi, nghệ thuật văn học là viết về ngôn ngữ hay thời kỳ hoặc văn hóa để thu hút sự chú ý của mọi người. Việc này không hẳn chỉ để thể hiện những kinh nghiệm về tác phẩm mà còn để cống hiến tinh thần dũng cảm, lòngnhiệt huyết và kiến ​​thức của tác giả. Những hành động đối với kiến ​​thức đó dẫn đến sự khôn ngoan để hoàn thành nhiệm vụ của tác giả đối với nhân loại, để giúp họ thông hiểu những ý tưởng hay các bài viết của tác giả về nghệ thuật văn học hòa bình như một giai điệu ngọt ngào êm tai người nghe.

Theo nghĩa căn bản, nghệ thuật văn học là bất kỳ tác phẩm nghệ thuật nào được tạo ra bằng cách sử dụng từ ngữ và ngôn ngữ, được thể hiện qua sách báo, bài thơ, bài văn xuôi, bài phát biểu hay bất cứ thứ gì khác. Nghệ thuật văn chương được phân loại như sau:

1. Nghệ thuật văn chương thuần túy được gọi là "Nghệ thuật vị nghệ thuật" khi nó thể hiện được giá trị nội tại của nghệ thuật đích thực, nếu không, đó là chỉ là thứ vô giá trị.  Giá trị nội tại của nghệ thuật đích thực chỉ có thể có nếu nghệ thuật thoát khỏi mọi áp đặt về luân lý, răn dạy, hay dùng làm công cụ phục vụ bất cứ thứ gì khác ngoài chính nghệ thuật.  Đó là ý nghĩa của "Nghệ thuật vị nghệ thuật". Lý thuyết chuyên đề mỹ học là chuyên tâm cho thuần túy văn học như các tác giả của các tác phẩm:  Đoạn Tuyệt của Nhất Linh, Nửa Chừng Xuân của Khái Hưng, Sám Hối của Minh Đức Hoài Trinh, Ngoại Tình của Nguyễn Quang, Thung Lũng Tình Yêu của Lệ Hằng, Vòng Tay Học Trò của Nguyễn Thị Hoàng.  Love Story của Erich Segal, Notebook của Nicholas Sparks, P.S. I Love You của Cecelia Ahern, Karen Karenina của Leo Tolstoy.  Bonjour Tristesse của Francoise Sagan, La Porte Étroite của Andre Gide, La Dame aux Camélias của Alexandre Dumas, Madame Bovary của Gustave Flaubert, L'Amour aux temps du choléra của Gabriel García Márquez, v.v...

Theo lập luận cổ xúy cho xu hướng này thì cách đây hơn 120 năm, danh hào Ái-nhĩ-lan Oscar Wilde (1854-1900) đã ghi nhận như sau:  "Một tác phẩm nghệ thuật là kết quả duy nhất của một khí chất duy nhất.  Vẻ đẹp của nó xuất phát từ một thực tế rằng tác giả của nó chính là người viết.  Nó không liên quan gì tới việc người khác mong muốn cái họ muốn. Thật vậy, một khi nghệ sĩ ghi nhận những gì người khác muốn, và cố gắng đáp ứng nhu cầu của người khác, anh ta đã không còn là một nghệ sĩ nữa, mà đã trở thành một gã đần độn hoặc một thợ thủ công làm trò giải trí, một gã lái buôn thật thà hoặc gian manh. Từ khoảnh khắc đó trở đi anh ta không còn có thể tự cho mình là nghệ sĩ được nữa." Danh hào Ái-nhĩ-lan Oscar Wilde muốn nhấn mạnhrằng:Người khác không có ảnh hưởng gì trên ngòi bút của tác giả hay chính tác giả có toàn quyền khước từ việc dùng ngòi bút của mình để viếttheo xu hướng chính trị, xã hội mà từ bỏ sự lãng mạn của văn chương tự do (l'art pour l'art hay Art for art's sake).

