Chim Việt Cành Nam
Trở về
Trang chủ
Tác giả
Vũng Tàu còn nhớ hay quên ?

Việt Hải Los Angeles

Vũng Tàu hay Cap-Saint-Jacques là một thành phố biển đẹp theo nhiều ý niệm, nhiều ý nghĩa như đẹp bởi thiên nhiên của nó, đẹp như phim ảnh hay hình ảnh trưng bày nét mỹ miều, đẹp do sách vở, báo chí ca tụng, hay do nguyên nhân chủ quan bởi vì tôi vốn yêu nó từ thuở nhỏ, nhỏ lắm. Vì dấy là quê ngoại của tôi, tôi về đấy thăm ngoại, vui thú biển cả nhiều lần, tắm biển, đùa giỡn với sóng biển bao nhiêu lần, không đếm hết nổi. Hãy cho tôi nhập đề như vậy.

Hãy nói thêm thi ca ngày cũ, một bài thơ cũ tôi làm khi nhớ Vũng Tàu, Những hình ảnh có Vũng Tàu biển xanh cát trắng ...

Nhớ em một thuở Vũng Tàu
Hẹn nhau Bãi Trước, Bãi Sau sóng tràn
Nắng nghiêng hong tóc thời gian
Xa xa sóng vỗ an nhàn biển xưa
Hàng dừa gió thoảng đong đưa
Hải âu tung cánh trời trưa Vũng Tàu
Em à lỡ bước yêu nhau
Tình như cơn gió kiếp sau trùng phùng,
VHLA


Biển đẹp Vũng Tàu - nét thơ mộng của Cap-Saint-Jacques.

Vũng Tàu còn nhớ hay quên ? Vũng Tàu ư ? Nhớ chứ! nhớ Vũng Tàu như nhớ người tình vậy...

Tôi vốn yêu Cap-Saint-Jacques. Xin gởi thêm một bài thơ nữa

Ai ơi có nhớ Vũng Tàu
Trùng dương cát trắng xôn xao sóng đùa
Bạch Dinh cao đỉnh gió lùa
Nghinh Phong Ô Quắn hai mùa quanh năm
Chuông chùa cổ tự xa xăm
Tầm Dương bãi Trước sóng thầm ngàn khơi
Thùy Vân xanh biếc mây trời
Bãi Dâu bãi Dứa người ơi nhớ hoài
Vũng Tàu nhung nhớ thiên thai
Quê xưa chốn cũ hẹn ngày cố hương!
VHLA

Ðếm nhiều nỗi nhớ Văn Tui nhớ nhiều, phòng nha khoa của Ngoại 5 kế cạnh Kim Phượng Photo studio của Ngoại 9 nhé... Mà Ngoại 5 và Ngoại 9 trông phương phi như tây Côte d'Azur, hay tây Monaco màu nước da chun chút làn gió biển Cap-Saint-Jacques. Nếu Sài Gòn từng được mệnh danh là "Hòn ngọc viễn đông" và hiện tại cũng là thủ đô xưa lớn nhất cả nước. Vũng Tàu hiện nay nổi tiếng là một thành phố biển xinh đẹp và hiện đại của khu vực phía Nam với bờ biển trải dài ôm theo triền núi.

Qua bao nhiêu năm, Sài Gòn như một Petit Paris, và Vũng Tàu của 2 Ngoại đã khoác lên mình một chiếc áo tươi mát, một "sport-suit" như biển xanh Cap-Saint-Jacques, không thua Côte d'Azur tí nào nhé. Nhưng rồi cuộc đổi đời 1975 bao bằng hữu lên ghe vượt biên... Từ ngày miền Bắc vô đây ta mất nhà lầu. Từ ngày miền Bắc vô đây ta mất villa, ta mất cái Omega, mất dollars ta chuồng...

