Chim Việt Cành Nam
 Trở về
Trang chủ
Tác giả
Trò đùa nghịch ở Normandie

Truyện ngắn của 
Guy De Maupassant (1850-1893)
Thân Trọng Thủy dịch

Tặng A. de Joinville
Đám cưới dài dằng dặc trên con đường thấp lè tè phủ bóng mát từ những hàng cây cao ở bờ dốc các trang trại. Đôi tân hôn đi đầu rồi đến cha mẹ, khách mời và người nghèo trong vùng, cuối cùng là bọn trẻ con. Chúng lượn quanh đám rước như những con ruồi, hoặc chen vào giữa hàng hay leo lên cành cây để nhìn cho rõ.

Chú rể là một anh chàng bảnh trai tên là Jean Patu, chủ trại giàu nhất vùng. Nhưng trước hết đó là một anh thợ săn cuồng nhiệt, say mê săn bắn đến độ sẵn sàng tiêu những khoản tiền lớn cho chó săn, toán gác, cho chồn sương và súng ống mà không cần tính toán.

Cô dâu, Rosalie Roussel, đã được khá nhiều đám ở các vùng lân cận ngấp nghé dạm hỏi vì họ thấy cô xinh đẹp, và họ biết cô có của hồi môn đáng kể, nhưng cô chỉ chọn Patu, có lẽ vì anh nầy được lòng cô hơn, hay đúng hơn, theo thói suy tính hơn thiệt của người Normandie, là vì anh có nhiều tiền.

Khi đoàn người qua khỏi cổng rào để vào trại của chú rể thì nghe bốn mươi tiếng súng nổ nhưng không thấy ai bắn cả vì họ núp kín dưới hào. Nghe tiếng súng mọi người vui vẻ co duỗi tay chân trong những bộ áo quần mặc đi dự tiệc. Chợt trông thấy một tên hầu sau gốc cây, Patu liền bỏ mặc vợ nhảy xổ đến giành lấy súng bắn một phát rồi nhảy cẫng lên như một chú ngựa non.

    Đoàn người tiếp tục đi dưới hàng cây táo tây trĩu trịt quả, qua đám cỏ cao, giữa bầy bê đang giương mắt nhìn, chúng chậm rãi đứng thẳng dậy, rồi hướng mỏ vế phía đám cưới.

Lúc đến gần tiệc, bọn đàn ông sửa lại dáng vẻ tề chỉnh. Những người giàu đội mũ cao bằng lụa sáng chẳng hợp thời gì cả, số người khác đội những chiếc mũ trùm đầu cũ kỹ có lông dài mà người ta nói là làm bằng da chuột chũi, còn thường dân thì đội nón lưỡi trai.

Phụ nữ thì khoác khăn quàng thả xuống lưng, đầu khăn thả xuống cánh tay rất đúng kiểu cách. Màu đỏ sặc sỡ sáng chói của những chiếc khăn nầy dường như làm cho bọn gà mái đen trong chuồng, những chú vịt ở bờ ao và lũ chim bồ câu trên mái tranh rất ngạc nhiên.

Màu xanh ruộng đồng, màu xanh của cỏ cây hình như thắm tươi hơn do ảnh hưởng của màu đỏ sặc sỡ kia, hai màu sắc nầy đứng gần bên nhau càng làm chói mắt dưới nắng trưa như thiêu như đốt.

Trang trại rộng lớn đang nằm chờ dưới kia, ở cuối vòm mấy cây táo tây. Khói thoát ra từ cửa chính và các cửa sổ mở toang của căn nhà rộng lớn mang theo mùi thức ăn hăng hắc bốc lên từ mọi khe hở và từ những vách tường.k

Như một con rắn, khách mời nối tiếp nhau tiến vào trong sân. Những người đi đầu khi vào đến bên trong nhà thì tách ra tứ phía trong lúc những người còn ở bên ngoài vẫn đang bước qua cổng chắn. Lúc nầy bọn trẻ con và những kẻ tò mò đã nhảy hết xuống hào và tiếng súng vẫn tiếp tục đồng loạt nổ khắp nơi, tỏa vào không khí hơi thuốc súng hòa với mùi thức ăn khó chịu như mùi ngải đắng.
Trước cửa, phụ nữ phủi bụi trên áo, tháo dải mũ, cởi khăn choàng cầm tay và bước vào nhà cất hết mấy đồ trang sức nầy vào một nơi.

Bàn ăn đặt giữa gian bếp rộng lớn, chứa đủ trăm người. Họ ngồi vào bàn lúc hai giờ. Đến tám giờ họ vẫn còn ăn. Đàn ông cởi áo ngoài, chỉ mặc áo sơ mi, mặt đỏ gay, họ uống như hũ chìm. Rượu táo màu vàng tươi tắn, bắt mắt, lóng lánh và rực rỡ, rót trong những chiếc cốc lớn, bên cạnh rượu vang màu đỏ sẫm như máu.

