Chim Việt Cành Nam
Trở về
Trang chủ
Tác giả
Busselton - Western Australia

Tôn Nữ Thu Nga

Chúng tôi đến Busselton trong buổi sáng nắng vàng ấm áp. Không cần vội vã vì biết rằng đây là một thành phố nhỏ, dân số chừng 38,000 (2018), chúng tôi sẽ có nhiều thời giờ ngắm cảnh và khám phá ra các nét đặc biệt của Busselton.

Busselton tuy gọi là thuộc về miền Tây của Australia, nhưng vị trí thật đúng là tận cuối vùng tây nam. Busselton được biết danh nhờ bãi biển khuất gió và những đàn cá voi xuất hiện theo mùa. Busselton chỉ xa Margaret River 50km. Margaret River là một vùng trồng nho nổi tiếng, thêm vào đó có hãng bia và nhiều cửa hàng thủ công nghệ để quyến rủ du khách. Du thuyền lớn thường ngưng lại tại Busselton, đưa khách vào bờ bằng thuyền nhỏ (tender boat). Nếu có ai muốn đi Margaret River thường tới Busselton trước rồi đi chơi các vùng phụ cận bằng xe du lịch.


Bãi biển Busselton Cầu tàu

Từ ngoài khơi, nhìn vào Busselton, tôi thấy bãi biển Busselton cát trắng với hàng cây xanh như cảnh bãi biển Nha Trang ngày xưa. Quang cảnh thoáng đãng, yên bình như những buổi chiều tôi về lại thành phố, sau ngày cắm trại và tắm biển ngoài đảo Hòn Tre. Cầu tàu Busselton dài gần 2km., xây dựng từ năm 1864, là cầu tàu bằng gổ dài nhất của vùng nam bán cầu. Từ chân cầu, tôi thấy các thuyền buồm đủ màu theo gió căng buồm, từ từ tiến ra biển sâu. Vì không chuẩn bị máy ảnh khi ấy, tôi rất tiếc đã không thâu nhận được cảnh an thái, tươi vui này. Trên cầu, một chiếc xe lửa nhỏ nhưng khá dài chạy chầm chậm, ngộ nghĩnh như đồ chơi, chở du khách ra đầu cầu để quan sát sinh vật biển và san hô. Sau khi lên được cầu tàu, thấy du khách sắp hàng dài quá nên chúng tôi bỏ cuộc để dành thời giờ đi thăm thành phố.


Figtree lane shopping center


Fig tree

Đi ra khỏi công viên Busselton Jetty, chúng tôi lên chiếc xe tour bus, không phải trả tiền vì được đài thọ bởi chính phủ. Xe chạy quanh thành phố, thỉnh thoảng ngừng xuống trạm để khách lên xuống. Người tài xế chỉ cho chúng tôi các trạm và dặn chúng tôi nhớ đến đó nếu muốn trở về. Sau khi chạy hết một vòng quanh thành phố, chúng tôi xuống xe tại Figtree Lane, một khu bán hàng nhỏ. Đi vòng quanh ngắm nghía hàng hóa thủ công nghệ, quần áo..sau khoảng 20 phút tôi bèn rủ ông xã vào quán cà phê bánh ngọt, ngồi trên cái bàn lộ thiên, dưới bóng cây vả khổng lồ, chúng tôi đùa giỡn với những chú chim biển háu ăn và quan sát khách bộ hành, phần đông là người địa phương. Thời tiết ấm áp, gió nhẹ mơn man rung rinh cành lá, khu vực này tuy là khu buôn bán nhưng rất yên lặng và thanh bình.

Muốn tìm hiểu thêm về sinh hoạt nơi đây, chúng tôi vào tiệm Woolworths, đi quanh nhìn hàng hóa và giá cả, xem xét có gì khác lạ hơn xứ mình không? Sau 10 phút chúng tôi ra khỏi tiệm vì chẳng kiếm được cái gì khác lạ và thích thú cả. Bước vào tiệm thuốc tây bên cạnh, tiệm này ngoài thuốc ra, cũng có nhiều vật dụng linh tinh như những tiệm thuốc nhỏ tại California. Thấy tôi mua một ống dầu nóng để thoa bóp cái đầu gối tội nghiệp của mình, bà dược sĩ giới thiệu một loại khác, theo ý bà thì tốt hơn, rẻ hơn; sản xuất tại địa phương mà chính bà cũng hay dùng. Tánh tình người Úc dể thương và tốt lành như vây làm tôi rất cảm động.