Thôi bi giờ ta đi vòng quanh nỗi nhớ nheng. Nhà Ngoại trên đường Trưng Trắc, một thuở oai hùng của lịch sử. Vị thế hai đường Trưng Trắc Trưng Nhị cặp đôi song song hai bên toà nhà chợ Vũng Tàu xưa .... Trước nhà ngoại là xe mì Nhựt Ký có chú Tàu hiền hậu, thông thường mỗi tối trước khi dẹp tiệm chú mang bán cho Ngoại một thao xí quách giá bèo discount, ôi những khúc xương heo chất bổ không còn là bao, bà con buổi sáng thưởng ngoạn hưởng cả rồi, 9 giờ khuya trâu chậm xơi món nước đục. Mà nhé buổi chiều tắm biển xong theo Ngoại đi câu cá dứa về bắt gặp thao xí quách, ta bụng đói meo, ta vồ ngay cho đã cơn Pavlov mà chả sợ cholesterol gì cả. Xương ống em heo từng luồng tuỷ béo ngậy bờ môi tuôn vào thực quản, biết đâu xương cốt ta ngày hôm nay như mí cha cinema Chuck Norris hay Sylvester Stallone là cũng nhờ chú mì Nhựt Ký vậy.

Trong nhà lồng chợ Vũng Tàu có quán cơm Việt number one của dân ta như canh chua cá bông lau ,đầu chợ trên là nhà Ngoại, đầu chợ dưới có tiệm gạo của Ngoại Năm Xinh. Ngoại Năm Xinh là nguồn cung cấp gạo Tám Thơm, gạo Nanh Chồn, hay gạo Nàng Hương Chợ Đào, gân cốt ta hôm nay rắn chắc như mí ông cinema cũng nhờ gạo của Ngoại Năm Xinh, cám ơn Ngoại Năm Xinh. Trong lồng chợ miêt dưới có tiệm cơm tây với những món cơm đỏ sốt cà, gà chiên bợ, bifteck, thermidor,...ông bếp có thời nấu cho các quan tây, thuở époque coloniale. Còn góc chợ trên Trưng Nhị gần tiệm giầy Bata có tiệm Au Favori bán thức ăn Pháp rát ngon, nhà hàng ẩm thực Pháp có tiếng là nhà hàng Cyrnos, ở bãi Trước Vũng Tàu, các nơi khác như Grand Hôtel, và Hôtel Pacifique là những kỷ niệm ngày xưa với ông Cò Hiến Binh Trần Công, tức thi sĩ Lão Mã Sơn (Virginia), xin xem thi ca phụ đính cuối bài (*).: Và khi nói về Vùng Tàu, nơi địa danh gắn liền với Bà Rịa, Văn Tui nhớ bài tình ca "Bà Rịa Tình Ta", thơ Vĩnh Ninh, nhạc Mạc Vũ Nhảy dù Phạm Gia Cổn. Phải nói là Vũng Tàu mãi là một góc trời quê hương thật đẹp trong tôi, như những gì được ghi nhận trước 1975 trong bài này. Sau 1975 Văn Tui không biết về sau, nhưng kỷ niệm thuở VNCH mình nhắc ta nhớ nhiều hơn.

Rồi lại nhớ nơi cửa Tây chợ Vũng Tàu nhìn từ đường Trần Hưng Ðạo bên kia đường có tấm Vách Ðá trước Hội Trường Vũng Tàu. Những con đường như Lý Thường Kiệt, Trưng Nhị, Trưng Trắc, Trần Hưng Ðạo, Phan Thanh Giản,… hoài niệm còn nhiều. Chợ Vùng Tàu họp chợ ban sáng cho tới trưa, xế trưa là lúc chợ tàn được dọn dẹp, cái sinh hoạt dễ thương năm xưa mí cha nón cối dép râu vô văn hoá cho dẹp đi. Tiếc thật! Những gian hàng chân phương bình dị, những xạp hàng bình dân cá cọp, nằm trên những con đường mà có những bà bán bánh khọt, bún gỏi dà, hàng trái cây những sầu riêng, mít dừa, mít tố nữ, nhãn, bòn bon, vú sữa, mãn cầu xiêm, chôm chôm, na dai,... ngay trước Kim Phượng Photo studio có cậu Hải A37, có cô Kim Phương đẹp như cô đào Thanh Nga một thuở, có cô Hốc Hổ bán bazar, các sản phẩm nhập cảng từ Pháp những dồ hộp, rượu, café xay,...


Hình kỷ niệm chụp do Mike Vogt.

Hỡi ai còn nhớ Hội Trường VũngTàu mà ngày xưa thuở VNCH có tấm bảng to tổ bố, ghi "Quốc Tế Viện Trợ". Năm 1975 Quốc Tế "hit-and-run" tháo chạy, khiến tụi tui sắm ghe vượt biên... Đấy là Phòng Thông Tin có đường Trưng Trắc từ nhà Ngoại nhìn thẳng phía trước là cửa Tây chợ Vũng Tàu, tại ngã tư Trưng Trắc và Trần Hưng Đạo, kỷ niệm thuở tây thuộc địa quan Doumer cho cất toà nhà thân thương Le Marché Cap-Saint-Jacques.