Sau mỗi món ăn, người ta châm thêm một cốc rượu mạnh nặng đô hơn để làm nóng cơ thể và quay cuồng đầu óc.

Thỉnh thoảng có một thực khách say bí tỉ, bước ra bụi cây gần đó để đi giải rồi trở vào, con mắt vẫn còn thấy đói.

Các bà chủ trại mặt đỏ bừng, khó thở, áo căng ra như những quả bóng, cái nịt ngực chèn thân người ra làm đôi, phía trên và phía dưới phồng lên.

Vì ngượng nên họ chỉ ngồi yên chịu trận. Nhưng có một bà bối rối hơn mấy bà kia nên vội vã đứng dậy ra ngoài, và thế là tất cả lập tức bước theo. Khi trở vào, họ vui vẻ hơn, hớn hở hơn và bắt đầu đùa cợt sống sượng.

Từ bàn nầy đến bàn kia, mọi người tha hồ thốt ra những lời thô tục  về đêm tân hôn. Kho trí tuệ của nông dân đã cạn kiệt. Từ trăm năm nay những lời nói thô lỗ lúc nào cũng ở trên cửa miệng họ trong những dịp như vậy và mặc dù ai nấy đều chẳng lạ gì nhưng những câu nói trên vẫn còn đủ sức gây nổ những trận cười khắp hai dãy khách mời.

Một ông già tóc hoa râm lên tiếng kêu gọi: “Du khách đi Mézidon lên xe nào!” và mọi người la hét vui vẻ.

Ở cuối bàn tiệc, bốn gã láng giềng vừa chuẩn bị vài trò nghịch ngợm để trêu chọc cô dâu chú rể. Họ vừa dậm chân vừa thì thầm, dường như họ đã tìm được trò đùa hay ho nào đó. Một gã trong bọn thừa lúc bàn tiệc đang yên lặng, nói lớn: “Đêm nay trăng sáng thế kia, mặc sức bọn săn trộm sẽ lộng hành. Ê Jean, cậu sẽ không ra ngoài rình trăng chứ?”

Chú rể bất ngờ quay lại:

  _”Bọn săn trộm ư? Cứ để cho chúng đến!”

  Gã kia phá lên cười:

 _”Chúng dám đến lắm chứ! Nhưng cậu đâu có thể vì thế mà bỏ dở công việc của cậu được nhỉ!”

Cả bàn tiệc lắc lư vì vui nhộn, nền nhà rúng động, ly cốc rung rinh.

Nghĩ đến việc người ta có thể lợi dụng hôn lễ để săn trộm trong đất của mình, chú rể nổi giận:

 _" Tôi đã nói rồi, cứ để cho chúng đến."

Tức thì những câu chọc ghẹo ập đến như mưa, khiến cô dâu jđỏ mặt và run rẩy vì đợi chờ.

Khi đã uống hết mấy thùng rượu, mọi người đi ngủ. Hai vợ chồng son vào phòng của họ ở tầng trệt, giống như mọi phòng khác của trang trại. Do thời tiết hơi nóng nực nên họ mở cửa sổ và kéo màn cửa xuống. Một ngọn đèn vô vị - quà của cha cô dâu – thắp sáng trên chiếc tủ có ngăn kéo, và chiếc giường đã sẵn sàng đón nhận đôi tân hôn đang không muốn cái ôm hôn đầu tiên của họ phải tuân thủ các nghi lễ của dân thành thị.

Cô vợ trẻ đã cởi mũ và áo dài. Cô để nguyên váy, tháo dây giày trong lúc Jean vừa hút xong điếu xì-gà và đang liếc nhìn cô.

Anh nhìn vợ bằng cặp mắt long lanh đầy ham muốn ít yêu thương vì anh thèm cô nhiều hơn là yêu cô. Bỗng, bằng một động tác đột ngột, như một người bắt tay vào làm một việc gì, anh cởi nhanh áo quần.

Nàng đã tháo giày xong, đang cởi bít tất. Rồi nàng nói với chồng bằng giọng thân mật như lúc còn nhỏ: “Cậu tới nấp ở đằng kia để tớ lên giường nằm”.
Jean ra dấu từ chối, rồi anh đi tới đằng kia với vẻ mặt ranh mãnh, anh núp mình nhưng thò đầu ra ngoài. Nàng cười, muốn che mắt anh lại rồi họ đùa giỡn với nhau rất tình tứ và vui vẻ, không hề e thẹn hay ngượng ngùng gì cả.

Cuối cùng Jean chịu thua. Thế rồi trong tích tắc nàng cởi luôn chiếc váy thả tuột xuống cuộn tròn quanh hai bàn chân. Nàng để mặc cái váy nằm nguyên như vậy, bước qua nó, trần truồng trong chiếc áo ngủ rộng thùng thình rồi lăn vào giường khiến lò xo kêu ken két.

