Chim Việt Cành Nam
Trở về
Trang chủ
Tác giả
Bàn thêm về việc truyền dạy 
và bảo tồn di sản 
văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên
___________

Vĩnh Phúc

Tham luận trong hội thảo khoa học "Việc bảo tồn di sản âm nhạc cổ truyền của các dân tộc thiểu số ở Trung bộ và Tây Nguyên, chính sách và thực tiễn", thuộc Chương trình KHCN cấp Quốc gia giai đoạn 2016-2020: "Những giải pháp cấp bách nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các di sản âm nhạc cổ truyền của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam".

***

Từ ngày Không gian cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại, phong trào học tập và biểu diễn cồng chiêng ngày càng trở nên sôi nổi và lan tỏa sâu rộng hơn, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên...

Tuy nhiên, thực trạng cồng chiêng Tây Nguyên cũng gần giống như các loại hình nghệ thuật dân tộc khác đều bị tác động của mặt trái cơ chế thị trường, cũng bị ảnh hưởng của xu hướng thương mại hóa nghệ thuật. Phong trào "cải biên, cải tiến" cồng chiêng làm mất bản sắc Tây Nguyên; Hiện tượng "chảy máu cồng chiêng" tức là việc mua bán cồng chiêng diễn ra khá phức tạp ở Tây Nguyên, cho thấy có một số buôn làng vốn lưu giữ cồng chiêng có giá trị nay đã vơi dần; Việc sản xuất, du nhập loại cồng chiêng kém chất lượng cũng xuất hiện, đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến giá trị đích thực của những cồng chiêng cổ đã định hình.

Cùng với thực trạng, hiện tượng trên, phong trào lễ hội cồng chiêng hoặc biểu diễn cồng chiêng mang tính chất pha tạp, lắp ghép với các thể loại âm nhạc đương đại nhằm "hiện đại hóa" lễ hội Cồng chiêng... cũng là một điều đáng lo ngại. Một số nơi đã chỉnh lại thang âm của cồng chiêng để chơi nhạc mới. Có thể tạo cái mới cho cồng chiêng bằng cách đưa cồng chiêng vào các liên hoan, trình diễn ngoài nghi thức cổ truyền, nhưng không thể "cải tiến" mà đánh mất đi giá trị nguyên thủy, giá trị gốc của cồng chiêng. Vì, khi các nghi lễ được trình diễn dưới dạng sân khấu mang yếu tố "hiện đại hóa", thì tính huyền ảo sẽ mất đi.

Theo khuyến cáo của UNESCO là giáo dục cồng chiêng theo đúng phong cách nguyên bản của nó không được nhân danh "cải biên, cải tiến" làm mất bản sắc, mất yếu tố đặc trương vốn có của cồng chiêng Việt Nam; nên trả cồng chiêng về không gian, môi trường đích thực của nó, vì không ai hiểu giá trị, tính năng của cồng chiêng và sử dụng (biểu diễn) cồng chiêng Tây Nguyên bằng chính bản thân người sáng tạo ra nó, là những người bảo vệ cái thần thái, hồn cốt của nó qua hàng trăm năm sáng tạo. Dù cồng chiêng vật thể, được sản xuất, chế tác, làm ra ở tại nhiều địa phương khác nhau, kể cả nước Lào, nhưng người tạo thành thanh âm độc đáo, người thổi hồn vào từng chiếc chiêng lại là người Tây Nguyên. Đó là đôi tai kỳ diệu của những nghệ nhân có trách nhiệm xác định cao độ chuẩn cho hàng âm dàn chiêng, cũng như xác định độ chênh sai về âm thanh của từng chiếc chiêng và kỹ năng chỉnh chiêng cho đúng tiếng để nó không trở thành chiêng chết. Chỉ với một chiếc búa nhỏ mà có thể điều chỉnh âm chiêng lên cao hay xuống thấp một cách chính xác. Các nhà nghiên cứu thường gọi đùa họ là người lên dây chiêng.