Nói dến quan lớn dân Tây này nên kể về Bạch Dinh. Bạch Dinh theo Tây ngữ là Villa Blanche, dinh thự có kiến trúc châu Âu cuối thế kỷ 19, nằm bên sườn núi Lớn của thành phố Vũng Tàu. Nơi đây từng được dùng làm nơi nghỉ mát cho Toàn quyền Ðông Dương, Hoàng đế Bảo Ðại và các đời Tổng thống Việt Nam Cộng hòa. Nơi đây cũng là nơi chính quyền thuộc địa Pháp làm nơi giam lỏng vua Thành Thái từ ngày 12 tháng 9 năm 1907 đến năm 1916. Sau năm 1975 Vi Xi hoá phép làm Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Ôn tí ti vê sử liệu, Sau khi chiếm được quyền cai trị Ðông Dương, chính quyền thực dân Pháp đã cho san phẳng pháo đài để xây dựng một dinh thự dùng làm nơi nghỉ mát cho các Toàn quyền Đông Dương.Nơi này trước đây vua Minh Mạng cho xây dựng Pháo đài Phước Thắng tại nơi đây để kiểm soát cửa biển Cần Giờ. Quan tây ra dự án tức Toàn quyền Paul Doumer phê chuẩn và chính ông cũng là người đặt tên cho dinh thự này là Villa Blanche, theo tên của con gái ông là bà Blanche Richel Doumer. Công trình được khởi công vào năm 1898, mãi đến năm 1902 mới hoàn thành. Do màu sơn bên ngoài cũng như tên gọi Villa Blanche nên người Việt quen gọi dinh thự này là Bạch Dinh. Quan nho Paul Doumer chưa kịp sử dụng dinh thự này thì phải về nước. Người kế nhiệm là Paul Beau có lẽ mới là người đầu tiên sử dụng nó. Tuy nhiên, đến tháng 9 năm 1907, nơi này được dùng làm nơi giam lỏng cựu hoàng Thành Thái. Ông sống tại đây trong gần 10 năm. Dân địa phương kính trọng ông, nên còn gọi Bạch Dinh là Dinh ông Thượng. Năm 1916, cựu hoàng Thành Thái cùng con trai là cựu hoàng Duy Tân bị đưa đi đày ra đảo Réunion. Bạch Dinh được sử dụng trở lại là nơi nghỉ mát của các Toàn quyền Đông Dương. Năm 1934, Bạch Dinh được nhượng lại để làm nơi nghỉ mát cho Hoàng đế Bảo Ðại và Hoàng hậu Nam Phương. Trong những năm sau đó, dinh luôn được dùng làm nơi nghỉ mát của nguyên thủ hoặc các quan chức cao cấp của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Sau năm 1975, có thời gian dinh không được sử dụng vào mục đích cụ thể nào trước khi chính thức được chuyển thành một địa điểm du lịch. Ngày 4 tháng 8 năm 1992, Bạch Dinh đã được Bộ Văn hóa-Thông tin công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. (theo Wikipedia).

Nhớ thêm nhé, gần nhà Ngoại có khu chợ rau cải trên đường Trưng Nhị bên hướng gần cửa Tây chợ Vũng Tàu xưa, bên phải trong lồng chợ, toà nhà xưa là chợ cá, seafood ê hề đủ loại, tôi thích rảo quanh chợ cá ban sáng ngắm cá tươi rói khi thuyền bè vừa dánh mang ra bán, khu chợ có hiệu tiệm Ngọc Sương là khu xạp bán thịt heo bò, không cầy nhé. Khi bạn men theo đường Trưng Nhị qua khỏi bảng hiệu Ngọc Sương một chút quẹo trái có đường vòng qua đường Nguyễn Thái Học là khúc đường này bán gà vịt, nơi chúng tôi mua gà tre về đá, gà ác về tiềm, và gà thiện về xơi rôtie, hay cơm gà Siu Siu,…