2. Trái ngược với xu hướng trên là "Nghệ thuật vị nhân sinh" thường được hiểu là nghệ thuật giữ vai trò hay mang nhiệm vụ phụng sự xã hội, kinh tế, quyền lực và tất cả nghệ thuật. Như vậy nghệ thuật chỉ là công cụ cho phạm vi kinh tế, xã hội hay chính trị.  Do đó nghệ thuật vị nhân sinh (l'art pour la vie hay art for life) là lý thuyết khẳng định bản chất phạm vi xã hội của nghệ thuật, chủ trương nghệ thuật gắn bó với đời sống xã hội, chính trị, chống lại các khuynh hướng nghệ thuật và thoát ly khỏi ý tưởng lãng mạn trong cuộc sống. Ý tưởng văn chương phục vụ nhu cầu xã hội điển hình qua những tiểu thuyết như: Giông Tố hay Số Đỏ của Vũ Trọng Phụng, Sống Mòn của Nam Cao hay Mark Twain với những tiểu thuyết như The Adventures of Tom Sawyer, Life on the Mississippi, The Adventures of Huckleberry Finn.  Nicholas Nickleby của Charles Dickens, Uncle Tom's Cabin của Harriet Beecher Stowe,v.v... là những ngòi bút nêu lên hay tranh đấu cho sự công bằng xã hội, cho sự bình đẳng về màu da.

Nhân khi anh em chúng tôibàn thảo về quyển sách mới nhất của nhà văn Nguyễn Quang, " Ôn Cố Tri Tân", chúng tôi nhận thấymột số tác phẩm trước đây của tác giả Nguyễn Quang, ông đã cho ra hàng loạt tiểu thuyết trung thành với hệ phái Nghệ thuật vị nghệ thuật, cái mỹ học của văn chương thuần túy như ý tưởng của văn hào Oscar Wilde đã nêu ở trên. Chúng tôi xin nêu ra những dẫn chứng các tác phẩm như:  Ốc Mượn Hồn, Thần Giao Cách Cảm, Vọng Từ Đáy Mộ, Ngoại Tình. Tác phẩm đầu mang tên Con Ốc Mượn Hồn và Vọng Từ Đáy Mộ nghe vừa thơ mộng vừa huyền bí, nhưng nó là tiểu thuyết vô cùng lãng mạn và hấp dẫn người đọc.  Hai tác phẩm sau là Thần Giao Cách Cảm và Ngoại Tình cùng khá gần gũi với Ốc Mượn Hồn trong cung cách nhìn từ quan điểm Oscar Wilde.

Cuộc tranh luận về "nghệ thuật vị nghệ thuật" và "nghệ thuật vị nhân sinh":

Khi chúng ta nhìn lại văn học sử Việt Nam qua những cuộc tranh luận về "vị nghệ thuật" hay "vị nhân sinh" trong giai đoạn gần giữa tiền bán thế kỷ 20. Cuộc tranh luận từng được mệnh danh là giữa phái "Nghệ thuật vị nhân sinh" do Hải Triều làm chủ soái và phái "Nghệ thuật vị nghệ thuật" do Hoài Thanh cầm đầu đã diễn ra trong các năm từ 1935 đến 1939. Cuộc tranh luận của trường phái chủ trương "Nghệ thuật vị nhân sinh" có nhiệm vụ phục vụ xã hội, đòi hỏi nghệ thuật phải gánh vác các phạm vi đạo đức, thẩm mỹ, giai cấp, và những giáo điều chính trị đã làm thương tổn, gây tác hại đến nghệ thuật. Trong khi "Nghệ thuật vị nghệ thuật" viếttheo xu hướng lãng mạn của văn chương tự do, thể hiện giá trị nội tại của nghệ thuật đích thực, thoát khỏi mọi áp đặt về luân lý, răn dạy, không phục vụ bất cứ thứ gì khác ngoài chính nghệ thuật, kết quả là những cuộc tranh luận, bút chiến giữa các nhà văn. Để hiểu rõ hơn giữa hai cuộc tranh luận này chúng tôi mời qúy độc giả xem phần trình bày tiếp theo sau đây.