Cồng chiêng và nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng tồn tại trong không gian văn hóa của nó, cũng chính là phương thức, đặc tính tổng thể nguyên hợp của loại hình văn hóa dân gian. Nói một cách khác, cồng chiêng chỉ được bộc lộ đầy đủ trong các lễ hội truyền thống của cộng đồng tộc người.

Tiếng nói của chiêng được các tộc người Tây Nguyên sáng tạo thành nhiều bài chiêng khác nhau. Trong trình thức lễ, mỗi loại dàn chiêng ứng với của cuộc lễ, mỗi bài chiêng ứng với một lễ thức. Trong lễ đâm trâu tạ thần người Ba-na sử dụng dàn chiêng Hoh gồm 11 chiếc cồng núm và chiêng phẳng; trong lễ bỏ mả người Gia-rai sử dụng dàn chiêng Arap (cing arap) gồm 16 chiếc: 9 cồng, 7 chiêng (trong đó cồng, có núm là bộ đệm, chiêng, không núm là bộ giai điệu)... cũng như các bài chiêng khác nhau đánh trong các lễ bỏ mả, lễ cúng bến nước, lễ thổi tai, lễ làm nhà Rông mới, lễ ăn cơm mới v.v...

Đành rằng, trước sự biến đổi kinh tế - xã hội, sự phát triển của nhận thức cũng như sự hội nhập và tính chất toàn cầu hóa về thông tin, giao lưu văn hóa như hiện nay, các tập tục cổ truyền rạn nứt, các lễ hội truyền thống có thể dần dà mai một... thì cũng đồng nghĩa với việc Không gian văn hóa của cồng chiêng sẽ dần dà mất đi. Một số lễ hội truyền thống may mắn được "phục chế", tái hiện với mục đích bảo tồn + phục vụ du lịch thì những trình thức của lễ hội đều do các người già điều khiển qua sự tái tạo lại bằng trí nhớ; những bài bản và hình thức diễn tấu ở mỗi giai đoạn lễ, cũng do nghệ nhân già nhớ và hướng dẫn; cồng chiêng cũng do người già chế tác, chỉnh âm... Giới trẻ, hầu như vắng mặt trong đời sống tinh thần của quá khứ, và như thế, những sinh hoạt mang tính phong tục, tập quán đặc trưng của tộc người khó mà lưu giữ được vào ký ức văn hóa của họ... Điều này, đang đúng với thực trạng văn hóa của các dân tộc thiểu số nói chung và cả khu vực Trường Sơn – Tây Nguyên nói riêng.

* Sự phong phú, độc đáo, đặc trưng của cồng chiêng Tây Nguyên.

Sự khác biệt của cồng chiêng Tây Nguyên Việt Nam, so đối với cồng chiêng của các nước trong khu vực, là sự gắn kết với không gian văn hóa, là sự phong phú trong cơ cấu của các dàn chiêng và nhất là sự khác biệt trong cách thức diễn tấu, biên chế đa dạng, không cố định, hình thành nhiều loại dàn chiêng khác nhau để phục vụ cho những sinh hoạt, lễ thức khác nhau. Có loại dàn chỉ gồm 2 chiếc (như dàn chiêng Tha) cho đến loại từ 9,11,16 cồng và chiêng. Nhạc công các dàn cồng chiêng các nước Đông Nam Á lục địa một mình với 2 tay đánh bằng dùi gõ cả dàn cồng đến 17, 19 chiếc, còn nhạc công dàn cồng chiêng Tây Nguyên thì mỗi người chỉ đánh một cồng. Mỗi nhạc công giữ một vị trí cao độ và tiết tấu, âm sắc khác nhau, đòi hỏi phải nhớ, phải tập trung tâm trí nắm chắc thời gian, nhịp điệu để gõ đúng phần của mình, vừa phải lắng nghe người khác trong dàn nhạc để tạo nên sự hòa hợp, đồng cảm chung. Vì vậy, để tham gia diễn tấu được một bài chiêng, thì yếu tố "nhạc cảm", năng khiếu bẩm sinh là vấn đề quan trọng, không phải là ai cũng có thể làm ngay được. Đặc biệt là sự quy định chức năng từng loại cồng trong dàn nhạc: "Chiếc cồng phát ra âm thanh thấp – vốn là âm cơ bản – mang tên "mẹ". Trong những dàn có 9 cồng chiêng trở lên thì có thêm cồng "cha", ... tiếp theo là các cồng con, cồng cháu... hình thành hệ thống gia đình mang dấu vết chế độ mẫu hệ của người Tây Nguyên. Theo Gs. Trần Văn Khê, khi diễn tấu, cồng mẹ và cồng cha được phân công phần trầm làm nền, cồng con và các cồng khác đánh so le trước – sau, nhanh – chậm để tạo ra giai điệu" .