Trên đường Trần Hưng Ðạo có pharrmcie của dược sĩ Nguyễn Minh Lý, và trên đường Phan Thanh Giản ngày xưa có những quán bar mình bé quá hông được vô, ngày nay ta đủ tuổi ôi bar xưa hông còn. Uổng nhỉ ? Cũng trên đường này có bến xe ngựa ở góc đường Trần Hưng Ðạo và Phan Thanh Giản. À, từ ngã 4 này ta mon men theo đường Trần Hưng Ðạo hướng về nhà thương Lê Lợi, cuối cùng xa xăm ta nhìn thấy núi Lớn ngang qua cửa Tây chợ Vũng Tàu hướng bên phải và Hội Trường Vũng Tàu, bên trái có văn phòng dental của Ngoại tui, kế Kim Phượng photo và tiệm biệm bazaar, rồi tiệm Tây Hồ photo studio ở góc Trưng Trắc và Trần Hưng Đạo. Ngay góc đường này bên phải khi ta quẹo phải là đường Phan Thanh Giản hướng về rạp cinema Võ Ngọc Chấn, một nơi hẹn hò với cô bé Hân răng khểnh gốc Sài Gòn, sau khi đôi ta xem phim Cleopatra (quay 1963) với những diễn viên gạo cội như Elizabeth Taylor, Richard Burton và Rex Harrison. Riêng bà Liz Taylor trải qua 8 cuộc tình mỗi lần sang ngang là mỗi lần bà tìm được tình yêu đích thực: " Finally, I find my true love again", nghe sao ta thèm quá xá...rồi đôi trẻ đi ăn hàng, rời tiệm kem Picnic của anh bạn Lân. Lân và Hoà Bata (Trưng Nhị) nay đâu rồi nhỉ ?


Mặt tiền Chợ Cấp, góc Trưng Trắc và Trần Hưng Đạo.

Vũng Tàu xưa có cô giáo Hải Minh, một đoá hoa khôi Hà Thành, một ca sĩ với những bài tình ca như Thu Quyến Rũ, Hai Vì Sao Lạc hay Hương Xưa.... khiến thầy Việt văn sáng tác thơ nhiều, và nhiều lắm. Nếu ai còn nhớ air thơ như thi ca Nguyên Sa: Trần Bích Lan, như vầy nhé...

"Có phải em mang trên áo bay
Hai phần gió thổi, một phần mây
Hay là em gói mây trong áo
Rồi thở cho làn áo trắng bay? ...
Có phải rằng tôi chưa được quen
Làm sao buổi sáng đợi chờ em
Hay từng hơi thở là âm nhạc
Ðàn xuống cung trầm, mắt nhớ thương"

Rồi thơ thầy Lưu Ngọc Thuỷ được ghi nhận không thua thi ca Lưu Trọng Lư đâu...

"Ai bảo em là giai nhân
Cho hồn anh rơi rụng
Ai bảo em cười như xuân
Cho chết lòng thi nhân
Ai bảo em là giai nhân
Cho rượu hồng chua cay
Cho nụ tình xa bay
Cho lệ buồn đêm nay"

Vũng Tàu có trường bán công Trung Học Lý Thường Kiệt ở ngã tư Lý Thường Kiệt và Nguyễn Thái Học. À, à, ai sổ mũi hay cảm mạo thương hàn xin đừng quên văn phòng BS. Lâm, danh trấn một thuở dĩ vãng của ngày xưa... Vâng ở ngã tư Trần Hưng Đạo và Nguyễn Thái Học là bến xe lô (xe đò nhỏ, compact size), cũng là nơi chốn lưu dấu phòng mạch của BS. Lâm.

Trong một bài viết về nhóm Tư Lực Văn Ðoàn, tôi đọc và nhớ đến cô Hải Minh vì Bãi Ô Quắn, Vũng Tàu, cô kể cô nhớ có chiếc tàu buôn màu đen bị sóng đánh tạt vào bờ, tôi vẫn nhớ bãi Nghinh Phong, nhớ như thế. Xin xem bài "Nhà văn Nguyễn Tường Thiết: Một hậu duệ của Nhất Linh", bài VHLA.
Link: 
https://nhanvannghethuat.com/nha-van-nguyen-tuong-thiet-mot-hau-due-cua-nhat-linh/


Phố biển Vũng Tàu về đêm khi lên đèn.