Trong lãnh vực văn chương, sự tranh chấp trong quan điểm nghệ thuật và trong cách đánh giá một số tác phẩm với khuynh hướng văn học cụ thể như trong truyện Kiều nói chung và nhân vật Thúy Kiều nói riêng. Đại văn hào Nguyễn duđãdùng dòng văn học lãng mạn để diễn tả sự hy sinh của Thúy Kiều với trách nhiệm và bổn phận như một người con đối với gia đình. Một số nhà văn đã trực tiếp hoặc ngấm ngầm cho rằng truyện Kiều là một dâm thư, nhưng anh em chúng tôi khẳng định rằng, đây thực sự là một tác phẩm kết hợp bởi cả hai xu hướng "Nghệ thuật vị nghệ thuật" "Nghệ thuật vị nhân sinh".

Có thể nói cuộc tranh luận sôi nổi nhất là chung quanh vấn đề thơ mới và thơ cũ từ 1933 đến 1937. Cuộc tranh luận từng được mệnh danh là giữa phái "Nghệ thuật vị nhân sinh" do Hải Triều làm chủ soái và phái "Nghệ thuật thuật vị nghệ thuật" do Hoài Thanh cầm đầu trong các năm từ 1935 đến 1939. Thực ra cuộc tranh luận khởi đầu trước đó chưa phải là giữa nhà văn Hải Triều và nhà văn Thiếu Sơn. Trên Tiểu thuyết thứ Bảy số 38 ra ngày 16-2-1935, Thiếu Sơn đăng bài "Hai quan niệm về văn học". Một mặt Thiếu Sơn phản bác quan niệm của Nguyễn Bá Học, Phạm Quỳnh vào việc coi trọng chức năng giáo huấn và tác động xã hội của văn chương. Mặt khác chủ trương "lấy nghệ thuật làm gốc", "nhà văn quý ở sự trau dồi cái đẹp", Thiếu Sơn chỉ đề cao các thể loại như tiểu thuyết và thi ca. Hải Triều đã viết bài "Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh" đáp lại Thiếu Sơn trong Tiểu thuyết thứ Bảy số 16-2-1935. Trong đó, Hải Triều giới thuyết "Nghệ thuật là cái gì?" phản bác "Quan niệm duy tâm" coi nghệ thuật là "cái sản vật thần bí, màu nhiệm của tình cảm và của đấng thiêng liêng, là siêu phẩm, huyền diệu, không dính dáng đến xã hội, không dính dáng đến nhân sinh". Theo Hải Triều "Nghệ thuật là một cái sản vật của sự sinh hoạt xã hội (L'art est un produit de la vie sociale) những trạng thái sinh hoạt giữa xã hội phản chiếu vào trong tâm trí người ta, sinh vui, sinh buồn, sinh giận, sinh tiếc, sinh chán, sinh tham...Nghệ thuật sắp đặt những tình cảm ấy cho có hệ thống rồi diễn ra thành những hình ảnh thiết thực, hoặc bằng lời nói, bằng câu văn, bằng âm điệu, bằng vận động (như nhảy múa) hoặc nhiều cách kiểu khác có hình thức rõ ràng như kiến trúc, đắp tượng". Hải Triều đã giới thiệu quan điểm nghệ thuật vị nhân sinh của phương Tây qua những lời phát biểu của Hippolyte Taine, Denis Diderot, Leo Tolstoy, v.v... và với những tác giả theo cùng khuynh hướng như Charles Dickens, Fyodor Dostoevsky, Richard Millet, Victor Hugo, Henri Barbusse, Roland Barthes,v.v...

Theo Hoài Thanh trên tập san Nghiên cứu văn học số 1 tháng 1-1960 cũng đã đăng bài "Nhìn lại cuộc tranh luận về nghệ thuật hồi 1935-1936", trong đó tỏ rõ một thái độ tự phê vừa rất chân thành vừa rất gay gắt với những câu như: "Phái vị nghệ thuật trước sau cố từ chối không chịu nhận cái danh hiệu ấy...Nhưng thái độ của họ trên thực chất là một thái độ thoát ly chính trị mà thoát ly chính trị không vị chính trị thì còn vị gì? Cho nên gọi họ là phái nghệ thuật vị nghệ thuật cũng là phải".