Anh chồng lập tức sà đến, đi chân đất, vẫn còn mặc quần, và ngay lúc anh cúi xuống tìm đôi môi vợ đang trốn dưới gối thì một tiếng súng vang lên từ xa, hình như từ phía rừng Rapées.

Anh lo lắng đứng dậy, bực bội chạy đến cửa sổ kéo màn lên

Trăng chiếu ánh sáng vàng vọt xuống sân. Bóng những cây táo tây tạo thành những mảng tối dưới gốc và đằng xa là cánh đồng lúa chín sáng loáng.

Khi Jean nghiêng người ra ngoài cửa sổ để lắng nghe tiếng xào xạc trong đêm tối thì hai Trò đùa nghịch ở Normandie từ sau vòng qua cổ anh và vợ anh kéo anh lui thì thầm: "Mặc kệ nó anh, không liên quan gì đến mình, lại đây!"

Anh quay lại nắm lấy nàng, ôm ghì nàng, vuốt ve nàng qua làn vải mỏng rồi, bằng đôi tay lực lưỡng, anh bế nàng vào giường.

Ngay lúc anh đặt nàng lên giường khiến chiếc giường sệ xuống, một tiếng nổ khác vang lên, nghe gần hơn.

Jean nổi giận chửi thề: "Mẹ kiếp! Chúng nó tưởng vì em mà anh không ra à? Đợi đấy! Đợi đấy!"

Anh mang giày, với tay lấy khẩu súng mà anh vẫn để ngay tầm tay và mặc cho cô vợ quỳ gối cuống cuồng van xin, anh thoát nhanh ra cửa sổ nhảy xuống sân.
Nàng chờ một tiếng, hai tiếng, cho đến rạng sáng. Chồng nàng không trở về. Nàng cuống lên, đánh thức cả nhà, báo cho mọi người biết việc Jean giận dữ đuổi theo bọn săn trộm.

Lập tức kẻ hầu người hạ và cả bọn trai tráng đổ xô đi tìm chủ nhân của họ. Họ tìm thấy anh cách trang trại hai dặm, tay chân bị trói, rất tức giận, khẩu súng bị gãy, quần ống thấp ống cao, trên cổ vắt ba con thỏ chết và trước ngực mang tấm biển:

“Ai đi săn sẽ mất chỗ” (1)

Về sau, khi thuật lại chuyện đêm tân hôn đó, anh ta nói thêm:

  _ "Ồ! Về khía cạnh đùa nghịch thì đó là một chuyện đùa nghịch hay. Bọn đểu giả ấy nhốt tôi trong một cái bẫy như một con thỏ. Chúng còn lấy bao trùm đầu tôi lại. Ngày nào tôi tóm được chúng thì chúng sẽ biết tay tôi!"

Ở Normandie trong những dịp hôn lễ, người ta thường đùa nghịch như vậy đó.
______________

(1): Câu ngạn ngữ “Qui va à la chasse, perd sa place” có nguồn gốc từ Kinh Thánh. Sách Sáng Thế (Cựu Ước) có thuật một câu chuyện gian trá xẩy ra trong một gia đình bốn người: Isaac (người cha), Rebecca (người mẹ), Esau (con trai trưởng) và Jacob (con trai thứ). Lúc bấy giờ nạn đói xẩy ra khắp nơi làm chết rất nhiều người. Một hôm Esau đi săn về tay không. Anh đói. Khi anh bước vào nhà thì người em là Jacob đang nấu ăn. Để cứu anh qua cơn đói, Jacob đồng ý cho Esau ăn nhưng với điều kiện là Esau phải nhường quyền thừa kế cho nó, nghĩa là quyền được thừa hưởng mọi của cải của gia đình. Esau không còn lựa chọn, đành chấp nhận. Người cha không hề biết gì về cuộc thương lượng đó.Thế rồi sau đó người cha lâm bệnh nặng, mù mắt. Ông gọi Esau đến để ban phúc lành trước khi chết. Nhưng trước khi làm lễ xức dầu thánh, ông muốn Esau đi săn một con thú. Lợi dụng lúc Esau bận đi săn, bà mẹ (Rebecca) vốn thiên vị Jacob nên lập mưu để Jacob đoạt quyền thừa kế. Bà bảo Jacob làm thịt một con dê nhỏ trong bầy dê của gia đình rồi cải trang làm Esau để lừa cha. Người cha vì mù nên đã trao quyền thừa kế cho Jacob mà ông tưởng là Esau. Khi Esau đi săn về anh mới biết là em mình đã cướp mất chỗ (địa vị) của mình: Ai đi săn sẽ bị mất chỗ!

Thân Trọng Thuỷ dịch 
từ nguyên bản " Farce normande "
của Guy de Maupassant