"Tác phẩm khác đưa gần gũi với phong văn của Nguyễn Tường Thiết là bài "Bãi Ô Quắn", Vũng Tàu. Quê ngoại tôi ở thị xã Vũng Tàu. Câu truyện về nguồn gốc của Bãi Ô Quắn hay tên khác của nó là Mũi Nghinh Phong vào thời Pháp được gọi là Pointe au Vent. Người Việt đọc trại ra hai từ "au vent" thành Ô Quắn, sau đó lại dịch Pointe au Vent thành Mũi Nghinh Phong. Bãi tắm Ô Quắn, nay rất ít có du khách hay dân địa phương xuống tắm biển ở nơi đây vì dòng chảy của nước rất nguy hiểm. Về hình thể, địa thế thì Mũi Nghinh Phong là mũi đất vươn dài ra phía Nam bán đảo Vũng Tàu. Nghinh Phong có nghĩa là đón gió. Mũi đất nầy đón gió 2 mùa, khí hậu mát mẽ dễ chịu. Mũi đất này vươn dài ra biển tạo hai Vịnh lớn và hai bãi tắm nổi tiếng, bãi Vọng Nguyệt (hay Ô Quắn) và bãi Hương Phong (hay bãi Dứa). Chữ Ô Quắn hay tên Tây "Au Vent" như vừa đề cập, có nghĩa là gió. Ở đây gió nhiều, nên người ta đặt tên mũi đất này là Nghinh Phong rất đúng nghĩa, và bãi tắm ở đây là Ô Quắn, bãi tắm nhiều gió. Nghinh Phong đón gió thổi suốt năm như vậy, gió biển mát rượi khi ta ghé đây hóng gió biển. Xa xa ngoài khơi là bồng đảo Hòn Bà… Bãi Ô Quắn hay Vọng Nguyệt rất nổi tiếng vì thắng cảnh rất đẹp. Nếu quý vị độc giả thích sóng lớn, thích một bãi tắm riêng rẻ, đây là bãi tắm của quý vị vậy, vui trượt sóng. Ở đây sóng nhiều, nước trong và sạch, hơi sâu hơn ở bãi Trước và bãi Sau. Những lúc hoàng hôn phủ xuống không gian Au Vent khi trăng lên, ngắm nhìn những làn sóng bạc tung tăng nô đùa ở đây lấp lánh, ôi sao đẹp tuyệt vời quá…

Những tiểu thuyết hay phim tình cảm lấy biển làm bối cảnh dựng phim như Titanic, Endless Love, truyện tình yêu tuổi trẻ lãng mạn hay N’oublie Jamais (của Nicholas Sparks, The Notebook), tình cảm trẻ trung giữa cặp đôi Noah và Allie. Truyện Au Vent của nhà văn Nguyễn Tường Thiết cũng mang nét lãng mạn như "P.S.: I love you" (của nhà văn nữ Cecelia Ahern, P.S. – Je t’aime) giữa 2 người trẻ Holly và Gerry. Nguyễn Tường Thiết kể chuyện "Bãi Pointe Au Vent", môt chuyện tình cảm man mác nhẹ nhàng, đan xen nét lãng mạn của chuyến đi chơi ở Bãi Ô Quắn có hai mẹ con bà Simône và Gabrielle, Paul là bạn của Gabrielle, Họ chia chung kỷ niệm tại biển này. Về sau cha Gabrielle là một sĩ quan Pháp bị tử trận tại Điện Biên Phủ. Hai mẹ con bà Simône về Pháp. Paul giữ kỷ niệm đẹp với 2 người Pháp này. Tác giả lồng vào truyện 2 bài tình ca Pháp xa xưa thật hay, và cốt truyện có Étoile des neiges và Moulin Rouge với kỷ niệm Edith Piaf trong nét bút diễn tả của nhà văn Nguyễn Tường Thiết. Chút lời nhạc … Ta kết hôn vào mùa xuân, sao tuyết lại lau khô đôi mắt xinh đẹp của em? Pour nous marier dès le printemps… Étoile des neiges, sèche tes beaux yeux
(Etoile des neiges do NS. Franz Winkler – 1906-1962)
Line Renaud – Etoile des neiges;

https://www.youtube.com/watch?v=koQ9LpUnCs8

Khoảng năm 1970, khi về Cấp nghỉ hè tôi nhớ tại bãi Ô Quắn có chiếc tàu buôn khá lớn bị sóng đánh trôi dạt vào bãi biển này. Ô Quắn là một trong những bãi biển đẹp của Vũng Tàu. Tôi thích bãi này mỗi khi tìm sự thanh tịnh trong chuyến hè. Au Vent biểu tượng cho hồn mát mẻ cũng như vắng vẻ. Au Vent với tôi như bãi Playa del Carmen (ở bán đảo Yucatan, Mexico), khúc gần điểm nghỉ mát Riviera Maya và Las Brisas. Pointe au Vent cũng cho ta vẻ trầm mặc, tĩnh mịch như bãi Codo Playa thuộc đảo Bermudas, Caribbean. Những nơi lý tưởng để ta trốn tránh cảnh ồn ào, huyên náo của xã hội đô thị lớn. Xin nghe tiếp bài ca thứ 2 do danh ca "Sẻ nhỏ" Édith Piaf (le petit moineau) hát nhé…