- So với dàn chiêng các nước Lào, Thái Lan, Campuchia, Myanma... thì nhạc công dàn chiêng Tây Nguyên không ngồi yên tại chỗ để gõ cồng, mà luôn di động, (thường là di động xoay quanh một đối tượng được tôn vinh ở vị trí trung tâm như cây nêu... theo chiều ngược kim đồng hồ như chiều bay của cánh chim Lạc trên mặt trống đồng) và đa dạng về động tác (tùy theo sự cảm hứng diễn đạt trong quá trình diễn tấu như khom người, nghiêng mình, cúi mặt...). Cách gõ cồng của Tây Nguyên có hai cách: đánh bằng dùi và đánh bằng cườm tay. Đánh bằng dùi, nếu là dùi mềm cho âm thanh tròn trĩnh, dịu dàng, trầm lắng, nếu là dùi cứng cho âm thanh độ mãnh liệt, sắc nhọn. Đánh bằng cườm tay cho âm thanh cảm giác mờ ảo, xa xăm, huyền bí, hoang sơ. Bàn tay trái phía sau cồng không chỉ để giữ cồng mà cũng tham gia diễn tấu, lúc bịt lúc mở mặt chiêng để tạo tiếng ngắt, tiếng ngân theo từng sắc thái của bài chiêng.

* Một số vấn đề về truyền dạy, bảo tồn.

Trải qua hằng trăm năm, những thăng trầm lịch sử không tách cồng chiêng ra khỏi đời sống cộng đồng. Ðặc điểm này của cồng chiêng Tây Nguyên vừa là thuận lợi, đồng thời cũng vừa là khó khăn trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của Không gian văn hóa công chiêng Tây Nguyên. Vì thế, vấn đề nâng cao lòng tự hào và ý thức giữ gìn của cộng đồng dân cư có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Các Nhạc viện, các trường VHNT tại các địa phương có di sản Cồng chiêng, ngoài việc tuyến sinh và đào tạo được như các loại hình âm nhạc truyền thống khác... nên tổ chức, đào tạo theo Dự án bảo tồn, là đào tạo tại chổ trong thời gian rảnh rang mùa vụ. Ngoài kinh phí đặc biệt cho giáo viên (là các nghệ nhân), lại phải có chính sách trả kinh phí học cho học viên, vì đầu ra của họ không phải là về các đoàn Nghệ thuật, các cơ quan nhà nước... mà về lại với không gian của cồng chiêng. Chương trình học ngoài các dàn chiêng, bài chiêng là những kiến thức về các hội lễ truyền thống của chính họ, của từng tộc người ở Tây Nguyên...

Việc nghệ nhân Y Thim Bya, buôn Ea Bông, xã Chư Ê Bur Ban Mê Thuột - một nhà sưu tập có khá nhiều bộ cồng chiêng quý Êđê, Gia rai, M’nông, chiêng tre và các loại nhạc khí khác của Tây Nguyên – khoảng năm 2008, đã tổ chức một lớp học tại gia gồm nhiều học viên nam, nữ, ở nhiều độ tuổi khác nhau, nhưng đa số đều trẻ, từ các buôn khác nhau đến học... có thể gọi là cách bảo tồn động. Bỏ qua sự thẩm định về vốn liếng di sản cổ truyền của nghệ nhân, chương trình, bài bản... và dù chỉ do sở thích cá nhân hoặc mục đích khác, nhưng với số lượng học viên đông đảo, được truyền nghề trực tiếp, đáp ứng được nhu cầu học hỏi của tuổi trẻ trong địa phương... thì thiết nghĩ, đây là mô hình truyền nghề rất có hiệu quả trong việc bảo tồn đối với di sản âm nhạc này. Những học viên – nghệ nhân tương lai sẽ được trả về đúng với không gian văn hóa của nó, không vướng bận bởi một lý do, một điều kiện nào, mà tự nhiên như lúc họ đến xin học. Đó là việc cần tiếp tục phát huy, và đây sẽ là một giải pháp tích cực nếu có sự tham gia của các cơ quan văn hóa....