Những điều nêu trên về cuộc tranh luận quan điểm nghệ thuật thời kỳ 1935-1939, cần nêu lên những nhận xét tóm lược như sau:

Trước hết, cuộc tranh luận mang tính chất bút chiến ít nhiều cũng đã mang biện luận chủ quan, cá nhân biện hộ cho lý lẽ của mình. Mỗi bên đều chê bai lẫn nhau, không hiểu nghệ thuật và thiếu sự khách quan, khoa học. Hệ phái Hoài Thanh, trước hết đã nhận là mình không hề có ý định tranh luận, hay bút chiến nhưng khi ông thấy Hải Triều phê bình tác phẩm "Kép Tư Bền" của Nguyễn Công Hoan quá đáng và không đúng với tính chất phê bình văn chương theo quan điểm "Nghệ thuật vị nghệ thuật", khiến ông quật lại đối phương. Trong khi hệ phái Hải Triều chủ trương một lý tưởng nghệ thuật văn chương thích hợp, có ích cho dân tộc, cho xã hội, và cho cả văn chương (tức văn hoá). Đó là lý do tại sao xẩy ra cuộc tranh luận giữaHoài Thanh và Hải Triều. Do vậy, khách quan mà nhận xét thì phái Hoài Thanh có cái thế mạnh là có nhiều điểm đi gần với chân lý nghệ thuật, như của Hugo, Tolstoy, v.v...Riêng phía Hải Triều lập luận ở thế mạnh trong việc quan tâm nhiều đến lý thuyết tranh đấu cho một lý tưởng nghệ thuật cao cả, nhưng khách quan vừa là thuộc phạm vi cá nhân vừa là thuộc phạm vi xã hội thời đại. Tóm lại, cả hai bên đều muốn giữ lý tưởng riêng và lý lẽ kiên quyết của mình.

Trên lý thuyết, chúng tacần xem lại mấu chốt của quan niệm, định nghĩa về nghệ thuật, về văn chương là gì? Trong thực tế đã có không biết bao nhiêu câu hỏi mà nhân loại, đặc biệt là các lý thuyết gia, bình luận gia về nghệ thuật và văn chương cần phải tìm thêm lời giải đáp hoàn thiện cho nguồn gốc văn chương tiêu biểu là gì? Văn chương nghệ thuật huyền diệu như thế nào? Văn chương nghệ thuật có liên hệ mật thiết tới đạo đức học, triết học và chính trị học đã đành, nhưng trong thực tiễn qua các mối liên hệ thực dụng đó đã tìm tìm được điều gì? Điểm nào là hoàn mỹ? Văn chương nghệ thuật có tính giai cấp và nhân bản nhưng hiểu thế nào cho đúng nghĩa trong văn chương và sự liên hệ giữa hai yếu tính đó đi song hành với nhau như thế nào? Cũng vì vậy, văn chương còn có tính thời đại và tính trường tồn, tính nhất thời và tính bền vững, tính biến động và tính bất biến trong cùng nội dung và hình thức... Nhưng hiểu thế nào cho đúng về mối tương quan giữa các tính tương khắc cũng như tính tương hợp của nó.

Tóm lại để có một sự nhận xét tương đối công bằng và thỏa đáng cho cuộc tranh luận về quan điểm nghệ thuật thời kỳ 1935-1939, ngoài những điều đã được trình bày trên, chúng ta nên đặt cuộc tranh luận này vào tiến trình suy xét, phát triển quan điểm nghệ thuật đã từng diễn ra trong lãnh vực văn học sử của nền văn hoá dân tộc, trong đó có việc xét nghiệm về mối tương quan giữa văn chương và đạo lý, có tình trạng nhận thức về phạm vi văn chương. Có thể nói gọn quy luật đặc thù của văn học thuở trung đại kèm theo hiện tượng văn học sử khi quy tắc đạo đức, tôn giáo tâm linh sẽ làm giảm nhẹ tính chất mỹ học của văn chương tới mức mà ít nhiều ta lơ là tính năng thẩm mỹ của nó. Nhất là khi ta mang ý tưởng "Văn dĩ tải đạo", hay "Thi ngôn chí", hoặc "Văn dĩ quán đạo", những ý niệm bảo thủ đã từng ngự trị trong nền văn chương trung đại. Với những quan niệm văn chương như thế, văn gần như chỉ còn là phương tiện để chuyên chở đạo cho đời mà thôi. Nhưng rồi trên đà phát triển của văn chương càng về sau, văn chương theo đà tiến hoá của từng xứ sở và từng văn hóa, văn chương, tức nghệ thuật chuyên chở chữ nghĩa cũng thay đổi theo thời đại.