Édith Piaf chante la grand chanson Moulin Rouge:

https://www.youtube.com/watch?v=whgqqKiyWI

....


Chiếc tàu buôn màu đen ngày xưa tại bãi Ô Quắn, Vũng Tàu.

Ra mắt ‘Tự Lực Văn Ðoàn và Các Cây Bút Hậu Duệ,’ một tuyển tập ‘nặng ký’
https://www.nguoi-viet.com/little-saigon/
ra-mat-tu-luc-van-doan-va-cac-cay-but-hau-due-mot-tuyen-tap-nang-ky/
 

Nói là "đầy ý nghĩa" vì đây là lần đầu tiên có một tuyển tập "nặng ký" của nhiều nhà văn viết về nhóm Tự Lực Văn Ðoàn cùng với nhiều sáng tác của các tác giả thế hệ hậu duệ nhóm Tự Lực Văn Ðoàn. Tuyển tập dày gần 500 trang với 35 tác giả và có nhiều hình ảnh quý hiếm, với sự góp mặt của nhà báo Phạm Quốc Bảo, nhà văn Bùi Bích Hà, Giáo Sư Quyên Di, Giáo Sư Trần Huy Bích, Giáo Sư Dương Ngọc Sum, Giáo Sư Nguyễn Văn Sâm, nhà báo Mặc Lâm, nhà báo Vương Trùng Dương, đại diện nhóm chủ trương là nhà văn Trần Việt Hải."


GS. Hải Minh và GS. Lưu Ngọc Thủy, các con.

Ði tiếp Vũng Tàu không mỏi chân. Có cây xăng Lý Thế Ký góc đường Trần Hưng Ðạo và Trưng Nhị, toạ lạc trên đường Trưng Nhị bên phải là đường Trần Hưng Ðạo cửa Tây chợ hãy nhìn thẳng hướng về nhà thương Lê Lợi. Nhìn về cửa Đông chợ xưa trên đường Lý Thường Kiệt có hai tiệm Mỹ Hương và Lan Phương. Tôi nhớ hai mặt chợ Vũng Tàu giống nhau, nhưng đường Trần Hưng Ðạo xe có thể chạy ngang qua, còn lối bên kia cửa Đông đường Lý Thường Kiệt xe hổng chạy qua được khi nhóm chợ buổi sáng. Chờ tới trưa chiều, sau khi bạn hàng dọn dẹp xong chợ thì xe cộ mới có thể chạy xuyên qua được. Nhớ góc đường Trưng Nhị có tiệm đồng hồ Vinh Phát. Ngã tư Trần Hưng Đạo và Trưng Trắc đi thẳng hướng về công viên Trần Hưng Đạo, kỷ niệm lắm... Ở góc này từ photo Tây Hồ và đi thẳng vô chợ theo đường Trưng Trắc là tiệm cơm Tuấn Ký, và Cư Ký. Có những hôm ông Ngoại đi uống cà phê sáng, hai ông cháu ghé tiệm nước Cư Ký. Tiệm sáng bán điểm tâm cà phê lót dạ. Bán trưa đến chiều tối là nhà hàng bán cơm hải sản đông đúc thực khách, cuối tuần mùa hè, xếp hàng như xem phim Titanic nhé. Tôi mê món cá mú dá hấp gừng (rock cod), món cá hồng lăn bột chiên xù sốt cà (snapper), canh gà rong biển bổ hơn sữa ong chúa, queen bee, hay nhau cá hồi cả vạn lần hơn,... Ngoại tôi ít ăn sáng, môt cup xây chừng cà phê đen, một miếng bánh ngọt nhỏ là xong. Koo tui kêu một jumbo bánh bao, xong chưa đã kẽ răng, Ngoại dặn cháu ăn cho no rồi đi tắm biển koo tui nạp thêm dĩa xíu mại cùng cặp dầu cháo quẩy. Mà thật vậy, khi ta đói bụng yếu sức ra gặp sóng biển nhấp nhô coi chừng hải bá kéo chân cuốn trôi sẽ nguy to, chưa kể yếu sức mà gặp ngữ như mấy con cá mập trắng nhe răng jaw cười duyên ta sẽ tiêu tùng. Coi vậy chớ khi đi bơi 2, 3 tiếng bụng lại đói meo. Hiệu ứng Pavlov khi bao tử biểu tình, đánh bò cạp. Tuổi 13 của Nguyên Sa đấy ! Nam thực hơn hổ... Ngày nay nhớ Ngoại, nhớ ông chủ Cư Ký, muốn ăn mode xưa, bà nhà và cha toubib "primary care doc" cho tu huýt ngay "béo như sumo cần giảm cân!", thuở xua ở với Ngoại chả bao giờ bắt ta kiêng khem diet cả, 9PM ông cháu hóng gió trên sân thượng với thao xí quách của ông xe mì Nhật Ký, thêm chai la de Con Cọp Lớn, ôi đã làm sao nhỉ ?