Theo đó, ngoài việc chặn đứng nạn "chảy máu" cồng chiêng, cần có chương trình Sưu tầm và nghiên cứu; bảo tồn và phục hồi; truyền dạy và quảng bá, với phương cách bảo tồn tĩnh lẫn bảo tồn động đối với di sản văn hoá này, cũng như tiến hành đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu là người dân tộc ít người tại địa phương:

- Tiếp tục nghiên cứu khoa học về cồng chiêng và văn hóa cồng chiêng trong tổng thể di sản âm nhạc cổ truyền Tây Nguyên một cách hệ thống và toàn diện.

- Phục hồi và giữ gìn các sinh hoạt văn hóa, các lễ hội gắn với vòng đời người và vòng đời cây trồng ở các cộng đồng dân tộc thiểu số tại các tỉnh Tây Nguyên để tạo môi trường diễn xướng đặc hữu của cồng chiêng và sinh hoạt văn hóa cồng chiêng.

- Xây dựng một chiến lược dài hạn cho việc phục hồi, bảo tồn và phát huy di sản cồng chiêng và văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Ðẩy mạnh công tác đào tạo theo dự án hoặc trong các trường nghệ thuật về cồng chiêng và Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Bản chất của cồng chiêng Tây Nguyên là sáng tạo của cộng đồng và cũng chính cộng đồng bảo tồn, lưu giữ, trao truyền nó. Vì vậy, phát huy vai trò của cộng đồng phải là yêu cầu có tính nguyên tắc trong hệ thống các công việc trên.

- Hai phạm trù "bảo tồn và phát huy" phải được giải quyết thỏa đáng đối với hàng loạt vấn đề đặt ra của đời sống hàng ngày trong Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên. Muốn bảo tồn cồng chiêng và văn hoá cồng chiêng, phải giữ gìn, khôi phục các sinh hoạt văn hoá - tín ngưỡng liên quan đến cồng chiêng, trong đó không nhất thiết phải sân khấu hoá việc trình diễn cồng chiêng. Vì đã là một sáng tạo mang tầm kiệt tác của nhân loại, Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên có khả năng hấp dẫn, thu hút khách du lịch. Đây cũng là cơ hội tốt để tuyên truyền, quảng bá về giá trị của di sản: Tạo ra các tour du lịch, đưa khách du lịch đến xem, nghe trình diễn cồng chiêng tại cộng đồng, nơi được phục dựng, ít nhất, gần với không gian văn hóa của cồng chiêng... để khai thác tiềm năng kinh tế của di sản, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội...sẽ không phá vỡ hay làm tăng thêm nguy cơ mai một của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Sau cùng là nhân rộng các mô hình bảo tồn cồng chiêng từ trong cộng đồng, phải làm cho bản thân những chủ nhân của không gian văn hóa cồng chiêng hiểu và trân trọng những giá trị của cồng chiêng.

Để bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng, cần phải khôi phục lại môi trường xã hội cho cồng chiêng, thông qua những lễ hội gắn với cộng đồng, gắn với những mốc quan trọng trong vòng đời của mỗi con người.
 

Được UNESCO công nhận là Kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là niềm tự hào của cả nước. Nhưng đồng thời, vấn đề gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị của nó theo cam kết cũng lại là một vấn đề không kém phần quan trọng. Đây là trách nhiệm của tất cả mọi người chúng ta để làm tốt công việc giữa gìn di sản không chỉ có ý nghĩa đối với hiện tại mà cả với tương lai./.