Kết luận:

Xét theo ý niệm văn học với nét mỹ tính hay nghệ thuật văn chương, trong thực tế của đời sống văn học trên hai phương diện lý thuyết và sáng tác: Tính chất sáng tác dù là văn tùy bút, tiểu thuyết hay văn phóng sự, khảo cứu bình luận, cũng có ít nhiều nét văn chương bị tính chủ quan ảnh hưởng, để cho văn chương đượm nét chân phương, khách quan. Nhà văn hay người cầm bút nên chọn xu hướng của nghệ thuật văn chương mà mình muốn, dù là nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh thì tuỳ theo sự ứng dụng của "đối tượng" bởivì "văn là người", thế nên chính bản chất của văn chương phát sinh từ cuộc sống, nên văn chương phản ảnh nhân bản tính hay cũng là bản chất của con người. Vì vậy, văn học trọng mỹ tính, không chỉ dừng lại ở giá trị văn chương mà còn góp phần xây đắp tình yêu thương giữa con người với con người trong xã hội. Qua ví dụ lịch sử về trường hợp hai hệ phái văn chương Hoài Thanh và hệ phái Hải Triều qua những tranh luận trình bày bên trên, đã gợi lại nghệ thuật văn chương của một thời. Nếu xét về phương diện xã hội, văn chương phục vụ đời sồng nhân sinh, đó là sự chọn lựa của Hải Triều. Với Hoài Thanh, ông tôn trọng nét mỹ thuật của văn chương theo ý muốn cá nhân, ly khai những ảnh hưởng, những áp đặt của xã hội. Theo tiểu thuyết gia Francis Scott Key Fitzgerald cho rằng "Đó là một phần vẻ đẹp của mọi nền văn học khi bạn tìm được ra rằng điều ước muốn của mình là nỗi khát vọng chung, rằng bạn không cô đơn và bị cô lập với bất kỳ ai mà bạn quen biết."(1)

Lời cuối, như anh em chúng tôi đã bàn bạc, Khánh Lan và Việt Hải mượn lời của tác giả Bồ Đào Nha Fernando Pessoa qua danh tác "The Book of Disquiet", được chuyển ngữ ra nhiều thứ tiếng, nội dung mang tính tự thuật theo khuynh hướng "Nghệ thuật vi nghệ thuật" với lập luận là: "Văn học là phương cách dễ chịu nhất khi ta ly khai cuộc sống." (2)

Khánh Lan & Việt Hải.

California October 2020

---------------------------------------------------------------------

Ghi chú:

- (1): F. Scott Fitzgerald, "That is part of the beauty of all literature. You discover that your longings are universal longings, that you're not lonely and isolated from anyone. You belong."

- (2): Fernando Pessoa,The Book of Disquiet. "Literature is the most agreeable way of ignoring life."

Sách tham khảo:

  1. Book Hunter Club, Trần Đình Sử.
  2. Văn Học Sài Gòn, Thiếu Sơn nhà văn chính trực.
  3. Phê Bình Văn Học, Hoài Thanh, Thùy Lam.
  4. Thanh Lãng, Tài Liệu Phê bình văn học:
  5. Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh - Nghệ thuật vị nhân sinh.
  6. Nghệ thuật vị nhân sinh và Nghệ thuật vị nghệ thuật -  Hồ Quân.
  7. Đỗ Kiên Cường - Vị nhân sinh đúng hay sai?
  8. Ý Nghĩa của Nghệ Thuật - Võ Công Liêm.