Nhớ thêm ngã tự Trần Hưng Đạo và Trưng Trắc có tiệm sách báo Quốc Hiệp, có cô gái phụ mẹ trông hàng sách, cô bán sách xinh xắn, một petite fille như bóng mát của tiệm sách, cô Quốc Hiệp như cô Thuỵ Lan và Khánh Lan, bán sách, đọc sách, chữ nghĩa vô nhiều nay là nhà văn. Tôi ghé qua hàng sách ngày xưa, không biết là để mua sách, hay để ngắm sách hay ngắm cô Hiệp, em ơi....

Hiệp à, những sách ngày xưa em giới thiệu, có thể là tư tưởng tương đồng: "Et un jour, la fille aux livres est devenue la femme qui les écrivait" (And one day, the girl with the books became the woman writing them); hay "Un jour, tu seras l'auteur préféré de quelqu'un" (Someday you’re going to be someone’s favorite author). Cám ơn Hiệp một thuở ngày xưa Vũng Tàu.


Chợ Vũng Tàu với nhà sách Quốc Hiệp gần nhà Ngoại.

Lời cuối, xin gởi về quê ngoại, trích "Cá: Tâm Tinh và Kỷ Niệm", Việt Hải Los Angeles:

"Quê ngoại tôi ở Vũng Tàu mà quê nội lại ở tỉnh Tây Ninh, nên ngày xưa khi hè về anh em chúng tôi được luân phiên chia làm 2 tốp, nếu tốp này về thăm nội, tốp kia thăm ngoại, như thế hoán chuyển mỗi mùa hè khi được bãi trường hay nghỉ học. Cả hai địa danh này đều cho tôi nhiều kỷ niệm êm đềm đáng nhớ về sông rạch, về biển cả và cá, đặc biệt cá có râu whiskers. Tôi còn nhớ những ngày hè trước năm 75, khi quân đội đồng minh Mỹ và Úc đến vùng biển Vũng Tàu, thì nơi đây có sinh hoạt kinh tế rất sinh động, phồn thịnh và tấp nập. Ở tuổi trẻ thích vui khi được về Cấp, tôi theo ông ngoại tôi ban đêm ra Cầu Đá trước Ty Bưu Ðiện ở bãi trước Vũng Tàu câu cá đến khuya 1 hay 2 giờ sáng. Miệt biển có loại cá dứa tương tự như cá bông lau sông rất ngon. Thú câu đêm rất vui, hai ông cháu đèo nhau trên xe gắn máy ra biển. Để phòng cái lạnh về khuya tôi nhớ tôi trang bị cho mình chiếc quần blue jean dầy và khoác áo xanh lá cây treillis thật ấm của quân đội Hoa Kỳ những lần câu đêm như vậy. Sau khi thả mồi nhìn biển cả xa xa tâm hồn thư thái, an nhàn vô cùng, gió biển vào hè mát lạnh khi trời càng về khuya, thỉnh thoảng tôi ngó phao xem có cá cắn câu chưa. Ðèn pha của ngọn hải đăng từ trên núi thỉnh thoảng quạt một vệt sáng trên trời, không trung có hàng triệu vì sao lấp lánh, những tinh tú ẩn hiện tận chân trời xa xăm cho thấy vũ trụ thật bao la. Giựt mình trong phút giây mộng mị vì cá lớn đã cắn câu và run mạnh cần, tôi vội xoay nhanh ghì cần kéo cá lên. Ồ, một chú cá dứa thật to. Có hôm ông cháu chúng tôi câu đựơc bốn, năm con cá dứa và nhiều cá mú đá màu xám hay mú lửa màu đỏ, rồi có hôm có cá ngộ halibut rất ngon. Bà ngoại tôi nấu ăn rất khéo. Bà nấu canh súng cá dứa, cá dứa chưng tương hoặc cá dứa kho me. Tôi không biết món canh súng tiên khởi phát xuất từ tỉnh nào, nhưng chỉ biết nhà ngoại tôi thường ăn món này. Trong nước lèo nêm canh súng có tương đen (hoisin sauce), đậu phọng rang giã nhỏ, xã băm, hành hương, tỏi phi và nêm thêm gia vị căn bản nước mắm, đường. Các loại rau độn có bạc hà, ngó sen chẻ cọng, giá và rau ngò om. Những khứa cá dứa thật ngon và béo ngậy. Tôi cũng được nghe về loại cá ngát, một giống whiskers nhưng lại sống ở vùng nước lợ ranh giới của nước sông và nước biển như Bà Rịa hay Cát Lở. Tựu trung thì Vũng Tàu vẫn cho tôi nhiều kỷ niệm, nhưng thú câu cá về đêm vẫn hấp dẫn tôi nhiều hơn cả..."