Tiệm ăn Việt

Ra khỏi tiệm thuốc tôi chợt thấy một tiệm ăn Việt nam, tên là "Phố Sài Gòn". Tôi bèn gọi Tuấn: Hôm nay mình đi "Phố Sài Gòn". Anh đang ngơ ngác thì tôi chỉ cho anh tiệm ăn bên kia đường. Hớn hở nắm tay nhau, chúng tôi băng qua đường để đi "kéo ghế".

Vào tiệm, ngồi xuống bàn, không thấy có người chào đón hoặc đưa thực đơn mà sau quầy chỉ có một phụ nữ trung niên người địa phương đang bày biện từng hộp thức ăn, dọn dẹp đồ đạc và tính tiền. Nhiều khách bước vào, trả tiền nhận thức ăn mang đi. Tôi bước lên hỏi thì ra mình phải tự lấy thực đơn, chọn món ăn, trả tiền, chờ chốc lát sẽ có người trong bếp mang ra. Trong cuộc đàm thoại, tôi thấy có anh làm trong bếp cứ nhìn mình và mĩm cười. Khi thấy tôi đang kiếm thêm tiền lẽ để trả, anh chạy ra, bảo cô ta đừng lấy thêm tiền nữa. Thì ra đó chính là anh chủ tiệm, người Việt Nam. Anh tên Hội, cùng gia đình đến từ trại tỵ nạn Galang 2, Indonesia vào năm 1992, được qua Úc và định cư tại Tây Úc từ đó. Anh rất vui mừng khi gặp chúng tôi. Xứ này ít du khách Việt vì thành phố rất nhỏ, gặp người Việt chúng tôi cảm thấy thật vui.

Hôm nay chúng tôi được ăn phở và gỏi cuốn. Sau này mới biết tiệm được đánh giá gần 5 sao và người địa phương rất thích. Hèn chi thực khách khá đông, nhiều gia đình người Úc đem theo trẻ con. Những đứa trẻ này ăn thức ăn Việt thật giỏi, cha mẹ không cần bắt ép, nài nỉ chi cả.


Hình trên tường đường Prince - Busselton, Western Australia

St. Mary Anglican Church

Ăn xong, ra khỏi tiệm, tôi thấy có một cửa hàng tên là "The reject shop". Vì tò mò, tôi chạy vào xem, thấy cũng gần giống như các "outlet" bên Mỹ.

Tại địa điểm chờ xe bus, tôi đi quanh, chụp ảnh các hình vẽ trên tường cùng quang cảnh phố trước khi xe đến. Lần này tôi chú ý nhiều hơn đến nhà cửa và phong cảnh thành phố. Xe chạy qua công viên, dọc theo dòng sông nhỏ, có một nhà thờ bằng đá xinh xắn gọi là St. Mary Anglican Church, xây năm 1840, là nhà thờ cổ nhất trong vùng Western Australia.

Về lại công viên Jetty, tôi lại đi lòng vòng kiếm chổ nghỉ ngơi và cơ hội chụp ảnh. Có một khu vực triển lãm xe cổ và chợ lộ thiên, tôi đi quanh, ngắm những thổ sản thủ công của dân địa phương đang bày bán, chuyện trò với họ và mua quà cho các cô con gái thân yêu của mình.

Tôi vào thăm tòa án xưa, xây năm 1860 nay chỉ dùng để thăm viếng, và thêm tòa nhà trưng bày đá quý, xương thú và đồ thủ công nghệ. Đây là trụ sở của Busselton Art Society. Ngoài sân có pho tượng đồng của một người đàn bà đang mang bầu, y phục xưa, xách một bọc sách, đứng bên cái rương, dường như đang đón chờ cổ xe ngựa nào đó. Pho tượng đẹp và buồn, gợi nhớ một quá khứ xa xôi.

Trong công viên sát biển, tôi chụp lại các hình vẽ trên tường, màu đen trắng của họa sĩ Jack Bromell, những con chim trắng loanh quanh kiếm ăn dưới bóng cây và lủ trẻ chơi đùa trong nắng. Trên bãi cát trắng tinh người nghỉ ngơi, kẻ đùa chơi trong nước. Những người tắm biển chỉ quanh quẩn trong vùng lưới an toàn để đề phòng nạn cá mập.

Busselton Jetty

Trên chiếc thuyền "tender boat" trở về lại du thuyền lớn, tôi leo lên tầng cao, mong tìm các thuyền buồm để chụp ảnh. Buồn thay, tôi không còn thấy chiếc thuyền buồm nào nữa.

"Thời gian tựa cánh chim bay...qua dần những tháng cùng ngày." (Hoài cảm - Cung Tiến"). Ngày qua và tôi cũng trôi theo về bến mới.

Tôn Nữ Thu Nga
San Dimas, August 19th. 2020.
Ảnh tư liệu của Tôn Nữ Thu Nga