Chim Việt Cành Nam
Trở về
Trang chủ
Tác giả
Adelaide 
- South Australia

Tôn Nữ Thu Nga

Chúng tôi đến Adelaide ngày 18 tháng hai, 2020. Adelaide là thủ phủ của tiểu bang South Australia, thành phố đông dân hàng thứ năm của nước Úc, thành lập năm 1836. Adelaide cách Melbourne 406 dặm về hướng tây bắc. Hiện tại, Adelaide được chú ý nhiều vì thường xuyên tổ chức những cuộc lễ lạc, tranh giải thể thao. Thành phố có nhiều cơ quan công quyền, kinh tế, công xưởng và giáo dục.
 
Nhà ga Adelaide
Trạm xe Outer Harbor

Hôm nay, sau điểm tâm, chúng tôi rời du thuyền, đi bộ qua trạm xe lữa. Vé khứ hồi đi từ Outer Harbor đến trung tâm thành phố khoảng 10 Úc kim cho khách du lịch. Người già cư dân Úc khỏi trả tiền nhưng nếu người tàn tật dưới tuổi hưu trí cũng phải trả nữa giá. Thời gian xe chạy vào phố chừng 40 phút, băng qua làng mạc, phố xá, nên ngồi ngắm cảnh cũng thấy vui. Có một đoạn xe băng qua cầu, dòng sông Adelaide trong xanh có bến thuyền với những con thuyền trắng thật đẹp. Nhà cửa dọc theo đường tàu trông sạch sẽ khang trang, cây cối xanh tươi, công viên có sân chơi trẻ con xinh xắn.

Ra khỏi trạm xe lữa, chúng tôi hướng về phía tay phải đường North Terrace. Đi lang bang ngắm các tòa kiến trúc tân thời như các trung tâm văn hóa, viện bảo tàng, trường đại học, bệnh viện (Royal Adelaide Hospital); các tòa nhà kiến trúc tối tân. Xa hơn chút nữa là "South Australian Health and Medical Research Institude", một công trình xây dựng đặc biệt để nghiên cứu và thí nghiệm y khoa, được nhiều chuyên viên lừng danh thế giới tham dự.

Tại North Terrace, chúng tôi đi quanh các con đường nhỏ, thích thú chụp ảnh các hình vẽ trên những bức tường, hình nào cũng rực rỡ sắc màu. Chúng tôi chụp hình cho nhau và với nhau, vui cười như hai đứa trẻ.

Tại góc đường Fenn Place, chúng tôi đi vào phía sau của trường đại học Adelaide, các tòa nhà nội trú kiến trúc mới mẻ, tân kỳ, có nhiều tiệm ăn ngoài trời cho khách, đa số là sinh viên. Đang phân vân không biết nên ăn trưa nơi nào, tôi bổng dưng ngửi ra mùi phở thơm lừng đâu đây. Nhìn quanh tôi không thấy có tiệm Việt nào cả nên tôi lần mò đi tìm. Ngang qua một căn phố không tên, cửa đóng kín mít nhưng mùi vị phở bay ra thật nồng nàn. Tôi mở cửa, thò đầu vào xem, thì ra đây là một căn phòng bếp, có bốn năm người đang vớt xương từ những thùng nước lèo thật lớn. Tôi hỏi một anh có dáng dấp Việt Nam cửa chính ở đâu để chúng tôi vào ăn trưa? Anh bảo rằng đây là chổ nấu xúp cung cấp cho các tiệm phở trong phố chứ không phải tiệm ăn. Thất vọng, chúng tôi kiếm đường đi ra phố lại.

Adelaide convention center and South Australian Health and Medical Research Institute

Chúng tôi theo đường Hindley quay về lại hướng nhà ga. Hindley là một trong những con phố chính náo nhiệt, buôn bán; nơi vãng lai của du khách. Dọc đường chúng tôi lại ngừng chân và chụp nhiều hình vẽ rất nghệ thuật trên các vách tường lớn. Hai bên phố xá tấp nập, quán rượu, tiệm áo quần, sách vỡ, trang hoàng nhà cửa, đồ lưu niệm, tiệm thuốc tây, tiệm ăn và đặt biệt nhất là rất nhiều tiệm đấm bóp. Chưa bao giờ tôi được thấy các tiệm đấm bóp tụ họp lại một con đường nhiều như nơi đây: tiệm này kiểu Thái, tiệm kiểu Nhật, tiệm kiểu Tàu v.v., chỉ cần đi vài bước là thấy một tiệm tẩm quất. Chúng tôi tìm tiệm phở ăn trưa và nghĩ chân.

May mắn thay, thấy tiệm phở Phonatic Vietnamese Restaurant gần đó, chúng tôi vui sướng bước vào.

Tiệm trang hoàng dễ thương, có những lồng đèn Hội An, cành hoa đào khoe sắc, và đẹp nhất là các hình vẽ trên tường. Có những tấm hình diễn tả đám dân tỵ nạn bằng thuyền. Dọc theo hành lang có tấm hình, to bằng người thật một cô học trò áo trắng đạp chiếc xe đạp mini của thời đầu thập niên 1970. Bức tường phía sau có hình một ngõ hẻm, màu sắc linh động với các hàng ăn vệ đường, mấy chiếc xe Honda dựng bên lề và hình ảnh người đàn bà đang đạp xe với chồng nón lá sau lưng. Điểm đặc biệt nhất làm tôi xúc động vô ngần là vì trong hình có bảng hiệu tiệm "Nha Trang Bánh Mì" cuối con đường.

Nha Trang là nơi tôi sống 15 năm thanh bình và sung sướng của tuổi học trò, dưới tình yêu thương bảo bọc của gia đình, và tình bạn bè thân thương qua thời tiểu học, trung học rồi Đại Học Cộng Đồng Duyên Hải. Biển là nguồn sống, nguồn thơ, nguồn yêu thương của đời tôi. Không có nơi nào chứa nhiều kỹ niệm như những năm tháng sống tại Nha Trang. Hỏi ra tôi mới biết chủ tiệm là người Xóm Bóng, một làng chài trướcTháp Bà Thiên Y Ana. Cô ta còn trẻ, rất bặt thiệp và duyên dáng. Tôi cảm động như được gặp lại linh hồn Nha Trang, dù chỉ là một khoảng khắc nơi xứ lạ quê người. Phở tiệm này ngon, xoa dịu tâm hồn và xoa dịu luôn cái bụng thèm hương vị quê hương, sau mấy ngày ăn trên du thuyền.

Từ giả cô chủ nhỏ, chúng tôi vòng qua Adelaide Central Market. Tôi mua một cái mũ che nắng rồi lội bộ về nhà ga.

Mặc dầu thời gian chu du tại Adelaide không dài, nhưng thành phố này cũng cho chúng tôi những kỷ niệm thật êm đềm. Kề bên nhau, chúng tôi lim dim ngái ngủ, nghỉ mệt trong tiếng rầm rập đều đều của tàu chạy trên đường sắt. Nhà cửa, cây cối, công viên lướt qua nhanh chóng, bỏ lại sau lưng thành phố Adelaide. Lại thêm một thành phố xa xôi trong đời mà tôi giã từ với nhiều tiếc nuối. Như ngày xưa tôi đã ra đi và bỏ lại Nha Trang thân ái của mình!

Tôn Nữ Thu Nga
San Dimas, August 18, 2020

Ảnh tư liệu của Tôn Nữ Thu Nga