Xin cám ơn Vũng Tàu quê ngoại, kỷ niệm quê hương, địa danh có cô giáo Hải Minh, Kim Phượng Studio và Quốc Hiệp bookstore, many many more. All and all make a beautiful memory in mine...

Again forever,

VHLA


Nhà Ngoại ngay cây xanh đầu tiên, kế Kim Phượng Photo.

(*): Phụ đính:

Người viết rất vui dã nhận được bài thơ của Đại Lão thi nhân Mã Lão Sơn, 97 tuổi vẫn làm thơ, nhảy rumba, bolero nhịp nhàng, và tango chách chùm mỗi cuối tuần. Ông vốn người Gò Công, nhưng bỏ vài con tim nơi đất Vũng Tàu.

Notes: Bạn Trần Việt Hải đã hỏi "Ai ơi có nhớ Vũng Tàu"?. Tôi xin trả lời

NHỚ VŨNG TÀU

Vũng Tàu,
Một góc quê hương thân thương đã mất
Làm sao tôi quên được Vũng Tàu xưa:
Bãi Trước, bãi Sau, bãi Dâu, bãi Dứa
Nhớ mũi Nghinh Phong, nhớ ánh Hải đăng
Núi lớn, núi Nhỏ , nhớ những quán ăn
Bãi Trước,quán Tầm Dương ai cũng biết
Ở bãi Sau có quán bà Hồng Phượng.
Trên bốn mươi năm rời bỏ quê hương
Tôi còn nhớ mắm ruốt bà Giáo Thảo
Thời thế đổi thay, thế thời điên đảo
Bạn Vũng Tàu xưa kẻ mất, người còn
Kỷ sư Châu Minh Ba và bà Cirnos(1)
Kẻ ở Florida, người ở Cali
Ðại Tá Kinh đã vĩnh viễn ra đi (2)
Ðai Tá Tạo đã ra người thiên cổ (3)
Tôi xa Vũng Tàu bao mùa lá đổ
Hôm nay bổng nghe nhắc đến Vũng Tàu
Lòng bâng khuâng buồn, thương nhớ biết bao!

Hoa Ðô 15-11-2020, Washington, DC.
Trần Công/Lão Mã Sơn

(1) Bà Trần Thị Kim Anh, Chủ nhà Hàng Cyrnos, và là Nghị viên Thị xã Vũng Tàu.
(2)- Ðại Tá Nguyễn Văn Kinh, Chỉ Huy Trưởng Trường Quân Cảng Vũng Tàu, và Chỉ Huy Trưởng ngành Quân Cảnh Quân lực VNCH cho đến ngày mất nước.
(3) Ðại Tá Nguyễn Văn Tạo, Chỉ Huy Trưởng Trường Truyền Tin, và Thị Trưởng Vũng Tàu .


Tác giả Việt Hải Los Angeles.